Tin khắp nơi – 15/07/2017
Mỹ tăng chế tài
doanh nghiệp Trung Quốc dính líu với Bắc Triều Tiên
Bất mãn vì Trung Quốc chưa nỗ lực trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong vài tuần tới, chính quyền Mỹ có thể ban hành các chế tài mới đối với các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc cùng các công ty khác làm ăn với Bình Nhưỡng, hai giới chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Các biện pháp này có thể ảnh hưởng các định chế tài chính nhỏ và các công ty có liên hệ đến các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vẫn theo nguồn tin này.
Các ngân hàng lớn có thể sẽ không bị ảnh hưởng.
Thời điểm và phạm vi chế tài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách Bắc Kinh phản hồi đối với các áp lực đòi mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng khi giới chức Mỹ-Trung gặp nhau tại cuộc đối thoại kinh tế cấp cao ở Washington vào thứ tư tuần sau, các nguồn tin trong chính quyền Trump cho hay.
Các giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với áp lực kinh tế-thương mại với Mỹ nếu không nỗ lực hơn kìm chế nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Tin này được đưa ra giữa lúc đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley đang tìm cách vượt qua sự chống đối của Nga và Trung Quốc đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp đặt trừng phạt quốc tế nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington và Tòa Bạch Ốc chưa bình luận về tin này.
Trump yêu cầu Tòa Tối cao
ngăn trở ngại đối với sắc lệnh du hành
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 14/7 loan báo Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu Tòa Tối cao ngăn chặn phán quyết của một thẩm phán cản trở không cho áp dụng sắc lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với những người đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo mà không liên hệ huyết thống gần gũi với công dân Mỹ hoặc người tị nạn đã được xúc tiến hồ sơ tái định cư tại Mỹ.
Bộ trưởng Sessions cho biết chính quyền sẽ tái tục làm việc trực tiếp với Tòa Tối cao tìm cách đảo ngược quyết định hôm 13/7 của một thẩm phán ở Hawaii và rằng Bộ Tư pháp trong ngày 14/7 sẽ đệ đơn lên Tòa Tối cao.
Tháng rồi, Tòa Tối cao tuyên bố sắc lệnh của ông Trump có thể đi vào hiệu lực, nhưng có thể không cấm những người có liên hệ chặt chẽ với một cá nhân hay một cơ quan, thực thể nào đó ở Mỹ.
Chính quyền Trump nói những người nằm trong diện ‘không có liên hệ chặt chẽ’ đó có thể là ông bà, thân nhân bà con trong gia đình của một công dân Mỹ.
Quyết định của Tòa Tối cao hồi tháng trước vực dậy phần nào sắc lệnh ngày 6/3 của ông Trump cấm nhập cảnh những ai đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày và cấm cửa người tị nạn trong 120 ngày.
Mùa thu này, Tòa sẽ nghe tranh tụng để quyết định xem sắc lệnh của Tổng thống Trump có vi phạm Hiến pháp Mỹ hay không.
TQ: Ông Lưu Hiểu Ba được hỏa táng trong tang lễ riêng tư
Nhà hoạt động hàng đầu của Trung Quốc và khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình Lưu Hiểu Ba đã được hỏa táng trong một tang lễ riêng tư.
Ông Lưu, người từng bị kết án 11 năm tù vì tội “lật đổ”, đã chết vì ung thư gan hôm thứ Năm, 13/7/2017, sau nhiều năm thi hành án trong tù.
TQ bác chỉ trích về cái chết của Lưu Hiểu Ba
Tưởng nhớ Lưu Hiểu Ba qua nghệ thuật và mạng xã hội
Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù
Số phận Lưu Hiểu Ba: TQ muốn chứng tỏ chính nghĩa
Ông là nhà bất đồng chính kiến và chỉ trích nổi bật nhất của Trung Quốc.
Vợ ông, bà Lưu Hà, bị quản thúc tại gia kể từ khi ông được trao giải Nobel Hoà bình nhưng bà đã dự tang lễ của chồng ở Thẩm Dương.
Đó là thành phố mà ông Lưu được điều trị ung thư gan khi đã ở giai đoạn cuối.
Ông Lưu Hiểu Ba là ai?
Một viên chức nói rằng thi thể của ông Lưu đã được hỏa táng “phù hợp với các phong tục địa phương và mong muốn của gia đình”.
Khúc cầu hồn ‘Requiem’, tác phẩm của Mozart, đã được phát tại buổi lễ, ông nói.
‘Cần giải cứu nhanh chóng’
Các bức ảnh do chính quyền địa phương chia sẻ cho thấy bà Lưu và những người trong tang quyến ở bên cạnh quan tài mở của ông Lưu, được bao quanh bởi cúc trắng, một biểu tượng đau buồn ở Trung Quốc.
Bà Lưu rõ ràng trông rất đau khổ.
Thế giới cần vận động để giải cứu bà ấy – và cần nhanh chóngLuật sư của Lưu Hiểu Ba
Một quan chức nói ông tin rằng bà Lưu đã được trả tự do, nhưng luật sư của ông Lưu Hiểu Ba, Jared Genser, đã bác bỏ tuyên bố này và nói bà Lưu đã bị câu lưu từ sau khi chồng bà qua đời.
“Thế giới cần vận động để giải cứu bà ấy – và cần nhanh chóng”, ông viết trong một tuyên bố.
Hôm thứ sáu, ủy ban trao giải Nobel Hòa bình bày tỏ “lo lắng” sâu sắc về bà Lưu và kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho bà.
Không lâu trước khi ông Lưu Hiểu Ba qua đời, các bác sỹ phương Tây đã tới Trung Quốc để thăm khám bệnh tình cho ông.
Tin cho hay đề nghị của các bác sỹ đưa ông Lưu ra nước ngoài để chữa trị trước khi tiến triển bệnh trở nên trầm trọng hơn đã bị giới chức Trung Quốc khước từ.
Giới bình luận cho rằng Bắc Kinh có thể đã không muốn ông Lưu rời khỏi Trung Quốc vì e ngại ông sẽ ‘tiết lộ các thông tin’ về thời gian ông bị giam giữ, theo truyền thông quốc tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40618036
NBC News: Cựu nhân viên phản gián gốc Nga
tham dự cuộc gặp với Trump Jr.
