Tin Việt Nam – 04/07/2017
Các tổ chức nhân quyền
kêu gọi điều tra vụ người dân chết trong đồn công an
Hơn 30 tổ chức trong và ngoài nước vào ngày 3 tháng 7 công bố thư ngỏ kêu gọi Bộ trưởng Công an Tô Lâm Việt Nam cho tiến hành điều tra vụ việc công dân Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ chết tại Công an Vĩnh Long vào ngày 3 tháng 5 vừa qua.
Những tổ chức ký tên yêu cầu công tác điều tra cần phải được tiến hành ngay và được thực hiện một cách độc lập. Khi có kết quả điều tra cần phải công khai. Bất cứ những cá nhân nào, dù là viên chức nhà nước hay không cũng như ở cấp bậc nào, với chứng cứ đầy đủ có dính líu đến cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn cần phải bị xét xử một cách công bằng.
Ngoài ra những tổ chức ký tên kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam ngưng đe dọa, sách nhiễu gia đình thân nhân ông Nguyễn Hữu Tấn.
Ông Nguyễn Hữu Tấn bị lực lượng chức năng thuộc Cơ quan An Ninh Điều Tra đến tư gia tại thị xã Bình Minh khám nhà và bắt đi vào sáng ngày 2 tháng 5 với cáo buộc ‘phá tán tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cơ quan chức năng không cung cấp được thông tin gì liên quan đến cáo buộc nêu ra sau khi tiến hành khám xét tư gia của ông Nguyễn Hữu Tấn. Tuy vậy, lực lượng chức năng đọc lệnh bắt ông này đi và sang ngày 3 tháng 5 thì cơ quan chức năng thông báo ông này tử vong.
Đến ngày 20 tháng 6, thân phụ của ông Nguyễn Hữu Tấn nhận được thông báo dài 1 trang rưỡi tóm tắt kết luận của Cơ quan An ninh Điều Tra, Công an tỉnh Vĩnh Long. Theo đó thì ông Nguyễn Hữu Tấn tự cắt cổ chết trong đồn công an bằng dao rọc giấy lấy từ cặp của một điều tra viên.
Giải thích của cơ quan chức năng không thuyết phục được gia đình vì thân phụ của nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn nói rằng những vết thương trên thân thể nạn nhân chứng tỏ cho thấy người con bị tra tấn và bị giết chết khi ở trụ sở công an. Thân phụ nạn nhân nói rằng những giải thích của công an và kết luận điều tra không thống nhất, mâu thuẫn nhau.
Những tổ chức ký tên vào thư ngỏ gửi ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ra rằng hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, phi nhân, không theo đúng thủ tục pháp lý, kết án tùy tiện là vi phạm quyền được sống, trái với những thỏa thuận quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam buộc phải tuân thủ.
Khởi tố ‘quan’ trong vụ đất đai Đồng Tâm
Hơn 10 cán bộ, quan chức cấp xã và cấp huyện bị khởi tố liên quan tới các sai phạm đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội.
Tin tức nói 14 người sẽ ra toà trong phiên xử tại Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức trong tháng Bảy, với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Lê Văn Luân, thành viên nhóm “luật sư Đồng Tâm” vốn đã viết kiến nghị gửi giới chức trong vụ tranh chấp đất đai ở địa phương này, nói với BBC rằng việc khởi tố vụ án trên đã diễn ra từ lâu, trước khi có vụ đối đầu dài ngày giữa người dân xã Đồng Tâm và giới chức, với đỉnh điểm là việc dân bắt nhốt gần 40 cán bộ, công an.
Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu
Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm
Trang tin Infonet dẫn lời một lãnh đạo công an huyện Mỹ Đức, theo đó nói các bị can đã có “sai phạm trong đất đai ở Đồng Tâm dẫn đến người dân khiếu kiện sau này”.
Luật sư Luân cho biết tính đến thời điểm trước khi xảy ra cuộc đối đầu do tranh chấp đất đai hồi tháng Tư vừa qua, đã có một số người bị khởi tố trong vụ án này, và “đều là người cấp xã, không có cấp cao hơn”.
Cơ quan công tố ra cáo trạng rằng các bị can vốn là cán bộ cấp xã vì vụ lợi đã cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa đất lấn chiếm cho một số hộ dân trong thời gian hơn 10 năm, từ 2002 đến 2013.
