Tin khắp nơi – 28/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 28/06/2017

Mỹ có thể trừng phạt TQ do ‘yếu kém trong chống buôn người’

Trung Quốc “không có nỗ lực đáng kể nào” trong việc ngăn chặn tình trạng buôn người, Hoa Kỳ nói, và hiện ít có các trường hợp bị truy tố về tội này hơn so với trước đây.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm tuần trước ra bản phúc trình thường niên về nạn buôn người, Trafficking in Persons Report, và đã hạ bậc Trung Quốc xuống thành một trong các quốc gia vi phạm tồi tệ nhất.

Các nội dung nhấn mạnh tới việc đối xử với người Bắc Hàn, những người có thể đã bị buôn sang rồi lại bị Trung Quốc gửi trả về nước.

Hiện Trung Quốc chưa ra phản ứng về nội dung phúc trình, và có thể sẽ phải đối diện với các lệnh trừng phạt.

‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’

Người Việt ở Đài Loan ‘làm giả giấy khai sinh’

Các nước bị đưa vào nhóm thứ ba trong tổng số ba nhóm xếp hạng trong bản phúc trình, trong đó có Bắc Hàn, Sudan và Venezuela, có thể sẽ không được tiếp tục nhận các khoản nằm ngoài khuôn khổ viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, hãng tin Associated Press nói rằng lệnh miễn trừ của tổng thống có thể khiến các nước trong Nhóm Bậc Ba không phải lúc nào cũng bị trừng phạt.

Afghanistan, Qatar và Malaysia được tăng lên Nhóm Bậc Hai bởi các nước này được coi là đã nỗ lực ngăn chặn các hoạt động buôn người và cải thiện điều kiện cho các nạn nhân.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói Trung Quốc bị hạ bậc “một phần bởi nước này đã không có những bước đi nghiêm túc nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán người phức tạp ở nước này, gồm cả việc liên quan tới các lao động cưỡng bức từ Bắc Hàn sang.”

Kẻ buôn người ngồi tù nói việc mình làm ‘chẳng có gì sai’

Bản phúc trình nói rằng chuyện Trung Quốc gửi trả người Bắc Hàn về nước mà không kiểm tra xem có những dấu hiệu cho thấy họ bị buôn lậu sang hay không là điều rất thường xảy ra, ngay cả khi những người đó có thể phải đối diện với việc bị tra tấn hoặc xử tử khi bị trả về.

Ông Tillerson nói ước tính khoảng 50.000-80.000 người Bắc Hàn đang làm việc ở nước ngoài dưới dạng lao động cưỡng bức, thường phải làm tới 20 tiếng mỗi ngày.

Trẻ em Việt đưa lậu vào Anh mất tích

Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh

Nhiều người Việt làm móng tay ở Anh bị bắt

Tuy bản phúc trình do Bộ Ngoại giao thay vì Tòa Bạch ốc đưa ra, nhưng đây là lời quở trách nghiêm trọng nhất đối với chính phủ Trung Quốc mà Hoa Kỳ đưa ra kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, hồi tháng Giêng, cho tới nay.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters nói rằng ông Trump đang ‘ngày càng trở nên khó chịu’ về việc Trung Quốc không có hành động gì đối với Bắc Hàn, và rằng ông đang cân nhắc việc có các hành động thương mại để đáp trả.

Bản phúc trình đề cập tới tình hình tại 180 quốc gia và được coi là nguồn đánh giá toàn diện nhất về các nỗ lực trong vấn đề chặn đứng tình trạng buôn người.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40435001

 

Venezuela :

Trực thăng cảnh sát ném lựu đạn xuống Tòa Án Tối Cao

Anh Vũ

Trong bối cảnh Venezuela lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế nghiêm trọng, từ gần ba tháng nay, liên tiếp có các cuộc biểu tình chống ông Maduro, đòi bầu cử tổng thống trước thời hạn, cuối ngày hôm qua, 27/06/2017, một chiếc trực thăng của cảnh sát đã ném xuống Tòa Án Tối Cao nước này nhiều quả lựu đạn. Chính quyền Caracas đã xác nhận vụ tấn công.

Tổng thống Nicolas Maduros đã lên án vụ ném lựu đạn từ trực thăng xuống trụ sở cơ quan tư pháp cao nhất đất nước là hành động khủng bố. Vụ tấn công không gây thương vong, nhưng đã khiến tình hình ở đất nước Trung Mỹ này thêm căng thẳng.

Thông tín viên RFI, Julien Gonzales tại Caracas, cho biết thêm chi tiết:

« Một vụ tấn công khủng bố », tổng thống Nicolas Manduro đã đánh giá hành động ném lựu đạn từ trực thăng của cảnh sát khoa học hình sự xuống cơ quan tư pháp tối cao của Venezuela hôm qua như vậy.

Sau khi cho biết thêm là chiếc trực thăng còn bay lượn trên trụ sở bộ Nội Vụ, tổng thống Venezuela đã chỉ trích đối lập đồng thời ông kêu gọi đối lập « phải lên án hành động trên ».

Ngay lập tức, chánh án Tòa Án Tối Cao đã đồng thanh với tổng thống. Cơ quan này quả quyết rằng « kiểu hành động như vậy sẽ không làm chùn bước các thẩm phán mà ngược lại chỉ làm cho họ quyết tâm hơn trong các quyết định theo đúng Hiến Pháp ».

Tòa Án Tối Cao là một trong những mục tiêu chỉ trích chính của phe đối lập. Từ khi phe đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 12/2005, Tòa đã bác bỏ tất cả các quyết định của các nghị sĩ đối lập, coi đó là « không có giá trị ».

Từ hôm qua, nhiều bức ảnh đã được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc trực thăng bay trên bầu trời thủ đô Caracas với băng khẩu hiệu ghi « 350 tự do », liên hệ tới điều khoản Hiến Pháp kêu gọi « không thừa nhận mọi chế độ đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ ».

Hiện tại, lực lượng đặc biệt đang truy tìm chiếc trực thăng và tác giả của hành động mà chính quyền đã xác định là thanh tra của cảnh sát khoa học hình sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170628-venezuela-to%CC%80a-a%CC%81n-tu-pha%CC%81p-to%CC%81i-cao-bi%CC%A3-ne%CC%81m-lu%CC%A3u-da%CC%A3n-tu%CC%80-tru%CC%A3c-thang-cu%CC%89a-ca%CC%89nh-

 

Cập nhật tình hình Philippines

Quân đội Philippines cho hay ít nhất 27 cư dân thành phố Marawi đã bị phiến quân Hồi Giáo trung thành với ISIS giết chết trong những ngày vừa qua.

Tin này được ông Restituto Padilla, phát ngôn viên quân sự Phi nói với báo chí ngày 28 tháng 6.

Ông Padilla còn cho biết thêm là có thể số người bị giết cao hơn con số mà chính phủ ghi nhận được, giải thích là hiện có cả trăm cư dân Marawi bị phiến quân Hồi Giáo bắt giữ làm con tin, và bọn gian không ngần ngại dùng những người này làm bia đỡ đạn, để chận bước tiến của quân đội chính phủ.