Một nhà vận động hành lang từng là nhân viên phản gián Soviet đã tham dự cuộc gặp gỡ với các trợ lý cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm con trai của ông, và một luật sư người Nga, NBC News loan tin hôm thứ Sáu. Tiết lộ này lại thêm vào những cáo buộc về những mối liên hệ khả dĩ giữa Moscow và cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
NBC News, không xác định danh tính nhà vận động hành lang người Mỹ gốc Nga này, cho biết một số quan chức Mỹ nghi ngờ ông ta vẫn còn những mối liên hệ với tình báo Nga, điều mà ông ta bác bỏ với mạng lưới truyền hình này.
Hãng tin AP cho biết nhà vận động hành lang này, được xác định danh tính là Rinat Akhmetshin, xác nhận ông ta đã tham dự cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York. Dù giới truyền thông xoáy mạnh vào cuộc gặp gỡ này, sự hiện diện của ông ta chưa được tường trình hay tiết lộ mãi cho đến thứ Sáu này.
Những email được Donald Trump Jr. tiết lộ trong tuần này cho thấy anh ta hăm hở muốn dự một cuộc gặp gỡ với luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya sau khi biết rằng bà này có thể có thông tin gây tổn hại cho ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Tiết lộ vào cuối tuần trước về cuộc gặp gỡ ở Trump Tower là bằng chứng rõ ràng nhất cho mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga, một chủ đề đã khơi lên các cuộc điều tra của các ủy ban Quốc hội và một công tố viên đặc biệt của liên bang.
Con rể của ông Trump, Jared Kushner, và cựu quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort cũng đã có mặt trong cuộc gặp này.
NBC News cho biết nhà vận động hành lang người Mỹ gốc Nga này từng phục vụ trong quân đội Soviet và sau đó di cư sang Mỹ, nơi ông ta có quốc tịch kép. Ông ta phủ nhận bất kỳ mối quan hệ hiện thời nào với các cơ quan tình báo của Nga.
Tòa Bạch Ốc chưa bình luận gì về tin tức mà NBC News loan tải.
NBC News cho biết các đại diện của ông Kushner và ông Manafort đã từ chối bình luận, nhưng một luật sư của ông Trump Jr. cho biết ông đã nói chuyện với các nhà vận động hành lang này.
“Ông ta là công dân Mỹ,” Alan Futerfas nói với NBC News. “Ông ấy nói rõ với tôi là ông ấy không làm việc cho chính phủ Nga và còn bật cười khi tôi hỏi câu hỏi đó.”
Luật sư này cho biết ông Trump Jr. không biết gì về thân thế của người đàn ông này vào thời điểm đó.
Raul Castro lên án chính sách về Cuba của Trump
Chủ tịch Cuba lần đầu tiên công khai phản đối việc Tổng thống Trump ‘rút ván’ chủ trương của ông Obama làm nồng ấm hơn quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Raul Castro nói: “Những nỗ lực để phá hoại cuộc cách mạng” sẽ thất bại.
Ông Trump đã và đang siết thêm hạn chế đối công dân Mỹ đi tới Cuba và kinh doanh với đất nước cộng sản này.
Tuy nhiên, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana, vốn được Tổng thống Barack Obama mở lại, vẫn được hoạt động.
Ông Castro phát biểu trước quốc hội của Cuba. Đây là bình luận trước công chúng đầu tiên của mình về các thay đổi về chính sách mà ông Trump công bố cách đây một tháng.
Truyền thông nhà nước Cuba dẫn lời ông Castro nói rằng ông Trump đã sử dụng “lối hùng biện cũ kỹ và thù địch” và đã quay lại “cuộc đối đầu thất bại toàn diện hơn 55 năm”.
Việt Nam ‘yêu cầu Mỹ xóa cấm vận chống Cuba’
Cuba lên án chính sách đảo chiều của Trump
Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại
Quân đội Cuba làm cách mạng hay làm ăn?
Ông nói: “Chúng ta bác bỏ chiêu bài dùng chủ đề về nhân quyền để chống Cuba.
“Cuba có thể tự hào hơn nhiều trong lĩnh vực này và không cần phải nghe Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào rao giảng.”
Ông Trump tuyên bố thay đổi chính sách của mình trong bối cảnh có quan ngại về nhân quyền được nhiều người bỏ Cuba trốn sang Miami nêu ra.
Ông Castro nói tiếp: “Cuba và Hoa Kỳ có thể hợp tác và cùng sống bên nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau”.
Ông Castro sẽ từ nhiệm ghế chủ tịch trong bảy tháng nữa, nhưng sẽ vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản của tại Cuba.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40616955
Thủ lĩnh IS tại Afghanistan bị hạ sát
Thủ lĩnh Abu Sayed của Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan bị hạ sát trong một đợt không kích nhắm vào trụ sở của IS trong tỉnh Kunar mấy ngày trước, theo loan báo từ Ngũ Giác Đài ngày 14/7.
Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Dana White, cho biết ngoài ra còn có một số thành viên IS khác cũng bị thiệt mạng trong trận không kích đó.
Sayed là thủ lĩnh thứ ba của Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan bị hạ sát kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay.
Cựu thủ lĩnh Abdul Hasib thiệt mạng trong chiến dịch chung giữa Mỹ với Afghanistan hôm 27/4 tại tỉnh Nangarhar. Người tiền nhiệm của Hasib tên là Hafiz Saeed Khan tử vong trong cuộc không kích do máy bay không người lái của Mỹ thực hiện năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-linh-nha-nuoc-hoi-giao-tai-afghanistan-bi-ha-sat-/3944960.html
Các nhà lập pháp đòi con trai, con rể Trump
ra khai chứng trong cuộc điều tra Nga
Các nhà lập pháp chủ chốt của Mỹ đang điều tra những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 muốn Donald Trump Jr. ra khai chứng về cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York với một luật sư người Nga, được nói là có thông tin có thể gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
“Tiết lộ về chuyện Ban vận động Trump hăm hở có ý định có thể thông đồng với Nga là vô cùng đáng lo ngại,” nhà lãnh đạo khối thiểu số Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi viết trên Twitter hôm thứ Năm.
