Tin Việt Nam – 11/07/2017
“Chị gái tôi bị cầm giữ như một con tin”
Hòa Ái, phóng viên RFA
Trường hợp một công dân Việt Nam ở nước ngoài về thăm gia đình và sau đó không được cho xuất cảnh trở lại gây bức xúc cho bản thân và gia đình.
Khủng bố tinh thần
Người trong cuộc là bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm vào sáng ngày 10/07/2017, từ Sài Gòn, kể lại vụ việc ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam hồi ngày 19 tháng 5, bà liên tục bị Đại úy Trần Đại nhắn tin qua tài khoản Facebook, làm áp lực yêu cầu có trách nhiệm khai báo những việc làm của em gái là cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh và chồng là nhà hoạt động Trần Ngọc Thành.
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong những người sáng lập Phong trào Lao động Việt trong nước, từng bị tuyên án 7 năm tù giam vì tham gia các phong trào công nhân biểu tình và đình công để đòi tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do sớm hồi cuối tháng 6 năm 2014, sau hơn 4 năm tù đày. Ông Trần Ngọc Thành là cố vấn của Phong trào Lao động Việt.
Hành động sử dụng chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm làm một con tin để khống chế những công việc nói lên sự thật của em gái cho thấy họ sử dụng một phương thức hết sức bỉ ổi và coi thường luật pháp
-Bà Đỗ Thị Minh Hạnh
Bản thân bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm nói không phải là thành viên cũng như không có bất cứ hoạt động nào trong tổ chức xã hội dân sự độc lập Phong trào Lao động Việt mà chồng bà tham gia trong tư cách cố vấn.
Sau thời gian ở tại Việt Nam để thăm gia đình, bà Xuân Trầm không chỉ bị khủng bố tinh thần qua các cuộc điện thoại và tin nhắn trên Facebook mà vào ngày 27/06 bà bị chặn ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, khi xuất cảnh trở về Áo. Nguyên nhân được cơ quan chức năng cho biết là “vì lý do an ninh”.
Đến ngày 3 tháng 7, bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm đã nhờ Luật sư Đặng Đình Mạnh làm đơn khiếu nại về việc không được xuất cảnh của mình. Đến ngày 06/07, bà Xuân Trầm được yêu cầu có một buổi làm việc tại văn phòng của Công an Xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh. Bà Xuân Trầm kể lại:
“Họ lục soát khắp người tôi, cả vùng kín của tôi và họ dùng máy camera quay tôi. Tôi hỏi lý do tại sao họ quay camera tôi thì các anh công an trả lời là ‘để làm việc cho khách quan’. Tôi đã nói ‘nếu vậy thì các anh phải cho tôi quay (thu hình) lại các anh’. Nhưng các anh công an trả lời tôi rằng ‘tại vì chị là người yêu cầu xuất cảnh nên chỉ có chúng tôi quay (thu hình) chị mà thôi’. Còn khi bắt ký kết biên bản để làm Giấy Cam kết được đi xuất cảnh thì họ yêu cầu cam kết không thuộc tổ chức nào. Tôi đã cam kết. Họ yêu cầu tôi phải lên mạng rút tất cả những tin nhắn xuống và bắt tôi lập đi lập lại nhiều lần câu ‘Vì bức xúc không được xuất cảnh nên tôi đã đưa tất cả những tin nhắn và số điện thoại của anh Trần Đại lên mạng nên mọi người làm phiền tới anh Trần Đại. Chính vì vậy, tôi cảm thấy việc làm đó của tôi là sai trái cho nên tôi xin lỗi’. Họ kêu chỉ cần học thuộc câu này để về nhà viết lên một tờ giấy, đưa lên Facebook của Đỗ Thị Minh Hạnh là họ cho đi.”
Không được xuất cảnh
Khẳng định với RFA không làm điều gì sai trái vì bản thân không phải là người đăng tải và phổ biến số điện thoại cũng như nội dung tin nhắn của Đại úy Trần Đại lên Facebook, bà Xuân Trầm nhấn mạnh không thể thực hiện yêu cầu như vừa nêu. Đồng thời, bà không thể đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân của em gái là Đỗ Thị Minh Hạnh để xóa những gì đã đăng theo yêu cầu của phía công an.
Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh chia sẻ với RFA bà cũng không thể xóa những thông tin đăng tải liên quan Đại úy Trần Đại vì việc bà làm không phải phổ biến thông tin cá nhân của người đại úy công an này, mà đó là những bằng chứng Đại úy Trần Đại khủng bố, truy bức chị gái Xuân Trầm của mình. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh có ý kiến:
Cha con tôi kéo đến Đại Sứ quán Việt Nam, mang biểu ngữ của những đứa trẻ đi đòi mẹ, phản đối nhà cầm quyền không từ một bất cứ hình thức nào để hành hạ, truy bức con người theo ý muốn của họ. Chúng tôi cũng có những đề nghị đối với giới ngoại giao của Áo cùng một số tổ chức xã hội. Tôi nghĩ rằng việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và trái với các thông lệ quốc tế
-Ông Trần Ngọc Thành
“Hành động sử dụng chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm làm một con tin để khống chế những công việc nói lên sự thật của em gái cho thấy họ sử dụng một phương thức hết sức bỉ ổi và họ ngồi xổm trên luật pháp, coi thường luật pháp. Việc cấm xuất cảnh không phải ai cũng có thể ra lệnh được trong điều khoản ‘cấm xuất cảnh vì lý do an ninh’, một lý do hết sức mù mờ thì phải do Bộ trưởng Bộ Công an ký. Tuy nhiên Trần Đại chỉ là một đại úy, nhưng anh ta nói rằng ‘phải xin lỗi anh ta thì anh ta mới cho phép để đi xuất cảnh’. Như vậy có điều gì đó mờ ám ở đây, ngay trong chính nội bộ của Bộ Công an.”
