Tin khắp nơi – 01/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/07/2017

Mỹ: nổ súng hộp đêm nhiều người bị thương

Ít nhất 17 người đã bị bắn tại một hộp đêm ở tiểu bang Arkansas, miền Nam Hoa Kỳ, theo cảnh sát.

Một người đang ở trong tình trạng nguy kịch, sau đó được thông báo là ổn định.

Nổ súng hộp đêm ở Mỹ: một người chết, 14 người bị thương

Nghi phạm nổ súng ở Florida bị bắt giữ

Tay súng vụ Orlando từng tới hộp đêm

Nhưng những người bị thương khác được thông báo là có mức độ không đe dọa tính mạng.

Nạn nhân trẻ nhất được cho là 16 tuổi.

Vụ đấu súng có vẻ đã diễn ra vào khoảng 02h30 giờ địa phương hôm thứ Bảy, 01/07/2017, tại một buổi biểu diễn âm nhạc.

Tuy nhiên, thông tin tức thời về nghi can hiện vẫn chưa có.

‘Không liên quan khủng bố’

Cảnh sát cho biết vụ việc có vẻ không liên quan đến khủng bố.

Cảnh sát được truyền thông Mỹ dẫn lời cho biết nhiều người đã trúng thương trong lúc cố gắng thoát khỏi hộp đêm có tên gọi Power Lounge.

Nổ súng đã xảy ra từ trước tại một số hộp đem tại Mỹ.

Cuối tháng Ba năm nay, một người thiệt mạng và ít nhất 14 người đã bị thương trong một vụ nổ súng tại một hộp đêm ở Ohio, cũng theo cảnh sát.

Ít nhất hai tay súng đã tham gia vào vụ việc tại hộp đêm có tên gọi Cameo Night Club, theo Sở Cảnh sát ở Cincinnati.

Đầu tháng Sáu năm ngoái, ít nhất 50 người được xác định đã thiệt mạng trong vụ nổ súng vào ban đêm tại một câu lạc bộ của người đồng tính nam ở Orlando, thuộc tiểu bang Florida.

Tay súng, có tên gọi là Omar Mateen, đã bị tiêu diệt sau khi bắt giữ con tin tại Pulse Club.

53 người khác đã bị thương trong vụ nổ súng gây thương vong nghiêm trọng này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40469064

 

Đài Loan ‘lạc quan’ về tàu hải quân Mỹ trở lại

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/6/2017 bày tỏ lạc quan sau khi Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một điều khoản nhằm tái lập các chuyến thăm thường xuyên của các tàu Hải quân Hoa Kỳ tới Cao Hùng hoặc “các cảng thích hợp khác” ở Đài Loan, thời báo Đài Bắc hôm 30/6 đưa tin.

Điều khoản này cũng cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiếp nhận các chuyến “thăm, đậu” của tàu Đài Loan ở khu vực thuộc phạm vi hoạt động của Bộ chỉ huy này.

Ủy ban Quân vụ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu cho phép việc trao đổi này như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ năm tới, mà sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét.

Mỹ tuyên bố bán 1,42 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan

Đài Loan tuyên bố sẽ tự chế tạo tám tàu ngầm mới

TQ ra mắt tàu chiến mới nhằm tăng sức mạnh quân sự

VN và TQ ‘không xử lý được bất đồng cơ bản’

“Động thái này cho thấy Hoa Kỳ coi trọng trao đổi quân sự với Đài Loan. Bộ Ngoại giao hoan nghênh mọi hình thức hợp tác nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Đài Loan và mang lại sự ổn định cho khu vực,” Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố.

Quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc làm tổn hại niềm tin song phương Mỹ – TrungĐại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải

Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan, phụ trách hoạt động tại các cảng biển của quốc gia, cho biết Bộ Quốc phòng có các bến riêng tại một số cảng.

Nếu các tàu quân sự từ các quốc gia khác cần dừng tại Đài Loan, họ sẽ phải liên lạc với Bộ Quốc phòng cho phép đậu tại bến tàu của Bộ này, Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan cho biết thêm và nói rằng các tàu quân sự sẽ không neo đậu tại các bến mà các tàu thương mại sử dụng.

Bộ Quốc phòng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của Công ty nếu bến tàu của họ không thể đón tàu chiến lớn hơn, hãng này bổ sung.

Thông điệp của Mỹ?

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có các cơ sở quân sự, theo Cảng vụ Đài Loan.

Một tàu sân bay nhỏ của Hoa Kỳ từng vào cảng Chi-lung trước đây, mặc dù không neo đậu lại, theo một quan chức Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan, người từng là sinh viên của Đại học Quốc gia Đài Loan ở Chi-lung, khi Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cập cảng tại đó.

Chỉ có Cảng Cao Hùng có thể chứa các tàu sân bay lớn, đi vào qua lối cảng thứ hai, vẫn theo quan chức này.

Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có thể chứa các khu trục hạm loại 9.000 tấn trang bị hỏa tiễn, như tàu USS Fitzgerald, mà đầu tháng này đã có va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal treo cờ Philippines tại Vịnh Tokyo, Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan cho biết thêm.

Trong một diễn biến riêng biệt liên quan chuyển động và hợp tác quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực, theo báo Straitstimes hôm 30/6, Hoa Kỳ sẽ có một cuộc tập trận chung với Australia với 33,000 quân tham dự, sự kiện dự kiến kéo dài một tháng ở ngoài khơi Sidney.

Tuy địa điểm tập trận ở xa các vùng biển tranh chấp của châu Á nhưng giới chức Hoa Kỳ nói thẳng rằng đây là một thông điệp mà họ muốn gửi đến các đồng minh, đối tác và cả đối thủ của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần này xác nhận Mỹ vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, và điều này ngay lập tức khiến Trung Quốc phản ứng.

Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc “làm tổn hại niềm tin” song phương Mỹ – Trung.

Cũng có tin Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty trong ngành vận tải và ngân hàng của Trung Quốc “vì có hoạt động chống lệnh cấm vận” nhằm vào Bắc Hàn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40467791

 

Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao

Chủ tịch Trung Quốc chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của tân đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam vào thời điểm lãnh thổ này đánh dấu 20 năm chuyển giao cho Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình tham dự một loạt sự kiện hoàng tráng, gồm lễ thượng cờ trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.

Nhưng các cuộc đụng độ vẫn diễn ra giữa những người biểu tình ủng hộ dân chủ và người tuần hành ủng hộ Bắc Kinh.

Tập Cận Bình lần đầu thăm Hong Kong

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’

Một số người bị bắt giữ.

Nhiều khu vực của thành phố bị đóng cửa để bảo đảm an ninh.

Đảng ủng hộ Dân chủ Demosisto cho hay cảnh sát bắt giữ 5 thành viên của họ, và 4 thành viên Liên đoàn Dân chủ Xã hội.

Trong số những người bị câu lưu có Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào Dù Vàng.

‘Bi quan’

Trả lời BBC hôm 1/7, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, nói: “Theo những gì tôi quan sát được, đa số người Hong Kong, nhất là giới trẻ, bi quan về thời điểm năm 2047, cột mốc Hong Hong hoàn toàn thuộc về Bắc Kinh.”

“Họ không biết tương lai thế nào và lo lắng về điều này.”

“Nhất là trong bối cảnh tôi nhận thấy khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội Hong Kong ngày càng sâu sắc, giới trẻ có thêm những cuộc xuống đường.”

Đề cập đến cộng đồng người Việt tại Hong Kong, cựu giảng viên Đại học Hong Kong Baptist nói: “Phần lớn dân Việt ở lãnh thổ này sống bất hợp pháp, bị đặt bên lề, nên tương lai của họ càng thêm bấp bênh.”

“Sự kiện 20 năm chuyển giao cũng là dịp để các quốc gia khác, nhất là Đài Loan phải ngẫm nghĩ, dự báo về tương lai của họ.”

