Đọc báo Pháp – 20/06/2017
Quốc Hội Pháp : Một sự « lột xác » đầy « may rủi »
Một sự lột xác. Quốc hội mới của Pháp trẻ hơn, nhiều gương mặt nữ hơn và toàn « tân binh ». Đây là nhận định chung của các báo Pháp (20/06/2017) về kết quả bầu cử Quốc Hội vòng hai, ngày Chủ Nhật 18/6.
Đầu tiên hết, Le Monde trên trang nhất công nhận « Macron thắng cược ». Trong số 352 ghế dân biểu dành cho liên minh cánh trung LREM – Modem, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chiếm đến 308 ghế tại Quốc Hội.
Tuy nhiên, chiến thắng này của ông Macron cũng bị phai mờ phần nào trước tỷ lệ vắng mặt kỷ lục chưa từng có trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Gần 2/3 (57,4%) đã không tham gia bỏ phiếu. Do vậy, tuy có được đa số áp đảo, nhưng tổng thống Macron và đảng của ông không có được một vị thế thống trị như nhận định của bài xã luận trên báo công giáo La Croix.
Quốc hội Pháp « lột xác »
Dù vậy, nhật báo thiên hữu Le Figaro và tờ báo công giáo La Croix trên trang nhất cũng nhận thấy « làn sóng Macron » đang mang đến : Một « diện mạo mới cho Quốc Hội ».
Thứ nhất, lần này, sẽ có rất « nhiều dân biểu mới lần đầu khám phá điện Bourbon » (trụ sở Quốc hội Pháp), như tựa đề bài viết trên trang 2 của Le Figaro. Trong số 577 dân biểu đắc cử, có đến 424 người là « tân binh », chưa từng là dân biểu.
Đại đa số tân dân biểu đều xuất thân từ « xã hội dân sự », hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân, đủ mọi ngành nghề : từ thể thao, kinh doanh, chính trị, y khoa, luật, chủ doanh nghiệp…, thậm chí có cả sinh viên. Đến mức, Libération trên trang nhất phải hóm hỉnh công nhận đây là một « Quốc Hội thông thoáng ».
Thứ hai, số lượng nữ dân biểu tại Quốc Hội lần này đã tăng vọt từ con số 155 (năm 2012) lên đến 224 nữ dân biểu, tức chiếm đến gần 40% so với 26,86% (2012) và 10% (2007). Trong đó, ba đảng có tỷ lệ nữ dân biểu cao nhất là Cộng Hòa Tiến Bước 47%, tiếp đến là MoDem 45%, Nước Pháp Bất Khuất 41%
Với báo kinh tế Les Echos, chỉ riêng hai yếu tố này thôi đủ để cho thấy Quốc Hội mới của Pháp lần này có « tính đại diện tốt nhất ».
Sự hiện diện đông đảo lãnh vực tư nhân và doanh nghiệp trong Quốc Hội là một điều tốt, nhưng nhật báo cũng lấy làm tiếc cho sự thiếu vắng của giới công nhân hay những người làm công ăn lương. Bởi vì việc nhìn nhận tính chất đa dạng các ngành nghề trong xã hội Pháp là cần thiết.
« Đã đến lúc hành động »
Về phần mình, Le Figaro trong bài xã luận cho rằng, sau một thời gian dài theo dõi mệt mỏi các chiến dịch vận động tranh cử : từ sơ bộ trong các đảng chính trị, rồi đến tổng thống và cuối cùng là lập pháp, giờ đã đến lúc « chuyển qua hành động ».
Lên chương trình tranh cử thì dễ, thực hiện chúng mới là điều khó nhất, tờ báo viết. Giờ đã đến lúc phải đi vào từng chi tiết, từng con số cụ thể. Bởi vì, không ai hiểu rõ là làm thế nào tân chính phủ mới tài trợ cho những chi tiêu lớn đã được vạch ra. Hay như bằng cách nào, ở đâu để thực hiện các khoản tiết kiệm.
Sau quá trình chinh phục quyền lực giờ là lúc « bước qua hành động ». Tổng thống Pháp giờ có thể trông cậy vào 350 dân biểu « tân binh » của mình, mong cho họ tiến bước và nhanh hơn nữa.