Ngoài con trai cả, con rể của Tổng thống Donald Trump, Jared Kushner 36 tuổi, dự kiến cũng sẽ ra khai chứng trong một phiên điều trần kín. Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ cũng đang đòi tước quyền đặc cách kiểm tra an ninh của ông Kushner, một cố vấn cao cấp của tổng thống,
“Dường như không có bất kỳ tiêu chuẩn đạo đức nào trong Tòa Bạch Ốc,” bà Pelosi nói. “Quyền đặc cách kiểm tra an ninh của Jared Kushner phải được thu hồi ngay lập tức.”
Ngay cả một số người trong cùng Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng nói rằng tốt hơn hết Tổng thống nên đưa tất cả con cái của mình ra khỏi Tòa Bạch Ốc, trong đó có Kushner, chồng của người con gái Ivanka.
Tại Washington, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Charles Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã gửi một lá thư cho Trump Jr. yêu cầu ông ra khai chứng về cuộc gặp gỡ tháng 6 năm 2016 với luật sư người Nga, Natalia Veselnitskaya. Donald Trump Jr. đã nói rằng ông sẵn sàng ra khai chứng một cách tự nguyện, nhưng ông Grassley nói ông sẽ ra trát buộc ra khai chứng nếu cần thiết.
Ông Grassley cho biết không có câu hỏi nào bị hạn chế trong khi ủy ban điều tra điều mà cộng đồng tình báo Mỹ đã kết luận là sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nói: “Tôi mong muốn hỏi Donald Trump Jr. ông ấy nghĩ thế nào mà lại sốt sắng gặp gỡ một người đại diện một trong những đối thủ hàng đầu của chúng ta trên thế giới?”
Ủy ban của ông Grassley là một trong nhiều ủy ban của Quốc hội đang điều tra những liên hệ của ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga, trong khi Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI, đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự nhắm vào sự can thiệp bầu cử của Nga và liệu tổng thống có cản trở công lý bằng việc sa thải một giám đốc FBI khác là James Comey hay không. Ông Comey khi đó đang lãnh đạo cuộc điều tra nhắm vào Nga trước khi ông Mueller tiếp quản.
Người đứng đầu khối đa số Cộng hòa ở Hạ viện, Chủ tịch Paul Ryan, kêu gọi ông Trump Jr. chấp hành yêu cầu của ông Grassley ra khai chứng.
“Tôi nghĩ bất kỳ nhân chứng nào được yêu cầu ra khai chứng tại Quốc hội đều nên làm như vậy,” ông Ryan nói.
Không quân TQ nói
đã thực hiện ‘nhiều’ cuộc diễn tập tầm xa trong tuần này
Không quân Trung Quốc hôm thứ Bảy cho biết những máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của họ đã thực hiện “nhiều” cuộc diễn tập tầm xa ngoài khơi trong tuần này, bao gồm bay gần Nhật Bản và đảo Đài Loan tự trị, và họ nói việc này là để kiểm tra khả năng hoạt động của họ trên biển.
Trong một thông cáo đăng trên trang tiểu blog chính thức của mình, không quân cho biết máy bay của họ đã bay qua cả Eo biển Miyako – giữa những đảo phía nam của Nhật Bản – lẫn Eo biển Ba Sĩ ngăn cách Đài Loan và Philippines.
“Không quân Trung Quốc tuần qua đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập trên biển với máy bay ném bom H-6K và nhiều loại máy bay khác bay qua Eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, kiểm tra khả năng chiến đấu thực sự trên biển,” thông cáo nói
Những cuộc diễn tập này là một phần trong những cuộc tập trận thường lệ được lên kế hoạch cho năm nay, phù hợp với luật pháp và tập tục quốc tế và không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, không quân nói thêm.
Họ nói rằng những cuộc diễn tập như vậy sẽ tiếp diễn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Sáu bảo Nhật Bản hãy “quen với chuyện này” sau khi họ cho sáu máy bay chiến đấu bay qua Eo biển Miyako.
Trung Quốc vẫn đang khẳng định vị thế của mình trong những tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh cũng lo ngại về Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình nhưng được quản lý bởi một chính phủ mà Trung Quốc e là đang muốn độc lập.
Bắc Kinh chưa bao giờ bác bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan và đã cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào hướng tới độc lập chính thức có thể khơi ra một phản ứng quân sự.
Trung Quốc đang trong giai đoạn thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng bao gồm đóng hàng không mẫu hạm và chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình, để cho nước này khả năng thể hiện sức mạnh của mình cách xa bờ.
2 người Đức bị đâm chết trong khu du lịch ở Ai Cập
Đức xác nhận hai công dân của nước họ đã bị đâm chết trong một vụ tấn công tại một khách sạn ở một khu du lịch thuộc Ai Cập.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói: “Buồn thay chúng tôi giờ có thể xác nhận rằng hai du khách người Đức đã chết trong vụ tấn công ở Hurghada.”
Giới hữu trách cho biết hai du khách nữ đã bị sát hại hôm thứ Sáu khi kẻ tấn công bơi tới từ một bờ biển khác ven Biển Đỏ.
Nhà chức trách Ai Cập nói người đàn ông này đã bị bắt giữ.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức nói, “Theo những gì chúng tôi biết, hành động này là một vụ tấn công có chủ ý đối với khách du lịch nước ngoài – một hành động xảo trá và phạm tội khiến chúng tôi đau buồn, bàng hoàng và phẫn nộ.”
Bốn người khác bị thương trong vụ việc.
Hurghada là một trong những khu du lịch bãi biển nổi tiếng nhất của Ai Cập, đặc biệt là với người Châu Âu.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-duc-bi-dam-chet-trong-khu-du-lich-o-ai-cap/3945531.html
Tro của Lưu Hiểu Ba được rải xuống biển
Tro của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa bình vừa qua đời, đã được rải xuống biển hôm thứ Bảy, anh của ông Lưu cho biết, trong một hành động mà một người bạn của gia đình mô tả là nhằm xóa bỏ mọi ký ức về ông.
Ông Lưu, 61 tuổi, qua đời vì rối loạn chức năng đa cơ quan hôm thứ Năm tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, nơi ông được chữa trị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được thả ra khỏi tù vì lý do y tế nhưng không được trả tự do.
Ông bị tống giam vào năm 2009 vì tội “kích động lật đổ quyền hành nhà nước” sau khi viết một bản kiến nghị được gọi là “Hiến chương 08” kêu gọi cải cách chính trị rộng rãi ở Trung Quốc.