Juliana Liu, phóng viên BBC ở Hong Kong nói rằng đã xảy ra “nhiều cuộc xô xát” giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Ông Tập chứng kiến lễ tuyên thệ của đặc khu trưởng Carrie Lam và các thành viên của chính quyền. Bà là nữ lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong.

Ông Tập dự kiến sẽ rời Hong Kong ngay sau sự kiện này.

Lễ tuyên thệ diễn ra sau lễ thượng cờ Trung Quốc và Hong Kong để đánh dấu kỷ niệm 20 năm chuyển giao.

Hôm 30/6, tại khu vực gần trung tâm hội nghị nơi diễn ra tiệc kỷ niệm chính thức, những người biểu tình tụ tập hô vang “chấm dứt độc tài độc đảng”.

Đang có mối quan ngại ngày càng tăng về việc chính quyền Trung Quốc làm xói mòn truyền thống tự do chính trị của Hong Kong, dù Bắc Kinh hứa hẹn cho lãnh thổ này mức độ tự chủ cao theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40440648

 

Thượng định G20 sắp tới ở Hamburg

Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hamburg, Đức Quốc trong hai ngày 7-8/7/ tới đây.

Theo Reuters, thủ tướng nước chủ nhà là bà Angela Merkel có quyết định khá táo bạo khi chọn địa điểm phiên họp lần này ở thành phố cảng Hamburg, nơi mà các nhà quan sát cho là quá thuận lợi đối với những cuộc biểu tình phản đối thường xảy ra mỗi khi có những sự kiện quốc tế như thượng đỉnh G8 hay G20.

Nguồn tin của Reuters cũng nói đây là điểm khác biệt của hội nghị G20 lần này so với những lần trước ở các nước khác. Tình hình cho thấy thủ tướng Angela Merkel có vẻ như không sẵn lòng dành nhiều ưu thế cho tổng thống Donald Trump của Mỹ trong thượng đỉnh G20 lần này. Tin nói những cuộc họp tiền trạm để chuẩn bị vẫn được tiến hành với viễn ảnh sẽ có nhiều chính sách khá là xung khắc trong nghị trình họp sắp tới.

Theo lời một viên chức người Đức chuyên trách công việc tổ chức G20 vào tuần tới, vấn đề an ninh là ưu tiên hàng đầu song không ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra ở Hamburg tuần tới và nhóm nào sẽ là tác nhân gây bất ổn.

Vẫn theo lời viên chức này, nếu có chuyện xảy ra tương tư như thượng đỉnh G8 ở Genoa hồi 2001 thì coi như G20 năm nay thất bại.

Tại thượng đỉnh G8 năm 2001, xung đột dữ dội đã xảy ra giữa lực lượng an ninh với các nhóm biểu tình mà hậu quả là một người bị bắn chết và hàng trăm người khác bị thương.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/protests-policy-rows-volatile-leaders-welcome-to-hamburg-g20-summit-06302017115722.html

 

Tập Cận Bình cảnh báo

Hong Kong không được vượt quá giới hạn

Hongkong. (Reuters) – Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho tân lãnh đạo HongKong vào ngày hôm nay 1 tháng 7.

Tại buổi lễ, bà Carrie Lam, nữ lãnh đạo đầu tiên của đặc khu HongKong nhắc tới sự thử thách  về kinh tế và chính trị của thành phố. Bà nói rằng các vấn đề không thể giải quyết ngay sau một đêm.

Trong bài diễn văn kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa của Anh Quốc được giao trả cho Trung Cộng, ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào tới quyền lực của chính phủ trung ương.

Theo tiểu hiến pháp của HongKong, hay còn gọi là Luật Cơ Bản, trung tâm tài chính được bảo đảm tự do trong vòng ít nhất 50 năm kể từ năm 1997. Đặc khu hành chính HongKong được quản trị theo công thức một quốc gia, hai chế độ, cho phép quyền tự trị rộng rãi.

Cảnh báo trên là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Tập Cận Bình đối với trung tâm tài chính thế giới Hong Kong, vào thời điểm căng thẳng xã hội và chính trị tăng cao. Một số người ở Hongkong  cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng can thiệp nhiều vào công việc của thành phố. (Nguyên Trân)

http://www.sbtn.tv/tap-can-binh-canh-bao-hong-kong-khong-duoc-vuot-qua-gioi-han/

 

Hoa Kỳ và Nam Hàn

đồng ý ưu tiên giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn

Washington DC. (Reuters) – Tổng thống Trump tổ chức họp báo chung với tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc vào trưa hôm qua 30/06.

Lãnh đạo Hoa Kỳ và Nam Hàn đều xác nhận tầm quan trọng mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, cũng như mối đe dọa cấp bách từ các hành động khiêu khích của Bắc Hàn. Tổng thống Trump nói Hoa Kỳ, Nam Hàn và nhiều quốc gia khác đồng ý tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Hoa Kỳ cũng phối hợp chặt chẽ với đối tác trên toàn thế giới, thực hiện hàng loạt biện pháp trừng phạt về an ninh, kinh tế, ngoại giao, để bảo vệ đồng minh và người dân của họ trước mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các cường quốc trong khu vực, và tất cả các quốc gia có trách nhiệm, cùng thực hiện biện pháp cấm vận, để chính quyền Bắc Hàn lựa chọn con đường đúng đắn cho tương lai người dân của họ.

Đáp lại, tổng thống Nam Hàn cũng khẳng định vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn phải được giải quyết và không thể thất bại.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo khẳng định quan điểm tương đồng của họ về vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn, nhưng theo các nguồn tin tham dự cuộc hội đàm, Hoa Kỳ lẫn Nam Hàn dường như chưa tìm được tiếng nói chung về giải pháp cụ thể. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa rõ chính phủ tổng thống Trump sẽ tiếp tục áp dụng chính sách nào, mặc dù họ tuyên bố chấm dứt chiến lược kiên nhẫn đối với Bình Nhưỡng. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-nam-han-dong-y-uu-tien-giai-quyet-van-de-nguyen-tu-bac-han/

 

Hospice, nơi nghỉ chân cuối đời

Hà Vũ

Tiến sĩ Cao Thị Lễ, giáo sư trường đại học George Mason nay đã nghỉ hưu, trong một bài nghiên cứu về Hospice với tựa đề ‘An dưỡng cuối đời’ đăng trên tạp chí “Hành chánh Miền Đông” số 18 năm 2013, cho biết:

“Thường có quan niệm sai lạc về Hospice cho rằng Hospice là một nơi vào để chờ ngày ra đi, để bỏ cho chết. Điều đó không đúng. Hospice ngược lại là nơi săn sóc những người bệnh ở vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, tức là chỉ còn 6 tháng trở lại. Những người này đã bị các bệnh viện từ chối điều trị. Bệnh viện yêu cầu đưa về nhà để lo việc hậu sự. Khi đem về nhà nếu không có Hospice hay dịch vụ Hospice thì con cái phải thay phiên nhau săn sóc, phải mời bác sĩ tới rồi thành ra có nhiều rắc rối, lại gây ra nhiều công việc cho người nhà. Khi có hậu sự người nhà cũng phải tự lo liệu lấy. Các cơ sở Hospice sẽ săn sóc hết, một cách toàn diện, một cách nhân bản, tức là săn sóc về thể xác bằng cách làm bớt đau đớn, săn sóc về tình cảm, an ủi, săn sóc về tâm linh, có đại diện của các tôn giáo đến để nói chuyện, để an ủi. Ngoài việc giúp gia đình khỏi phải chăm sóc 24/24 mà còn giúp gia đình lo về hậu sự nữa.”

Hospice: nơi an dưỡng cuối đời

Ông Vũ Bá Hoan có mẹ trong chương trình Hospice. Mẹ ông mất cách đây 10 năm lúc bà cụ 99 tuổi. Ông xác nhận:

“Bà cụ tôi vẫn nằm trong viện dưỡng lão nhưng lúc đó, lúc cuối đời, bà cụ sắp sửa đi, bác sĩ biết là chữa không được, nên bác sĩ, y tá của Hospice đến chăm sóc giúp bà cụ ra đi thoải mái, dễ dàng không thấy đau đớn.”