« May rủi »
Bình luận về việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội mà đa số các dân biểu đảng này đến từ các tổ chức xã hội dân sự, báo Libération thiên tả có bài xã luận với tựa đề ngắn gọn : « May rủi ».
Nước Pháp có đặc thù là đa số giới tinh hoa, lãnh đạo chính trị kinh tế thường xuất thân từ các « trường lớn », một hệ thống đào tạo rất chọn lọc. Mở đầu bài xã luận, Libération dùng cách ngôn, phóng đại : chúng ta đã trải qua thời trị vì của Trường Hành Chính Quốc Gia (ENA), giờ đây, chúng ta chuyển qua thời trị vì của Trường Cao Học Khoa Học Kinh Tế và Thương Mại (ESSEC).
Tuy nhiên, thành phần xã hội dân sự trong đa số dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước không phản ánh được thực tế thống kê của xã hội nước Pháp vì có ít công nhân, nông dân, nhân viên và có nhiều, thậm chí rất nhiều người bằng cấp cao, một số khá đông là cán bộ quản lý thuộc khu vực tư nhân.
Đa số này mang nặng suy nghĩ quản trị, một sự hòa trộn giữa tư tưởng thực dụng tự do kinh tế và lạc quan khoan dung, ngự trị Quốc Hội. Theo Libération, tư tưởng của Macron là chủ nghĩa nhân văn thị trường, rất chú trọng đến thành công, nhưng đồng thời cởi mở ra bên ngoài, đi kèm những thiện ý.
Xã luận tờ báo truy tìm xuất xứ : trong truyền thống chính trị Pháp, cái vỏ mới của tư tưởng này có cội nguồn cổ xưa : đó là thuyết Saint Simon. Bá tước Saint Simon là một lý thuyết gia về chủ nghĩa xã hội và công nghiệp vào đầu thế kỷ 19.
Học thuyết này cho rằng cần trao quyền lực cho một liên minh các nhà bác học và giới sản xuất để họ phát triển nền kinh tế và tổ chức xã hội theo các nguyên tắc cơ hội đồng đều và tương tế. Tư tưởng này sau đó đã biến đổi hoặc thành chủ nghĩa xã hội hoặc thành chế độ tinh hoa độc tài dưới thời Napoléon III.
Như vậy, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang ở ngã tư đường : Chiến thắng của ông và đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể mở ra một thời kỳ cải cách cần thiết, cho dù một số cải cách có thể bị phản đối. Tuy nhiên, sự thống trị của đảng này cũng có thể biến đổi thành một chính phủ « kỹ trị » cao ngạo với tất cả những rủi ro hệ lụy đối với nền dân chủ.
Cuối cùng, Libération cảnh báo, trước đây, một số người mang tư tưởng Saint Simon đóng góp nhiều cho nền Cộng Hòa non trẻ, nhưng cũng có nhiều người khai thác tư tưởng này để phục vụ cho một chế độ bạo chúa sáng suốt, nhân danh năng lực quản trị.
Anh và châu Âu khởi động « chia tay »
Luân Đôn và Bruxelles sắp « chia tay » là chủ đề thời sự quốc tế được các báo Pháp chú ý đến nhiều nhất. Le Figaro thông báo : « Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu khởi động tiến trình ly dị ».
Hôm qua, trưởng đoàn đàm phán đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu, Michel Barnier đã tiếp bộ trưởng Anh phụ trách Brexit, David Davis, tại Bruxelles, nhằm bắt đầu cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, theo nhận định của Le Monde, « Brexit : Đàm phán bắt đầu, nhưng Theresa May lại trong thế yếu ».
Nước Anh đang lao vào một cuộc phiêu lưu đầy bất định dưới sự điều khiển của một thủ tướng Anh trong thế mong manh do những thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn hồi đầu tháng 06/2017.
Ngoài vấn đề an ninh sau hai cuộc tấn công khủng bố, bà Theresa May còn phải đối mặt với làn sóng bất bình của người dân Anh sau vụ hỏa hoạn tòa nhà cao tầng Grenfell, làm thiệt mạng 58 người. Trong hoàn cảnh này, thủ tướng Anh đến với bàn đàm phán với một kế hoạch chưa mấy rõ ràng.