Góa phụ của ông, bà Lưu Hà, đã bị quản thúc tại gia trên thực tế kể từ khi chồng bà đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng chỉ được phép thăm ông trong tù mỗi tháng khoảng một lần. Bà chưa bao giờ chính thức bị truy tố về tội trạng nào.
Phát biểu tại một cuộc họp báo do chính phủ tổ chức, ông Lưu Hiểu Quang, anh của ông Lưu Hiểu Ba, nhiều lần cảm ơn Đảng Cộng sản vì sự chăm sóc chu đáo xét tới “tình huống đặc biệt” của nhà bất đồng chính kiến này.
Ông cho biết bà Lưu Hà không có mặt vì “hiện tại sức khỏe của cô ấy rất yếu.”
Sau đó ông được hộ tống ra ngoài và không trả lời câu hỏi của các nhà báo vây quanh ông.
Chính phủ sau đó cho báo giới xem hình ảnh tro được rải rác từ một chiếc thuyền.
Một viên chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà và ông Lưu Hiểu Quang đã quyết định rải tro xuống biển.
Nhưng ông Hồ Gia, người bạn thân và cũng là nhà bất đồng chính kiến, nói với hãng tin Reuters rằng động cơ đằng sau quyết định hải táng là “không để lại thứ gì để tưởng nhớ ông ấy trên đất Trung Quốc” và vì thế những người ủng hộ ông không thể dựng đền thờ để đến viếng.
Ông Hồ nói trong số những người bạn của ông Lưu ai cũng biết rằng anh trai của ông không đồng ý với quan điểm chính trị của ông, và rằng việc ông xuất hiện trước truyền thông đại diện cho bà Lưu Hà và gia đình là một hành động vì lợi ích bản thân không màng tới người khác.
“Mức độ của những việc mà chính quyền có thể làm luôn vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, họ luôn có cái gì đó tệ hơn tưởng tượng được hoạch định sẵn,” ông Hồ nói về cuộc họp báo.
Nicholas Bequelin, Giám đốc Khu vực Đông Á của tố chức Ân xá International, viết trên Twitter rằng cuộc họp báo là “một trong những màn diễn chính trị thô bỉ, tàn nhẫn và vô tình nhất mà tôi từng chứng kiến.”
Quan chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà “hiện đang được tự do” và nói thêm rằng là công dân Trung Quốc, các quyền của bà sẽ được bảo vệ theo luật pháp.
Quan chức này không nói bà hiện đang ở đâu.
https://www.voatiengviet.com/a/tro-cua-luu-hieu-ba-duoc-rai-xuong-bien/3945497.html
Nguyên liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên
có thể nhiều hơn dự đoán
Các hình ảnh chụp tại một địa điểm hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng có lẽ đã tái xử lý plutonium nhiều hơn mức người ta từng nghĩ và có thể dùng để mở rộng kho võ khí hạt nhân của nước này, theo đánh giá từ một cơ quan nghiên cứu của Mỹ ngày 14/7.
Phân tích của 38 North, một dự án giám sát Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Washington, được dựa trên các hình ảnh vệ tinh từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 6 năm nay giữa những quan ngại gia tăng về các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cơ quan nghiên cứu này cho hay các hình ảnh của cơ sở tinh luyện uranium tại Yongbyon cũng có thể là chỉ dấu cho thấy vận hành của các lò ly tâm có thể được dùng để gia tăng trữ lượng uranium tinh luyện của Bình Nhưỡng.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy có hoạt động ít nhất trong ngắn hạn tại Lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên, 38 North cho biết.
Những hình ảnh ghi nhận được cho thấy có ít nhất 2 chu kỳ tái xử lý chưa được biết trước đây nhằm sản xuất “một lượng plutonium chưa rõ bao nhiêu có thể tăng cường cho kho võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên,” điều có thể khiến các giới chức Mỹ quan ngại.
Chưa rõ liệu hoạt động vừa phát hiện tại nhà máy uranium này có phải là kết quả của việc vận hành hay bảo trì lò ly tâm.
Bình Nhưỡng sản xuất bom nguyên tử dùng uranium và plutonium và đã thử nghiệm 5 quả bom hạt nhân.
Người ta quan ngại rằng Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục vụ thử thứ sáu bất cứ lúc nào bất chấp những nỗ lực của Mỹ muốn ngăn chặn.
Theo ước tính của các chuyên gia của 38 North hồi tháng tư, Bắc Triều Tiên có thể có tới 20 bom hạt nhân và có thể sản xuất thêm mỗi tháng một quả bom hạt nhân.
Trung Quốc cản lãnh đạo Ủy ban Nobel dự tang lễ Lưu Hiểu Ba
Lãnh đạo Ủy ban Nobel Nauy, nơi trao giải Nobel Hòa Bình, ngày 14/7 loan báo tòa lãnh sự Trung Quốc ở Oslo từ chối không nhận đơn xin visa của bà muốn sang Trung Quốc để tham dự tang lễ của Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
Ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu chính trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989, qua đời ngày 13/7, tại một bệnh viện ở Thẩm Dương, Trung Quốc, vì ung thư gan giai đoạn cuối, khi đang thọ án 11 năm tù với tội danh là ‘kích động lật đổ chính quyền.’
Ông Lưu được Ủy ban Nobel Hòa Bình trao giải năm 2010 nhưng ông không thể đi nhận giải vì đang bị cầm tù.
Bà Berit Reiss-Andersen nói với Reuters rằng “Họ bảo tôi đơn xin visa của tôi điền sai vì tôi không có thư mời của người mà tôi muốn thăm viếng.”
Lãnh đạo Ủy ban Nobel Nauy cho biết thêm rằng khi bà thông báo với lãnh sự quán Trung Quốc là bà muốn sang Trung Quốc tham dự đám tang và người bà muốn thăm đã qua đời thì phía lãnh sự đề nghị bà liên lạc với thân nhân ông Lưu Hiểu Ba để yêu cầu họ viết thư mời. Bà đáp rằng vợ ông Lưu đang bị quản thúc tại gia, không thể tiếp cận.
