Nhật Ký Biển Đông: Ô. Trump Sẽ Trụ Ở Biển Đông
Đào Văn Bình
BBC News tiếng Anh ngày 6/7/2017 loan tin một phụ nữ Hoa Kỳ, Cô Emily Lance đã đứng đái vào lá cờ Hoa Kỳ trong buồng tắm, thu hình rồi phổ biến trên Facebook trong dịp người dân kỷ niệm Lễ Độc Lập. Hiện cô đang nhận được những lời đe dọa giết và hãm hiếp. Dĩ nhiên với Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đốt quốc kỳ, xé quốc kỳ, đạp lên quốc kỳ hay đái lên là một hình thức của tự do ngôn luận. Tây Phương đang phải đối phó với nạn sử dụng quyền tự do cá nhân điên rồ, quá trớn. Biết vậy mà cấm không được vì đây là các xứ tiêu biểu cho dân chủ, tự do tuyệt đối trên hành tinh này.
Chúng ta còn nhớ sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo (Paris) thủ tướng Anh Cameron lúc bấy giờ nói rằng tự do ngôn luận không có giới hạn. Nói tóm lại, trong cái thế giới Ta Bà đầy mâu thuẫn và biến dịch từng giây, từng phút này, trương ngọn cờ nào sẽ chết vì ngọn cờ ấy. Đề cao tự do dân chủ sẽ chết vì dân chủ, tự do quá trớn. Đề cao độc tài sẽ chết vì độc tài bóp nghẹt. Chỉ có Trung Đạo (Middle Way) là tồn tại thôi. Thế nhưng khổ một nỗi “Trung Đạo” lại bị Tây Phương chê là “ba phải”. Đối với Tây Phương cái gì cũng phải ở cực điểm, cái gì cũng phải “tuyệt đối”. Bao nhiêu thế kỷ nay, Tây Phương đã thắng và thống trị toàn thế giới với triết lý “Cực Dương” tức mạnh về vũ khí và vật chất và lý tưởng hóa mọi vấn đề. Thế nhưng trong cõi đời vô thường này, không bao giờ có Tuyệt Đối. Theo Đức Phật và theo Lão Tử, đi tìm Tuyệt Đối là rớt vào mê lầm. Nói tóm lại, mọi thứ Tuyệt Đối đều chết. Tuyệt đối độc tài (chuyên chính) chết đã đành, mà tuyệt đối dân chủ, tuyệt đối tự do, tuyệt đối Từ Bi, tuyệt đối Bác Ái cũng đều chết. Tất cả mọi thứ cứ “vừa vừa, phai phải” là tồn tại. Dây đàn căng quá thì đứt, còn chùng quá thì không ra tiếng. Đất nước khắc nghiệt quá, dân chúng sẽ bỏ đi. Đất nước quá tự do sẽ đưa tới tình trạng vô chính phủ (anarchy), đồi trụy và tan rã.
Giữa tin tức kỳ quái đó, Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Bảy ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-CNN ngày 2/7/2017: “ Qatar nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ hậu quả nào khi thời hạn cuối cùng của yêu sách do Ả Rập Sê-út, Ai Cập và Bahrain đưa ra đáo hạn vào ngày 3/7/2017. Trong chuyến du hành tới Rome vào 1/7/2017, ngoại trưởng Qatar nói với các phóng viên rằng yêu sách đưa ra chỉ để bác bỏ mà thôi. Qatar không sợ bất cứ hậu quả nào. Danh sách 13 điều kiện để chấm dứt cô lập Qatar bao gồm: đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera do chính phủ tài trợ và giảm liên hệ với Ba Tư. Ngoại trưởng Ả Rập Sê-út nói rằng những yêu sách này là bất khả thương lượng. Ba quốc gia trên còn tố cáo Qatar trợ giúp khủng bố và gây bất ổn trong vùng Vịnh Ba Tư & Aden.” Theo CNN ngày 12/7/2017, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Tillerson đã gặp gỡ các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, quyền thủ tướng Kuwait và cố vấn an ninh quốc gia Anh. Ba quốc gia đã ra bản công bố kêu gọi chấm dứt nhanh cuộc khủng hoảng qua đối thoại.
Theo tôi đây là một sự áp bức chính trị giống như thời thực dân, đế quốc, ỷ mạnh hiếp yếu:
-Tôi và anh đều là các quốc gia có chủ quyền. Anh muốn ngoại giao với ai tùy anh, miễn không nguy hại tới nền an ninh của nhau là được. Anh có quyền gì cấm tôi chơi với nước này, nước kia. Bộ tôi là thuộc địa của anh sao?