Cũng cần nhắc lại phiến quân Hồi Giáo trung thành với ISIS làm chủ Marawi đã 5 tuần lễ, và binh sĩ Phi vẫn đang cố gắng tái chiếm lại thành phố này. Trong những cuộc họp báo, các giới chức quân sự Phi đều nói là sẽ chiến thắng, nhưng không trình bày rõ những khó khăn phải đương đầu trong kế hoạch tái chiếm Marawi.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-marawi-city-update-06282017100149.html

Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai

Có đến 37500 hộ chiếu Anh quốc ở hải ngoại được cấp cho cư dân Hồng Kong trong năm 2016, tăng 44% so với năm 2015.

Việc người dân lãnh thổ này đổ xô xin hộ chiếu Anh Quốc xuất phát từ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng lên đặc khu hành chánh Hong Kong, 20 năm sau ngày Luân Đôn trao trả cựu thuộc địa này lại cho Trung Quốc.

Nhiều diễn biến chính trị xã hội trong thời gian qua đã làm dân Hồng Kong lo lắng, ví dụ như như phong trào Dù Vàng của giới trẻ Hồng Kong đòi hỏi bầu cử dân chủ, việc bắt cóc các nhà xuất bản Hồng kong sang Hoa Lục vì đã xuất bản những sách nói về các lãnh tụ cộng sản.

Văn phòng đại diện Hoa Lục tại Hồng Kong từ chối bình luận về thông tin vừa nêu.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-residents-seek-british-passports-amid-fears-for-future-06282017095119.html

 

Đài Loan đề nghị chữa bệnh cho Lưu Hiểu Ba

Đài Loan đề nghị sẽ chữa bệnh cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Ông Khâu Thùy Chánh, người đứng đầu văn phòng các vấn đề Hoa Lục của Đài Loan thúc giục Bắc Kinh cho phép ông Lưu được chọn bác sĩ chăm sóc cho mình, và Đài Loan sẳn sàng trợ giúp ông với dịch vụ y tế tốt nhất của mình.

Luật sư của ông Lưu nói rằng mặc dù ông Lưu không được phép ra nước ngoài, nhưng nếu được cứu xét là một trường hợp đặc biệt với bệnh tình của ông thì cũng có thể được ra nước ngoài chữa trị.

Chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng về đề nghị vừa nêu của Đài Loan.

Xin được nhắc lại ông Lưu Hiểu Ba là một nhà văn năm nay 61 tuổi, đấu tranh cho dân chủ hóa Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel hòa bình vào năm 2010, nhưng không đến được Na Uy để nhận giải vì đã bị tuyên án tù 1 năm trước đó.

Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Terry Branstad, vào ngày 28 tháng 6 cho biết Washington muốn nhà hoạt động- khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba được đưa đi điều trị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối tại một nơi khác nếu như việc chữa trị ở Hoa Lục không có hiệu quả cho nhà hoạt động bị tù đày này.

Ngoài ra hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải làm việc với nhau về vấn đề nhân quyền.

Trong phát biểu đầu tiên với báo giới tại Bắc Kinh, tân đại sứ Terry Branstad, cho biết với mối quan hệ cá nhân của bản thân ông với cả hai vị tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình, ông hy vọng có thể là trung gian trong thời gian tới giúp giải quyết một số thách thức giữa hai nước.

Nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba bị Trung Quốc tuyên án tù 11 năm vào năm 2009 với cáo buộc kích động lật đổ chính quyền, sau khi ông này tham gia chắp bút kiến nghị có tên ‘Hiến chương 08’ kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh thực hiện cải tổ chính trị toàn diện.

Hôm thứ hai 26 tháng 6 vừa qua, luật sư của ông Lưu Hiểu Ba thông báo ông này được chuyển ra một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương để điều trị ung thư giai đoạn cuối.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-offers-cancer-treatment-to-china-dissident-liu-06282017082542.html

 

Mâu thuẫn thương mại Mỹ – Trung

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

Trong thượng đỉnh tại Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc định ra thời hạn 100 ngày đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa hai nước. Thời hạn đó sẽ chấm dứt vào tháng tới, nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn.

Mâu thuẫn vẫn còn

Nguyên Lam: Qua hai ngày gặp gỡ tại Mar-a-Lago của tiểu bang Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý là hai nước sẽ đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa đôi bên trong thời hạn 100 ngày. Kỳ hạn đó sẽ kết thúc vào trung tuần Tháng Bảy tới mà hai nước chưa có bước đột phá đáng kể nên các thị trường trên thế giới mới quan tâm theo dõi.

Đã vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa qua năm tháng nhậm chức giữa quá nhiều sóng gió trên chính trường Hoa Kỳ khiến các nước đều lo ngại và thất vọng. Một trong nhiều mối ưu lo lại là chính sách mậu dịch hay thương mại của Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về chính sách đó vì ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của nước Mỹ với Trung Quốc và cả Việt Nam. Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi lại xin nói về bối cảnh trước để ta cùng hiểu ra các yếu tố đang chi phối những gì mình quan tâm. Đầu tiên, có lẽ người ta hiểu lầm về Hoa Kỳ vì Tổng thống Mỹ không có toàn quyền quyết định như lãnh đạo của nhiều nước dân chủ khác mà phải dung hòa quan điểm với các cơ chế khác ở cấp liên bang, tiểu bang hay địa phương và với thị trường, là doanh giới, nhà đầu tư, dân tiêu thụ lẫn người lao động. Thứ hai là hiểu lầm về Chính quyền Donald Trump. Ông Trump đắc cử trong hoàn cảnh bất thường của nước Mỹ với nhiều bài toán tích lũy từ mấy chục năm và đắc cử nhờ một số chủ trương khá đặc biệt. Vì vậy, thế giới cứ sợ là Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump sẽ lui về mục tiêu ích kỷ, gây hấn với nhiều nước khác vì bị nhập siêu về mậu dịch mà phó mặc chuyện thiên hạ cho các nước. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn đang bung ra giải quyết khủng hoảng ở mọi nơi, từ Bắc Hàn tới Đông Nam Á, Trung Á và Trung Đông, và nếu Chính quyền Trump có đề ra ưu tiên khác thì chỉ để các nước quan niệm lại chiến lược liên kết với Mỹ chứ không thể ỷ lại vào Hoa Kỳ như trong mấy chục năm qua. Thứ ba, và riêng về ngoại thương, ban tham mưu của ông Trump có vài người chủ trương bảo hộ mậu dịch nhưng nội các của ông lại có chuyên gia hay doanh gia nắm vững thực tế kinh tế và chính trị toàn cầu nên khéo kết hợp ngôn từ với hành động để đạt mục tiêu của Hoa Kỳ chứ không hề thoái lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch hay tự cô lập như báo chí vẫn nói.

