Tin khắp nơi – 04/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đúng ngày Quốc khánh Mỹ

Trọng Thành

Hôm nay, 04/07/2017, Bắc Triều Tiên bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo. Vụ bắn thử được giữ kín đến phút chót. Hành động nói trên của Bình Nhưỡng ngay lập tức bị Hoa Kỳ, Nhật Bản lên án.

Theo AFP, truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên khẳng định với vụ bắn thử một tên lửa Hỏa Tinh -14 (Hwangsong-14) « lịch sử » này, Bình Nhưỡng đã sở hữu được một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) « rất hùng mạnh » có thể tấn công được tới « mọi địa điểm trên Trái đất ».Truyền hình Bắc Triều Tiên cho biết tên lửa đã bay lên đến độ cao 2.802 km, và đi được tổng cộng 933 km.

Theo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, tên lửa Bắc Triều Tiên được phóng lên từ khu vực gần một sân bay ở Panghyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về hướng tây bắc. Quân đội Hàn Quốc và chính quyền Nhật Bản cho biết tên lửa rớt xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phản ứng trên Twitter về vụ này, ngay sau khi có thông tin. Ông Trump viết : « Khó tưởng tượng được là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cho phép việc này tiếp diễn lâu dài. Hy vọng là Trung Quốc có một cử chỉ mạnh đối với Bắc Triều Tiên ».

Về phần mình, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định trước báo giới là với vụ bắn thử mới, « mức đe dọa rõ ràng đã lên cao ». Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên án « các khiêu khích vô trách nhiệm » của Bình Nhưỡng và triệu tập khẩn cấp hội đồng an ninh quốc gia.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :

« Các đe dọa, kêu gọi kiềm chế hay hứa hẹn đối thoại đã không hề có hiệu quả. Bắc Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử tên lửa lần thứ 13 kể từ đầu năm. Tên lửa đã được phóng lên theo góc bắn rất cao. Căn cứ vào khoảng cách tên lửa vượt qua và thời gian bay, các nhà phân tích tính toán là trái tên lửa này có tầm bắn lý thuyết là 6.700 km… Điều này có nghĩa là tên lửa có thể bắn đến được tiểu bang Alaska (Hoa Kỳ), nếu như được phóng đi theo góc bắn thông thường.

Bình Nhưỡng cũng tìm cách đa dạng hóa các hỏa tiễn và vị trí phóng, nhằm giữ bí mật về các vụ bắn thử cho đến phút chót, hãng thông tấn Hàn Quốc nhắc lại.

Vụ bắn thử nói trên xảy ra đúng ngày Quốc khánh Mỹ, mùng bốn tháng Bảy. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa hai thông điệp lên mạng Twitter, đặt câu hỏi liệu có phải lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang quá rảnh rỗi mà sinh chuyện hay không ?

Donald Trump gợi ý là Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, ‘‘có thể’’ hành động nhanh chóng để ‘‘chấm dứt thực sự trò ngớ ngẩn này’’. Lời lẽ hung hăng của tổng thống Mỹ không che nổi sự bất lực của Washington trong nỗ lực thuyết phục Kim Jong Un từ bỏ chương trình răn đe hạt nhân, một chương trình mà Bình Nhưỡng coi là điều kiện thiết yếu cho sự sống còn của chế độ ».

Nga : Tên lửa Bắc Triều Tiên thuộc loại « tầm trung »

Trái với thông báo của chính quyền Bắc Triều Tiên, theo AFP, bộ Quốc Phòng Nga ra một thông báo khẳng định loại hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bắn thử ngày 04/07 là thuộc loại « tầm trung », chứ không phải hỏa tiễn xuyên lục địa.

Về độ cao và khoảng cách tên lửa đi qua, Matxcơva cũng đưa ra các số liệu rất khác. Cụ thể là tên lửa Bắc Triều Tiên chỉ lên được độ cao 535 km và bay được hơn 500 km.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170704-bac-trieu-tien-ban-thu-mot-ten-lua-tam-dao-dao-dung-ngay-quoc-khanh-my

 

Bắc Hàn bắn thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa nhắm tới Mỹ

Bắc Hàn vào ngày 4 tháng 7 tuyên bố lần đầu tiên thử thành công một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn loan tin vụ thử được chủ tịch Kim Jong-Un theo dõi và hỏa tiễn bay được 39 phút với đường bay dài hơn 900 kilomet, đạt cao độ chừng 2800 kilomet. Bình Nhưỡng tuyên bố hỏa tiễn của Bắc Hàn nay có thể nhắm đánh bất cứ nơi nào trên thế giới.

Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo nói hỏa tiễn mới được Bắc Hàn phóng đi dường như chỉ là một loại tầm trung mà thôi; cao độ đạt được hơn 530 kilomet và bay được 510 kilomet trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Giới chức từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ lên tiếng cho hay hỏa tiễn vừa được thử của Bắc Hàn rơi xuống Vùng đặc quyền Kinh tế Xứ Phù Tang. Hỏa tiễn được phóng đi từ một căn cứ nằm ở phía tây bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Một số chuyên gia phân tích những chi tiết được thông báo như vừa nêu cho thấy đó có thể là một loại hỏa tiễn mới có tầm bắn hơn 8 ngàn kilomet, một tiến bộ lớn của Bắc Hàn. Tuy nhiên có chuyên gia khác cho rằng họ không tin tầm bắn của hỏa tiễn có thể xa đến thế.

Vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của Bắc Hàn như vừa nêu được thực hiện chỉ mấy ngày trước khi diễn ra cuộc gặp của những nguyên thủ, lãnh đạo nhóm G20. Một trong những nội dung được bàn thảo của hội nghị là chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/north-korea-says-first-intercontinental-ballistic-missile-test-successful-07042017094717.html

 

Tàu TQ qua Eo biển Tsugaru giữa hai đảo của Nhật

Một tàu do thám của Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Tsugaru giữa đảo Hokkaido và Honshu của Nhật Bản cũng hôm Chủ Nhật, cùng ngày tàu USS Stethem vào sát đảo Tri Tôn do Trung Quốc giữ ở Hoàng Sa.

Theo Reuters, sang ngày 03/07, Trung Quốc bác bỏ quan ngại của Nhật rằng tàu TQ đi vào vùng 12 hải lý của Nhật.

Trung Quốc nói eo biển Tsugaru là vùng biển “không mang tính lãnh hải” của Nhật và tàu của họ đi qua đó ra Tây Thái Bình Dương “theo đúng luật quốc tế”, Reuters cho hay hôm 03/07 khi tin này được loan ra.

Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đảo Senkaku cho Nhật

Quân đội VN làm được gì nếu bị tấn công?

Lão tướng Phạm Trường Long là ai?

Theo trang Japan Times, chiếc tàu Trung Quốc có tên là Thiên Lang Tinh (sao Sirius) mang số hiệu 854 thuộc loại tàu do thám Type 815.

Hải quân và không quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến quá cánh qua eo biển Miyako, Bashi và TsushimaAnkit Panda

Lối ra Thái Bình Dương

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố hai hình chụp chiếc tàu này quá cảnh qua eo biển Tsugaru.

Phía Nhật nói chiếc tàu đã đi vào bên trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của Nhật trong vòng 90 phút.

Tuy nhiên, theo các báo Nhật thì chính phủ ở Tokyo không nói rằng tàu Thiên Lang Tinh có làm gì để vi phạm quyền “đi qua vô hại” trên cơ sở Công ước LHQ về Luật Biển hay không.

Luật này quy định các tàu chiến có thể đi qua các vùng lãnh hải ở trong những hoàn cảnh nhất định.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu và phi cơ chiến đấu của Trung Quốc quá cảnh qua vùng biển và bầu trời Nhật Bản.

Tác giả Ankit Panda viết trên trang The Diplomat (04/07) rằng năm ngoái, hải quân và không quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến quá cánh qua eo biển Miyako, Bashi và Tsushima.

Vai trò ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc khiến họ đã thăm dò những lối khác nhau ra Tây Thái Bình Dương.

Ankit Panda cũng viết rằng eo biển Tsugaru “có vị trí chiến lược” vì là lối mà Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc ra Bắc Thái Bình Dương và thậm chí cả tới Alaska.

Hồi năm 2015, các tàu chiến của Trung Quốc cũng quá cảnh qua Eo Tanaga thuộc rặng Aleutian ngoài khơi Alaska của Mỹ.

Lúc đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nói eo biển Tanaga “là để cho mọi tàu thuyền đi qua, căn cứ vào Công ước LHQ về Luật Biển”.

Căng thẳng quan hệ Trung – Nhật xảy ra những năm qua chủ yếu vì vấn đề nhóm đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku.

Hồi tháng 02/2017, lại có tin ba tàu hải tuần của Trung Quốc đã vào “vùng biển của Nhật Bản” gần các đảo Senkaku, ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của chính quyền Trump, James Mattis cam kết bảo vệ các đảo này cho Nhật.

Trước đó hai hôm, phát biểu tại Tokyo, ông James Mattis nói Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý nhóm đảo Senkaku tại biển Hoa Đông và các đảo này nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước quân sự Mỹ – Nhật.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40492507

 

Làm sao ‘xử lý’ Bắc Hàn?