-Nếu anh không thích hãng thông tấn Al Zazeera thì anh có quyền phản đối nhưng không có quyền bắt tôi phải đóng cửa.
-Anh nói tôi hỗ trợ khủng bố nhưng chính anh (Saudi Arabia) đã dung chứa và tài trợ khủng bố đánh vào Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 mà quốc hội Hoa Kỳ phải ban hành một đạo luật cho phép các nạn nhân kiện đòi bồi thường.
Theo Henry Jackson Society (Anh Quốc), Saudi Arabia bị cáo buộc là đã chi tiêu tới 4 tỉ Mỹ Kim mỗinăm trên toàn thế giới để xúc tiến việc giải thích kinh điển Hồi Giáo khiến trợ lực cho chủ nghĩa bạo động mà đa số tiến vào Anh Quốc. Các quốc gia nào có người Hồi Giáo dù là Đông Nam Á, sau khi hành hương Mecca, Saudi Arabia, nghe những lời thuyết giảng của các giáo sĩ ở đây, coi chừng có thể trở thành các người Hồi Giáo cực đoan (Islamic Militants). Hiện nay Việt Nam có khoảng 70,000 người theo Đạo Hồi sống hòa thuận với dân tộc nhiều thể kỷ qua. Thế nhưng một khi bị bứng khỏi Trung Đông, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể nhắm tới các quốc gia có người Hồi Giáo sinh sống như Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Ngày nay nước nào cũng khuyến khích du lịch cho nên khủng bố dễ dàng đi bất cứ nơi đâu và khi có tiền thì có thể làm bất cứ chuyện gì.
Xin nhớ cho, tôn giáo cực đoan đẻ ra giáo sĩ cực đoan. Giáo sĩ cực đoan đẻ ra tín đồ cực đoan. Tín đồ cực đoan là mầm mống của đánh bom tự sát, chặt đầu, thiêu sống và những giáo luật vô cùng khắc nghiệt. Một biểu hiện dễ thấy của tôn giáo cực đoan là: Tìm đủ mọi cách để bành trướng và luôn cho tôn giáo mình là “Number One”, còn các tôn giáo khác chỉ là tà đạo, ngoại đạo hay dị giáo.
-AFP ngày 3/7/2017: “Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu các cường quốc không tìm được phương thức giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Triều Tiên khiến đi tới ngoài tầm kiểm soát. Đại Sứ Liu Jieyi phát biểu như vậy sau khi Tổng Thống Donald Trump nói chuyện với Chủ Tịch Tập Cận Bình qua điện thoại.” Vào ngày 4/7/2017, theo AP, Nga và Trung Quốc đưa ra đề nghị hầu giảm căng thẳng trên Bán Đảo Triều Tiên là Bình Nhưỡng tạm hoãn chương trình hạt nhân và thử hỏa tiễn, trong khi đó Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tự chế không tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn. Theo AFP ngày 6/7/2017: “Vào ngày hôm nay 6/7/2017, Nga đã ngăn chặn một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi phải có biện pháp thỏa đáng/thích nghi để đáp lại việc Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa. Phái đoàn Nga nói rằng chưa xác định được loại phóng đi là hỏa tiễn liên lục địa.” Theo Financial Review ngày 9/7/2017, “Nga và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để ngăn chặn một bản công bố về Bắc Triều Tiên của G-20 tổ chức tại Hamburg, Đức Quốc khiến Úc Đại Lợi và các quốc gia khác tức giận vì đã nỗ lực đưa ra bản công bố này để lên án Bắc Triều Tiên. Nga và Trung Quốc lập luận rằng G-20 không phải là một cuộc đối thoại về an ninh.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga và Hoa Lục là hai quốc gia có chung biên giới với Bắc Triều Tiên và cũng là hàng rào che chắn/vùng trái độn cho hai quốc gia này. Nếu họ có liên minh với nhau để bảo vệ Bắc Triều Tiên thì cũng chi là chuyện rất bình thường. Nếu Bắc Triều Tiên nằm xa tít ngoài khơi thì đã chết với Mỹ từ lâu lắm rồi. Đó chỉ là hệ quả của định luật Địa Lý Chính Trị (Geopolitics) mà thôi.
-AP ngày 4/7/2017: “Thủ Tướng Iraq hôm nay chúc mừng quân đội đã tạo chiến thắng lớn tại Mosul cho dù cuộc chiến với Nhà Nước Hồi Giáo tại Cổ Thành Mosul vẫn tiếp diễn, nơi mà binh sĩ chính phủ chỉ còn cách bờ Sông Tigris khoảng 250 thước và đối đầu với cuộc đề kháng dữ dội.” Theo New Yorker ngày 9/7/2017, Thủ Tướng Iraq tuyên bố đã “giải phóng” hoàn toàn Mosul và Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq đã bị đánh bại.
