Tin Việt Nam – 10/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/07/2017

Hàng ngàn công nhân ở Sài Gòn

xin nghỉ việc vì “khổ hơn cả chó”

Từ đầu năm 2017 đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn Sài Gòn đã có hàng ngàn công nhân xin nghỉ việc vì bất mãn.

Theo thống kê của chính quyền CSVN, tính đến tháng 4/2017, riêng tại công ty giầy dép Pouyuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đã có hơn 3,050 trường hợp xin nghỉ việc, trong đó có hơn 60% liên quan đến luật bảo hiểm xã hội. Còn tại các doanh nghiệp khác như  Công ty điện tử Changyang Việt Nam, Công ty giày Mỹ Nga… cũng có hàng nghìn công nhân nghỉ việc, vì lý do thay đổi bộ luật bảo hiểm sức khỏe.

Chia sẻ về vấn đề trên, một nữ công nhân 48 tuổi đang làm việc tại công ty giầy dép Pouyuen Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tại công ty này đã có rất nhiều người nghỉ việc, và bản thân bà cũng chuẩn bị nghỉ việc. Lý do một phần vì công nhân nhận thức được luật bảo hiểm sức khỏe mới của chính quyền CSVN thể hiện sự “cướp” tiền của công nhân. Một phần vì từ đầu năm đến nay, giám đốc công ty bắt công nhân phải làm số lượng việc gấp đôi những năm trước mà không hề tăng lương. Công nhân này cho biết, nếu năm ngoái, trong 8 tiếng làm việc chị phải làm 25 hành khung; thì năm nay phải làm lên 50-60 hành khung. Bất mãn hơn khi chị và đồng nghiệp thường xuyên bị quản trị chửi rủa, xúc phạm. Chị ví bản thân mình và những đồng nghiệp “khổ hơn chó”. Chị chuẩn bị nghỉ việc vì sắp không chịu nổi “cực hình”.

Một nữ công nhân khác bất mãn luật bảo hiểm sức khỏe mới là “ăn cướp tiền của công nhân”. Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, công nhân bị ép làm việc đến kiệt sức. số lượng công việc làm gấp đôi mà lương không tăng. Có lần chị đã lên cơn đột quỵ khi không thể chịu nổi sự xúc phạm của các quản trị công ty, cộng với làm việc quá sức.

Tường Thắng / SBTN

http://www.sbtn.tv/hang-ngan-cong-nhan-o-sai-gon-xin-nghi-viec-vi-kho-hon-ca-cho/

 

Cựu TGM Ngô Quang Kiệt thăm hỏi Đan viện Thiên An

Cựu Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã đến thăm Đan viện Thiên An, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hôm thứ Hai 10/7, theo trang Tin Mừng Cho Người Nghèo.

TGM Kiệt là vị giám mục thứ ba đến thăm đan viện Thiên An sau Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, và nguyên giám mục Kon Tum Micae Hoàng Đức Oanh, từ khi đan viện bị tấn công và đập phá thánh giá hồi cuối tháng Sáu.

Tin cho hay TGM Kiệt đã hiệp dâng thánh lễ và ghé thăm ngọn đồi nơi thánh giá bị hạ xuống và thăm hỏi, động viên các đan sĩ.

Hồi năm 2010, TGM Kiệt từ nhiệm khỏi sau các cuộc tranh chấp đất đai giữa giáo phận Hà Nội và chính quyền, xung quanh Tòa Khâm sứ và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế -Thái Hà. Quyết định từ nhiệm của TGM Ngô Quang Kiệt đã gây nhiều tranh cãi, giữa lúc có đồn đoán rộng rãi là sự ra đi của đức TGM là do sức ép của Hà nội đối với Tòa Thánh Vatican.

Sau khi lặng lẽ từ chức, GM Kiệt lui về hưu dưỡng tại Đan viện Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình. Mặc dù không còn chính thức đảm nhiệm trách vụ trong Giáo hội Công giáo, GM Kiệt vẫn lui tới thăm viếng các giáo xứ nơi xảy ra mâu thuẫn với chính quyền như các giáo xứ Đông Yên, Dũ Yên thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, GM Kiệt cũng vào tỉnh Nghệ An thăm hỏi các linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam – những người đã dẫn dắt giáo dân các giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên biểu tình chống thảm họa môi trường biển do công ty Formosa gây ra.

Mới đây, tình hình Đan viện Thiên An nóng trở lại sau khi nhiều người, được cho là bị chính quyền giật dây, tấn công đan viện, hành hung đan sĩ và đập phá thánh giá. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cáo buộc đan viện Thiên An là xây cất trái phép trong khi đan viện cho rằng 107 ha đất trên đồi thông là thuộc quyền sở hữu của giáo hội.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-tgm-ngo-quang-kiet-tham-hoi-dan-vien-thien-an/3935900.html

 

Giám định chết trong đồn công an VN ‘là bí mật’?

Một luật sư nói với BBC rằng “người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an” một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và được xem là ‘bí mật nhà nước’.

Một thanh niên ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận qua đời sáng 8/7 sau khi được cho là tự tử khi đang “viết tự khai” tại đồn công an ở Phan Rang, truyền thông trong nước đưa tin.

Hôm 6/7, ông Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, được đưa về Nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm vì là nghi phạm trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra hồi cuối tháng 5/2017, Công an thành phố Phan Rang được các báo dẫn lời.

‘Tự tử khi đang viết tự khai’ trong nhà tạm giữ ở Phan Rang

Gia đình Nguyễn Hữu Tấn ‘yêu cầu minh oan’

Cáo trạng nói gì về ‘hành vi’ của Mẹ Nấm?

Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, “trong khi ngồi viết bản tự khai tại phòng làm việc của điều tra viên, anh Đê đã dùng áo của mình làm dây treo vào cửa sổ để tự tử.”

Trước đó, vụ một người dân bị cho là “tự tử bằng dây thun quần” tại Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao công luận.

Trong một vụ xảy ra hồi đầu tháng 5/2017, giới chức nói ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, người bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt để điều tra hành vi “tán phát tài liệu chống phá nhà nước”, đã “tự sát” chỉ sau một ngày tạm giam.

‘Hoang mang và hoài nghi’

Hôm 10/7, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC:

“Người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an mà báo chí hay tường thuật là do nạn nhân tự tử bằng những vật dụng đơn giản đến khó tin như quần áo họ đang mặc trên người.”

“Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và vẫn được xem là ‘bí mật nhà nước’ thì người dân càng hoang mang và hoài nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi minh hoặc người thân được mời đến đồn công an.”