Nguyên Lam: Xin ông đơn cử cho một số thí dụ để thính giả của chúng ta hiểu được sự tình ở đằng sau những tường thuật của báo chí hay cảm quan của nhiều người.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ có hai bạn hàng then chốt là Canada và Mexico với Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi tắt là NAFTA. Từ khi tranh cử đến kỳ nhậm chức, ông Trump hăm dọa hủy bỏ Hiệp ước vì quá bất lợi cho kinh tế và công nhân Mỹ. Sự thật thì Hoa Kỳ không xé nát hiệp ước đó mà chỉ đòi rà soát lại quan hệ buôn bán giữa ba nước trong một số khu vực thôi. Lý do là ba nền kinh tế đã quá hội nhập với nhau và ba nước phải căn cứ trên sự vận hành xây dựng từ năm 1994 để cải sửa một số điều bất lợi cho kinh tế Mỹ. Cụ thể thì nhiều tiểu bang, như Texas, hay thành phần cử tri đã bầu cho ông Trump lại gặp bất lợi nếu Hoa Kỳ đòi trừng phạt Mexico vì đạt xuất siêu quá lớn với kinh tế Mỹ. Chúng ta sẽ chứng kiến sự thật này khi việc đàm phán giữa ba nước sắp bước vào vòng đầu.

Thí dụ thứ hai là quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thiên hạ cứ sợ Mỹ sẽ chối bỏ các quy định của WTO mà phá vỡ hệ thống giao dịch toàn cầu hoặc nhẹ ra thì bất chấp WTO mà áp đặt quy định riêng trong quan hệ song phương với từng nước. Sự thật thì Hành pháp Mỹ bị chi phối bởi một cơ chế độc lập, lưỡng đảng là gồm cả hai đảng, có quyền khuyến cáo và phản bác cả Chính phủ lẫn Quốc hội về chính sách ngoại thương, là Hội đồng Thương mại Quốc tế, US International Trade Commission. Ngoài trận đánh về pháp lý hay chính trị thì Chính quyền còn gặp áp lực từ các tiểu bang và doanh giới nên không dễ gì tự tiện hành động. Nhưng vì quan hệ kinh tế giữa các nước cũng cần sửa chứ không tự do như xưa nên tại Thượng đỉnh sắp tới của G-20 vào hai ngày 7-8 Tháng Bảy ở Hamburg, ông Trump sẽ đặt vấn đề với Thủ tướng Đức, và nhiều nước khác, như Trung Quốc hay Đức, cũng đã nói tới nhu cầu cải sửa đó.

Rồi sẽ ra sao?

Nguyên Lam: Chúng ta trở về chuyện Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Thưa ông, vì kỳ hạn trăm ngày sẽ hết từ giữa Tháng Bảy này mà hai nước chưa khai thông được nhiều mâu thuẫn thì rồi đây tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ mâu thuẫn Mỹ-Hoa không chỉ có hồ sơ mậu dịch vì còn nhiều vấn đề khác, như thái độ khiêu khích của Bắc Hàn mà Bắc Kinh không thể hay không muốn giải quyết, hoặc sự bành trướng của Bắc Kinh xuống vùng biển Đông Nam Á như muốn đẩy Mỹ ra khỏi Á Châu và cả chuyện biến đổi khí hậu hay ô nhiễm mà Trung Quốc không xử lý. Chuyện thứ hai mà thế giới lý tài cứ hiểu lầm, Trung Quốc chưa là siêu cường cấp toàn cầu có sức mạnh về kinh tế, quân sự hay tinh thần để các nước có thể noi theo. Đấy chỉ là chế độ đang phát huy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và áp dụng một số quy luật thị trường để khỏi tụt hậu mà vẫn cố kiểm soát người dân và ưu tiên bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và công nghiệp nặng. Huống hồ, nội bộ cũng có bao vấn đề kinh tế như nạn đầu cơ địa ốc và vay mượn thả giàn, kể cả hồ sơ chính trị gay gắt khi họ chuẩn bị Đại hội khóa 19, nên không có thế mạnh như ta nghĩ.

Nguyên Lam: Như vậy thưa ông mâu thuẫn giữa hai quốc gia này sẽ diễn biến ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ bối cảnh đó, ta nhớ Chính quyền Trump vẫn giàng hồ sơ an ninh vào kinh tế, như gài chuyện Bắc Hàn vào mậu dịch, để đòi Trung Quốc chấm dứt nạn xuất siêu hàng hóa lên tới 350 tỷ đô la với kinh tế Mỹ. Nếu Hoa Kỳ gây sức ép về mậu dịch, dễ nhất là để bảo vệ ngành nhôm và thép vì lý do an ninh quốc gia, thì việc Bắc Kinh tái cơ cấu kinh tế bị trở ngại. Ta sẽ thấy ra vụ này trong mấy tháng tới. Bắc Kinh có thể giải tỏa sức ép khi hứa giải quyết mối nguy Bắc Hàn nhưng đám âm binh này không dễ nghe lời phù thủy Trung Quốc, chưa kể là nhiều nước Đông Nam Á đang tập trận và trông cậy vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ chứ không của Bắc Kinh để giải trừ nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Cạnh đó, dự án năng lượng của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng làm Bắc Kinh khó chịu như ta đã thấy tuần qua. Thành thử, có khi Hoa Kỳ gây sức ép với Bắc Kinh về mậu dịch để đạt mục tiêu khác, như Bắc Hàn, Đài Loan hay an ninh Đông Nam Á và Trung Quốc không có thế mạnh như báo chí vẫn loan truyền.

Nguyên Lam: Thưa ông, nếu nhìn rộng qua các nước khác tại Á Châu thì chuyện mâu thuẫn mậu dịch sẽ biến thái ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên là lạm phát đã giảm mạnh tại Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang kích hoạt kinh tế, gọi là reflation, để tránh nạn giảm phát. Vì vậy, biện pháp tiền tệ như tăng lãi suất tại Mỹ, hay ngân sách là hạ thuế, sẽ còn chi phối quan hệ kinh tế giữa các nước. Đã vậy, khả năng sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ theo công nghệ mới còn nâng số cung làm năng lượng sụt giá khiến các nước bán dầu xưa nay thêm khốn đốn. Trong bối cảnh chung như vậy, tính toán về mậu dịch hay xuất nhập khẩu sẽ khó tiến hành như ý muốn của các nước.

