Chuyện nước mình hỗn loạn!
14/07/2017
Mấy hôm nay ít đi lại để nghĩ dưỡng, nằm ngẫm nghĩ thấy buồn nhiều hơn vui về chuyện nước non.
Ai cũng biết tình hình Biển Đông đang nóng dần lên với việc Trung Quốc quyết tâm ủng hộ Bắc Triều Tiên làm Chí Phèo gây rối. Ván cờ Mỹ -Trung như tôi đã nói cả năm nay, hai bên đang dùng Triều Tiên và Biển Đông để đánh tay đôi, và vì Mỹ cùng đồng minh không thể đổ quân giải giáp chính quyền Kim Jong Un vì thiếu nhân tố bên trong, nên có vẻ mặt trận chính sẽ nằm ở Biển Đông.
Các động thái triển khai quân sự của Mỹ cũng đã dần mạnh hơn. Việc liên tục cho máy bay, tàu chiến ra vào khu vực Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền (dù là vùng còn tranh chấp với VN) cho thấy Mỹ muốn nắn gân TQ mạnh hơn. Cũng như tần suất hải quân Mỹ vào Cam Ranh gia tăng nhiều hơn trước cho thấy VN, sau chuyến thăm nhiều vấn đề của tướng Phạm Trường Long, thì đảng CSVN dù muốn dù không, đã phải gửi một thông điệp cứng rắn hơn với đảng CSTQ.
Chúng ta cũng cần chú ý rằng trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, tướng Tô Lâm đã ký với Mỹ một thỏa thuận về hợp tác an ninh-tình báo. Dĩ nhiên ông Tô Lâm phải làm như thế trong tình hình gián điệp Trung Quốc đang tăng cường quấy phá an ninh VN, cũng như TQ đang giật dây cho IS quậy phá các nước Đông Nam Á. Mỹ-Việt hợp tác an ninh tình báo trong bối cảnh khu vực lúc này thì dĩ nhiên Việt hưởng lợi hơn Mỹ.
Bối cảnh quốc tế thì phức tạp, nhiều vấn đề như thế nhưng nội tình VN lại có nhiều vấn đề cho thấy một xu hướng khó có thể ứng phó nổi khi xảy ra sự kiện. Thử điểm lại coi chúng ta có gì trong tay ?
Chúng ta có một bộ tứ nguyên thủ đang chia rẽ vì nhiều vấn đề. Một tổng bí thư luôn quyết tâm giữ bình bằng việc đưa VN gần với con tàu TQ bất chấp quỹ đạo phụ thuộc ngày càng thu hẹp. Một thủ tướng với tác phong nông dân khó có thể gây dựng lòng tin chiến lược với các nguyên thủ các đại cường và đồng minh khác. Một chủ tịch nước dù kế thừa đường lối thoát Trung nhưng rụt rè trong hành động và chưa thật sự quyết tâm dấn thân vì đại sự. Một chủ tịch Quốc Hội lo chỉ trích nhân dân nhiều hơn lo việc cải cách thể chế.
Đó là ở thượng tầng, ở trung tầng thì càng rối. Chúng ta có nhiều địa phương mà các bí thư chủ tịch tỉnh lo xây biệt phủ và bổ nhiệm người nhà và thanh trừng nhau giành ghế hơn là chăm lo cho phát triển địa phương và đời sống nhân dân. Ở các bộ ngành thì công cuộc chống tham nhũng theo kiểu “đả hổ diệt ruồi” của TQ truyền thụ có khả năng gây ra tình trạng tan hoang về nhân sự đưa đến sự trì trệ về triển khai chính sách.
Tai hại nhất là các chính sách khoát áo dân sự nhưng là then chốt trong cái ruột quốc phòng. Ví dụ như cuộc thanh trừ “nhóm Đinh La Thăng” trong tập đoàn dầu khí đã làm tập đoàn này bị khủng hoảng, dĩ nhiên nó sẽ làm chậm lại hợp tác dầu khí với Mỹ-Nga-Ấn Độ ở Biển Đông và cuối cùng TQ hưởng lợi.
Cuộc tiến hành cải cách ở Bộ Công An cũng thế, nhìn qua thì thay đổi chính sách, nhưng phía sau nó là giảm trừ ảnh hưởng. Dĩ nhiên là người ta hiểu rằng cuộc giảm trừ ảnh hưởng này là nhắm đến vị trí của ông Tô Lâm. Nếu ngành công an mất ông Tô Lâm thì các chính sách hợp tác an ninh Mỹ-Việt bị chậm lại, và ai sẽ hưởng lợi ?
Trong bối cảnh như thế, một con xe phòng thủ quốc gia là quân đội đang còn phải tranh cãi nhau coi quân đội có nên làm kinh tế nữa không, làm theo kiểu gì và ai được làm (vì là miếng bánh béo bở).
Đảng thì như thế, còn phía phe đối lập thì cãi nhau như mổ bò về quan điểm, đánh phá triệt hạ nhau vì vài đồng bạc lẻ. Thay vì trăn trở suy tư để nói công khai về những điều có lợi chung thì bỏ thời gian xì xào lan truyền sau lưng nhau những âm mưu phi nghĩa. Thay vì nâng tầm nâng chất mình lên có thể dẫn dắt quần chúng tiến bộ kết hợp với bộ phận cải cách trong đảng chuẩn bị cho “cách mạng dân chủ tinh hoa thời đại” thì ngày càng tỏ ra hỗn loạn và phản bội nhau…Sau 40 năm tranh đấu thì ngày càng xuống tầm.
Đất nước có bao giờ được như thế này không ?
Nguyễn An Dân (Minh Hữu Quang)
(FB Minh Hữu Quang)