Tin Việt Nam – 19/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/06/2017

Cụ Lê Đình Kình kể lại vụ bị hành hung ‘vì đất nông nghiệp’

Một video clip mới xuất hiện trên truyền thông mạng xã hội đang thu hút sự chú ý của dư luận mạng ở Việt Nam liên quan vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Trong clip này, cụ ông Lê Đình Kình, người đã bị chính quyền bắt giữ và sau đó được thả ra trong vụ việc ở Đồng Tâm hồi giữa tháng Tư lên tiếng tố cáo việc bị ‘hành hung, bắt giữ trái phép và ngược đãi’ hôm 15/4/2017.

Bàn tròn: Liệu tướng Chung có bội ước?

‘Cần khởi tố những người đàn áp dân’

Vụ Đồng Tâm: ‘Có thể quyết định đình chỉ vụ án?’

Nội dung chính của clip qua lời của người kể là ông Lê Đình Kình, người có ’82 năm tuổi đời, 55 tuổi đảng’, đưa ra các chi tiết cáo buộc một số sỹ quan mặc sắc phục và ‘đi xe biển đỏ’ đã mời ông ‘ra đồng đo mốc giới’, rồi đề nghị ông thuyết phục người làng đi cùng về nhà, để nhóm sỹ quan trên có thể ‘làm việc’.

Lời của ông Kình trong đoạn video nói khi ra đến địa điểm là ‘mốc 15’ nơi là đồng vắng thì ông bị một sỹ quan ‘đạp bay’, khiến ông bị ‘gãy xương hông đùi’.

Các anh có đưa máy chém chém ngay đầu tôi đi chăng nữa, thì tôi vẫn giữ quan điểm đây là đất nông nghiệp của xã Đồng TâmÔng Lê Đình Kình

Người kể chuyện cũng cho hay sau khi bị ‘đạp xong’ thì ông bị ‘vứt lên xe như một con vật’, bị ‘còng tay’ và ‘nhét giẻ vào mồm’.

Trong video clip này, ông nói ông bị gãy xương nhưng không được đưa ngay đến bệnh viện mà bị đưa về một trụ sở công an để điều tra.

Sau nhiều tiếng đồng hồ, khi cuối cùng được đưa tới một bệnh viện, thì ông bị các các nhân viên áp giải nói với bệnh viện rằng ông ‘là đối tượng nguy hiểm’, ‘gây rối trật tự công cộng’.

Ông Lê Đình Kình trong clip cũng nói khi đến bệnh viện rồi, nạn nhân không được lo chữa trị ngay mà phải làm việc để lấy lời khai nên sau hơn 3 ngày sau ‘mới được phẫu thuật’.

Vì sao ‘bị chấn thương’?

Trang VnExpress 02/05 chỉ nói sơ qua về chuyện vì sao ông Lê Đình Kình phải vào bệnh viện chứ không nêu cụ thể vì sao ông bị gẫy xương đùi:

“Ông Lê Đình Kình là một trong bốn người ở xã Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Quá trình thực thi lệnh bắt, ông Kình chấn thương phải nhập viện. Cùng ngày, nhiều người ở thôn Hoành đã giữ 38 người, phần lớn là cảnh sát cơ động tham gia vụ bắt giữ.”

Trang web này cũng mô tả thời gian ông Kình nằm viện như sau:

“Chia sẻ với VnExpress, ông Kình cho biết những ngày nằm viện đều được lãnh đạo thành phố đến thăm như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thứ trưởng công an, giám đốc công an thành phố… Họ động viên ông nhanh chóng hồi phục sức khoẻ để tiếp tục những việc dang dở.”

Cũng tại video clip mới xuất hiện, ông Kình cho hay ông giữ thái độ kiên định về quan điểm đất đai ở Đồng Tâm:

Tôi xác nhận clip cụ Kình tố cáo ‘là thực’

“Các anh có đưa máy chém chém ngay đầu tôi đi chăng nữa, thì tôi vẫn giữ quan điểm đây là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.”

Được biết, sau vụ việc ông Kình và một số người khác ở xã Đồng Tâm bị bắt, đã xảy ra vụ người dân Đồng Tâm ‘nhốt giữ’ cán bộ, công an.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng trước truyền thông quốc tế cho rằng việc bắt giữ ‘trái pháp luật’ người thi hành công vụ phải được xử lý nghiêm theo luật pháp.

Tuy nhiên, hôm 21/04, báo chí Việt Nam đưa tin, theo đề nghị của Công an Hà Nội hôm 16/04, “Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi”, theo VietnamNet.

Còn trang Zing hôm 14/06 thì cho hay ông Lê Đình Kình là “nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm” đã phát biểu trên video “đề nghị sớm kết luận thanh tra vụ Đồng Tâm”.

Đồng Tâm nóng lên sau tuyên bố của Chủ tịch Chung

Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm

Chính quyền nên rút kinh nghiệm gì từ vụ Đồng Tâm?

Chuyên gia quy hoạch từ nước Đức nói về vụ Đồng Tâm

Hôm 18/6, một nhà hoạt động xã hội ở gần Đồng Tâm, người cho hay đã thực hiện một video clip khác từ trước với ông Lê Đình Kình xác nhận với BBC, video mới loan tải nói trên được thực hiện bởi các ‘nhà báo tự do’ trong một chương trình live stream trên Facebook ngay tại nhà của ông Kình ở xã Đồng Tâm hôm 16/6.

Nhà hoạt động Lê Văn Dũng (tức Dũng Vova) hôm Chủ nhật nói với BBC Việt ngữ:

“Đó là một live stream của bạn Vũ Hằng, một người hoạt động xã hội tại Hà Nội và đi cùng có bạn Hồng Thái Hoàng, thực ra đây là một trả lời rất chân thực, vì họ live stream trực tiếp ở tại nhà cụ Kình, chứ không phải là clip phát lại. Đấy là một clip nói chuyện trực tiếp,” ông Dũng đưa ra lời xác nhận về clip.