Từ nước Áo, ông Trần Ngọc Thành cho rằng việc chính quyền Việt Nam không cho vợ của ông xuất cảnh trở về Áo mà cầm giữ như một con tin là không thể chấp nhận được:
“Họ truy bức bằng cách dùng vợ để làm con tin thì chúng tôi rất bất bình. Bản thân tôi lúc này cũng đã lên tiếng. Cha con tôi kéo đến Đại Sứ quán Việt Nam, mang biểu ngữ của những đứa trẻ đi đòi mẹ, phản đối nhà cầm quyền không từ một bất cứ hình thức nào để hành hạ, truy bức con người theo ý muốn của họ. Chúng tôi cũng có những đề nghị đối với giới ngoại giao của Áo cùng một số tổ chức xã hội. Tôi nghĩ rằng việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và trái với các thông lệ quốc tế, ngay cả về pháp luật Việt Nam quy định rằng người Việt Nam có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí…Trong cách hành xử của họ với những người vô tội và không làm gì, tôi thấy không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng.”
Đài RFA đã liên lạc với Đại úy Trần Đại qua số điện thoại được phổ biến và lan truyền trên các mạng xã hội để kiểm chứng những cáo buộc của bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm. Thế nhưng, các cuộc điện thoại viễn liên đều không kết nối được.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/my-sister-is-kept-as-a-hostage-ha-07102017131650.html
Thêm ý kiến về ‘Quân đội VN làm kinh tế’
Một cựu quan chức quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng ông hy vọng việc thanh tra đất quốc phòng “không dừng lại ở chuyện đóng cửa làm với nhau”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời hôm 10/7: “Không thể lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi.”
“Nếu chỉ nói ‘quân đội làm kinh tế’ không thôi thì không phản ánh bản chất của việc quân đội tham gia làm kinh tế. Quân đội tham gia làm kinh tế, trước hết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội đất nước, phải nói như vậy mới đầy đủ.”
Hội đoàn dân sự lên tiếng vụ sân bay Tân Sơn Nhất
Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’
“Trên thực tế có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích, quân đội đã kiểm tra và xử lý nghiêm. Như trong một nồi canh có thể có một vài con sâu, việc sử dụng đất quốc phòng có thể bị lợi dụng để trục lợi cá nhân ở nơi nào đó, đơn vị nào đó, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ có những chuyến đi thực địa để trực tiếp kiểm tra, xử lý,” Tuổi Trẻ trích lời ông Vịnh.
Hôm 11/7, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: “Hai vụ nổi cộm liên quan đến chuyện quân đội làm kinh tế gần đây là vụ sân golf Tân Sơn Nhất và vụ Đồng Tâm.”
“Vụ Tân Sơn Nhất cho thấy dấu hiệu tiêu cực lớn và bàn tay của nhóm lợi ích. Vụ Đồng Tâm thì còn chờ kết luận thanh tra cấp cao.”
“Tôi cho rằng từ hai vụ này, Quốc hội cần thành lập Ủy ban Giám sát việc thanh tra đất quốc phòng trên cả nước.”
‘Béo bở’
Luật sư cũng cho biết thêm: “Khoảng 10, 20 năm trước, Việt Nam cũng có chủ trương hạn chế quân đội làm kinh tế nhưng việc triển khai lại không triệt để.”
“Trong tình hình quản lý lỏng lẻo, cộng thêm sự hiện diện của các đơn vị kinh tế liên quan đến quân đội nhân danh ‘an ninh quốc gia’, đất quốc phòng trở thành mặt hàng béo bở như vàng, kim cương.”
Hiếm có nước nào quân đội làm kinh tế
VN: Quân đội làm kinh tế là ‘nhiệm vụ chính trị’
“Dù vậy, vẫn hy vọng việc thanh tra đất quốc phòng “không dừng lại ở chuyện đóng cửa làm với nhau.”
“Và điều đó chỉ xảy ra khi báo chí được vào cuộc, quốc hội tăng cường giám sát chuyện xử lý sai phạm trong việc quân đội làm kinh tế.”
“Mọi chuyện có công khai, minh bạch thì mới lấy lại lòng tin của người dân.”
Bộ Quốc phòng hiện quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc, theo VnExpress.
“Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc…,” báo này cho hay.
Ví dụ Trung Quốc?
Tờ báo mạng này hôm 10/7 đăng một bài gây chú ý, về “quân đội Trung Quốc đã từ bỏ đế chế kinh doanh tỷ USD như thế nào”.
Dẫn lại bài này trên Facebook, nhà báo Huy Đức nhận xét: “Cho dù Trung Quốc vẫn luôn là mối đe dọa lãnh thổ lớn nhất của chúng ta thì vẫn phải thừa nhận rằng, trong hơn 3 thập niên vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai thác lợi thế toàn trị của mình một cách hữu hiệu.”
“Sở dĩ Bắc Kinh làm được những điều này là nhờ trong quân đội họ có các nhân vật thật sự tướng lãnh; thật sự muốn xây dựng một đội quân chính quy.”
Trong khi đó, trả lời BBC, Tiến sĩ Andrew Scobell, từ RAND Corporation đặt tại Mỹ, giải thích quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi các hoạt động kinh doanh từ năm 1998.
“Tuy vậy, vẫn có thể còn những liên hệ không rõ ràng giữa các đơn vị quân đội và các công ty thương mại ‘dân sự’.”
