Tin khắp nơi – 08/07/2017
G20: không xóa được khoảng cách về biến đổi khí hậu
Các nhà lãnh đạo 19 quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức nối lại cam kết thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu bất chấp sự rút lui của Hoa Kỳ.
Bất đồng về khí hậu gây trở ngại cho các cuộc đàm phán trong ngày cuối cùng của hội nghị, nhưng cuối cùng các bên cũng đạt được thỏa thuận.
Tuyên bố chung của hội nghị, được đưa ra chiều thứ Bảy 8/7, viết: “Chúng tôi lưu ý quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, lãnh đạo các nước G20 còn lại đồng tình rằng thỏa thuận này là “không thể đảo ngược.”
Thông cáo này cũng nói Mỹ sẽ “nỗ lực hợp tác chặt chẽ với các nước khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sạch hơn và có hiệu quả hơn.”
Ông Trump cam kết giúp ngành công nghiệp than Hoa Kỳ phục hồi và trước đây đã từng coi thỏa thuận Paris là một thỏa thuận nhằm làm thiệt cho người lao động Mỹ.
Trước khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn lấy làm tiếc về quan điểm của ông Trump về thỏa thuận Paris, nhưng bà “hài lòng” rằng 10 quốc gia còn lại phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận này.
Các nhà đàm phán làm việc suốt đêm để nỗ lực đạt được thỏa thuận về câu chữ trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh này.
Các vị lãnh đạo đã có những cuộc gặp riêng trong ngày 8/7. Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Anh Theresa May và cho biết một hiệp định thương mại Mỹ-Anh sẽ sớm được ký kết.
G20 là hội nghị thượng đỉnh của 19 nước, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, cộng thêm EU.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40544138
G20: khí hậu là vấn đề tồn đọng duy nhất
Các nhà đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, đang gấp rút soạn thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị, với biến đổi khí hậu là vấn đề duy nhất còn tồn đọng.
Giới chức cho hay các nước đã đồng thuận quan điểm về thương mại, với tất cả các bên cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đã có những cuộc gặp riêng trong ngày 8/7. Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Anh Theresa May và cho biết một hiệp định thương mại Mỹ-Anh sẽ sớm được ký kết.
Các nhà đàm phán thương thảo suốt đêm trong một nỗ lực đạt được thỏa thuận về câu chữ trong tuyên bố của hội nghị, dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối ngày thứ Bảy 8/7.
5 điều cần biết về hội nghị G20 ở Hamburg
Chủ nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel, có cuộc làm việc trong bữa sáng với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron. Hôm thứ Sáu 7/7 bà nói ngày đầu tiên của hội nghị là “rất khó khăn”.
Nhưng đến sáng thứ Bảy, một quan chức EU cho hãng tin Anh Reuters biết: “Kết quả là rất tốt. Chúng tôi có bản thông cáo. Chỉ còn một vấn đề tồn đọng về khí hậu.” Ông nói thêm thông cáo này sẽ có cam kết “chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.”
G20: Modi gặp ông Phúc tránh ông Tập
Sau cuộc gặp với bà May sáng ngày 8/7, ông Trump nói ông trông đợi một hiệp định thương mại “rất mạnh” giữa hai nước diễn ra “rất nhanh chóng”.
G20 là hội nghị thượng đỉnh của 19 nước, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, với EU.
Còn những vấn đề “khó khăn” thì sao?
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh đang chật vật tìm tiếng nói chung với Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris vào tháng trước.
Một điều khoản chưa thỏa thuận được trong tuyên bố chung G20 lần này liên quan đến việc Hoa Kỳ muốn có dẫn chiếu về nhiên liệu hóa thạch – theo nguồn tin từ một số quan chức EU không muốn đưa tên.
Một vấn đề khác là thương mại – Mặc dù ông Trump nói ông không phản đối mậu dịch về nguyên tắc, lập trường của ông là bất kỳ thỏa thuận thương mại nào được chấp nhận cũng phải bảo vệ được ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.
Bà Merkel nói: “Các cuộc bàn thảo là rất khó khăn, tôi không muốn nói về vấn đề này”.
Bà nói thêm rằng bà hy vọng rằng những khác biệt với Hoa Kỳ sẽ không làm ảnh hưởng tới cam kết của các quốc gia khác.
Gần 200 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình tại Hamburg và nhà chức trách Đức phải điều lính tới để hỗ trợ cho an ninh của Hamburg.
Hàng chục người tham gia phản đối đã bị cảnh sát bắt.
Thủ tướng Đức nói rằng bà có thể hiểu được các cuộc phản đối ôn hòa, nhưng các cuộc biểu tình tạo mối đe dọa và bạo động là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó ông Trump đã dùng cuộc gặp với ông Putin bên lề hội nghị G20 để bàn thảo về các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ khi xâm nhập mạng.
Cả hai phía nói cuộc họp là tích cực nhưng có những cách mô tả khác nhau về nội dung bàn luận.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40541254
Hoa Kỳ tập trận chung với Nhật Bản
Hoa Kỳ điều hai phi cơ ném bom loại B-1B Lancers tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông, Không lực Hoa Kỳ cho hay trong một thông cáo.
Sau khi bay tập trận chung đêm 06/07 với các phi cơ F-15 của Nhật Bản, hai phi cơ này bay qua Biển Đông để “thực hiện quyền tự do đi lại”, thông cáo nói thêm.
Sau đó, hai phi cơ này quay về căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Báo Trung Quốc: Việt Nam ‘chọn bạn mà chơi’
Việt-Ấn tăng cường quan hệ để đối phó TQ?
Hàng không mẫu hạm của TQ đến Hong Kong
Cũng theo thông cáo, các chuyến bay Mỹ thực hiện với Nhật “thể hiện tình đoàn kết giữa Nhật và Mỹ để chống lại những hành động khiêu khích và làm mất ổn định ở khu vực Thái Bình Dương”.
Hôm thứ Ba 4/7, Bắc Hàn lại phóng thử tên lửa đạn đạo khiến Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng Mỹ sẽ dùng vũ lực qui mô “nếu cần”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc nói vào đầu tuần này rằng Hoa Kỳ sẽ đề xuất một nghị quyết mới đối với Bình Nhưỡng.
Đại sứ Nikki Haley cũng dọa sẽ dùng các biện pháp trừng phạt mậu dịch.
Vụ phóng tên lửa, nằm trong một chuỗi các vụ thử, được tiến hành bất chấp một lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc sau vụ thử tên lửa tầm xa của Bắc Hàn, và lên án Bắc Kinh về việc tăng hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã đưa ra số liệu cho thấy hoạt động thương mại với Bắc Hàn không mạnh như Hoa Kỳ nói.
Trước đó ông Trump nói về sự tăng trưởng gần 40% trong thương mại song phương giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trong quý I năm 2017.
Trung Quốc đã không phản đối số liệu, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc nói bình luận của tổng thống Trump là không công bằng và có chọn lọc.
Hoa Kỳ đã thúc giục Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng vì căng thẳng liên quan tới tham vọng hạt nhân của Kim Jong-un.
Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Bắc Hàn và là đối tác thương mại và nhà tài trợ viện trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40541248
Con gái ông Trump ‘thế chỗ’ cha ở G20
Cô Ivanka Trump, con gái cũng như cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump, đã thế chỗ của cha trong một cuộc gặp với các lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hôm 8/7.