Bây giờ, nói về mậu dịch thì sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước TPP, 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến, nhất là Nhật Bản, Úc và New Zealand, trong khi hai nước đang phát triển trong nhóm này là Việt Nam và Malaysia còn do dự. Nhưng ta không nên quên là sau khi rút khỏi TPP, Hoa Kỳ vẫn tìm cách thương thảo song phương với từng nước và khi đàm phán thì không quên yếu tố an ninh, như với Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Ngược lại, Bắc Kinh nghĩ tới cơ hội đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực Á Châu, gọi tắt là RCEP, mà sau 15 vòng đàm phán, lần cuối là tháng trước tại Philippines, tình hình vẫn chưa tiến triển và động thái hung hăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á khiến 10 nước trong Hiệp hội ASEAN cũng cẩn trọng chứ không muốn vì làm ăn với Bắc Kinh mà ra khỏi lá chắn bảo vệ của Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc có thể o bế các nước Liên Âu để hy vọng được họ nhận cho quy chế là “đã có nền kinh tế thị trường” nhưng chủ trương kinh tế nhuốm mùi quốc gia dân tộc của Bắc Kinh vẫn khiến nhiều nước Âu Châu dè dặt. Vả lại sau khi Vương quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu vào năm ngoái thì cơ chế quốc tế này bèn nhượng bộ mà quy định là Quốc hội của từng quốc gia thành viên sẽ phê chuẩn các hiệp ước chứ không phó thác nhiệm vụ đó cho Liên Âu. Vì vậy, dù có tung tiền mua chuộc, Bắc Kinh vẫn chưa thuyết phục được thiên hạ và việc Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường ngợi ca toàn cầu hóa nhân hội nghị gọi là Davos Mùa Hè vào hai ngày 27 28 vừa qua tại cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh chỉ là màn trình diễn.

Nguyên Lam: Những gì mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa vừa phân tích khiến chúng ta thấy ra một nghịch lý. Xưa nay, Hoa Kỳ là quốc gia đã phát huy ưu thế của kinh tế tự do và góp phần dẫn tới hiện tượng toàn cầu hóa thì nay lại tỏ vẻ hoài nghi và đòi thương thuyết lại các hiệp ước tự do mậu dịch. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn có chế độ bảo hộ kinh tế nhằm duy trì lợi ích cho thiểu số cầm quyền thì lại thủ vai vô địch về kinh tế tự do và trào lưu toàn cầu hóa! Ở giữa thì các nước đang phát triển chưa biết tính làm sao vì những chuyển động trái chiều như vậy. Thưa ông, ông kết luận thế nào về nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, sinh hoạt kinh tế giữa các nước không là quyết định của nhà nước mà là kết quả của hàng triệu hàng tỷ người trong doanh nghiệp. Lý do là kinh tế xuất phát từ người dân để tạo lợi ích cho người dân, không cho nhà nước. Thứ hai, trong quan hệ mậu dich giữa các nước, tiếng nói của người dân hay của thị trường tại các nước dân chủ vẫn có trọng lượng nên nếu Chính quyền Trump có muốn lui về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hẹp hòi thì cũng chẳng được như ta đã thấy và sẽ còn thấy tại Hoa Kỳ. Thứ ba, chính quyền một quốc gia chủ quan duy ý chí như Trung Quốc chưa giải quyết nổi bài toán cơ bản cho dân nghèo mà cứ tưởng rằng thế lực kinh tế của mình sẽ khuynh đảo được xứ khác. Sự thật thì trong quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau, mậu dịch hay ngoại thương không là tất cả mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác, kể cả an ninh và nhất là an ninh. Những mâu thuẫn về mậu dịch đang phơi bày sự thật đó và “an ninh hay sự sinh tồn của quốc gia sẽ là gì?” đang trở thành câu hỏi cho nhiều người, nhất là ở tại Việt Nam.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về bài phân tích kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/trade-conflicts-nxn-06282017075132.html

 

Tổng thống Macron

mời nguyên thủ Mỹ dự lễ Quốc khánh Pháp

Thanh Phương

Theo một nguồn tin từ điện Elysée, hôm qua, 27/06/2017, tổng thống Emmanuel Macron đã mời nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump và phu nhân sang dự lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp 14/07 năm nay ở Paris. Tổng thống Mỹ đã đáp lại rằng ông sẽ « xem xét tính khả thi » của chuyến đi sang Pháp.

Tổng thống Macron đã đưa ra lời mời nói trên trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Trump. Lễ Quốc khánh Pháp năm nay cũng sẽ là dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ tham chiến cùng với quân đội Pháp trong cuộc Thế chiến thứ nhất.

Sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ trên quảng trường Concorde tại lễ diễu binh truyền thống ngày Quốc khánh Pháp 14/07 sẽ là một động thái ngoại giao ngoạn mục khác của tổng thống Macron, sau cuộc họp thượng đỉnh giữa ông với tổng thống Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles.

Quan hệ giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ cho tới nay vẫn chưa có gì là thắm thiết. Ông Macron đã thách thức ông Trump bằng cách nhái lại khẩu hiệu tranh cử tổng thống của nhà tỷ phú New York khi phản ứng về việc tổng thống Hoa Kỳ quyết định rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đối lại với khẩu hiệu của ông Trump « Make America great again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », ông Macron đã tung ra khẩu hiệu « Make our planet great again – Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại».

Trước đó, bên lề cuộc họp thượng đỉnh khối NATO ở Bruxelles, tổng thống Macron đã thể hiện bản lĩnh trước tổng thống Trump qua cái bắt tay đã được báo chí bình luận rất nhiều.

Cũng về ngoại giao, hôm nay thủ tướng Pháp Edouard Philippe mở chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông tại Estonia, quốc gia vùng Baltic sắp giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu.

Về tình hình chính trị nội bộ của Pháp, hôm qua, các dân biểu đã bầu ông François de Rugy, một cựu đảng viên đảng Xanh, làm chủ tịch Quốc Hội mới. Năm nay 43 tuổi, ông Rugy như vậy là một trong những chủ tịch Quốc Hội trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20170628-tong-thong-macron-moi-tong-thong-my-donald-trump-du-le-quoc-khanh-phap-ok

 

Tổng thống Trump sẽ dự Ngày Quốc Khánh Pháp ở Paris

Tổng thống Donald Trump sẽ dự các lễ lạc ăn mừng Ngày Quốc Khánh Pháp, tức Ngày Bastille 14/7, ở Paris, theo thông báo của Toà Bạch Ốc.

Ông Trump nhận lời mời của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Tư, nói rằng ông “nóng lòng muốn tái khẳng định các quan hệ hữu nghị vững chắc giữa Hoa Kỳ với nước Pháp.”

Hai nhà lãnh đạo điện đàm hôm qua, 27/6, và ông Macron ngỏ lời mời ông Trump trong cuộc tiếp xúc đó.

Theo Toà Bạch Ốc, trong cuộc điện đàm, “2 nhà lãnh đạo còn thảo luận về tình hình ở Trung Đông, và duyệt lại nghị trình của hội nghị thượng đỉnh G20” ở Hamburg.

Lần mới nhất hai vị Tổng thống gặp nhau là tháng Năm, khi cả hai tới Bruxelles để dự một hội nghị thượng đỉnh NATO.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-se-du-ngay-quoc-khanh-o-paris/3919723.html

 

Tấn công mạng toàn cầu và mã độc tống tiền

Một cuộc tấn công mạng toàn cầu hôm thứ Tư đã làm gián đoạn các hoạt động tại cảng container lớn nhất Ấn Độ, gây khó khăn hơn nữa cho các chính phủ và doanh nghiệp đã từng bị ‘mã độc tống tiền’ tấn công, lấy cắp dữ liệu và đòi các nạn nhân trả tiền để tháo mã độc.

