Tin Việt Nam – 13/07/2017
Chính quyền Huế quyết tâm lấy đất Đan viện Thiên An
Hòa Ái, phóng viên RFA
Buổi làm việc chính thức lần đầu tiên giữa chính quyền Thừa Thiên-Huế với đại diện của Đan viện Thiên An liên quan khiếu nại, khiếu kiện đất của Nhà dòng này kéo dài gần 20 năm được cho biết không có kết quả và rơi vào bế tắc.
Đất của Đan viện vẫn bị trưng thu
“Cuộc họp hôm nay không có kết quả gì sáng sủa hết, bởi vì đã 20 năm rồi mà họ vẫn dựa vào những văn bản rất lập lờ, dựa vào các tin tức cũng như những chính sách rất mờ ám. 20 năm trước họ nói như thế nào thì hôm nay họ vẫn dùng nhưng lời lẽ như vậy.”
Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, một trong những đại diện của Đan viện Thiên An cho biết như vừa nêu về buổi gặp gỡ do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế mời và do Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ chủ trì vào sáng ngày 12/07/2017.
Lần gặp gỡ này được xem là buổi làm việc chính thức giữa chính quyền tỉnh với Đan viện Thiên An cùng đại diện của Hội đồng Giáo xứ và đại diện Tòa Giám Mục Huế, sau suốt gần 20 năm dài Đan viện khiếu kiện liên quan 49 héc-ta đất (rừng thông) bị trưng thu hồi năm 1988.
Cuộc họp hôm nay không có kết quả gì sáng sủa hết, bởi vì đã 20 năm rồi mà họ vẫn dựa vào những văn bản rất lập lờ, dựa vào các tin tức cũng như những chính sách rất mờ ám. 20 năm trước họ nói như thế nào thì hôm nay họ vẫn dùng nhưng lời lẽ như vậy
-LM.Phêrô Khoa Cao Đức Lợi
Cuộc họp kéo dài 3, 5 tiếng đồng hồ nhưng Chính quyền Thừa Thiên-Huế và Đan viện Thiên An không đạt được sự đồng thuận nào do mấu chốt khác biệt là chính quyền địa phương vẫn căn cứ vào hai Quyết định số 1230 và 577, do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Vượng ký.
Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi tường trình lại diễn tiến của cuộc họp sáng nay:
“Họ nói quyết định 1230 và quyết định 577 của Chính phủ là hoàn hảo và họ cứ vậy mà làm việc. Cho nên chúng tôi thấy bế tắc và Đan viện đã ra về và không ký một chữ ký nào hết. Họ nói ‘nếu được thì sau này có thể tổ chức một cuộc họp khác’. Nhưng tôi nghĩ Đan viện sẽ không đi họp với kiểu làm việc vô trách nhiệm như vậy.”
Đan viện Thiên An cho rằng Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã đánh lận con đen trong việc lấy 49 héc-ta đất (rừng thông) của Đan viện trong khi Quyết định 577 ghi là “thu hồi đất hoang trên đồi thông Thiên An”. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi còn cho biết tại buổi làm việc, Chính quyền không chỉ không giải quyết khiếu nại, khiếu kiện 49 héc-ta đất (rừng thông) đã bị trưng thu gần 20 năm trước mà họ sẽ tiếp tục lấy thêm phần diện tích còn lại trong tổng số 107 héc-ta của Đan viện.
Đan viện tiếp tục đấu tranh giữ đất
Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi nói Chính phủ đã nhận thấy trong Quyết định 577 có sai sót và đã ra thêm một quyết định khác, Quyết định số 62 để giải quyết vấn đề thu hồi đất của Đan viện Thiên An. Tuy nhiên Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã không thực thi Quyết định 62 của Trung ương. Đan viện Thiên An vào ngày 13/07, sẽ liên lạc với Trưởng ban Tôn giáo Thừa Thiên-Huế thông báo lý do Đan viện không ký vào biên bản họp sáng ngày 12/07 là vì Ủy ban Nhân dân tỉnh không có thiện chí giải quyết vụ việc, chứ không phải Đan viện Thiên An không hợp tác.