Bà Lê Mỹ Hạnh làm việc với công an vì bị hành hung

Thương binh bị hành hung ở Hà Nội ra viện

Luật sư Công Út cho hay trong vụ ông bảo vệ cho nạn nhân Nguyễn Văn Đức bị chết do ‘dùng nhục hình’ tại tỉnh Vĩnh Long, vụ án bị Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao né tránh việc khởi tố bị can, dù đã ra quyết định khởi tố vụ án. với lý do “chờ kết quả giám định pháp y” dù kết quả đã có.

“Trong những vụ như thế này, luật sư phải đấu tranh bằng nhiều cách, yêu cầu khởi tố bị can và yêu cầu bồi thường tính mạng cho nạn nhân.”

Có camera giám sát sẽ rõ truy cứu ai

Ông cũng cho hay:

“Hy vọng từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2018, người dân biết quyền của mình và yêu cầu có luật sư đi cùng mỗi khi họ bị mời/triệu tập đến đồn công an.”

Công an càng phủ nhận trách nhiệm của họ trong các sự việc này, uy tín và hình ảnh của họ trong mắt người dân sẽ càng kém đi và không gì cứu vãn nổi ngoài sự thật và việc dám đối diện, nhìn nhận sai phạm.Luật gia Nguyễn Đình Hà

Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói:

“Tôi từng bị công an đưa về trụ sở và thấy họ thường để lại ít nhất một người theo dõi nhất cử nhất động của tôi trong phòng.”

“Khi tôi đi vệ sinh cũng có người kè kè bên cạnh. Còn khi thẩm vấn, có ít nhất ba người, trong đó có một người quay phim lại tiến trình làm việc.”

“Vậy thì không thể có chuyện gì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của tôi mà họ không biết.”

“Về những cái chết trong đồn công an, nếu có camera giám sát thì sẽ rõ hơn những gì đã xảy ra và có thể truy cứu trách nhiệm dễ dàng.”

“Còn nếu không, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người trực tiếp làm việc, thẩm vấn người bị tạm giữ, được mời đến cơ quan công an.”

“Giả sử như có chuyện dùng bạo lực đối với người bị tạm giữ, tạm giam, công an đã vi phạm pháp luật rõ ràng.”

“Bởi trong Hiến pháp ghi nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, vậy thì công an hay dân thường đều không có quyền hành hung người khác, chứ chưa nói đến việc anh là người làm công vụ thì còn nhiều điều luật ràng buộc hơn nữa.”

“Còn nếu không có việc dùng bạo lực, phía cơ quan công an có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam, được mời đến làm việc.”

“Ít nhất là việc giám sát hành vi của người dân trong cơ quan của họ.”

“Phía công an càng phủ nhận trách nhiệm của họ trong các sự việc này, uy tín và hình ảnh của họ trong mắt người dân sẽ càng kém đi và không gì cứu vãn nổi ngoài sự thật và việc dám đối diện, nhìn nhận sai phạm.”

Chống bạo lực và ‘an toàn cho đối tượng phạm tội’

Theo báo Công an Nhân dân (03/05/2017), thống kê của Bộ Công an Việt Nam cho hay trong 10 năm (2006-2016), Bộ này đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực.

cần bảo đảm an toàn cho cả đối tượng phạm tội, phòng ngừa đối tượng phạm tội tự sát, tự đả thươngThứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

Nguồn tin này cũng cho hay “trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích…”

Tuy nhiên bài báo trong nói rõ những con số trên có bao gồm về các vụ bạo lực xảy ra tại đồn công an, trong các trại tạm giam ở Việt Nam, và các vụ tử vong khi bị bắt giữa.

Cũng trang báo Công an Nhân dân cho hay hồi tháng 4/2017, vấn đề này có được đề cập gián tiếp trong Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm” ở Hà Nội (14/04).

Phát biểu tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh một số giải pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và CBCS trong phòng, chống tội phạm:

“Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và CBCS trong lực lượng CAND về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn cho nhân dân và CBCS Công an; trong trường hợp không phải sử dụng vũ lực theo quy định của pháp luật, cần bảo đảm an toàn cho cả đối tượng phạm tội, phòng ngừa đối tượng phạm tội tự sát, tự đả thương.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40546886

 

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện nhà nước Việt Nam

Tường An, thông tín viên RFA

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam cách đây hơn 10 năm nay lại làm xôn xao dư luận khi ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định tái khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai tại Tòa án Quốc tế vào ngày 21 tháng 8 tới đây tại Paris.

Khởi kiện lần đầu

Ông Trịnh Vĩnh Bình đến Hà Lan tháng 9 năm 1976. Từ một thuyền nhân trở thành một doanh gia thành đạt tại Hà Lan với danh hiệu “vua chả giò Hà Lan” trở về nước năm 1990 để đầu tư. Sau 6 năm xây dựng và phát triển sự nghiệp rất thành công. Bất ngờ, ông bị nhà nước Việt Nam ghép vào tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, an ninh Việt Nam đã vào các công ty ông lấy tất cả tư liệu, tài sản. Ông bị tạm giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị kết án 11 năm tù. Năm 2000, ông trốn ra ngoài và vượt biên lần nữa về Hà Lan. Hồi tưởng lại thời gian này, ông Bình tâm sự:

“Cái đó thì phải nói thật là khủng khiếp… Khi phải nói tới đoạn này tôi cảm thấy xúc động. Xúc động vì tôi thấy chính phủ Việt Nam đối xử với một Việt kiều một cách tàn nhẫn như vậy. Tàn nhẫn đến độ người ngoài không thể tưởng tượng được. Trước đây tôi từng đọc những sách về tù cải tạo, nhưng mà riêng về tôi, tôi thấy chuyện này quá khủng khiếp! Họ cho mình vào một cái phòng thiếu oxy đã được thiết lập sẵn để cho mình ngộp, để mình khủng hoảng, mình sợ để mình ký nhận một cái gì đó có tội mặc dù mình không có tội. Ngoài ra, họ còn dùng còng sắt còng vào hai chân, đến khi đi tiểu đi tiện, mình phải bò lại một lỗ cống chứ không đi được, làm sao đi được? Họ cũng không cho nước. Thời gian mấy chục năm ở xứ hàn đới (Hà Lan) nếu mà ở một xứ nhiệt đới một ngày không tắm là có thể lên sốt, chết liền! Đây là những cái khủng khiếp nhất, còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ nói như vậy thôi!”

