Tin khắp nơi – 16/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/07/2017

Hoãn bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ

về dự luật chăm sóc y tế

Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng ông sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu theo thủ tục về một dự luật của đảng Cộng hòa đã sửa đổi về chăm sóc y tế.

Thông báo của ông McConnell được đưa ra tiếp sau tin cho hay các bác sĩ đã khuyên Thượng nghị sĩ John McCain ở lại Arizona trong một tuần, sau khi ông có cuộc phẫu thuật hôm 15/7 để loại bỏ cục máu đông trên mắt trái của ông.

Trong một tuyên bố, ông McConnell nói: “Elaine và tôi, cùng với toàn thể gia đình Thượng viện, chúc ông John điều tốt đẹp nhất và chúc ông nhanh chóng bình phục. Trong khi ông John bình phục dần, Thượng viện sẽ tiếp tục công việc về các vấn đề lập pháp và các đề cử, và sẽ hoãn xem xét Đạo luật Chăm sóc Tốt hơn”.

Việc ông McCain vắng mặt ở Thượng viện có sự chênh lệch không đáng kể giữa hai phe khiến cho cuộc bỏ phiếu về dự luật chăm sóc y tế gặp bất lợi lớn.

Phe Cộng hòa tại Thượng viện cần 50 phiếu loại bỏ một rào cản về thủ tục. Họ nắm 52 ghế tại Thượng viện, nhưng hai thượng nghị sĩ – Rand Paul của bang Kentucky và Susan Collins của bang Maine – đã nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho dự luật.

https://www.voatiengviet.com/a/hoan-bo-phieu-o-thuong-vien-my-ve-du-luat-cham-soc-y-te/3946350.html

 

Vụ Trump Jr. gặp người Nga,

truyền thông ‘bóp méo dân chủ’?

Tổng thống Donald Trump tung ra những lời công kích truyền thông Mỹ hôm 16/7, cáo buộc họ “BÓP MÉO DÂN CHỦ” khi họ đưa tin về cuộc gặp giữa con trai cả của ông hồi năm ngoái với một luật sư người Nga. Con trai ông đã nghĩ rằng luật sư đó sẽ trao cho ông ấy những thông tin buộc tội bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Trump đã bảo vệ con trai là Donald Trump Jr., người đã gặp bà Natalia Veselnitskaya vào tháng 6/2016. Ông Trump Jr đã gặp bà ta sau khi được một nhân vật trung gian thông báo rằng bà là một luật sư của chính phủ Nga và sẽ cung cấp cho ông ấy thông tin, việc này là một phần trong sự ủng hộ của Moscow dành cho ông Trump để đánh bại bà Clinton.

Trong một ý kiến đăng trên Twitter, ông Trump nói: “Bà Hillary Clinton có thể nhận một cách bất hợp pháp các câu hỏi cho cuộc tranh luận và xóa 33.000 email, thế nhưng con trai tôi, Don, lại đang bị Giới Đưa tin Thất thiệt khinh miệt?”

Ý ông Trump nói đến những email mà bà Clinton đã xóa khỏi máy chủ cá nhân của bà khi còn là bộ trưởng ngoại giao và việc bà được cho biết về một câu hỏi trước một cuộc tranh luận với một đối thủ đảng Dân chủ ở thời điểm vài tháng trước diễn ra cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 mà bà đã thua ông Trump.

Ông Trump khẳng định: “Với tất cả những thứ như các nguồn tin giả mạo không nêu tên và đưa tin thiên lệch, thâm chí gian dối, #Tin thất thiệt ĐANG BÓP MÉO DÂN CHỦ!”

Hiệp hội Phóng viên Chuyên trách Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ lời công kích của ông Trump, họ nói rằng, “Báo chí tự do và độc lập quả thật rất quan trọng đối với nền dân chủ”.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-trum-jr-gap-nguoi-nga-truyen-thong-bop-meo-dan-chu/3946296.html

 

Mức độ ủng hộ Trump suy giảm

Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy mức độ ưa thích tổng thống Hoa Kỳ đã giảm kể từ mùa xuân.

Trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Washington Post và ABC, tỷ lệ ủng hộ chung dành cho ông Donald Trump đã giảm từ 42% trong tháng 4 xuống còn 36%. Trong khi đó, tỷ lệ không ủng hộ của ông tăng 5%, đạt mức 58%. Trong số đó, 48% nói rằng họ “rất không ủng hộ” chất lượng làm việc của tổng thống. Washington Post cho rằng cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama đã không bao giờ bị đánh giá tương tự, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ôngGeorge W. Bush cũng đã bị đánh giá như vậy trong nhiệm kỳ 2.

Gần một nửa dân số Mỹ, 48%, cho rằng vị thế của nước này trên thế giới đã xấu đi khi Tổng thống Trump nắm quyền, trong khi đó, 27% nói vị thế của Mỹ hiện mạnh hơn.

48% người Mỹ, khi được hỏi cụ thể về việc ông Trump đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết họ “hoàn toàn” không tin tưởng ông Trump.

Về mặt tích cực, các ý kiến về những đề xuất kinh tế của ông Trump khá cân bằng, với 43% người được hỏi ủng hộ và 41% không ủng hộ. Ông Trump cũng được hưởng lợi từ quan niệm cho rằng Đảng Dân chủ chẳng có gì khác ngoài việc chống đối Tổng thống.

https://www.voatiengviet.com/a/muc-do-ung-ho-trump-suy-giam/3946256.html

 

Iran kết án công dân Mỹ 10 năm tù vì tội ‘xâm nhập’

Một tòa án Iran đã kết án một công dân Mỹ 10 năm tù giam vì tội “xâm nhập”, theo phát ngôn ngành tư pháp của Iran hôm 16/7.

Thứ trưởng Tư pháp Gholamhossein Mohseni Ejeie nói trong một cuộc họp báo được tường thuật trên truyền hình: “Người đó đã bị các lực lượng tình báo xác định danh tính và bắt giữ. Tòa đã kết án người đó 10 năm tù”.

Tên của người bị kết án không được công bố. Ông Ejeie nói thêm rằng người này có hai quốc tịch, Mỹ và một quốc gia khác không nêu tên.

Iran đã bắt giữ và kết án một số người có hai quốc tịch là công dân của Hoa Kỳ, Anh, Áo, Canada, và Pháp về các tội danh cả gián điệp và cộng tác với các chính phủ thù địch.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-ket-an-cong-dan-my-10-nam-tu-vi-toi-xam-nhap/3946229.html

 

Người phụ nữ đầu tiên và duy nhất

đoạt ‘Nobel Toán học’ qua đời

Maryam Mirzakhani, giáo sư Đại học Stanford, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất giành Huy chương Fields trong lĩnh vực toán học, đã qua đời ở tuổi 40.

Đại học Stanford cho biết bà Mirzakhani qua đời hôm thứ Bảy. Bà bị ung thư vú. Trường không cho biết bà qua đời ở đâu.

Bà Mirzakhani sinh ra ở Iran. Bà lấy bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Harvard vào năm 2004 và giảng dạy tại Đại học Princeton trước khi về Stanford làm giáo sư toán học vào năm 2008.

Bà được trao tặng Huy chương Fields vào năm 2014. Giải thưởng này được coi là tương đương với Giải Nobel vốn không bao gồm lĩnh vực toán học.

Stanford cho biết công trình nghiên cứu của bà tập trung vào những phức tạp hình học và phức tạp động của các bề mặt cong như hình cầu và hình bánh donut.

​Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani nói rằng “sự ra đi đầy đau buồn” của bà Mirzakhani là “nỗi bất hạnh lớn,” truyền thông nhà nước đưa tin.

Ông Rouhani ca ngợi “sự ưu tú chưa từng thấy của nhà khoa học đầy sáng tạo và của con người khiêm tốn này, người đã làm cho cái tên Iran vang vọng trên các diễn đàn khoa học thế giới, (và) là một bước ngoặt trong việc thể hiện ý chí lớn lao của phụ nữ và thanh niên Iran trên con đường hướng tới những đỉnh cao vinh quang … trên nhiều vũ đài quốc tế.”

Hiệu trưởng Stanford Marc Tessier-Lavigne gọi bà Mirzakhani là một lý thuyết gia xuất sắc với những cống hiến trường tồn và truyền cảm hứng cho hàng ngàn phụ nữ theo đuổi toán học và khoa học.