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do, xoay quanh vụ việc khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến Đan viện Thiên An đập phá Thập Tự giá và hành hung các tu sĩ đến đổ máu trong hai ngày 28 và 29 tháng Sáu có được đề cập tại buổi họp, Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi lập lại lời nói của Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phan Ngọc Thọ:
“Ông nói rằng vấn đề đập, đánh này nọ thì Đan viện đã gửi đơn đến cho Viện Kiểm sát, Công an thị xã và Công an tỉnh thì chính các đơn vị đó sẽ có trách nhiệm làm việc với Đan viện. Còn ông thuộc về đại diện phía Nhà nước nên ông chỉ giải quyết về chuyện đất đai mà thôi.”
Liên quan đến dự định trong thời gian tới của Đan viện viện Thiên An, Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cho biết:
Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Nay mai chúng tôi sẽ kéo nhau ra Hà Nội, trực tiếp xin gặp Thủ tướng để chỉ đạo cho tỉnh giải quyết, chứ như thế này là bế tắc
-LM.Phêrô Khoa Cao Đức Lợi
“Đan viện chúng tôi đang cố gắng hết sức sẽ làm tiếp tục. Nhưng bây giờ chúng tôi làm trong cách thức để tránh đổ máu xảy ra. Chúng tôi cũng nói với tỉnh rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm vì chúng tôi vẫn luôn luôn bảo vệ phần đất của mình. Chúng tôi sẽ báo cho tỉnh biết đợt tới sẽ làm việc này, việc kia…Còn chính quyền đồng ý cho làm hay không thì không quan trọng.”
Sau cuộc họp chính thức giữa Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế và Đan viện Thiên An vào sáng 12/07/2017, Đan viện khẳng định với RFA sẽ kiên trì đấu tranh không để mất thêm tấc đất nào nữa về tay của chính quyền địa phương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Nay mai chúng tôi sẽ kéo nhau ra Hà Nội, trực tiếp xin gặp Thủ tướng để chỉ đạo cho tỉnh giải quyết, chứ như thế này là bế tắc.”
Xin được nhắc lại, trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về những hệ lụy của việc Hà Nội trưng thu đất đai cùng cơ sở vật chất và thờ phượng của các tôn giáo, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã và đang hành xử một cách thiếu khôn ngoan và nếu vấn đề đất đai của Đan viện Thiên An không được giải quyết triệt để thì hậu quả sẽ khôn lường do mối xung khắc giữa Công giáo và nhà cầm quyền Việt Nam trong nhiều thập niên qua sẽ bùng phát.
Việt Nam: Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới ‘đổ bể’?
Tin cho hay dự án tháp truyền hình ‘cao nhất thế giới’ mới góp vốn mới góp được 150 tỷ đồng trong số vốn điều lệ 600 tỷ đồng trong lúc cả VTV và SCIC đều “xin rút”.
Truyền thông Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 5/2017, Đài truyền hình Việt Nam “đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.”
“Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam – một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới. Lý do của đơn vị này là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.” VnExpress tường thuật.
“Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.”
Chủ trương xâp tháp truyền hình ‘là phù hợp’
Hỏi lãnh đạo VTV về ‘tháp nhất thế giới’
Hồi năm 2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam bảo vệ chủ trương xây tháp truyền hình cao nhất thế giới trong lúc có lo ngại về hiệu quả của dự án.
Ông Nguyễn Văn Nên nói với báo trong nước rằng dự án “không chỉ là xây cho truyền hình VTV mà nó là một điểm nhấn của đô thị, là một trung tâm có thể thu hút du lịch, du khách, và có thể cũng trở thành điểm nhấn cho vấn đề phát triển kinh tế, dịch vụ”.