Sự cố xảy ra tại cảng Jawaharlal Nehru ở thủ đô Mumbai liên quan đến một bến cảng do công ty vận tải Đan Mạch A.P. Moller-Maersk điều hành. Công ty này hôm thứ Ba nói vụ tấn công đã lan rộng phần lớn ở châu Âu và Hoa Kỳ, mã độc đã ảnh hưởng đến các hoạt động tại một số bến cảng.

Bộ trưởng An ninh mạng Australia Dan Tehan nói với các phóng viên rằng các giới chức chưa xác định là cùng một vi-rút máy tính là thủ phạm trong các cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc đối với hai công ty của Úc, nhưng “tất cả các chỉ dấu đều dẫn tới” kết luận đó.

Các ngân hàng, cơ quan chính phủ và sân bay ở Ucraina là những nơi đầu tiên báo cáo cuộc tấn công mạng.

Phó Thủ tướng Ucraina Pavlo Rozenko đưa lên Twitter một bức ảnh cho thấy màn hình máy tính của ông tắt đen, và cho biết trụ sở chính phủ phải đóng cửa.

Các công ty quốc tế khác cũng bị ảnh hưởng gồm công ty dược phẩm Merck của Mỹ, công ty Rosneft của Nga, tập đoàn quảng cáo Anh WPP và tập đoàn công nghiệp Pháp Saint-Gobain.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Bộ An ninh Nội địa, FBI và các cơ quan khác đang “làm việc với các đối tác nhà nước và tư nhân, trong nước và quốc tế để có biện pháp đáp ứng, đồng thời cung cấp thông tin kỹ thuật để ngăn ngừa và khắc phục hậu quả.”

https://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-mang-toan-cau-va-ma-doc-tong-tien/3919703.html

 

Ông Trump ngày càng bất bình với Trung Quốc

về Bắc Triều Tiên

Tổng thống Donald Trump ngày càng bất bình với Trung Quốc về thái độ thụ động đối với Bắc Triều Tiên và vấn đề mậu dịch song phương. Ông Trump hiện đang xem xét đưa ra những hành động thương mại chống lại Bắc Kinh, theo nguồn tin từ 3 giới chức cao cấp trong chính quyền nói với Reuters.

Các giới chức cho hay ông Trump mất kiên nhẫn với Trung Quốc và đang xem xét một loạt các giải pháp, trong đó có thuế quan thép nhập khẩu, điều mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói là đang cân nhắc.

Hiện chưa được rõ Ông Trump có hành động gì chống lại Trung Quốc hay không. Vào tháng 4 năm nay, ông không thực hiện lời đe dọa rút khỏi NAFTA như đã hứa sau khi cho biết lãnh đạo Canada và Mexico yêu cầu ông ngưng ký sắc lệnh để thảo luận thêm.

Các giới chức nói chưa có đồng thuận về cách thức đối với Trung Quốc và họ cũng không cho biết có những giải pháp khác hay không. Một giới chức cao cấp cho hay trong tuần này vẫn chưa có quyết định.

Thép của Trung Quốc đã là mục tiêu của hàng chục lệnh chống phá giá và chống trợ cấp tại Mỹ. Hậu quả là thép Trung Quốc chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trên thị trường Mỹ.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Trump “cảm thấy đã cho Trung Quốc cơ hội để tạo sự khác biệt” nhưng ông không thấy kết quả, giới chức này nói.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy để Trung Quốc tạo thêm áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Bắc Triều Tiên giúp kìm chế chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này. Bắc Kinh đã lặp lại nhiều lần là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên rất hạn chế và cho biết đang làm đủ mọi cách có thể.

“Họ chỉ làm một ít, không nhiều,” giới chức này nói. “Và nếu ông Trump không được những gì ông cần thì ông cần phải tiến tới lịch trình rộng lớn hơn trong lĩnh vực mậu dịch và Bắc Triều Tiên.”

Ông Trump tỏ ý thất vọng với những nỗ lực của Trung Quốc trong một tin nhắn đăng trên Twitter vào tuần trước.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-ngay-cang-bat-binh-voi-trung-quoc-ve-bac-trieu-tien-/3919147.html

 

Thượng viện Mỹ hoãn biểu quyết về luật bảo hiểm sức khỏe

Đối diện với khả năng bị đánh bại bởi chính các đảng viên Cộng hòa, lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, ngày 27/6 quyết định hoãn lại cuộc biểu quyết về dự luật bảo hiểm sức khỏe để có thêm sự ủng hộ của các Thượng nghị sĩ trong đảng.

Tổng thống Donald Trump mời tất cả 52 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đến Tòa Bạch Ốc chiều ngày 27/6 để thảo luận về việc tiến hành như thế nào.

Ông Mitch McConnell đang thúc đẩy biểu quyết trước lễ Độc lập 4/7. Luật đang bàn cãi sẽ thu hồi một số nội dung chính của Obamacare và thay thế bằng một chương trình bảo hiểm sức khỏe mới của liên bang.

Việc trì hoãn biểu quyết cho thấy ông McConnell và ông Trump cho tới nay đã thất bại trong việc thu hút đủ số phiếu giữa sức chống đối chắc chắn của phe Dân chủ và cùng lúc bị tấn công từ các Thượng nghị sĩ Cộng hòa cả hai phía ôn hòa và bảo thủ.

Ông McConnell cho báo giới biết các lãnh tụ đảng Cộng hòa đang nỗ lực có được 50 phiếu thuận thông qua dự luật. Ông nói thêm là Tòa Bạch Ốc muốn giúp soạn thảo dự luật để được Thượng viện thông qua.

Trong khi Hạ viện tháng rồi đã thông qua dự luật với một đa số khít khao để thay thế Obamacare, dự luật do thượng viện soạn thảo bị trì hoãn ngày 27/6 vì một số ít Thượng nghị sĩ có khả năng làm dự luật thất bại.

Các Thượng nghị sĩ ôn hòa lo ngại rằng hàng triệu người sẽ mất bảo hiểm sức khỏe. Các Thượng nghị sĩ bảo thủ e dự luật không đủ để xóa dấu ấn Obamacare.

Giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/6 giảm sút sau quyết định trì hoãn bỏ phiếu của Thượng viện.

Thị trường chứng khoán Mỹ mạnh trở lại trong năm nay với những hy vọng về cải cách thuế khóa, giảm bớt những qui định và những thay đổi trong lãnh vực bảo hiểm sức khỏe. Thị trường bắt đầu nghi ngờ là liệu chính quyền ông Trump có thực hiện những lời hứa hay không.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội, một cơ quan không đảng phái, ngày 26/6 cho biết luật này sẽ khiến cho 22 triệu người Mỹ mất bảo hiểm sức khỏe trong 10 năm tới, dù có giúp giảm bớt 321 tỉ đô la thâm thủng ngân sách trong thập niên tới.

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-hoan-bieu-quyet-ve-luat-bao-hiem-suc-khoe-/3918760.html

 

Nhật cân nhắc trang bị F-35 với phi đạn không-đối-đất

Chính phủ Nhật đang cân nhắc việc trang bị máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35 với phi đạn không-đối-đất có khả năng bắn trúng các mục tiêu xa trên mặt đất, và có kế hoạch triển khai những máy bay này cho Lực lượng Phòng không, tờ Yomiuri Shimbun cho biết.

