Tin Việt Nam – 29/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 29/06/2017

Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù

Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 10 năm tù cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 29/6.

Luật sư Võ An Đôn, một trong ba luật sư có mặt tại phiên tòa, cho BBC hay bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày.

Theo ông Đôn, gia đình bà Quỳnh và nhiều người đã biết trước từ cách đây hai tuần bản án sẽ là 10 năm tù.

“Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết”, ông nói với BBC.

Một số vụ thanh trừng khét tiếng lịch sử

Lãnh đạo đối lập Nga bị tạm giữ

Tại cuộc họp báo trong khi phiên tòa đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

‘Bản án mang tính chất răn đe’

Về bản án 10 năm tù mà bà Quỳnh phải nhận, luật sư Đôn cho rằng “bản án này mang tính chất răn đe rất là mạnh đối với những người có quan điểm trái ngược với chính quyền”.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh yêu cầu 5 luật sư bào chữa, nhưng có mặt tại tòa chỉ có ba luật sư.

Các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa để luật sư phối hợp bào chữa nhưng hội đồng xét xử không chấp thuận.

Trước phiên tòa, luật sư Đôn nói ông đã viết đơn yêu cầu được gặp bị cáo nhưng yêu cầu này bị hội đồng xét xử từ chối.

Luật sư Võ An Đôn cho BBC biết tại phiên tòa, “các luật sư bào chữa đều chứng minh rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là không có tội”.

“Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ viết bài trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam quy định tại Điều 25 trong hiến pháp cũng như những công ước mà Việt Nam ký kết.”

Trong vòng 15 ngày tới, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có quyền kháng cáo. Nếu bà kháng cáo, tòa án sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm, mà theo luật là trong vòng hai tháng, ra tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Đà Nẵng xét xử.

Ông Đôn cho biết sau khi tòa tuyên án, ông đã khuyên bà Quỳnh “phải kháng cáo”.

Luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định bày tỏ phẫn nộ trên Facebook: “Không phải chế độ này có thể tồn tại thêm ít nhất 9 năm nữa để có thể giam cầm chị Mẹ Nấm hay không, mà chắc chắn trong cuộc đời của mình, chị sẽ có dịp nhìn thấy sự cáo chung của chế độ đã kết án chị.”

Greg Rushford, một nhà báo độc lập người Mỹ, nhận xét với BBC sau phiên tòa:

“Điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, hình sự hóa tự do ngôn luận, đã là vi phạm các ràng buộc pháp luật quốc tế của Việt Nam.”

Tổng thống Donald Trump cũng nên phát biểu phản đối sự bất công này.Greg Rushford, Nhà báo

“Bộ Ngoại giao Mỹ và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã từng tôn vinh blogger Mẹ Nấm vì là người phụ nữ dũng cảm.”

“Tôi thấy Tổng thống Donald Trump cũng nên phát biểu phản đối sự bất công này.”

Gia đình không được tham dự

Sáng ngày 26/9. bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với BBC bà không được trực tiếp tham dự phiên tòa mà phải theo dõi qua tivi ở một phòng riêng.

Bà mô tả rằng “trong phần tranh luận họ không cho Quỳnh trình bày hết ý”.

“Họ quy chụp giáo điều. Trong bản cáo trạng thì họ ghi vậy nhưng lúc xét xử họ lấy mọi thứ ra để nói.

HRW lên tiếng trước phiên xử blogger ‘Mẹ Nấm’

Mẹ blogger Như Quỳnh ‘tám tháng chưa được gặp con’

“Họ nói con tôi lợi dụng Hoàng Sa, Trường Sa, nói con tôi chống Trung Quốc làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế hai bên. Đó là nói láo!”

“Họ nói con tôi tuyên truyền không đúng về Formosa làm ảnh hưởng đến người dân. Và truy tố con tôi vì tàng trữ bài thơ của Bùi Chát và bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh”

Bà Lan cũng cho biết phiên tòa vừa kết thúc thì bà được tin cháu gái, em họ của bà Quỳnh bị bắt lên phường vì chụp ảnh cổng tòa án. Bà phải vội lên phường yêu cầu công an thả cháu mình.

Quá kinh khủng

Trịnh Kim Tiến, cũng là một blogger thân thiết với blogger Mẹ Nấm, người cùng bà Lan đến phiên tòa sáng nay cho BBC biết:

Đây là một mức án quá kinh khủng cho một người phụ nữ đơn thân với hai con nhỏTrịnh Kim Tiến, Nhà hoạt động

“Thực sự đây là một mức án quá gây bức xúc, sự phi luân, đốn mạt. Đây là sự thù hằn theo kiểu riêng tư chứ không phải lợi dụng chức quyền để bức tù người phụ nữ đơn thân.

“Không có bằng chứng xác thực, vô cùng mơ hồ, vô lý. Đây là một mức án quá kinh khủng cho một người phụ nữ đơn thân với hai con nhỏ.