Tuy nhiên, cũng có những người không chấp nhận thực tế là người thân của mình sắp mất với quan niệm là còn nước còn tát, như trường hợp cô Ann Phạm. Bố cô mất lúc hơn 90 tuổi.

“Hospice rất ngạc nhiên, họ nói ông già tôi chịu khoảng một tuần lễ là sẽ chết. Rồi họ cho những người lại kiếm chỗ mai táng nhưng ông già tôi kéo được 2 tháng, chính tay tôi săn sóc ổng. Lần thứ hai tôi đổi công ty khác tôi nghĩ là tốt hơn. Công ty này để người săn sóc ông bố tôi cả đêm ở trong nhà. Tôi mệt quá tôi ngủ. Tôi không hiểu suốt cả đêm đó họ cho uống thuốc gì, có lẽ có chất morphine gì đó. Chỉ có hai ngày ông bố tôi càng yếu, ông bị ho. Rồi sáng đó, họ cho uống thêm một chút nữa thì tim ông ngừng đập.”

Cô Lê Thi, người chăm sóc bệnh nhân trong các Viện Dưỡng Lão và Hospice đã 15 năm nay tại thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina, cho rằng:

“Cái đó là tùy vào mỗi một trường hợp và trong di chúc của ông cụ đó ông muốn cái gì. Tôi biết có nhiều người không muốn sống. Tôi chăm sóc một cụ bị ung thư. Mỗi lần tôi đi vào thay đồ hay thay tã cụ đều nắm tay tôi và nói cụ muốn chết. Cụ nói với tôi rằng tôi không biết cụ đau đớn như thế nào đâu, nhưng người con của cụ được ủy nhiệm toàn quyền quyết định sự chết và sự sống của cụ theo di chúc của cụ. Người con của cụ không muốn cho cụ chết thì chúng tôi phải chăm sóc.”

Hospice cung cấp dịch vụ 24/24, 7 ngày một tuần. Hiện có 3 loại Hospice. Một là chăm sóc tại nhà. Cơ sở Hospice sẽ gởi người đến tận nhà, nhưng trong trường hợp này phải có một người trong gia đình đứng làm người săn sóc chính. Ngoài ra, có một số viện dưỡng lão cũng có khu dành riêng cho Hospice. Một dạng nữa là có những cơ sở Hospice biệt lập, chuyên về Hospice.

Giáo sư Lễ cho biết thêm:

“Thật ra họ không chú trọng đến việc chữa trị, chỉ làm sao cho người bệnh được có một khoảng thời gian thỏa mái cuối đời thôi. Thường thường trong việc chăm sóc có một toán chuyên viên gồm có bác sĩ để theo dõi, để kiểm soát chương trình chăm sóc. Có y tá để chích thuốc, để cho thuốc giảm đau. Có phụ tá lo về vệ sinh cá nhân. Có nhân viên xã hội để khuyến khích, giúp đỡ gia đình tìm các phương tiện tài trợ hay giúp đỡ gia đình trong việc an táng. Có đại diện tôn giáo. Có nhân viên vật lý trị liệu để xoa bóp hay tập cho người bệnh. Có cố vấn về tang lễ để giúp việc tang lễ. Ngoài ra còn các tình nguyện viên để giúp đỡ. Nếu ở nhà thì họ có thể giúp đỡ đi mua sắm, mua thức ăn, làm công việc nhà hay nấu ăn.”

Điều kiện vào Hospice không phân biệt tuổi tác, miễn là có hai bác sĩ chứng nhận là bệnh nhân không còn điều trị được nữa và bệnh viện yêu cầu đem về. Khi bệnh viện từ chối không chữa trị nữa thì công ty bảo hiểm y tế không trả viện phí, do đó phải đem bệnh nhân về nhà. Và khi đem về nhà cũng không sử dụng chương trình chăm sóc tại nhà (home care) được. Nếu có Medicare thì được sử dụng trong 20 ngày. Sau 20 ngày, Medicare không chi trả nữa. Tuy nhiên, nếu vào chương trình Hospice thì Medicare trả.

Giáo sư Lễ giải thích rõ về chi phí Hospice:

“Chi phí của Hospice rất cao, nhưng nếu săn sóc tại nhà thì Medicare đài thọ chi phí, còn Medicaid thì tùy tiểu bang, nhưng đa số tiểu bang có đài thọ. Nhưng nếu tại cơ sở Hospice thì Medicare không trả tiền phòng và tiền ăn, chỉ trả những chuyện khác thôi. Cũng có nhiều công ty bảo hiểm sức khỏe có đài thọ khoảng này. Ngoài ra, các nhân viên xã hội có thể giúp gia đình tìm các nguồn tài trợ khác. Thường thường họ cũng giúp được chớ không phải khó khăn lắm.”

Những người bệnh đến giai đoạn cuối của cuộc đời và chỉ còn sống trong một thời gian ngắn, nếu còn sáng suốt thì tự lựa chọn, hoặc do thân nhân trong gia đình chọn hay ủy nhiệm cho luật sư chọn được chăm sóc Hhospice tại nhà hay trong viện dưỡng lão.

Cô Lê Thi tiếp lời:

“Hospice sẽ đem một cái giường dành cho người sắp mất, còn sống một hai tháng nữa. Đây là một cái giường đặc biệt có thể nâng lên hạ xuống tùy theo trường hợp của từng người. Có những người không thể nằm ngủ được, phải ngủ ngồi vì lưng hay cổ có vấn đề. Hoặc những người ăn bằng ống chuyền vào bụng thì bắt buộc phải ngồi lên để bơm thức ăn vào. Giường bình thường, giường gỗ không sử dụng được. Hospice có thể đem giường đến nhà hoặc viện dưỡng lão. Đó là quyền lựa chọn của mình, người ta không bắt buộc mình. Nếu đầu óc của mình còn minh mẫn hoặc tất cả những gì mình viết trong di chúc thì người ta cứ như vậy, người ta làm theo.”

Thường người ta cho rằng những người vào Hospice hay được chăm sóc Hospice chỉ sống được một thời gian ngắn từ 3 đến 6 tháng, nhưng theo cô Thi, nhiều khi việc này tùy thuộc vào tinh thần của người bệnh:

“Tôi chăm sóc một cụ đó, cụ không ăn được nữa, và Hospice nói cụ chỉ sống được 3 tháng, nhưng mà rồi tui thấy bà sống 2 năm, rất là vui vẻ. Việc này tùy thuộc vào tinh thần của người đó đối diện với hoàn cảnh. Tôi cũng chăm sóc một bà cụ không đi được nữa, bà chỉ nằm một chỗ, nhưng bà vẫn vui vẻ. Tôi hỏi bí quyết nào, cách nào mà tôi thấy lúc nào bà cũng vui vẻ, mặc dù bà không đi được, nhiều khi bà phải chờ đợi để được chăm sóc. Bà nói bà cầu nguyện, bà có Chúa, Chúa biết điều gì tốt nhất cho bà.”

Khái niệm về Hospice được du nhập từ Anh quốc vào Mỹ trong những năm 1970 và phát triển rất nhanh. Theo phúc trình năm 2012 của Tổ chức National Hospice and Palliative Care, có đến 66% bệnh nhân sử dụng Hospice tại nhà và 26,1% nằm trong các cơ sở Hospice. Thống kê này cho thấy cứ ba người Mỹ thì có một người lìa đời qua dịch vụ này.

https://www.voatiengviet.com/a/hospice-noi-nghi-chan-cuoi-doi/3924333.html

 

Hai người dẫn chương trình TV

phản pháo sau khi bị Trump thóa mạ

Hai người dẫn chương trình truyền hình bị Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích cá nhân đặt nghi vấn về sức khoẻ tâm thần của ông vào ngày thứ Sáu, và cáo buộc Nhà Trắng đã cố gắng nhưng không thành công trong việc buộc họ phải xin lỗi Tổng thống về những tường trình mang tính chỉ trích, để đổi lấy việc Tổng thống lên tiếng yêu cầu một tờ báo lá cả không đăng một câu chuyện tiêu cực về họ.