Báo Một Thế Giới trích dẫn lời ông Nên, “chủ trương này là phù hợp và nhiều người sẽ rất mừng khi Việt Nam sở hữu tháp truyền hình cao nhất thế giới này”.
Thời điểm dự án nêu trên được công bố, 45 nhân sỹ, trí thức trong đó có nguyên Thứ trưởng Công nghệ và Môi trường Chu Hảo, nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Hồ Uy Liêm và nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Phạm Gia Minh gửi thư ngỏ cho tổng giám đốc Truyền hình Việt Nam với bốn câu hỏi về dự án.
Thư nói họ “hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo”.
Dự án tháp truyền hình công bố độ cao của tháp là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo – Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu – Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.
Công ty Cổ phần Tháp truyền hình được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Theo báo cáo của VTV, đến nay ba đơn vị góp vốn (VTV, SCIC, Tập đoàn BRG) mới góp được 150 tỷ đồng.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40579338
Bộ Y tế VN cảnh báo về sốt xuất huyết
Cần có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời đối với mùa dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn trong năm 2017 và có thể diễn biến phức tạp.
Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, ông Trần Đắc Phu nói với báo giới trong nước lời cảnh báo như vừa nêu, vào sáng ngày 13/07.
Ông Trần Đức Phu cho biết trong năm nay dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn 1-2 tháng tại Hà Nội, so với những năm trước và dịch bệnh có xu hướng gia tăng mạnh. Ông Trần Đức Phu nhấn mạnh dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp nếu không có các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân phải làm những việc cần thiết theo sự hướng dẫn của Bộ này để phòng bệnh sốt xuất huyết và virus Zika như diệt muỗi, diệt lăng quăng, phối hợp với các ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch… và cần phải đến cơ sở y tế điều trị khi thấy có dấu hiệu bị sốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Y tế thống kê hơn 45.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Bùng phát cúm gia cầm H5N1 ở miền bắc
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam xác nhận phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát ở mạn bắc tỉnh Hà Nam.
Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới, trụ sở tại Paris, nhận được báo cáo vừa nêu và loan tin vào ngày 12 tháng Bảy.
Theo báo cáo nhận được thì có hơn 1.100 gia cầm bị nhiễm virus H5N1. Loại gia cầm bị nhiễm dịch cúm không được nói rõ là loại nào và nguyên nhân lây lan của dịch cúm cũng vẫn chưa tìm ra.
Việt Nam nằm trong số những quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu đang có phát tán các loại dịch cúm gia cầm khác nhau trong vài tháng qua. Nhiều chủng loại cúm chỉ lây nhiễm đối với gia cầm, nhưng chủng H7N9 còn gây bệnh trên người, thậm chí có những trường hợp bị tử vong do H7N9 ở Trung Quốc.
Chuyên gia trong nước sẽ có ý kiến về mở rộng sân bay TSN
Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định mời trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa hôm 13 tháng 7 gửi công văn khẩn yêu cầu các sở liên quan và Ủy ban nhân dân quận Tân Bình triển khai nội dung kết luật của Bí Thư thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân về việc mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ nghe nhóm nghiên cứu báo cáo dự thảo đề án hai lần và đến đầu tháng 9 sẽ báo cáo Thủ tướng chính phủ về đề án mở rộng sân bay.
Vào ngày 12 tháng 6 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài khảo sát nghiên cứu, đề xuất phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía bắc nơi đang có sân golf cũng như phía nam. Mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vận tải hàng không bấy lâu nay cũng như để nâng công suất lên 45 triệu khách mỗi năm.
Hiện tại sân bay Tân Sơn nhất chỉ có công suất 25 triệu lượt hành khách một năm, nhưng lượng khách qua sân bay năm 2016 đã lên đến 32 triệu lượt. Tuyến giao thông duy nhất vào sân bay luôn ùn tắc. Ủy ban nhân dân Thành phố mới đây đã đồng ý với phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng sân bay, xây dựng thêm đường lăn, khu bãi đỗ, nhà ga… để sân bay có thể đón từ 43-45 triệu lượt khách mỗi năm.