Ông Dũng cũng nói với BBC, trước đó một thời gian, chính ông đã thực hiện một clip phỏng vấn kéo dài một tiếng đồng hồ và trong đó ông Kình cũng tố cáo việc ông bị các sỹ quan ‘hành hung, bắt giữ trái phép và ngược đãi’ trong hôm 15/4.

Các nội dung trả lời khi so sánh hai lần phỏng vấn trên, theo ông Lê Văn Dũng, đều thống nhất, khi ông Kình mô tả sự việc đã xảy ra khiến ông bị bắt giữ và sau đó phải nhập viện.

‘Đại biểu chưa hài lòng’

Đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục quan tâm về vụ tranh chấp và giải quyết xung đột đất đai ở Đồng Tâm, báo Đất Việt hôm thứ Bảy 17/6, cho hay ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn chưa hài lòng với trả lời của Thanh tra Chính phủ đối với thắc mắc của ông.

Văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ đã nêu lên được một số thông tin và một số việc thanh tra đã làm, nhưng chưa cho thấy được kết quảBáo Đất Việt

“Ngày 17/6, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đã nhận được văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của cơ quan này trong vụ việc tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và cảm thấy chưa hài lòng,” tờ báo từ Việt Nam cho biết.

“Theo ông Nhưỡng, văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ đã nêu lên được một số thông tin và một số việc thanh tra đã làm, nhưng chưa cho thấy được kết quả.

“Lý giải thêm về điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có những việc nếu thuộc thẩm quyền thì Thanh tra Chính phủ phải xem xét báo cáo Thủ tướng để trực tiếp làm. Chẳng hạn, việc thanh tra đất quốc phòng an ninh phải là vai trò của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường.

“Mặt khác, Thanh tra Chính phủ là cơ quan rất quan trọng, tham mưu giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

“Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ phải đôn đốc một cách quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo,” báo Đất Việt phản ánh.

Trong một diễn biến liên quan vụ Đồng Tâm, hôm 13/4, Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự bắt giữ trái phép ‘người đang thi hành công vụ’ ở địa phương này.

Đưa ra phản ứng trong một phỏng vấn tuần trước với BBC Việt ngữ, ông Lê Đình Kình nói: “Hiện nay nhân dân Đồng Tâm nhận định là người ta rất phẫn nộ, mà đang tình hình bình thường có thể đưa Đồng Tâm trở lại điểm nóng, dân tình rất bức xúc.”

Hôm 15/6 các khách mời của Bàn tròn thời sự với BBC Việt ngữ đánh giá rằng vụ việc ở Đồng Tâm nóng lên sau khi Công an Hà Nội quyết định tiến hành khởi tố vụ án hình sự bắt giữ ‘người đang thi hành công vụ’ ở đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40320819

 

Mua SIM điện thoại ở VN ‘phải chụp ảnh chân dung’

Một luật gia ở Hà Nội bình luận rằng việc một nghị định buộc hàng chục triệu thuê bao cũ và mới phải chụp ảnh chân dung là “việc làm thừa thãi, thể hiện tư duy không thực tế.”

Được ban hành từ tháng 4/2017, Nghị định 49 “yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là “ảnh chụp chân dung chính chủ”, truyền thông Việt Nam cho hay.

“Nếu quá thời hạn hai tháng kể từ ngày thuê bao nhận được tin nhắn mà chưa bổ sung ảnh, khách hàng sẽ bị cắt dịch vụ,” báo Zing hôm 18/6 cho hay.

Động thái này được cho là “nhằm quyết liệt loại bỏ nạn SIM rác gây nhức nhối trong nhiều năm qua.”

TP HCM: Kinh doanh trên Facebook ‘phải nộp thuế’

TPHCM: Taxi công nghệ ‘gấp đôi’ taxi truyền thống

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được VietnamNet dẫn lời:

“Việc xử lý SIM rác, tin nhắn rác cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục như đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Nếu vấn đề này chúng ta làm không quyết liệt, tin nhắn rác, SIM rác sẽ quay trở lại.”

Zing tường thuật VNPT “đã sớm triển khai Nghị định 49 nhưng rất khó để hoàn tất.”

“Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai ở các doanh nghiệp, nơi có nhiều thuê bao VinaPhone, sẽ có người đến tận nơi để chụp ảnh chân dung khách hàng”, tờ báo dẫn lời đại diện nhà mạng này.

khi người chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng thì họ đã phải cung cấp chứng minh nhân dân để xác định rồi, thế thì cần ảnh chân dung làm gì cho thừa thãiLS Nguyễn Đình Hà

Trang Zing hồi tháng 3/2017 đã viết:

“Sau ba đợt ra quân xử lý SIM rác kéo dài từ cuối tháng 11/2016 tới nay, Bộ TT&TT đã yêu cầu 5 nhà mạng thu hồi tổng cộng hơn 19 triệu SIM kích hoạt sẵn.”

Trang này cũng nói đa số các SIM đó là của Viettel.

“Lượng SIM kích hoạt sẵn của Viettel trong đợt kiểm tra này lên tới gần 1,6 triệu thuê bao, trong đó có 622.507 SIM thuộc diện nghi ngờ.”

Vẫn theo nguồn tin này, các SIM thuộc diện nghi ngờ được xác định thông qua quá trình quét trên hệ thống của nhà mạng và phát hiện các dấu hiệu bất thường.