Theo CNN, một bức ảnh trên Twitter cho thấy rằng cô Ivanka ngồi kế bên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Kênh này trích lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump xác nhận rằng con gái của Tổng thống Trump đã tạm thế chỗ cha khi ông ra ngoài tham dự cuộc gặp song phương với lãnh đạo Indonesia, nhưng bác bỏ các gợi ý cho rằng đó là điều “không phù hợp”.
Quan chức này nói: “Cô Ivanka ngồi ở phía sau rồi sau đó ngồi vào bàn chính một lúc khi Tổng thống [Trump] phải đi ra ngoài. Khi các nhà lãnh đạo khác đi ra ngoài, ghế của họ cũng được người khác ngồi vào trong chốc lát”.
Bloomberg dẫn lời một quan chức nói rằng cô Ivanka đã thế chỗ ông Trump ít nhất hai lần ngày 8/7, và không phát biểu gì.
Tại một cuộc họp báo sau đó, hãng này dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel, chủ nhà của G20, nói tại Hamburg rằng các quốc gia tự quyết định ai sẽ đại diện cho họ.
“Các phái đoàn tự quyết định xem nếu tổng thống không có mặt tại cuộc gặp thì ai sẽ ngồi vào ghế. Ivanka Trump là một phần của phái đoàn Mỹ và đó là điều mà các phái đoàn khác cũng đã làm. Ai cũng biết là cô ấy làm việc tại Nhà Trắng và tham gia vào một số sáng kiến”, bà Merkel nói.
https://www.voatiengviet.com/a/co-ivanka-trump-the-cho-cha-o-g20/3933937.html
Trump gặn hỏi Putin về vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặn hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp đầu tiên ngày 7/7 về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, theo thông tin từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Tổng thống Nga nói Moscow không hề can thiệp vào tiến trình dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái, đồng thời yêu cầu Mỹ trưng ra bằng chứng nếu có chuyện đó xảy ra.
Tổng thống Trump đang bị chú ý liên quan các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và các mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với Moscow. Ông Trump khẳng định đội ngũ của ông không thông đồng với Nga.
Phát biểu bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói lãnh đạo Nga-Mỹ đã có một cuộc trao đổi rất sôi nổi và dài về đề tài này. Tổng thống Trump đã hơn một lần gặn hỏi Tổng thống Putin về sự can thiệp của Nga.
“Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng đây là trở ngại quan trọng đối với khả năng đưa quan hệ Mỹ-Nga tiến tới,” ông Tillerson nói với báo giới.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm đôi bên đồng ý cùng làm việc theo cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của Hoa Kỳ cũng như của các nước khác.
Ông Trump và ông Putin trao đổi với nhau qua thông dịch viên, với sự hiện diện của Ngoại trưởng đôi bên trong vòng 6 phút trước khi báo giới được vào phòng ghi nhận phát biểu của hai bên. Một lát sau, phóng viên được mời ra ngoài để hai nhà lãnh đạo tiếp tục họp kín.
Tổng thống Trump cho biết ông và người đồng nhiệm phía Nga thảo luận nhiều đề tài. Phát biểu bên cạnh ông Putin, ông Trump nói ‘Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều điều tích cực cho Nga, Mỹ, và tất cả các bên liên quan. Thật là một vinh dự được gặp ông hôm nay.’
Ông Putin bày tỏ hy vọng cuộc gặp hôm nay sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Ngoại trưởng Tillerson cho biết cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã phải bước vào hối thúc đôi bên kết thúc.
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, nói Tổng thống Trump chấp nhận việc ông Putin bác cáo giác về can thiệp bầu cử Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-gan-hoi-putin-ve-vu-nga-can-thiep-bau-cu-my-/3933335.html
Bang Hawaii tìm cách giới hạn lệnh cấm của ông Trump
Tiểu bang Hawaii ngày 7/7 yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang ra lệnh khẩn ngăn một phần sắc lệnh du hành của Tổng thống Trump trong lúc bang tìm cách xác minh rõ ràng những ai sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh này.
Tòa Tối cao tháng trước cho phép sắc lệnh của ông Trump được tiến hành với một phạm vi giới hạn hơn.
Lệnh cấm du hành do Tổng thống Trump đưa ra cấm nhập cảnh Mỹ tạm thời trong vòng 90 ngày những ai đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Tòa Tối cao cho phép lệnh này có hiệu lực nhưng không áp dụng đối với những người có quan hệ gia đình hay làm ăn tại Mỹ.
Chính quyền Trump sau đó xác định các đối tượng như vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em của công dân Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm du hành. Tuy nhiên, ông bà và các thành viên họ hàng khác đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ bị cấm.
Ông Trump nói biện pháp đó cần thiết để ngăn các vụ tấn công cực đoan trong khi những người phản đối cho rằng lệnh cấm kỳ thị người Hồi giáo.
Một thẩm phán ở Honolulu, bang Hawaii, hôm 6/7 khước từ yêu cầu của bang đòi thu hẹp việc thực thi lệnh cấm, viện lý do rằng bang Hawaii nên yêu cầu trực tiếp với Tòa Tối cao để được xác định rõ ràng nội dung phán quyết của tòa.
Thay vào đó, bang Hawaii đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực số 9. Đơn nạp ngày 7/7 nêu rõ Tòa phúc thẩm có quyền thu hẹp lệnh cấm du hành trong thời gian bang Hawaii quyết định cách diễn giải phán quyết của Tòa tối cao vào thực tế.
https://www.voatiengviet.com/a/bang-hawaii-tim-cach-gioi-han-lenh-cam-cua-ong-trump-/3933333.html
Kinh tế Mỹ tạo thêm 222.000 việc làm
Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong tháng 6, với 222.000 công việc mới được tạo thêm.
Phúc trình của Bộ Lao động Hoa Kỳ còn cho biết tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đôi chút, lên tới 4,4%.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,001%, có lẽ là do nhiều người hơn được khích lệ vì gần đây có tin tích cực về kinh tế, nên đã trở lại đi tìm việc.
Hiện có khoảng 7 triệu người Mỹ được ghi nhận là thất nghiệp. Thêm 1,6 triệu người không có việc làm nhưng không được chính thức coi là thất nghiệp bởi vì họ không đi tìm việc làm trong 4 tuần lễ vừa rồi.
Ngoài ra, còn có 5 triệu người Mỹ muốn tìm việc làm toàn thời nhưng chỉ tìm được việc làm bán thời.
Số công việc làm ăn được tạo ra trong tháng Sáu tập trung trong lĩnh vực chăm sóc y tế, dịch vụ doanh nghiệp và ngành ẩm thực.
Lương bổng tăng khoảng 2,5% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chỉ cao hơn tỷ lệ lạm phát chút đỉnh.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-tao-them-220000-viec-lam/3933126.html
Bác sĩ Đức, Mỹ chấp thuận
phương thức chữa trị ung thư cho Lưu Hiểu Ba
Hai bác sĩ từ các nước phương Tây đã đến thăm ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đoạt Giải Nobel Hòa bình, tại một bệnh viện ở Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã chấp thuận phương thức chữa trị cho ông.
Ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù giam vào năm 2009 vì “cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông đối vì nhân quyền căn bản ở Trung Quốc” trước khi được chuyển vào bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương ở vùng đông bắc để điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.
Bệnh viện Số Một Đại học Y khoa Trung Quốc cho biết họ đã mời hai bác sĩ này, một từ Mỹ và một từ Đức, tới để giúp chữa trị cho ông Lưu.