“Họ coi thường dư luận, coi thường người dân, như thể ý kiến người dân không có gía trị gì hết. Nếu như chị Quỳnh mà bị tuyên án tám đến 10 năm thì bất kì ai cũng bị đi tù chỉ vì nói lên sự thật.

“Mức án này là mức án hành vi vô nhân đạo,” Trịnh Kim Tiến nói thêm.

Mẹ Nấm là ai?

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà đã “soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân…”

Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.

Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức “Người Việt yêu nước” và “Tuyên bố công dân tự do”.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận.

Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát

Sử dụng Facebook để đăng tải thông tin được cho là “tuyên truyền xuyên tạc chống phá nhà nước”

Thu thập thông tin và viết báo cáo về 31 trường hợp người dân chết sau khi làm việc với công an

Nhận tiền thưởng từ tổ chức dân sự Civil Rights Defenders sau khi được nhận giải Người bảo vệ nhân quyền

Khởi xướng chiến dịch vận động nhân quyền năm 2015

Trả lời báo chí quốc tế

Lưu giữ tập thơ Bài thơ một vần của Bùi Chát và CD nhạc Về ngư dân Việt Nam của nhạc sĩ Tuấn Khanh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với các nhà báo hôm 30/3 năm nay:

“Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.”

Gia cảnh mẹ già hai con nhỏ

Hôm 15/6, trả lời BBC qua điện thoại từ Nha Trang, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, nói:

“Tính đến hôm nay là 248 ngày, tức hơn tám tháng tôi chưa được gặp con gái mình, thậm chí muốn gửi một lá thư hỏi con có khỏe không cũng không được.”

“Và mới đây thì họ lại thông báo gia hạn tạm giam đối với Quỳnh thêm hai tháng, tức là đến ngày 18/8/2017.”

Thật sự là tôi cũng không biết chắc có đúng là con gái mình đang bị giam ở trại của Công an tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng như phía công an thông báo.”

“Vì mỗi lần tôi đến trại tạm giam gửi thực phẩm cho con thì cả nửa tháng sau mới nhận được giấy xác nhận đã gửi.”

“Tôi tha thiết mong được gặp con, hai cháu ngoại được gặp mẹ, nhưng từ trại giam đến viện kiểm sát, tòa án cứ chỉ lòng vòng, trong khi lẽ ra hết hạn điều tra thì tôi phải được gặp.”

Cuối cùng, nhà chức trách cho bà Nguyễn Thị Tuyết Lan gặp con gái trong vài phút trước phiên tòa.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40440477

 

Bị cáo Phương Nga được tại ngoại, tiếp tục điều tra

Bị cáo Trương Hồ Phương Nga được tòa tạm thời cho tại ngoại, trong phiên tòa được dư luận xã hội ở Việt Nam quan tâm đặc biệt.

Cùng được cho tại ngoại chiều 29/6 còn có bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung.

Đây là phiên xử sơ thẩm lần hai vụ doanh nhân Cao Toàn Mỹ tố cáo cô Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ.

Phóng viên báo Giáo Dục VN bị khởi tố

Mẹ Nấm: Viện kiểm sát đề nghị 8-10 năm tù

Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 29/6, TAND TP. HCM quyết định tạm thời cho Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong lời khai mới nhất, bị cáo Trương Hồ Phương Nga vẫn khẳng định không lừa đảo và nói 16,5 tỷ đồng là do ông Mỹ tặng cho Nga vì hai người có tình cảm với nhau.

Ông Mỹ bác bỏ thông tin này.

Ông Mỹ được báo chí dẫn lời “tôi sẽ đòi lại được số tiền cô Nga đã lừa tôi”.

‘Tố cáo lừa đảo’

Phiên tòa đã trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội Việt Nam, với các tình tiết hé lộ được một số người so sánh như “phim Hollywood”.

Khi ra tòa hôm 29/6, cô Phương Nga cáo buộc điều tra viên khi hỏi cung đã dọa dùng nhục hình với cô.

Cô Nga nói tại tòa: “Điều tra viên Hùng nói sao im lặng hoài vậy? Có tin treo em lên không, treo một tay lên cọc, cho đứng như Chúa Giê Su. Có biết chúa Giê Su đứng như thế nào không?”

Bị cáo cũng nói trước tòa rằng từng “thuê xã hội đen” để bảo vệ vì sợ ông Mỹ đe dọa.

Cô Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đã bị bắt tạm giam từ ngày 19/3/2015 đến nay.

Vụ án bắt đầu từ tháng Tư 2014 khi ông Cao Toàn Mỹ tố cáo cô Phương Nga mượn tiền mà không trả.

Đến tháng Tám, ông Mỹ có tố cáo lần hai, lần này cáo buộc Phương Nga lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo truyền thông Việt Nam, lời khai với công an của cô Phương Nga và ông Mỹ đã có sự giống nhau ở một số đoạn kể cả “dấu chấm, dấu phẩy”.

Sau khi Phương Nga bị bắt giam, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 1 ngày 21/9/2016 nhưng trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tại phiên xử sơ thẩm lần hai từ hôm 22/6/2017, cáo trạng không thay đổi, với nội dung hai bị cáo Nga và Dung đã “lừa đảo” chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ.