“Sau khi nhắn tin kiểm tra thông tin thuê bao, chủ thuê bao không nhắn lại hoặc đi khai lại thông tin sẽ bị liệt vào diện phải khóa SIM và thu hồi.”

Có về như sau các biện pháp đó, chính quyền tiếp tục làm mạnh hơn bằng cách nhấn mạnh nhu cầu chụp ảnh chân dung nhưng không nói việc quản lý, lưu trữ ảnh cá nhân, vốn thuộc phạm vi quyền riêng tư của công dân, sẽ được thực hiện ra sao.

Nghị định 174 cũng quy trách nhiệm cho các công ty điện thoại, “quy định hành vi cung cấp sim rác sẽ bị xử phạt với mức phạt 10-20 triệu đồng và kèm theo hình thức phạt bổ sung”.

Đã có chứng minh thư lại còn cần ảnh chân dung?

Vẫn về biện pháp “chụp ảnh chân dung” khi mua SIM điện thoại, luật gia Nguyễn Đình Hà nói với BBC từ Hà Nội:

“Tôi thấy đây là một việc làm thừa thãi, không cần thiết, thể hiện tư duy không thực tế của cơ quan quản lý nhà nước.”

“Thứ nhất, khi làm gì cũng cần phải có mục đích, lý do. Vậy thì lý do, mục đích của việc chụp, lưu ảnh chân dung người mua SIM là gì?”

“Thứ hai, khi người chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng thì họ đã phải cung cấp chứng minh nhân dân để xác định rồi, thế thì cần ảnh chân dung làm gì cho thừa thãi?”

“Nhà mạng có bắt buộc phải sử dụng ảnh chân dung của khách hàng vào các nghiệp vụ của họ không?”

“Thứ ba, thực tế trên thị trường, đa số người tiêu dùng mua SIM rác, không đăng ký với nhà mạng. Vậy thì đối với những sim rác bán đầy đường này, nhà mạng sẽ phải chụp ảnh chân dung kiểu gì?”

“Vậy cho nên, các nhà quản lý hãy đi khảo sát trước khi muốn ban hành quy định gì, chứ đừng ngồi phòng lạnh ra quy định trên trời, không thực tế.”

“Nghị định 49 là ví dụ mới nhất cho thấy tư duy quan liêu của cơ quan quản lý,” ông Nguyễn Đình Hà nhận định.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40269867

 

HRW kêu gọi Việt Nam chấm dứt tấn công giới bloggers

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 19 tháng 6 chính thức ra phúc trình về tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam trấn áp giới hoạt động, các bloggers thông qua biện pháp sử dụng các thành phấn côn đồ.

Human Rights Watch kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải chấm dứt tình trạng mà được nói diễn ra khắp nơi trên cả nước khi mà các bloggers và nhà hoạt động vì quyền con người tại Việt Nam bị đánh đập, đe dọa trừng phạt.

Phúc trình dài 65 trang khổ giấy A4 có tựa ‘Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền. Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung.’ Phúc trình nêu 36 trường hợp điển hình mà những thành phần mặc thường phục ra tay đối với những đối tượng vừa nêu trong khoản thời gian từ tháng giêng năm 2015 cho đến tháng 4 năm 2017.

Trong những vụ việc như thế nạn nhân thường bị thương tích nặng nề. Và nhiều người trong cuộc cho biết sự việc hành hung xảy ra trước sự chứng kiến của công an mặc sắc phục nhưng không hề làm gì để ngăn chặn bạo lực.

Trước tình trạng được nêu ra, Human Rights Watch đưa ra một số khuyến nghị đối với nhà cầm quyền Hà Nội và quốc hội Việt Nam hiện nay.

Ba khuyến nghị chủ yếu đối với chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gồm yêu cầu lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương cần công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung cơ thể và các hình thức sách nhiễu, trả thù khác vì đó là những hành vi phạm pháp. Thứ hai các lãnh đạo Việt Nam phải tiến hành điều tra kỹ càng, công minh về các vụ việc liên quan; truy tố những các nhân có đủ bằng chứng về hành vi sai phạm. Và thứ ba lãnh đạo cấp trung ương phải qui trách nhiệm cho các cấp dưới ở các tỉnh, thành phố và địa phương để xảy ra các vụ hành hung, đe nẹt hay dọa dẫm trả thù giới hoạt động và các blogger hoạt động vì quyền con người…

Đối với Quốc hội Việt Nam, Human Rights Watch kêu gọi cần ra một nghị quyết nhằm công khai và thẳng thắn lên án mọi hành vi hành hung cơ thể và các hình thức sách nhiễu , trả đũa nhắm vào các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền. Ngoài ra Quốc hội Việt Nam cấn hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam có nội dung hình sự hóa hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa với các tội danh về ‘an ninh quốc gia’ được định nghĩa không chính xác.

Đó là những điều như 88, 258, 79 lâu nay được áp dụng để buộc tội cho những tiếng nói bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/end-attacks-on-activist-bloggers-hrw-calls-06192017092518.html

 

Hoàn thành đền bù thiệt hại vụ Formosa: Còn hai tuần có đủ?

Cát Linh, phóng viên RFA

Hoàn thành đền bù thiệt hại vụ Formosa: Còn hai tuần có đủ?

Ngày 14 tháng 6 vừa qua, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do Formosa gây ra, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 này.

Thời gian chỉ còn lại vỏn vẹn hai tuần lễ, liệu rằng kế hoạch bồi thường của chính phủ có được đảm bảo đúng thời hạn?

Không muốn đền bù

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, người từng hướng dẫn bà con ngư dân đệ đơn khiếu kiện lên toà án nhân dân xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để đòi bồi thường thiệt hại cho biết hai tuần lễ hay hai tháng, hay thậm chí hai năm cũng không quan trọng, mà quan trọng là nhà nước Việt Nam có thật sự thực hiện việc đền bù cho người dân hay không?