Dù vậy, Les Echos trong bài viết « Liên Hiệp Châu Âu và Anh quốc cùng xuất phát » cho hay, đôi bên đã tìm được một đồng thuận cho các ưu tiên cũng như là lịch trình đàm phán. Theo đó, hai bên sẽ duy trì cuộc gặp mỗi tháng một lần, nhằm tìm kiếm « những giải pháp sáng tạo » cho những vấn đề chính như các khoản chi phí mà Luân Đôn phải thanh toán cho Liên Hiệp Châu Âu, hay quy chế nào cho các công dân Liên Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc.
Hàn Quốc từ bỏ điện hạt nhân
Thời sự châu Á hầu như vắng bóng. Riêng Les Echos chú ý đến việc « Hàn Quốc cam kết từ bỏ hạt nhân ». Với 25 lò phản ứng, cung cấp đến 30% nguồn điện, Hàn Quốc là đứng hàng thứ 5 trên thế giới về sản xuất điện hạt nhân.
Tuy nhiên, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, đã đến lúc nên thay đổi chính sách năng lượng của đất nước hiện nay, tập trung chủ yếu vào hiệu năng và chi phí thấp. Ông cho rằng « ưu tiên hiện nay là phải hướng theo an toàn và môi sinh ».
Do đó, tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ không kéo dài thêm tuổi thọ khai thác những trung tâm hạt nhân nào đã đến hạn, cũng như không xây thêm các lò hạt nhân. Thông báo này có thể sẽ gây ra những tác động mạnh lên lĩnh vực khai thác hạt nhân của Hàn Quốc.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, tổng thống Hàn Quốc dự tính xây thêm nhiều trung tâm khai thác điện bằng khí ga. Đồng thời, nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ được tăng dần từ 4,7% lên 20% vào năm 2030.
Tác động tiêu cực của chất gây rối loạn nội tiết
Trên lĩnh vực khoa học – y tế, La Croix đặt câu hỏi « Chất gây rối loạn nội tiết có tác động ra sao lên quá trình mang thai ? ».
Để trả lời câu hỏi trên, tờ báo cho hay vào đầu tháng 7/2017 Hiệp Hội Sức Khỏe Môi Trường Pháp tổ chức hai hội thảo tại Aix-en-Provence, thảo luận về hiện tượng phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm ở những phụ nữ mang thai và các bào thai.
Theo các nhà khoa học nhiều loại hóa chất độc hại như bisphenol A, phtalates, thuốc trừ sâu, dioxin, hay những chất chống cháy hiện diện khắp nơi : trong thức ăn, mỹ phẩm, vật dụng nội trợ, dụng cụ bếp bằng nhựa…
La Croix trích nhận định của giáo sư Patrick Fenichel, trường đại học Archet, tại Nice, cho rằng các chất độc hại thấm vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp, tiếp xúc với da và qua nguồn thực phẩm. Phụ nữ mang thai cũng không tránh được hiện tượng nhiễm độc này.
Giáo sư Fenichel lưu ý : « Tất cả những thứ gì nhiễm độc người mẹ đều có thể thấm vào bào thai. Đây lại chính là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170620-quoc-hoi-phap-mot-su-%C2%AB-lot-xac-%C2%BB-day-%C2%AB-may-rui-%C2%BB
Tin đọc nhanh
(AFP) – Chống Daech, Đông Nam Á tuần tiễu chung.
Tướng Gatot Nurmantyo, tham mưu trưởng quân đội Indonesia tuyên bố triển khai chiến dịch tuần tiễu chung giữa hải quân ba nước đông Nam Á : Malaysia, Philippines và Indonesia kể từ ngày 19/06/2017. Mục đích là nhằm đối đầu hiệu quả hơn với mối nguy thánh chiến Daech đang gia tăng. Mỗi nước có một trung tâm chỉ huy hành quân để chia sẻ thông tin tình báo và điều phối các cuộc tuần tra.
(Strait Times) – Malaysia mất sáu tỉ đô la do đánh cá trộm.