Chiều 29/6, sau khi cho hai bị cáo được tại ngoại, hội đồng xét xử tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.

Như vậy, kể từ khi ông Cao Toàn Mỹ tố cáo tháng Tư 2014, vụ án này vẫn chưa kết thúc.

Cùng ngày, vụ xử này cũng được mạng xã hội Việt Nam so sánh với vụ xử nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Khánh Hòa.

Chẳng hạn Facebooker John Phuong viết trên mạng xã hội này:

“Hôm nay có hai phiên tòa liên can đến hai phụ nữ: Phương Nga và Mẹ Nấm, cái thì thối (tình & tiền) cái thì tanh (cá chết, Formosa); cái thối thì công khai báo đài còn cái tốt lành thì bưng bít; kẻ xấu xa thì được tại ngoại còn người trung thực ngay chính thì bị án tù! Ôi, công lý của xứ thiên đường!”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40435022

 

Em trai Bí thư Yên Bái ‘vay tiền làm nhà’

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái nói quần thể biệt thự, trang trại của gia đình là do tiền vay mượn.

Trả lời báo chí Việt Nam chiều 29/6, ông Phạm Sỹ Quý giải thích ông đã vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mượn thêm bạn bè.

Báo Dân Trí dẫn lời ông: “Cái này thanh tra cũng rất dễ xác minh vì hồ sơ vẫn còn. Cái này muốn khai láo cũng không khai được.”

Thanh tra Chính phủ Việt Nam hôm 27/6 nói sẽ thanh tra tài sản, đất đai của gia đình ông Quý.

Theo truyền thông Việt Nam, gia đình ông Phạm Sỹ Quý có khu đất 13.000 mét vuông sang trọng, với giấy tờ là của vợ ông, bà Hoàng Thị Huệ.

Vụ Yên Bái: Thu hồi thẻ của phóng viên bị bắt

Ông Phạm Sỹ Quý khẳng định: “Hiện tại cá nhân tôi cũng không muốn tranh luận đúng sai vì sau một tháng nữa cơ quan chức năng làm xong thì tất cả nội dung sẽ được công khai minh bạch.”

Ông Phạm Sỹ Quý là em trai đương kim Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà.

Tháng 9/2016, bà Phạm Thị Thanh Trà, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký quyết định bổ nhiệm em trai, đang là phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trở thành giám đốc của sở này.

“Việc thanh tra khối tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường Yên Bái là thẩm quyền của Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên ở đây ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nên Chủ tịch tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ vào cuộc giúp để đảm bảo công tâm,” Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Phạm Trọng Đạt được VnExpress dẫn lời.

Phóng viên báo Giáo Dục VN bị khởi tố

Bắn lãnh đạo Yên Bái do ‘bức xúc cá nhân’

Trước câu hỏi về “khối tài sản” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý bao gồm biệt thự, nhà sàn, hồ nước, sân thể thao…, ông Đạt nói chúng ta mới chỉ nắm bắt được hiện tượng, chưa biết bản chất sự việc như thế nào thì chưa thể đưa ra đánh giá.

“Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêm, ông Đạt nói thêm.

Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêmPhạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng

Truyền thông trong nước gần đây đưa tin trong năm 2015, tỉnh Yên Bái có nhiều quyết định cho phép chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.

Cục trưởng Chống tham nhũng cho biết cuộc thanh tra này sẽ diễn ra trong 15 ngày, có thể kéo dài hơn, nhưng dự kiến trong tháng Bảy Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận.

Trước đó, Chánh thanh tra tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý), sử dụng đất đai tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, theo Tuổi Trẻ hôm 27/6.

“Tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra này sau khi báo chí phản ánh 13.000m2 đất rừng được chuyển đổi sang thành đất ở của gia đình ông Quý chỉ trong một ngày,” báo này viết.

Trong một diễn biến khác, nhà báo Lê Duy Phong của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bị khởi tố hình sự về tội ‘lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.

Ông Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam, bị truy tố theo Điều 280 Bộ luật Hình sự và bị tạm giam bốn tháng.

Ông Phong được cho là “người trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40414119

 

Trà Vinh: Tranh ‘Biển Chết’ bị thu giữ

Một bức tranh đã được trao giải Sáng tác Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh nay bỗng nhiên bị “thu giữ làm tang vật.”

Tác phẩm ‘Biển Chết’ của họa sĩ Nguyễn Nhân từng được trao giải ba cuộc thi Sáng tác Mỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2016, nay bị Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh “thu giữ làm tang vật”, thu hồi giải và tiền thưởng (2 triệu đồng) và kinh phí hỗ trợ sáng tác (1,2 triệu đồng).

Ông còn bị Hội “cảnh cáo với thời gian thử thách một năm”.