Bà Mirzakhani ra đi để lại chồng và một người con gái.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-phu0nu-dau-tien-va-duy-nhat-doat-nobel-toan-hoc-qua-doi/3945727.html

 

Vật giá ở Qatar tăng vọt vì cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh

Doha, Qatar. (Reuters)- Cuộc khủng hoảng ngoại giao đang tiếp diễn đã làm tăng giá sinh hoạt vốn đắt đỏ tại Qatar trong tháng này.

Qatar đang phải đối phó với tình trạng bế tắc, vì bị một số quốc gia láng giềng vùng Vịnh phong toả. Hồi tháng qua, Qatar rơi vào tình thế nan giải khi phải đối đầu với cuộc phong toả của 4 quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh là Saudi Arabia, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain. Ngày 5 tháng 6 vừa qua, 4 quốc gia này loan báo sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận để trừng phạt Qatar vì lý do mà họ cho rằng Doha tài trợ cho khủng bố.

Từ đó cho đến nay, người dân Qatar đã phải chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, loại hàng hoá dễ bị tác động và tuỳ thuộc vào các phương tiện vận chuyển. Giá các loại thực phẩm đều tăng sau khi các chuyến bay đi và đến Qatar bị đình chỉ. Chỉ có sữa là sản phẩm vẫn còn giữ được giá cũ nhờ được hưởng trợ cấp của chính phủ.

Mặt khác, kể từ khi các quốc gia lân bang tại vùng Vịnh của Qatar huỷ bỏ các chuyến bay đến Qatar, du khách chỉ có thể đến nước này từ một quốc gia đệ tam. Vì vậy mà thời gian của cuộc hành trình kéo dài, và giá vé tăng cao. Giá vé từ Qatar đến Dubai của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trước đây chưa tới 400 đồng Qatar, nay tăng gấp 4 hoặc 5 lần. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/vat-gia-o-qatar-tang-vot-vi-cuoc-khung-hoang-tai-vung-vinh/

 

6 nữ sinh Afghanistan dự cuộc thi robot,

2 lần bị từ chối visa đã đến Hoa Kỳ

Washington D.C, Hoa Kỳ.- Sáng hôm qua 15/07, tất cả các thành viên của nhóm dự thi robot Afghanistan đã đặt chân đến Washington, nhờ sự can thiệp của tổng thống Trump vào phút chót.

Họ đã hai lần bị từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ. Nhóm này gồm 6 cô gái và người tháp tùng đã rời quê nhà ở Heart, Afghanistan và hoàn tất chuyến đi vào lúc nửa đêm để tham dự cuộc thi robot trong 3 ngày dành cho các học sinh trung học, bắt đầu từ hôm nay 16/07 tại thủ đô Washington D.C.

Đặc phái viên Hoa Kỳ và là đại sứ Afghanistan- Hamdullah Mohib- chờ họ tại cổng phi trường Dulles, coi đây là những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của các công dân đến từ quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh. Theo ông, sự có mặt của các cô gái chứng minh cho cả thế giới và đất nước cô thấy rằng, không ai có thể ngăn cản họ bước vào sân chơi bình đẳng, và trở thành một thành viên năng nổ của cộng đồng quốc tế.

Trường hợp của các cô gái này làm bùng phát cuộc tranh cãi liên quan lệnh cấm họ nhập cảnh Hoa Kỳ của tổng thống Trump. Sự can thiệp của cá nhân tổng thống Trump hôm đầu tuần được coi là một biện pháp tạm tha đối với các cô gái, đã hai lần từ nhà đi ngang qua khu vực bị Taliban kiểm soát để đến Kabul, nhưng đều bị khước từ visa nhập cảnh Hoa Kỳ. Mặc dù phía Hoa Kỳ không công bố nguyên nhân hai lần bác visa của họ, nhưng Mohib nói rằng có vẻ như người ta lo ngại các cô gái sẽ không quay trở về Afghanistan.