Tuy nhiên, ngay trong sân bay lại có sân golf do công ty của Bộ Quốc phòng xây dựng từ năm 2007 và khai trương vào năm 2015. Sân golf rộng đến 157 ha và gần đây là tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng sân golf đã cản trở việc mở rộng sân bay và đã có đề nghị quân đội phải trả lại đất này cho sân bay.
Hồi tháng 2 vừa qua, trước sức ép của dư luận, Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại cho sân bay 21 ha đất để Bộ Giao thông Vận tải xây thêm nhà ga, đường lăn và sân đỗ máy bay.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch vào ngày 12 tháng 7 nói với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn rằng từ đầu năm Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngừng xây dựng các công trình dịch vụ tại sân golf. Ông nói Bộ Quốc phòng cũng sẵn sàng thu hồi và bàn giao để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nếu có yêu cầu của Chính phủ.
Cầu vượt biển dài nhất VN bị lỗi kỹ thuật
Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam ở Hải Phòng vừa bị phát hiện có những vết nứt và đang lún xuống ngay trước khi cây cầu được chính thức khai trương.
Báo chí trong nước hôm 13 tháng 7 trích kết quả kiểm tra của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước với công trình đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, hay còn gọi là cầu vượt biển, cho thấy có một số lỗi kỹ thuật trên mặt cầu như độ bằng phẳng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thi công mối nối chưa tốt… nền đường cầu Sông Cấm thuộc công trình tiếp tục lún so với dự báo thiết kế.
Báo Giao Thông trích lời ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2, đơn vị chủ đầu tư, cho biết các tồn tại của dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bộ Giao Thông Vận Tải sẽ họp với các đơn vị, cơ quan liên quan vào ngày 14 tháng 7 để tìm giải pháp xử lý triệt để.
Cây cầu thuộc công trình đường ô Tân Vũ – Lạch Huyện được coi là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 15 km với sáu làn đường và có trị giá đầu tư là 523 triệu đô la. Cây cầu cũng nối với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội.
Gần trăm tấn cá chết ở Kon Tum
Gần 100 tấn cá nuôi lồng bè trên lòng hồ thuỷ điện Plei Krong, thị trấn Dak Hà, tỉnh Kon Tum chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người dân nuôi cá rơi vào cảnh điêu đứng khi phát hiện.
Nguồn tin trong nước cho hay cá bị chết chủ yếu là cá diêu hồng và cá trắm.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Ngọc Thắng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) huyện Đắk Hà cho biết chiều ngày 12 tháng 7 UBND tỉnh và cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Sau đó sẽ tính đến giải pháp hỗ trợ.
Người dân nuôi cá cho biết đây là lần đầu tiên hiện tượng cá chết đột ngột xảy ra và theo họ là do thủy điện xả nước nhanh, dân không kịp hạ lồng bè khiến cá thiếu oxy bị chết.
Nhà máy thủy điện Ia Ly cho rằng đổ lỗi cho việc xả nước là không có cơ sở.
Mới trong tuần tại Sông Bồ, Thừa Thiên – Huế cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hằng loạt và dân nói do thủy điện xả nước; đến nay cơ quan chức năng cũng chưa có kết luận chính thức.
Quân đội tiếp tục lên tiếng về việc làm kinh tế
Hơn 1000 biển số xe màu đỏ, tức là xe của quân đội, được thu hồi.
Thông tin này được Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng cục kinh tế của Bộ quốc phòng đưa ra trong buổi họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13 tháng 7 năm 2017.