-AFP ngày 8/7/2017: “Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, hộ tống bởi hai khu trục hạm, lần đầu tiên ghé Hương Cảng như để phô trương sức mạnh quân sự sau cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Tập Cận Bình.”
Câu hỏi đặt ra là chừng nào HKMH này tiến vào Biển Đông? Đây là dấu hiệu cho thấy hải quân của Hoa Lục đã thực sự có khả năng tiến vào các đại dương. Khi bạn thủ đắc HKMH, có nghĩa là bạn có khả năng tấn công các nước ở xa bằng hải quân và ngăn chặn hải quân địch từ xa.
-Bloomberg News ngày 13/7/2017: “Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý trả 2.5 tỉ Mỹ Kim để mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 tối tân nhất của Nga trong một thỏa thuận cho thấy Thổ muốn tách rời khỏi đồng minh quân sự NATO đã gắn bó với Thổ hơn sáu mươi năm.”
Thật lạ đời! Mình là đồng minh quân sự của một khối mà lại đi mua vũ khí của “kẻ thù” của khối, điều đó mang ý nghĩa gì? Rõ ràng Thổ muốn từ từ tách khỏi sự kiềm tỏa của Tây Phương (NATO và Mỹ) để theo đuổi một chính sách ngoại giao riêng, chưa biết như thế nào. Nếu mất Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí của Hoa Kỳ và NATO sẽ suy yếu tại khu vực Trung Đông và Ả Rập. Được Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ phá vỡ thế phong tỏa của NATO dùng Thổ để ngăn chặn Hải Quân Nga từ Hắc Hải tiến vào Địa Trung Hải.
-Newsweek ngày 14/7/2017: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa chấp thuận có thể bán cho Lỗ Ma Ni hệ thống hỏa tiễn phòng thủ trị giá 3.9 tỉ Mỹ Kim, một hành động chắc chắn làm buồn lòng Nga.”
– Al Zareera ngày 13/7/2017: “Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi như là thỏa hiệp thương mại lớn nhất thế giới cho tới khi Tổng Thống Donald Trump rút lui khỏi thỏa hiệp này. Mười một quốc gia còn lại đang đi tới với những thương thảo tại Nhật Bản vào tuần này.”
Không hiểu với sức mạnh kinh tế đứng thứ ba toàn cầu, Nhật Bản có thể cứu vãn thỏa hiệp TPP không?
Tình hình Syria:
-Al Zareera ngày 2/7/2017: Vừa công bố bản đồ của cuộc chiến Syria là một mảnh da beo lẫn lộn những lực lượng đang sống chết với nhau trong đó có: 1) Lực lượng chính phủ Syria 2) Nhà Nước Hồi Giáo 3) Lực Lượng Ngưỡi Kurd do Mỹ hỗ trợ 4) Phe Phiến Quân do Mỹ hỗ trợ 5) Lực Lượng Người Kurd do Thổ Nhĩ Kỳ Hỗ Trợ và 6) Lực Lượng Do Thái chiếm đóng Cao Nguyên Goland – khiến biến Syria thành đống gạch vụn đẫm máu. Vì có sự can dự của các thế lực ngoại bang hùng mạnh cho nên Syria khó lòng trở lại một lãnh thổ toàn vẹn như xưa và có thể phải chia cắt theo lằn ranh sắc tộc và vùng trái độn nằm ở biên giới Syria-Thổ.
Lịch sử Việt Nam đã từng trải qua ba thời kỳ chia cắt đất nước và tương tranh khốc liệt: Thập Nhị Sứ Quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ. Trịnh-Nguyễn Phân Tranh kéo dài hơn 100 năm kết thúc khi Nguyễn Huệ dẹp tan Chúa Trịnh lẫn Chúa Nguyễn. Cuộc phân chia Nam-Bắc kéo dài 21 năm (1954-1975) kết thúc năm 1975.
-AFP ngày 2/7/2017: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu giữa lúc tình hình căng thẳng ở biên giới Syria.”
Câu hỏi đặt ra là tại sao Thổ không gặp bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ mà lại gặp Nga? Nguyên do, Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho lực lượng người Kurd YPG tại biên giới Syria. Nếu lực lượng này lớn mạnh sẽ là nguy cơ hình thành một phong trào kháng chiến hay ly khai ở phía nam Thổ. Chưa biết hai bên bàn tính những gì.