Các cô gái sẽ tham dự cuộc thi cùng với các đối thủ từ 150 quốc gia, với những con robot màu xanh và cam, biết đặt các quả bóng vào vị trí chính xác. Các cộ gái cũng sẽ tham dự buổi khoản đãi tại tòa đại sứ Afghanistan ở Hoa Kỳ, với sự tham dự của những người ủng hộ việc đưa họ đến lãnh thổ Hoa Kỳ. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/6-nu-sinh-afghanistan-du-cuoc-thi-robot-2-lan-bi-tu-choi-visa-da-den-hoa-ky/

 

TT Duterte thừa nhận

Mỹ cung cấp vũ khí cho Philippines chống khủng bố

Minh Anh

Sau những tràng chửi rủa nhắm vào Hoa Kỳ, tổng thống Rodrigo Duterte cuối cùng thừa nhận là Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho chính phủ Philippines để chống lại quân khủng bố Maute tại thành phố Marawi. Tờ Philippine Star Global ngày 16/07/2017 cho biết như trên.

Trước sự hiện diện của các nhà ngoại giao tại thành phố Davao, hôm thứ Sáu 14/07/2017, tổng thống Philippines giải thích vì sao Manila không thể tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự mới nào, viện dẫn hiệp ước quân sự lâu đời giữa Mỹ và Philippines, có từ mấy thập niên qua.

Ông nói: “Tôi không thể tham gia vào liên minh quân sự với những quốc gia khác được bởi vì như vậy tôi sẽ vi phạm thỏa thuận Mỹ – Phi. Chúng tôi vẫn sẽ ở lại với người Mỹ. Vậy điều gì làm tôi lo ngại ư? Quý vị biết rằng tôi có nghĩa vụ phải thực hiện. Như tôi đã nói… nghĩa vụ của tôi là phải bảo toàn và bảo vệ đất nước Philippines”.

Ông Duterte còn cho rằng Philippines cũng cần đa dạng hóa nguồn cung thiết bị quân sự. Do đó, ngoài Hoa Kỳ, còn có thêm Trung Quốc, cũng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Manila. Tổng thống Philippines không loại trừ khả năng mua vũ khí từ Nga, hay từ nhiều nguồn cung khác. Tuy nhiên, tổng thống Duterte lưu ý hỗ trợ vũ khí từ Nga và Trung Quốc không có các điều kiện ràng buộc đi kèm.

Tư pháp Philippines yêu cầu truy tố hình sự cựu tổng thống Aquino

Hãng tin AP ngày 14/07/2017 cho biết viện công tố chuyên trách chống tham nhũng của Philippines yêu cầu truy tố hình sự cựu tổng thống Benigno Aquino III, cho là ông có liên đới trách nhiệm trong cuộc xung đột với phiến quân Hồi Giáo năm 2015, làm thiệt mạng 44 cảnh sát.

Công tố viên Conchita Carpio Morales cáo buộc ông Aquino đã lạm quyền và tham nhũng, cho phép cảnh sát trưởng lúc bấy giờ Alan Purisima, vốn dĩ đã bị đình chỉ công tác vì tội tham nhũng, nắm giữ một vai trò tích cực trong chiến dịch lớn đó, dẫn đến việc chỉ trong vòng một ngày làm thiệt hại một lượng lớn nhân lực bằng nhiều năm gộp lại.

Chiến dịch cảnh sát lúc bấy giờ được lệnh tiêu diệt Zulkifli bin Hir, một nghi phạm Malaysia hàng đầu bị Hoa Kỳ truy nã từ lâu. Số cảnh sát thiệt mạng lớn trong chiến dịch đã khiến công luận phẫn nộ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170716-tt-duterte-thua-nhan-my-cung-cap-vu-khi-cho-philippines-chong-khung-bo

 

Venezuela :

Phe đối lập tổ chức trưng cầu dân ý về Quốc Hội Lập Hiến

Phe đối lập Venezuela hôm nay 16/07/2017 tổ chức trưng cầu dân ý về dự án Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Nicolas Maduro, về vai trò của lực lượng vũ trang cũng như về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Có khoảng 2.000 phòng phiếu trên khắp cả nước. Phe đối lập hy vọng sẽ có 20 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Nhưng đây chỉ là cuộc trưng cầu dân ý mang tính tượng trưng vì không thông qua Hội đồng bầu cử quốc gia.

Từ Caracas, thông tín viên RFI Julien Gonzalez cho biết thêm về cuộc trưng cầu dân ý :

« Mục đích của cuộc bỏ phiếu không chính thức rất rõ ràng : gia tăng sức ép lên tổng thống Maduro khi chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.