Bắc Hàn được biết đến là một trong những quốc gia ‘bất hảo’ nhất hành tinh, luôn được truyền thông quốc tế quan tâm và khai thác

Với một chế độ nổi tiếng đàn áp người dân, chính quyền của lãnh đạo Kim Jong-un còn theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân.

Chỉ riêng trong năm nay, Bắc Hàn đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân trong nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa gây nhiều mối đe dọa và sự phẫn nỗ trong cộng đồng thế giới.

Ngoài ra, nước này được cho là đã dùng chất độc hóa học để ám sát ông Kim Jong Nam (anh trai ông Kim Jong-un) tại Malaysia.

Tại sao Bắc Hàn lại trở nên bí ẩn và liệu thế giới có cách nào xử lý quốc gia ‘bất trị’ này?

Bắc Hàn nói ‘sẵn sàng tấn công hạt nhân’

Trung Quốc cảnh báo xung đột Bắc Hàn

Truyền thông Bắc Hàn chỉ trích Trung Quốc

Quá khứ chia cắt

Mỹ và Liên Xô góp phần chia cắt hai miền Triều Tiên vào cuối cuộc Thế chiến thứ Hai.

Nỗ lực đàm phán thống nhất hai miền thất bại và chế độ hai nhà nước vẫn được duy trì cho đến năm 1948.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 dập tắt hy vọng thống nhất Triều Tiên.

Sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền, ông Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày nay, trở thành nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

Với nền kinh tế hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát, Bắc Hàn là một trong quốc gia nghèo nhất thế giới. Nơi đây người dân không được tiếp cận với truyền thông độc lập trong khi Internet chỉ giới hạn cho tầng lớp tinh hoa chính trị sử dụng.

Bắc Hàn phóng tên lửa không thành sau diễu binh

Mỹ bác đề xuất của Trung Quốc về Bắc Hàn

Giải pháp đàm phán

Nhiều vòng đàm phán với Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân đã diễn ra với nỗ lực gần đây của nhiều gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Kết quá ban đầu là Bắc Hàn đã cho nổ tung tháp làm nguội tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ chính trị.

Tuy nhiên đàm phán bế tắc sau khi Mỹ cáo buộc Bắc Hàn không công khai toàn bộ chương trình hạt nhân.

Bắc Hàn phủ nhận điều này nhưng sau đó lại tiếp tục thử hạt nhân.

Chính vì thế từ năm 2009 đến nay, đàm phán với Bắc Hàn trở nên bế tắc.

John Nilsson-Wright, nghiên cứu viên lâu năm phụ trách khu vực Bắc Á tại Viện nghiên cứu Chatham House nói khó có khả năng Bắc Hàn sẽ chọn giải pháp đàm phán.

“Lí do vì hiện chính quyền của ông Kim đang quyết tâm hiện đại hóa quân sự, chính vì thế nếu đàm phán bị trì hoãn sẽ có lợi cho Bắc Hàn”.

Thế còn việc cô lập kinh tế?

Đã có nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc để trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn.

Việc phương Tây giảm các chương trình viện trợ lương thực khiến Bắc Hàn đối mặt với nguy cơ đói kém trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên thực tế cho thấy biện pháp này không làm chậm lại các chương trình quân sự của quốc gia này.

Trung Quốc được cho là là trụ đỡ của nền kinh tế Bắc Hàn, nhờ vào lượng dầu hỏa mà nước này nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm.

Theo nguồn tin không tiết lộ danh tính, tập đoàn dầu lửa nhà nước Trung Quốc đã ngưng việc cung cấp cho Bình Nhưỡng.

Mỹ cũng đưa ra cấm vận với những ngân hàng Trung Quốc vị cáo buộc rửa tiền cho Bắc Hàn.

Tuy nhiên, mấu chốt là Trung Quốc sẽ do dự trong việc gây sức ép kinh tế đối với Bắc Hàn nếu điều này gây đến bất ổn và hỗn loạn tại biên giới hai nước.

Vẫn theo lời Nilsson-Wright, Trung Quốc đang cố gắng đóng vai trò môi giới trung lập cho đàm phán giữa Mỹ và Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là thiện chí của Bắc Hàn có sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán hay không, theo nhận định từ phía Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Biện pháp quân sự?

Đây không phải là một lựa chọn khả thi.

Các biện pháp quân sự đối phó với Bắc Hàn đồng nghĩa với tổn thất lớn về sinh mạng người dân và quân lính.

Việc truy tìm và phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn cũng sẽ khó khăn vì được chôn sâu dưới lòng đất, theo các chuyên gia quân sự.

Bắc Hàn sở hữu khoảng một triệu quân lính và một số lượng lớn vũ khí hóa học và sinh học, đủ để cày nát thủ đô Seoul và vùng lân cận trong vòng “một nốt nhạc”.

“Nếu Hàn Quốc khiêu khích quân sự Bắc Hàn, rủi ro và hậu quả từ việc bị đáp trả là rất lớn”, vẫn theo tiến sĩ Nilsson-Wright.

Ám sát lãnh tụ?

Trong quá khứ, Hàn Quốc đã thảo luận chính sách ‘trừ khử’, thực hiện ám sát nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Bắc Hàn của ông Kim Jong Un.

Đây có thể là một cách đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán vì lo ngại khả năng ám sát Kim Jong-un đã tăng lên từ đầu năm nay, khi có tin là Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm trừ khử nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nếu ám sát có xảy ra, thì ai sẽ là người lấp chỗ trống quyền lực trong chính quyền Bình Nhưỡng.

Tầng lớp tinh hoa nước này có lợi ích trong việc duy trì chính quyền Kim, trong khi đó lại thiếu vắng sự tồn tại của Đảng đối lập tại đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40494718

 

Nga và Trung Quốc kêu gọi Bắc Hàn ‘kiềm chế’

Nga và Trung Quốc kêu gọi Bắc Hàn tạm ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa, sau khi Bình Nhưỡng nói đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên.

Nga và Trung Quốc cũng nói cần tạm ngừng tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Bắc Hàn đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực miền tây nước này, nhà chức trách Nam Hàn và Nhật Bản cho hay.

Vụ phóng này được thực hiện lúc 09:40 sáng theo giờ địa phương, từ Banghyon tại Tỉnh Pyongan, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn quân đội Nam Hàn cho biết.

Hãng tin NHK của Nhật dẫn nguồn bộ quốc phòng nước này nói tên lửa có thể rơi xuống vùng nước mà Nhật tuyên bố chủ quyền, thuộc vùng đặc quyền kinh tế.

Bắc Hàn đã tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói với các phóng viên rằng tên lửa này bay khoảng 40 phút và dường như rơi xuống Biển Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa được tiến hành một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm trong hai cuộc riêng biệt với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc về chủ đề Bắc Hàn.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm cho Bán đảo Triều tiên phi hạt nhân.

Tân tổng thống Nam Hàn mới được bầu Moon Jae-in cũng đã gặp ông Trump vào tuần trước.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis vào tháng trước nói Bắc Hàn là “đe dọa gấp rút và nguy hiểm nhất” cho hòa bình và an ninh.

Trong tài liệu gửi cho Quốc hội trước hôm ra điều trần hôm 12/6, ông Mattis nói chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là “nguy hiểm rõ rệt và hiện hữu”.

Tổng thống Donald Trump từng nói Mỹ sẽ “giải quyết” mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn, dù Trung Quốc có giúp đỡ hay không.

“Nếu Trung Quốc không giải quyết Bắc Hàn, chúng tôi sẽ làm. Đó là những gì tôi muốn nói,” ông Trump từng trong một bài phỏng vấn với tờ báo Anh, Financial Times, hồi tháng Tư năm nay.

Cũng trong tháng Tư, Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục khác vào khu vực gần Bắc Hàn nhưng sau đó di chuyển theo hướng ngược lại.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40490067

 

Quan chức Mỹ:

Trump không có kế hoạch thăm Anh trong tương lai gần

Tổng thống Mỹ Donald Trump không có kế hoạch thăm nước Anh trong tương lai gần, một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho biết hôm thứ Hai, nhưng ông này nói thêm rằng nhà lãnh đạo Mỹ luôn có thể bất chợt thay đổi ý định của mình.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Theresa May cũng nói rằng chính phủ Anh không biết gì về bất cứ kế hoạch nào cho ông Trump tới thăm Anh trong vài tuần tới. Truyền thông Anh loan tin rằng các nguồn tin chính phủ được cảnh báo rằng ông Trump có thể đến thăm sân golf của ông ở Scotland trong hai tuần tới.

Ông Trump dự kiến sẽ đến Châu Âu để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 Cường quốc (G20) trong tuần này và sẽ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại Pháp.

“Tôi không biết về bất kỳ kế hoạch nào cho tổng thống tới thăm Vương quốc Anh trong vài tuần tới,” phát ngôn viên của bà May nói với các phóng viên. Ông cho biết lời mời ông Trump tới Anh trong chuyến thăm cấp nhà nước đã được chấp nhận và thông tin chi tiết sẽ được đưa ra vào đúng thời điểm.