-AFP ngày 5/7/2017: “Cả ngàn người biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ vì lo sợ Thổ sẽ tiến hành cuộc tấn công vào vùng biên giới do lực lượng người Kurd chiếm giữ. Những người biểu tình xuống đường tại Afrin, quấn cờ của YPG (Syrian Kurdish People’s Protection Units) và mang hình của lãnh đạo PKK (Kurdistan Worker’s Party) hiện đang bị giam tại Thổ.”
Cuộc biểu tình rõ ràng cho thấy, nếu lực lượng YPG do Mỹ cung cấp vũ khí và hỗ trợ trụ yên tại vùng này, nó sẽ trở thành căn cứ địa kháng chiến cho lực lượng PKK và từ từ hình thành một quốc gia hay vùng tự trị gốc Kurd bao gồm nam Thổ và một vùng biên giới với Syria. Do nhu cầu chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, Mỹ có thể sẽ chia cắt lãnh thổ của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chắc chắn Thổ sẽ không bao giờ chấp nhận một sự phân chia lãnh thổ cay đắng như vậy.
-CNN ngày 7/7/2017: Gặp gỡ bên lề Thượng Đỉnh G-20 tại Đức, hai Ô. Putin và Donald Trump đã đạt được “Một cuộc ngưng bắn có hiệu lực vào lúc 12 trưa ngày 9/7 tại Vùng Giảm Leo Thang Xung Đột. Hoa Kỳ và Nga bảo đảm rằng các nhóm tranh chấp sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo. Ngoại Trưởng Lavrov nói rằng quân cảnh của Nga sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và Jordanie để bảo đảm an ninh cho “vùng giảm leo thang” nói trên.”
Nhận Định:
Tình hình Biển Đông trong hai tuần đầu Tháng Bảy đã diễn ra bốn sự kiện quan trọng:
Tình hình Biển Đông trong hai tuần đầu Tháng Bảy đã diễn ra bốn sự kiện quan trọng:
1) Nam Dương đổi tên khu vực biển phía bắc nằm trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Nam Dương thành Biển Bắc Natuna (North Natuna Sea) là vùng mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền vì nó nằm trong Đường Lưỡi Bò. Dĩ nhiên là “Ông Con Trời” lên tiếng phản đối. Thế nhưng một khi Đường Lưỡi Bò đã bị Tòa Hague tuyên bố bất hợp pháp thì mọi phản đối của Hoa Lục cũng đều coi như vô tác dụng.
2) Khu trục hạm Stethem của Hoa Kỳ đã tiến vào bên trong giới hạn 12 hải lý của Đảo Tri Tôn nằm trong Quần Đảo Hoàng Sa như là một phần của chiến dịch bày tỏ quyền tự do hàng hải. Hành động này cho thấy Hoa Kỳ không tôn trọng chủ quyền của Hoa Lục trên hòn đảo tận tạo này.
3) Theo Sputnik News (tiếng Anh) ngày 5/7/2017, “Vài ngày sau khi đưa khu trục hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo tới gần Đảo Tri Tôn thuộc Quần Đảo Hoàng Sa, Hải Quân Hoa Kỳ khởi đầu cuộc diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Chiến hạm Salvo và Coronado đã vào Quân Cảng Quốc Tế Cam Ranh nơi sẽ diễn ra hằng năm cuộc thao diễn trong năm ngày, bao gồm thực tập về phương thức đối phó với những cuộc chạm trán bất ngờ trên biển, điều khiển tàu, lượng giá y tế cùng với sự trao đổi về luật pháp, tình trạng của tàu và thuốc men.”
Dĩ nhiên Bắc Kinh rất khó chịu với cuộc phối hợp diễn tập như thế này, nhưng cũng chẳng làm được gì cả…ngoại trừ chơi đòn ngầm, đòn bẩn. Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại Cam Ranh, dù không lâu, nhưng cho thấy mối liên hệ Việt-Mỹ ngày càng mạnh mẽ hơn. Khác với Phi Luật Tân, Việt Nam hiểu rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông là yếu tố duy nhất tạo ổn định cho khu vực.
4) Theo Newsweek ngày 7/7/2017, “Hai máy bay ném bom tàng hình của Mỹ đã bay trên bầu trời của Biển Đông là vùng đang có tranh chấp để khẳng định quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế cho dù Hoa Lục tuyên bố tòan bộ chủ quyền tại đây. Trước chuyến bay, hai oanh tạc cơ B-1đã cùng huấn luyện với các phi cơ chiến đấu của Nhật Bản trong vùng sát với Biển Đông và là lần đầu tiên hai nước tiến hành các cuộc tập trận về đêm.”