Bệnh viện xác định danh tính của hai bác sĩ này là Joseph Herman từ Trung tâm Ung thư Anderson Anderson ở Mỹ và Markus Buchler từ Đại học Heidelberg ở Đức.
Sau khi xem xét bệnh sử của ông Lưu và bản báo cáo về phương thức chữa trị cho ông, hai bác sĩ, cùng với các chuyên gia Trung Quốc đang chữa trị cho ông Lưu, đã trao đổi về bệnh tình của ông với ông và người nhà của ông.
“Các chuyên gia Mỹ và Đức hoàn toàn chấp thuận hoàn toàn phương thức trị của nhóm chuyên gia trong nước và những gì họ đã làm,” bệnh viện cho biết trong một thông cáo.
Ông Lưu bị cầm tù sau khi bị kết tội “kích động lật đổ quyền hành nhà nước.” Trước đó ông đã viết một thỉnh nguyện thư được gọi là Hiến chương 08 kêu gọi cải tổ dân chủ ở Trung Quốc.
Ông được thả ra trước thời hạn vì lý do y tế để nhập viện vào cuối tháng 6.
Các biện pháp an ninh mới
An ninh tại bệnh viện đã được tăng cường trong vài ngày qua. Một khu trên tầng 23 đã bị chặn lại bằng một vách ngăn. Một phóng viên của VOA tìm cách đi ra đằng sau vách ngăn thị bị những người đàn ông ở phía bên kia vách ngăn chặn lại.
Hai người canh gác thang máy ở tầng 23. Một người đàn ông giao thức ăn cho bệnh nhân không rõ là ai được yêu cầu đợi như người canh gác. Ông ta gọi người nhà bệnh nhân đến nhận thức ăn. Cả người giao thức ăn lẫn người nhà bệnh nhân đều nói với VOA rằng mới có các biện pháp an ninh này và những tầng khác của bệnh viện thì không có.
Trung Quốc từ chối bình luận
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu từ chối bình luận về chuyện chữa trị cho ông Lưu và sự tiếp cận của truyền thông đối với gia đình ông.
Tuy nhiên, ông bày tỏ bất mãn về sự can dự của Liên Hiệp Quốc, sau khi ông Zeid Ra’ad al-Hussein, Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để nói về trường hợp ông Lưu.
“Các quan chức hữu quan của Liên Hiệp Quốc nên tuân thủ nghiêm ngặt những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nên tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cho biết họ rất lo ngại về tin tức cho hay sức khỏe của ông Lưu đang xấu đi.
“Trưởng Cao ủy đã yêu cầu để một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận khẩn cấp Lưu Hiểu Ba và Lưu Hà,” cơ quan này cho biết trong một ghi chú báo cáo. “Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Trung Quốc đối với yêu cầu này.”
Máy bay ném bom Mỹ tập trận ở Hàn Quốc
Hai máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Hàn Quốc hôm 8/7 nhằm chứng tỏ sức mạnh sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Reuters dẫn lời các thông cáo cho biết rằng hai chiếc B-1B đã bay từ một căn cứ của Hoa Kỳ trên đảo Guam tới Hàn Quốc, và tại đó, đã cùng với các chiến đấu cơ của Mỹ cũng như của nước chủ nhà thực hiện vụ phá hủy giả tưởng một bệ phóng tên lửa đạn đạo cũng như các cơ sở ngầm của kẻ thù.
Bắc Hàn hôm 4/7 thông báo đã thực hiện thành công vụ phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nói rằng nó có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân loại lớn mà một số chuyên gia nói rằng có tầm bắn tới Alaska và Hawaii của Mỹ.
Cuộc tập trận trên diễn ra sau cuộc thao dượt bắn tên lửa và trọng pháo của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc một ngày sau vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn.
Bất chấp căng thẳng gia tăng, theo Reuters, Seoul và Washington đã tuyên bố rằng cả hai chính quyền này cam kết xử lý khủng hoảng một cách hòa bình.
Trước cuộc tập trận trên, hôm 7/7, hai máy bay ném bom của Mỹ đã bay ngang qua Biển Đông nhằm khẳng định khu vực này là lãnh thổ quốc tế.
https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-nem-bom-my-tap-tran-o-han-quoc/3933891.html
Mỹ truy lùng tài khoản có liên hệ đến Bắc Triều Tiên
Nhà cầm quyền Mỹ tìm cách tịch thu hàng triệu đô la của một vài công ty giao dịch với Bắc Triều Tiên từ 8 ngân hàng quốc tế lớn, theo đơn đệ nạp tòa được công bố ngày 6/7.
Nỗ lực này được tiết lộ hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm một phi đạn tầm xa có thể bắn tới Alaska làm leo thang căng thẳng với Hoa Kỳ và tăng thêm lo ngại về kế hoạch hạt nhân của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Đơn nạp ngày 6/7 cho thấy Chánh án Beryl Howell của Tòa án liên bang ở Washington D.C chấp nhận đơn của các công tố viên, cấp trát tịch thu đối với Bank of America Corp, Bank of New York Mellon Corp, Citigroup Inc, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc, JPMorgan Chase & Co, Standard Chartered Plc and Wells Fargo & Co.
Các công tố viên tin là những ngân hàng này đã tiến hành việc giao dịch bất hợp pháp hơn 700 triệu đô la nhân danh những thực thể có liên hệ đến Bắc Triều Tiên kể từ năm 2009, bao gồm cả giai đoạn sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.
Một số việc giao dịch được tiến hành qua công ty Dandong Zhicheng Metallic Material Co và 4 công ty mặt nổi mà các công tố viên nói đã cố tránh khỏi chế tài qua những giao dịch làm lợi cho những thực thể Bắc Triều Tiên “kể cả quân đội Bắc Triều Tiên và chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên,” theo tài liệu đệ nạp tòa án.
Đơn không nói là có ngân hàng nào cố tình vi phạm những chế tài Bắc Triều Tiên hay không.
Trong quyết định của bà, chánh án Howell ban trát tòa yêu cầu 8 ngân hàng này chấp nhận những giao dịch đầu vào nhưng không cho phép những giao dịch đầu ra liên hệ đến 5 công ty vừa kể trong 15 ngày, và do đó tịch thu những gì thu được.
Chánh án Howel được Tổng thống Barack Obama chỉ định, bác bỏ một phán quyết của một thẩm phán liên bang ngày 2/5 từ chối cấp trát tòa. Bà nói các công tố viên có được lý do chính đáng để nhận trát tòa.
Bà nhắc đến một đơn của chính phủ mô tả “80 trang chi tiết” cách thức 5 công ty này giao dịch như thế nào “nhằm che dấu nguồn gốc thực sự và nơi nhận của tài khoản, “khớp với kiểu rửa tiền chung của Bắc Triều Tiên”. Báo cáo này được xác nhận bởi nhiều nguồn khác nhau trong đó có 2 người Bắc Triều Tiên đào tị.
https://www.voatiengviet.com/a/my-truy-lung-tai-khoan-co-lien-quan-den-bac-trieu-tien/3933367.html
Thủ tướng Đức kêu gọi G20 thỏa hiệp
Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục các nhà lãnh đạo G20 thỏa hiệp vào lúc khởi sự các cuộc thảo luận về khí hậu và thương mại giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang đi ‘ngược dòng’ với các nước còn lại trong khối các nền kinh tế hàng đầu này.
Chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 phát biểu trước các vị tương nhiệm hôm 7/7 tại phòng hội nghị.
“Chúng ta biết có những thách thức lớn toàn cầu và chúng ta hiểu thì giờ cấp bách,” bà Merkel nói với G20.
Bà Merkel phát biểu tiếp: “Những giải pháp chỉ có thể tìm thấy được nếu chúng ta sẵn sàng thỏa hiệp và tiến lại với nhau mà không phải o ép quá mức, tôi xin phép nhấn mạnh như vậy, vì đương nhiên chúng ta có thể tuyên bố rõ ràng khi có những khác biệt.”
Bà Merkel hiện đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới. Thủ tướng Đức đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là lèo lái G20 đến một đồng thuận về thương mại, biến đổi khí hậu và di dân, tất cả những vấn đề này đã trở thành gây tranh cãi kể từ khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc cách đây nửa năm với lời hứa “Nước Mỹ trên hết.”
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-duc-keu-goi-g20-thoa-hiep/3933337.html
Vấn đề Bắc Triều Tiên:
ít lựa chọn tốt nếu áp lực bất thành
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/7 tuyên bố không còn nhiều lựa chọn tốt cho vấn đề Bắc Triều Tiên nếu chiến dịch áp lực ôn hòa mà Mỹ đang phát động để ngăn chặn chương trình hạt nhân và phi đạn Bình Nhưỡng thất bại.
“Chúng tôi không từ bỏ hy vọng,” ông Tillerson nói với các phóng viên sau khi Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa lần đầu tiên.
Ngoại trưởng Tillerson nói biện pháp của Mỹ gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên thông qua chế tài đòi hỏi kiên nhẫn.
“Tôi gọi đây là chiến dịch áp lực ôn hòa…Đây là một cuộc vận động đưa chúng ta đến một giải pháp hòa bình, vì nếu việc này thất bại, chúng ta không còn nhiều giải pháp tốt nữa,” ông nói. “Đây là một giải pháp đòi hỏi gia tăng áp lực có tính toán, cho phép chế độ Bình Nhưỡng đáp ứng với áp lực, và cần phải có thời gian.”
Ông Tillerson cho hay ông Trump và ông Putin, trong các cuộc thảo luận, có những quan điểm khác biệt về cách thức đối phó với chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên, nhưng Washington sẽ tiếp tục áp lực để Moscow làm thêm nữa nhằm ngăn chặn hành động của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn quốc ngày 7/7 đồng ý thúc đẩy một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt những chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, 3 quốc gia này có thể gặp nhiều khó khăn để thuyết phục Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Các nhà ngoại giao Liên hiệp quốc ngày 7/7 cho biết Hoa Kỳ đã trao cho Trung Quốc một dự thảo nghị quyết chế tài.
Ngày 6/7, Nga phản đối văn bản lên án của Hội đồng Bảo an về việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn vì dự thảo do Hoa Kỳ soạn nói phi đạn này là một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, Moscow không đồng ý việc định danh như thế. Các nhà ngoại giao ngày 7/7 cho hay các cuộc thương thuyết về dự thảo đang dậm chân tại chỗ.
Ông Tillerson khẳng định đề nghị của Trung Quốc và Nga rằng Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận với Hàn quốc để đổi lấy việc ngưng thử nghiệm vũ khí của Bắc Triều Tiên là không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi yêu cầu Bắc Triều Tiên chuẩn bị trở lại bàn hội nghị với sự hiểu biết là những cuộc thảo luận này sẽ xoay quanh cách thức chúng tôi giúp Bắc Triều Tiên vạch ra chương trình để ngưng chương trình hạt nhân của họ. Đó là những gì chúng tôi muốn thảo luận. Chúng tôi không muốn bàn đến chuyện làm thế nào chúng tôi có thể ngưng Bắc Triều Tiên ngay ở mức hiện nay.”
Nhật, Hàn, Mỹ:
Trung Quốc phải nỗ lực hơn với Bắc Triều Tiên
Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn quốc ngày 6/7 nhất trí thúc đẩy Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong việc kìm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, một giới chức Nhật Bản tiết lộ trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc.
Bắc Triều Tiên tuần này phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, theo mô tả của Bình Nhưỡng, đã khiến cuộc chiến lâu nay nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của nước này thêm phần căng thẳng.
“Bắc Triều Tiên nay đã trở thành một mức đe dọa mới đối với Nhật Bản và là một sự khiêu khích rõ ràng đối với Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế,” ông Norio Maruyama, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố sau cuộc họp của lãnh đạo Nhật-Mỹ-Hàn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in trong cuộc họp đồng ý hợp tác chặt chẽ để khuyến khích Trung Quốc “đóng một vai trò lớn hơn” trong việc kìm chế nước láng giềng phía nam.
Trong 75 phút gặp gỡ, “chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất sinh động về vấn đề này và vai trò của Trung Quốc rất quan trọng”, ông Maruyama nói. Ông cho biết thêm là Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ những công ty Trung Quốc bị nghi có liên hệ đến chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.
“Ông Abe chuyển lời cám ơn vì Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt những chế tài đối với các tổ chức Trung Quốc,” ông nói. “Chính phủ Nhật Bản đã theo dõi những hoạt động của các công ty Trung Quốc có những quan hệ sâu rộng với Bắc Triều Tiên và đáp ứng một cách thích đáng” bằng cách phong tỏa tài sản.
Được hỏi rằng ba bên có thảo luận về hành động quân sự nào hay không, ông cho biết: “Chúng tôi không thảo luận chi tiết cụ thể của các biện pháp khác mà chúng tôi có thể thực hiện.”
Tổng thống Trump bị cô lập tại G-20
vì không ủng hộ trật tự kinh tế toàn cầu
Một nguồn tin nặc danh nói với Wall Street Journal rằng tại một cuộc họp kín vào hôm qua 7 tháng 7, tổng thống Trump nói với lãnh đạo G20 rằng họ phải “chịu trách nhiệm” về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Chỉ riêng phần Trung Cộng, nước này phải chịu trách nhiệm về 2 phần 3 thâm hụt thương mại của nước Mỹ.
Lập tức sau đó, lãnh đạo Liên minh Châu Âu thẳng thắn cảnh báo tổng thống Trump rằng họ sẽ trả đũa các biện pháp bảo hộ của Washington. Tổng thống Pháp, ông Macron bênh vực chủ trương thương mại tự do và phát biểu một cách mạnh mẽ, đến nổi ông phải cởi áo vest ra vì quá nóng! Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin nhận xét rằng đối với ông Trump, thương mại công bằng chỉ có nghĩa là tẩy xoá thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đối với các nước G20. Ông Oreshkin nhấn mạnh đó là một quan điểm hoàn toàn khác biệt.
Trong thời gian qua, Tòa Bạch Ốc cam kết sẽ đơn phương tái cân bằng những điều khoản thương mại song phương không được công bằng cho Hoa Kỳ. Ngược lại, các nước G-20 cho rằng nếu muốn giải quyết sự mất cân bằng, Hoa Kỳ phải ủng hộ một nền tảng thương mại toàn cầu.
Sau khi đắc cử, ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận TPP, hiện nay đang bắt đầu tái đàm phán thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico.