Một quan chức Anh nói không có kế hoạch chắc chắn nào được ấn định cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump tới Anh. Quan chức thứ hai cũng không biết gì về kế hoạch của ông Trump đến thăm Anh trong tương lai gần.

Bà May gửi lời mời tới ông Trump trong chuyến thăm Washington vào tháng 1, nhưng ngày giờ cụ thể chưa được công bố. Truyền thông đã đưa tin rằng chuyến đi đã bị lùi lại vì những lo ngại biểu tình có thể nổ ra.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-my-trump-khong-co-ke-hoach-tham-anh-trong-tuong-lai-gan/3926700.html

 

Cảnh sát: Xe tông 10 người bị thương gần sân bay Boston

Cảnh sát Bang Massachusetts cho biết vụ tai nạn làm bị thương 10 người đi bộ gần sân bay Boston không có vẻ là hành động cố ý.

Một quan chức cảnh sát nói họ tin rằng vụ tai nạn này là do “lỗi người điều khiển,” trong đó người lái xe đạp chân ga thay vì phanh. Quan chức cảnh sát này không được phép bình luận công khai và trả lời hãng tin AP với điều kiện giấu tên.

Tài xế lái xe taxi 56 tuổi tông người đi bộ trong khu vực xe taxi xếp hàng vào chiều thứ Hai gần Sân bay Quốc tế Logan ở Đông Boston. Phát ngôn viên cảnh sát cấp bang David Procopio nói 10 người bị thương, một số người bị thương nặng.

Ông Procopio cho biết dựa trên điều tra sơ bộ, “không có thông tin cho thấy vụ tai nạn là cố ý.”

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-xe-tong-10-nguoi-bi-thuong-gan-san-bay-boston/3926657.html

 

Cảnh sát Mỹ dùng drone giữ an ninh trong Lễ Độc Lập

Trong lúc các thành phố trên khắp Hoa Kỳ đang chuẩn bị kỷ niệm ngày quốc khánh, các cơ quan công lực địa phương và các giới chức liên bang đang cùng làm việc để đảm bảo an toàn cho dịp lễ.

Dự kiến sẽ có hơn ba triệu người xem chương trình bắn pháo hoa lớn nhất nước Mỹ tại thành phố New York vào ngày 4/7.

Mặc dù Sở Cảnh sát New York nói “không có mối đe dọa đáng kể” nào về một cuộc tấn công trong các lễ hội, thị trưởng Bill de Blasio cho biết công tác chống khủng bố và các “cảnh sát vũ trang” sẽ được triển khai.

Thủ đô Washington dự kiến cũng sẽ có hàng trăm ngàn người tham gia các sự kiện của dịp lễ, bao gồm chương trình pháo hoa và buổi hòa nhạc tại Điện Capitol. Cảnh sát trưởng của thủ đô, Peter Newsham, tuần rồi cho biết không có mối đe dọa nào đối với lễ hội, nhưng cảnh sát sẽ “triển khai toàn bộ”.

Một ngày trước khi diễn ra các sự kiện theo kế hoạch, cảnh sát đã bố trí các rào chắn dọc quảng trường quốc gia ở thủ đô Washington. Nhiều trạm kiểm soát an ninh đã được thiết lập.

Cảnh sát ở Boston cũng cho biết họ sẽ có mặt khắp nơi trong dịp lễ, dù cho tới nay không hề có mối đe dọa an ninh nào.

Giới công lực địa phương sẽ phối hợp với FBI sử dụng drone (máy bay không người lái) để theo dõi an ninh ở các đám đông và các hoạt động trong chương trình bắn pháo hoa Boston Pops Fireworks Spectacular trên sông Charles, dự kiến thu hút khoảng 500.000 khán giả.

Hồi đầu năm nay, cảnh sát cũng đã sử dụng drone để giám sát đám đông tại cuộc chạy mararthon ở Boston, nơi đã xảy ra vụ đánh bom vào năm 2013 khiến 3 người thiệt mạng và hang trăm người bị thương.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-my-dung-drone-giu-an-ninh-trong-le-doc-lap/3926475.html

 

Tập Cận Bình: Hy vọng Mỹ giải quyết Đài Loan hợp lý

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (3/7) rằng Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ có thể giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hợp lý, phù hợp với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, truyền thông Trung Quốc cho biết.

Trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo, Chủ tịch Trung Quốc nói “Kể từ cuộc gặp với Tổng thống tại Mar-a-Lago, mối quan hệ Mỹ-Trung đã đạt được những kết quả quan trọng”, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tường thuật. “Nhưng đồng thời, quan hệ song phương cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố tiêu cực. Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm của mình đối với Hoa Kỳ”.

Phát biểu của ông Tập tiếp theo sau những bất bình của Bắc Kinh về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số ngân hàng Trung Quốc vì giao dịch với Bắc Triều Tiên và gần đây nhất là vụ tàu khu trục Mỹ di chuyển trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Báo cáo về buôn người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới công bố hồi tuần rồi cũng hạ thấp vị trí của Trung Quốc trong nỗ lực chống tệ nạn này.

Vẫn theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập còn nói với ông Trump rằng Bắc Kinh mong muốn Washington tiếp tục quản lý các mối quan hệ dựa trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”, loại bỏ các mối quan hệ chính thức với Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình.

Không rõ liệu những vấn đề trên có được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức vào tuần này, nơi ông Trump và ông Tập sẽ có một cuộc họp song phương, hay không.

Nhưng có vẻ như Trung Quốc hiện đang chống lại áp lực từ phía Hoa Kỳ, tạo cơ sở cho một cuộc đối đầu tiềm ẩn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và phá vỡ “hòa bình, an ninh và trật tự của vùng biển liên quan” sau khi tàu khu trục Mỹ USS Stethem ngày 2/7 đi vào khu vực 12 hải lý (22 km) của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, ông Trump và các trợ lý hàng đầu đã không che giấu sự tức giận đối với điều mà họ cho là sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Tháng trước, ông Trump đánh tiếng về sự mất kiên nhẫn của mình. Ông viết trên Twitter rằng đề nghị của ông về việc Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng “đã không hiệu quả”.

(Theo Reuters, AP)

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-hy-vong-my-giai-quyet-dai-loan-hop-ly/3926451.html

 

Trump điện đàm với đồng minh châu Âu trước thượng đỉnh G20

Hôm thứ Hai (3/7), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với lãnh đạo của ba nước đồng minh châu Âu: Đức, Pháp và Ý, trước chuyến công du tới hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này ở Hamburg, Đức.

Trong những bình luận đầu tiên trên trang Twitter, ông Trump không đưa gợi ý nào về nội dung mà ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni.

Bà Merkel nói bà hy vọng các lãnh đạo thế giới tại cuộc họp G20 sẽ nhất trí về nhu cầu cấp thiết của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang diễn ra, nhưng có thể sẽ không đồng ý về các vấn đề khác.

Bà nói rằng ông Trump đang đối nghịch với các lãnh đạo toàn cầu khác về một số vấn đề, có lẽ đáng chú ý nhất là việc rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận quốc tế Paris năm 2015 nhằm kiềm chế phát thải khí nhà kính trong những năm tới.

Trước khi đến hội nghị thượng đỉnh, ông Trump cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm Chủ nhật để thảo luận về mối đe dọa của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-dien-dam-voi-dong-minh-chau-au-truoc-thuong-dinh-g20/3926407.html

 

Bà Thatcher từng muốn

Đài Loan nhận đỡ nạn kiều VN năm 1979

Vụ ‘nạn kiều’ hồi cuối thập niên 1970, lên tới đỉnh điểm là Chiến tranh Biên giới đầu năm 1979, đã dẫn đến làn sóng di tản ồ ạt của người Việt gốc Hoa ra khỏi Việt Nam.

Con số người Hoa muốn ra đi, theo số liệu mà đại diện Việt Nam đưa ra trong một hội nghị quốc tế ở Jakarta hồi 5/1979, là khoảng 600 ngàn người, trong lúc một số nguồn khác đưa ra con số tới gần một triệu.

Lao ra biển trên những chiếc thuyền, ghe thô sơ, thuyền nhân Việt Nam sau những ngày lênh đênh trôi nổi nếu may mắn không bỏ xác thì tới được các trại tị nạn trong vùng như ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Hong Kong, khi đó còn là thuộc địa của Anh, là một trong các điểm tiếp đón chủ yếu, trước khi người tỵ nạn được nước thứ ba tiếp nhận hoặc trả về Việt Nam.

Báo South China Morning Post tại Hong Kong viết hồi cuối năm 2016 nói rằng từ thập niên 1970 cho tới thập niên 1990, có hơn 230 nghìn thuyền nhân đã có mặt tại các trại tỵ nạn ở vùng lãnh thổ này.

Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân

Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Thủ tướng Anh khi đó, bà Margaret Thatcher đã có những thay đổi để từ thái độ lưỡng lự ban đầu tới việc ra quyết định đồng ý tiếp nhận nhiều thuyền nhân Việt Nam.

Bà thủ tướng thậm chí còn viết thư cho lãnh đạo một số nước khác để vận động giúp đỡ cho những người Việt tỵ nạn.