Đây sẽ là lần đầu tiên phi đạn loại này được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ. Chính phủ hy vọng đưa chi phí liên hệ vào ngân sách tài khóa 2018, theo một nguồn tin thân cận với chính phủ. Mục đích chính là chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp trên những đảo xa xôi của Nhật Bản, trong khi một số chuyên gia tin là chính phủ cũng đang nhắm vào việc có được khả năng tấn công những mục tiêu như các căn cứ của địch nhằm mục đích bảo vệ đất nước.

Theo những nguồn tin, máy bay phản lực chiến đấu F-35 sẽ thay thế máy bay F-4 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được không lực Mỹ và các nước khác sử dụng. Máy bay F-35 có khả năng tàng hình tối tân, khó bị ra-đa địch phát hiện.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự trù đưa vào sử dụng 42 đơn vị F-35 và triển khai dần dần đến Căn cứ Không quân Misawa thuộc tỉnh Aomori, bắt đầu vào cuối năm tài khóa này. Chính phủ Nhật Bản cũng đang cứu xét bổ sung thêm những khả năng khác nữa cho loại máy bay này.

Hiện nay chính phủ chú trọng vào Phi đạn Tấn công Chung (JSM) do Na Uy chế tạo. Na Uy cũng là nước tham gia vào dự án quốc tế phát triển F-35. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện không có loại phi đạn không đối đất, nhưng JSM có cả khả năng không-đối-tàu và không-đối-đất với tầm xa khoảng 300 kilômét.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xây dựng hệ thống quốc phòng để bảo vệ những đảo xa xôi như quần đảo Nansei. Thêm vào việc triển khai máy bay vận tải mới Osprey cho Lực lượng phòng vệ trên bộ, Nhật có kế hoạch thành lập một lữ đoàn phản ứng nhanh lưỡng cư, tương tự như thủy quân lục chiến các nước khác.

Phi đạn không-đối-đất có tầm bắn xa, có khả năng bắn trúng mục tiêu từ một không phận an toàn. Để việc này có thể thực hiện được, Bộ quốc phòng quyết định đưa JSM vào Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để chuẩn bị cho các tình huống như ngăn ngừa tàu chiến nước ngoài tiến gần đến những đảo xa xôi hay Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể mở những cuộc tấn công để chiếm lại những đảo đã mất.

Trong khi đó, nếu máy bay F-35 với khả năng tàng hình cao được trang bị các phi đạn không-đối-đất tầm xa, thì các máy bay F-35 có thể được sử dụng để tấn công những căn cứ nước ngoài.

Chính phủ nói Hiến pháp cho phép Nhật Bản được tấn công các căn cứ của địch, nhưng hiện nay Nhật Bản không có khả năng này giữa lúc những quyết định chính trị được căn cứ vào một chính sách nhằm đặc biệt vào quốc phòng.

Nhật sử dụng phi đạn không-đối-đất có thể khiến các nước láng giềng chống đối. Vì vậy, Tokyo khẳng định không có ý sử dụng khả năng này để tấn công các căn cứ của kẻ thù nhưng để bảo vệ các đảo xa xôi.

Tuy nhiên, với việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển những chương trình hạt nhân và phi đạn và liên tục có những hành động khiêu khích, ngày càng xuất hiện thêm các lời kêu gọi chính phủ phải có khả năng tấn công những căn cứ của kẻ thù để tăng cường khả năng ngăn chặn của Nhật Bản.

Giữa tình hình như vậy, Thủ tướng Shinzo Abe trong nhiều dịp đã bày tỏ ý định xem xét lại vấn đề này. Vào ngày 20 tháng 6, Ủy ban Nghiên cứu về An ninh của Đảng Dân chủ Cấp tiến soạn thảo một phúc trình tạm thời về những đề nghị cho chương trình phòng vệ giữa kỳ cho năm tài chánh 2019-2023, trong đó kêu gọi chính phủ bắt đầu thảo luận ngay về khả năng tấn công những căn cứ địch.

(Nguồn Yomiuri Shimbun)

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-can-nhac-trang-bi-f35-voi-phi-dan-khong-doi-dat-/3918744.html

 

Không kích ở Đông Syria, 15 người chết

Một cuộc không kích vào một ngôi làng do nhóm Nhà Nước Hồi giáo– IS chiếm giữ ở miền đông Syria hôm thứ Tư 28/6 đã giết ít nhất 15 người, ước tính số người chết có thể lên đến 35, theo các tổ chức theo dõi tình hình trong khu vực.

Các tổ chức theo dõi nói rằng bom chùm đã được thả từ những phản lực cơ không xác định nguồn gốc, dọc theo thung lũng sông Euphrates, làng Doblan, một khu vực nơi mà cả máy bay Mỹ, Syria và Nga hoạt động.

Đài quan sát Nhân quyền Syria -có trụ sở ở Anh, hôm 27/6 ra thông báo nói rằng một cuộc không kích do liên minh thực hiện, vào một nhà tù của Nhà Nước Hồi giáo ở thị trấn al-Mayadeen, giết chết 57 người.

Hoa Kỳ cho biết sẽ xem xét cáo buộc này, nhưng một phát ngôn viên của quân đội nói với VOA rằng “hoạt động quân sự này đã được hoạch định kỹ lưỡng và thực hiện tỉ mỉ để giảm nguy cơ gây thiệt hại không cố ý, và nguy cơ đối với những người không phải là phiến quân.”

Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway nói: “Mục tiêu của liên minh là không gây thương vong cho thường dân. Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe trong tiến trình nhắm đúng mục tiêu và cố gắng tối đa để bảo vệ thường dân.”

Thị trấn Al-Mayadeen nằm cách làng Doblan khoảng 20 km.

Trong bối cảnh Raqqa, cứ địa của IS, đang bị dồn vào đường cùng, tin cho biết nhóm Nhà Nước Hồi giáo đã sơ tán hầu hết các cấp chỉ huy của chúng tới thị trấn al-Mayadeen.

https://www.voatiengviet.com/a/khong-kich-o-dong-syria-15-nguoi-chet/3919683.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư 28/6 nói các lực lượng của họ đã phá hủy các mục tiêu của người Kurd ở Syria trong đêm, để trả đũa các đợt pháo kích chống các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria.

Một thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vụ đụng độ xảy ra ở khu vực Afrin.

Nhóm “Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd”, còn gọi là YPG, là một thành phần chủ yếu của Các Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn, trong cuộc chiến đang tiếp diễn nhằm đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Raqqa, được coi như thủ đô của nhóm khủng bố này.

Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ chống đối chiến binh người Kurd, và coi họ như một lực lượng có liên kết với đảng Công nhân Kurdistan, tức PKK, là nhóm đã phát động một phong trào nổi dậy ở đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980 cho mãi đến bây giờ.