Vẫn theo lời bà, tòa lãnh sự Trung Quốc còn bảo bà muốn xin visa lẽ ra phải có vé máy bay và phòng khách sạn đặt trước.
Tin cho hay nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu gia đình của Khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba phải hỏa táng thi hài của ông và rải tro ngoài biển vì họ không muốn ông được chôn để rồi dân chúng có thể tụ tập tưởng niệm, theo báo Asahi Shimbun Nhật Bản và tờ The Guardian của Anh.
Những người ủng hộ gia đình ông Lưu cho biết yêu cầu được đưa ra hôm 13/7, nhưng gia đình đã từ chối và yêu cầu nhà chức trách hoàn trả thi hài ông Lưu cho gia đình an táng.
Nhà hoạt động Hồ Gia nói với Kyodo rằng cảnh sát Trung Quốc tăng cường an ninh ở nhiều nơi có thể nổ ra biểu tình và quản thúc những người ủng hộ Lưu Hiểu Ba.
Ông Lưu là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Du khách tử nạn vì lực đẩy của phản lực cơ ở Caribe
Một khách du lịch New Zealand đã tử vong vì trúng lực phản của một chiếc máy bay cất cánh từ một sân bay trên đảo St. Maarten của Hà Lan ở Caribe, theo truyền thông quốc tế.
CNN trích nguồn của cảnh sát đảo St. Maarten cho biết người phụ nữ 57 tuổi mà danh tính không được công bố lúc đó đang đứng bên cạnh hàng rào để xem máy bay cất cánh hôm 12/7.
Lực phóng ra từ động cơ phản lực của chiếc máy bay mạnh đến nỗi làm người phụ nữ này ngã bất tỉnh, theo cảnh sát. Sau đó bà đã tử vong.
Khách du lịch rất thích xem máy bay cất cánh và hạ cánh ở sân bay quốc tế Princess Julianna bởi máy bay thường bay rất thấp ngay trên đầu họ khi lên xuống đường băng.
Các giới chức của địa phương và sân bay đều đã cảnh báo mọi người không đứng quá gần các máy bay vì “cực kỳ nguy hiểm.”
Mặc dù đã có những biển cảnh báo về mức độ nguy hiểm từ lực đẩy ra của của các máy bay phản lực, nhưng theo tờ The Telegraph, nhiều khách du lịch vẫn đứng ngay cạnh hàng rào ngăn giữa bãi biển và đường băng sân bay để cảm nhận lực của động cơ phản lực.
Cảnh sát không cho biết loại máy bay làm người phụ nữ chết hôm thứ 4 là loại máy bay gì. Theo CNN, cảnh sát thường xuyên tuần tra xung quanh khu vực này để cảnh báo khách du lịch. Những người thích cảm giác mạnh và du khách thường xem máy bay cất cánh và hạ cánh kể từ khi sân bay này đi vào hoạt động từ năm 1943.
Năm 2012, một phụ nữ đã bị thương sau khi bị lực đẩy của của máy bay hất văng vào một rào chắn bằng bê tông gần đó.
Năm 2014, 2 phi công đã tử vong sau khi máy bay của họ đâm xuống biển ngay sau khi cất cánh từ sân bay này.
https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-tu-nan-vi-luc-day-cua-phan-luc-co-o-caribe/3944502.html
Cựu cố Vấn Michael Caputo của tổng thống Trump
khai báo không có liên lạc với người Nga
Washington DC. (CBS) – Ủy ban Tình báo Hạ Viện đang tiếp tục điều tra sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, xem liệu có ai trong ban tranh cử của tổng thống Trump có liên hệ với người Nga không.
Hôm qua 14/07, cựu cố vấn ban tranh cử Michael Caputo được mời ra khai báo trước Ủy ban trong một phiên họp kín. Tại buổi khai báo kéo dài gần 4 giờ, ông Caputo khẳng định với Ủy ban Tình báo Hạ Viện rằng ông không liên lạc với người Nga, và không nghe bất cứ ai trong ban tranh cử của tổng thống Trump nói chuyện với người Nga. Ông Caputo là thành viên trong ban tranh cử từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016.
Vào đầu thập niên 1990, ông Caputo sống ở Nga trong khi đang làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ. Ông trở về Mỹ năm 2000, làm công việc cố vấn cho một công ty con của tập đoàn Gazprom, thuộc sở hữu của chính phủ Nga. Năm ngoái, ông nói với Buffalo News rằng ngay lúc này, ông không tự hào với công việc của ông, nhưng lúc đó, ông thấy tổng thống Nga Putin không phải là người xấu. Ông cố tình tránh né Tòa Bạch Ốc cũng như chính phủ của tổng thống, đặc biệt từ khi tên ông có tên trong danh sách những người bị điều tra.
Cũng liên lạc đến các cuộc điều tra, CBS News xác nhận Tòa Bạch Ốc thuê luật sư Ty Cobb làm cố vấn nội bộ, để giải quyết các vấn đề liên quan tới người Nga. Không giống các luật sư khác tổng thống Donald Trump đã thuê, ông Cobb sẽ làm việc bên trong Tòa Bạch Ốc, không phải bên ngoài, để giúp Tổng thống theo dõi các cuộc điều tra liên quan đến người Nga. Việc thuê mướn được thực hiện sau khi trưởng nam Donald Trump Junior sắp xếp cuộc gặp với một luật sư người Nga, được cho là có thông tin gây tổn hại cho đối thủ Hillary Clinton, là một phần trong sự hỗ trợ của chính phủ Nga đối với cha ông. Số người tham dự cuộc gặp trong ngày 9 tháng 6 tiếp tục gia tăng. Ngoài ông Trump Junior, con rể Jared Kushner, trưởng ban tranh cử Paul Manafort, và nhà vận động hành lang người Mỹ gốc Nga Rinat Akhmetshin, cũng có mặt.
Trong buổi họp báo chung với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump bênh vực cuộc gặp của con trai với luật sư Veselnitskaya. Ông nghĩ đó là cuộc gặp “nghiên cứu đối thủ”. Theo quan điểm thông thường, hầu hết mọi người đều muốn nghe nói về đối thủ. (Mai Đức)
Một đài phát thanh được chính phủ Nga tài trợ
chỉ cách tòa nhà quốc hội vài dãy phố
Washington DC. (Reuters) – Một trong các tòa nhà văn phòng ở trung tâm thủ đô Washington, D.C., nơi tọa lạc văn phòng của nhiều nhà vận động hành lang cũng như nhiều công ty luật, là đài phát thanh Radio Sputnik do chính phủ Nga tài trợ.