“Ông ta có cái tôi mong manh, bốc đồng, giống như trẻ con mà chúng tôi đã chứng kiến hết lần này tới lần khác, đặc biệt là với phụ nữ,” Mika Brzezinski, người dẫn chương trình Morning Joecủa đài MSNBC, nói trên chương trình này sáng thứ Sáu.

“Ông ta công kích phụ nữ bởi vì ông ta sợ phụ nữ,” Joe Scarborough, cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa và cũng là người đồng dẫn chương trình, nói thêm.

Brzezinski và Scarborough phản pháo trên chương trình của họ và trong một bài bình luận đăng trên báo The Washington Postsau những dòng tin mà ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Năm. Ông Trump công kích họ, đặc biệt là Brzezinski, bằng những lời lẽ thóa mạ mang tính cá nhân.

Ông Trump gọi Brzezinski là “Mika điên khùng, I.Q. thấp” và cáo buộc cô “chảy máu đầm đìa vì căng da mặt” khi cô đến thăm điền trang Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào dịp năm mới. Ông gọi Scarborough là “Joe tâm thần.”

Scarborough nói ông Trump đã “nhét 5 hoặc 6 lời nói láo trong hai dòng tweet,” bao gồm mô tả về cuộc gặp gỡ của họ tại Mar-a-Lago. Brzezinski nói cô chưa bao giờ căng da mặt.

Cố vấn tổng thống Kellyanne Conway, xuất hiện trên chương trình “Good Morning America” của đài ABC, đã bênh cực “khả năng chống trả của ông Trump khi ông bị tấn công.” Bà từ chối bình luận về nội dung những dòng tweet của ông.

Những dòng tweet của ông Trump, là vụ công kích mới nhất của ông nhắm vào giới truyền thông Mỹ, đã bị các nhà lập pháp của cả hai đảng đồng loạt lên án và gây phân tâm trong khi những người đồng đảng Cộng hòa của ông ở Thượng viện đang cố gắng giải quyết những khác biệt của họ về dự luật chăm sóc y tế quan trọng.

Brzezinski và Scarborough trước đây có mối quan hệ thân thiện với ông Trump nhưng đã quay sang chỉ trích ông kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Họ kể rằng Nhà Trắng đã làm áp lực với họ về một câu chuyện tiêu cực mà báo lá cải National Enquirer định cho đăng.

Ông Trump là bạn của David Pecker, giám đốc điều hành công ty mẹ của National Enquirer là American Media, Inc. Tờ báo lá cải này chuyên đăng những chuyện giật gân về những người nổi tiếng và có quan điểm ủng hộ ông Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-dan-chuong-trinh-tv-phan-phao-sau-khi-bi-trump-thoa-ma/3923662.html

 

Tay súng giết chết bác sĩ,

làm bị thương 6 người khác trong bệnh viện New York

Một cựu nhân viên của một bệnh viện ở Thành phố New York đã nổ súng bên trong tòa nhà bệnh viện hôm thứ Sáu, làm thiệt mạng một bác sĩ và làm sáu người khác bị thương trước khi nổ súng tự sát trong một vụ bạo lực dường như là liên quan tới nơi làm việc, nhà chức trách cho biết.

Kẻ tấn công, mặc áo khoác màu trắng kiểu nhân viên phòng xét nghiệm và trang bị một khẩu súng trường tấn công, leo lên tầng 16 và 17 của Trung tâm Bệnh viện Bronx-Lebanon, và có lúc dường như tìm cách tự thiêu, giới hữu trách nói. Cảnh sát lùng sục tòa nhà tìm thấy ông ta đã chết vì một vết thương do đạn bắn mà ông ta tự gây ra sau cuộc lùng sục, họ nói.

Một bác sĩ bị bắn chết trong vụ đổ máu, và sáu người khác bị thương, năm người bị thương nghiêm trọng, trong đó có một người bị bắn vào chân, Cảnh sát trưởng James O’Neill cho biết tại một cuộc họp báo.

“Một bác sĩ đã chết và có một số người khác đang giành giật sự sống của họ ngay bây giờ,” Thị trưởng Bill de Blasio nói với các phóng viên.

Thị trưởng mô tả vụ nổ súng là một “sự cố đơn lẻ” mà dường như “liên quan đến nơi làm việc.”

Nhà chức trách không xác định danh tính tay súng hay bất cứ nạn nhân nào ngay tức thì.

https://www.voatiengviet.com/a/no-sung-trong-benh-vien-o-new-york-nghi-pham-tu-vong/3923570.html

 

Bảo hiểm y tế: Nhiệm vụ khó thành của ông Trump

Tổng thống Donald Trump vấp phải một trở ngại chính trị trong tuần này khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện hoãn việc bỏ phiếu để cải tổ hệ thống chăm sóc y tế, một trong những cam kết chủ yếu của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử. Các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang cố gắng hồi sinh các nỗ lực cải tổ hệ thống y tế, tuy nhiên hãy còn nhiều chia rẽ về một lĩnh vực vốn chiếm tới 1/6 nền kinh tế Mỹ, và đã gây hoang mang cho cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ trong suốt một thế hệ. Phóng viên Jim Malone của VOA có thêm chi tiết sau đây:

Kết quả của nỗ lực cải cách hệ thống y tế sẽ có hệ quả vô cùng lớn đối với Tổng thống Trump giữa lúc ông đang cố gắng thực hiện một cam kết chủ yếu đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, là bãi bỏ và thay thế Obamacare.

Ông Trump nói:

“Chúng tôi đang xem xét một hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm rạng danh đất nước chúng ta, một hệ thống y tế mà sau rốt, sẽ chăm lo cho sức khỏe của người dân vì những lý do đúng đắn, và với giá cả hợp lý.”

Nhưng nỗ lực của đảng Cộng hòa tại Thượng viện bị đình trệ trong bối cảnh có nhiều tiếng nói phản đối ở điện Capitol, và chia rẽ giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa về một dự luật có thể khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thượng nghị sĩ Chuck Schumer, quyết chống đối.

Ông Schumer nói:

“Người dân Mỹ không ủng hộ việc giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất, và cũng không đồng ý với việc cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ. Đó là lý do tại sao dự luật này chỉ được khoảng 17% người ủng hộ trên toàn nước Mỹ, và ngay cả những người đã bầu cho ông Trump, cũng không thích dự luật này.”

Ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John Barrasso, nhấn mạnh Obamacare đã thất bại và đã đến lúc Quốc hội phải hành động.

Ông Barrasso nói:

“Obamacare có thể ví như một chiếc xe buýt đang lao xuống vực thẳm. Các thành viên đảng Dân chủ bảo hãy cứ ở lại trên xe. Chúng tôi (bên đảng Cộng hòa), đang cố gắng giải cứu người Mỹ khỏi chiếc xe buýt này.”

Cải cách chương trình chăm sóc y tế là một điểm nóng chính trị đã kéo dài cả một thế hệ, bắt đầu với những nỗ lực thất bại của Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1993, khi Đệ nhất Phu nhân lúc bấy giờ, là bà Hillary Clinton, dẫn đầu nhóm cải cách.

Tuy nhiên, chuyên gia Matthew Fiedler thuộc viên Brookings nói nỗ lực của đảng Cộng hòa là một rủi ro về mặt chính trị:

“Tôi nghĩ là không có nghi ngờ gì, nếu dự luật này trở thành luật, số người mất bảo hiểm y tế sẽ rất cao. Quan điểm cá nhân của tôi là điều đó, cuối cùng sẽ dẫn đến các hậu quả chính trị nghiêm trọng cho đảng Cộng hòa.”