Tham ô lại tạo ra tác động tiêu cực cho tính chính quy quân sựTS Andrew Scobell
Ông Andrew Scobell, chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng quân đội Trung Quốc chấp nhận từ bỏ hoạt động kinh doanh vì nhiều lãnh đạo quân đội tin rằng sự tham gia này “đẻ ra tham ô”.
“Tham ô lại tạo ra tác động tiêu cực cho tính chính quy quân sự.”
“Nhưng rõ ràng, khi ta thấy các bê bối tham ô quân đội bị phanh phui dưới thời Tập Cận Bình, biện pháp từ 1998 đã không loại bỏ hoàn toàn tham nhũng trong quân đội.”
Chốt lại, ông Andrew Scobell nói việc từ bỏ kinh doanh của quân đội Trung Quốc diễn ra không dễ dàng.
“Họ làm được là vì các lãnh đạo quân đội tin rằng đây là vấn nạn, và quân đội cũng được hứa hẹn sự đền bù đáng kể và tăng ngân sách quốc phòng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40546888
Bàn luận về cách Thủ tướng Phúc được đón tiếp ở Đức
Không chỉ truyền thông chính thống Việt Nam và báo chí tiếng Việt ở hải ngoại đưa tin khác nhau về chuyến thăm Đức dự G20 của Thủ tướng Việt Nam, mà báo chí tiếng Việt ở Đức cũng có bất đồng về sự kiện này.
Một bài báo trên trang Thờibáo.de đã thu hút các ý kiến mạng xã hội ở Việt Nam về chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng bị phê phán rằng cách đưa tin đó là “suy diễn”.
Hôm 09/7/2017, trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc vì sao có nguồn tin từ châu Âu ban đầu nói rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel ‘sẽ không tiếp’ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi các hãng thông tấn đăng hình ảnh về cuộc gặp và bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo trong hai lần liền, một nhà báo người Việt từ Đức trả lời:
G20: Modi gặp ông Phúc tránh ông Tập
G20: Biểu tình bạo động tại Đức
5 điều cần biết về hội nghị G20 ở Hamburg
“Có lẽ báo mạng cũng như bà con, cộng đồng cũng đã đọc được những thông tin mà ngay ngày đầu tiên, tức ngày 01/7, chúng tôi đã đăng tin là Thủ tướng Đức sẽ không tiếp, ở đây là nói không tiếp chính thức ở Phủ Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông sang thăm,” ông Lê Trung Khoa, Chủ biên tờ báo mạng Thờibáo.de nói từ Berlin.
Chúng tôi đã căn cứ trên lịch gặp, lịch làm việc và lịch tiếp khách của bà Angela Merkel để chúng tôi đưa ra thông tin đó và chúng tôi thông báo, cũng như đưa đường link để cho mọi người tự tham khảoÔng Lê Trung Khoa, ThờiBáo.De
“Bởi vì rõ ràng là sang thăm Đức, nếu người ta mời mình sang thăm Đức như các báo trong nước (Việt Nam) có ghi, thì khi mời sang, thì anh là chủ nhà, anh phải tiếp người ta, mà tiếp ở đâu? Phải tiếp ở ngôi nhà của anh, đó là Phủ Thủ tướng, đấy là một chương trình phải rất rõ ràng.
“Thế nhưng toàn bộ lịch tiếp khách của bà Angela Merkel không hề có ghi tên có đoàn có ông là Nguyễn Xuân Phúc, mà sau đó chỉ ghi là Chủ tịch Trung Quốc, rồi Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore) và những quan chức khác.
“Chính vì vậy Thời Báo của chúng tôi đã căn cứ trên lịch gặp, lịch làm việc và lịch tiếp khách của bà Angela Merkel để chúng tôi đưa ra thông tin đó và chúng tôi thông báo, cũng như đưa đường link để cho mọi người tự tham khảo, để biết rằng bà Angela Merkel sẽ không tiếp chính thức ông Nguyễn Xuân Phúc ở Berlin, như là một số báo chí khác ở trong nước có lẽ đã loan tải trước đó.”
‘Được tiếp bên lề’?
Theo ông Lê Trung Khoa, Thủ tướng Việt Nam đã được Thủ tướng Merkel ‘tiếp bên lề’ tại một khách sạn do chính phủ Đức thuê, là nơi mà lãnh đạo chính phủ nước chủ nhà cũng tiếp nhiều đoàn khách khác là đại biểu ở G20.
“Việc thứ hai là lịch tiếp của ông Tổng thống Đức, ông Frank-Walter Steinmeier, được đưa trên mạng, ông cũng ghi rất rõ ràng là ông sẽ tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 06 tháng Bảy, lúc 14h30, hôm đó chúng tôi cũng có vào tận Phủ Tổng thống Đức để tôi làm tin và tôi cũng chứng kiến điều đó và tôi đã đăng tin này cho bạn đọc, để bạn đọc biết.
“Và sau đó chúng tôi đã nhận được thông tin và lịch của bà Merkel tiếp ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở bên lề Hội nghị, tức là nơi là khách sạn Atlantic tại Hamburg được bà Thủ tướng Đức thuê toàn bộ để tiếp các nước khi đến dự G20, người ta gọi là G20 nhỏ, có nghĩa là trước khi vào chính thức G20 thì anh bao giờ cũng tiếp những đoàn khách đến để trao đổi trước sẽ nói gì trong hôi nghị đó và có khả năng sẽ quyết định hướng nào.
Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Cộng hòa Liên bang Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tếVietnamNet
“Đây là khách sạn mà bà Merkel thuê để làm việc đó, trong ngày 6/07, bà tiếp rất nhiều lịch, trong đó tiếp (lãnh đạo) Mỹ, Úc , Thổ Nhĩ Kỳ… và cuối cùng ông Nguyễn Xuân Phúc đã được xếp lịch vào lúc 20h30 phút để tiếp ông Phúc với chức danh ‘đại diện’ cho Hội nghị Apec 2017 sẽ được tổ chức ở Việt Nam.