Cho đến bây giờ thì theo như tôi được biết người ta đã chi trả cho một số nơi trong vòng khoảng 150 triệu mỹ kim, và chỉ có ngần ấy thôi.

– Linh mục Anton Đặng Hữu Nam 

“Nếu nhà cầm quyền này muốn đền bù thoả đáng cho người dân, và đặc biệt là nếu thoả thuận 500 triệu mỹ kim rồi, mà nhà cầm quyền muốn đưa cho người dân thì không cần đến hai tuần, mà với tôi thì chỉ cần hai ngày là người ta làm được.”

Từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra từ tháng 4 năm 2016 cho đến nay, tin tức về việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề về môi trường sống và ngư trường mưu sinh thường xuyên được báo chí trong nước đang tải và cập nhật. Chính xác là từ khi nhà nước Việt Nam chấp nhận số tiền bồi thường từ Formosa là 500 triệu USD vào cuối tháng 6 năm 2016.

4 tỉnh được chính phủ xác định nằm trong diện bồi thường gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên người dân Nghệ An cũng cho rằng họ chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa ô nhiễm biển.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 tỉnh để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị tác động. Bộ Tài chính lúc đó cho biết số tiền này để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra theo chỉ đạo của  Thủ tướng chính phủ.

Theo như chỉ thị của phó Thủ Tướng Trương Hoà Bình, đến ngày 30 tháng 06 này sẽ hết hạn bồi thường.

Bên cạnh đó, vị Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo khắc phục thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên còn yêu cầu không được mở rộng đối tượng, phạm vi những người được nhận bồi thường.

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam bày tỏ

“Từ ngày 30 tháng 6, 2016 đã nhận được số tiền, thừa nhận sai phạm, rồi họ cũng hẹn với quốc dân là đến tháng 8 sẽ bồi thường, rồi đến tháng 9, tháng 10, tháng 11, rồi hẹn sang tháng 12, rồi hẹn trước lễ Noel, rồi lại hẹn sang Tết cổ truyền của dân tộc…

Cho đến bây giờ thì theo như tôi được biết người ta đã chi trả cho một số nơi trong vòng khoảng 150 triệu mỹ kim, và chỉ có ngần ấy thôi.”

Dân vẫn biểu tình

Thông báo từ Hội đồng bồi thường của tỉnh Quảng Bình vào ngày 15 tháng 6 nói rằng 62 trên 65 xã trong toàn tỉnh được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2200 tỉ đồng; và khoản đã giải ngân là trên 2100 tỷ đồng, đạt gần 92%.

Thế nhưng vào ngày 16 tháng 6, theo tin tức của người dân giáo xứ Cồn Sẻ chia sẽ lên mạng xã hội, vào lúc 9h30 sáng, hơn 1500 bà con dưới sự hướng dẫn của linh mục An tôn Nguyễn Thanh Tịnh, đã tuần hành vào UBND xã Quảng Lộc, thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khiếu nại việc họ chưa nhận được bồi thường.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với người đại diện thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình để tìm hiểu sự việc liên quan đến bồi thường thiệt hại, thì ông này xin khất lại ngày khác sẽ trả lời vì lý do đang bận.

“Tôi đang bận công việc tí, mai mốt gọi lại nhé. Tôi đang rất bận công việc.”

Chúng tôi cũng liên lạc với Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh nhưng chưa nhận được hồi âm.

Không minh bạch

Ngày 7 tháng 2, 2017, Bộ Tài chính cho biết vừa tạm cấp 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường lần 2 cho các nạn nhân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi năm ngoái.

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh nhận 560 tỷ đồng, tỉnh Quảng Bình nhận 760 tỷ đồng, Quảng Trị nhận 160 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế nhận 200 tỷ đồng.

Tiếp tục sau đó, ngày 7 tháng 6, tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết đã tạm cấp 7000 tỷ đồng để bồi thường cho nạn nhân Formosa ở 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, bao gồm Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Truyền thông trong nước cùng ngày cho biết phiên họp đã công bố báo cáo của các địa phương cho thấy đã giải ngân được gần 4.600 tỷ, tương đương khoảng 65,3% tổng số tạm cấp.

Tuy nhiên, hôm thứ Ba, 13 tháng 6,  báo mạng Dân Trí nêu trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Growbest Hà Tĩnh chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, ngay sát khu công nghiệp Formosa, bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng kể từ sau khi thảm họa Formosa xảy ra. Công ty này được chuẩn thuận 9,6 tỷ đồng tiền bồi thường nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào.

Ngay sau đó, không rõ nguyên nhân nào, bài báo đã bị lấy xuống.

Thời gian chỉ còn vỏn vẹn khoảng hai tuần lễ để hoàn thành việc đền bù theo hai quyết định 1880 và 309 do thủ tướng ký và chỉ thị của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình. Không mang nỗi lo lắng và hoang mang như bà con Cồn Sẻ lo sợ không nhận được tiền đền bù khi hết hạn ngày bồi thường, vấn đề linh mục Đặng Hữu Nam quan tâm là liệu quyết định 1880 của Thủ tướng chính phủ có vươn được đến tất cả nạn nhân của vấn nạn ô nhiễm biển hay không? Vì theo ông, biển sống thì họ sống, biển chết thì họ chết.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/just-more-than-2-weeks-f-formosa-compensation-paying-is-it-enough-cl-06192017074843.html

 

Vụ Đồng Tâm:

‘Quân đội, chính quyền cần chứng minh đất quốc phòng’

Một nhóm luật sư nổi tiếng ở Hà Nội vừa kiến nghị quân đội và chính quyền chứng minh ranh giới đất quốc phòng nhằm giải quyết tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm.