Bà Andra Gillespie, thuộc đại học Emory cho biết thất bại trong cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế cũng có thể làm tổn thương tổng thống:

“Chúng tôi muốn xem liệu cử tri có thấy Tổng thống Trump làm đúng như những tuyên bố của ông, và đáp ứng những kỳ vọng cao đặt vào ông, liệu ông ấy có giữ những lời hứa hẹn của ông hay không.”

Dù cho ông Trump có muốn đạt được thắng lợi cách mấy đi nữa để thông qua luật chăm sóc y tế, mức ủng hộ thấp dành cho ông trong các cuộc thăm dò, có thể hạn chế nỗ lực của ông tìm cách thuyết phục các thành viên Đảng Cộng hoà vốn đã có thái độ hoài nghi, không mấy tin tưởng nơi ông.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-hiem-y-te-nhiem-vu-kho-thanh-cua-ong-trump/3923209.html

 

Mỹ, Philippines

tuần tra chung răn đe những kẻ chủ chiến Hồi giáo

Hải quân hai nước hai nước Mỹ và Philippines đã tổ chức tuần tra hải quân chung vào ngày thứ Bảy trong vùng biển nguy hiểm ở phía nam Philippines, trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về hoạt động gia tăng của những kẻ chủ chiến Hồi giáo và nạn cướp biển trong vùng này.

Tàu chiến cận bờ của Hải quân Mỹ, USS Coronado, đã cùng một tàu khu trục của Hải quân Philippines, BRP Alcaraz, tuần tra Biển Sulu, nơi mà nhiều vụ tấn công cướp biển nhắm vào các tàu thương mại đã xảy ra từ năm 2015.

“Các hoạt động ngoài biển của chúng tôi với Hải quân Philippines cho thấy cam kết của chúng tôi đối với liên minh và răn đen nạn cướp biển và các hoạt động phi pháp,” Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Don Gabrielson nói trong một thông cáo mà Đại sứ quán Mỹ tại Manila công bố.

Nhiều nước lo sợ rằng những chiến binh có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo sẽ vượt qua biên giới biển giữa Malaysia và Indonesia để gia nhập các phiến quân Hồi giáo, những người đã chiếm thành phố Marawi ở miền nam Philippines năm tuần trước.

Khoảng 300 kẻ chủ chiến, 82 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh và 44 thường dân đã thiệt mạng trong chiến sự.

Các cuộc tuần tra hải quân được tổ chức theo lời mời của chính phủ Philippines, đại sứ quán Mỹ cho biết. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho phép các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông có tranh chấp để tránh gây tổn hại tới mối quan hệ với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.

Tuy nhiên, ông hoan nghênh hợp tác ở miền nam vì hoạt động của những kẻ chủ chiến gia tăng. Hai tuần trước, Indonesia, Malaysia và Philippines tổ chức tuần tra hải quân chung ở vùng biển phía nam.

https://www.voatiengviet.com/a/my-philippines-tuan-tra-chung-ran-de-nhung-ke-chu-chien-hoi-giao/3924350.html

 

Ukraine quy trách Nga về vụ tấn công mạng quy mô lớn

Ukraine quy trách các cơ quan an ninh của Nga về một vụ tấn công mạng quy mô lớn bắt đầu vào tuần trước ở Ukraine và sau đó lan ra các máy tính khắp thế giới.

Cơ quan an ninh của Ukraine, SBU, nói trong một thông cáo hôm thứ Bảy rằng vụ tấn công có những nét tương đồng với những vụ tấn công tin tặc trước đây nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine do các cơ quan an ninh Nga thực hiện.

“Các dữ liệu có sẵn, bao gồm những dữ liệu có được nhờ hợp tác với các công ty chống virus quốc tế, cho chúng tôi lý do để tin rằng cùng những nhóm tấn công tin tặc có dính líu trong vụ tấn công này, mà vào tháng 12 năm 2016 đã tấn công hệ thống tài chính, các cơ sở giao thông vận tải và năng lượng của Ukraine, sử dụng TeleBots và BlackEnergy,” thông cáo nói.

Nga phủ nhận có dính líu trong vụ tấn công hồi gần đây khiến hoạt động tại các công ty lớn và các cơ quan chính phủ ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bị đình trệ. Các tin tặc mã hóa dữ liệu trên máy tính bị nhiễm virus và đòi chủ sở hữu trả tiền để chuộc lại dữ liệu.

Giám đốc Europol Rob Wainwright gọi vụ tấn công tin tặc hôm thứ Ba là “một vụ tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc nghiêm trọng khác.” Ông nói có những nét tương đồng với vụ tấn công tin tặc WannaCry trước đó, nhưng nó cũng cho thấy những chỉ dấu của “khả năng tấn công phức tạp hơn nhằm khai thác một loạt những lỗ hổng.”

Vụ tấn công tin tặc WannaCry đã lan truyền phần mềm đòi tiền chuộc tới các bệnh viện trên khắp nước Anh vào tháng 5, khiến bệnh viện phải chuyển hướng xe cứu thương và hủy các ca phẫu thuật. Chương trình này đòi một khoản tiền chuộc để mở khóa truy cập vào các tập tin được lưu giữ trên các máy bị nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu cuối cùng tìm ra được một cách để chặn đứng vụ tấn công, nhưng chỉ sau khi khoảng 300 người đã nộp tiền chuộc.

Vụ tấn công tin tặc mới nhất phần lớn đã được kìm tỏa, nhưng bây giờ một số nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về động cơ đằng sau vụ tấn công này. Họ nói rằng nó có thể không phải được thiết kế để thu tiền chuộc mà chỉ đơn giản là để hủy dữ liệu.

https://www.voatiengviet.com/a/ukraie-quy-trach-nga-ve-vu-tan-cong-mang-quy-mo-lon/3924273.html

 

Marine Le Pen bị cáo buộc sử dụng sai ngân quỹ EU

Marine Le Pen, nhà lãnh đạo cực hữu của Pháp, bị cáo buộc sử dụng sai ngân quỹ của Liên minh Châu Âu để trả lương cho các trợ lý nghị viện làm việc ở Pháp.

Nhà lãnh đạo cực hữu của Pháp, Marine Le Pen, bị buộc tội hôm thứ Sáu vì sử dụng sai ngân quỹ của Liên minh Châu Âu để trả lương cho các trợ lý nghị viện làm việc ở Pháp.

Bà Le Pen lâu nay vẫn phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào trong vụ việc này và nói rằng những cáo buộc này có động cơ chính trị.

Bà xuất hiện trước các thẩm phán tại Paris hôm thứ Sáu và chịu những cáo buộc sơ bộ về sự vi phạm tín nhiệm và đồng lõa trong sự vi phạm tín nhiệm liên quan tới tiền lương của hai trợ lý của bà khi bà phục vụ tại Nghị viện Châu Âu.

Những phụ tá này bao gồm chánh văn phòng của bà Le Pen, Catherine Griset, và vệ sĩ của bà, Thierry Légier. Vấn đề tranh tụng là liệu đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen có sử dụng tiền từ Nghị viện Châu Âu được dành riêng cho các trợ lý nghị viện để trả lương cho nhân viên làm việc cho đảng này ở Pháp hay không.

Nghị viện Châu Âu nói họ bị lừa lấy mất tới 5 triệu euro.

Bà Le Pen, người đã tham dự và thất bại trong cuộc đua tranh cử tổng thống gần đây của Pháp, đã từ chối trả lời các câu hỏi về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử, nói rằng bà có quyền miễn tố với tư cách là thành viên Nghị viện Châu Âu. Tuy nhiên, bà hứa sẽ hợp tác với cuộc điều tra sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Bà Le Pen lần đầu tiên được bầu vào Nghị viện Châu Âu vào năm 2004. Bà từ bỏ ghế của mình ở đó hồi đầu tháng này sau khi giành được một ghế trong Quốc hội Pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/marine-le-pen-bi-cao-buoc-su-dung-sai-ngan-quy-eu/3923586.html

 

Giám đốc Tepco

không nhận tội về thảm họa hạt nhân Fukushima

Một tòa án Nhật Bản đã bắt đầu phiên tòa xét xử ba cựu giám đốc điều hành của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima, về tội khinh suất trong công việc, gây tử vong và thương tích.