Chương trình của đài phát sóng online, và kể từ ngày 1 tháng 7, chương trình có thêm một đài FM địa phương. Các hãng thông tấn ở D.C là nguồn cung cấp tin tức bằng tiếng Anh cho Radio Sputnik. Nhờ vậy, đài phát thanh này phát sóng ở DC mỗi ngày 7 giờ, thời gian còn lại là những chương trình được sản xuất ở Nga, phát sóng bằng tiếng Nga.
Tổng biên tập của Radio Sputnik là Mindia Gavasheli, trước đây làm việc cho cơ quan truyền thông của chính phủ Nga là RT Television. Ông cho biết Radio Sputnik có thể cung cấp cho người Mỹ những quan điểm khác hẳn với quan điểm của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Cộng tác viên của Radio Sputnik gồm Garland Nixon, một cựu nhân viên cảnh sát, hiện nay hướng dẫn một chương trình bình luận cho đài phát thanh; và Lee Stranahan, một cựu phóng viên của Breitbart dot tv, đồng thời là một ủng hộ viên của tổng thống Donald Trump.
Ông Nixon cho biết họ thảo luận về những vấn đề mà họ cảm thấy truyền thông bỏ qua, gồm Trung Đông và Syria. Ông nghĩ truyền thông nên ngừng tập trung vào người Nga, và nên cho phép công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra vụ tranh cãi về mối quan hệ giữa ông Trump với người Nga.
Hiện nay có 40 nhà báo, phần lớn là giới trẻ Mỹ, làm việc cho Radio Sputnik ở DC. (Mai Đức)
Pháp tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tại Nice 2016
Ngày 14/07/2017 đánh dấu một năm vụ khủng bố bằng xe tải tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp, 86 người thiệt mạng. Ngay sau khi tiễn tổng thống Mỹ về nước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thành phố Nice để tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố.
Theo đặc phái viên RFI, ngay từ 9 giờ sáng 14/07/2017, người dân Pháp đã đến đặt những vòng hoa ba mầu xanh-trắng-đỏ (màu cờ của Pháp) trên đại lộ Promenade des Anglais dài 170 mét. Vào cuối buổi sáng, gia đình các nạn nhân tham gia một buổi lễ cầu nguyện chung trước khi diễn ra buổi lễ diễu binh và lễ tưởng niệm với sự có mặt của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trước hơn 2.000 người, tổng thống Pháp phát biểu là ông « hiểu được nỗi tức giận » và cảm giác phẫn nộ của các gia đình nạn nhân đối với nhà nước. Ông hứa « duy trì tất cả » trong việc trợ giúp các nạn nhân khủng bố.
Franck, người được mệnh danh là « người hùng đi xe máy » vì cố chặn chiếc xe « điên » vào năm ngoái được trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.
Tối hôm qua, đại lộ Promenade des Anglais được thắp sáng với 86 cụm nến, tưởng niệm 86 nạn nhân. Một phút mặc niệm vào 22 giờ 34, thời điểm vụ tấn công bằng xe tải xảy ra vào năm ngoái. Cuối cùng, 86 quả bóng trắng đã được thả lên trời thay màn pháo hoa như mọi năm.
http://vi.rfi.fr/phap/20170715-phap-tuong-niem-nan-nhan-vu-khung-bo-tai-nice-cach-day-mot-nam
Liên Hiệp Châu Âu
tận diệt nguồn tài chính của các nhóm khủng bố
Trong mắt Ủy Ban Châu Âu, các hoạt động buôn bán cổ vật đánh cắp từ các khu thành cổ ở Syria và Irak là nguồn thu nhập quan trong của các tổ chức khủng bố. Mở chiến dịch tấn công vào các nguồn tài trợ của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo cũng là một phương tiện để tiêu diệt khủng bố. Vì thế, Ủy Ban Châu Âu ngày 13/07/2017 mở một mặt trận mới : tăng cường kiểm soát các hoạt động mua bán cổ vật.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích thêm :
“Trên bình diện quốc tế, các dịch vụ mua bán trái phép những sản phẩm văn hóa đem lại doanh thu ước tính có thể lên tới 6 tỷ euro hàng năm, tính một cách rộng rãi. Đây là một thách thức lớn đối với 120.000 nhân viên hải quan của châu Âu.
Ông Pierre Moscovici, ủy viên đặc trách các hồ sơ kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu – trong đó có cả vế thuế quan, cho rằng các dịch vụ mua bán trái phép đồ cổ là “một loại vũ khí lý tưởng đối với các nhóm khủng bố. Các vụ đánh cắp cổ vật tại nhiều thành phố cổ cho thấy các nhóm này không hề có giới hạn trong việc tàn phá các di sản vô cùng quý giá của nhân loại. Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh khiến công luận phải rúng động, các nhóm khủng bố hoàn toàn biết được giá trị của những báu vật, những pho tượng, những bức tranh tường mà họ đánh cắp. Châu Âu có nghĩa vụ bảo vệ những di sản đó, đó là di sản chung của nhân loại”.
Ủy ban Châu Âu đề nghị, chẳng hạn với tất cả những cổ vật hơn 250 tuổi, phải khai báo rõ ràng, đính kèm theo ảnh, mỗi khi một chúng được chuyển qua biên giới. Riêng với một số sản phẩm có giá trị lớn như đồ khảo cổ, sách hay tài liệu cổ xưa, thì cần phải có thêm giấy phép của một trong những nước thành viên châu Âu để mặt hàng đó được mang vào châu lục này, và thêm vào đó là bằng chứng cho thấy vật thể đó được xuất khẩu một cách hợp pháp”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170715-lien-hiep-chau-au-tan-diet-nguon-tai-chinh-cua-cac-nhom-khung-bo
Nga cảnh báo có quá nhiều gián điệp Mỹ tại Matxcơva
Ngày 14/07/2017, Nga tuyên bố có quá nhiều điệp viên Mỹ hoạt động tại Matxcơva dưới vỏ bọc ngoại giao và không loại trừ khả năng trục xuất một số người để đáp trả việc 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất vào năm 2016.