Có ít nhất 10 ngàn người sau đó đã được Anh đón nhận và cho định cư trong thời gian ba năm.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc, BBC Tiếng Việt giới thiệu với qu‎í vị lá thư của bà Margaret Thatcher gửi Thủ tướng Singapore L‎ý Quang Diệu về người tị nạn Đông Dương.

Thư đề ngày 29/5/1979, đóng dấu Tài Liệu Mật và đã được giải mật vào năm 2009.

Kính thưa Ngài Thủ tướng,

Tôi và các đồng nghiệp vô cùng lo lắng về gánh nặng ghê gớm mà chính phủ Việt Nam đang vứt ra thế giới bằng việc tống đi những người dân mà họ không muốn giữ, trong những điều kiện hoàn toàn thê thảm và thậm chí chết chóc. Số lượng các thuyền nhân – chủ yếu là người gốc Hoa – phải đi tìm chốn nương thân ở các nước lân cận là rất kinh khủng. Tôi đặc biệt quan ngại cho Hong Kong, nơi mà áp lực phát sinh từ dòng người mới tới đã làm nguy ngập thêm tình hình vốn đã nghiêm trọng do tình trạng nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, từ Trung Quốc sang.

Tôi không mấy nghi ngờ gì rằng làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục, bởi duy nhất lý do là chính phủ Việt Nam có vẻ quyết tâm đuổi toàn bộ người gốc Hoa đi. Nhiều người trong số này sẽ tìm cách tới Hong Kong. Thêm nữa, chúng tôi trông đợi là các tàu Anh sẽ cứu vớt thêm được những người bất hạnh này trên biển, và chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cứu giúp những sinh mạng đang lâm cảnh nguy khốn. Một số quốc gia đã tiếp nhận rất nhiều người tỵ nạn. Về phần mình, chúng tôi đã tiếp nhận 984 người. Tuy nhiên, có những nước như Đài Loan vẫn khăng khăng từ chối nhận cho dù các quốc gia này có đủ chỗ.

Tôi tin rằng Ngài sẽ đồng ‎quan điểm với tôi, rằng Đài Loan cần phải chia sẻ gánh nặng với thế giới bằng cách mở cửa đón nhận ít nhất là một số người gốc Hoa đang bị buộc phải rời khỏi một đất nước cộng sản áp bức như Việt Nam. Có một con tàu của Anh hiện đang đậu tại một cảng Đài Loan với gần 300 người tỵ nạn trên khoang. Hầu hết trong số này là trẻ em. Như Ngài biết, chúng tôi không có quan hệ chính thức với giới chức nơi đó. Trong tình hình này, vốn đang ngày càng xấu đi với làn sóng ồ ạt rời Việt Nam, tôi vô cùng trân trọng lời cố vấn và sự giúp đỡ của ngài.

Chúng tôi đang kêu gọi công khai Đài Loan hãy thể hiện tính nhân đạo mà nhiều quốc gia Á châu khác đã làm, và hãy tiếp nhận một số lượng người tỵ nạn với tỷ lệ thỏa đáng. Nếu như Ngài có thể mở đầu cho việc nhấn mạnh vấn đề bằng một lời kêu gọi riêng để giới chức Đài Loan hồi đáp quan ngại của thế giới thì rất quí.

Tôi rất mong được biết những quan điểm cấp bách của Ngài và những nội dung mà Ngài có thể nêu ra với Đài Loan.

Kính thư,

Margaret Thatcher

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40495650

 

Mạng lưới điệp viên Nga cài cắm ở Mỹ

Là cựu Cục trưởng Cục S thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), phụ trách chương trình điệp viên chìm, huyền thoại tình báo Yuri Drozdov nắm rõ tất cả những gì cần thiết để đào tạo nhân viên tình báo “nhân dạng giả” hoạt động ở nước ngoài.

Những điệp viên này học cách nói, nghĩ và cư xử, thậm chí một cách vô thức, cũng phải giống hoàn toàn những công dân Mỹ, Anh, Đức hay Pháp mà họ sẽ đóng giả khi đặt chân đến các nước đó.

Yuri Drozdov, sinh ngày 19.9.1925 tại Minsk, trong một gia đình quân nhân.

Ông tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Quân sự và bắt đầu hoạt động tình báo từ năm 1957 dưới danh nghĩa một viên thanh tra người Đức tên là Claynert ở Berlin.

Vadim Alekseevich Kirpichenko, người tiền nhiệm của ông Drozdov tại Cục S, miêu tả các điệp viên “bất hợp pháp” là các điệp viên “nhân tạo được chúng tôi tạo ra”.

Những phẩm chất của những ứng viên điệp viên chìm là “sự dũng cảm, tập trung, ý chí mạnh mẽ, khả năng dự báo nhanh chóng nhiều tình huống khác nhau, khả năng chịu được căng thẳng, khả năng thông thạo ngoại ngữ xuất sắc, thích nghi tốt với điều kiện sống hoàn toàn mới, và sở hữu kiến ​​thức ngành nghề có cơ hội kiếm ra việc làm”, ông Kirpichenko cho biết.

Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô

Đặng Tiểu Bình ‘hiểu rõ lãnh đạo VN’ hơn Liên Xô

Các nữ điệp viên Bắc Hàn nổi tiếng

Người suốt đời mang hộ chiếu Liên Xô

Nhân dạng giả

Các điệp viên của KGB ở Mỹ và nhiều nước khác thường đi lang thang quanh các nghĩa trang, tìm kiếm những đứa bé đã chết có độ tuổi trùng với những người đang được đào tạo để trở thành điệp viên nước ngoài.

Đó là phương pháp hiệu quả để đánh cắp danh tính thật ở thời đại tiền internet.

Sau khi tìm được đối tượng phù hợp, một tiểu sử “ảo” chi tiết sẽ được “phù phép”, cùng các giấy tờ cần thiết như giấy khai sinh để biến điệp viên Liên Xô thành công dân của một nước nào đó.

Các nhà thờ sẽ được trả tiền để sửa sổ sách và xóa đi phần ghi chép về thông tin tử vong của đối tượng.

Đây là công việc tốn kém và đòi hỏi sự thận trọng cũng như xét tuyển nghiêm ngặt.

Thậm chí, việc nói tiếng Nga trong khi mơ ngủ cũng là lý do để một ứng viên tiềm năng có thể bị loại.

Cháu nội Stalin nghĩ gì về ông mình?

Nước Nga: 25 năm thăng trầm

Không hưởng miễn trừ ngoại giao

Huyền thoại tình báo Yuri Dozdov vừa qua đời vào ngày 21/6/2017, thọ 91 tuổi.

Sự ra đi của ông đã kết thúc cuộc đời của một huyền thoại khét tiếng từng trải qua hàng chục năm trên cương vị lãnh đạo cấp cao của KGB.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2010, ông Drozdov đã mô tả về một cặp “điệp viên bất hợp pháp” gồm một nam và một nữ. Họ được cử đến Mỹ qua ngả Tây Đức và đóng vai một cặp vợ chồng.

“Khi làm việc ở New York, tôi thỉnh thoảng lái xe đến con phố nhà hai vợ chồng này, và chỉ nhìn qua cửa sổ”, ông Drozdov nói với báo Rossiiskaya Gazeta.

Tuy nhiên, không ai được tiếp xúc với các điệp viên này vì rủi ro quá lớn.

Không giống các điệp viên “hợp pháp” – những người được cử ra nước ngoài dưới vỏ bọc ngoại giao hoặc bảo trợ chính thức khác, điệp viên “bất hợp pháp” sống và làm việc như người bình thường ở những khu vực ngoại ô.

Do đó họ cũng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như các điệp viên khác nếu bị bắt giữ.

Thông tin thu thập được từ những điệp viên chìm này sẽ được tập hợp lại và chuyển tới tay người phụ trách thông qua các phương tiện bí mật

Điều này bao gồm các vị trí giao nhận bưu tín bí mật – nơi hai người có thể trao đổi tài liệu mà không cần gặp mặt, qua radio điện đàm hoặc các cuộc gặp kín ở nước ngoài.

Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?

Người đàm phán và ‘cầu gián điệp’

Cầu Glienicke bắc qua sông Havel, nối biên giới Đông và Tây Đức được giới truyền thông gọi là “cầu gián điệp” vì Liên Xô và Mỹ nhiều lần dùng cầu này để trao đổi điệp viên bị bắt.

Vào thập niên 40 và 50, Rudolf Abel là một tình báo Liên Xô ở Mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là một nhiếp ảnh gia tại New York.

Ông được cho là người giúp Liên Xô đánh cắp bí mật hạt nhân, và bị FBI bắt và kết án 30 năm tù vào năm 1957.

Sau 5 năm ngồi tù tại Mỹ, ngày 10/2/1962, Rudolf Abel, đã được trao đổi tại cầu Glienicke biên giới giữa Đông và Tây Đức lấy một phi công Mỹ Francis Gary Powers.

Yuri Drozdov, khi đó là một nhân viên KGB trẻ tại Đông Đức, đã giúp đàm phán và dàn xếp việc trao đổi điệp viên nói trên.

Câu chuyện này đã được đạo diễn lừng danh Holywood Steven Spielberg dựng thành phim năm 2016.