Luật sư Trần Vũ Hải cho VOA biết người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã ký hợp đồng với ông và 4 luật sư khác để đại diện cho họ làm việc với chính quyền về nhiều vấn đề đất đai.

Bản kiến nghị đề ngày 19/6 của 5 luật sư viết rằng nguồn gốc sâu xa của tranh chấp là một quyết định của thủ tướng Việt Nam năm 1980, cấp 208 hectare đất cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn. Vùng đất được cấp khi đó thuộc một tỉnh có tên cũ là Hà Sơn Bình, nay thuộc về Hà Nội.

Các luật sư nói cho đến nay họ chưa tìm thấy văn bản chính thức nào xác định ranh giới và tọa độ của khu đất 208 ha.

Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA rằng người dân xã Đồng Tâm về cơ bản, chấp nhận quyết định của thủ tướng giao đất làm sân bay Miếu Môn.

Tuy nhiên, theo ông Hải, người dân phản đối sự “lập lờ, nhập nhèm” của phía quân đội trong việc lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài “sử dụng cho mục đích quốc phòng”.

Bản kiến nghị dẫn lời người dân Đồng Tâm khẳng định 59 ha đất thuộc khu Đồng Xênh là đất nông nghiệp của họ “từ bao đời nay”, hoàn toàn không thuộc 208 ha đất kể trên.

Nhưng 59 ha đất này giáp với một khu đất khác có diện tích hơn 47 ha đã được tỉnh Hà Sơn Bình cũ giao cho Bộ Quốc phòng như là một phần của 208 ha. Người dân Đồng Tâm cho rằng một số cán bộ địa phương “lập lờ” về hai khu đất này trong các báo cáo, khiến cho nhà chức trách cấp cao hơn “nhầm lẫn” rằng khu đất người dân khiếu kiện cũng trùng với khu đất hơn 47 ha.

Nếu họ đi thực địa, tôi nghĩ rằng trong nửa ngày, một ngày thôi là có thể hiểu ra vấn đề. Nhưng họ không có đủ thời gian cho việc đó. Cho nên chính việc không sát với khiếu nại, tố cáo của người dân, chính họ – chính quyền Hà Nội – đã làm phức tạp hóa vấn đề

Luật sư Trần Vũ Hải

Luật sư Hải nói hiện nay các quan chức chính quyền Hà Nội, kể cả Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, vẫn “chưa hiểu” về sự “nhập nhèm” này. Luật sư cho rằng các quan chức cần dành một chút thời gian ở địa phương thì sẽ nhìn thấy rõ được vấn đề:

“Nếu họ đi thực địa, tôi nghĩ rằng trong nửa ngày, một ngày thôi là có thể hiểu ra vấn đề. Nhưng họ không có đủ thời gian cho việc đó. Cho nên chính việc không sát với khiếu nại, tố cáo của người dân, chính họ – chính quyền Hà Nội – đã làm phức tạp hóa vấn đề”.

Bản kiến nghị của các luật sư đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức một cuộc họp gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, UBND huyện Mỹ Đức, đại diện nhân dân xã Đồng Tâm, và các luật sư, để làm rõ về các khu đất đang trong vòng tranh cãi.

Người dân và luật sư đòi các cơ quan, đơn vị trình các văn bản chính thức và bản đồ, nếu có, xác định 59 ha đất nông nghiệp của dân là thuộc đất quốc phòng. Họ cũng đòi hỏi nhà chức trách nêu ra cơ sở pháp lý của các văn bản, bản đồ đó.

Bản kiến nghị cũng đề xuất trong trường hợp cần thiết, các bên liên quan thực hiện kiểm tra các cột mốc trên thực địa, so sánh các sơ đồ, bản đồ liên quan để xác định rõ 59 ha đất người dân đang khiếu kiện có trùng với hơn 47 ha đã giao Bộ Quốc phòng hay không.

Luật sư Hải nói nếu phía chính quyền và quân đội có thiện chí giải quyết, việc này sẽ “nhanh và đơn giản”:

“Các bên, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, quân đội phải đưa ra các bằng chứng. Đấy là họ được nhà nước giao đất quốc phòng vào năm nào, được bàn giao như thế nào, ra làm sao. Còn người dân Đồng Tâm họ nói ‘chúng tôi ở đây hàng ngàn đời nay rồi. Chúng tôi chưa bao giờ giao cho quân đội. Cho nên các anh nói đất quốc phòng là không đúng’. Theo tôi, họ có lý của họ. Quân đội nói họ đã nhận được bàn giao thì phải chứng minh thôi. Còn không chứng minh được thì rõ ràng lại trở về đấy là đất tổ tiên để làm nông nghiệp của họ”.

Việc giữ đất nông nghiệp là điều quan trọng với dân Đồng Tâm do họ ngày càng ít đất canh tác. Thông tin không chính thức từ người dân và các luật sư cho thấy ở xã này hiện chỉ có 480 ha đất nông nghiệp, kể cả 59 ha đang tranh chấp. Nếu mất nốt khu đất 59 ha, người dân chỉ còn 50% đất nông nghiệp so với trước đây, trong khi dân số ước tính tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua.

Chính vì quý trọng phần đất canh tác ít ỏi còn lại nên người dân đã chống lại cuộc cưỡng chế đất mà họ xem là vô lý hồi giữa tháng 4.

Người dân đã bắt giữ gần 40 cán bộ, cảnh sát trong nhiều ngày và chỉ thả họ ra sau khi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về xã đối thoại, ký một cam kết làm rõ vấn đề sử dụng đất tại xã. Cam kết của ông Chung có đoạn nói ông không “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”.