Sau khi ra đến hải ngoại, năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ nhất tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế ở Thụy Điển về việc nhà nước Việt Nam vi phạm luật đầu tư, chiếm đoạt tài sản và ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường trên 150 triệu đô la thiệt hại. Vụ kiện lẽ ra sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế tại Stockholm, Thụy Điển tháng 12 năm 2006. Tuy nhiên, trước khi vụ kiện được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế thì nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006. Trong thỏa thuận này, về phía nhà nước Việt Nam đã cam kết:

–           Việt Nam bồi thường các chi phí phát sinh từ việc theo đuổi phiên tòa

–           Miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình

–           Trả lại toàn bộ tài sản cho ông Trịnh Vĩnh Bình

–           Tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại Việt Nam đầu tư

Về phía ông Trịnh Vĩnh Bình :

–           Ngưng phiên tòa quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển)

–           Không tiết lộ về nội dung thỏa thuận với các cơ quan truyền thông

Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. 

– Trịnh Vĩnh Bình

Ông Trịnh Vĩnh Bình đã giữ đúng lời hứa là không tiết lộ với truyền thông bất cứ chi tiết nào về thỏa thuận hai bên này và cũng đã trở lại Việt Nam đầu tư với tâm nguyện xây dựng đất nước. Ông chia sẻ:

“Nhưng phải nói là lúc đó tôi còn đặt hết kỳ vọng là mình trở về mình khôi phục lại. Lúc còn ở Hà Lan, tôi đã có tâm nguyện trở về đầu tư tại Việt Nam. Đang sống vững vàng tại Hà Lan, tại sao lại về cho nó nguy hiểm, cho nó cực? Vì tôi nghĩ: Lá rụng về cội, lớn tuổi rồi, muốn giúp cho kinh tế khá lên. Cho đến giờ phút này, mình thấy lạ là ở Việt Nam cũng không thấy được họ làm như vậy là họ phá hoại những người có tấm lòng muốn giúp cho quê hương, đất nước.”

Khởi kiện lần hai

Tuy nhiên, bên phía Việt Nam đã không thực hiện đúng như lời cam kết. Vì thế, năm 2014, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai, ông cho biết thêm:

“Có một điểm nhất quán giữa hai vụ kiện là: tôi kiện chính phủ Việt Nam lần thứ nhất là vì lý do đòi bồi thường tài sản, trong đó có vấn đề bồi thường nhân thân: nhốt tôi oan. Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. Tôi đọc trong một hồ sơ tôi thấy có những điểm rất là tệ. Khi họ đến công ty tôi thì họ ập vào phòng riêng của tôi. Trong đó có mấy cái két sắt, trong đó tôi giữ những đồ cổ do tàu Âu châu chở đồ sành sứ của Trung quốc bị chìm ở hòn Cao, đồ sành sứ do tàu chìm, trong đó họ lấy đi 394 món của tôi. Bên Bộ Tư Pháp Việt Nam nói: phần này có thể trả lại cho ông Trịnh Vĩnh Bình nhưng với điều kiện ông phải chứng minh đây là tài sản hợp pháp.”

Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu.Courtesy of Trịnh Vĩnh Bình

Rất bất bình trước cáo buộc vô lý này, ông Trịnh Vĩnh Bình nói:

“Tôi không biết họ có còn nhân tính hay không nữa? Trước khi anh vào nhà tôi, anh muốn lấy một cái chén, một cái ly, một món đồ nào đó thì anh phải chứng minh đó là món đồ phạm pháp, đồ ăn cắp. Còn một khi anh đã lấy đi rồi anh bắt tôi chứng minh là đồ hợp pháp? Đồ trong nhà tôi là đồ hợp pháp. Chứng minh đó là đồ phạm pháp để lấy đi là trách nhiệm của quý anh. Muốn lấy đồ của người khác đi thì cơ quan công quyền phải chứng minh đó là đồ phạm pháp. Tôi không có trách nhiệm phải chứng minh đó là hợp pháp. Quý vị đã thấy lòng tham lam của quan chức Việt Nam như thế nào. Sự vô nhân tính của họ như vậy. Nói đến đây tôi rất là bức xúc. Từ một chuyện nhỏ quý vị suy ra chuyện lớn, họ chiếm đất đai, nhà cửa. Từ đây tôi là một mốc xích để tôi cảm thấy là phải kiện chính phủ Việt Nam lần thứ 2!”

Tháng 4 năm 2014. Ông Trịnh Vĩnh Bình mướn văn phòng luật sư King & Spalding LLP, một văn phòng luật sư lớn tại Hoa Kỳ, kiện Việt Nam ra tòa án Quốc tế. Đây là lần đầu tiên, một cá nhận kiện nhà nước Việt Nam phải vào ghế bị cáo ở tòa án Quốc tế.

Ngày 21/8/2017, tòa án quốc tế sẽ xét vụ án này tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam bồi thường vì :

–           Vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp thương đầu tư song phương giữa Hà Lan – Việt Nam (BIT)

–           Vi phạm Nhân quyền: nhốt người oan sai

Luật quốc tế

Năm 2013, một sinh viên tên Daniel Chong đã được chính phủ Hoa Kỳ bồi thường 4 triệu vì bị bỏ quên trong nhà giam 4 ngày. Với tiền lệ này thì trường hợp của ông Bình, chỉ riêng phần bị giam giữ oan, số tiền bồi thường có thể lên đến trên 700 triệu USD. Nếu góp tất cả các tài sản bị mất mát và các thiệt hại khác thì con số bồi thường có thể lên đến một vài tỉ đô-la. Ông nói:

“Trước nhất, nói đến con số thì cho đến giờ này, không ngoại lệ khi mà giờ cuối chúng tôi tái đánh giá lại tài sản của chúng tôi thì con số mà chúng tôi đòi đã trên 1 tỷ (đô la) rồi. Nhưng quyền quyết định là của tòa án quốc tế. Chúng tôi đòi dựa theo chứng cứ là tài sản đã bị mất của chúng tôi.”

Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng cho biết tổ hợp luật sư đã kết luận về hồ sơ phản hồi gồm 326 trang của bên nguyên đơn như sau:

“Phía luật sư họ kết luận thế này: Trong vụ án của ông Trịnh phía Việt Nam đã vi phạm, có thể nói đã cấu thành nên một trong những nhóm hành vi từ chối xét xử công bằng và vô nhân đạo nhất trong lịch sử luật pháp Quốc tế.”

Theo ông Trịnh Vĩnh Bình, vụ án này nếu thắng, có thể sẽ trở thành một tiền lệ cho các vụ án của hàng trăm ngàn người tù cải tại bị bắt oan sai, bị lừa dối đi tập trung 10 ngày biến thành hàng chục năm tù trong các trại cải tạo khắc nghiệt. Ông nói:

Từ một chuyện nhỏ quý vị suy ra chuyện lớn, họ chiếm đất đai, nhà cửa. Từ đây tôi là một mốc xích để tôi cảm thấy là phải kiện chính phủ Việt Nam lần thứ 2!