Theo Wall Street Journal, khi nhận thấy dấu hiệu tự cô lập của Hoa Kỳ, lãnh đạo G20 tách cuộc họp về biến đổi khí hậu thành 3 phần, trong đó phần xem xét quan điểm của tổng thống Trump thì để riêng ra. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-bi-co-lap-tai-g-20-vi-khong-ung-ho-trat-tu-kinh-te-toan-cau/
Donald Trump : Cuộc gặp gỡ với ông Putin là « tuyệt vời »
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 08/07/2017 ca ngợi cuộc gặp gỡ đầu tiên với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 là « tuyệt vời ».
Trong cuộc gặp kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, hai tổng thống Hoa Kỳ và Nga đã đề cập đến vấn đề Matxcơva can thiệp vào bầu cử Mỹ, nhưng thỏa thuận bỏ qua những bất đồng để tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương.
Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông Donald Trump đã mở đầu bằng cách nêu ra vụ tin tặc Nga năm 2016 mà người dân Mỹ rất quan ngại. Trong cuộc đối thoại « gay go và kéo dài »này, ông Trump nhiều lần chất vấn ông Putin về vấn đề trên, nhưng tổng thống Nga bác bỏ mọi cáo buộc. Còn ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói rằng ông Trump đã chấp nhận lời giải thích của ông Putin.
Ông Tillerson cho biết, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách vượt qua những bất đồng, « tập trung vào các phương cách để tiến triển », và phía Nga cam kết « không can thiệp vào chuyện nội bộ cũng như tiến trình dân chủ của Mỹ ».
Lời giải thích này khiến phe Dân Chủ tại Washington bất bình. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, người đứng đầu phe Dân Chủ tại Thượng Viện cho rằng việc can thiệp vào tiến trình bầu cử không phải là một lãnh vực có thể thỏa thuận được.
Cũng theo ngoại trưởng Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã tỏ ra bất đồng về hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng Hoa Kỳ và Nga, Jordanie đã thỏa thuận được về ngưng bắn ở miền nam Syria.
Tiếp xúc với báo chí vào lúc nghỉ giải lao cùng với ông Putin, tổng thống Donald Trump tuyên bố đôi bên « đã đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau và mọi việc diễn ra rất tốt đẹp ». Ông bày tỏ hy vọng đây là điều tốt cho Nga, Mỹ và các bên liên quan, nhấn mạnh vinh dự được phát biểu bên cạnh tổng thống Vladimir Putin. Đồng nhiệm Nga cũng cho biết rất vui được gặp trực tiếp ông Trump, « vì tuy đã điện đàm nhiều lần, nhưng nói chuyện qua điện thoại thì không đủ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170708-donald-trump-cuoc-gap-go-voi-ong-putin-la-%C2%AB-tuyet-voi-%C2%BB
G20 đạt thỏa thuận về thương mại,
nhưng bất đồng với Trump về khí hậu
Tổng thống Mỹ bị cô lập trong vấn đề khí hậu trước các nhà lãnh đạo thế giới trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hambourg hôm nay 08/07/2017, nhưng thỏa thuận đã đạt được về một chủ đề gây tranh cãi khác là bảo hộ thương mại.
Từ nhiều tháng qua, ông Donald Trump vẫn gây lo ngại cho các nước đối tác trước chủ trương bảo hộ của ông, câu khẩu hiệu thường xuyên « Nước Mỹ trước hết » và lời đe dọa dựng lên hàng rào thuế quan với Trung Quốc và châu Âu.
Tại hội nghị G20 lần này, thông cáo bế mạc lên án « chủ nghĩa bảo hộ » – một việc làm quen thuộc của G20 từ nhiều năm qua. Tuy nhiên Washington giành được một nhượng bộ là việc nhìn nhận quyền sử dụng « các công cụ hợp pháp để bảo vệ thương mại ». Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20 vấn đề này được nêu ra. Nhưng không chỉ mình Hoa Kỳ hài lòng, mà nhiều nước châu Âu khác cũng muốn trong tương lai sẽ tự vệ được trước nạn bán phá giá, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ hôm nay hứa hẹn sẽ « rất, rất nhanh chóng » ký một hiệp định thương mại với Anh, trong khi về nguyên tắc Luân Đôn không có quyền ký kết một khi chưa chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Về hồ sơ khí hậu, G20 nhìn nhận việc Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris và sự cô độc của Mỹ trong chủ đề này : tất cả 19 nước khác đều coi hiệp ước quốc tế chống hâm nóng khí hậu là « không thể đảo ngược ». Vấn đề làm thế nào Washington đưa vào được một câu về việc sử dụng khí đá phiến : Mỹ muốn bán cho các nước Đông Âu vốn đang tìm cách giảm lệ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Hội nghị G20 lần này căng thẳng nhất trong lịch sử, không chỉ bên trong phòng họp mà cả bên ngoài. Khoảng 20.000 người hôm nay lại xuống đường phản đối, sau các vụ bạo động dữ dội hôm qua. Hambourg, thành phố lớn thứ nhì nước Đức với 1,7 triệu dân, hôm thứ Sáu đã trở thành bãi chiến trường.
Các hàng rào được dựng lên khắp nơi, những kẻ phá hoại mặc toàn đồ đen nổi lửa đốt xe, giựt các bảng chỉ đường làm vũ khí, ném đá và chai bia vào cảnh sát. Tổng cộng có 213 cảnh sát bị thương, 114 người bị câu lưu, còn số người biểu tình bị thương chưa rõ. Cảnh sát đã huy động đến 20.000 nhân viên nhưng vẫn phải yêu cầu tăng viện. Báo chí Đức lên án thủ tướng Angela Merkel đã tổ chức một hội nghị quan trọng như thế ngay tại trung tâm thành phố.
Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử
được thông qua nhưng vắng các nước chủ chốt
Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 07/07/2017 đã thông qua một hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử đầu tiên. Tuy nhiên, hiệp ước này lại không được bất kỳ một quốc gia sở hữu loại vũ khí này tham gia.
Theo hãng tin Pháp AFP, văn kiện đã được chấp thuận với 122 phiếu thuận, trong lúc chỉ có 1 phiếu chống của Hà Lan, thành viên khối NATO, và một nước không bỏ phiếu. Điều đáng nói là không một cường quốc hạt nhân nào, tức là các nước thực sự sở hữu vũ khí nguyên tử, tham gia vào tiến trình soạn thảo hiệp ước này, làm cho văn kiện chỉ có giá trị tượng trưng mà thôi.
Các nước ủng hộ hiệp ước đã vỗ tay hoan nghênh sau khi văn kiện được thông qua, xem đấy là một bước tiến lịch sử. Áo, Brazil, Mêhicô, Nam Phi và New Zealand là các quốc gia thúc đẩy cuộc đàm phán, tập hợp tổng cộng 141 nước và kéo dài trong ba tuần lễ.
Ngược lại, các nước có vũ khí nguyên tử đã tẩy chay các cuộc đàm phán, cho rằng văn kiện đó không có tác dụng gì trên việc làm giảm số lượng 15.000 đầu đạn hạt nhân hiện hữu trên thế giới.
Theo hãng tin Mỹ AP, hiện có 9 quốc gia được công nhận hoặc được cho là đang sở hữu vũ khí nguyên tử. Đó là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.
Trong một bản tuyên bố chung, ba cường quốc hạt nhân lớn là Anh, Pháp, và Mỹ đã đả kích bản Hiệp Ước, cho rằng « Sáng kiến này rõ ràng là đã bỏ qua thực tế của môi trường an ninh quốc tế ». Các nước này cũng dứt khoát bác bỏ khả năng tham gia Hiệp Ước trong tương lai.