Mới đây, chính quyền Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra việc “bắt người trái luật” ở Đồng Tâm. Quyết định này làm người dân trong xã phẫn nộ và cho rằng ông Chung đã “lật lọng”.

https://www.voatiengviet.com/a/dong-tam-quan-doi-chinh-quyen-can-chung-minh-dat-quoc-phong/3906445.html

 

Tòa xử Mẹ Nấm ngày 29/6, gia đình không được dự

Gia đình của Blogger Mẹ Nấm không được dự phiên tòa ấn định vào ngày 29/6 tới đây tại tỉnh Khánh Hòa để xét xử cô, trong khi một quyết định của tòa nói đây là một phiên tòa “được xét xử công khai.”

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với VOA-Việt ngữ hôm thứ Hai 19/6 rằng một thư ký tòa án vào sáng 19/6 đã cho bà biết rằng gia đình không được dự vì đây là một phiên tòa “đặc thù”:

“Tôi đến Tòa án và hỏi cô thư ký vì sao tôi chưa có giấy tham dự phiên tòa, cô thư ký tên Trịnh Thị Biên trả lời rằng vì đây là phiên tòa đặc thù nên tôi không được tham dự.”

Trong một quyết định do Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa ký vào ngày 14/6, phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng hôm 29/6, blogger Mẹ Nấm bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo cả ba hành vi nêu tại khoản 1, Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Quyết định này nêu rõ rằng “vụ án được xét xử công khai.”

“Đầu giờ chiều hôm nay, ngày 19/6, tôi đã viết đơn yêu cầu cho tôi tham dự phiên tòa của con tôi, vì đây là một phiên tòa công khai. Họ đã nhận đơn của tôi, nói rằng sẽ chuyển cho thẩm phán. Tôi không biết họ sẽ phản hồi thế nào, và tôi đã tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của tôi để mọi người rộng đường dư luận. Đây là một phiên tòa công khai mà họ lại không cho tham dự. Việc đùn đẩy trách nhiệm như vậy là không đúng.”

Viết trên Facebook hôm 19/6, Luật sư nhân quyền Lê Công Định ở Sài gòn đặt câu hỏi: “phiên toà đặc thù” nên người nhà bị cáo không được tham dự là quy định nào trong luật Việt Nam hiện hành?

Luật sư Lê Công Định bình luận: “Chế độ cộng sản luôn sinh ra nhiều loại lệ và lệnh miệng nghiễm nhiên chà đạp luật pháp.”

Hơn 8 tháng qua, kể từ khi cô Như Quỳnh bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, luật sư và gia đình chưa được tiếp xúc với cô. Bà Tuyết Lan rất bức xúc và phẫn uất về việc này, ngay cả sau khi điều tra đã kết thúc:

“Đáng lẽ sáng nay khi kết thúc điều tra thì phải cho gặp, nhưng họ không cho gặp. Tôi lên trại tạm giam thì người trực ban nói rằng An ninh Điều tra tỉnh Khánh Hòa can thiệp không cho tôi gặp. Hầu hết các cơ quan đều tránh né tôi hết. Đó là những điều sách nhiễu. Họ không chân thật. Tôi rất phẫn uất về điều này.”

Về phiên tòa sơ thẩm sắp tới, bà Lan nói rằng các tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao các nước đang thu xếp với chính quyền Việt Nam để đến dự, nhưng bà nói tuy họ “rất cố gắng” nhưng không biết phía Việt Nam có đồng ý cho họ đến dự phiên tòa không.

Bà Tuyết Lan kêu gọi mọi người hãy đồng hành vì tự do và công lý cho Như Quỳnh. Bà tin tưởng rằng con gái bà sẽ chất vấn hội đồng xét xử đến cùng, nếu con bà được tiếp cận thông tin trong thời gian vừa qua:

“Tôi xin mọi người đồng hành cùng tôi để đòi tự do cho con tôi, yêu cầu xét xử minh bạch và công khai. Trong hơn 252 ngày cách ly, nếu con tôi được tiếp cận thông tin hàng ngày, thì tôi tin chắc rằng phiên tòa này sẽ bị con tôi chất vấn đến tận cùng.”

Blogger Mẹ Nấm là người có nhiều hoạt động cổ vũ cho phong trào đấu tranh bảo vệ nhân quyền, dân sinh, môi trường và chủ quyền lãnh thổ. Cô đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối âm mưu xâm lấn lãnh hải của Trung Quốc, và đặc biệt đã lên tiếng yêu cầu khởi tố Formosa vì đã gây ra thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung ở Việt Nam.

Kể từ ngày bị bắt cho đến nay đã hơn 250 ngày, gia đình cô Như Quỳnh không được gặp mặt. Bà Tuyết Lan nói với VOA rằng chính quyền đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản Như Quỳnh gặp người thân cũng như luật sư. Bà Lan nói bà đã đến các cơ quan tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu được thăm gặp con, nhưng tất cả những lần đó đều bị nhà cầm quyền từ chối với lý do “đang điều tra, không thể cho gặp.”

Sau khi công an tỉnh Khánh Hòa bắt khẩn cấp Như Quỳnh vào tháng 10/2016, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho cô.

Mẹ Nấm từng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế vinh danh về những hoạt động cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Cô được trao giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010, giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders năm 2015, và gần đây nhất, vào tháng 3/2017, blogger Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”.

Qua mạng xã hội, bà Tuyết Lan kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ cho con gái trong phiên tòa sắp tới. Bà Lan viết: “Con tôi vô tội, chỉ vì dám lên tiếng phản đối Trung cộng xâm lược biển đảo cũng như yêu cầu khởi tố Formosa mà nhà cầm quyền đã rắp tâm trả thù con tôi. Những gì Quỳnh làm cũng chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì không muốn thế hệ con cháu sau này phải gánh chịu hậu quả từ những sai lầm trong quá khứ của nhà cầm quyền”.