Cũng theo cáo trạng, các bị can từng là cán bộ chuyên phụ trách đất đai cấp huyện do thiếu trách nhiệm đã “ký xác nhận không có căn cứ”.
Phức tạp Đồng Tâm
Hôm 13/6, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Vụ Đồng Tâm: ‘Có thể quyết định đình chỉ vụ án?’
‘Dân Đồng Tâm không chống phá chính quyền’
Cho đến nay, chưa có tin tức gì về việc có ai bị khởi tố bị can trong vụ án này hay chưa.
“Người dân Đồng Tâm nói [với nhóm luật sư chúng tôi] là tất cả các vấn đề liên quan pháp lý, kể cả việc bị khởi tố, thì họ sẽ nhờ các luật sư tham gia bảo vệ,” luật sư Lê Văn Luân nói với BBC hôm 4/7.
“Cho đến nay, người dân Đồng Tâm chưa có thông tin gì liên quan sau quyết định khởi tố vụ án.”
Hôm 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tuyên bố “phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã [Đồng Tâm]”.
Tuy nhiên, thủ tướng cũng nhắc tới việc phải “xử lý người dân sai trái, quá khích”.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị thành phố “rút dự án thu hồi đất tái định cư phục vụ di dời các hộ dân sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn, Đồng Tâm”.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt hồi cuối 2016, thành phố đã có quyết định di dời 14 hộ dân khỏi 6 ha “đất do quốc phòng quản lí” nhằm giao lại diện tích đất này cho Viettel.
Đổi lại, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, nói rằng giới chức sẽ thu hồi 0,2 ha đất tại xã Đồng Tâm “làm nơi tái định cư” cho các hộ gia đình này.
Người dân địa phương cho đến nay chưa được thông báo cụ thể mà chỉ “nghe đồn” về việc “rút dự án thu hồi đất tái định cư”, một cư dân thôn Hoành nói với BBC hôm 4/7.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40495649
Một thanh niên bị bắt vì Điều 88
Tin cho hay một thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), năm ngoái từng bị chặn gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, nay bị bắt vì Điều 88.
Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Trong dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và gặp gỡ các thành viên YSEALI tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2016, anh bị câu lưu ngay tại địa điểm diễn ra cuộc gặp với ông Obama.
Phiên tòa Mẹ Nấm: Lời cuối giữa mẹ và con gái
Luật sư Đài được giải Nhân quyền của Đức
Thông báo của Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội do Đại tá Trần Quốc Khánh ký hôm 3/7 ghi: “Trần Hoàng Phúc có hành vi tàng trữ, làm và đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước lên mạng Internet, vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự.”
Hiện anh Phúc đang bị giam tại Trại tạm giam số 1 ở Hà Nội.
‘Đe dọa’
Hôm 4/7, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của anh Trần Hoàng Phúc, nói với BBC rằng bà “không tiện trả lời bất kỳ câu hỏi nào”.
Cùng ngày, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: “Chỉ tính trong năm nay, nhiều bạn trẻ, nhà hoạt động xã hội đã bắt giữ, truy tố và phạt tù theo Điều 88.”
“Có thể kể đến anh Nguyễn Văn Hóa bị chuyển tội danh từ Điều 258 sang 88. Mới đây nhất là bản án 10 năm tù theo Điều 88 cho blogger Mẹ Nấm. Theo tôi, đây là chỉ dấu cho thấy chính quyền tỏ ra lo sợ, e ngại trước sự tham gia của các bạn trẻ tuổi vào các sự kiện chính trị trong nước.”
“Và họ dùng việc bắt giữ nhằm đe dọa và chuyển tải thông điệp rằng sẽ mạnh tay với những người trẻ khác đang có tư tưởng này.”
“Dù lúng túng xử lý xử lý các vấn đề xã hội nhưng họ vẫn không muốn người dân tham gia vào các vấn đề được coi là chính trị.”
Về vụ nhận tiền nước ngoài ‘để kích động’
HRW: Các nhà hoạt động ‘không chốn dung thân’ ở VN
Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’
LHQ: Việt Nam ‘cần bỏ điều 88, 79’
Theo luật Việt Nam, những người vi phạm Điều 88 sẽ bị phạt từ 3 năm đến 12 năm tù giam.
Gần đây, một số người bị truy tố theo điều khoản này nhưng chưa đưa ra xét xử là nhà hoạt động Thúy Nga, luật sư Nguyễn Văn Đài và trợ tá Lê Thu Hà.
Tháng 10/2016, Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.