Cả ba đều không nhận tội liên quan đến thảm hoạ hạt nhân năm 2011 ở thành phố Fukushima, vì theo họ, không thể nào tiên đoán trận sóng thần khổng lồ đã làm ngập nhà máy.

Ông Tsunehisa Katsumata, cựu chủ tịch của công ty TEPCO, xin lỗi về “những hệ lụy lớn lao” mà tai nạn hạt nhân đã gây ra cho cư dân trong khu vực, nhưng nói thêm là ông không tin là ông có “trách nhiệm hình sự trong vụ án”.

Nếu bị kết án, ông Katsumata và các cựu phó chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro phải đối mặt với án tù năm năm và mức phạt tiền lên đến 9.000 đôla.

Các cáo trạng đối với các giám đốc điều hành có liên quan đến cái chết của 40 bệnh nhân tại bệnh viện, những người đã được sơ tán ra khỏi khu vực Fukushima, nhưng đã qua đời sau đó.

Trận động đất và sóng thần năm 2011 đã giết chết 20.000 người ở đông-bắc Nhật Bản. Thảm hoạ này không chỉ kích hoạt sự tan chảy của ba lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima, mà còn gây tranh luận về những rủi ro của năng lượng hạt nhân.

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-tepco-khong-nhan-toi-ve-tham-hoa-hat-nhan-fukushima/3923576.html

 

Trung Quốc xây đường sắt cao tốc $5 tỷ cho Thái Lan

Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chính phủ quân đội Thái Lan sẽ ký một thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ đôla với Trung Quốc để xây một mạng lưới đường sắt cao tốc.

Giai đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc, dài 252 km nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, là bước quan trọng trong mạng lưới đường sắt này. Khi hoàn thành, trọn mạng lưới có chiều dài hơn 1.260 km, đến tận thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các giai đoạn tiếp theo sẽ tuyến đường dẫn đến biên giới giữa Thái Lan với Lào.

Các nhà phân tích xem tuyến đường sắt này là một phần mở rộng của Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường của Trung Quốc, nhằm mở rộng thương mại và đầu tư khu vực. Dự án này cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng khu vực đang trỗi dậy của Trung Quốc.

Thỏa thuận tuyến đường sắt cao tốc, dự kiến sẽ được ký trong tháng 7, sau gần hai năm trì hoãn việc đàm phán với các chi tiết cuối cùng của hợp đồng vẫn chưa được công khai.

Các nhà kinh tế cho rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sắt của Thái Lan cần được ưu tiên.

Bà Pavida Pananond, Phó giáo sư nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Thammasat, cho biết những cải tiến chung đối với mạng lưới giao thông của Thái Lan được hoan nghênh.

Bà Pavida cho biết: “Đó là điều tốt cho Thái Lan và rất tốt cho hoạt động kinh doanh của Thái Lan, tôi ủng hộ vì Thái Lan đang cần cơ sở hạ tầng tốt hơn, đặc biệt là về giao thông.”

Thỏa thuận bị nhiều chỉ trích về việc chính phủ lợi dụng các điều khoản đầy quyền lực trong một hiếp pháp tạm thời của Thái Lan.

Các cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận đường sắt Trung-Thái đã bị sa lầy trong hơn hai năm do các tranh chấp về việc tiếp cận đất đai tới Trung Quốc, tranh luận về các khoản tiền lãi vay từ các ngân hàng Trung Quốc và sự hợp lệ khi đưa các kỹ sư và kiến trúc sư Trung Quốc làm việc cho dự án này.

Giáo sư kinh tế học Somphob Manarangsan cho biết dự án đường sắt cung cấp cho khu vực tiềm năng kinh tế đáng kể và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc.

Ông cho biết Thái Lan cũng đang hướng tới Trung Quốc để đầu tư vào hành lang kinh tế Đông phương (EEC) do chính phủ hỗ trợ nhằm phát triển đầu tư nước ngoài trong khu vực.

Mạng lưới đường sắt bao gồm một đoạn dài 410 km qua Lào, trong đó Trung Quốc đóng góp 70 % trong tổng chi phí 5,8 tỷ đôla. Lào xem tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng để có thể xuất khẩu hàng hoá đến cảng biển Thái Lan Laem Chabang, gần thủ đô Bangkok.

Các nhà phân tích cho biết, chính phủ muốn thúc đẩy ký kết một thỏa thuận khi Thủ tướng Thái Prayut sắp tới thăm Trung Quốc vào tháng 9 này để tham dự các cuộc họp của Diễn đàn khối BRICS bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi ở Hạ Môn.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-xay-duong-sat-cao-toc-5-ty-dola-cho-thailan/3923226.html

 

OIAC xác nhận vụ tấn công bằng khí sarin tại Syria

Thụy My

Hãng tin Reuters ngày 30/06/2017 cho biết Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC, tiếng Anh là OPCW) xác nhận khí độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công vào ngôi làng Khan Cheikhoune ở miền bắc Syria hồi tháng 04/2017.

Báo cáo của các chuyên gia OIAC nhấn mạnh, sau khi thẩm vấn các nhân chứng và xét nghiệm các bệnh phẩm, « một lượng lớn các nạn nhân trong đó có một số đã tử vong, đã bị ảnh hưởng bởi khí sarin hoặc một chất tương tự như loại khí độc này ».

Bộ Ngoại Giao Nga tố cáo bản báo cáo dựa trên những « yếu tố đáng ngờ ». Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố « hoàn toàn không nghi ngờ » rằng chính chế độ Bachar Al Assad là thủ phạm, cho biết sẽ ban hành  trừng phạt. Tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ Nikki Haley đòi thành lập một ủy ban điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này.

Khoảng mấy chục người đã thiệt mạng trong vụ không kích làng Khan Cheikhoune thuộc tỉnh Idlib hôm 04/04, trong đó có nhiều trẻ em. Vụ tấn công được cho là của quân chính phủ Damas đã gây phẫn nộ trên thế giới, khiến Mỹ sau đó đã cho bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân nơi xuất phát chiếc máy bay thả khí độc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170701-oiac-xac-nhan-vu-tan-cong-bang-khi-sarin-tai-syria-hoi-thang-tu

 

Nước Pháp và châu Âu vinh danh bà Simone Veil

Thụy My

Nhiều tiếng nói đã cất lên vinh danh bà Simone Veil, khuôn mặt kỳ cựu nổi bật của chính trường Pháp, sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái, nhà đấu tranh cho nữ quyền và châu Âu qua đời ngày 30/06/2017 ở tuổi 89.

Lễ tang chính thức của bà Simone Veil, cố chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, bộ trưởng Y Tế Pháp, thành viên Hội Đồng Bảo Hiến và Hàn Lâm Viện Pháp sẽ được cử hành tại Invalides ở Paris vào thứ Tư 5/7 tới, với sự hiện diện của tổng thống Macron. Các lá cờ châu Âu được treo rủ, và cờ Pháp trên các công sở được đính dải băng đen.

Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, ông Antonio Tajani cho rằng các thông điệp của bà Simone Veil về nữ quyền tại châu Âu và nạn kỳ thị người Do Thái vẫn còn nguyên giá trị. Người đứng đầu Ủy Ban Châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, trong thư gởi tổng thống Pháp đã viết : « Bản thân bà Veil đã sống qua thời kỳ châu Âu xâu xé lẫn nhau đầy bi kịch, và bà đã đấu tranh, đóng góp cho việc xây dựng một nền hòa bình bền vững tại châu lục ».