Những người giữ vị trí chủ chốt trong phe đối lập nhắc đi nhắc lại là chủ nhật này họ chờ đợi có hàng chục triệu người dân Venezuela đi bỏ phiếu vì cần có đông đảo dân chúng tham gia thì đó mới là một cuộc trưng cầu dân ý. Vào tháng 12/2015, phe đối lập đã chiến thắng rộng rãi trong cuộc bầu cử Quốc Hội nhờ tập hợp được hơn 7 triệu rưỡi cử tri. Vào chủ nhật hôm nay, phe đối lập hy vọng cũng làm được tốt như lần trước, thậm chí là tốt hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế của đất nước ngày càng suy thoái.

Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý lần này chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhưng một số người dân Venezuela lại nhìn thấy sự phục thù, bởi vì phe đối lập năm ngoái đã cố gắng để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để phế truất tổng thống Maduro … nhưng chính quyền vẫn chưa cho phép tổ chức.

Đối mặt cuộc bỏ phiếu hôm nay mà phe đối lập gọi là « hành động bất tuân dân sự lớn nhất của loài người », tổng thống Nicolas Maduro khẳng định rằng « tất cả các đảng phái chính trị đều có thể tổ chức lấy ý kiến nội bộ », trước khi ông nói rõ là kỳ bỏ phiếu lần này không có giá trị hợp pháp bởi vì không phải do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170716-venezuela-phe-doi-lap-to-chuc-trung-cau-dan-y-ve-quoc-hoi-lap-hien

 

Mỹ muốn thúc đẩy nhanh

thủ tục trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp

Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã coi cuộc đấu tranh chống nạn nhập cư bất hợp pháp là một ưu tiên và ông vẫn muốn thực hiện dự án xây tường ở đường biên giới chung với Mêhicô.

Nhưng trước mắt, bộ An Ninh Nội Địa muốn giảm số trại đón tiếp những người nhập cư mới. Do vậy, Washington đang chuẩn bị một dự luật cho phép trục xuất ngay lập tức những người nhập cư trái phép mới vào Mỹ dưới ba tháng.

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình:

«Trong cuộc thảo luận không chính thức và chưa từng có với báo chí, trong tuần qua, Donald Trump đã đưa ra một ý tưởng mới về bức tường biên giới mà ông vẫn muốn xây ở khu vực biên giới với Mêhicô.

Sau khi bày tỏ ý định là bức tường này được gắn các tấm bảng điện mặt trời, giờ đây, nguyên thủ Mỹ lại muốn là bức tường này trong suốt. Và ông giải thích: nếu như những tên buôn lậu ma túy ném những chiếc túi nặng đến 30 ký mà không nhìn thấy, không biết có ai ở bên kia biên giới, thì một số người muốn nhập cư lậu có thể bị túi rơi vào đầu và như vậy thì nạn nhân có thể thiệt mạng.

Trong khi chờ đợi nâng cao hàng rào biên giới, chính quyền Mỹ đang soạn thảo những biện pháp mới để chống người nhập cư lậu.

Theo một tài liệu được báo Washington Post tiết lộ, bộ An Ninh Nội Địa mong muốn tạo thuận lợi và đẩy nhanh các thủ tục trục xuất. Từ năm 2004, một văn bản đã cho phép trục xuất ngay lập tức những người bị bắt nếu như họ nhập cư trái phép vào Mỹ chưa được 14 ngày và nơi bị bắt cách biên giới không quá 160 km. Biện pháp mới dự tính thời hạn nhập cư trái phép không quá 90 ngày và ở bất kể nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Các tổ chức bảo vệ người nhập cư đương nhiên phản đối mạnh mẽ sự thay đổi này vì biện pháp mới có thể đe dọa cả các thủ tục xin tị nạn. Thế nhưng, chính quyền Mỹ muốn tỏ ra cứng rắn và tư pháp phải hoạt động quá tải. Từ đầu 2017 đến nay, đã có 534 ngàn trường hợp nhập cư trái phép đang chờ xử lý».

Donald Trump bổ nhiệm một cố vấn tư pháp đặc biệt

Liên quan đến vụ điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo bổ nhiệm ông Hogan Lovells, cựu thẩm phán liên bang làm cố vấn tư pháp đặc biệt cho Nhà Trắng.