Bởi vì khi G20 họp, bà Merkel sẽ phải loan báo, thông báo việc APEC 2017 sẽ được tổ chức ở Việt Nam cho những nước đến dự, cho nên bà cần thông tin trao đổi với ông Phúc, để biết Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu, ra sao, để bà khớp vào chương trình trong hội nghị G20.”
Báo chí chính thống ở Việt Nam viết gì?
Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin tức khá dày đặc về chuyến thăm của Thủ tướng Phúc tới Đức trong dịp diễn ra thượng đỉnh G20, báo mạng VietnamNethôm 07/7 đưa tin về hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo:
“Tối 6/7 (giờ địa phương), sau khi rời Berlin tới Hamburg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel tại Hamburg, nơi tổ chức Hội nghị G20,” VietnamNet viết.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Angela Merkel đã mời Việt Nam thăm và tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức và dành cho đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, trọng thị.
“Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Cộng hòa Liên bang Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức phát triển trên nhiều lĩnh vực.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ.
“Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiệu quả đang có, như Nhóm điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Nhà nước pháp quyền và Tổ công tác trong các lĩnh vực kinh tế – đầu tư, khoa học – công nghệ, nhằm triển khai thực chất Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam – Đức, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau…”
‘Suy luận không đúng như truyện ngắn’
Phản hồi ý kiến của ông Lê Trung Khoa, một nhà báo khác, ông Lương Đình Cường, Tổng Biên tập báo mạng NgườiViệt. tại Berlin, phê phán bài trên Thờibáo.de:
“Về câu chuyện bà Thủ tướng ‘từ chối tiếp’, gọi là đẩy việc ấy sang cho Tổng thống Đức, đã loan truyền trên mạng rất là nhiều, khắp nơi, tất nhiên đến cả chúng tôi, và rất nhiều bài báo đăng chuyện như vậy, chúng tôi theo dõi và thấy từ đó có rất nhiều chuyện bàn tán, đi rất là xa…
“Trong số thông tin ấy có một bài báo chính thống của VietnamNet đăng lên là vì chuyện như vậy mà VietnamNet đã cắt quan hệ hợp tác đối với tờ Thờibáo.de của ông Lê Trung Khoa, báo NgườiViệt.de của chúng tôi cũng đăng lại tin đó, bởi vì đó là một tờ báo chính thống…
Lịch tiếp Thủ tướng và các cuộc gặp song phương bên lề G-20 này, theo tôi phải hoàn thành từ lâu rồi, từ nhiều tuần trước rồi, chứ không phải vì có vụ án của bà Mẹ Nấm mà Thủ tướng Đức lại có thay đổi như thếNhà báo Lương Đình Cường, NgườiViệt.De
“Ở đây có mặt nhà báo Lê Trung Khoa là đồng nghiệp, tôi có mấy nhận xét như thế này, tôi đọc rất kỹ bài báo của anh Khoa viết, tôi thấy rằng đó không phải là một bài báo bình thường, mà nó có những tình tiết lẽ ra không phải của báo, mà nó như một truyện ngắn…”
Ông Lương Đình Cường nói tiếp về quan niệm làm báo chí của ông:
“Báo là gì? … Anh có thể đưa một thông tin và bình luận, anh có thể bôi đen hoặc tô hồng được, nhưng tin gốc nó phải đúng thì mới được. Thế nhưng nhà báo Lê Trung Khoa chỉ dựa vào một lịch tiếp khách được công bố trên trang mạng của Thủ tướng Đức mà lại kết luận rằng Thủ tướng Đức sẽ không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc và đẩy việc tiếp đó cho Tổng thống.
“Tôi cho rằng tin này tin này là không chính xác, hoàn toàn không chính xác, đấy là phỏng đoán riêng của nhà báo Lê Trung Khoa… Thứ hai, ở tiêu đề, nhà báo Lê Trung Khoa có (đặt vấn đề) vì sao, ở trong bài báo có nói đến phiên Tòa xử Mẹ Nấm với bản án quá nặng là 10 năm, để cho người đọc hiểu rằng có khả năng vì bản án quá nặng cho Mẹ Nấm mà Thủ tướng (Đức) phản ứng như vậy.
“Tôi cho rằng cái này là một suy luận không đúng. Lịch tiếp Thủ tướng và các cuộc gặp song phương bên lề G20 này, theo tôi phải hoàn thành từ lâu rồi, từ nhiều tuần trước rồi, chứ không phải vì có vụ án của bà Mẹ Nấm mà Thủ tướng Đức lại có thay đổi như thế.”
Theo ông Lương Đình Cường, thông tin về các hoạt động của chính phủ là công khai và dễ dàng kiểm chứng, ông nói với BBC:
“Ở nước nào, chứ ở nước Đức, lịch làm việc của Thủ tướng được công khai và dù đã qua cả mấy tháng rồi, chúng ta có thể hỏi được ngay, tôi muốn thay mặt bạn đọc…, tôi muốn đề nghị ông Lê Trung Khoa một việc là ông xin lại lịch tiếp khách của bà Merkel trước thời điểm xảy ra vụ Mẹ Nấm, xem rằng có lịch tiếp ông Phúc ở đó hay không, còn nếu mà không có, vẫn như vậy, thì chứng tỏ ông Khoa đưa tin là không đúng.