Theo thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40440651
Ai có thể bảo vệ phóng viên điều tra ở Việt Nam?
Cát Linh, phóng viên RFA
Vụ án bắt giam, khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.
Vấn đề được quan tâm là nền tư pháp Việt Nam có thể bảo vệ cho những phóng viên nhà báo khi tác nghiệp phóng sự điều tra thế nào?
Luật pháp không thừa nhận “cài bẫy”
Giới báo chí Việt Nam hẳn chưa quên một vụ án từng gây chấn động dư luận và gặp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ từ giới báo chí, đó là vụ phóng viên Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2012, bị cáo buộc tội “hối lộ, tổ chức gài bẫy Cảnh sát Giao thông”.
Với cáo buộc này, phóng viên Hoàng Khương đã bị kết án bốn năm tù giam và được trả tự do sớm hơn hạn định một năm.
Năm năm sau, vào ngày 26 tháng 6, 2017, truyền thông trong nước đưa tin Công an Thành phố Yên Bái quyết định chính thức khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’.
Trước đó, ngày 22 tháng 6, cũng do báo trong nước loan tin, Công an Thành phố Yên Bái đã bắt quả tang ông Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp giấu tên.
Sự việc này có lẽ sẽ không gây tranh cãi trong dư luận nếu nhà báo Lê Duy Phong không phải là tác giả của hai loạt bài về “biệt phủ Yên Bái”.
Khi được hỏi liệu có tính chất chung nào giữa hai vụ án, từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất đưa ra nhận xét ông cho là có nét chung đặc biệt.
Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ…Nhưng luật pháp của Việt Nam, ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.
-Nhà báo, Blogger Trương Duy Nhất
“Nếu liên tưởng, tôi nghĩ nó ở vụ việc là hai nhà báo, hai cây bút điều tra đang làm những vụ việc điều tra được cho là đình đám. Bản chất của anh Khương Báo Tuổi trẻ lúc đó được cho là gài bẫy lực lượng Cảnh sát Giao thông khi anh đang nhập vai làm loạt bài lật tẩy về những tiêu cực, hành vi sai phạm trong lực lượng Cảnh sát Giao thông.”
Từ hai vụ án được cho là khá giống nhau yếu tố khởi điểm, nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng luật pháp Việt Nam đã không thể là bức tường hỗ trợ pháp lý vững chắc cho người cầm bút, đặc biệt là phóng viên điều tra khi họ tác nghiệp.
“Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ.
Vụ án của anh Hoàng Khương, chúng ta tạm gọi hành động đó của anh là hành động cài bẫy để làm nhiệm vụ. Đúng là sau đó anh có đăng bài. Nhưng luật pháp của Việt Nam ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.”
Và ngược lại, blogger Trương Duy Nhất nói rằng phía lực lượng điều tra, công an trong lực lượng điều tra và Luật tố tụng của Việt Nam không cho phép cán bộ điều tra “cài bẫy’ bằng cách nhập vai.
Từ Sài Gòn, Đỗ Cường, một phóng viên điều tra trẻ, từng tham gia thực hiện rất nhiều những phóng sự điều tra chia sẻ thêm rằng ở Việt Nam, vấn đề báo chí bảo vệ phóng viên tác nghiệp dường như không được coi trọng. Anh kể lại một số trường hợp có thể xảy ra:
“Thứ hai nữa là chính bản thân những phóng viên điều tra đó, họ có thể bán rẻ nhau, đồng nghiệp bán rẻ nhau. Và có những câu chuyện là những người cấp dưới luôn nghe theo chỉ thị của cấp trên và họ làm sai. Đó là những thực trạng mà em dám nói thẳng, nói thật.
Bản thân em khi làm những phóng sự điều tra, cũng khá là lớn ở khu vực miền Nam thì cũng đụng chạm rất nhiều quan chức và thế lực. Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.”
Đưa ra một ví dụ liên quan đến “biệt phủ Yên Bái”, Đỗ Cường cho biết khi người phóng viên phát hiện ra biệt phủ của giám đốc công an tỉnh, họ sẽ dùng tất cả quyền hành và những mối quan hệ của họ để người phóng viên điều tra không động đến họ được.
Đây cũng chính là điểm được nhà báo Trương Duy Nhất đặt ra khi nói về vụ án được Công an tỉnh Yên Bái cho là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
“Nếu giả sử như chúng ta đang nghi vấn và dư luận đặt vấn đề là nhà báo Lê Duy Phong bị cài bẫy sau loạt bài nổi tiếng ấy, thì những người cài bẫy ông chắc là do bị điểm huyệt quá, nên nóng giận mất khôn.”