– Trịnh Vĩnh Bình

“Điểm này là điểm đương nhiên! Ở tòa án quốc tế thì luật sư cả hai phía vận dụng những án lệ trước đây của các tòa án quốc tế. Họ vận dụng những vụ vi phạm hoặc không vi phạm để đưa vào tòa án quốc tế. Ở Việt Nam thì dựa vào những chỗ không vi phạm để cãi, còn mình thì dựa vào những chỗ vi phạm. Đương nhiên, khi đưa vụ án ra quốc tế thì trở thành tư liệu về án. Mà khi đã tuyên rồi thì trở thành những án lệ, không thể xóa được, tức là muôn đời không xóa được.

Cái án lệ này sẽ cung cấp cho những trường Đại học Luật, những viện học Luật và những văn phòng luật sư quốc tế, những văn phòng luật họ bắt đầu nghiên cứu, kể cả những người đam mê về luật. Đây có thể nói là một án lệ.

Rồi còn những vị, dù cho tù cải tạo hay là gì đều có những cái tương đồng, những vi phạm, có người bỗng dưng bị bắt. Và chính phủ Việt Nam vi phạm về quyền con người, vi phạm luật pháp quốc tế thì đều có quyền đi kiện. Tập họp lại kiện.”

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước Việt Nam bị một cá nhân kiện ra tòa 2 lần. Vụ án ngày 21 tháng 8 tới đây sẽ phơi bày ra trước ánh sáng công luận nhiều mảng tối của những vụ tham nhũng, hối lộ, những thủ đoạn chèn ép, lừa đảo, tịch thu tài sản để ăn chia bất hợp pháp của những quan chức công quyền trong chế độ hiện hành.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/second-court-of-trinh-vinh-binh-vs-vn-ta-07102017080253.html

 

Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Thắng cho rằng cách nói “Quân đội làm kinh tế là không đúng”. Theo ông, cần hiểu rõ rằng đó là việc “quân đội tham gia sản xuất, lao động, xây dựng kinh tế.”

Ông cũng thách thức các doanh nghiệp dân sự về giá:

“Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất tốt, giá cả hợp lý, bán ra thị trường được dân tin.”

Hôm 09/07, VnExpress có bài phóng sự video nói “Dù số lượng không nhiều nhưng các doanh nghiệp quân đội đang giữ vị thế lớn ở nhiều lĩnh vực với lợi nhuận vài trăm đến chục nghìn tỷ đồng.”

Khi các sỹ quan cao cấp làm giám đốc

Trang CafeF.vn thì nêu ra một loạt “hàng nóng” tức các công ty quân đội mà theo họ được nhà đầu tư nhắm tới trong quá trình Chính quyền Việt Nam cho cổ phần hóa các công ty quân đội.

Cần ‘minh bạch’ về quân đội làm kinh tế

Bàn tròn thứ Năm về ‘quân đội làm kinh tế’

‘Cần phấn đấu có nhiều Viettel hơn nữa’

Trao đổi cuối tuần về quân đội ‘ngưng làm kinh tế’?

Bài hôm 04/07 khẳng định “Quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội đã và đang được tiến hành”, và đặt câu hỏi: “Những doanh nghiệp quân đội nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi sắp tới chỉ còn 29 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý? “

Trang báo nêu rằng “Viettel, Tân Cảng Sài Gòn là haicái tên đứng đầu danh sách”.

Đặc biệt bài báo còn nhắc lại một nghị quyết đã có từ năm 2012 để cho rằng con số các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng đang nắm đã giảm nhiều:

“Quân đội còn sở hữu nhiều doanh nghiệp nhưng số lượng đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo số liệu được báo Quân đội Nhân dân công bố, số doanh nghiệp quân đội đã giảm từ 300 xuống 88 doanh nghiệp. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội theo tinh thần Nghị quyết 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012.”

Bài báo cũng nêu hiện tượng “một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm có tên Quân đội nhưng lại do người ngoài quân đội sở hữu phần lớn là Ngân hàng TMCP Quân đội.”

“Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của MB đạt tới 2.884 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước đó. Tại MB, Viettel chiếm tới 15,79% cổ phần và là cổ đông tổ chức lớn nhất. Thượng tướng Lê Hữu Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Chủ tịch HĐQT MB; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel là Phó chủ tịch. Còn Thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn là thành viên HĐQT.”

Một doanh nghiệp quan trọng của Bộ Quốc phòng là Tổng Công ty Xây dựng 319 cũng được tờ báo nêu tên.

Hồi tháng 11/2016, các báo Việt Nam cho biết “Đại tá Phùng Quang Hải đã bàn giao chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319 cho Đại tá Trần Đăng Tú, Tổng giám đốc tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng này”.

Ông Phùng Quang Hải là con trai của Đại tướng Phùng Quang Thanh, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng gần 10 năm, cho đến tháng 4/2016.

Trong làm kinh tế của quân đội, yếu tố sản xuất là chính, làm kinh doanh thấp hơn.Ông Vũ Khoan

Các ý kiến đa chiều

Trong một không khí cởi mở hiếm có, cuộc tranh luận về chuyện Quân đội nên làm kinh tế hay không và nếu làm thì làm gì, được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi, với quan điểm nhiều chiều, từ cả các tướng lĩnh, cựu lãnh đạo.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, được trích lời tại Tọa đàm do Quân đội Nhân dân tổ chức hôm 7/07 nói rằng quân đội làm kinh tế là chuyện “không còn phải bàn” nhưng cho rằng:

“Trong làm kinh tế của quân đội, yếu tố sản xuất là chính, làm kinh doanh thấp hơn. Đặc biệt, quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được.”

Tuy vậy, ông cảnh báo:

“Cũng giống như các thành tố trong xã hội, lực lượng làm kinh tế của quân đội không thể không có tiêu cực xảy ra. Công tác đấu tranh để làm trong sạch đội ngũ quân đội không thể không làm, thậm chí phải làm nhiều hơn. Vì, tai tiếng của quân đội sẽ ảnh hưởng đến an nguy của quốc gia.”

Vấn đề nhiều ý kíến trên các trang mạng xã hội nêu ra là nghi ngờ về sự ưu tiên về thuế, quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp quân đội, tạo vị thế cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp dân sự.