Nhìn chung, bản hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử quy định việc cấm phát triển, lưu trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Văn kiện này chỉ áp dụng đối với các quốc gia ký kết mà thôi.
Tiến trình phê chuẩn tại từng nước ký kết sẽ bắt đầu từ ngày 20/09/2017, và văn kiện sẽ có hiệu lược sau khi có 50 nước phê chuẩn.
Giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đang nguy ngập
Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), giải Nobel hòa bình bị Bắc Kinh bỏ tù và đang nằm viện vì ung thư gan thời kỳ cuối, đã được phép gặp gỡ thân nhân hôm nay 08/07/2017. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đòi hỏi phải được tiếp xúc với nhà đấu tranh nổi tiếng, mà tình hình sức khỏe rất đáng quan ngại.
Ông Thượng Bảo Quân (Shang Baojun), luật sư cũ của ông Lưu Hiểu Ba cho hãng tin AP biết, một người anh và em trai của nhà ly khai cùng với vợ họ đã được phép vào thăm ông. Tại bệnh viện, ông Lưu Hiểu Ba được vợ và anh vợ chăm sóc, nhưng cả hai không được liên lạc với bên ngoài. Bạn ông là nhà hoạt động Hồ Giai (Hu Jia) nhận định, việc người thân được cho vào thăm ông Lưu chứng tỏ Bắc Kinh nhìn nhận sức khỏe của giải Nobel hòa bình đang sa sút nghiêm trọng.
Một chuyên gia người Đức về ung thư đã đến Thẩm Dương (Shenyang) để chữa trị cho Lưu Hiểu Ba, sau khi quốc tế chỉ trích Bắc Kinh và kêu gọi cho nhà ly khai ra nước ngoài trị bệnh. Bộ Ngoại Giao Đức hôm qua cho biết bệnh tình của ông Lưu nhanh chóng diễn biến xấu đi, khiến họ rất lo ngại. Một người thân của Lưu Hiểu Ba tuần trước nhận định ông « không còn sống được bao lâu nữa ».
Hôm qua bệnh viện Thẩm Dương thông báo rằng Lưu Hiểu Ba « hết sức khó khăn trong việc ăn uống ». Dịch tràn trong ổ bụng đã được hút ra, và tuần này bệnh viện ngưng dùng thuốc ức chế ung thư, thay vào đó là đông dược cho đỡ hại gan.
Nghị Viện Châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Đức trước đó đã đòi hỏi Trung Quốc bãi bỏ việc quản thúc, để Lưu Hiểu Ba tự do chọn lựa nơi trị bệnh. Về phần Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm qua 7/7 yêu cầu Bắc Kinh cho tiếp cận với nhà ly khai.
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cho biết chính quyền Trung Quốc rất lo ngại là tin tức về tình trạng sức khỏe Lưu Hiểu Ba sẽ làm mờ đi hình ảnh ông Tập Cận Bình. Tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập hy vọng đóng vai trò ngôi sao, bênh vực cho tự do mậu dịch và đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
http://vi.rfi.fr/phap/20170708-giai-nobel-hoa-binh-luu-hieu-ba-dang-nguy-ngap
Tổng thống Pháp và chủ tịch Trung Quốc
nêu bật đồng thuận về khí hậu
Bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Đức, ngày 08/07/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một cuộc tiếp xúc tay đôi đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai lãnh đạo đã nêu bật « sự đồng ý hoàn toàn » trên việc cần phải bảo vệ Hiệp Định Khí Hậu Paris, bị suy yếu sau khi Mỹ rút ra.
Theo điện Elysée, tức phủ tổng thống Pháp, trong cuộc tiếp xúc, hai nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh quyết tâm hoàn tất các dự án chung của hai nước về năng lượng tái tạo.
Trong lãnh vực song phương, cũng theo thông báo của điện Elysée, tổng thống Macron đã « chấp nhận công du Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018 », nhưng ông « đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy quan hệ Pháp-Trung trên cơ sở thẳng thắn, có đi có lại và có dự báo. »
Tại Hambourg, tổng thống Pháp hôm nay cũng đã có cuộc tiếp xúc tay ba với thủ tướng Đức Merkel và tổng thống Nga Putin. Nổi bật trong chương trình nghị sự là hồ sơ Ukraina. Theo phủ thủ tướng Đức, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề ngừng bắn ở miền đông Ukraina.
Riêng tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu bằng tiếng Anh với báo chí Đức sau cuộc họp là ba người đã có một cuộc thảo luận tốt, nhưng đây là một tiến trình đang tiếp diễn, với « những điểm vướng mắc » mà ai cũng biết. Ông Macron xác định rằng các bên đã đồng ý trên một số bước đi cần thiết cho vài tuần lễ sắp tới.
Một trong những biện pháp rất có thể là việc triệu tập một cuộc họp của Nhóm Normandie, bao gồm 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraina.
Tình hình ở Ukraina vẫn rất bất ổn. Ba năm xung đột vừa qua đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, trong lúc các lệnh ngừng bắn giữa các thành phần ly khai thân Nga và quân đội chính quyền trung ương Ukraina đều không tồn tại được lâu.
Trong một thông cáo sau cuộc họp tay ba Macron-Merkel-Putin tại Đức, điện Kremlin cho biết là các lãnh đạo đã thống nhất là cần phải có những để áp đặt được một lệnh ngừng bắn thực thụ ở Ukraina.
Mỹ, Nga đạt thỏa thuận ngưng bắn tại miền nam Syria
Nga và Mỹ hôm qua 07/07/2017 đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn tại miền tây nam Syria kể từ 9 giờ GMT Chủ nhật. Tối qua đôi bên đã loan báo như trên, tại Hambourg, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, sau cuộc gặp gỡ trên hai tiếng đồng hồ giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump. Các bên cũng đồng ý thành lập một « vùng giảm căng thẳng » tại Deraa, Quneitra và Soueida
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI tường trình :
« Các tỉnh Deraa và Quneitra hiện nay là các mặt trận nhạy cảm nhất tại Syria, vì nằm gần cao nguyên Golan do Israel sáp nhập và chiếm đóng. Phe Hezbollah ở Liban được Iran yểm trợ, tích cực tham gia các trận đánh bên cạnh quân đội Syria để chống lại phe nổi dậy và quân thánh chiến tại các vùng này. Phe Shia ở Liban và Vệ binh Cộng hòa của Iran hợp thành một lực lượng bổ sung cho quân đội Syria, được mệnh danh là « binh đoàn Golan ».
Đối với Nhà nước Do Thái, sự hiện diện của phe Hezbollah tại Golan là không thể chấp nhận được. Quân đội Israel đã nhiều lần oanh kích các đội quân Syria và đoàn xe của phe Shia Liban trong vùng này.
Việc loan báo ngưng bắn ở Quneitra và Deraa cho thấy Nga và Hoa Kỳ đều ý thức được tính nhạy cảm của mặt trận này, biểu thị ý hướng ngăn trở việc nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực không thể kiểm soát nổi.
Tuy nhiên, hãy còn nhiều chi tiết phải giải quyết về chủ đề này, nhất là cơ chế giám sát ngưng bắn. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố là trong thời gian đầu, an ninh xung quanh khu vực này sẽ được bảo đảm bởi các lực lượng quân cảnh Nga, phối hợp với Jordanie và Mỹ.