Bà Tuyết Lan nói thêm: “Tôi xin mọi người lên tiếng đòi lại công bằng cho con tôi… để xã hội này được tốt đẹp hơn. Hôm nay là con tôi, ngày mai chắc chắn là người khác, con tôi vô tội hoàn toàn…”

Bà Tuyết Lan cho VOA biết có 4 luật sư được tòa án Khánh hòa cấp giấy chứng nhận là người bào chữa cho Như Quỳnh. Đó là các Luật sư Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Nguyễn Khả Thành, và Võ An Đôn. Dự kiến các luật sư sẽ được tiếp cận hồ sơ vụ án và vào trại tạm giam gặp cô Như Quỳnh trong tuần này, vài ngày trước khi phiên sơ thẩm bắt đầu.

Theo quyết định của tòa án, trong phiên xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Trần Hữu Viên sẽ làm thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; ông Lê Quang Trung, đại diện cho Viện kiểm sát, và các hội thẩm nhân dân có ông Mai Gia Cát và bà Lê Thị Hoàng Yến.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-xu-me-nam-vao-ngay-29-6-gia-dinh-khong-duoc-du/3906419.html

 

Thịt heo rớt giá : Hồi chuông cảnh báo sản xuất nông nghiệp

Thanh Phương

Trong thời gian qua giá thịt heo ở Việt Nam đã xuống rất thấp, hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa mà không xuất khẩu được nhiều. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ đã phải lên tiếng hô hào người dân « thi đua » mua thịt heo để « giải cứu » mặt hàng này.

Điều trớ trêu là thịt heo ở Việt Nam bị rớt giá trong khi nhu cầu tiêu thụ loại thịt này trên thế giới đang tăng mạnh. Thịt heo vẫn là nguồn đạm động vật được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, trong bối cảnh dân số Trái Đất tiếp tục tăng nhanh và thu nhập bình quân cũng tăng theo.

Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là nước tiêu thụ nhiều nhất. Các chuyên gia thị trường thẩm định là năm nay, Trung Quốc sẽ nhập tổng cộng 3 triệu tấn thịt heo. Việt Nam là nước kế bên Trung Quốc, nhưng chẳng thu được lợi từ thị trường khổng lồ này!

Sau đây mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa ban Việt ngữ đài RFI với hai chuyên gia về nông nghiệp, giáo sư Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ và tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp.

Trước hết, giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại rằng thịt heo không phải là trường hợp đầu tiên, mà nhiều nông sản khác cũng đã gặp tình trạng sản xuất dư thừa khiến bị mất giá như vậy :

« Tình trạng này đã tái diễn nhiều lần trong những năm qua, ví dụ như dưa hấu, thanh long, gần đầy là chuối, hành tím và bây giờ thì đến thịt heo. Chưa nói đến những sản phẩm khác mà Nhà nước không có huy động toàn dân để mua, như là khoai lang. Các thương lái Trung Quốc đã qua đặt hàng, nhưng sau 2 năm thì họ không mua nữa, trong khi nông dân đã đua nhau trồng khoai lang với diện tích thật lớn.

Có thể nói không có nông dân nào tự do như là nông dân Việt Nam ! Muốn trồng thì trồng, muốn chặt thì chặt. Không ai nói gì cả ! Khi thương lái Trung Quốc sang nói với thương lái Việt Nam là họ muốn mua chuối, thì hè nhau đi trồng chuối, họ muốn mua khoai lang, thì hè nhau trồng khoai lang. Vừa qua thì họ mua thịt heo với giá cao hơn giá bình thường của mình.

Cho nên những thương lái Việt Nam đi loan truyền cho nông dân Việt Nam nuôi heo. Các địa phương và ngay cả chính quyền ai cũng thấy bây giờ có đầu ra rồi, nên tập trung đầu tư sản xuất, mà chẳng cần ký kết hợp đồng gì cả. Đến khi nhà nhà nuôi, người người nuôi, thì Trung Quốc không mua nữa. Thế thì bây giờ, nhà nhà ta thán, cả huyện và cả tỉnh, dài từ miền Bắc xuống miền Nam. »

Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nông dân Việt Nam vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, không có tổ chức :

« Nguyên nhân chính đối với nhiều nông sản Việt Nam, chứ không riêng gì thịt lợn, đó là rất nhiều hộ nông dân Việt Nam còn sản xuất nhỏ lẻ, không được tổ chức thành các tổ chức chuyên nghiệp, như hợp tác xã hay hiệp hội, vì thế khi giá lên thì rất nhiều đầu tư vào sản xuất hoặc mở rộng sản xuất. Có thể nói là năng lực sản xuất của Việt Nam mở rộng lên rất nhanh, đặc biệt là ngành chăn nuôi.

Trong thời gian qua, giá đã tăng lên chủ yếu là do thị trường Trung Quốc, nhưng họ nhập theo đường tiểu ngạch, gần như là không có hợp đồng gì cả, vì thế giá lên xuống rất là thất thường. Thứ hai là mua không ổn định, lúc thì mua, lúc thì dừng lại. Khi tín hiệu giá lên thì nông dân đầu tư vào sản xuất. Những doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thấy cơ hội có thể có lãi cũng đầu tư vào sản xuất. Cung tăng lên rất nhanh, gần như là mang tính tự phát, không có tổ chức gì cả, còn về phía cầu thì Trung Quốc đột ngột đóng cửa.

Thứ hai, về phía nhà sản xuất, cái khó nhất là chưa có các hiệp hội chăn nuôi lợn ở cấp tỉnh và cấp trung ương để thảo luận với nhau là nên sản xuất bao nhiêu là vừa, phản ứng của thị trường ra sao.