Theo báo chí Mỹ, ông Hogan Lovells, đồng sáng lập một văn phòng luật sư ở Washington, sẽ phối hợp cùng với các đồng nhiệm tư nhân phụ trách biện hộ cho tổng thống Mỹ trong vụ tai tiếng Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ và những nghi vấn thông đồng giữa những người thân cận của ông với Matxcơva.

Quyết định bổ nhiệm này được đưa ra sau một tuần lễ đầy xáo động do những tiết lộ về cuộc gặp giữa người con trai cả, Donald Jr với một nữ luật gia người Nga ngay giữa chiến dịch vận động tranh cử năm 2016.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170716-my-muon-thuc-day-nhanh-thu-tuc-truc-xuat-dan-nhap-cu-bat-hop-phap

 

Mạng lưới buôn bán ngầm của Bắc Triều Tiên

Trung Quốc đóng vai trò trung gian quan trọng cho phép Bắc Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu để lách các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do phát triển chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo.

Qua rồi tuần trăng mật giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì Bắc Kinh tiếp tục tạo điều kiện cho trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên với thế giới. Bằng chứng là trao đổi mậu dịch giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tiếp tục tăng, thêm 37% trong quý I năm 2017, theo thẩm định của Mỹ.

Washington tức giận và sẵn sàng đơn phương gia tăng trừng phạt đối với chế độ Kim Jong Un, bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán của Bắc Triều Tiên. Cuối tháng 06/2017, Hoa Kỳ đã trừng phạt Ngân hàng Đan Đông (Bank of Dandong) của Trung Quốc vì đã thực hiện các giao dịch cho Bình Nhưỡng.

Theo bài viết của tác giả Julie Zaugg, được đăng trên website Le Temps (13/07/2017) của Thụy Sĩ, nếu như một phần hoạt động trao đổi giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là hợp pháp, như xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu sang Bắc Triều Tiên, thì nhiều hoạt động khác lại vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được đưa ra năm 2006 và lần lượt được tăng cường.

Để tiếp tục chương trình nguyên tử, Bắc Triều Tiên nhập khẩu aluminium và uranium, cũng như một số bộ phận mà nước này không sản xuất được. Bình Nhưỡng cũng xuất khẩu giấy bạc giả mệnh giá 100 đô la, thuốc lá giả, ma túy đá (methamphetamine), hoặc đánh cắp dữ liệu để đòi tiền chuộc và bán vũ khí cho nhiều nước, trong đó có Syria, Iran, Miến Điện, Cộng hoà Dân chủ Congo và Eritrea.

Mạng lưới công ty bình phong

Thế nhưng, các luồng tài chính liên quan đến các hoạt động này “được tiến hành thông qua một hệ thống phức tạp gồm các công ty bình phong và ngân hàng mà phần lớn nằm ở Trung Quốc, nhằm mục đích xóa nhòa nguồn gốc và điểm đến của các nguồn tiền”, theo như ghi nhận của David Thomson, thuộc tổ chức phi chính phủ C4ADS chuyên phân tích các loại trao đổi kiểu này.

Nhiều trường hợp gần đây chứng minh cho nhận định này. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ngày 11/08/2016, một con tầu có tên Jie Shun đã bị chính quyền Ai Cập chặn. Trên tầu có 132 tấn vũ khí, trong đó có 30.000 quả lựu đạn và súng phóng lựu đạn PG-7. Tất cả đều được sản xuất tại Bắc Triều Tiên và dường như đang trên đường đến Syria hoặc Liban. Con tầu được một người Trung Quốc mang tên Phạm Mẫn Điền (Fan Mintian) khai thác. Nhân vật này cũng sở hữu công ty hàng hải Dalian Sea Glory, từng bán các bộ phận tên lửa Bắc Triều Tiên cho Miến Điện vào năm 2011.

Về chủ nhân con tầu Jie Shun, cuộc điều tra của tổ chức C4ADS cho biết đó là công ty Hồng Kông Vast Win Trading Ltd, thuộc sở hữu của bà Tôn Tư Hồng (Sun Sihong), công dân Trung Quốc, cùng hùn vốn với một người Hoa khác tên là Tôn Tư Đông (Sun Sidong). Ông Tôn Tư Đông lại là chủ của doanh nghiệp Dandong Dongyuan Industrial. Tháng 06/2016, chính công ty Dandong Dongyuan Industrial đã xuất sang Bắc Triều Tiên 790.000 đô la thiết bị truyền thông được dùng trong hệ thống điều khiển tên lửa đạn đạo.