Lời cảnh báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, thể hiện sự tức giận của Nga trước việc chính quyền Trump từ chối trả lại cho Nga hai trung tâm ngoại giao Nga bị chính quyền Mỹ tịch biên ở New York và Maryland, cũng như việc Washington từ chối cấp visa cho các nhân viên ngoại giao mới của Nga sang thay thế đồng nghiệp bị trục xuất.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, « số lượng nhân viên sứ quán Mỹ tại Matxcơva nhiều hơn so với số nhân viên ngoại giao Nga tại Washington ». Vì vậy, một trong số các lựa chọn là trục xuất bớt nhân viên Mỹ để cân bằng số lượng. Ngoài ra, « có quá nhiều nhân viên của CIA và của đơn vị tình báo Lầu Năm Góc làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao Mỹ và hoạt động của họ không hề phù hợp với chức vụ ».
Ngoài đe dọa trục xuất nhân viên ngoại giao, bà Maria Zakharova cảnh báo Nga có thể cấm các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng một ngôi nhà phụ (datcha) và một nhà kho ở Matxcơva.
Hãng tin Reuters nhắc lại là quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai trung tâm của Nga được chính quyền Obama đưa ra vào tháng 12/2016 nhằm đáp trả vụ tấn công tin học vào đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà Nga bị Washington cáo buộc đứng sau giật dây. Thay vì đưa ra biện pháp trả đũa tương tự, tổng thống Nga Putin đã quyết định chờ xem thái độ của tân chính quyền Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170715-nga-canh-bao-co-qua-nhieu-gian-diep-my-tai-matxcova
Bắc Kinh : Tokyo “nên quen dần”
với việc chiến đấu cơ Trung Quốc tập trận tại eo biển Miyako
Eo biển Miyako của Nhật Bản, nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa ở phía nam quần đảo Nhật Bản và cách Đài Loan khoảng 400 cây số về phía đông.DRwikipedia
Một ngày sau khi Tokyo phản đối 6 chiếc máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc tập trận trong khu vực eo biển Miyako của Nhật Bản, trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 14/07/2014 khẳng định tính “hợp pháp và đúng đắn” của cuộc diễn tập này. Bắc Kinh sẽ tiếp tục các cuộc diễn tập khi cần thiết.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn xác nhận máy bay quân sự của nước này hoạt động trong vùng eo biển Miyako và Bắc Kinh cho rằng chính quyền Nhật không nên “làm to chuyện hay diễn giải quá đáng sự việc”. Tốt hơn cả là Nhật Bản nên “làm quen” với sự hiện diện của máy bay quân sự Trung Quốc trong vùng.
Eo biển Miyako là một cánh cổng chiến lược mở ra Thái Bình Dương, nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa ở phía nam quần đảo Nhật Bản và cách Đài Loan khoảng 400 cây số về phía đông.
Theo giới phân tích, tuyên bố trên của Bắc Kinh là một lời cảnh cáo gửi đến cả Tokyo và Đài Bắc. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.
Reuters nhắc lại, bộ Quốc Phòng Nhật hôm 13/07/2017 phát hiện một đội bay “bất thường”trong khu vực eo biển Miyako, nhưng máy bay ném bom của Trung Quốc không xâm phạm không phận Nhật Bản.
Trong những tháng gần đây, Hải Quân và Không Quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành các đợt tập trận trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Phía Đài Loan không chính thức lên tiếng phản đối, nhưng bộ Quốc Phòng cho biết “theo dõi chặt chẽ” các hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc trong khu vực.
TQ : Tập Cận Bìnhchỉ định người thân tín
làm bí thư Trùng Khánh
Nổi tiếng trung thành với Tập Cận Bình, ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc, ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), được chỉ định vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh vào ngày 15/07/2017. Giới phân tích xem đây là một nước cờ để chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào mùa thu 2017.
Hãng tin Reuters không loại trừ khả năng tân bí thư thành ủy Trùng Khánh được đề cử vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Ông Trần Mẫn Nhĩ, 57 tuổi, cũng là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sắp tới.
Cuối năm 2012, hơn một tháng sau khi Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch nước, ông Trần được đề cử vào chức vụ chủ tịch tỉnh Quý Châu (Guizhou). Ba năm sau, vẫn tại Quý Châu, ông trở thành một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước. Trong thời gian từ 2007 đến 2012, ông Trần Mẫn Nhĩ giữ chức phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang và làm việc dưới quyền bí thư tỉnh ủy, khi đó là Tập Cận Bình.
Ông Trần Mẫn Nhĩ vừa được cất nhắc vào chức vụ bí thư Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai). Có nhiều nguồn tin cho rằng, ông Tôn vốn được xem là một nhân vật có triển vọng thăng tiến, vừa bị “chỉ trích” là đã thiếu nghị lực trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của bè phái gia đình Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Năm 2013, ông Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.
Bắc Kinh chỉ trích
một số nước “phá hoại” quan hệ ASEAN-Trung Quốc
Trung Quốc kêu gọi các nước Đông Nam Á chấm dứt « các mối nghi ngờ »đang đe dọa quan hệ song phương.
Phát biểu tại hội thảo « 50 năm ASEAN : Một chương mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc », được tổ chức ở Jakarta, ngày 14/07/2017, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Từ Bồ (Xu Bu) cho rằng căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây bị « một số nước thao túng để đầu độc bầu không khí hợp tác trong vùng và phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN », trong khi đó, quan hệ kinh tế song phương được cải thiện, « Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 8 năm liên tiếp », với tổng trị giá trao đổi hàng hóa năm 2016 lên đến 452 tỉ đô la.
Theo trang News.com của Úc, phát biểu này nằm trong văn bản được được lưu hành sau đó, nhưng khác với diễn văn mà đại sứ Trung Quốc đọc tại hội thảo.
Những chỉ trích trên dường như ám chỉ đến những tuyên bố của thủ tướng Úc và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hồi tháng 06/2017.
Tại diễn đàn an ninh Shangri La, ở Singapore, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên những quan ngại ngày càng lớn trong vùng về các hoạt động của Trung Quốc. Đây cũng là quan điểm của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, khi đánh giá các hoạt động đó « coi thường luật pháp quốc tế » và « lợi ích của các nước khác ».