Sau cuộc tiếp đón nồng ấm Ô. Tập Cận Bình ngày 6/4/2017 tại Mar-a-Lago (Florida) người ta nghĩ rằng Ô. Trump sẽ tương nhượng Hoa Lục bởi ba lý do:
-Hoa Kỳ cần Hoa Lục để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.
-Một cuộc đối đầu với Hoa Lục sẽ là thảm họa cho cả hai quốc gia.
-Hai nước đang còn đang nương tựa vào nhau để tồn tại về kinh tế.
Thế nhưng qua ba sự kiện nói trên chúng ta thấy Ô. Trump không phải là người “dễ ăn”.
-Tuy Hoa Kỳ cần Hoa Lục trong vấn đề Bắc Triều Tiên nhưng những biến động gần đây cho thấy Bình Nhưỡng không phải là người dễ sai bảo. Chờ đợi Bắc Kinh thì chờ tới bao giờ, cho nên Ô. Trump có thể sẽ đơn phương hành động mà không cần trung gian của Bắc Kinh.
-Trong tương quan lực lượng vào lúc này. Nếu Hoa Kỳ “xìu xìu ển ển” thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Còn nếu Hoa Kỳ làm mạnh thì Trung Quốc sẽ tạm lùi. Chính vì nắm cái “tẩy” này cho nên Ô. Trump làm mạnh.
-Tháng 11 tới đây Ô. Trump sẽ là “minh chủ võ lâm” của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Đà Nẵng. Nếu ông không làm mạnh ngay từ bây giờ thì tại APEC 2017, ông sẽ là một cái bóng mờ, Đông Nam Á sẽ chẳng ai lắng nghe ông nói và “các bang phái” sẽ lắng nghe Ô. Tập Cận Bình.
-Việc hai khu trục hạm tối tân của Mỹ ghé Cam Ranh, tiến hành diễn tập với Hải Quân Việt Nam, dù những buổi thực tập không liên hệ tới “tác chiến” thế nhưng nó là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm ở lại Biển Đông mà Việt Nam là một điểm tựa chiến lược.
Không ai phủ nhận tính khí bất thường của Ô. Trump. Thế nhưng trong tình thế bất định khôn lường của thế giới ngày hôm nay, cứng nhắc vào một sách lược có khi thất bại. Tôi nghĩ rằng thế giới, nhất là Trung Quốc sẽ sợ Ô. Trump hơn là sợ Ô. Obama. Tại sao? Nguyên do là vì Hoa Lục sẽ không biết ngày mai Ô. Trump làm cái gì. Khi một võ sĩ không biết đối thủ ra chiêu gì, sẽ hoang mang. Xin đừng vội chê trách Ô. Trump tính tình hay thay đổi.
Trên vũ đài chính trị thế giới ngày nay, “không chiêu thức” để đối phó với các biến động, chưa hẳn đã là xấu. Ngày nay nước Mỹ đang bị cột chân vào nhiều điểm kẹt cứng, bế tắc như vấn đề Ukraina, Syria, Afghanistan, Bắc Hàn và sự xung đột trong thế giới Hồi Giáo. Chuyện Hoa Kỳ đối phó với Nga và Trung Quốclà chuyện ngàn đời. Còn các điểm kẹt cứng kia thì phải tháo gỡ cho nhanh. Nếu không quyền biến sẽ du nước Mỹ và một cuộc khủng hoảng lợi ít, hại nhiều.
Bốn chuyển động nói ở trên cho thấy các quốc gia Đông Nam Á cương quyết chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Hoa Lục và rõ ràng Hoa Kỳ quyết tâm nắm giữ Biển Đông. Tôi tiên đoán rằng, trong những ngày sắp tới Hoa Kỳ sẽ làm mạnh hơn để chuẩn bị cho Ô. Trump ngồi ghế “minh chủ”, ăn nói với tư thế lãnh đạo thế giới tại APEC – 2017 Đà Nẵng với tình thế vô cùng phức tạp của Đông Nam Á.
Từ việc rút lui khỏi các thỏa hiệp kinh tế NAFTA, TPP và Biến Đổi Khí Hậu Paris, nếu Ô. Trump do dự hay lùi ở Biển Đông thì, dù khả năng quân sự và kinh tế Hoa Kỳ vẫn là siêu cường, nhưng vị thế lãnh đạo thế giới sẽ không còn nữa.
Đào Văn Bình