Một Nghị định của Chính phủ Việt Nam hồi 15/10/2015, có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong Điều 6 ghi rõ về ưu tiên này:

“Được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao quản lý và sử dụng phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Tuy nhiên, văn bản này cũng ghi “Định kỳ 03 năm một lần, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Còn trên trang BBC Tiếng Việt, trả lời một chương trình Toạ đàm hàng tuần hôm 06/07, nhà báo Trần Tiến Đức từ Hà Nội nói vấn đề làm không phải Quân đội Việt Nam làm gì mà là cần minh bạch về thu nhập:

“Về ngân sách như thế nào, tôi phải nói rằng chúng tôi không biết rõ được ngân sách quốc phòng của Việt Nam là bao nhiêu và ngân sách đó có đủ để chi cho những nhu cầu quốc phòng hay không. Cái đó người dân chúng tôi không được biết.

Ở đơn vị cũ của tôi, họ cho dân thuê để kinh doanh, hát karaoke… Mối tháng thu tiền tỷ. Đơn vị không làm gì cả, mấy ông đại tá với đám sĩ quan chỉ ăn chơi rồi chờ ngày lĩnh lương…Thái Lai, bạn đọc BBC

“Qua các con số dẫn ra về các doanh nghiệp quân đội, thì chắc chắn họ có đóng góp phần nào cho quốc phòng, nhưng vấn đề như tôi muốn nói là tính minh bạch của các thông tin đó như thế nào? Vấn đề minh bạch và trung thực về tình hình tài chính như thế nào?”

Còn trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt chủ đề này cũng được nhiều sự chú ý.

Bạn Thái Lai viết: “Ở đơn vị cũ của tôi, họ cho dân thuê để kinh doanh, hát karaoke… Mối tháng thu tiền tỷ. Đơn vị không làm gì cả, mấy ông đại tá với đám sĩ quan chỉ ăn chơi rồi chờ ngày lĩnh lương…”

Còn bạn Huyen Luongthanh thì viết: “Nên nhớ chính sách Ngự nông ư binh không phải như kiểu lấy đất sân bay để làm sân gôn, tụ điểm ăn chơi…”

Nhận thức khác nhau

Có vẻ như ngay trong quân đội cũng có nhận thức khác nhau về việc Quân đội nên làm kinh tế hay không.

Vào ngày 07/07, Hôm 07/7/2017, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được báo Thanh Niên dẫn lời nói:

“Phấn đấu làm sao có nhiều Viettel nữa. Điều này chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn.”

Hôm 23/06, báo chí Việt Nam trích lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu nói Quân đội Việt Nam ‘không làm kinh tế nữa’.

Trong cuộc họp có mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Chiêm nói nhiệm vụ của Quân đội nay là “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân”.

Có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó có liên quan đến vấn nạn tham nhũng nên Trung Quốc đã cho quân đội thôi làm kinh tếTướng Lê Mã Lương

Sau phát biểu của Tướng Lê Chiêm, báo chí Việt Nam trích lời Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng qua nghiên cứu ông thấy “trong thực tiễn quân đội của nhiều nước trên thế giới đều không tham gia làm kinh tế”.

“Trước đây quân đội Trung Quốc cũng tham gia làm kinh tế. Tuy nhiên sau khi thấy có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó có liên quan đến vấn nạn tham nhũng nên nước này đã cho quân đội thôi làm kinh tế” – tướng Lê Mã Lương được trang Đất Việt hôm 27/06 trích lời cho hay.

Ông cũng nói: “khi quân đội không làm kinh tế, các chiến sĩ sẽ dành được rất nhiều thời gian để nâng cao thể trạng, thể lực, tri thức quân sự”.

Hiện chưa rõ cuộc thảo luận này sẽ đi đến đâu vì đây không phải là lần đầu tiên quan điểm “quân đội, an ninh thôi tham gia làm kinh tế” đã được nêu ra.

Hồi tháng 1/2007, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Quân đội đã nói về hoàn cảnh lịch sử để “Quân đội cũng như công an cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại” nay đã không còn phù hợp:

“Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Nhưng nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia.”

Vào thời điểm đó, ông Lê Khả Phiêu nói “dứt khoát năm 2007 phải làm những khâu cơ bản” trong việc chuyển giao các doanh nghiệp quân đội, công an sang cho Nhà nước.

Hơn 10 năm sau khi ông Phiêu phát biểu, vấn đề này không chỉ vẫn còn đó mà còn lớn hơn trước.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40556972

 

Việt Nam – Campuchia hợp tác quốc phòng

Hai Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Campuchia cùng tăng cường hợp tác trong việc xây dựng pháp luật quân sự và quốc phòng.

Đây là nội dung trong Bản Ghi nhớ được đại diện của hai Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Campuchia thống nhất vào sáng ngày 9 tháng 7, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Bộ Quốc phòng hai nước sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lãnh vực hợp tác xây dựng pháp luật quân sự, quốc phòng trên cơ sở Nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương giai đoạn 2015-2019.

Trong Bản ghi nhớ cũng nêu rõ Bộ Quốc phòng Campuchia sẽ được Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ trong việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao học bổng cho chương trình Đại học Luật, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu và khảo sát hoạt động xây dựng pháp luật quân sự, quốc phòng cũng như giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất cho Cục Pháp chế Bộ Quốc phòng Campuchia.

Đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam tại buổi hội đàm xây dựng Bản ghi nhớ là Đại tá Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Đại tướng Mom Sophat, Cục trưởng Cục Pháp chế, đại diện cho Bộ Quốc phòng Campuchia.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-cam-sign-memorandum-related-military-07102017110609.html

 

Hoa Kỳ kiểm tra toàn bộ cá da trơn nhập từ Việt Nam

Cá tra, ba sa hay còn gọi chung là các loại cá da trơn từ Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ sẽ bị kiểm tra  bắt buộc 100%.

Đây là thông báo của Bộ Nông Ngiệp Hoa Kỳ, cho thấy cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ tiến hành những đợt kiểm tra bắt buộc sớm hơn dự định, tức là bắt đầu từ ngày 2 tháng Tám thay vì 1 tháng Chín như quyết định trước đó.

Vào ngày 10 tháng Bảy, Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Sản và Thủy Sản trực thuộc  Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam  gởi văn bản đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa trong nước, nhắc nhở các doanh nghiệp này chủ động liên hệ với phía nhà nhập khẩu bên Hoa Kỳ để tuân thủ mọi qui định mới của  Mỹ. Điều này có nghĩa các lô hàng cá tra từ Việt Nam phải được kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức, nhà nhập khẩu phải có mẫu đơn đăng ký kiểm tra FSIS trước khi lô hàng đến cửa khẩu.

Những qui định kiểm tra mới sẽ khắt khe hơn về những qui trình như  sự phù hợp của chứng thư kèm theo lô hàng, điều kiện bảo quản và điều kiện vệ sinh chung, dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh.