Nhưng Israel nhất quyết phản đối. Nhật báo Haarets hôm qua cho biết Tel Aviv đòi hỏi phận sự này phải do Hoa Kỳ đảm nhiệm. Tuy nhiên điều kiện trên đây khó có cơ hội được Damas và đồng minh Iran chấp nhận ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170708-my-nga-dat-thoa-thuan-ngung-ban-tai-mien-nam-syria
Tin tặc Nga bị nghi tấn công vào nhà máy điện nguyên tử Mỹ
Trong lúc tại hội nghị G20 ở Đức, hai ông Donald Trump và Vladimir Putin nêu ra khả năng tin tặc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, thì một vụ tấn công tin học khác lại nổi lên tại Hoa Kỳ. Lần này là hơn một chục nhà máy điện bị xâm nhập, theo báo cáo của FBI và bộ An ninh Nội địa, được New York Times tiết lộ hôm 06/07/2017. Tuy tin tặc không thể kiểm soát được cơ sở hạ tầng, nhưng có ít nhất một nhà máy điện nguyên tử bị nhắm đến, và những chỉ dấu đầu tiên lại cho thấy là từ Nga.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :
« Đánh cắp bí mật quốc phòng ? Làm rối loạn việc sản xuất điện, hay để chứng tỏ khả năng xâm nhập ? Hiện giờ chưa thể biết được mục tiêu của tin tặc, nhưng đụng chạm đến nguyên tử là vô cùng nhạy cảm. Cho dù bộ Năng Lượng hôm qua muốn trấn an, nhưng bản báo cáo mật của cơ quan an ninh Mỹ nêu chi tiết nhiều vụ xâm nhập trong hai tháng qua.
Trường hợp cần đặc biệt chú ý là công ty quản lý nhà máy điện nguyên tử Wolf Creek ở tiểu bang Kansas. Các máy tính của một số nhân viên tại đây đã bị « viếng thăm », nhưng ban giám đốc hôm qua khẳng định rằng hệ thống kiểm soát không bị đụng chạm đến. Không có gì đáng ngại về mặt an ninh, vì các mạng lưới tách biệt lẫn nhau và các thiết bị nguyên tử không hề kết nối với bên ngoài. Nhà máy này được thành lập từ năm 1985, được cho là còn có thể hoạt động gần 30 năm nữa.
Từ năm ngoái, các cơ quan tình báo Mỹ đã tố cáo các tin tặc Nga can thiệp vào chính trường Mỹ. Nay lại một lần nữa một cường quốc nước ngoài đứng sau các vụ tấn công tin học vào các nhà máy điện. Tuy các máy chủ sử dụng đặt ở Ý, Đức, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo nhiều nguồn tin thông thạo, chính Matxcơva mới là nghi can hàng đầu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170708-tin-tac-nga-bi-nghi-tan-cong-vao-nha-may-dien-nguyen-tu-my
Bắc Triều Tiên phát triển mạng thông tin nội bộ để làm gì ?
Bắc Triều Tiên đang nỗ lực phát triển các sản phẩm kết nối, mạng thông tin nội bộ và các website riêng. Bằng chứng là Bình Nhưỡng vừa cho ra lò một máy tính bảng được đặt tên là « iPad ». Máy tính bảng này lại được nhái theo sản phẩm cùng tên được bảo hộ của tập đoàn khổng lồ Apple.
Tuy « iPad » của Bắc Triều Tiên bị chế giễu nhiều trên Internet, nhưng sự việc cho thấy đang có những biến đổi đáng quan tâm tại một quốc gia được coi là khép kín nhất thế giới. Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul giải thích thêm :
« Trước tiên, từ vài năm qua, Bắc Triều Tiên đã sản xuất nhiều máy tính bảng, điện thoại thông minh. Nhưng trên thực tế, Bắc Triều Tiên chỉ lắp ráp. Các linh kiện điện tử được nhập từ Trung Quốc.
Chế độ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cấm hoàn toàn người dân truy cập Internet nhưng lại phát triển mạng thông tin nội bộ : đó là một hệ thống cục bộ, khép kín và cô lập với phần còn lại của thế giới. Trên mạng nội bộ này, cũng có những website bán hàng trực tuyến, như « Manmulsang », một dạng Amazon Bắc Triều Tiên. Cũng có một website xem phim trực tuyến, một kiểu Netflix Bắc Triều Tiên…
Bên cạnh đó, có rất nhiều ứng dụng cho điện thoại thông minh, như ứng dụng tập thể hình, ứng dụng cho nông nghiệp… Hiện nay, ba triệu người Bắc Triều Tiên, tương đương 10% dân số nước này, có điện thoại di động. Một số người cho rằng, con số này là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện một tầng lớp trung lưu kiểu Bắc Triều Tiên. »
Quả thật những năm gần đây nền kinh tế Bắc Triều Tiên có những thay đổi sâu sắc, gần như phát triển theo kiểu tư bản chủ nghĩa : nhiều chợ hơn, có website mua hàng trên mạng theo kiểu « Amazon » của Bắc Triều Tiên, hay như có các hệ thống thanh toán qua mạng, cho dù đến lúc này, không rõ người dân Bắc Triều Tiên sử dụng đến mức độ nào.
Nhưng ông Chad O’Caroll, phụ trách NK News, một website thông tin chuyên về Bắc Triều Tiên, trong một hội thảo mang chủ đề « Hiện đại hóa trực tuyến », được tổ chức ngày 14/06/2017 tại Seoul, lưu ý là chế độ Bình Nhưỡng tuy có tìm cách phát triển kinh tế, nhưng không nên xem đấy là một hình thức mở cửa, tự do chính trị.
Frederic Ojardias giải thích tiếp : « Bản thân ChadO’Caroll cũng cho rằng khi phát triển các mạng kết nối, chính quyền Bắc Triều Tiên có thể theo dõi tốt hơn người dân. Đặc biệt là những tầng lớp sung túc nhất, đó là những người có điều kiện để sử dụng các công nghệ thông tin này.
Việc phát triển mạng nội bộ cũng giúp tăng cường hoạt động tuyên truyền và đưa ra hình ảnh một đất nước hiện đại, phát triển. Về mục tiêu này, phải thừa nhận Bình Nhưỡng đã có những thành công nhất định, bởi vì người dân Bắc Triều Tiên dường như rất ưa thích các đồ vật kết nối này.
Thế nhưng, sự phát triển mạng nội bộ của Bắc Triều Tiên cũng có những giới hạn : an ninh là ưu tiên tuyệt đối của chính quyền. Bình Nhưỡng muốn chắc chắn là các công nghệ tin học này không cho phép người dân tự do thảo luận và tự tổ chức liên kết với nhau nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. »
Trump : Tường chắn nhập cư có gắn tấm pin năng lượng mặt trời
Tổng thống Donald Trump luôn làm thế giới giật mình hoặc là vì những dòng tweet, hoặc là những phát ngôn bất ngờ, không lường trước được. Luôn ám ảnh với ý tưởng xây tường chống nhập cư trái phép, dài gần 3200km, phân chia ranh giới Hoa Kỳ và Mêhicô, tổng thống Mỹ vừa đưa ra một ý tưởng mới : tại sao không phủ tường bằng những tấm năng lượng mặt trời để có kinh phí xây tường ?