Ai bảo vệ họ?
Khi pháp luật nước nhà, hệ thống báo chí không bảo vệ được người phóng viên thì chính bản thân họ phải làm điều đó. Đó là chia sẻ của Đỗ Cường qua những kinh nghiệm trong thời gian tác nghiệp anh có được. Anh cho rằng, ‘một bước tiến, hai bước lùi’ là một điều cần phải áp dụng khi cần thiết.
“Khi quá nguy hiểm thì chúng ta phải có những phương pháp ứng phó với hoàn cảnh cho linh hoạt, chứ lúc nào cũng phi lên thì cũng chết. Chúng ta phải có những lúc ẩn mình. Phải đưa ra sự thật tuy nhiên phải thật sự bí mật và an toàn cho bản thân.”
Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.
-Phóng viên Đỗ Cường
Không chỉ cho rằng pháp luật Việt Nam không thể bảo vệ người phóng viên điều tra tác nghiệp, blogger Trương Duy Nhất nói thêm những khó khăn đến cả từ hệ thống báo chí Việt Nam. Ông khẳng định tuy không ủng hộ phương cách mà ông gọi là “nhập vai” như phóng viên Hoàng Khương đã từng thực hiện, nhưng ông đánh giá rất cao loạt bài phóng sự về vấn nạn “mãi lộ” của Cảnh sát Giao thông của phóng viên Hoàng Khương.
Tương tự như vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong, ông chia sẻ ý kiến của mình.
“Tự đi phanh phui và nêu được trong tình hình báo chí không độc lập thế này mà nêu được 2 vụ đất đai nghiêm trọng và chấn động như vụ em trai Bí thư tỉnh uỷ và Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh như thế thì khiến những người cầm bút như tôi phải nể phục.”
Thế nhưng, điều mà blogger Trương Duy Nhất muốn nhấn mạnh, cũng đồng nhất với những chia sẻ của phóng viên điều tra trẻ Đỗ Cường, đó là qua những vụ việc này, người phóng viên điều tra phải biết cách nào tự bảo vệ mình, nhất là trong quá trình tác nghiệp luôn bị rình rập, cài bẫy bất cứ lúc nào.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-can-protect-investigative-reporter-cl-07032017114026.html
Hà Nội chấp thuận kế hoạch cấm xe máy từ năm 2030
Hà Nội hôm thứ Ba đã thông qua kế hoạch cấm xe máy trong nội thành từ năm 2030 nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm, trang web của Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết.
Nhà chức trách thủ đô lần đầu tiên cân nhắc ban hành lệnh cấm xe máy vào năm ngoái vì lo sợ những đường phố chật hẹp sẽ bị quá tải khi dân số tăng mạnh và tầng lớp trung lưu mua xe hơi nhiều kỷ lục.
“Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện được dẫn lời nói khi trình bày dự thảo nghị quyết.
Thống kê của nhà chức trách Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 5,2 triệu xe máy và gần 486.000 xe hơi, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông.
Theo kế hoạch, chính quyền thành phố sẽ dần dần hạn chế hoạt động của xe máy ở một số vùng phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, và từ năm 2030 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.
Nhưng có những lo ngại về tính khả thi của kế hoạch này.
Những người đi xe máy nói rằng việc cấm người dân sử dụng phương tiện giao thông mà họ đã quen thuộc từ lâu là điều không thể, đặc biệt là khi hệ thống vận tải công cộng của thành phố còn kém cỏi.
Một số chuyên gia về giao thông vận tải được VnExpress dẫn lời trước đó đều tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này và khuyến nghị nhà chức trách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trước rồi tiến tới hạn chế xe máy.
Các chuyên gia này nói rằng khoảng thời gian 13 năm từ đây đến năm 2030 là quá ngắn ngủi để kế hoạch này có thể trở thành hiện thực.
“10 năm các cụ không làm xong nổi 1 tuyến đường sắt trên cao, 10 năm mà có mỗi 1 tuyến bus BRT làm cũng không nên hồn, thế mà đòi cấm xe máy,” một người tên Vũ Khắc Ngọc chia sẻ trên Facebook.
https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-chap-thuan-ke-hoach-cam-xe-may-tu-nam-2030/3927659.html