Trao đổi lại với ý kiến trên của ông Lương Đình Cường, nhà báo Lê Trung Khoanói:
“Tôi là người trực tiếp đi làm tin ở trong Phủ Tổng thống và nếu có tiếp ở Phủ Thủ tướng thì tôi cũng sẽ làm tin, bởi vì tôi là người làm báo chí chuyên nghiệp và tôi có thẻ nhà báo của Đức như tôi cho anh xem ở đây, để chứng minh rằng tôi có đủ thông tin để viết việc đó, dựa trên những cơ sở mà phía Đức đã cung cấp một cách hợp pháp.
“Và những cuộc đó, tôi nghĩ rằng tôi không thấy mặt của anh, mà anh không có mặt ở đó, tức là anh không mục sở thị việc đó, những nhận xét của anh có những chỗ hơi phiến diện, ở chỗ là anh la phải nhìn qua một việc khác để anh nói việc này, mà tôi là người trực tiếp làm tin và gặp gỡ trực tiếp ông Phúc cũng như ông Steinmeier để làm tin này và đưa cho cộng đồng mạng chúng ta biết vừa qua.”
Không hề bị tù một ngày nào nếu ở Đức
Khi được hỏi liệu diễn biến vụ xử nhà hoạt động, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án mới được tuyên gần đây của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, có ảnh hưởng gì không tới hình ảnh của Việt Nam trong chuyến thăm tới Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bên lề thường đỉnh G20, ông Lương Đình Cường đáp:
“Bản thân tôi cũng như báo NgườiViệt.de luôn luôn phản đối những bản án quá nặng, quá hà khắc của Việt Nam dành cho những người đấu tranh dân chủ bất bạo động, ví dụ trước đây xảy ra vụ án của Luật gia Cù Huy Hà Vũ, báo của chúng tôi đã kiên trì đăng để ủng luật gia, phản đối bản án quá nặng, và tiếp đến một cô sinh viên là Phương Uyên cũng bị một bản án rất nặng.
“Và có lẽ vì chúng tôi đăng những bài báo mang tính bênh vực những nhà hoạt động dân chủ bất bạo động… như luật gia Cù Huy Hà Vũ, như cô sinh viên Phương Uyên và một số nhà dân chủ khác, chúng tôi cảm thấy những án tù cho họ, 7 năm đối với ông Cù Huy Hà Vũ, hay 10 năm đối với Mẹ Nấm, tôi nói là quá nặng, bởi vì những người đó, nếu như ở nước Đức này thì không hề bị tù một ngày nào cả.
“Vì theo luật ở Đức, những ai đấu tranh, kể cả đòi lật đổ chính phủ này, nhưng chỉ bằng lời nói và không tham gia một đảng phái nào, đấu tranh bằng ngòi bút… chứ không phải là hiệu triệu biểu tình, tức là chỉ nói là chính phủ bất công thế này, thế kia, rồi sai trái thế này, thế kia, thậm chí là bêu riếu…, thì không có bị tù gì cả,” Tổng biên tập ThờiBáo.de nói.
Kết thúc cuộc trao đổi hôm 09/7, hai khách mời làm báo tiếng Việt từ Berlin nói:
“Tôi thấy rằng những chương trình tọa đàm như thế này của BBC tổ chức rất hữu ích, bởi vì qua việc này chúng ta có thể trao đổi những thông tin, ý tưởng và những cảm nghĩ của nhau để thêm hiểu nhau và đưa truyền thông thêm tự do… Tôi mong muốn có nhiều thêm những cuộc gặp, nói chuyện thêm phong phú của BBC,” ông Lê Trung Khoa nói.
“Đây là lần thứ tư tôi được vinh dự tham gia trò chuyện trên BBC…, tôi rất là vui và hy vọng đây là kênh rất là bổ ích và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai,” ông Lương Đình Cường nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40556522
Khai thác được 2 tỉ mét khối khí tại mỏ Rồng
Việt Nam đã khai thác được 2 tỉ mét khối khí tại giàn nén khí mỏ Rồng- Đồi Mồi ở Biển Đông.
Thông tin được báo chí Việt Nam loan đi ngày 11 tháng 7 dẫn nguồn tin từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam .
Tin cho biết là từ năm 2010, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã đầu tư số tiền là 150 triệu đô la Mỹ để xây dựng những thiết bị máy móc khai thác khí đốt tại một giàn khoan trên vùng thềm lục địa Việt Nam gọi là mỏ Rồng –Đồi Mồi.
Trước khi có các thiết bị này, khí đốt có lẫn lộn với dầu mỏ khai thác được phải bị đốt bỏ.
Theo tờ Sài Gòn Giải Phóng thì sản lượng khí đốt khai thác tại đây tăng liên tục từ năm 2014 đến nay, và sản lượng 2 tỉ mét khối trong nửa đầu năm 2017 cho thấy sự phát triển mạnh của Tập đoàn dầu khí trong việc làm ổn định an ninh năng lượng của đất nước.
Việt Nam hiện là một quốc gia đứng hàng thứ tư ở Đông Nam Á về sản xuất dầu mỏ sau Indonesia, Brunei, và Malaysia.
Tuy nhiên việc khai thác dầu ngoài biển cũng gặp phải sự tranh chấp từ phía Trung Quốc, vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như 90% diện tích biển Đông.
Gần đây có tin quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng lên tại khu vực bãi Tư Chính, sát rìa thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, vì Việt Nam cho phép một công ty Tây Ban Nha thăm dò dầu mỏ ở đó. Tuy nhiên về mặt chính thức cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không xác nhận tin này.
Bộ Công an đề xuất biện pháp đóng tiền để tại ngoại
Bị can, bị cáo có thể được tại ngoại hầu tra, tức là được về nhà thay vì bị tạm giam, khi đồng ý đóng từ 30 triệu đến 200 triệu đồng.
