Tin Việt Nam – 15/07/2017
Di tích bị xâm phạm: Chính quyền phải xử lý bằng luật pháp
Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong tháng Sáu vừa qua, Lữ đoàn Hải quân 170 và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị khai thác kinh tế ở Vịnh Hạ Long và Cố đô Huế qua bị dân chúng phản đối vì cho rằng đã phá hoại di sản văn hóa và di tích lịch sử của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý gìn giữ và bảo tồn như thế nào cũng như giải quyết hậu quả của những hệ lụy ra sao?
Di sản văn hóa bị tàn phá
Báo giới trong nước hồi hạ tuần tháng Sáu đưa tin về vụ việc người dân phát hiện một số quả núi trên vùng đệm Di sản Vịnh Hạ Long, tại khu vực phường Hà Tu, bị tàn phá bởi khai thác đá. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh ngay sau đó xác nhận đây là công trình đang triển khai nằm trong ranh giới đất quốc phòng, do Lữ đoàn 170, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, quản lý và được Bộ Quốc phòng cấp phép.
Tuy nhiên, vào chiều ngày 26 tháng Sáu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra văn bản phê bình Lữ đoàn 170, yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục môi trường khu vực này. Đồng thời, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân vào sáng ngày 7 tháng Bảy, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc lên tiếng khẳng định rằng Lữ đoàn Hải quân 107 đã lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá. Ông Nguyễn Văn Đọc cũng tuyên bố và chúng tôi xin được trích nguyên văn “Đây là bài học trong việc quản lý đất, dự án quốc phòng trên địa bàn của địa phương”.
Ngay bây giờ và sau này cũng vậy, những di tích này mất đi thì rất khó lấy lại được như hiện trạng ban đầu. Các thế sau sẽ không thể hình dung ra được các công trình kiến trúc hay những nét văn hóa của thế hệ trước như thế nào
-Blogger Từ Anh Tú
Di tích lịch sử bị xâm hại
Cùng khoảng thời gian cuối tháng Sáu, tại Huế, dân chúng địa phương phản ánh với chính quyền về việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị san ủi khu vực có ngôi mộ cổ của vợ vua triều Nguyễn để làm bãi đậu xe du lịch lăng Tự Đức và Lăng Đồng Khánh, tại phường Thủy Xuân. Trong khi đó, Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc cũng căng bạt dựng lều để trông coi phần mộ bị san phẳng và tấm bia được tìm thấy có dấu tích ghi lại là mộ của bà tài nhân họ Lê, đứng hàng thứ 9 trong Cửu giai phi, vợ Vua Tự Đức.
Diễn tiến mới nhất, huyệt mộ bà tài nhân họ Lê được tìm thấy vào sáng ngày 6 tháng Bảy. Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc mong được khôi phục lại lăng mộ ngay vị trí cũ và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chuỗi Giá Trị cũng đã lên tiếng xin lỗi và hứa xây dựng lại lăng mộ vợ Vua Tự Đức bị san ủi. Thế nhưng, Chính quyền thành phố Huế dự định di dời để lấy đất cho dự án bãi đỗ xe.
Giải quyết hậu quả
Qua hai vụ việc vừa nêu, dư luận trong nước phản đối mạnh mẽ cách thức hành xử của Chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Huế. Nhiều người bày tỏ sự giận dữ vì theo họ các di sản văn hóa và di tích lịch sử bị xâm hại nghiêm trọng mà chính quyền địa phương chỉ học bài học kinh nghiệm hay có quyết định di dời, không bảo tồn chỉ vì lợi ích kinh tế.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Bang lên tiếng với truyền thông trong nước rằng việc san phẳng lăng mộ vợ vua triều Nguyễn để làm bãi đậu xe là hành vi thiếu trách nhiệm và vô nhân tâm. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Bang cũng nói là Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã làm sai khi tổ chức họp về việc lăng mộ bị san ủi mà không mời thân nhân của ngôi mộ tham dự. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế còn nhấn mạnh “Phải đối xử với di tích, với người quá cố cho đúng đạo lý”.