Theo thông tin đưa ra thì từ nay mỗi đơn vị doanh nghiệp quân đội chỉ có hai xe mang biển số màu đỏ, chỉ dấu đó là tài sản của quân đội, còn tất cả các xe còn lại đều mang biển số màu trắng giống như của người dân thường.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh là có phải các xe mang biển số màu đỏ của quân đội được ưu tiên, hay các giới chức thẩm quyền không kiểm tra hay không, ông Võ Hồng Thắng trả lời rằng trước đây do đặc thù có ưu tiên cho doanh nghiệp quốc phòng nên có nhiều xe mang biển số màu đỏ, nhưng ông nói rằng điều đó không có nghĩa rằng doanh nghiệp quốc phòng được ưu tiên hơn các doanh nghiệp khác.
Cũng trong buổi họp báo, báo chí Việt Nam được thông báo là cho đến năm 2020, sẽ chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước, 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa nhưng nhà nước chiếm giữ hơn 50% số vốn.
Thông báo của Bộ quốc phòng cũng cho biết là đây là những doanh nghiệp quân sự quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất.
Khi trả lời câu hỏi là liệu những doanh nghiệp quốc phòng này sẽ nhận được sự ưu ái hơn trong kinh doanh hay không, ông Võ Hồng Thắng nói rằng không có vùng cấm nào cả.
Trả lời câu hỏi có nhóm lợi ích hay không trong việc chuyển đổi đất của doanh nghiệp quốc phòng hay không, ông Thắng trả lời không có nhóm lợi ích, và các vụ chuyển giao đất lớn như nhà máy Ba Son, xí nghiệp Z751 tại thành phố Hồ Chí Minh đều là có quyết định của Thủ tướng.
Vấn đề quân đội làm kinh tế đã được công luận Việt Nam, cả báo chí nhà nước lẫn mạng xã hội bàn đến trong thời gian vài tháng qua, nhất là sau khi xảy ra các vụ Đồng Tâm, và sân golf Tân Sơn Nhất, trong đó các doanh nghiệp của quân đội được cho là hưởng lợi từ đất đai rất nhiều, gây thiệt hại cho nông dân hoặc lợi ích công cộng.
Vào ngày 23/06/2017, Thứ trưởng Bộ quốc phòng là Thượng tướng Lê Chiêm có tuyên bố rằng Quân ủy trung ương, tức cơ quan đảng của quân đội Việt Nam, đã có chủ trương không để quân đội làm kinh tế nữa mà chuyên tâm làm nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo hôm nay, 13 tháng 7, ông Võ Hồng Thắng lại nói rằng giới báo chí đã hiểu sai phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, và nhấn mạnh rằng quân đội không làm kinh tế tức là không làm kinh tế đơn thuần mà phải gắn chặt với quốc phòng.
Formosa đứng đầu 7 thảm họa môi trường năm 2016
Ô nhiễm môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra được Bộ Tài Nguyên – Môi trường xếp vị trí thứ nhất trong 7 thảm họa môi trường năm 2016 ở Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn báo cáo nêu rõ thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Sáu vụ thảm hoạ môi trường còn lại được nêu trong báo cáo là ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi (Thanh Hoá); ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn, Sơn Động (Bắc Giang); vụ cá chết diện rộng tại Hồ Tây, Hà Nội; vụ ô nhiễm môi trường từ sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới đáy hồ chứa bùn thải từ nhà máy chì kẽm của công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn CKC, Lạng Cá, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; vụ ô nhiễm môi trường khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai; và cuối cùng là vụ ô nhiễm do vỡ hồ chứa nước và bùn thải từ khai thác titan của công ty Tân Quang Cường, huyện Hàm Thuận, Bình Thuận.
Cũng trong ngày thứ Năm 13 tháng 7, Bộ Tài nguyên – Môi trường thông báo chất lượng nước biển 4 tỉnh miền Trung đã có thể tiếp tục cho việc nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thuỷ sinh, cũng như các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước.
Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, kết quả cho thấy chất lượng nước biển và trầm tích biển tại khu vực 4 tỉnh miền Trung đã ổn định. Đặc biệt thông số phenol và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ tài nguyên môi trường triển khai chương trình quan trắc từ ngày 4-9 tháng 5, đánh giá lại hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung sau 1 năm xảy ra sự cố.
Bộ Tài Nguyên – Môi Trường cũng đề nghị Ủy Ban Nhân Dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế nên tiếp tục giám sát chặt chẽ nguồn xả thải từ khu công nghiệp Formosa.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews
Cuộc sống miền Trung
có trở lại bình thường như lời Thủ tướng?
Sau nhiều phát biểu đưa ra từ những người đứng đầu các cơ quan ban ngành chính phủ về vấn đề an toàn môi trường biển các tỉnh miền Trung, ngày 8 tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản cho biết nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật và cuộc sống người dân các vùng đó đã ổn định.
Thực tế, cuộc sống mưu sinh của hơn 200 ngàn lao động biển ở các vùng bị tác động bởi xả thải của Nhà máy thép Formosa Hà tĩnh gây ra như thế nào?
Vẫn nghi ngờ
Khi trả lời phóng viên trong nước vào thời gian diễn ra phiên chất vấn kỳ họp 3 quốc hội khoá 14, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP HCM cho biết ông sẽ tập trung vào việc công ty này đã sửa chữa, khắc phục các lỗi vi phạm xong chưa. Bên cạnh đó, vấn đề căn bản nhất và quan trọng hơn, theo ông là môi trường biển đã khôi phục được chưa hay khôi phục được bao nhiêu, sau đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng.
Tin được truyền thông trong nước loan đi ngày 8 tháng 7 cho biết, người đứng đầu chính phủ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản hồi đáp dẫn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên- Môi trường.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày hệ thống xử lý nước thải và khí thải phát sinh của Formosa đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật. Đây là kết quả do Hội đồng kỹ thuật và Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên môi trường đưa ra.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết cho đến nay, ông chưa nhìn thấy được kết quả báo cáo cụ thể, cũng như kết quả phân tích mới nhất của Bộ Tài nguyên môi trường.
“Khi nào mà họ chuyển lên mạng hoặc Bộ Tài nguyên- Môi trường thông báo rõ ràng mẫu lấy ở đâu, số lượng bao nhiêu…thì khi ấy mới nói được là nó thật sự đạt.”
Trước đó, ngày 22 tháng 6, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường công bố tại Diễn đàn Nhà báo và Môi trường Biển đảo, rằng nước biển tại bốn tỉnh miền Trung gánh chịu thảm họa Formosa đã an toàn tuyệt đối, có thể tắm biển và nuôi trồng hải sản.
“Khi nào mà họ chuyển lên mạng hoặc Bộ Tài nguyên- Môi trường thông báo rõ ràng mẫu lấy ở đâu, số lượng bao nhiêu…thì khi ấy mới nói được là nó thật sự đạt.”- Giáo sư Lê Huy Bá
Dư luận và cả những nhà khoa học khi ấy bày tỏ nghi ngờ về công bố này. Chính giáo sư Lê Huy Bá, thời điểm đó đã đặt câu hỏi về mẫu kiểm nghiệm, số liệu khoa học chứng minh nước biển an toàn.
Lần này, phản ứng với văn bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một lần nữa ông cho biết không thể không nghi ngờ.
“Thực tế mình cũng không nói được, vì không có nhân chứng nào cả, không có số liệu nào cả. Không thể nói được.”
‘Chúng tôi khổ dữ lắm’
Cũng theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc do báo trong nước trích dẫn, tình hình an ninh trật tự tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động du lịch đã hoạt động trở lại bình thường. Tại một số thời điểm số lượng khách du lịch đến với 4 tỉnh tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể báo chí trích dẫn trong văn bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi”.