Đây là đề xuất được Bộ Công an cùng nhiều bộ, ngành khác đưa ra và truyền thông trong nước loan đi ngày 11 tháng Bảy. Đề nghị được Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài Chính, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đưa ra. Đây là dự thảo thông tư liên tịch lần đầu tiên nhắm đến việc bị can, bị cáo có thể đóng tiền thế chân để tại ngoại.
Truyền thông trong nước đưa tin với những chi tiết cụ thể về trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, việc hoàn trả, việc nộp ngân sách nhà nước số tiền đặt hầu bảo đảm theo qui định Điều 122 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2016 của Việt Nam.
Căn cứ trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, lý lịch cũng như tình trạng tài chính của bị can hay bị cáo, từ đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có thể quyết định cho thân nhân của người bị tạm giữ đặt tiền bảo đảm cho họ được tại ngoại.
Vẫn theo qui định được đề xuất, thời hạn đặt tiền để được ra ngoài không thể quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử, tòa án và viện kiểm sát có trách nhiệm trả lại số tiến đặt khi bị can hay bị cáo cam đoan chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ những điều kiện đã cam kết.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-to-allow-bailing-out-07112017101702.html
Chính quyền sẽ gặp đại diện Đan viện Thiên An
Chính quyền Thừa Thiên-Huế dự kiến sẽ có buổi gặp gỡ với Đan viện Thiên An liên quan xung đột tranh chấp đất đai mà đỉnh điểm các tu sĩ bị công an, an ninh và côn đồ tấn công, hành hung đến đổ máu hồi tháng trước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế ra thông báo vào chiều ngày 10 tháng Bảy với nội dung “sẽ xem xét các nguyện vọng chính đáng của Đan viện Thiên An trong khuôn khổ pháp luật cho phép” và dự định sẽ có buổi gặp gỡ chính thức với các tu sĩ của Đan viện. Tuy nhiên, ngày giờ của buổi gặp gỡ không được ghi trong bản thông báo.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với phía Đan viện Thiên An và được Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cho biết Đan viện vừa nhận được thư mời của Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế đến Ủy ban làm việc vào sáng ngày 12 tháng Bảy:
“Ngày mai vào lúc 8 giờ, họ mời đại diện Đan viện Thiên An, Cha Bề trên cùng đại diện của Hội đồng Giáo xứ và đại diện Tòa Giám mục về Ủy ban Nhân dân tỉnh để bàn vấn đề đất đai mà bấy lâu nay Đan viện kiện.”
Xin được nhắc lại, trong hai ngày 28 và 29 cuối tháng Sáu vừa qua, khoảng 100 an ninh, công an và côn đồ đến Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, Huế đập phá và hành hung các tu sĩ trong lúc họ dựng thập tự giá. Chính quyền Thừa Thiên-Huế cũng điều động xe ủi và xe múc đất đến để làm đường, gọi là “đường dân sinh”. Các tu sĩ bị tấn công bằng gậy, đá khi họ quay phim, chụp hình lại những việc làm vừa nêu của chính quyền địa phương.
Vào ngày thứ hai 10 tháng 7 vừa qua, tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đến Đan viện Thiên An hiệp thông với những tu sĩ tại đó. Như vậy có ba vị giám mục của giáo hội Công giáo đã đến thăm Đan viện Thiên An trong thời gian qua.
19 người chết trong 1 tháng vì mưa lũ
Chỉ tính từ giữa tháng sáu đến ngày 10-7 đã có 19 người chết do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đó là báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai được công bố vào sáng 11 tháng 7.
Theo đó Hà Giang là địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất với 8 nạn nhân, Thái Nguyên 4 người, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình đều có người thiệt mạng.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá nguyên nhân dẫn đến con số người thiệt mạng lớn như vậy là do người dân bất cẩn, chủ quan.
Ông Văn Phú Chính – cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết Ban chỉ đạo đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Cũng trong cùng ngày, Ban chỉ đạo đã gửi văn bản đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố miền Bắc và Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam về việc sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi hồ chứa nước thủy điện xả lũ.
Theo đó Ban chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu các tỉnh thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc xả lũ các hồ chứa và đưa ra các phương án đảm bảo an toàn cho người và công trình, tài sản khi xả lũ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ.
Trong một diễn biến khác có liên quan, thứ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã đề nghị cần tiếp tục cập nhật bản đồ tình trạng trượt lở đất đá, và hướng dẫn người dân phòng tránh. Đây là nhiệm vụ được ông Linh giao cho Viện khoa học Địa chất và khoáng sản.
Nuôi heo gà kiếm tiền tỷ có là cái cớ để giải thích tham nhũng?
Thanh Trúc, RFA
Vụ tai tiếng về việc một vài vị quan đầu tỉnh xây biệt phủ sang trọng ở Yên Bái và việc một nhà báo viết phóng sự điều tra vụ này bị bắt giữ để điều tra tội nhận hối lộ khiến dư luận gần đây xôn xao, bàn tán.
Nuôi heo, gà có thể kiếm tiền tỷ?
Vào ngày thứ Hai 10 tháng Bảy truyền thông trong nước dẫn lời ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Chính Phủ, rằng không ai có thể chấp nhận lối giải thích của các quan chức có tài sản kếch xù là nhờ nuôi heo nuôi gà hay làm thêm những việc tay chân khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Phạm Trọng Đạt nói, nguồn gốc tài sản cũng phải được giải thích một cách hợp lý chứ không thể nói cho lấy có hay cho qua chuyện như vậy mà được.