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tôn vinh nhân vật của thế kỷ 20, biểu hiện cho « những gì tốt đẹp nhất của nước Pháp », cho rằng « Pháp đã bị mất đi một trong những khuôn mặt lỗi lạc nhất ». Ông nhấn mạnh : « Dù phải chịu đựng nỗi đau bị đày ải không thể nào bôi xóa, tuy sống sót nhưng mất đi cha mẹ và những người thân, bà vẫn dành trọn cuộc đời để đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp ».

Thông cáo của điện Elysée viết : « Nước Pháp để tang và bày tỏ lòng biết ơn bà Simone Veil. Mong rằng tấm gương của bà sẽ được đồng bào luôn noi theo ».

Người tiền nhiệm của ông Macron, cựu tổng thống François Hollande ca ngợi người phụ nữ « là hiện thân của phẩm cách, lòng can đảm và chính trực ». Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy vinh danh nữ chính khách « được yêu mến » và « bất tử ». Còn cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, 91 tuổi, cho biết rất xúc động khi nghe tin bà Simone Veil qua đời, ông nói : « Đó là một phụ nữ độc đáo đã nếm trải những hạnh phúc và nỗi bất hạnh lớn nhất ».

Toàn bộ các đảng phái ở Pháp, kể cả cực tả và cực hữu đều bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng bà Simone Veil. Đô trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết dự định dùng tên bà đặt cho « một địa điểm ấn tượng » của thủ đô nước Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20170701-nuoc-phap-va-chau-au-vinh-danh-ba-simone-veil

 

Donald Trump :

Hoa Kỳ đã « hết kiên nhẫn » với Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Ngày 30/06/2017, lần đầu tiên tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-In tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ « nguy hiểm và tàn bạo » của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ đã « hết kiên nhẫn ». Ông Trump không loại trừ khả năng nào, khẳng định đã có trong tay « nhiều phương án » để đáp lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Từ Washington, thông tín viên Jean- Louis Pouret gởi về bài tường trình :

« Ông Donald Trump rất muốn biết lập trường của tân lãnh đạo Hàn Quốc, một người sẵn sàng đối thoại với miền Bắc hơn tổng thống tiền nhiệm. Nhưng hai vị tổng thống Mỹ – Hàn có chung mối quan ngại trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ Kim Jong-Un : « Chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã thất bại. Thật tình mà nói, chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Chúng tôi kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực cùng với chúng tôi thi hành các biện pháp trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực ».

Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác về các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Trong một thời gian dài, ông Trump đã trông chờ vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thất vọng. Cho nên, tổng thống Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với ngành công nghiệp hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cho phép bán cho Đài Loan số vũ khí với tổng trị giá gần 1 tỷ rưỡi đôla. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170701-donald-trump-hoa-ky-da-%C2%AB-het-kien-nhan-%C2%BB-btt

 

Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc

Thụy My

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định ».

Bắc Kinh nhấn mạnh « kiên quyết chống lại » các biện pháp trừng phạt của bộ Tài Chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng « cực lực phản đối » việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : « Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên ».

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu « vô trách nhiệm » của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : « Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa ».

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, « nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí ».

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : « Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả ».

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae In tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : « Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ ».

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố « thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc », khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được « một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh ». Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170701-tuan-trang-mat-my-trung-duong-nhu-da-ket-thuc

 

Người Hàn Quốc mê mẩn bánh mì và bánh ngọt Pháp

Minh Anh

Tại Hàn Quốc, một hiện tượng ẩm thực mới đang rất thịnh hành và rất được người dân ưa thích : bánh mì và bánh ngọt của Pháp. Ngoài những hãng lớn như « Paris Baguette » hay « Hàng ngày », thì nhiều cửa hàng nhỏ, độc lập đang mọc lên như nấm.

Theo thống kê, trong năm 2015, tại Hàn Quốc đã có 16.500 cửa hiệu bánh mỳ, và con số này không ngừng tăng lên. Từ « pain » trong tiếng Pháp không đơn thuần để chỉ bánh mì như nghĩa gốc nữa mà là một danh từ chung để chỉ tất cả các loại bánh ở cửa hàng bán mỳ và bánh ngọt tại Hàn Quốc.

Trao đổi với thông tín viên Frédéric Ojardias tại cửa hiệu « Copain », hai chị em Aram và Sodam cho biết rất thích bánh mì nướng vàng, bánh quấn thừng bơ và món bánh dâu. Theo hai cô, những món này dễ ăn và chóng no. Công việc bận bịu nên dùng bánh mì là thuận tiện nhất.

Sodam còn cho biết thêm là vì mê bánh mì và bánh ngọt nên cô rất thích đi thăm các cửa hiệu. Cô nói: « Tôi tìm được chỗ này qua internet. Chị tôi rất mê bánh mì và bánh ngọt. Chính vì thế, chúng tôi đã quyết định đi « thăm » các cửa hàng bánh mì. »

Thú vui này giờ trở thành một kiểu du ngoạn đang thịnh hành ở Hàn Quốc. Trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều gợi ý hành trình tham quan : Đến một khu nào đó, đi xem và ăn thử ở các cửa hiệu bánh mì ngon nhất.

Nắm bắt được thị hiếu, các đầu bếp Hàn Quốc đua nhau điều chỉnh công thức chế biến các loại bánh cho phù hợp với khẩu vị ở đây. Các loại bánh đặc sản của cửa hàng « Copain » gồm có bánh sừng bò nhồi cá hồi – theo kiểu Nhật – hay bánh mì nhồi bột đậu đỏ. Kim Woo Young, 32 tuổi, một đầu bếp có đầu óc rất sáng tạo, đã từng học tại Pháp ba năm, cho biết :

« Tôi rất thích sáng tạo. Tôi thích tìm ra các công thức mới. Bởi vì khách hàng rất thích cái mới. Bánh mì ở đây hơi khác một chút so với ở Pháp : Người Hàn Quốc coi bánh mỳ là một loại ga-tô, hơi sang một chút, và không phải là loại bánh mì truyền thống. »

Joel Vial, người Pháp, chủ cửa hàng bánh mì Bread Show ở Seoul. Ông mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc cách nay 18 năm. Giờ đây, ông có tới 20 điểm bán hàng ở khắp nước. Ông cho biết vì sao dân Hàn Quốc ưa thích bánh mì, bánh ngọt.

« Dân Hàn Quốc ưa thích vì họ đi du lịch nhiều hơn trước đây. Họ phát hiện thấy nhiều thứ hơn trước đây. Dân Hàn Quốc rất gắn bó với các món ăn truyền thống, ăn tại nhà, nhưng thích điểm tâm bằng bánh ngọt. Hiện đang có xu hướng là giảm dần ăn ở nhà và ăn ở ngoài phố nhiều hơn. »

Theo thông tín viên Frédéric Ojardias, giờ đây, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc muốn xuất khẩu công nghệ làm bánh của họ : tập đoàn « Paris Baguette », có mặt khắp nơi ở Hàn Quốc, đã mở 260 cửa hàng tại Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam và thậm chí ở cả Paris.

« Paris Baguette » có tham vọng quốc tế rất lớn, đến mức là hiện nay, họ tìm cách xóa nhòa quốc tịch gốc Hàn Quốc của mình.

Trung Quốc và Ý hợp tác chống nông phẩm giả

« Chống hàng giả, hàng nhái và cung cấp thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng » là mục đích của một cuộc hội thảo, được tổ chức tại trường đại học danh tiếng Luiss Roma, Ý, ngày 13/06/2017.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia Ý và Trung Quốc – trong các lĩnh vực luật pháp, kinh tế, y tế và nông phẩm – nhằm thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và bảo vệ các sản phẩm rất nổi tiếng của Ý, bị Trung Quốc làm giả.

Theo thẩm định của Liên Đoàn Công Nghiệp Thực Phẩm Ý (Federalimentare), nạn làm giả nông phẩm gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp thực phẩm nước này khoảng 60 tỷ euro mỗi năm, tức là gần bằng một nửa tổng doanh số của ngành.