Việt Nam trên danh nghĩa có 62 doanh nghiệp được Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu ca tra, nhưng do bị áp thuế cao về chống bán phá giá nên chỉ vài doanh nghiệp có xuất khẩu thực tế.  Trước đây thủy sản Việt nhập vào Mỹ được đặt dưới sự kiểm tra của FDA Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Thực Phẩm Hoa Kỳ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fish-imported-from-vietnam-to-us-will-be-supervised-07102017100046.html

 

Bộ Quốc phòng nói

xây dựng và hoạt động của sân golf sân bay TSN là đúng luật

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam lại lên tiếng về vấn đề quân đội làm kinh tế cũng như đất đai sử dụng cho mục đích quốc phòng.

Thông tấn xã Việt Nam và báo Tuổi Trẻ trong nước vào ngày 10 tháng 7 đăng trả lời phỏng vấn của thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Theo đó vị Thượng tướng này nói rõ Bộ Quốc Phòng không ra chỉ thị thanh tra đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi vấn đề sân golf tại phi trường Tân Sơn Nhất gây xôn xao dư luận bấy lâu nay.

Ông này cho rằng về cơ bản đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng qui định của Nhà nước, sử dụng đúng vào mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất trong đó có một phần làm kinh tế.

Về vấn đề xây dựng và hoạt động sân golf tại Tân Sơn Nhất, theo ông Nguyễn Chí Vịnh là hoàn toàn đúng luật pháp. Tuy nhiên sau khi có phản ứng của dư luận, Bộ Quốc Phòng có thị thị dừng tất cả mọi hoạt động xây dựng các khu dịch vụ của sân golf này, gồm có nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê…trong khi chờ kiểm tra, kiểm soát và quyết định của cấp trên.

Theo lời của ông Nguyễn Chí Vịnh thì đất quốc phòng là đất quốc gia; không có sự phân biệt đất quốc phòng và đất không quốc phòng. Tuy vậy vị thứ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam nói rằng đất quốc phòng có những đặc thù riêng, cũng như đặc thù của đất phục vụ nhiệm vụ kinh tế, đất phát triển đô thị, nông nghiệp…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong thời gian qua Quân đội Việt Nam có hằng trăm doanh nghiệp, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đề ra chủ trương giảm dần. Hiện nay có 88 doanh nghiệp và sắp tới chỉ tiêu đề ra là chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn Nhà nước mà thôi.

Một số doanh nghiệp quân đội được ông Nguyễn Chí Vịnh cho là tiêu biểu gồm Tập đoàn viễn thông Viettel, Tổng Công ty Tân Cảng, Tổng Công ty bay Trực Thăng…

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam còn nói hơn 90% đất quốc phòng sử dụng làm kinh tế đã được quân đội giao cho các địa phương, các ngành, hoặc giao lại cho chính phủ để giúp các địa phương mở rộng đường giao thông, làm các công trình về môi trường, các khu đô thị…

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-defense-on-land-for-military-purposes-07102017090434.html

 

Gia đình thuyền viên bị khủng bố chặt đầu

bị yêu cầu nộp chung 50 tỷ đồng tiền chuộc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Thông tin về cái chết đau đớn, bị chặt đầu trong lúc bị bắt làm con tin của hai thuyền viên người Việt Nam trên chuyến tàu thuộc công ty hàng hải Hoàng Gia ở Hải Phòng đã làm chấn động người dân Bắc miền Trung. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người dân, đặc biệt là người dân Nghệ An và Thanh Hóa, nơi tá túc của gia đình các thuyền viên, dường như đi đâu cũng nghe lời ta thán về sự vô trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong vấn đề cứu công dân của mình.

Nhà nước đã làm gì?

Ông Hoàng Văn Tư, cha của nạn nhân Hoàng Văn Hải, hiện sống ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chia sẻ:

“Họ nói đích thân bố mẹ phải đi ra công ty ngoài Hải phòng. Họ nói phải chung khoản tiền chừng 100 triệu Peso để chuộc người. Sau đó một người tên Loan, là vợ của thuyền phó (cũng bị bắt làm con tin) nói chúng tôi nên ký vào một cái biên bản mà trong đó không có bất kỳ chữ nào. Chúng tôi thắc mắc tại sao biên bản không có chữ nào thì ký làm sao thì ông giám đốc Hoàng Gia nói rằng nội dung không có ai được biết cả, chỉ có giám đốc biết thôi và nếu muốn cứu các con thì chúng tôi hãy ký vào và yên tâm, tin tưởng ông đi. Chúng tồi gồm 6 gia đình, đã ký mỗi gia đình 10 biên bản với chữ ký phải thật giống nhau trong 10 tờ giấy trắng đó. Giờ thì ra cớ sự này đây!”

Một người tên Trung, là chú của anh Hoàng Văn Hải, cho rằng cái chết của hai thuyền viên bị lực lượng Abu Sayyaf chặt đầu vì họ chờ quá lâu mà không thấy tiền chuộc từ Việt Nam, điều này cho thấy thân phận của người Việt Nam quá bé nhỏ, quá đau khổ. Là một người từng cầm hộ chiếu Việt Nam đi du lịch sang Thái Lan và Nhật Bản, ông không khỏi chạnh lòng khi thấy những tấm bảng ghi bằng tiếng Việt khuyến cáo người Việt không nên gắp thức ăn quá nhiều ở các buffet hay là viết bằng tiếng Việt răn đe về các loại hình chế tài khi ăn trộm, ăn cắp… Rồi chuyện các ngư dân người Việt sang ăn cắp hải sâm ở vùng biển các nước Úc, Papua Newguine, Phillipines… Tất cả như những vết thương của dân tộc.

Ông Trung cho rằng sở dĩ có chuyện đau lòng vừa nói là vì Việt Nam thiếu hẳn một nhà nước do dân và vì dân. Nếu nhà nước tồn tại do dân, vì dân thì thân phận người dân Việt Nam không đến nỗi thê thảm như hiện tại. Thử hỏi, có một quốc gia nào mà toàn chiều dài của quốc gia là bờ biển, nếu kể cả vùng nội thủy, vùng lảnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thì biển Việt Nam quá rộng. Vậy mà ngư dân Việt Nam không dám ra khơi bởi sợ cái chết từ các tàu hải cảnh Trung Quốc. Rồi thêm nữa, tài nguyên, khoáng sản Việt Nam cũng thuộc diện “rừng vàng biển bạc”, vậy mà đói nghèo, trộm cắp đầy rẫy ra. Hình ảnh của người Việt Nam trở nên xấu xa và tội nghiệp trước con mắt người nước ngoài, theo ông Trung, không phải chỉ đơn giản là do bản chất hay thói quen mà là do môi trường kinh tế, văn hóa và chính trị.