Đài RFA cũng nêu vấn đề với Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, và được ông cho biết:
“Nếu di tích đã được công nhận rồi mà ai làm gì vi phạm luật đối với di tích đó thì phải xử lý bằng luật. Đã là di tích được phân cấp do nhà nước quản lý hay địa phương quản lý mà tự nhiên có công ty nào nhảy vào làm thì tức nhiên đã được ai đó cho phép. Nhưng ví dụ nơi cho phép là tỉnh hay huyện, phường, xã không nắm rõ các nguyên tắc mà cho phép sai thì phải xử lý về mặt pháp luật. Cho nên tôi nói là phải xem xét rất cụ thể.”
Một quốc gia mà chính quyền và người dân không tôn trọng di tích văn hóa hay di tích lịch sử của họ thì quốc gia đó không thể trường tồn và vững mạnh
-TS. Nguyễn Nhã
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận nhiều bạn trẻ trong nước đặc biệt quan tâm đến thông tin của hai vụ việc trên bức xúc cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thừa Thiên-Hế không chỉ phải nghiêm túc giải quyết hậu quả của hai vụ việc xâm hại di sản văn hóa và di tích lịch sử trong phạm vi địa phương, mà Chính phủ phải chú trọng hơn trong việc gìn giữ cũng như bảo tồn các di sản văn hóa và di tích lịch sử của quốc gia. Một trong những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc là Blogger Từ Anh Tú, ở Hà Nội nêu lên suy nghĩ của anh:
“Em nghĩ rằng hiện tại dang bị tàn phá một cách rất trầm trọng. Và nhiều công trị sau khi bị xử lý hay thậm chí tu sửa thì cuối cùng thành bị phá hoại trầm trọng hơn. Em đi rất nhiều chỗ, hầu như chỗ nào cũng bị tàn phá hết. Kể cả ngay trong Cung đình Huế cũng thế, họ có tu sửa nhưng càng sửa càng hỏng, lại trở thành xấu xí và lai căng. Ngay bây giờ và sau này cũng vậy, những di tích này mất đi thì rất khó lấy lại được như hiện trạng ban đầu. Các thế sau sẽ không thể hình dung ra được các công trình kiến trúc hay những nét văn hóa của thế hệ trước như thế nào.”
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng khẳng định với RFA một quốc gia mà chính quyền và người dân không tôn trọng di tích văn hóa hay di tích lịch sử của họ thì quốc gia đó không thể trường tồn và vững mạnh.
Kỷ luật Đảng viên có mang lại thay đổi?
Báo cáo của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương công bố ngày 13/7 vừa qua cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng cộng 81 tổ chức và hơn 6.000 đảng viên bị kỷ luật.
Việc kỷ luật Đảng bấy lâu nay có mang lại kết quả hay sự thay đổi nào không?
Không tin
Sáu ngàn Đảng viên bị kỷ luật này là kết quả thu được qua việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 855 tổ chức đảng và hơn 3.500 đảng viên của Ủy ban kiểm tra các cấp; trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 9 tổ chức và 15 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật một tổ chức đảng và 6 đảng viên.
Nội dung vi phạm được nói chủ yếu là những điều đảng viên không được làm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản.
Từ Đà Lạt, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà dân chủ hàng đầu của Việt Nam nói rằng ông không tin chuyện kỷ luật Đảng sẽ thay đổi được điều ông gọi là “bản chất của Đảng”, mà theo ông đây chỉ là một “trò xiếc cho dân xem”:
“Kỷ luật là kỷ luật ai? Thứ nhất nếu mà là tham nhũng thì kỷ luật mấy ngàn ăn thua gì. Cả cơ chế đó tham nhũng hết. Thứ hai là những Đảng viên giác ngộ thực sự thì cũng bị tiêu diệt nhưng số đó rất ít thôi. Cho nên tôi thấy cũng là làm xiếc, phe nhóm diệt nhau cả thôi.”