Chuyện tưởng như đùa, nhưng tổng thống Mỹ lại cho đấy là « một ý tưởng tuyệt vời » chưa từng có ai đề cập đến. Trước những người ủng hộ tại thành phố Cedar Rapids, bang Iowa, Donald Trump giải thích : « Vùng biên giới phía nam, nắng nóng rất nhiều… Chúng tôi nghĩ đến việc xây tường giống như là tường năng lượng mặt trời chẳng hạn. Bức tường này sẽ sản xuất ra điện năng, và như vậy chúng ta sẽ có tiền để đóng góp. Hãy nghĩ xem, tường càng cao, thì nó càng tạo ra nhiều giá trị ».
Quả là một công đôi chuyện. Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, không những ngăn chặn được nhập cư, mà còn có thể mang lại lợi nhuận. Nhưng nhiều tập đoàn Mỹ chuyên về năng lượng tái tạo nghi ngờ về tính khả thi.
Trang mạng Business Insider, được Euronews trích dẫn lại thẩm định ngoài tổng kinh phí rất lớn để xây tường ước tính dao động trong khoảng từ 10-40 tỷ đô la, còn phải tính thêm 1, 5 – 4 tỷ đô la cho dự án này.
Cũng theo các ước tính, nguồn năng lượng tạo ra từ bức tường chống nhập cư này có thể cung cấp điện cho khoảng 220.000 hộ gia đình, và có thể giúp các nhà khai thác thu về mỗi năm từ 100-400 triệu đô la. Nhưng không ai đoán được trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được vốn, ít nhất là trước một thập niên.
Để cho dự án có lãi, các nhà khai thác và người tiêu dùng không được nằm quá xa nguồn cung cấp. Thế nhưng, điều kiện này khó có thể đáp ứng bởi một lý do hết sức đơn giản : biên giới phía nam Hoa Kỳ – Mêhicô trải dài gần 3.200 km, đi qua nhiều bang, thường là giữa vùng sa mạc, và như vậy các tấm năng lượng mặt trời sẽ bị phân tán.
« Nói thì dễ, làm thì khó ». Trước mắt làm thế nào để thuyết phục Quốc Hội Mỹ đã là một việc khó. Chưa nói là tổng thống Mêhicô cho đến lúc này vẫn kiên quyết từ chối tham gia đóng góp vào việc xây tường.
Nhật Bản : Tokyo tuyên chiến chống mùi hôi
Donald Trump ám ảnh về chuyện nhập cư, người Nhật Bản bịám ảnh về vấn đề vệ sinh. Họ rất kỵ các mùi hôi xông lên. Nhiều người trong số họ cho rằng nhiều nơi tại Tokyo có mùi không sạch, hôi hám. Vậy những mùi đó bốc lên từ đâu ? Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo giải thích:
« Tất cả các tòa nhà ở Tokyo và có trời mà biết là ở một đô thị rộng lớn có tới 39 triệu dân, thì những tòa nhà nào không bốc ra những mùi hôi khó chịu. Nhưng đúng là tầng hầm một số tòa nhà có các bể chứa nước thải. Những bể này sinh ra khí sulfure, có mùi trứng thối, rất buồn nôn.
Núi lửa và các nguồn nước nóng cũng phát ra mùi hôi khó chịu này. Mà Nhật Bản thì có rất nhiều núi lửa. Hệ thống khướu giác của con người rất nhậy cảm, báo động cho cơ thể tránh hít phải một lượng lớn khí độc hại. Thế nhưng, thành phố Tokyo không cho biết làm thế nào để các bể chứa nước thải bớt bốc lên những mùi buồn nôn này. »
Trước những lời phàn nàn này, nhiều khu phố đã thành lập các nhóm tuần tra chuyên trách phát hiện các mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ chuyên cung cấp các mùi thơm cho các tòa nhà.
« Một chi nhánh của NTT, tập đoàn viễn thông khổng lồ, đã lập trên internet một website, « cổng thông tin về mùi hôi ». Tại đây, bạn có thể lựa chọn một thế giới hương thơm mà bạn muốn tạo ra ở nhà bạn. Bạn có thể điều khiển từ xa, nhờ vào một máy tính được gắn một thiết bị đặc biệt chứa các loại tinh dầu thơm.
Nhờ vậy, sáng ngủ dậy, bạn có thể hít thở những mùi thơm của một khu vườn tràn ngập hoa. Rồi mùi bưởi, mùi các loại hoa trước khi bước vào một ngày mới. Cũng có những mùi thơm giúp bạn thư giãn trước khi đi ngủ.
Dịch vụ này dành cho những khu nhà riêng và những doanh nghiệp muốn tạo ra bầu không khí kích thích khướu giác. Đương nhiên, cách thức này không thể áp dụng cho những tòa nhà phát thải ra các mùi hôi, mùi trứng thối. »
Với mối ám ảnh về sạch sẽ, cần phải xua đuổi các mùi hôi, thì thị trường sản phẩm khử trùng cũng phát triển mạnh theo.
« Đủ loại sản phẩm, như bít tất khử mùi hôi, bút khử trùng. Thậm chí cách nay một chục năm, một công ty tân dược đã tung ra thị trường một loại thuốc khử mùi hôi của phân. Ban đầu, thuốc này được bào chế để cho các y tá dùng khi chăm sóc người già cả không làm chủ được vấn đề tiểu tiện. Rồi sau đó, giới trẻ Nhật rất chuộng dùng vì không chịu được các mùi cơ thể. »
Sữa quá hạn : Một nguồn nguyên liệu « sạch » cho dệt may
Rũ bỏ các mùi hôi thối tại Tokyo, tạp chí Thế Giới Đó Đây mời quý vị cùng đến Đức, khoác thử lên người chiếc áo mà sợi vải được dệt từ sữa quá hạn. Vậy làm thế nào chế tạo sợi vải từ sữa ?
Báo Le Figaro (ngày 24/06/2017) cho biết đây chính là ý tưởng của cô Anke Domaske, một nhà vi sinh học và cũng là nhà tạo mẫu thời trang người Đức. Cô Domaske nảy sinh ý tưởng này vào năm 2009, lúc được 26 tuổi, thời điểm cha dượng của cô bị phát hiện mắc bệnh bạch cầu. Ông bị dị ứng với tất cả các loại vải sợi, do các thành phần hóa chất tích tụ trên quần áo.
Từ đó cô và một vài người bạn đã quyết tâm nghiên cứu một kỹ thuật có từ những năm 1930, để tạo sợi vải từ chất cazein, một loại đạm có trong sữa. Qua thử nghiệm hơn 3 ngàn công thức, cuối cùng cô Domaske cùng với các cộng sự đã tìm ra được một loại sợi làm từ sữa mà không bị tan trong nước và đã được công nhận bằng sáng chế.
Hiện hãng QMilk của cô có hợp tác với khoảng 20 nhà nuôi bò sữa và mua đến một tấn sữa mỗi năm với mức giá 4 xu/ lít. Sợi vải của QMilk không những mịn màng, mà còn chống lại các loại vi khuẩn hiệu quả, dễ phân hủy dưới các tác nhân sinh học, và có thể giặt bằng máy.
Phương pháp kéo sợi này của Domeske còn giúp tránh lãng phí sữa. Mỗi năm tại Đức, do các chuẩn mực về an toàn thực phẩm, các nhà sản xuất vứt đi gần 2 triệu tấn sữa mỗi năm, đủ để làm đầy 770 bể bơi thế vận hội.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170708-bac-trieu-tien-phat-trien-mang-thong-tin-noi-bo-de-lam-gi