‘Di sản không thể đếm hết’

Gần đây, vào năm 2010, nhóm 10 điệp viên ẩn của Nga đã bị bắt tại New York, Mỹ. Hai người trong số họ sống như vợ chồng với nhau và đã có con cái trưởng thành.

Một trong số đó là Ana Chapman, một điệp viên nữ xinh đẹp được cho là được đào tạo để gài ‘bẫy tình’ đối với các thành viên nội các Chính phủ Hoa Kỳ.

Anna sang Mỹ và tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản ở Manhattan, New York.

Ban đêm, Anna thường xuyên có mặt ở các sàn nhảy, hộp đêm sôi động nhất thành phố. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đây chính là vỏ bọc hoàn hảo cho các hoạt động bí mật của Anna tại Mỹ.

Vẫn còn nhiều bí mật về chương trình “điệp viên bất hợp pháp”, nhất là về số lượng thành viên, chưa được tiết lộ.

Người ta ước tính rằng Liên Xô đã đào tạo hàng trăm điệp viên như vậy trong thời Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù Liên Xô đã sụp đổ và việc triển khai những điệp viên ẩn để thu thập thông tin cũng như tiếp cận các nhân vật quyền lực đã không còn mang lại nhiều hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, nhưng chương trình “điệp viên bất hợp pháp” được cho là chưa kết thúc.

Di sản của huyền thoại tình báo Drozdov vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40494709

 

Đức hối thúc Trung Quốc

cho Lưu Hiểu Ba đi nước ngoài chữa bệnh

Đức hôm thứ Hai hối thúc Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba được đi nước ngoài để chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhắc lại những lời kêu gọi tương tự từ Liên minh Châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến này bị bệnh quá nặng không rời khỏi đất nước được, nhưng hôm thứ Hai bạn của ông Lưu và nhà bất đồng chính kiến Hồ Gia nói một đoạn video xuất hiện trên YouTube vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu dường như đang trong tình trạng ổn định.

“Chúng tôi hoan nghênh việc ông Lưu Hiểu Ba được phóng thích để được điều trị y tế,” phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói, lưu ý về tin tức cho biết có những yêu cầu để hai vợ chồng ông Lưu được đi nước ngoài. “Chính phủ tin rằng trong tình thế khó khăn như vậy, một giải pháp nhân đạo cho ông Lưu Hiểu Ba nên là ưu tiên hàng đầu.”

Ông Lưu là nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt sau khi viết Hiến chương ’08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho chiến dịch đấu tranh của ông vì dân chủ và nhân quyền.

Có được thông tin đáng tin cậy, độc lập về tình trạng của ông Lưu và mong muốn đi nước ngoài của ông là điều khó khăn, vì ông và vợ, Lưu Hà, đã bị chính quyền cô lập nên bạn bè và giới truyền thông không thể tiếp cận.

Dù hai vợ chồng chưa công khai bày tỏ ý muốn ra nước ngoài, bạn bè của họ tin rằng họ muốn đi, dựa trên những điều mà trước đây bà Lưu Hà đã cho bạn bè của bà biết.

Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù về tội “kích động lật đổ quyền hành nhà nước.” Luật này thường bị nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để làm im tiếng những nhà bất đồng chính kiến.

https://www.voatiengviet.com/a/duc-hoi-thuc-trung-quoc-cho-luu-hieu-ba-di-nuoc-ngoai-chua-benh/3927760.html

 

IS bị dồn vào đường cùng ở Mosul,

Iraq chuẩn bị mừng chiến thắng

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang chiến đấu để bám víu vào những đường phố cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ ở khu Phố Cổ của Mosul hôm thứ Hai, là nỗ lực cuối cùng trước khi sắp sửa bị quân đội Iraq đánh bật khỏi nơi từng là cứ địa của họ.

Trong chiến sự ác liệt, các đơn vị quân đội Iraq đã dồn phiến quân trở lại vào một khu hình chữ nhật đang thu hẹp với kích cỡ không quá 300 nhân 500 mét cạnh sông Tigris, theo một bản đồ được văn phòng truyền thông quân đội công bố.

Khói bao trùm một số nơi trong Phố Cổ, bị rung chuyển bởi các cuộc không kích và những đợt pháo kích nã vào suốt buổi sáng.

Số lượng những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) chiến đấu tại Mosul đã giảm từ mức hàng ngàn người vào lúc khởi sự cuộc tiến công của chính phủ cách đây hơn tám tháng xuống chỉ còn vài trăm người.

Lực lượng Iraq nói họ dự liệu sẽ tới được sông Tigris và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố trước cuối tuần này. Thủ tướng Haider al-Abadi dự kiến sẽ đến Mosul chính thức tuyên bố chiến thắng, và một tuần lễ ăn mừng trên toàn quốc đã được lên kế hoạch.

Mosul tính tới thời điểm này là thành phố lớn nhất mà IS chiếm cứ. Tại đây gần ba năm trước, IS đã tuyên bố sáng lập lãnh địa “caliphate” của họ trên một số phần lãnh thổ thuộc Iraq và Syria.

Mosul thất thủ, lãnh thổ của IS ở Iraq sẽ chỉ giới hạn trong các khu vực ở phía tây và nam của thành phố nơi hàng chục ngàn thường dân cư trú.

“Chiến thắng đang gần kề, chỉ cách các lực lượng an ninh mỗi 300 mét từ sông Tigris,” phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Yahya Rasool, nói trên truyền hình nhà nước.

Thủ tướng Abadi tuyên bố sự cáo chung cho “nhà nước của sự giả trá” của Nhà nước Hồi giáo thứ Năm tuần trước, sau khi các lực lượng an ninh chiếm giáo đường Hồi giáo thời trung cổ al-Nuri Lớn.

Chính tại nơi này, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất xuất hiện trên video, tuyên bố ông ta là “caliph” – người cai trị nhà nước Hồi giáo thần quyền – vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Với lãnh thổ đang co cụm nhanh chóng, tổ chức khủng bố này đã tăng cường các vụ tấn công tự sát nhắm vào một số nơi ở Mosul do lực lượng Iraq kiểm soát và những nơi khác.

Truyền hình nhà nước Iraq cho biết hàng ngàn người đã tháo chạy khỏi khu Phố Cổ đông dân của Mosul trong 24 giờ qua.

Nhưng hàng ngàn người được cho là vẫn còn đang mắc kẹt trong khu vực này với ít thức ăn, nước uống và thuốc men, và trên thực tế đang bị dùng làm lá chắn sống, theo lời những cư dân đã trốn thoát.

Chiến tranh kéo dài hàng tháng trời trong khu đô thị đã buộc 900.000 người, khoảng phân nửa dân số của thành phố trước chiến tranh, phải tản cư và làm hàng ngàn người thiệt mạng.

Baghdadi đã để lại chiến sự ở Mosul cho các chỉ huy địa phương và được cho là đang lẩn trốn gần biên giới Iraq-Syria, theo các nguồn tin quân đội của Mỹ và Iraq.

https://www.voatiengviet.com/a/is-bi-don-vao-duong-cung-o-mosul-iraq-chuan-bi-mung-chien-thang/3926838.html

 

Macron hứa

đem lại ‘thay đổi sâu sắc’ trong nền chính trị Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ giữ lời hứa lúc tranh cử để đem lại những thay đổi sâu sắc ở Pháp trong một phiên họp chung của Quốc hội Pháp hôm thứ Hai tại Điện Versailles.

Một trong những biện pháp đầu tiên của ông là bãi bỏ tình trạng khẩn cấp đã được áp đặt tại Pháp kể từ năm 2015, nhưng ông hứa sẽ thắt chặt các biện pháp an ninh để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các mối đe dọa khác.

Ông Macron nói rằng chính phủ của ông sẽ “làm việc để ngăn chặn bất kỳ vụ tấn công mới nào, và chúng tôi sẽ làm việc để chống lại [những kẻ tấn công] không thương xót, không hối tiếc, không mềm yếu.”

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “đảm bảo sự tôn trọng hoàn toàn đối với những quyền tự do cá nhân” giữa những lo ngại rằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn sẽ cho cảnh sát quá nhiều quyền lực.

Tổng thống Pháp mới đắc cử gần đây cũng nói về sự hứa hẹn của Châu Âu, rằng ông hiểu vì sao nhiều người vẫn hoài nghi Liên minh Châu Âu, nhưng ông tin tưởng sâu sắc vào tương lai của nó. Ông Macron loan báo những hội nghị công cộng toàn Châu Âu vào một thời điểm sau đó trong năm nay nhằm tiếp thêm sinh lực cho khối, đặc biệt là sau sự kiện Anh quyết định rời bỏ.

Ông Macron cũng nói về hệ thống chính trị của Pháp, đề xuất cắt giảm một phần ba số ghế trong Quốc hội cùng với các biện pháp khác nhằm làm cho quá trình lập pháp có hiệu năng cao hơn.

Ông hứa sẽ thông qua đề xuất cắt giảm ghế quốc hội trong vòng một năm, hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này nếu không thông qua được.

Ba đảng tẩy chay sự kiện này và chỉ trích “chế độ quân chủ tổng thống” của ông Macron.