Sự hậu thuẫn mà Hoa Kỳ dành cho Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd-YPG gồm cả chuyển giao các vũ khí, mà Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại có thể rơi vào tay của PKK.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã trấn an họ rằng Hoa Kỳ sẽ thu hồi những vũ khí này một khi đã chiếm được thành phố Raqqa, tuy nhiên ông Mattis hôm thứ Ba ra dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ YPG.

Ông Mattis nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ làm những gì có thể.” Nhưng ông nói vũ khí cung cấp cho YPG sẽ phụ thuộc vào nhiệm vụ kế tiếp là gì.

Ông Mattis nói: “Khi họ không cần một số vũ khí nào đó, chúng tôi sẽ thay thế bằng những thứ mà họ cần.”

Hôm Thứ Năm 29/6, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bỉ.

https://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-tan-cong-nguoi-kurd-o-syria/3919475.html

 

Mỹ, Pháp

sẵn sàng trả đũa nếu Syria lại sử dụng vũ khí hóa học

Thụy My

Hoa Kỳ và Pháp hôm qua 27/06/2017 cho biết sẵn sàng phối hợp để trả đũa tất cả các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Syria trong tương lai, sau khi Washington tố cáo chế độ Damas đang chuẩn bị hành động này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh « sự cần thiết có hành động đáp trả chung trong trường hợp tấn công hóa học tại Syria ». Trước đó, vào tối thứ Hai 26/6, phía Mỹ khẳng định chế độ Bachar Al Assad dường như đang chuẩn bị một vụ mới, và Washington sẵn sàng trả đũa như lần trước.

Hôm 04/04 tại Khan Cheikhoun, 88 người đã thiệt mạng vì bị tấn công bằng khí sarin, trong đó có khoảng 30 trẻ em, gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Quân đội Mỹ sau đó đã bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân Al Chaayrate ở gần Homs, nơi xuất phát chiếc máy bay thả khí độc. Đây là vụ can thiệp đầu tiên của Mỹ chống lại chế độ Damas.

Tối thứ Hai, Nhà Trắng đe dọa Damas phải « trả giá đắt » nếu lại tấn công hóa học. Lầu Năm Góc nói rõ là đã phát hiện được các hoạt động đáng ngờ tại căn cứ Al Chaayrate. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley còn đả kích cả Nga và Iran vì « đã giúp cho Assad giết hại chính đồng bào mình ». Nga phản ứng bằng cách lên án « những đe dọa không thể chấp nhận được ».

Trước đó vào tháng 08/2013, chế độ Syria bị cáo buộc sử dụng khí sarin tại ngoại ô Damas làm cho 1.400 người chết. Mỹ và Pháp chuẩn bị can thiệp quân sự vì Assad đã vượt qua « lằn ranh đỏ » do tổng thống Barack Obama vạch ra. Tuy nhiên vào giờ chót, ông Obama đã thay đổi ý kiến, chọn cách thỏa thuận với Nga để phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng lại khái niệm « lằn ranh đỏ » của ông Obama, khẳng định nước Pháp sẽ trả đũa trong trường hợp Assad lại dùng đến các loại khí giết người, cho dù Paris có một mình hành động. Anh Quốc hôm qua cho biết sẽ ủng hộ những hành động trả đũa tương tự của Hoa Kỳ.

Tuy vậy bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trước đó vẫn thận trọng tuyên bố Mỹ « từ chối bị lôi kéo vào cuộc nội chiến Syria, mà cố gắng kết thúc bằng nỗ lực ngoại giao ». Nhà Trắng nhắc lại rằng mục tiêu của Hoa Kỳ là đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) chứ không phải chống chế độ Assad.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170628-my-phap-san-sang-tra-dua-neu-syria-lai-su-dung-vu-khi-hoa-hoc

 

Fukushima : Lần đầu tiên các cựu lãnh đạo Tepco ra tòa

Thụy My

Phiên tòa xét xử ba nhà lãnh đạo cũ của Tepco, công ty quản lý nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn ở Fukushima bắt đầu từ thứ Sáu 30/06/2017. Đây là lần đầu tiên một phiên tòa hình sự được mở ra, trong khi các nạn nhân đã chờ đợi từ lâu.

Việc cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tsunehisa Katsumata (77 tuổi) và hai phó tổng giám đốc Sakae Muto (66 tuổi), Ichiro Takekuro (71 tuổi) phải ra trước tòa án Tokyo là chiến thắng đầu tiên cho các nguyên đơn. Hồi tháng Giêng năm 2015, một tòa án khác đã bác đơn, cho rằng « các bằng chứng không đủ để kết luận rằng ba người trên có thể dự đoán hoặc tránh được tai nạn ». Những đơn kiện nhắm vào các nhân vật khác đều đã bị bác.

Ba cựu lãnh đạo bị cáo buộc đã không củng cố các biện pháp dự phòng trong trường hợp sóng thần vượt quá các tiêu chí mà nhà máy điện Fukushima Daiichi, được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước đó, có thể chịu đựng được. Họ bị cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của 44 người được sơ tán khẩn cấp khỏi bệnh viện Futaba cách đó vài cây số. Hàng trăm ngàn người dân mà cuộc sống đã bị đảo lộn bởi thảm kịch, cũng chờ đợi các thủ phạm phải lãnh án.

Một nghiên cứu nội bộ của Tepco năm 2008 nêu ra giả thiết một trận sóng thần cao 15,7 mét, nhưng chủ tịch Katsumata biện bạch là bản báo cáo không đến tay ông. Phó giám đốc Takekuro cho rằng các tài liệu này chỉ là những tính toán dự phòng chứ không phải những biện pháp cụ thể, còn phó giám đốc Muto nói các biện pháp an ninh được đưa ra dựa trên thảo luận của các chuyên gia.

Chính quyền nhấn mạnh việc không có trường hợp tử vong nào do bị nhiễm xạ trực tiếp từ ba lò phản ứng ở Fukushima, nhưng chính thức nhìn nhận những cái chết liên quan đến việc sơ tán khẩn cấp, và điều kiện sống xuống cấp tại những nơi di tản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170628-tai-nan-fukushima-lan-dau-tien-cac-cuu-lanh-dao-tepco-ra-toa-ok

 

Pháp quyết duy trì luật cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid

Trọng Thành

Luật về cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid, thủ phạm của nạn ong chết, đã được Quốc Hội Pháp thông qua năm 2016. Mâu thuẫn bùng lên trong nội bộ tân chính phủ Pháp, sau khi bộ trưởng Nông Nghiệp đề nghị xét lại luật này, với lý do “không phù hợp với luật châu Âu”. Hôm qua, 27/06/2017, thủ tướng Pháp đã can thiệp, khẳng định sẽ không có việc xét lại luật. Theo các nhà quan sát, năm 2017 sẽ là năm “quyết định” của cuộc chiến chống thuốc trừ sâu neonicotinoid.