Sách của Trần Trọng Kim bị thu hồi

Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi

Triển lãm không phép ở Huế về cá chết

Ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói lý do kỷ luật họa sĩ và thu hồi giải là do tác phẩm Biển Chết “vi phạm bản quyền, người phụ nữ trong tranh giống ảnh đăng trên một tờ nhật báo”.

Hôm 29/6, họa sĩ Nguyễn Nhân trả lời BBC từ Trà Vinh: “Vì bức xúc với chuyện bị tịch thu tranh và giải thưởng mà tôi bị tai biến nhẹ phải đi cấp cứu.”

Vì bức xúc với chuyện bị tịch thu tranh và giải thưởng mà tôi bị tai biến nhẹ phải đi cấp cứuNguyễn Nhân, Họa sĩ

“Bản tính của tôi là cam chịu, hiền hòa, không am hiểu pháp luật nên không biết khiếu kiện thế nào.”

“Nhưng tôi đã nghĩ đến việc ra khỏi Hội Văn học nghệ thuật Trà Vinh, vi tôi không thấy mình làm gì sai trái hay có tội.”

Ông cũng cho hay: “Việc một nghệ sĩ lấy cảm hứng, phóng tác một bức ảnh và thể hiện lại bằng ngôn ngữ mỹ thuật là điều bình thường.”

“Bức tranh của tôi là tấm lòng của một nghệ sĩ muốn lên tiếng về vần đề môi trường biển, nỗi đau của người dân miền biển khi thấy biển đang chết.”

“Tôi không có ý chống đối gì cả.”

Giáo sư Ngô Bảo Châu bình luận trên mạng xã hội: “Mình luôn thích nghĩ tốt về người khác. Mình tin rằng chủ ý của người ta là giúp họa sĩ Nguyễn Nhân trở nên nổi tiếng, bán được nhiều tranh.”

Tháng 5/2016, một nhóm nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại kết thúc triển lãm mà họ tự nhận làm ‘phi pháp’ ở Huế về chủ đề cá chết.

Triển lãm ‘Quẫy II’ quy tụ tranh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn của các nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tú, Trần Tuấn, Trần Hữu Nhật, Trần Chí Thành, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Thị Hà My, Nguyễn An, Chung Tử Dạ…

Trong các hình ảnh về cuộc triển lãm được đăng tải trên mạng xã hội, người ta thấy bộ sưu tập những con dao chuyên dùng để mổ cá của các tiểu thương ở Huế nay đã phải nghỉ bán vì người dân không mua cá; những chai nước mắt dán nhãn ‘Formosa’, những cái khẩu trang hình cá…

Trả lời BBC từ Huế, nghệ sĩ Trần Tuấn nói: “Các nghệ sĩ tham gia triển lãm này muốn dùng ngôn ngữ thị giác để bày tỏ thái độ và sự quan tâm về môi trường đang bị hủy hoại. Chúng tôi không kêu gào, cổ xúy cho tư tưởng chính trị nào mà chỉ muốn làm nghệ thuật”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40414264

 

Vụ Yên Bái: Thu hồi thẻ của phóng viên bị bắt

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thu hồi thẻ nhà báo của ông Lê Duy Phong (bút danh Hải Ninh), công tác tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Phong đã bị khởi tố bị can về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Quyết định của Bộ Thông tin ngày 29/6 yêu cầu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có trách nhiệm thu hồi thẻ của ông Phong, nộp về Cục Báo chí trước ngày 12/7.

Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, 32 tuổi, bị công an ập vào bắt ngày 22/6 tại một nhà hàng ở TP Yên Bái.

Ngay sau đó trên mạng xã hội nhiều người tranh cãi, nói rằng ông Phong bị công an “gài bẫy” vì báo Giáo dục Việt Nam đã đăng các bài tố cáo tiêu cực ở Yên Bái.

Nhưng sáng 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nói với báo giới rằng Tổng cục đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái.

Thanh tra tài sản em trai Bí thư Yên Bái

Phóng viên báo Giáo Dục VN bị khởi tố

Theo báo cáo, ngày 16/6, ông Duy Phong lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Yên Bái.

Ông Phong nêu ra những “vi phạm” của cơ quan này, và đòi 200 triệu đồng.

Ông Sáng khi đó chuyển trước 100 triệu, và rồi đến buổi chiều lại đưa tiếp cho ông Phong 100 triệu.

Trung tướng Đỗ Kinh Tuyến nói sau khi bị bắt, ông Phong thừa nhận việc nhận tiền của ông Sáng.

Tướng Tuyến nói: “Bộ sẽ cử cán bộ giám sát và hướng dẫn việc điều tra của Công an tỉnh Yên Bái để đảm bảo tính khách quan.”

Ông Lê Duy Phong đã bị công an Yên Bái khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trung tướng Đỗ Kinh Tuyến nói thêm rằng công an cũng sẽ “làm rõ” hành vi đưa tiền của ông Sáng, nếu đủ căn cứ, “sẽ xử lý”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40431960

 

Giao lưu quốc phòng Việt – Trung ‘chờ dịp phù hợp hơn’

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/6 giải thích Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn thăm Việt Nam vì “có công việc đột xuất ở trong nước”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm Bộ Quốc phòng 2 nước đã thống nhất tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới “vào dịp khác phù hợp hơn”.

Trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời có phải Trung Quốc vừa đưa giàn khoan ra vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 22/6, người phát ngôn Trung Quốc trả lời một số câu hỏi liên quan quan hệ Việt – Trung.

Ông Cảnh Sảng nói Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trả lời trước đó về tin đồn Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nguyên do “liên quan sự sắp xếp công việc”.

Ông Cảnh Sảng nói thêm:

“Hiện nay, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước khu vực, tình hình Nam Hải đã hạ nhiệt, bớt căng thẳng, có xu hướng tích cực.”

“Các bên liên quan cần tránh hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở vùng biển tranh chấp, hợp tác với Trung Quốc vì mục tiêu chung, duy trì bức tranh tổng thể của quan hệ song phương cùng ổn định và hòa bình khu vực.”

Bình luận về đoàn quân sự cấp cao TQ thăm VN

Lão tướng Phạm Trường Long là ai?

Trung Quốc nói gì về ‘hủy giao lưu quốc phòng Trung-Việt’?

Tướng Phạm Trường Long: ‘Đảo ở Nam Hải là của TQ’

Báo Trung Quốc nhắc Việt Nam “chọn bạn mà chơi”

VN ở đâu trong ‘Vành đai và Con đường’ của TQ?

Một phóng viên cũng hỏi có dàn khoan mới nào được Trung Quốc đưa đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam không.

Ông Cảnh Sảng chỉ nói: “Tôi đã trình bày lập trường của Trung Quốc.”

“Tôi muốn bổ sung thêm rằng Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, vừa thăm Việt Nam.”

“Trong các cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quân uỷ Phạm Trường Long đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Nam Hải.”

“Ông thúc giục phía Việt Nam tuân thủ đồng thuận quan trọng giữa các lãnh đạo hai đảng, hai chính phủ, thắt chặt liên lạc chiến lược, giải quyết ổn thỏa các khác biệt, duy trì bức tranh lớn trong quan hệ Việt – Trung, hòa bình và ổn định ở Nam Hải.”

Ông Cảnh Sảng kết luận với câu: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Nam Hải.”

Báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 21/6 đã xác nhận giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc bị hủy bỏ.

Tờ báo cũng xác nhận Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Tuy vậy, tờ báo không nói có hay không mâu thuẫn giữa hai nước, mà chỉ nói nguyên do vì “sự sắp xếp công việc”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40382856

 

Việt Nam đàm phán đóng thêm tàu do Nga thiết kế

Việt Nam đang đàm phán với công ty của Nga để đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya do Nga thiết kế tại nhà máy Ba Son. Báo Dân Việt trích báo cáo thường niên của nhà máy đóng tàu Vympel, Nga, cho biết như vậy vào hôm 29 tháng 6.

Các tàu mới sẽ có khả năng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm Yakhont thay thế hệ thống Uran-E cũ. Tên lửa mới sẽ bay nhanh hơn và xa hơn tên lửa cũ, đồng thời cũng có sức công phá mạnh hơn.

Trước đó nhà máy Ba Son của Việt Nam cũng đã hoàn tất việc chế tạo 6 tàu tên lửa Molniya khác với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nhà máy Vympel. Số tàu này nằm trong gói hợp đồng trị giá 1 tỷ đô la cho 8 chiếc tàu Molnyia, trong đó 6 cái được đóng tại Việt Nam và 2 chiếc được đóng tại Nga.

Nga cũng là nước cung cấp 6 tàu ngầm lớp kilo cho Việt Nam giai đoạn 2010 – 2016 trị giá 2 tỷ đô la. 2 chiếc tàu ngầm thứ 5 và 6 vừa được thượng cờ ở cảng quốc tế Cam Ranh hôm 28 tháng 2 vừa qua.

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga cũng đang đóng cho Việt Nam hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 theo một hợp đồng trị giá khoảng 700 triệu đô la. Dự kiến hai tàu này sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào khoảng tháng 9 hay 10 năm nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-build-molniya-ship-06292017110248.html

 

Đan viện Thiên An bị chặn đường, tu sĩ tiếp tục bị hành hung

Các tu sĩ trong Đan viện Thiên An ở Huế tiếp tục bị côn đồ tấn công, hành hung sang ngày thứ hai.

Tin mà Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được thì vào ngày, 29/6, lực lượng an ninh, công an và côn đồ xấp xỉ 100 người cùng đến Đan viện Thiên An với xe múc, xe ủi đất.

Trong lúc các xe tiến hành múc và ủi đất theo lệnh của công an mặc thường phục, các tu sĩ trong Đan viện Thiên An ra đứng nhìn và chụp hình quay phim. Ngay lập tức, các tu sĩ bị lực lượng an ninh, công an và côn đồ dùng gậy, đá tấn công.

Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi kể lại vụ việc xảy ra trong ngày 29/6:

“Hai bên đang đứng cách nhau có hơn một mét. Có một số thầy quay phim lại cảnh họ múc đường. Họ nhìn thấy mấy cái máy (quay phim) thì họ gây sự. Họ lấy đá và gậy ném vào các thầy. Họ đập 3-4 thầy, một thầy nằm bất tỉnh. Nhà dòng khiêng về, hô hấp nhân tạo và đưa về phòng bệnh nhân của nhà dòng. Hiện giờ thầy tỉnh lại và ngực hơi bị tức và cái đầu hơi đau. Dự trù ngày mai còn nhức đầu thì nhà dòng sẽ đưa xuống bệnh viện để chụp CT, xem não có bị gì không.”

Vào sáng ngày 28 tháng 6, khoảng 100 an ninh, công an và côn đồ đến Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế đập phá và hành hung các tu sĩ trong lúc họ dựng thập tự giá.

Sau khi vụ việc xảy ra, một số chốt cảnh sát giao thông đã được dựng lên ngay trên đoạn đường dẫn vào Đan viện Thiên An. Các tu sĩ bị tịch thu xe gắn máy khi họ muốn ra khỏi đan viện.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-catholic-monastery-sealed-off-after-violent-land-dispute-06292017093831.html

 

LS. Hà Huy Sơn:

‘Tòa không công bằng ngay từ đầu đối với Mẹ Nấm’

Sau khi phần thẩm vấn trong buổi sáng 29/6 của phiên tòa xét xử Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết thúc với mức án đề nghị của Viện Kiểm sát từ 8-10 năm tù, Luật sư Hà Huy Sơn, người được Mẹ Nấm yêu cầu làm luật sư bào chữa nhưng không được tòa chấp nhận, nói với VOA rằng tòa án ngay từ đầu đã “không công bằng” đối với Mẹ Nấm ở hai điểm:

Thứ nhất là ở quyền mời luật sư vì tòa đã không chấp nhận đề nghị luật sư bào chữa của bị can, bị cáo, trong trường hợp này là Luật sư Hà Huy Sơn.

Thứ hai, “tòa đã sử dụng các kết luật của các giám định viên mà không theo một tiêu chuẩn hay quy định pháp luật nào, mặc định cho rằng Mẹ Nấm có tội trước khi phiên tòa được xét xử”.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, từng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế vinh danh về những hoạt động cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Gần đây nhất, vào tháng 3/2017, Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”.

Trước đó, bà được trao giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Người bảo vệ Quyền Dân sự năm 2015, và giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010.

Hồi đầu tháng 10/2016, chính quyền Khánh Hòa đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì đã viết và đăng trên internet rất nhiều bài với bút danh “Mẹ Nấm” nói về hiện thực xã hội và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Blogger Mẹ Nấm bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88.

Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa trong nhiều phiên tòa tương tự, nói với VOA rằng việc ông không được chấp thuận bào chữa cho Mẹ Nấm cho thấy “cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thay đổi, vẫn coi thường vai trò của luật sư và vẫn ngang nhiên xâm phạm các quyền của bị can, bị cáo”.

Có 3 trong số 4 luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm có mặt trong phiên tòa ngày 29/6. Đó là LS. Võ An Đôn, LS. Lê Văn Luân và LS. Nguyễn Khả Thành.

Tin tức cập nhật từ khu vực Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho hay yêu cầu hoãn phiên tòa vì không có đầy đủ luật sư của Blogger Mẹ Nấm đã không được tòa chấp thuận. Bà Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chỉ được theo dõi phiên tòa qua màn hình từ một phòng riêng. An ninh xung quanh khu vực tòa án được thắt chặt.

Theo dự đoán của LS. Hà Huy Sơn, mức án dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ nằm trong khoảng mức án mà viện kiểm sát đề nghị.

https://www.voatiengviet.com/a/ls-ha-huy-son-toa-khong-cong-bang-ngay-tu-dau-doi-voi-me-nam/3920887.html

 

Bị cấm xuất cảnh vì bài giảng 30/4?

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong của giáo xứ Thái Hà cho biết ông vừa bị chính quyền Việt Nam chặn không cho xuất cảnh vào ngày 27/6 vì lý do “an ninh quốc gia”.

Trao đổi với VOA-Việt ngữ tối 28/6, Linh mục Phong nói:

“Nhà dòng có cho tôi một suất học bổng đi Úc. Hôm qua, tôi ra phi trường, đến chỗ an ninh cửa khẩu thì họ nói là tôi chưa được phép xuất cảnh. Sau đó, họ đưa tôi vào phòng an ninh để làm việc, nhưng thực ra cũng chẳng có việc gì”.

“Họ nói việc chưa cho tôi xuất cảnh là do bên công an Hà Nội có lệnh. Công an cửa khẩu chỉ có nhiệm vụ là làm công việc của họ, không cho tôi xuất cảnh. Còn mọi chuyện nếu tôi có khiếu nại thì về phòng xuất nhập cảnh của Sở Công an Hà Nội làm việc”.