Đảng tương đối mới của ông Macron giành được đa số áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội với số cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, dẫn tới nỗi lo sợ rằng ông và đảng “La République en Marche !” (Nền Cộng hòa Tiến Tới!) đang nắm giữ quá nhiều quyền lực ở Paris. Những người chỉ trích cũng nói rằng sự kiện này quá xa hoa và tốn kém

https://www.voatiengviet.com/a/macron-hua-dem-lai-thay-doi-sau-sac-trong-nen-chinh-tri-phap/3926829.html

 

Mỹ không còn là ‘bạn’

trong chương trình tranh cử của Thủ tướng Đức

Trong chương trình vận động tranh cử cho cuộc bầu cử ở Đức, những thành viên bảo thủ trong Đảng của Thủ tướng Angela Merkel đã bỏ đi từ “bạn” khi họ mô tả mối quan hệ với Mỹ.

Bốn năm trước, chương trình chung của đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) và đảng chị em của họ là Liên minh Xã hội Kitô giáo (CSU), nhắc tới Mỹ là “người bạn quan trọng nhất” của Đức ngoài Châu Âu.

Chương trình năm 2013 cũng mô tả “tình bạn” với Washington là “nền tảng” của các mối quan hệ quốc tế của Đức và nói về việc củng cố các mối quan hệ kinh tế xuyên Thái Bình Dương thông qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, các từ “bạn” và “tình bạn” đã biến mất khỏi chương trình bầu cử mới nhất – mang tựa đề “Vì một nước Đức nơi chúng ta sống tốt và hạnh phúc.” Bà Merkel và ông Horst Seehofer, lãnh đạo đảng CSU, giới thiệu chương trình này hôm thứ Hai trước ngày bầu cử 24 tháng 9.

Thay vào đó, Mỹ được mô tả là “đối tác quan trọng nhất” của Đức ngoài Châu Âu. Các quan chức CDU chưa bình luận gì về sự thay đổi từ ngữ này.

Sự thay đổi từ ngữ cho thấy mối quan hệ giữa Berlin và Washington đã xấu đi tới mức nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng vào tháng 1.

Khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Trump nói rằng bà Merkel đang “hủy hoại” nước Đức bằng các chính sách di cư mà ông mô tả là “điên rồ.”

Ông đã nhiều lần đả kích thặng dư thương mại của Đức với Mỹ, cáo buộc Berlin và các đối tác Châu Âu khác thiếu NATO “những khoản tiền khổng lồ,” và khiến các đối tác phương Tây bất an khi ông quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris vào tháng trước.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tuần trước cho thấy chỉ có 35 phần trăm người Đức có quan điểm tích cực về Mỹ, giảm từ mức 57 phần trăm vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Bà Merkel theo lịch trình sẽ tiếp đón ông Trump và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Hamburg vào cuối tuần này.

https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-con-la-ban-trong-chuong-trinh-tranh-cu-cua-thu-tuong-duc/3926715.html

 

“Khát” năng lượng,

Trung Quốc đánh cược vào khí mêtan hydrat ở Biển Đông

Ngày 18/05/2017, Trung Quốc thông báo thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí mêtan hydrat (đôi khi còn được gọi là « đá cháy »hay « băng cháy ») ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 07/2017, hơn 235.000 mét khối mêtan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km phía đông nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).

Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là « một bước tiến lịch sử » sau gần hai thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP, trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá : « Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò « đá cháy » bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử ».

Theo tuyên bố ngày 02/06/2017 của bộ Lãnh Thổ và Tài Nguyên, được Xinhua.net trích dẫn, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỉ tấn « đá cháy ». Khoảng 8.350 mét khối nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi đông nam thành phố Châu Hải.

Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ hai thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm « đá cháy », một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được « đá cháy » trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.

Thành công của Trung Quốc : Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá ?

Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là « một bước tiến lịch sử ». Thế nhưng, trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi liệu thành công này sẽ giúp Bắc Kinh tiến hành một cuộc cách mạng năng lượng hay đó chỉ là một dự án quảng bá ?

Trả lời trang Sputnik, chuyên gia Nga Igor Iouchkov, thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh Năng lượng, cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phá lịch sử trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh : « Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất « đá cháy », nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trọng. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác « đá cháy » nói chung ».

Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iouchkov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải : Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.

Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai ?

« Đá cháy » được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.

Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, 1 mét khối mêtan hydrat có thể tỏa 164 mét khối khí mêtan và 0,8 mét khối nước.

Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả « khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết » (như dầu hỏa, than đá…).

Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ « đá cháy ». Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể « làm thay đổi cán cân » đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.

Giảng viên Ingo Pecher, thuộc đại học Khoa Học, đại học Auckland, Úc, nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản : « Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng ». Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ sáu năm nay, sau thảm họa Fukushima.

Tiềm năng rất lớn

« Đá cháy » được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được.

Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía đông nước này. Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mêhicô.

Nhưng để sản xuất một cách khả thi về mặt kinh tế thì sẽ còn cần « khoảng 10 năm », theo ước tính của ông Paul Duerlo, tổng giám đốc văn phòng cố vấn Boston Consulting Group, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia Trung Quốc, loại đá cháy có thể trở thành một nguồn năng lượng sinh lợi « trong khoảng những năm 2030 ».

Ông Duterlo giải thích : « Người ta biết các mỏ năng lượng này nằm ở đâu, người ta có công nghệ cần thiết, nhưng mức sản xuất từ các giếng này vẫn còn chưa khả thi về mặt thương mại do giá thành hiện nay ».

Một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính, theo giải thích của giáo sư An Khắc (Yuan Xu), thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, đại học Hồng Kông. Dẫu sao, vẫn theo giáo sư An Khắc, loại nhiên liệu này vẫn là « tiềm năng lớn » nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170704-khat-nang-luong-trung-quoc-danh-cuoc-vao-khi-metan-hydrat-o-bien-dong

 

Irak: Daech tung chiến binh tự sát

cản đường quân chính phủ ở Mossul

Mai Vân

Dù đã tiến vào được khu phố cổ của thành phố Mossul, quân đội Irak, vào ngày 04/07/2017, vẫn tiến bước một cách khó khăn. Theo hãng tin Pháp AFP, nguyên nhân là lực lượng thánh chiến cố thủ tại đấy đã tăng cường các cuộc tấn công khủng bố tự sát nhằm cản đường địch thủ.

Theo giới quan sát, đây là giai đoạn tối hậu của chiến dịch tấn công tái chiếm Mossul, thành phố lớn thứ nhì Irak, mở ra cách đây 8 tháng. Quân đội Irak đã chiếm được đa phần thành phố, còn quân thánh chiến bị dồn vào một khu vực nhỏ ở phía tây thành phố cổ. Nhưng trước mắt quân đội Irak đang gặp phải sức kháng cự mãnh liệt.

Phóng viên AFP tả cảnh giao tranh trong khu vực đền thờ al-Nouri, với các thành phần thánh chiến nấp trong các khu nhà, trong lúc máy bay bắn vào nhà chung quanh.

Theo Sami al-Aridhi, một sĩ quan thuộc lực lượng chống khủng bố Irak, hiện còn khoảng vài trăm chiến binh thánh chiến trong khu phố cổ và từ 3 ngày qua, họ đã gia tăng tấn công khủng bố tự sát, nhất là do phụ nữ tiến hành. Trước đây, theo ông al-Aridhi, quân thánh chiến thường chỉ bắn tỉa và sử dụng bom.

Hôm 02/07 chẳng hạn, các phần tử Hồi Giáo cực đoan đã tiến hành 17 vụ tấn công tự sát, trong đó có 4 vụ do phụ nữ thực hiện. Một hôm sau, các vụ khủng bố tiếp diễn với 2 phụ nữ tự sát. Trong số những kể liều chết, có cả các thiếu nữ 12-14 tuổi.

Tuy nhiên, dù tiến bước khó khăn, nhưng ông al-Aridhi tin tưởng sẽ chiếm lại được toàn bộ thành phố Mossul trong vài ngày tới đây.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170704-irak-daech-tung-chien-binh-tu-sat-can-duong-quan-chinh-phu-o-mossoul

 

Lãnh đạo tình báo Đức lo ngại tin tặc Nga tấn công bầu cử

Trọng Thành

Ít ngày trước thượng đỉnh G20 tại Hambourg, với sự tham dự của tổng thống Nga, bộ Nội Vụ Đức bày tỏ lo ngại có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, ngày 24/09/2017 sẽ là đối tượng tấn công của tin tặc Nga.

Theo AFP, trả lời báo giới ngày 04/07/2017, lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa, Hans-Georg Maassen, khẳng định Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo ông Hans-Georg Maassen, có thể tổng thống Nga Putin « sẽ vui mừng với việc một lãnh đạo khác » kế nhiệm thủ tướng Merkel.

Phát biểu nói trên được đưa ra nhân dịp giới thiệu cơ quan phản gián Đức – tên gọi chính thức là Cơ Quan Bảo Vệ Hiến Pháp Đức – công bố báo cáo thường niên. Báo cáo nhấn mạnh đến việc « email cá nhân » có thể bị xâm nhập, « các thông tin nhạy cảm » của các chính trị gia Đức bị đánh cắp và thông tin có thể bị phổ biến « vào bất cứ lúc nào ».