Chất neonicotinoid bị coi là thủ phạm chính của việc ong chết trên quy mô rất lớn tại châu Âu. Các thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid còn được mệnh danh là “thuốc diệt ong”, . Thiếu vai trò thụ phấn của ong, cũng như các côn trùng thụ phấn nói chung, sản xuất nông nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Mâu thuẫn đầu tiên trong nội bộ tân chính phủ Pháp bùng lên khi bộ trưởng Nông Nghiệp Stéphane Travert phê phán luật đa dạng sinh học, cấm loại thuốc trừ sâu nói trên của Pháp, trên kênh RMC/BFMTV. Ngay lập tức bộ trưởng Sinh Thái – Đoàn Kết Nicolas Hulot khẳng định lệnh cấm, có hiệu lực từ tháng 9/2018, vẫn được giữ nguyên. Ông Hulot nhấn mạnh : “không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào”, một khi sức khỏe dân chúng bị đe dọa.

Thủ tướng Edouard Philippe đã can thiệp, ủng hộ quan điểm của bộ trưởng Sinh Thái. Phủ thủ tướng ra thông cáo thừa nhận đang phối hợp làm việc với các định chế châu Âu, để bảo đảm luật của Pháp phù hợp với luật pháp châu Âu. Chống các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm là cam kết của ứng cử viên tổng thống Macron, trong thời gian tranh cử.

Cuộc chiến pháp lý

Trên thực tế cuộc chiến pháp lý chống thuốc trừ sâu tại châu Âu kéo dài từ nhiều năm nay. Năm 2013, Liên Hiệp Châu Âu đã ra quyết định tạm thời cho sử dụng trong một thời gian nhất định ba loại thuốc trừ sâu neonicotinoid (bao gồm clothilianidin và imadacloprid của tập đoàn Bayer và thiamethoxam của Syngenta). Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch đưa vấn đề này ra lấy quyết định chính thức của các nước thành viên vào tháng 7 tới.

Trong khi Liên Âu còn chần chừ, Paris đã có những nỗ lực đi trước [Pháp không đơn độc, Canada hiện cũng đang nỗ lực theo hướng này]. Luật Đa Dạng Sinh Học năm 2016 của Pháp dự kiến cấm toàn bộ các thuốc trừ sâu neonicotinoid, chứ không chỉ ba loại thuốc nói trên. Về nguyên tắc, không có quy định nào cấm một nước thành viên đi xa hơn các quy định hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu, với điều kiện phải dựa trên các bằng chứng khoa học.

Trong khi chờ đợi kết quả của Cơ Quan An Ninh Thực Phẩm Châu Âu (EFSA), tổ chức môi trường Greenpeace đề nghị hai nhà khoa học Anh tổng hợp các nghiên cứu về tác động của thuốc neonicotinoid. Nghiên cứu rất phức tạp do nạn ong dại và ong nhà chết hàng loạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các tập đoàn công nghiệp thực phẩm và hóa chất nông nghiệp chắc chắn không chấp nhận bó tay.

Bên cạnh nạn ong chết, chính phủ Pháp đã yêu cầu Cơ Quan Quốc Gia An Toàn về Thực Phẩm, về Môi Trường và về Lao Động (ANSES) thực hiện một báo cáo về tác động của thuốc trừ sâu nói trên đến người.

Giải pháp thay thế

Nạn thuốc trừ sâu diệt ong, có hại cho sức khỏe đang được các định chế châu Âu xác minh, không chỉ là vấn đề của riêng Liên Âu mà là của toàn cầu. Thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid chiếm khoảng từ 30 đến 40% thị trường thuốc trừ sâu thế giới.

Trong những năm gần đây, lượng thuốc trừ sâu loại này tăng vọt trên quy mô toàn cầu (giữa năm 2013 và năm 2016, lượng tiêu thụ tăng 31%). Vấn đề đặt ra hiện nay là : Để có thể cấm được triệt để các loại thuốc trừ sâu độc hại nhận được sự đồng thuận xã hội, cần phải có các biện pháp mới thay thế, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp không bị tác động.

http://vi.rfi.fr/phap/20170627-phap-quyet-duy-tri-luat-cam-thuoc-tru-sau-neonicotinoid

 

Nước biển dâng cao :

Băng đảo Groenland chịu trách nhiệm tới 25%

Trọng Thành

Trái đất bị hâm nóng khiến nước biển dâng là điều ngày càng được công nhận. Tuy nhiên, những nguồn nước nào chịu trách nhiệm chính? Một nghiên cứu mới đây khẳng định băng đảo Groenland, chịu trách nhiệm tới 25% tổng mức nước dâng. Số liệu mới này khiến các nhà khoa học lo ngại nước biển sẽ dâng nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. Thêm hàng trăm triệu cư dân ven biển sẽ phải đối mặt với các thảm họa nhãn tiền.

Theo AFP hôm qua, 26/06/2017, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climat Change khẳng định băng hà tại Groenland hay Greenland ở Bắc Cực, thuộc lãnh thổ Đan Mạch, là một “thủ phạm” chính. Nghiên cứu trên Nature Climat Change chỉ ra là mức nước biển dâng năm 2014 nhanh gấp rưỡi so với năm 1993 (3,3 mm/năm so với 2,2 mm/năm), trong khi đó phần nước do băng Groenland “đóng góp” là 25%, tức gấp năm lần so với cách đây 20 năm.

Đọc thêm: Biến đổi khí hậu tác động đến đại dương gây thiệt hại 2.000 tỷ đô la/năm

Theo giáo sư vật lý đại dương Peter Wadhams, đại học Oxford, các kết luận nói trên là “quan trọng”, bởi cho đến nay các nghiên cứu của Giec (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu), mức tăng của nước biển từ đây đến cuối thế kỷ chỉ là từ 60cm đến 90cm. Các tính toán của Giec dựa trên ước tính nước biển tăng đều đặn, trong khi đó theo nghiên cứu nói trên, tốc độ nước biển dâng đang trên đà tăng vọt hiện nay, do tốc độ tăng đột biến của Groenland và Nam Cực.

Vẫn theo chuyên gia đại học Oxford, chỉ riêng Groenland nếu tan hết, cũng đã đủ khiến bề mặt đại dương cao thêm 7 mét.

Kết luận về vai trò đặc biệt lớn của băng đảo Groenland trong việc nước biển dâng khiến giới khoa học phải thực sự xem xét lại nhiều giả thuyết tương đối “lạc quan” lâu nay.

Nghiên cứu vừa được công bố mang lại một điểm quan trọng thứ hai. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phối hợp hai phương pháp vốn vẫn được áp dụng riêng rẽ. Phương pháp thứ nhất là phối hợp ba yếu tố, độ giãn nở của đại dương, biến đổi của nước dự trữ trên đất liền và băng tan. Phương pháp thứ hai là dựa trên đo lường từ vệ tinh, cụ thể là khoảng cách giữa vệ tinh và mặt biển.

Trước nghiên cứu này, các đo lường từ vệ tinh rất ít chỉ ra được sự biến đổi của mực nước biển. Nghiên cứu trên Nature Climat Change cho phép chỉnh lại các thông số vệ tinh, được thu thập từ một thập niên nay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170627-nuoc-bien-dang-cao-bang-dao-groenland-chiu-trach-nhiem-toi-25