Tuy nhiên, theo lời một ngư dân ở giáo xứ Cồn Sẻ cho phóng viên đài chúng tôi biết thực tế cuộc sống khó khăn của họ từ khi xảy ra thảm hoạ Formosa cho đến nay, vẫn chưa được cải thiện.
“Trước đây một ngày được 5, 3 trăm, 1 triệu. Rồi hôm nay từ ngày cá nhiễm đến chừ, người dân chúng tôi không biết làm gì mà ăn cả. Nhờ chính quyền xử lý cho người dân chúng tôi. Tôi không biết làm gì mà sống.”
Người dân này cho biết số hải sản đánh bắt không tiêu thụ được, không có người mua. Cho nên họ chỉ bán cho nhà máy, xay làm thức ăn cho các động vật khác.
Một người dân khác ở giáo xứ Đông Yên cho biết đời sống hiện tại của các ngư dân trong vùng là phải khai thác đất cát, thay vì đi biển đánh bắt như lúc trước.
“Đi biển là khai thác bắt cá nhưng khổ nỗi là đi biển về không ăn được cá. Đi về với giá mua bán rất rẻ. Trước đây một ký là 100 ngàn đồng. Giờ đây một ký còn 3, 4 chục ngàn. Chẳng lẽ ngồi nhà không đi biển? Đi biển để kiếm đồng tiền gạo cơm nuôi sống con cái học hành. Chứ lúc này đi biển quá phức tạp. Đi với một cái giá rẻ rúm, mà cá thì lại mỏng manh.”
Cũng từ người dân này, ông cho biết chính sách đền bù của nhà nước đối với những tổn thất của ngư dân phải chịu từ khi xảy ra thảm hoạ Formosa đến nay là không “đáng vào đâu cả”
“Chẳng hạn như gia đình tôi là cha con đi biển, có khi buổi sáng đi buổi chiều về là được 1 triệu rồi. Nói về đền bù, 6 tháng trời mà có nhà được ba mươi mấy triệu. Như tôi đây là được ba mươi mấy triệu. Cả thuyền của tôi là được 64 triệu. Thế nhưng, trong hai tháng tôi được sáu, bảy chục triệu. Nghề biển của tôi là như thế. Cái nghề của chúng tôi là đi biển là quá lớn chứ không phải đơn giản.”
Ông khẳng định nếu nói đến sự thoả đáng trong đền bù thì “không bao giờ có thoả đáng được, trừ khi làm cho cái nước sạch.”
“Trước đây một ngày được 5, 3 trăm, 1 triệu. Rồi hôm nay từ ngày cá nhiễm đến chừ, người dân chúng tôi không biết làm gì mà ăn cả.” – Một ngư dân
Một ngư dân khác ở giáo xứ Thu Chỉ, thuộc giáo phận Vinh cho biết
“Từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường chúng tôi khổ dữ lắm. Không biết chính phủ có nghe thấy lời tôi nói hay không, chứ đến nay vẫn chưa ổn định được đời sống người dân. Nào là thảm hoạ, nào là gây ra tội ác loài người nè, từ khi xảy ra chuyện đến chừ là gần một năm rồi, nhưng thực tế là các ông ấy có can thiệp được cho người dân chúng tôi hay không? Thật rõ ràng là đau đớn lắm. Ngư dân mất việc làm. Chúng tôi thuộc vùng 4 tỉnh miền Trung, người thì được, người thì chưa có, thậm chí phát chưa đủ. Họ nói tìm kiếm công lý cho 4 tỉnh miền Trung, nhưng họ nói công lý mà nói một đằng làm một nẻo làm sao ngư dân chúng tôi kiếm sống được?”
Nếu đúng với văn bản mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hoạt động. Như thế, cuộc sống của người dân bốn tỉnh miền Trung hiện nay và sắp đến như thế nào? Câu trả lời đã được chính họ gửi đến từ những làng chài đang phải neo thuyền, phơi lưới hơn một năm qua.