Vẫn theo lời ông, qui định là mỗi khi thấy tài sản của cán bộ công chức tăng giảm bất thường, ví dụ tăng từ 50 triệu trở lên có thể do kinh doanh buôn bán hay làm thêm gì khác, thì Thanh Tra Chính Phủ có quyền yêu cầu người kê khai phải giải trình nguồn gốc.
Đó cũng là lý do tại sao một quan chức nhà nước mới đây khai báo rằng sở dĩ có được 10 tỷ đồng là nhờ nuôi lợn nuôi gà để tăng gia. Lên tiếng với báo chí, Cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng-Thanh Tra Chính Phủ- nhấn mạnh nguyên văn: “có 10 tỷ Đồng mà bảo đi nuôi lợn nuôi gà thì anh lấy đâu ra lắm thế, giải thích cho xong mà không hợp lý thì ai chấp nhận nỗi”
Còn ông Hoàng Kim Giao, nguyên cục trưởng Cục Chăn Nuôi, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, trả lời đài Á Châu Tự Do như sau:
Không phải đâu chị ơi, vất vả lắm chứ có phải đâu, cứ hỏi những người nông dân người ta nuôi người ta lao động ấy chứ tôi không nói đâu. Thế còn nuôi để làm giàu chắc khi nào được giá kia chứ còn bình thường không giàu đâu nhé.
Thực sự không thuyết phục, dân thấy rất buồn cười, nuôi gà nuôi heo là một cái cớ để nói thôi. – LS. Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia thành phố Hồ Chí Minh, nói ông không tin vào tai mình khi nghe cán bộ nhà nước bảo họ làm giàu nhờ nuôi gà nuôi heo:
Thực sự không thuyết phục, dân thấy rất buồn cười, nuôi gà nuôi heo là một cái cớ để nói thôi.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội, cho rằng nếu đúng là nuôi heo, nuôi gà, bán chổi đót mà giàu phất lên được thì cán bộ công chức đó phải được xác nhận người tốt việc tốt đồng thời nhân rộng việc họ làm ra cho mọi người biết mà làm theo. Tuy nhiên ông nói thêm là trong 100 người nghe chưa chắc đã có 1 người tin vào cái kiểu khai báo hay giải thích không thuyết phục và thiếu trung thực như vậy.
Kê khai tài sản không chống được tham nhũng
Để chấn chỉnh hàng ngũ viên chức cán bộ cũng như giải quyết tệ nạn tham nhũng, nhà nước Việt Nam ra qui định người có chức có quyền phải kê khai tài sản. Thế nhưng dưới mắt đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dư luận trong dân vẫn cho rằng qui định này chỉ có tính cách hình thức, không được thực hiện tới nơi tới chốn, không chính xác mà thậm chí còn có sự giấy giếm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng chuyện chống tham nhũng coi như huề cả làng khi mà người phải kê khai tài sản không làm đủ, cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ đó cũng không xác minh, người đứng đầu cũng không chịu trách nhiệm.
Hôm Chủ Nhật, 9 tháng Bảy vừa qua, báo Dân Trí trong nước đi một bài có tựa đề “ Mừng Chảy Nước Mắt Khi Đếm Người Tham Nhũng”, rằng theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối 2017 của Thanh Tra chính phủ thì kết quả cho thấy chỉ 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016.
Nói thêm một cách khác, qua kiểm tra từ các bộ, ngành, địa phương đối với 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch thì chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.
Số liệu này ngay lập tức bị luật sư Nguyễn Văn Hậu phủ nhận:
Thực sự mà nói báo cáo đó không biết dựa vào đâu nhưng tôi thấy không tin tưởng lắm, việc kê khai tài sản cũng phải tính lại. – LS. Nguyễn Văn Hậu
Chúng ta có Ban Phòng Chống Tham Nhũng, do đó số liệu đưa ra như vậy mà nếu là Thanh Tra Chính Phủ thì tôi thấy chưa chính xác lắm. Đây là chỉ số phát hiện ra thôi, chứ còn vấn đề tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn và cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì Tổng Bí thư, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cũng phải nói là nhức nhối.
Vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương bây giờ thuộc về đảng cộng sản Việt Nam, bên chính phủ thì có thanh tra chính phủ, hầu như bộ ngành nào cũng có ban phòng chống tham nhũng, nhưng mà hiệu quả như báo cáo của đảng là cũng chưa đạt kết quả mong đợi, tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn diển biến phúc tạp và tinh vi. Thực sự mà nói báo cáo đó không biết dựa vào đâu nhưng tôi thấy không tin tưởng lắm, việc kê khai tài sản cũng phải tính lại.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Thanh Tra Chính Phủ thì đi kiểm tra tham nhũng, vậy những ai sẽ giám sát việc làm của những viên chức Thanh Tra Chính Phủ đó cũng là chuyện phải nói tới:
Từ đời ông Quách Lê Thanh đến đời ông Trần Văn Truyền rồi đến ông Nguyễn Phong Tranh đều có vấn đề trong chuyện đi làm nhiệm vụ thanh tra. Các ông ấy tài sản cũng nhiều, có những vụ che dấu lộ liễu rồi bị bể ra thỉ có người che đỡ. Ví dụ ông Quách Lê Thanh là Tổng Thanh Tra Chính Phủ, có lần cán bộ của ông là cấp vụ trưởng đi vào thanh tra ở chỗ có dấu hiệu tiêu cực là công ty dầu khí nhà nước ở Vũng Tàu thì lại được công ty dầu khí đó hối lộ cho mấy miếng đất.