“Tôi có nói với họ rằng việc chặn không cho tôi xuất cảnh là trái với quy định pháp luật, bởi tôi chưa có bất cứ vi phạm nào. Nhà nước cũng chưa có bất cứ văn bản nào nói tôi vi phạm điều khoản nào trong Bộ Luật của nhà nước. Một việc làm như vậy không chỉ trái pháp luật mà còn trái đạo lý nữa. Vì tôi là một chức sắc Công giáo, có rất nhiều việc tôi phải làm. Không cho tôi biết việc tôi bị ngăn chặn như vậy làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi”.

An ninh quốc gia?

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong là người phụ trách các vấn đề pháp lý trong vụ tranh chấp đất đai ở Giáo xứ Thái Hà. Các biện pháp vũ lực mà chính quyền sử dụng để tịch thu đất của giáo xứ này đã bị giáo dân Thái Hà chống trả quyết liệt, dẫn đến những vụ xô xát lớn trong những năm trước.

Năm 2008, chính quyền Việt Nam gửi văn bản yêu cầu Giáo hội Công giáo trục xuất Lm. Nam Phong (cùng với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt) ra khỏi Hà Nội, nhưng yêu cầu đó đã không được đáp ứng.

Lm. Nam Phong cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông gặp khó khăn về vấn đề xuất cảnh. Từ đầu những năm 2000, chính quyền không cấp hộ chiếu cho ông và cũng không nêu lý do vì sao bác đơn xin hộ chiếu của ông.

Mãi đến tháng 11/2014, Cục xuất nhập cảnh mới cấp hộ chiếu cho Lm. Nam Phong và đây lẽ ra là lần đầu tiên ông ra nước ngoài.

“Bây giờ khi họ cấp hộ chiếu rồi thì họ lại không cho tôi đi ra nước ngoài. Họ lấy lý do là tôi đi ra ngoài như vậy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như an toàn xã hội. Tôi không hiểu việc họ áp đặt cho tôi đấy thì quy định ở điều nào”.

Bài giảng 30/4

Linh mục của Giáo xứ Thái Hà cho biết những hành động quấy nhiễu gần đây nhất mà ông gặp phải là từ một bài giảng về ngày 30/4 trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Trong bài giảng, Lm. Nam Phong nói ngày 30/4 là một “ngày đau thương”. Ông nêu lên những hệ lụy vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay của cuộc chiến mà theo lời ông, phe thắng cuộc đã dùng những từ ngữ kiều diễm như “giải phóng”, “thống nhất”, “lặp lại hòa bình” để mô tả chiến thắng của họ.

Ông đặt câu hỏi “Liệu có thể gọi nội chiến Nam-Bắc là một cuộc ‘giải phóng’ không?” “Cái gọi là thống nhất, sau 42 năm, có thực sự thống nhất hay không, khi Bắc, Trung, Nam vẫn chưa một nhà, khi đất nước vẫn bị phó mặc cho ngoại bang, cho những nhóm lợi ích xẻ thịt từng tấc đất quê hương”. Vẫn trong bài giảng, Lm. Nam Phong nói “Mẹ Việt Nam đã bị đốn ngã sóng xoài còn bởi vì nhóm này, đảng kia, phái nọ cho mình là chân lý, nhưng lại quên mất rằng chỉ có một chân lý ‘chúng ta là người Việt Nam’”.

Nói với VOA tối 28/6, Lm. Nam Phong cho biết:

“Sau bài giảng lịch sử 30/4 vừa rồi, công an Hà Nội cũng chuẩn bị một màn đấu tố tôi giống như cha Nam, cha Thục ở Nghệ An. Về điều này, những giáo dân của tôi ở đây họ được chính quyền mời lên hợp tác trong việc đấu tố này thì họ về cho tôi biết là chính quyền đã dựng một phim, rồi tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình trong các cơ sở của Đảng, phản đối tôi về bài giảng ngày 30/4. Tiếp đến thì chính quyền tới đây sẽ làm căng với tôi, họ bắn tiếng như vậy. Sau đó thì đúng là tôi nhận được gần 20 văn bản của các cơ quan, tổ chức ngoại vi của nhà nước như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ v.v…”

Bài giảng được giới thiệu là “rúng động lòng người” của Lm. Nam Phong về ngày 30/4 đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook với hàng chục ngàn lượt người xem.

Linh mục Nam Phong cho biết sau bài giảng đó, chính quyền đã gửi công văn cho Giáo hội Công giáo, yêu cầu can thiệp để ông không nói những điều mà ông cho là “chính nghĩa của người dân” và “sự thật lịch sử” nữa. Tuy nhiên, phía nhà thờ cũng không chấp nhận yêu cầu này.

https://www.voatiengviet.com/a/bi-cam-xuat-canh-vi-bai-giang-30-4/3919999.html

 

Mỹ: Việt Nam có nỗ lực nhưng chưa cải thiện nạn buôn người

Giống như những năm trước, Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam vào Bậc 2 trong Báo cáo về Tình trạng Buôn người 2017 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Ba.