Theo lãnh đạo ngư nghiệp Malaysia, quốc gia này mất khoảng gần một triệu tấn hải sản hàng năm do nạn đánh bắt trộm, mà thủ phạm chủ yếu là người Thái Lan và Việt Nam. Chính quyền nước này thông báo trong quý 01/2017 đã bắt và tịch thu hai tàu Việt Nam và một tàu Thái Lan và tuyên bố sẽ nêu vấn đề với các đồng nhiệm ASEAN. Cơ quan ngư nghiệp Malaysia cũng đề nghị được cấp tàu mới có tốc độ cao hơn, với hy vọng ngăn chặn được nạn đánh bắt cá lậu.
(Reuters) – Liên Hiệp Châu Âu bác bỏ khả năng đàm phán lại về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu
như tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu. Giữ nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhân cuộc họp cấp ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu ngày 19/06/2017 tại Luxembourg, các bên khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hiệp định lịch sử đã được 195 quốc gia đồng ý thông qua. Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh, không có chuyện đàm phán lại về thỏa thuận Paris. Châu Âu một lần nữa mạnh mẽ chỉ trích tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận nói trên. Vắng Mỹ, Bruxelles tiếp tục tìm kiếm những liên minh mới để áp dụng hiệp ước chống biến đổi khí hậu được thông qua tại thượng đỉnh COP21, Paris hồi năm 2015.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu phản công tập thể khi bị tin tặc tấn công.
Tin tặc (dù là nhóm hay nhà nước) tấn công một thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị toàn thể Liên Hiệp trả đũa và thậm chí trừng phạt. Quyết định của 28 ngoại trưởng châu Âu trong cuộc họp ngày 19/06/2017 tại Bruxelles được đặt tên là « Hộp dụng cụ cyber-ngoại giao ». Đợt tấn công của virus WannaCry trên toàn cầu cách nay ba tuần được coi là do nhóm tin tặc Lazarus có liên hệ với Bình Nhưỡng. Matxcơva cũng bị nghi ngờ đứng sau các vụ tấn công mạng can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ và Pháp vừa qua.
(Reuters) – Ấn Độ lắp ráp chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin của Mỹ ngày 19/06/2017 ký hợp đồng với Tata Advanced Systems của Ấn Độ, dự trù di dời một phần cơ sở từ bang Texas sang Ấn Độ để đổi lấy đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la của New Delhi. Ấn Độ chuẩn bị thay thế hàng trăm chiến đấu cơ đã mua của Liên Xô. Thủ tướng Modi đặt điều kiện, máy bay bán cho Ấn Độ phải được lắp rắp ngay tại nước này. Chuyển giao công nghệ là một điều kiện tiên quyết.
(AFP) – Nắng nóng tại Pháp, 51 tỉnh được kêu gọi « đề cao cảnh giác ».
Theo cơ quan dự báo thời tiết Météo France, nhiệt độ tại các khu vực này trong ngày hôm 20/06/2017 dao động từ 31 đến 35°C, ít gió, và ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới báo động về nắng nóng. Tình trạng còn kéo dài đến cuối tuần. Nhiệt độ vẫn tăng thêm trong hai ngày tới. Riêng tại Paris và vùng phụ cận, từ Chủ Nhật, giới chức y tế kêu gọi người già và trẻ em tránh phơi nắng, ít vận động, uống nhiều nước để hạ nhiệt.
(AFP) – Phóng viên chiến trường Pháp tử thương ở Mossoul, Irak.
Phóng viên Pháp Stephan Villeneuve và đồng nghiệp Kurdistan-Irak, Bakhtiyar Addad, tử nạn ngày hôm qua khi chiếc xe chở 4 người bị trúng mìn trong một khu phố ở Mossul vẫn do Daech kiểm soát. Nữ phóng viên Veronique Robert bị thương nặng, đang được cứu chữa tại bệnh viện dã chiến Mỹ ở phía nam Mossul. Stephan Villeneuve và Veronique Robert là hai đặc phái viên dạn dày kinh nghiệm của chương trình truyền hình ăn khách « Đặc Phái Viên » của đài France 2. Phóng viên thứ tư Samuel Forey may mắn hơn, bị thương nhẹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170620-tin-doc-nhanh-0