Trong một trường hợp khác được tiết lộ vào tuần trước, tư pháp Mỹ đã tịch biên các tài khoản của công ty Trung Quốc Dandong Zhicheng Metallic Material và bốn công ty con bình phong của công ty này trong tám ngân hàng Mỹ và châu Âu, trong đó có HSBC, Deutsch Bank, Standard Chartered và JPMorgan Chase. Theo kết quả của các nhà điều tra Mỹ, Dandong Zhicheng Metallic Material là một trong số các công ty trung gian chính được Bình Nhưỡng sử dụng để xuất khẩu than và đã thực hiện nhiều giao dịch cho chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.

Tháng 09/2016, tư pháp Mỹ cũng đã bắt đầu thủ tục tố tụng nhắm vào một doanh nghiệp Trung Quốc Dandong Hongxiang Industrial Development (DHID). Vụ việc này cũng góp phần cho thấy cách thức được Bắc Triều Tiên tận dụng nước láng giềng để kinh doanh. Công ty DHID đã thành lập 22 công ty bình phong ở Hồng Kông, Seychelles, quần đảo Virgin của Anh và xứ Wales để kín đáo khai thác một đội tầu chuyên xuất-nhập khẩu hàng hóa cho Bắc Triều Tiên, như đường, phân bón, xe hơi hoặc than.

Nhập alumin để phát triển máy ly tâm làm giầu uranium

Năm 2015, công ty DHID giao cho chính quyền Bình Nhưỡng ô-xít nhôm (alumin), một chất được dùng để phát triển các máy ly tâm làm giầu uranium. Theo đơn kiện của chính quyền Mỹ, trước đó, tháng 03/2013, công ty này cũng tìm cách mua phân urê từ một doanh nghiệp Thụy Sĩ thông qua trung gian của một công ty có tên Fully Max Trading và đăng ký trên quần đảo Virgin của Anh. Ông David Thomson, thuộc tổ chức C4ADS phát hiện ra trường hợp này, cho biết : “Tiền cho các thương vụ này được trung chuyển qua các tài khoản được mở dưới tên của các công ty bình phong trên tại các ngân hàng Trung Quốc”.

Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất giúp đỡ Bình Nhưỡng. Trong một vụ bắt giữ vũ khí của Cuba trên đường đến Bắc Triều Tiên vào năm 2013, tất cả hóa đơn đều do công ty hàng hải Chinpo của Singapore thanh toán. Bà Sandy Baggett, cựu biện lý Singapore tham gia cuộc điều tra, cho biết : “Công ty Chinpo chủ yếu hoạt động như là tài khoản ngân hàng của chế độ Bắc Triều Tiên”. Từ năm 2009 đến 2013, công ty này đã thực hiện 605 giao dịch cho Bình Nhưỡng với tổng số tiền là 40 triệu đô la.

Trong quá khứ, Josef Schwartz, nhà bán tầu hạng sang người Áo, và Nigel Cowie, một người làm trong ngành ngân hàng Anh, đều đóng vai trò như các nhà trung gian cho Bình Nhưỡng. Tương tự còn có Banco Delta Asia, một công ty ở Macao mà các tài khoản ngân hàng bị tư pháp Hoa Kỳ phong tỏa vào năm 2005.

Thụy Sĩ cũng góp phần xây dựng hệ thống tài chính ngầm của Bắc Triều Tiên. Năm 2010, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết Ngân hàng Thương mại và Đầu tư Geneve và Banca Commerciale de Lugano có một tài khoản ủy thác của ngân hàng Korea United Development Bank. Năm 2009, một điện tín ngoại giao do WikiLeaks công bố khẳng định chi nhánh tại Geneve của ngân hàng Lloyds TSB quản lý một tài khoản ủy thác của Tanchon Commercial Bank, một nhánh tài chính của Komid, công ty xuất khẩu vũ khí Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170714-mang-luoi-buon-ban-ngam-cua-bac-trieu-tien