Cũng theo ông Trung, cái chết của hai thuyền viên người Việt Nam vừa qua càng làm rõ thêm thân phận của người Việt Nam quá nhỏ nhoi trước thế giới rộng lớn. Ông nêu quan điểm rằng thực ra, thân phận của một công dân quốc gia nào đó có giá trị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống chính trị của quốc gia đó. Những quốc gia có hệ thống chính trị dân chủ, cởi mở và coi trọng nhân phẩm thì công dân của họ không thể bị đày đọa, bị coi rẻ trước con mắt người nước ngoài được. Dẫn chứng, ông Trung nói rằng công dân Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Úc, Nhật hay Singapore, Hàn Quốc… không thể bị coi rẻ và không thể dễ chết như công dân Việt Nam được.

Đằng này, nhà nước, chính phủ Việt Nam vẫn luôn giữ đúng giọng điệu “phản đối” suông trong bất kì tình huống nào, từ thuyền viên Việt Nam đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc bắt bớ cho đến thủy thủ Việt Nam bị nhóm sát nhân bắt cóc tống tiền. Ông Trung cho rằng nếu như nhà nước đừng phản đối mà trích tiền ngân sách nhà nước để chuộc công dân, tìm cách cứu công dân của mình, sau đó có thể yêu cầu công ty chủ quản của các thủy thủy chịu trách nhiệm bù đắp ngân sách nhà nước thì ông còn có thể tin tưởng vào nhà nước, chính quyền. Đằng này họ chỉ phản đối sau khi có hai thuyền viên bị chặt đầu.

Đời sống của các thuyền viên

Một người dân sống gần gia đình thuyền viên Hoàng Trung Thông ở Quảng Bình, không muốn nêu tên, chia sẻ:

“Hết sức vô lý, từ nhà nước cho đến phía công ty đều làm những chuyện hết sức vô lý, thời gian kéo dài cả 7 tháng, 8 tháng, nếu không chuộc người được thì phải tìm cách cho gia đình người ta biết, cho truyền thông biết để người ta vận động tài chính mà cứu con của họ chứ! Khóc thì người ta khóc cũng đã hết nước mắt rồi, quá vô lý đi. Dân làng ở đây thương nhau lắm, tối đến thì người dân kéo lại đông lắm, để chia sẻ, an ủi đó mà!”

Người đàn ông này cho biết thêm là hầu như các thuyền viên đều có đời sống rất vất vả, chật vật bởi mức lương mà các thuyền viên được trẻ rất thấp, chỉ dao động từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng trên mỗi tháng. Trong khi đó, phải lênh đênh trên đại dương có chuyến kéo dài vài tháng trời, và khi vào bờ họ mới được trả lương. Trong lúc các thuyền viên ra khơi, vợ con của họ sống kham khổ, mòn mỏi chờ đợi. Nhưng vì nghèo quá nên họ chấp nhận để chồng, cha đi làm.

Nhiều công ty hàng hải nổi tiếng trong việc nợ lương thủy thủ, slogan khi tuyển dụng của họ có nội dung hứa sẽ không nợ lương người làm thuê. Nhưng đó chỉ là slogan, thực tế còn quá nhiều vấn đề để bàn. Bởi lẽ, nếu có trách nhiệm với người lao động, công ty hàng hải như Hoàng Gia phải bằng mọi giá huy độngtài chính để chuộc các thuyền viên của công ty. Đằng này họ cũng im hơi lặng tiếng, mãi cho đến khi cò hai thủy thủ bị chặt đầu, họ cũng chưa hề có động thái nào cho thấy họ quyết tâm cứu những người còn lại.

Người đàn ông này tỏ ra bức xúc khi nói về cái chết quá oan uổng và tội nghiệp của hai thuyền viên Việt Nam. Và ông vừa tỏ ra căm thù, giẫn dữ, đồng thời cũng khinh bỉ cả cái lực lượng gọi là Abu Shayaf. Bởi theo người đàn ông này, bắt cóc tống tiền thì chí ít cũng phải nghiên cứu đối tượng bị bắt cóc, đó là những thứ căn bản của kẻ bắt cóc.

Chẳng ai bắt cóc con nhà nghèo hoặc con ghẻ của nhà giàu, mà ở đây là bắt cóc thuộc hàng quốc tế lại đi bắt cóc công dân Việt Nam thì khác nào chọn một trong hai đối tượng nói trên. Khi không có tiền chuộc thì đâm ra giết người thêm phần tội lỗi!

Như để chốt lại vấn đề, người đàn ông này kêu gọi nhà nước, chính phủ Việt Nam phải khẩn trương cứu các công dân Việt Nam đang còn mắc kẹt. Vì đây là hành động bắt buộc phải có của một nhà nước, một chính phủ tử tế!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/fellow-compatriots-of-beheaded-crewmen-speak-out-07102017074833.html

 

Lãnh đạo VN

đối mặt thách thức buộc quân đội ngừng kinh doanh

Hai thứ trưởng quốc phòng Việt Nam mới đây nói quân đội “xem xét chấm dứt làm kinh tế”, giảm còn 1/5 số doanh nghiệp quân đội, chỉ giữ những đơn vị sản xuất phục vụ quốc phòng.

Công luận hoan nghênh các thông điệp này, nhưng một nhà nghiên cứu kỳ cựu cho rằng từ lời nói đến thực tế là khoảng cách lớn, và giới lãnh đạo chính trị đối mặt thách thức lớn trong việc làm cho quân đội ngừng kinh doanh.

Trong một cuộc phỏng vấn được báo Tuổi Trẻ đăng tải hôm 10/7, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Bộ Quốc phòng “quyết tâm” giảm từ 88 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Tướng Vịnh giải thích rằng quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp “trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”. Cụ thể hơn, đó là các đơn vị sản xuất trang bị vũ khí hay phát triển khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó là các đơn vị “thực hiện công tác chính trị, tuyên truyền”, cũng như các công ty hoạt động kinh tế lưỡng dụng, theo lời ông Vịnh.

Hai tuần trước, hôm 23/6, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, một thứ trưởng quốc phòng khác, Thượng tướng Lê Chiêm, nói quân đội “xem xét chấm dứt mọi hoạt động kinh tế”.