Cả cơ chế đó tham nhũng hết. Thứ hai là những Đảng viên giác ngộ thực sự thì cũng bị tiêu diệt nhưng số đó rất ít thôi. Cho nên tôi thấy cũng là làm xiếc, phe nhóm diệt nhau cả thôi. TS Hà Sĩ Phu
Ông cho biết cũng vì vậy mà việc kỷ luật không có hiệu quả răn đe, mang lại thay đổi cho tương lai.
Tham nhũng là một trong những vấn nạn đang thu hút nhiều sự quan tâm của công luận Việt Nam hiện nay. Nửa đầu năm nay, những vụ việc về dinh cơ đồ sộ của các quan chức đua nhau mọc lên đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Chính bà Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư đã từng nói là cuộc sống của người dân còn nghèo khổ trong khi cán bộ lại xây biệt phủ. Mới đây ông Phạm Trọng Đạt cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng còn nói rằng nhiều quan chức giải trình tài sản là nhờ nuôi heo, nuôi gà. Thông tin này ngay lập tức được cư dân mạng chế thành những tuyên bố hài hước mang tính mỉa mai như: rủ nhau tậu heo, gà về nuôi hay bán chổi đót để được ở biệt phủ như quan chức!
Tuy nạn tham nhũng được nói là tràn lan trong xã hội hiện nay, nhưng mới hôm Chủ nhật 9/7 vừa qua, báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm của Thanh Tra chính phủ cho biết qua kiểm tra từ các bộ, ngành, địa phương đối với 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch thì chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm. Cũng theo báo cáo này, hết 6 tháng đầu năm 2017, có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Ngoài những sai phạm về tham nhũng, nhiều các vụ án kinh tế làm thua thiệt của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng cũng bị phanh phui, điển hình là 12 dự án thua lỗ của Bộ công thương được công bố năm ngoái.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo quan điểm của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, để xảy ra đến những 6000 Đảng viên sai phạm chỉ trong vòng nửa năm, tại một quốc gia nhỏ như Việt Nam là một điều đáng lo ngại. Ông cho rằng nguyên nhân là do “nhà dột từ nóc”:
“Thượng bất chính hạ tất loạn. Ngay từ những hàng ngũ cao nhất đã là giải dối rồi. Tôi nghĩ rằng đã lên đến Đảng viên cấp cao là họ đều biết rằng Chủ nghĩa xã hội mà họ nêu lên chẳng qua chỉ là giả dối. Đến chính Tổng bí thư còn nói là một thế kỷ nữa chưa chắc đã có. Họ giữ xã hội chủ nghĩa chẳng qua là để giữ quyền lực độc tôn của Đảng, vơ vét và giữ ngai vàng của mình. Gốc đã giả dối, trên như vậy nên dưới họ cũng biết thừa rồi. Tôi nghĩ rằng mỗi một Đảng viên khi đã lên được chức nọ chức kia, đều lắm được lý lịch của người khác để nếu anh mà giở tôi ra, thì tôi cũng giở chuyện của anh ra.”
Hiện tại, một quan chức cao cấp trong Đảng mắc nhiều sai phạm đang được dư luận quan tâm là bà Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà này bị kết luận là có nhiều sai phạm liên quan đến các dự án kinh tế của Bộ này. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại hình thức kỷ luật bà này vẫn chưa được công bố.