Theo phương pháp phân loại ba bậc của Mỹ, những nước thuộc Bậc 2 là những nước không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu về bài trừ buôn người, nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để tuân hành.

Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực hơn qua việc nhận dạng thêm nhiều nạn nhân; mở rộng các chương trình đào tạo chống buôn người và các chiến dịch nâng cao nhận thức, cũng như ban hành chỉ dẫn cho các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương về kế hoạch hành động chống buôn người quốc gia.

Tuy nhiên, phúc trình nói chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu trong một số lĩnh vực then chốt, chẳng hạn như thiếu phối hợp giữa các cơ quan; giới chức cấp tỉnh không nắm luật về chống buôn người và các thủ tục nhận dạng nạn nhân; và thu thập dữ liệu còn yếu kém.

Ngoài ra, còn có những hạn chế mà báo cáo nêu ra như các dịch vụ bảo vệ nạn nhân còn thiếu nguồn lực; nhà chức trách không chủ động rà soát để phát hiện tình trạng buôn người trong những nhóm dễ bị tổn hại và trục xuất một số lượng lớn nạn nhân người nước ngoài mà không chuyển họ sang các dịch vụ bảo vệ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy ban Cứu Người vượt biển, một tổ chức thành viên trong Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA) tán đồng với những đánh giá của bản báo cáo dù ông nói rằng những đánh giá này “giảm nhẹ cho phía Việt Nam.”

Theo nhà hoạt động này, phần lớn những trường hợp mà chính phủ Việt Nam can thiệp là những trường hợp “cá lẻ” trong khi những trường hợp buôn người hàng loạt thì bị “lờ đi.”

Ông giải thích thêm:

“Điều này có thể hiểu được là vì có những người rất có quyền thế đứng đằng sau những mạng lưới buôn người lớn, vài trăm người một lần hoặc cả nghìn người đưa đi lao động ở nhiều nơi chẳng hạn, ngay cả ở những quốc gia mà chúng ta đều biết rằng nạn buôn người rất là trầm trọng ví dụ như là ở bên Trung Đông hoặc là ở bên Phi Châu. Càng ngày càng đông người Việt bị đẩu đến những vùng đó, kể cả những quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn không có đại diện, không có tòa đại sứ ở đó để mà can thiệp.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong năm 2016, chính phủ Việt Nam báo cáo 106 yêu cầu nhận dạng nạn nhân tại các phái bộ ngoại giao của mình, đưa tới 102 trường hợp hồi hương với sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, tổng số nạn nhân mà nhà chức trách địa phương tiếp nhận có phần chắc là cao hơn.

Phúc trình 2017 cũng cho biết nhà chức trách Việt Nam trong năm qua báo cáo nhận dạng được 1.128 nạn nhân buôn người – tăng lên từ mức 1.000 người vào năm 2015 và 1031 người vào năm 2014.

“Có những người đã về Việt Nam và thay vì được sự bảo vệ nhưng lại bị chính quyền ở địa phương hăm dọa,” Tiến sĩ Thắng cho biết. “Bởi họ không muốn làm lộ ra đường dây buôn người trong đó có những giới chức chính quyền cá nhân của những giới chức khá cao cấp dính líu vào, thành ra họ hăm dọa nạn nhân. Và những nạn nhân này lại phải chạy sang Thái Lan và chúng tôi bảo vệ cho họ.”

Tiến sĩ Thắng nói cho đến nay tổ chức của ông đã giải cứu được “khoảng 9.000 đồng bào ở trên 20 quốc gia” khắp thế giới và việc này đã giúp gây thêm áp lực lên Việt Nam, theo lời ông.

“Dựa vào áp lực ấy, chúng tôi đã vận động để Việt Nam phải cam kết với Hoa Kỳ trong khi thương thảo [Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương] TPP tôn trọng quyền của người lao động không chỉ ở Việt Nam mà của những người lao động xuất khẩu ở những nơi khác,” ông nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, đã tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP và điều này đã làm gián đoạn những nỗ lực thêm nữa của BPSOS trong việc thúc đẩy Việt Nam tiếp tục bài trừ nạn buôn người, Tiến sĩ Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng cho hay đang tìm kiếm những cơ hội mới thông qua hiệp ước về mậu dịch song phương đang được thương thuyết giữa Mỹ và Việt Nam để có thể bắt đầu quay trở lại vận động để Việt Nam phải tiếp tục giữ những cam kết đã đưa ra dưới hiệp định TPP.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ 2017 cũng đưa ra một loạt những khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình hình buôn người, trong đó có việc ban hành và thực thi đầy đủ điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự mới, quyết liệt truy tố tất cả mọi hình thức buôn người và kết tội-trừng trị những kẻ buôn người, đặc biệt là những vụ việc có dính líu đến lao động cưỡng bức hoặc các giới chức đồng lõa.

https://www.voatiengviet.com/a/my-viet-nam-co-no-luc-nhung-chua-cai-thien-nan-buon-nguoi/3920336.html