Theo Tướng Chiêm, đó là một chủ trương “mới và đặc biệt quan trọng”. Ông nói thêm rằng “tất cả các doanh nghiệp quân đội” phải cổ phần hóa hoặc thoái vốn, chỉ giữ lại những đơn vị phục vụ quốc phòng. Vị tướng khẳng định với việc ngừng “làm kinh tế”, quân đội sẽ “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại” để bảo vệ đảng, nhà nước, và nhân dân.

Những lời bình luận trong các diễn đàn của báo nhà nước lẫn trên mạng xã hội, dư luận hoan nghênh các tuyên bố kể trên của hai vị thứ trưởng.

Vấn đề quân đội làm kinh tế từ lâu đã gây ra những thắc mắc, thậm chí bất bình, trong người dân và giới kinh doanh. Nhưng gần đây, vấn đề này đặc biệt nóng lên sau nhiều vụ việc bị phơi bày, nói lên sự thiếu minh bạch hay bất bình đẳng trong cạnh tranh khi doanh nghiệp quân đội được hưởng những lợi thế đặc biệt về đất đai, nguồn lực con người, thuế khóa.

Hai vụ gần nhất thu hút sự chú ý lớn là một vùng đất quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp.HCM bị biến thành sân golf; và một khu đất nông nghiệp Mỹ Đức, Hà Nội bị trưng dụng thành đất quốc phòng, dự định làm sân bay quân sự, nhưng nay sắp được giao cho một doanh nghiệp quân đội.

Nói với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Bộ Quốc phòng ý thức được rằng sự việc như sân golf ở Tân Sơn Nhất hay một sân golf khác ở sân bay Long Biên, Hà Nội, tạo ra nhiều dư luận “không có lợi” cho quân đội. Vì vậy, theo lời ông, đầu năm nay, bộ trưởng quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf.

Tướng Vịnh cho biết thêm nếu chính phủ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, quân đội “sẵn sàng” thu hồi và bàn giao.

Cùng về đất sân golf này, trong cuộc họp hôm 23/6, có mặt Thủ tướng Phúc, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm khẳng định: “Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của chính phủ”.

Trên bình diện rộng hơn, Tướng Vịnh cho hay thời gian vừa qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo “tất cả các đơn vị trong toàn quân” kiểm tra lại việc sử dụng đất quốc phòng. Theo lời ông, kết quả cho thấy về cơ bản đất đai quốc phòng “được quản lý theo đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất và trong đó có một phần làm kinh tế”.

Nhưng vị thứ trưởng cũng thừa nhận “có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích” và quân đội đã “kiểm tra và xử lý nghiêm”. Ông nhấn mạnh rằng thời gian tới quân đội sẽ “tiếp tục xử lý mạnh mẽ, triệt để, căn cơ vấn đề này”.

So sánh với thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quân đội có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như không tồn tại ở các nước khác. Họ nói ngay cả Trung Quốc, nước láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản với Việt Nam, cũng đã cấm quân đội làm kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, nói với VOA rằng quân đội có các hãng công nghiệp quốc phòng chuyên về đóng tàu, hay nghiên cứu, sản xuất vũ khí, hoạt động phi vụ lợi, là điều chính đáng.

Nhưng thực tế ở Việt Nam, theo ông Giao, nhiều công ty của quân đội hoạt động để kiếm lời và họ gần như không bị kiểm soát do các quy định luật pháp tạo cho quân đội một lãnh địa riêng. Điều này đưa đến chỗ các doanh nghiệp quân đội đã và đang lũng đoạn nền kinh tế, theo vị tiến sĩ.

Mặt khác, ông phân tích rằng các lợi lộc kinh tế còn làm cho quân đội chia rẽ thành các nhóm lợi ích đối chọi nhau, “sao nhãng” việc huấn luyện, tăng cường binh lực, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Các lãnh đạo chính trị Việt Nam nhận thức được điều này và có chủ trương tách quân đội khỏi các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tiến sĩ Giao nhận định họ sẽ gặp thách thức:

“Vấn đề nó đã bộc lộ một cách nghiêm trọng tới mức chính quyền Việt Nam đã thấy rằng không thể không giải quyết. Có lẽ là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang loay hoay đi tìm lời giải. Động chạm vào nhóm lợi ích quốc phòng, đây là bộ vũ lực, cho nên không phải là các nhà lãnh đạo dễ dàng

xử lý được đâu. Bởi vì nó thách thức những tướng lĩnh, những nhóm lợi ích trong quân đội. Nó sẽ động chạm, sẽ là rất khó khăn”.

Có lẽ là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang loay hoay đi tìm lời giải. Động chạm vào nhóm lợi ích quốc phòng, đây là bộ vũ lực, cho nên không phải là các nhà lãnh đạo dễ dàng xử lý được đâu

Ông Hoàng Ngọc Giao

Nhìn nhận về những tín hiệu phát đi trong các phát biểu của hai thứ trưởng quốc phòng, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng tuy điều đó dấy lên một chút hy vọng, nhưng từ lời nói đến thực tế có một khoảng cách xa, một điều đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ ở Việt Nam.

Ông nói công chúng nên căn cứ vào hai chỉ dấu là việc xử lý sân golf ở Tân Sơn Nhất và tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội để xem nhà nước nghiêm túc đến đâu:

“Tôi không lạc quan cho rằng mấy phát biểu đó làm chúng ta có thể yên tâm. Tôi chỉ có thể tin tưởng, yên tâm nếu thế này: sau phát biểu của ông Vịnh, là dứt điểm không có chuyện nói đi nói lại nữa, thu ngay phần đất đai của Tập đoàn Him Lam ở sân golf để mà mở rộng sân bay, ra quyết định rõ ràng luôn. Cái thứ hai, ví dụ như vụ đất Đồng Tâm vừa rồi, thanh tra vẫn cho vào một cái kết luận rằng cái đất đó là đất quốc phòng. Theo tôi, vẫn còn có những hành động như thế thì những lời nói của các vị lãnh đạo có lẽ còn lâu mới đi vào hiện thực được. Đây nó cũng chỉ phản ánh nguyện vọng của ông Vịnh, nguyện vọng của ông thứ trưởng bộ quốc phòng, chứ nó đã trở thành quyết tâm của tổng bí thư, của đảng là phải làm quyết liệt hay không, thì tôi sợ nó chưa hẳn là như vậy”.

Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng, bất động sản, viễn thông, tài chính, hậu cần, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Các doanh nghiệp quân đội đình đám nhất là Viettel trong lĩnh vực viễn thông, MBB trong lĩnh vực ngân hàng, Mipecorp trong ngành xăng dầu, hay các tổng công ty 36 và 319 trong ngành xây dựng, bất động sản. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-vn-doi-mat-thach-thuc-buoc-toi-quan-doi-ngung-kinh-doanh/3935816.html