Điều đó cũng cho thấy tinh thần chiến đấu của Đảng chưa thật tốt. – LS Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại cho rằng con số 6000 Đảng viên bị kỷ luật là không nhiều so với tổng đội ngũ Đảng viên. Ông đánh giá đây là quy luật “có phát triển, có đào thải” tất yếu. Tuy nhiên khi nói về tính hiệu quả của việc kỷ luật Đảng, ông cho biết:
“Kỷ luật đó có làm Đảng đi lên hay không thì chưa biết rõ. Bởi vì sự kiện nổi bật nhất ở Việt Nam hiện nay là chuyện phòng chống tham nhũng vẫn chưa ngăn chặn và đẩy lùi được. Điều đó cũng cho thấy tinh thần chiến đấu của Đảng chưa thật tốt.”
Ông nói thêm điều mà người dân mong muốn bây giờ là Đảng phải chống tham nhũng, tiêu cực cho tốt, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tệ nạn xã hội giảm đi để lấy lại niềm tin của nhân dân. Ông cho biết hiện tại niềm tin của nhân dân vào Đảng đã xuống cấp nhiều:
“Chống tiêu cực không hiệu quả, không ngăn chặn và đẩy lùi được. Tới bây giờ các vụ án cứ kéo dài, và xử lý cũng chậm. Người ta có cảm giác là việc xử lý chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt là chuyện thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân rất ít và không đáng kể. Ngoài ra, không thấy ánh sáng trong các giải pháp ngăn chặn tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước. Giải pháp không sáng suốt nên lòng tin suy giảm nghiêm trọng.”
Về chuyện thu hồi tài sản vi phạm trả lại cho Nhà nước và người dân, trước đây, Nhà báo – Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, sống ở Sài Gòn từng nói với chúng tôi rằng số tiền thu hồi được không đủ để chi trả các chi phí phục vụ điều tra và khởi tố chính những cán bộ sai phạm đó. Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ cho biết trong suốt 10 năm đã phát hiện 60.000 tỷ đồng tham nhũng nhưng chỉ thu hồi được 5 ngàn tỷ.
Ba thuyền trưởng tàu cá Việt Nam bị Solomon Islands phạt 11 triệu Mỹ kim
Tối Cao Pháp Viện của đảo quốc Solomon Island trong Thái Bình Dương hôm Thứ Sáu 14/07 tuyên phạt ba thuyền trưởng tàu cá Việt Nam khoản tiền 11.05 triệu Mỹ kim.
Nếu không nộp phạt trong vòng 30 ngày, ba thuyền trưởng Đỗ Van Va, Võ Van Vi và Nguyễn Nguyen phải thi hành án tù 4 năm. Ba thuyền trưởng Việt bị kết án về các tội đi vào vùng biển nước này trái phép, đánh bắt hải sâm, sử dụng ngư cụ bất hợp pháp, và có hoạt động chế biến hải sản xuất cảng trái phép. Các thuyền trưởng đã nhận tội đối với các cáo buộc này hồi đầu tháng trước.
Chánh án Sir Albert Palmer nói rằng ông hài lòng vì án tù “nhiều hơn là đủ để phản ánh mức độ trầm trọng của các vi phạm”. Theo báo Solomon Star News, khung hình phạt cho các tội vừa kể là từ 100,000 đến 12 triệu Mỹ kim, hoặc 5 năm tù.
Theo lệnh tòa, ba chiếc tàu cá được gọi là “tàu xanh” sẽ được sung công. Ba tàu cá cùng với 3 thuyền trưởng và 40 thuyền viên Việt Nam đã bị cảnh sát Solomon Islands bắt giữ hôm 26 tháng 3 năm nay tại bãi san hô Indispensable. Được biết tất cả 40 thuyền viên Việt chỉ bị phạt hơn 100 Mỹ kim mỗi người. Họ đã nộp phạt và trở về Việt Nam.
Các đảo quốc Thái Bình Dương trong thời gian gần đây ghi nhận ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập các vùng biển của họ. Các nước đang phản ứng bằng cách tăng nặng các hình phạt đối với những ngư dân bị bắt vì đánh cá trái phép.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/ba-thuyen-truong-tau-ca-viet-nam-bi-solomon-islands-phat-11-trieu-my-kim/