Người mua thịt lợn Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc thì có hai thị trường: tiểu ngạch, tức là xuất lợn sống sang Trung Quốc, hiện nay ta xuất theo đường này là chính, còn thị trường chất lượng cao, trong siêu thị, thì Trung Quốc có nhu cầu thịt lợn có chứng nhận nguồn gốc, và thịt lợn mảnh, đông lạnh, nhưng Việt Nam chưa có thịt này Các chuỗi giá trị, các doanh nghiệp chế biến chưa vào cuộc, vì thế chưa có khả năng xuất khẩu thịt chất lượng cao sang Trung Quốc. »

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong vấn đề này, trách nhiệm đầu tiên vẫn là ở Nhà nước :

« Đáng lẽ Nhà nước, cụ thể là bộ Nông Nghiệp, bộ Công Thương, phải nắm được thị trường quốc tế, thị trường từng tỉnh ở trong nước, rồi lên một sơ đồ để nông dân có thông tin về thị trường. Các đại sứ quán của chúng ta ở các nước đều có những tham tán thương vụ. Đáng lẽ họ phải thấy ở nước này đang thiếu sản phẩm gì về nông sản, nước kia thiếu cái gì. Từ đó bộ Nông Nghiệp và bộ Công Thương tổng hợp lại để ra một bản thông tin về thị trường nước ngoài, thị trường trong nước, rồi khoanh lại vùng nào ở Việt Nam trồng được cái gì, nuôi được cái gì.

Phải có những nhà doanh nghiệp và những cán bộ rất giỏi của bộ Công Thương cùng nhau đi đến chỗ này, chỗ kia thương thuyết, ký hợp đồng, rồi về tổ chức sản xuất và cung cấp cho người ta. Như thế, tôi nghĩ là sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay.

Bây giờ, Nhà nước không nên để cho nông dân tự bơi, mà phải tổ chức lại sản xuất, bắt đầu bằng việc thông tin về thị trường, tổ chức, tập hợp nông dân, gắn kết họ với các doanh nghiệp để phân phối ra thị trường, hỗ trợ cho nông dân sản xuất. Như thế nông dân sẽ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật sạch, an toàn, và theo đúng mẫu mã. Khi các doanh nghiệp và bộ Công Thương đã ký các hợp đồng rồi thì trở về, coi những vùng nào phù hợp sản xuất món hàng ấy, để phân phối cho các vùng cùng nhau sản xuất.”

Nhưng về phần nông dân, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cũng phải bỏ cái tâm lý « hùa theo đám đông », thấy người ta trồng thứ đó bán được, nuôi thứ đó bán được, rồi bắt chước làm theo, mà không biết nhu cầu thị trường như thế nào.

Tiến sĩ Đào Thế Anh cũng cho rằng để tránh tình trạng nông sản mất giá như trường hợp của thịt heo, nông dân phải được tổ chức thành hợp tác xã, thành hiệp hội một cách chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, để có thể đáp ứng các nhu cầu về nông sản cao cấp của các thị trường nước ngoài, tiến sĩ Đào Thế Anh đề ra một số biện pháp để chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi Việt Nam:

« Trước đây vai trò thị trường chủ yếu là bộ Công Thương, nhưng thật ra thì bộ Công Thương không thể nắm sát vấn đề sản xuất của nông nghiệp, cho nên khó làm về khâu thị trường. Mới đây, chức năng về thị trường nông sản đã được chuyển sang bộ Nông Nghiệp, vì phải quản lý rất chặt chẽ quy hoạch sản xuất với thị trường.

Hiện nay, việc đầu tiên của bộ Nông Nghiệp là đi đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường thịt lợn chính ngạch, cao cấp, vì nhu cầu của Trung Quốc rất là cao. Họ vẫn nhập của nhiều nước khác nhau, trong khi Việt Nam có thuận lợi là ở gần.

Thứ hai, đối với trong nước, để đa dạng hóa các thị trường cao cấp, phải chứng nhận các vùng chăn nuôi an toàn, không sử dụng kháng sinh, hormone trong thức ăn chăn nuôi để nâng chất lượng thịt lên, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Cũng cần phải có những chính sách để thúc đẩy, thu hút các doanh nghiệp như lò mổ, chế biến vào chuỗi giá trị chăn nuôi, để liên kết với các hộ chăn nuôi, các trại chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro đa dạng hóa các mặt hàng chăn nuôi thịt lợn, rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bộ Nông Nghiệp cũng phải quản lý thức ăn chăn nuôi, vì thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện chủ yếu là ngô nhập từ nước ngoài, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn trong nước, để giảm phần nhập từ nước ngoài. Thứ hai là cũng cần phải điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, vì giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn tương đối cao.

Cũng cần phải tiếp tục chú ý đến mặt thú y, vì khi chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, chăn nuôi với mật độ cao, thì nguy cơ dịch bệnh cũng tăng lên. Phải có các giải pháp về thú y để phát triển các vùng chăn nuôi an toàn về dịch bệnh, để giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất và cho người tiêu dùng, giảm các bệnh truyền nhiễm cho người qua chăn nuôi.

Nhưng để thay đổi về vấn đề thì tôi nghĩ là tích cực thúc đẩy hơn nữa tính chuyên nghiệp của người chăn nuôi, tức là thông qua các tổ chức sản xuất, cho phép họ ra đời để họ tăng cường năng lực, để họ có kinh nghiệm về phát triển thị trường và như vậy là giảm áp lực cho Nhà nước. »

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170619-thit-heo-rot-gia-hoi-chuong-canh-bao-san-xuat-nong-nghiep