Theo lãnh đạo tình báo Đức, các vụ tấn công tin tặc có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có những hình thức rất « cổ điển như bóp méo thông tin, với các lời lẽ dối trá, những sự thật nửa vời, nhằm tác động đến công luận ». Theo ông Hans-Georg Maassen, cần phải đối phó lại các tấn công này với « thái độ điềm tĩnh, tái lập sự thật ».

Lãnh đạo tình báo Đức nhắc lại các cuộc tấn công tin học trong hai năm 2014 và 2015 nhắm vào Hạ Viện Đức, mà Nga bị nghi là thủ phạm. Vụ này hoàn toàn im ắng kể từ đó đến nay, nhưng theo ông Hans-Georg Maassen, một phần các thông tin bị đánh cắp có thể được công bố trong những tuần tới.

Tình báo Đức nhiều lần cáo buộc Matxcơva đứng sau các vụ tin tặc với mục tiêu lấy cắp thông tin hoặc phá hoại, cụ thể là trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, chống lại ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, hay trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp đầu năm 2017, khi hàng nghìn trang tài liệu của ê kíp tranh cử của tổng thống tương lai Emmanuel Macron bị đưa lên mạng ngay trước vòng hai cuộc bầu cử. Nga thường xuyên bác bỏ cáo cuộc này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170704-lanh-dao-tinh-bao-duc-lo-ngai-tin-tac-nga-tan-cong-bau-cu

 

Hàng chục ngàn người lao động nhập cư chạy khỏi Thái Lan

Mai Vân

Hơn 60.000 người lao động nhập cư hoảng hốt rời Thái Lan trong những ngày qua, để tránh bị cảnh sát bắt giữ và bị phạt vạ nặng nề, sau khi các quy định mới về người lao động nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/06/2017. Tình trạng này đã buộc chính quyền Thái Lan phải tạm ngưng áp dụng một số điều khoản trong bộ luật đã ban hành.

Thông tín viên RFI, Carol Isoux tường thuật từ Bangkok :

“Giới lao động nhập cư đã hốt hoảng, nhất là những người Miến Điện, phần đông là thuộc sắc tộc Karen, cộng đồng thiểu số sống ở biên giới Miến Điện-Thái Lan.

Tại Thái Lan, những người Karen này làm công việc chân tay : khuân vác ngoài chợ, lao động trong các công trường xây cất, trợ giúp việc nhà… Cùng với người Cam Bốt và Lào, họ chiếm phần quan trọng trong số nhân công trên thị trường Thái Lan. Một số người đã lớn lên trong các trại tị nạn ở vùng biên giới và phần lớn cuộc sống là ở Thái Lan.

Quy định mới của chính phủ Thái Lan về người lao động nhập cư được đưa ra vài ngày sau báo cáo của Mỹ về tình trạng buôn người, và Thái Lan lại bị liệt vào danh sách “học trò kém cỏi”.

Những thông báo của chính quyền Thái Lan thường không có hiệu quả lâu dài. Vào năm 2014, cũng trong tình hình tương tự, hàng trăm ngàn người lao động Cam Bốt đã trở về nước, nhưng vài tháng sau, đã thấy họ quay trở lại Thái Lan.

Đường dây người lao động nhập cư bất hợp pháp mang lợi không nhỏ, không chỉ cho kẻ tổ chức mà còn cho một số viên chức ở vùng biên giới. Và để tránh tình hình hốt hoảng hỗn loạn, chính quyền Bangkok vừa cho một kỳ hạn 120 ngày để người lao động không giấy tờ hợp thức hóa tình trạng của họ”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170704-hang-chuc-ngan-nguoi-lao-dong-nhap-cu-chay-khoi-thai-lan

 

Syria : Tuyến phòng thủ của Daech tại Raqqa bị chọc thủng

Trọng Thành

Hôm nay 04/07/2017, các chiến binh thuộc lực lượng FDS, bao gồm người Kurdistan và quân nổi dậy, được các oanh tạc cơ của liên quân hậu thuẫn, đã chọc thủng tuyến phòng ngự xung quanh khu phố cổ của Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Trung Đông (Centcom) cho biết, các đợt không kích đã phá hủy hai đoạn tường thành cổ, dài khoảng 25 mét mỗi đoạn, cho phép bên tấn công lọt được vào trong, với tổn thất sinh mạng ít nhất. Bộ chỉ huy Mỹ cũng cho biết toàn bộ phần còn lại của thành cổ dài tổng cộng 2.500 mét, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, vẫn được bảo tồn.

Theo liên quân, khoảng 2.500 quân thánh chiến đang cố thủ tại Raqqa. Còn theo Liên Hiệp Quốc, gần 100.000 thường dân bị kẹt lại trong thành phố này.

Chiến dịch giải phóng Raqqa được khởi sự từ tháng 11/2016. Ngày 6/6/2017, FDS lọt được vào thành phố và chiếm được nhiều khu phố đông và tây của Raqqa từ đó đến nay. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, hôm nay là trận đánh quan trọng nhất kể từ ngày 6/6, và đây là lần đầu tiên lực lượng FDS lọt được vào khu thành cổ, nơi cố thủ của Daech.

Đàm phán lần thứ 5 tại Astana

Tại Astana (Kazakhstan), vòng thương lượng thứ năm về Syria được khai mạc ngày 04/07, với trọng tâm là vấn đề an ninh tại Syria, và được tổ chức với sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của thương lượng lần này là nhằm tìm kiếm các biện pháp để thiết lập « các vùng giảm căng thẳng » tại Syria. Vòng thương lượng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày mai, thứ Tư, 05/07.

Trước phiên đàm phán, quân đội Syria tuyên bố đơn phương ngừng bắn từ ngày 2 đến ngày 6/7 tại các tỉnh Deraa, Qouneitra và Soudeia, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Khu vực này là một trong bốn vùng « giảm căng thẳng » dự kiến, cùng với tỉnh Idleb, một phần tỉnh Homs và vùng Gouta, do đối lập kiểm soát, bao quanh thủ đô Damas.

Kế hoạch lập các vùng giảm căng thẳng được nêu ra trong đợt thương lượng lần trước tại Astana hồi tháng 5. Đợt họp lần này diễn ra ngay trước vòng đàm phán tìm giải pháp chính trị cho xung đột Syria lần thứ bảy, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, dự kiến khai mạc ngày 10/07 tại Genève.

Xung đột Syria kéo dài hơn sáu năm nay, khiến hơn 320.000 người thiệt mạng, khoảng một phần ba dân cư của quốc gia 22 triệu dân phải đi lánh nạn, sáu triệu người phải sống dựa vào các cứu trợ nhân đạo quốc tế, chưa kể hàng trăm ngàn người khác bị thương.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170704-syria-tuyen-phong-thu-cua-daech-tai-khu-pho-co-raqa-bi-choc-thung

 

Nga – Trung hợp lực đối đầu với Mỹ

Thanh Phương

Trước khi đặt chân đến Matxcơva ngày 03/07/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho thông tấn xã Nga Itar-Tass một cuộc phỏng vấn, trong đó ông tập trung nói về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ triển khai ở Hàn Quốc, vì ông biết đây là hồ sơ mà tổng thống Nga Vladimir Putin cũng rất quan ngại.

Đối với lãnh đạo họ Tập, việc triển khai THAAD đang « làm rối loạn thế cân bằng chiến lược trong khu vực »  « đe dọa đến lợi ích an ninh của toàn bộ các quốc gia trong vùng, trong đó có Trung Quốc và Nga ». Đây cũng là lập luận mà hai lãnh đạo Nga-Trung nhắc lại trong cuộc gặp không chính thức ngày 03/07, theo tin của Tân Hoa Xã.

Trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng vậy, trái ngược với thái độ cứng rắn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ trương nên « đối thoại và thương lượng » với chế độ Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp tại Matxcơva lần này là cuộc gặp thứ ba giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin chỉ riêng trong năm 2017. Cách đây chưa đầy một tháng, ngày 08/06, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan, bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Trước đó, vào tháng 5, ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Vladimir Putin nhân diễn đàn « Một vành đai, Một con đường » tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia. Tính từ khi lãnh đạo họ Tập lên nắm quyền năm 2013, trước cuộc họp thượng đỉnh hôm 04/07, hai ông đã gặp nhau tổng cộng 22 lần.

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này diễn ra bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh có phần nào căng thẳng, đặc biệt là do vấn đề Biển Đông sau khi Hoa Kỳ điều một chiến hạm đến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 02/07, khiến Trung Quốc tức giận, lên án Mỹ « khiêu khích quân sự và chính trị một cách nghiêm trọng ».

Khi nói chuyện với tổng thống Donald Trump qua điện thoại hôm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quan ngại là quan hệ Mỹ-Trung đang bị « một số yếu tố tiêu cực » gây cản trở, theo tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Đúng là ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn bực tức về việc chính phủ Mỹ vào tuần trước thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá tổng cộng 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan. Ấy là chưa kể việc cuối tháng trước chính quyền Mỹ ban hành trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc và một công ty Trung Quốc, bị xem là đã giúp chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng rất bực mình vì cứ bị tổng thống Trump chỉ trích là đã không có nỗ lực đầy đủ trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân và tên lửa của đồng minh Bình Nhưỡng.