Phóng sự của thông tín viên Anne Le Nir tại Roma cho thấy rất nhiều nông phẩm làm giả có gắn nhãn «Sản xuất tại Ý» nhưng đến từ Trung Quốc. Ví dụ rõ ràng nhất là cà chua. Dù dưới bất kỳ hình thức chế biến nào, như sốt cà chua hay cà chua cô đặc, một khối lượng lớn các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc, nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về các sản phẩm cà chua công nghiệp.

Trả lời thông tín viên Le Nir, Enzo Moarevo, chuyên gia luật về nông phẩm, giáo sư đại học Luiss Roma cho biết tất cả những sản phẩm này đều độc hại.

« Có mối nguy hiểm đối với sức khỏe và nguy hiểm đối với người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua hàng. Họ nhìn thấy hộp cà chua, có tên Ý và nghĩ rằng đó là sản phẩm của Ý. Đây là điều không thể tha thứ được ».

Trong năm 2016, Ý, nước sản xuất nhiều cà chua trên thế giới, đã nhập khẩu từ Trung Quốc một khối lượng tương đương 20% tổng sản lượng cà chua cô đặc của nước này và được bán ra như là sản phẩm của Ý.

Vậy thì làm thế nào để chống lại một cách tốt nhất tệ nạn làm giả ? Ông Stefano Vaccari, lãnh đạo cơ quan thanh tra trung ương chống nạn lừa đảo và bảo vệ nông phẩm, đưa ra ví dụ về thỏa thuận được ký kết giữa chính quyền Roma và Alibaba, tập đoàn khổng lồ chuyên bán hàng trên mạng.

« Thỏa thuận quy định là Alibaba gạt bỏ những nhà sản xuất Trung Quốc bắt chước một cách gian dối một sản phẩm, một nhãn hiệu nào đó… Ví dụ, Prosecco, giăm bông Parma hay pho- mát nổi tiếng Parmigiano reggiano (tiếng Pháp parmesan). Đây là vấn đề pháp lý, hơi phức tạp một chút nhưng hoạt động có hiệu quả trên internet ».

Tuy nhiên, theo ông Julia Hu, giáo sư về luật kinh tế tại Bắc Kinh, thì các hoạt động kiểm soát chống làm giả nông phẩm vẫn còn rất thưa thớt, không đáp ứng mong đợi. Do đó, theo ông, « cần phải thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng để họ biết và lựa chọn khi mua hàng ».

Đây là một vấn đề chung chưa thể giải quyết ngay được. Theo Liên Đoàn Công Nghiệp Thực Phẩm Ý, thì chỉ có khoảng 30% sản phẩm mang nhãn hiệu « Sản xuất tại Ý » là thực sự có nguồn gốc từ nước này.

Bất chấp rủi ro, khám phá Bắc Triều Tiên giá rẻ !

Càng khép kín càng gây sự hiếu kỳ. Về điểm này có lẽ Bắc Triều Tiên là nhà vô địch. Bất chấp các rủi ro bị bắt giam vì những tội mà ta cho là « vặt vãnh » nhưng với Bình Nhưỡng là một « trọng tội » có khả năng lãnh án tù khắc nghiệt, nhiều du khách phương Tây đặc biệt là Mỹ vẫn luôn tìm cách đến tham quan nước này.

Hẳn ai cũng còn nhớ vụ chàng sinh viên Mỹ Otto Warmbier 22 tuổi, vừa qua đời hôm thứ Hai 19/6 do bị chấn thương não nghiêm trọng. Người này được Bắc Triều Tiên trao trả về Mỹ ngày 13/6 trong trạng thái hôn mê, sau 18 tháng tù giam.

Trước đó, người thanh niên Mỹ đã bị chính quyền Bình Nhưỡng kết án 15 năm tù khổ sai vì tội lột bích chương tuyên truyền của chính phủ trong tình trạng say khướt .

Làm thế nào mà người thanh niên Mỹ này có thể đến được đất nước khép kín nhất hành tinh và đang bị thế giới cấm vận vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ?

Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, Otto Warmbier đã đến Bình Nhưỡng trong khuôn khổ chương trình du lịch do hãng « Young Pioneer Tours» tổ chức. Một hãng lữ hành do một công dân Anh thành lập có trụ sở chính tại thành phố Tây An, Trung Quốc.

« Kể từ sau vụ bắt giữ Otto Warmbier hồi tháng Giêng năm 2016, vì tội có ý đồ đánh cắp một bích chương tuyên truyền, « Young Pioneer Tours » chưa bao giờ ngưng tổ chức các tour du lịch đến Bắc Triều Tiên.

Trên trang Facebook, hãng này huênh hoang: ‘Chúng tôi tổ chức những chuyến du hành rẻ tiền đến những nơi mà mẹ của các bạn khuyên nhủ tránh nên đến’.

Trong một đoạn video quảng cáo, hướng dẫn viên Ben mời du khách tham gia lễ hội với người dân địa phương, trên tay cầm chai bia Bắc Triều Tiên. Các hình ảnh cũng cho thấy du khách phương Tây đang nhảy múa theo nhịp các bài hát ngợi ca tổ quốc.

Cũng theo hãng này, chuyến lữ hành sắp tới không nên lỡ hẹn sẽ khởi hành ngày 15/8 nhân dịp lễ mừng chiến thắng quân Nhật năm 1945. « Young Pionneers Tours » bảo đảm một giây phút đáng nhớ với một mức giá thách thức mọi đối thủ cạnh tranh : Tour du lịch 7 ngày giá 1145 euro, kể cả xem màn bắn pháo hoa. »

Tuy nhiên, Heike Schmidt lưu ý nếu bạn là công dân Mỹ thì hãy từ bỏ ý định đi tour giá rẻ đến Bắc Triều Tiên cùng « Young Pionneers Tours » !

Khi lãnh đạo thế giới là người tị nạn…

Sarkozy, Hollande, Trump, Obama, Cameron hay Merkel, thậm chí Assad, Rohani dưới lớp áo người tị nạn. Còn gì có thể gây tác động mạnh hơn bằng việc hình dung các lãnh đạo thế giới ở vị trí những người đang phải sống trong thảm kịch tị nạn ?

Đây cũng chính là những hình ảnh mà anh Abdalla Al Omari muốn truyền tải trong bộ tranh mang chủ đề « Vulnerability », được trưng bày tại phòng tranh Ayyam Gallary tại Dubai.

Chạy trốn khỏi Syria ngay từ đầu cuộc chiến năm 2011, Omari hiện đang tị nạn tại Bruxelles. Giải thích với báo mạng Mỹ HuffPost, anh cho biết chính tại đây, anh đã nghĩ ra ý tưởng để các nhà lãnh đạo thế giới trải nghiệm những gì anh kinh qua.

Anh nói : « Lúc đầu tôi bị lôi cuốn bởi chính hoàn cảnh tị nạn của tôi và nỗi tức giận mà tôi cảm nhận được như bao người tị nạn Syria khác vào lúc mà chiến sự Syria ngày càng lan rộng. Tôi muốn hình dung xem những người được cho là các nhân vật tầm cỡ đó sẽ trở nên như thế nào nếu họ khoác lên người lớp áo những người tị nạn hay bị đi sơ tán ».

Nhờ vậy mà người xem có thể khám phá một Vladimir Putin mái tóc bạc phơ, đôi mắt thẫn thờ. Một Obama vỡ mộng. Một Donald Trump tay bế một bé gái, nét mặt thất thần lang thang tìm kiếm người thân. Một Angela Merkel mặt đầy nếp nhăn ngồi giữa bầy gà mái hay đó cũng có thể là một đám đông vô danh nào đó.

Hay như một cặp đôi Nicolas Sarkozy và François Hollande bẩn thỉu, vô gia cư, tay cầm chai rượu, ánh mắt nặng trĩu, ngồi thất thểu bên vỉa hè…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170729-nguoi-han-quoc-me-man-banh-my-va-banh-ngot-phap