Ông Edy Prasetyono, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc đại học Indonesia, khẳng định, đối với các nước Đông Nam Á, quan hệ thương mại ngày càng phát triển với Bắc Kinh là không đủ. Theo ông, « ASEAN và Trung Quốc phải tìm ra những phương pháp và giải pháp cho một số vấn đề địa chính trị và địa chiến lược » và đây là một nhiệm vụ khó khăn trong tương lai.
Trung Quốc nới lỏng thủ tục visa cho du khách Philippines
Trong bối cảnh quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh được cải thiện, Trung Quốc « cam kết » nới lỏng điều kiện cấp thị thực cho du khách Philippines. Thông báo của giám đốc bộ phận đối ngoại của Cơ quan Du lịch Trung Quốc được đưa ra sau khi đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang xem xét miễn thị thực cho công dân Philippines.
Hiện tại, du khách Philippines hay Trung Quốc đều cần thị thực du lịch đến một trong hai nước. Lượng du khách Trung Quốc chiếm vị trí thứ ba tại Philippines sau Hoa Kỳ và Hàn Quốc, trong khi du khách Philippines chiếm vị trí thứ 10 tại Trung Quốc.
Hồng Kông :
Phe đối lập mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng
Hôm qua 14/07/2017, Tòa Án Tối Cao Hồng Kông tuyên bố truất quyền nghị sĩ của bốn tân dân biểu đòi độc lập cho Hồng Kông đắc cử hồi tháng 10/2016 vì họ không tuyên thệ đúng theo quy định. Điều này có nghĩa là phe đối lập từ nay mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng tại Hội đồng lập pháp.
Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence Changy cho biết thêm chi tiết :
« Bốn cộng hai bằng sáu ». Bốn dân biểu vừa mất ghế, giống hai người khác đã từng bị truất quyền nghị sĩ. Hai nghị sĩ trẻ đòi độc lập nói trên bị cấm tham gia Nghị Viện. Thực ra, họ chưa từng được tham gia Quốc Hội. Mất sáu ghế ở Legco (Hội đồng lập pháp), phe đối lập đã mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng.
Hoàng Chi Phong, lãnh đạo trẻ tuổi của đảng đối lập mới Demosisto phát biểu : « Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất chống nền dân chủ của chúng ta ».
Quyết định trên của Tòa cũng đa bị Mỹ chỉ trích. Dân biểu Mỹ Chris Smith tuyên bố : « Xảy ra chỉ một ngày sau khi giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời, việc này như một lời nhắc nhở lạnh lùng rằng Bắc Kinh ghét và rất sợ tự do ngôn luận ». Còn thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio đăng trên Twitter : « Nền dân chủ của Hồng Kông đang tiếp tục bị Trung Quốc tàn phá mạnh mẽ ».
Tối hôm qua, nhiều nhóm đã tụ tập phản đối trước trụ sở Hội đồng lập pháp. Những người bị truất quyền nghị sĩ không chỉ hứa kháng án mà còn hứa sẽ ra ứng cử ngay khi các kỳ bầu cử bổ sungđược tổ chức.
Tất nhiên, điều này chỉ có thể diễn ra nếu họ không bị cấm ra ứng cử.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170715-hong-kong-phe-doi-lap-mat-quyen-phu-quyet-cac-cai-cach-quan-trong
Gấu trúc Trung Quốc rất xui xẻo,
lãnh đạo phương Tây hãy coi chừng !
Bài xã luận của Le Courrier International tuần này cảnh báo về « Sự xui xẻo của gấu trúc ». Tờ báo cho rằng bà Angela Merkel cần phải cảnh giác khi nhận về hai con gấu trúc (panda) Jiao Qing (Kiều Khánh) và Meng Meng (Mộng Mộng) cho sở thú Berlin hôm 24/06/2017. Tuy đây là biểu tượng nổi bật nhất trong « chiến dịch nụ cười » của Trung Quốc trước cường quốc hàng đầu châu Âu, nhưng chính sách « ngoại giao gấu trúc » (Hùng miêu ngoại giao) nổi tiếng nhiều khi mang lại vận xui cho các đối tác của Bắc Kinh.
Hồi tháng Tư năm 1972, sở thú Washington tiếp đón hai con gấu trúc Ling Ling (Linh Linh) và Hsing Hsing (Hưng Hưng), quà tặng của thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để giúp gắn bó keo sơn tiến trình hòa giải với Hoa Kỳ. Hai tháng sau, nổ ra vụ xì-căng-đan ầm ĩ Watergate, khiến sau đó tổng thống Richard Nixon đành phải rời khỏi Nhà Trắng.
Tại Nhật Bản, thủ tướng Kakuei Tanaka cũng chia sẻ niềm tin « không nên để lỡ chuyến tàu với Trung Quốc ». Chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Tanaka vào tháng Chín năm 1972 đã giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật-Trung. Về cụ thể, sở thú Tokyo nhận được cặp gấu trúc Kang Kang (Khang Khang) và Lan Lan (Lan Lan) do Bắc Kinh gởi tặng. Nhưng hai năm sau đó, thủ tướng Tanaka bị vướng vào một vụ tai tiếng chính trị-tài chính, phải ngậm ngùi từ chức.
Ở Anh quốc, thủ tướng Edward Heath cũng chẳng may mắn gì hơn. Sang thăm Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1974, trong hành trang ông mang về có cả cặp gấu trúc Chia Chia (Giai Giai) và Ching Ching (Tinh Tinh) cho sở thú Luân Đôn. Chỉ một tháng sau, ông Heath bị thất cử và phải dọn đồ ra khỏi Downing Street.
Thế nên thủ tướng Đức, sẽ chịu thử thách trong cuộc bầu cử vào tháng Chín tới, đã được báo trước : với cái cớ hòa bình hữu nghị, chính sách « ngoại giao gấu trúc » do nữ hoàng (tàn bạo) Võ Tắc Thiên (Wu Zetian) khởi đầu vào thời nhà Đường, trước hết nhằm phục vụ cho lợi ích cho đế quốc Trung Hoa. Và Bắc Kinh trong những tháng gần đây không hề giấu diếm tham vọng lại trở thành trung tâm của thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170714-gau-truc-trung-quoc-rat-xui-xeo-lanh-dao-phuong-tay-hay-coi-chung