Nhưng không chỉ về mặt địa chính trị, Bắc Kinh và Matxcơva thắt chặt quan hệ cũng là nhằm vào những lợi ích kinh tế. Hai thành viên quan trọng này của nhóm G20 dự trù ký một loạt hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla. Trao đổi mậu dịch của hai nước đã tăng 33% trong 5 tháng đầu năm nay, lên tới 32 tỷ đôla.

Như vậy, đã qua rồi thời kỳ tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng với ngoại trưởng Henry Kissinger khai thác thế đối địch Trung Quốc-Liên Xô để dùng nước này chống nước kia. Nay hai cựu đối thủ thời chiến tranh lạnh có vẻ như đang hợp lực với nhau để đối đầu với Hoa Kỳ và việc bày tỏ thái độ chống hệ thống lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc chỉ là một trong những biểu hiện của sự thay đổi đó trong quan hệ giữa ba cường quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170704-nga-trung-hop-luc-doi-dau-voi-my

 

Philippines :

Tòa Án Tối Cao chuẩn y thiết quân luật ở miền Nam

Mai Vân

Tòa Án Tối Cao Philippines ngày 04/07/2017 đã chuẩn y quyết định của tổng thống Rodrigo Duterte ban bố thiết quân luật tại miền nam nước này. Ông Duterte đã áp đặt luật quân sự tại Mindanao từ ngày 23/05, sau khi chiến sự bùng lên do vụ hàng trăm tay súng trương cờ màu đen của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo xông vào đánh chiếm một phần thành phố Marawi, và đến nay vẫn chưa bị tiêu diệt.

Phát biểu với nhà báo tại Manila, phát ngôn viên Toà Án Tối Cao Teodore Te khẳng định các thẩm phán đã ủng hộ với đa số áp đảo việc ban bố thiết quân luật, nhưng ông không cho biết lý do vì sao họ hậu thuẫn cho quyết định của chính quyền.

Theo tổng thống Philippines, việc ban bố thiết quân luật là điều cần thiết để chống lại lực lượng Hồi Giáo cực đoan, nhưng phe đối lập trong Nghị Viện Philippines đã cho rằng quyết định đó « hoàn toàn không có cơ sở thực tế đầy đủ », và đã yêu cầu Tòa Án Tối Cao phán quyết.

Trên chiến trường, các phần tử thánh chiến vẫn tiếp tục chiếm đóng một phần diện tích của thành phố Marawi, được xem là thủ phủ Hồi Giáo tại một nước có đa số người dân theo Công giáo.

Các thành phần tự nhận thần phục tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn bám trụ được, bất chấp chiến dịch tấn công của quân đội Philippines, được cả Mỹ hậu thuẫn.

Vào ngày 03/07, các quan chức Philippines tiết lộ rằng vẫn còn khoảng 1.500 dinh thự và ngôi nhà ở Marawi bị các phần tử thánh chiến chiếm giữ. Được không quân và pháo binh yểm trợ, có thêm sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, các đơn vị chính phủ Philippines đã phải chiếm lại từng ngôi nhà một.

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte từng lớn tiếng khẳng định là sẽ nhanh chóng đè bẹp cuộc nổi loạn, nhưng sức đề kháng của lực lượng thánh chiến dữ dội hơn dự kiến.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, thủ lãnh nhóm Hồi Giáo võ trang tấn công Marawi, Isnilon Hapilon, một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới, hiện vẫn còn sống, và ẩn náu trong một đền thờ Hồi Giáo.

Ông Lorenzana thừa nhận rằng không thể nói được khi nào quân đội chính phủ có thể chiếm lại được 1.500 cơ sở còn nằm trong tay các phần tử thánh chiến ở Marawi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170704-philippines-toa-an-toi-cao-chuan-y-thiet-quan-luat-o-mien-nam

 

Tòa Án Tối Cao Venezuela xét xử chưởng lý chống chính phủ

Hôm nay, 04/07/2017, Tòa Án Tối Cao Venezuela bắt đầu phiên xử bà chưởng lý ly khai Luisa Ortéga và bà có thể bị bãi nhiệm.

Theo người khởi xướng vụ kiện, dân biểu Pedro Carreno, thuộc đảng Xã Hội cầm quyền, bà Ortega đã phạm phải « những lỗi nghiêm trọng » khi thực thi nhiệm vụ và chức năng của mình. Trong khi chờ đợi ra tòa, chưởng lý Ortéga bị cấm xuất ngoại, toàn bộ tài sản của bà tại Venezuela bị phong tỏa.

Thực ra, theo AFP, việc chưởng lý Ortéga phải ra tòa là do bà đã có những phát biểu phê phán gay gắt nhắm vào tổng thống Nicolas Maduro, cùng phe với bà. Những chỉ trích này làm gia tăng rạn nứt giữa các nhóm trong phe cầm quyền, theo tư tưởng Chavez (làm tổng thống Venezuela từ năm 1999 và qua đời năm 2013).

Nếu bị Tòa Án Tối Cao kết tội, bà chưởng lý có nguy cơ bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, kết luận này phải có được sự chấp thuận của Quốc Hội mà phe đối lập chiếm đa số từ đầu năm 2016 và ủng hộ bà Ortega.

Ngày 31/03/2017, lần đầu tiên, chưởng lý Ortega lên tiếng tố cáo hành vi xóa bỏ « trật tự hiến định » sau Tòa Án Tối Cao thân chính quyền, tự tuyên bố đảm trách toàn bộ quyền lực của Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát. Hai ngày sau, quyết định này của Tòa Án Tối Cao đã bị hủy bỏ.

Cho dù vẫn còn được quân đội ủng hội, nhưng từ ba tháng nay, tổng thống Maduro phải đối mặt với làn sóng biểu tình mà nòng cốt là phe đối lập, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đòi ông phải từ chức. Cho đến hôm nay, 89 người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối.

Phe đối lập và bà chưởng lý Ortéga cũng phản đối dự án của tổng thống Maduro muốn thành lập một Quốc Hội lập hiến để củng cố quyền lực.

Ngày 03/07, phe đối lập thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức vào ngày 16/07 để cho thấy rõ là người dân quyết định « chấp nhận hay bác bỏ » dự án Quốc Hội lập hiến của tổng thống Maduro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170704-venezuela-toa-an-toi-cao-venezuela-xet-xu-chuong-ly-ly-khai-chong-chinh-phu

 

Thủ tướng Pháp trình bày lịch trình cải tổ trước Quốc Hội

Thanh Phương

Sau bài diễn văn long trọng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Quốc Hội lưỡng viện tại lâu đài Versailles ngày 03/07/2017, hôm nay, 04/07, đến lượt thủ tướng Edouard Philippe trình bày trước các dân biểu kế hoạch hành động của chính phủ, vạch ra lộ trình thực hiện các cải tổ.

Đây là bài diễn văn mà mỗi tân thủ tướng Pháp đều phải đọc trước Quốc Hội. Theo hãng tin AFP, các cải tổ mà ông Philippe trình bày phần lớn sẽ là về mặt kinh tế và xã hội, đặc biệt là cải tổ thị trường lao động để giải quyết nạn thất nghiệp tại Pháp. Chính phủ muốn ban hành các sắc lệnh, thay vì ra luật, để có thể nhanh chóng cải tổ luật lao động.

Nhưng chính phủ của thủ tướng Philippe phải đối đầu với một thách thức lớn, đó là cắt giảm thâm thủng ngân sách xuống đến mức 3%, theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu, có nghĩa là phải tiết kiệm tối đa để tìm ra 8 tỷ euro.

Sau bài diễn văn của thủ tướng Edouard Philippe, các dân biểu sẽ biểu quyết về sự tín nhiệm chính phủ. Kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ không có gì bất ngờ, vì chính phủ Philippe nắm đa số tuyệt đối tại Quốc Hội, gồm 314 dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron, và 47 dân biểu thuộc đảng cánh trung MoDem, đồng minh của đảng cầm quyền. Khoảng vài chục dân biểu cánh hữu có thể cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới.

Hôm qua, trong bài diễn văn long trọng trước lưỡng viện Quốc Hội ở lâu đài Versailles, tổng thống Emmanuel Macron đã hứa hẹn « một sự thay đổi sâu rộng », với những cải tổ quan trọng, như cắt giảm một phần ba số nghị sĩ của hai viện, sửa đổi thể thức bầu Quốc Hội.

Ông Macron còn loan báo sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố, cải tổ quyền tị nạn… Tổng thống Macron cũng xác nhận là tình trạng khẩn cấp ở Pháp, được ban hành sau loạt khủng bố tháng 11/2015, sẽ được dỡ bỏ vào mùa thu năm nay.

Tổng thống Pháp còn cho biết là kể từ nay, hàng năm ông sẽ lại ra trước Quốc Hội lưỡng viện để phát biểu và ông sẽ bỏ cuộc phỏng vấn truyền hình truyền thống ngày Quốc khánh Pháp 14/07.

http://vi.rfi.fr/phap/20170704-phap-thu-tuong-philippe-trinh-bay-lich-trinh-cai-to-truoc-quoc-hoi