Cách đây hơn 20 năm bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội, nói bà không tin vào công tác phòng chống tham nhũng, người ta nói cho vui thôi. Tôi thấy bây giờ nó cũng như thế, thậm chí nó còn trầm trọng hơn. Tôi không tin rằng việc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam sẽ đi đến kết quả vì gốc của nó là sự độc tài về mặt chính trị. Không có cạnh tranh chính trị, thì không thể có được chuyện chống tham nhũng một cách có hiệu quả.
Việt Nam đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh Bạch Quốc Tế, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, là thông tin được công bố tại một buổi hội thảo hồi tháng Tư năm nay, do Phòng Thương Mai Và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội, gọi tắt là CENSOGOR.
Theo báo cáo của SENSOGOR, tham nhũng đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội, 38% người trong nước cho rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp là những kẻ tham nhũng, hình ảnh những người đứng đầu doanh nghiệp bị xuống cấp một cách tồi tệ chỉ vì tham nhũng.
Sợ lộ bí mật quốc gia,
UBTV Quốc hội chỉ mở cửa 5 phút đầu cho báo chí
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) hôm 11/7 bất ngờ ra quy định mới, chỉ cho phép phóng viên tác nghiệp 5 phút đầu trong mỗi phiên họp của cơ quan đại diện tối cao cho tiếng nói của người dân, với lý do “có vấn đề bí mật quốc gia” không tiện cho báo chí biết.
Ngay lập tức quy định mới gây quan ngại về vi phạm tự do thông tin, tự do báo chí và tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Từ Khánh Hòa, cựu nhà báo Võ Văn Tạo nói ông rất ngạc nhiên về quy định lạ lùng này:
“Có cái gì tối mật như thế đâu, mà tự nhiên lại ra một quy định rất kỳ lạ như vậy. Đối với người dân thì họ chắc cảm thấy không hài lòng, riêng tôi với tư cách là người từng làm báo nhà nước nhiều năm, tôi thấy quy định này rất là bất ngờ và kỳ cục.”
Theo thông tin của UBTV Quốc hội, phiên họp “kín” sáng ngày 11/7 bàn về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Theo đó, qua thảo luận, UBTV Quốc hội “cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm sự đồng bộ của pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.”
Theo thông lệ, đây không phải nội dung họp kín và phóng viên được theo dõi trực tiếp qua màn hình ở Trung tâm báo chí để đưa tin suốt cuộc họp, theo báo VNExpress.
Các tờ báo trong nước cho biết các phóng viên “ngạc nhiên” về quy định mới này khi họ đến tòa nhà quốc hội để đưa tin sáng ngày 11/7.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ tường trình về sự kiện này viết: “Nhiều phóng viên ngỡ ngàng trước màn hình trực tuyến tối thui ở Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội.”
Trả lời phỏng vấn báo Một Thế giới hôm 11/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nói “trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều khi có những vấn đề tối mật không được nói. Có lần tôi phải xuống gặp báo chí hoặc lãnh đạo nói xin phép báo chí đừng đưa. Nhiều khi muốn nói mà ngại nói, có vấn đề bí mật quốc gia nói không tiện.”
Xác nhận với báo chí sáng 11-7, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết có chỉ đạo từ nay, đối với các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu. Sau đó, cuối ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi cho các phóng viên.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng quy định mới này đi ngược lại những gì mà Đảng và nhà nước Việt Nam tuyên truyền:
“Tôi bất ngờ trước quy định của UBTV Quốc hội, tại sao lại có một quy định đi ngược lại xu thế chung của thế giới: công khai, minh bạch, dân chủ mà lâu nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hay tuyên truyền và cổ xúy.”
Tôi bất ngờ trước quy định của UBTV Quốc hội, tại sao lại có một quy định đi ngược lại xu thế chung của thế giới: công khai, minh bạch, dân chủ mà lâu nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hay tuyên truyền và cổ xúy.
Cựu nhà báo Võ Văn Tạo
Cùng ý kiến với cựu nhà báo Võ Văn Tạo, nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội nói với VOA rằng quy định mới này rất “buồn cười” và là “dân chủ giả hiệu.”
“Tôi cho rằng quy định này là dân chủ giả hiệu, dân chủ nửa vời, một cách làm rất hài hước.”
Nhà báo độc lập này cho rằng UBTV Quốc hội không nên vin vào lý do “bí mật quốc gia” mà chắn lấp quyền tự do thông tin của người dân:
“Bởi vì những việc bàn bạc của quốc hội là bàn về quốc kế dân sinh mà tất cả người dân đều quan tâm. Bàn việc cho người dân thì không thể gọi là ‘bí mật quốc gia’ mà người dân không được biết. Những điều người dân quan tâm họ cần phải biết. Không thể vin vào ‘bí mật quốc gia’mà cố tình chắn lấp quyền của người dân một cách hiển nhiên như vậy.”
Trước đó, người đứng đầu cơ quan đại diện tối cao của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp với báo chí sau khi nhậm chức vào tháng 7 năm ngoái, “ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ phóng viên, nhà báo đã đồng hành cùng Quốc hội …tin tưởng rằng báo chí sẽ phản ánh trung thực, kịp thời các ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến với Quốc hội.”
Những điều người dân quan tâm họ cần phải biết. Không thể vin vào ‘bí mật quốc gia’mà cố tình chắn lấp quyền của người dân một cách hiển nhiên như vậy.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
Bà Ngân từng phát biểu rằng đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, bởi “cung cấp thông tin kịp thời và đúng đắn cho báo chí thì báo chí mới có góc nhìn đầy đủ, không nên mập mờ và tránh né.”
Theo báo Tuổi trẻ, kể từ Quốc hội khóa XI, bắt đầu nhóm họp từ đầu những năm 2000, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin đầy đủ nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định hiện hành, UBTV Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. UBTV Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên.