Đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

BienĐong.net

  • In bài này
Ngày đăng 16-06-2017 
BDN 
Biển Đông đang làm nóng lên trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN mà cần phải có một biện pháp đủ mạnh, tức là một cơ chế xử lý tranh chấp đa phương có hiệu lực.
Không thiếu các học giả Trung Quốc quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 13/6 có bài bình luận về phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông:
Bài viết này là kết quả của quá trình trao đổi giữa ông Tiết Lực với một số nhà nghiên cứu Trung Quốc khác và dẫn đến kết luận:
“Trung Quốc nên hiệu chỉnh tư duy ứng phó với vấn đề Biển Đông, xây dựng phương lược mới, chuyển từ ‘bảo vệ lợi ích’ và ‘duy trì ổn định’ sang thiết kế tiến trình giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo.”.
Đây cũng là bài viết thứ 20 nằm trong chuỗi bình luận của ông Tiết Lực về chủ đề “Một vành đai, một con đường với sự chuyển đổi chính sách ngoại giao Trung Quốc”.
Ông đã tiếp cận theo hai hướng gọi là sự thay đổi của “môi trường bên ngoài”, tức chính sách của các nước ngoài khu vực với Biển Đông, chủ yếu là Hoa Kỳ.
Vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga hay EU ở Biển Đông, theo ông chỉ là thứ yếu. Đồng thời tổng kết các nhận định của mình về sự thay đổi của cái ông gọi là “môi trường bên trong”.
Tức chính sách của 5 nước 6 bên về Biển Đông: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia; 6 nước ASEAN không có yêu sách, tập trung vào Singapore và Indonesia là 2 nước có ảnh hưởng nhất ở Biển Đông.
Bình luận của học giả Tiết Lực về chính sách của Mỹ với Biển Đông
Trước sau, Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan tâm trọng điểm của Hoa Kỳ. Có điều với kinh nghiệm của một bá chủ, Mỹ biết rất rõ sớm muộn cũng phải nhường cho Trung Quốc một không gian.
Tuy nhiên Mỹ hy vọng quá trình này sẽ kéo dài một chút và diễn ra trơn tru, không để Trung Quốc thoát khỏi quỹ đạo hoặc có những mục tiêu theo đuổi quá đáng.
Thời Barack Obama, cách làm của Mỹ là bố trí lực lượng quân sự dọc theo chuỗi đảo thứ 2, yêu cầu đồng minh và đối tác phải chịu trách nhiệm khá lớn để xây dựng một vòng vây cô lập Trung Quốc.
Nhưng sang thời Donald Trump, chính sách “nước Mỹ trên hết” đã khiến ông điều chỉnh tổng thể các mối quan tâm của mình về đối ngoại theo hướng:
Thu nhỏ mục tiêu, giảm thiểu nguồn lực; Để đồng minh và đối tác tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của mình, bao gồm chi phí tài chính.
Nguyên tắc kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ không thay đổi về bản chất, nhưng Donald Trump có khả năng sử dụng giải pháp “phân cấp kiềm chế” để thay thế “vòng vây kiềm chế” thời Obama.
Theo đó, thứ tự các vấn đề ưu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ là:
Triều Tiên là số 1, tiếp theo đến Hoa Đông và Đài Loan rồi mới đến Biển Đông.
Nếu coi “lợi ích cốt lõi” như bộ não trong cơ thể con người, tự do hàng hải rõ ràng không phải lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ. Tuy nhiên Hải quân Hoa Kỳ rất để ý đến hoạt động này.
Biển Đông là một địa bàn trọng yếu của các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ, nhưng không phải duy nhất.
Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thuộc về lợi ích có thể trao đổi và nhượng bộ, giống những gì họ đã thể hiện trên Biển Đen thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoài ra, do chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chính sách trên Biển Đông, nên Mỹ đã mất một trợ thủ đắc lực.
Do đó, hiệu quả và ý nghĩa của hoạt động tuần tra tự do hàng hải Mỹ tiến hành trên Biển Đông bị suy giảm rõ ràng.
Nhận định về chính sách của Việt Nam đối với Biển Đông, Tiến sĩ Tiết Lực và các cộng sự Trung Quốc của ông cho rằng:
Xu thế kinh tế biển chiếm khoảng một nửa GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Việt Nam là nước kiểm soát nhiều thực thể nhất ở quần đảo Trường Sa, với 29 cấu trúc.
Việt Nam có yêu sách (thực tế là có chủ quyền hợp pháp) đối với quần đảo Trường Sa, cho nên họ dốc toàn lực của quốc gia để đối phó (bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình) với tình hình Biển Đông:
Đổi tên “biển Nam Hải” thành Biển Đông, dùng ưu đãi thu hút các tập đoàn dầu khí nước ngoài vào hợp tác khai thác ở Biển Đông;
Năm 2009 bỏ chủ trương “quyền lịch sử” để hợp tác và điều hòa với lập trường của các bên yêu sách khác trong ASEAN, tăng tốc thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông;
Tổ chức các hội thảo quốc tế về Biển Đông trong nước cũng như tại Hoa Kỳ, xác lập nguyên tắc “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong quan hệ Việt – Trung…
Cần phải thừa nhận rằng, những động thái này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ví dụ điển hình là Mỹ đã tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam.
Năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu (về lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông) tại Hà Nội, cuối tháng trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ, Biển Đông được hai bên nhắc đến Tuyên bố chung:
“Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý;
Đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp.”.
Tuy nhiên quan hệ Trung – Việt từ nay đến 2021 về cơ bản sẽ ổn định, hữu hảo.
Lịch sử cho thấy, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, việc hoạch định biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ đã được tiến hành suôn sẻ là nhờ (môi trường) quan hệ chính trị tốt đẹp.
Trong nhiệm kỳ này của bộ máy lãnh đạo Việt Nam, khả năng hai nước đạt được một số nhận thức chung về Biển Đông là khá cao.
Cá nhân người viết xin lưu ý hai điều trong các nhận định này của Tiến sĩ Tiết Lực.
Một là không có chuyện Việt Nam đổi tên gọi “biển Nam Hải” thành “Biển Đông”, bởi Biển Đông vẫn là tên gọi ngàn đời nay của người Việt. Các thế hệ người Việt chúng tôi vẫn nói với nhau:
Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn;
“Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” …
Thứ hai, Tiến sĩ Tiết Lực nói rằng năm 2009 Việt Nam bỏ chủ trương “quyền lịch sử” để hợp tác và điều hòa với lập trường của các bên yêu sách khác trong ASEAN về Biển Đông. Tuy nhiên, ông Lực không dẫn hay đưa ra được nguồn thông tin về vấn đề này.
Chúng tôi nhận thấy đây là nhận thức, quan điểm riêng của Tiến sĩ Tiết Lực bởi trên thực tế, không có (cũng như không tìm thấy) bất cứ tài liệu, phát ngôn công khai của người có trách nhiệm nào về vấn đề trên.
Phát ngôn của ông Tiết Lực vì thế không thể kiểm chứng.
Tại đây, chúng tôi dẫn vấn đề này ra với tư cách một thông tin từ học giả Trung Quốc nghiên cứu về chính sách của Việt Nam, không có nghĩa là chúng tôi xác nhận, đồng tình với thông tin ấy.
Giải pháp mới cho Biển Đông
Chủ tịch Tập Cận Bình rất có khả năng là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc sau Mao Trạch Đông.
Ông có đủ năng lực để xây dựng và thúc đẩy các quyết sách ngoại giao to lớn và quan trọng, điển hình như chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Điều quan trọng nằm ở “tính tất yếu” của việc ông Tập Cận Bình đưa ra chiến lược này.
Tính tất yếu thứ nhất, “Một vành đai, một con đường” là thiết kế thượng tầng của chính quyền mới Trung Quốc (khóa 18) về quan hệ đối ngoại.
Trọng tâm của nó là kinh tế, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng và lĩnh vực chế tạo hướng sang các nước láng giềng phía Bắc, Tây, Nam và lục địa châu Phi.
Quá trình thực hiện sáng kiến này, Trung Quốc thể hiện khá tốt tinh thần chủ động và trách nhiệm nước lớn.
Tuy nhiên cũng xuất hiện một số thách thức, nhất là các mâu thuẫn về chính trị, an ninh và văn hóa khi triển khai tại một số nước, như Ấn Độ, Kyrgyzstan, Myananmar.
Tích tất yếu thứ hai, là quốc gia lớn nhất ven Biển Đông, Trung Quốc có trách nhiệm thiết kế phương án giải quyết tranh chấp ở Biển Đông để các bên cùng thắng, chủ động dẫn dắt tiến trình giải quyết tranh chấp.
Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay vẫn là “bảo vệ yêu sách” và “duy trì ổn định”.
Trong đó, “bảo vệ yêu sách” chỉ chú trọng đến lợi ích của Trung Quốc, mà không quan tâm đến lợi ích chung của các bên yêu sách khác.
Còn “duy trì ổn định” là quản lý bất đồng, không để nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là hợp tác thương mại.
Đây chỉ là giải pháp phần ngọn, không thể ngăn chặn cục diện căng thẳng phát sinh, cũng không có cách nào thúc đẩy giải quyết tranh chấp.
Tính tất yếu thứ ba, là nước lớn đang trỗi dậy, ngoài việc chia sẻ lợi ích kinh tế cho láng giềng, Trung Quốc cũng cần phải chia sẻ lợi ích an ninh với láng giềng.
Có như vậy Trung Quốc mới xóa bỏ được những nghi kị của các nước nhỏ trong khu vực, để tăng sự tin cậy của họ với mình, tăng sức hấp dẫn của mình với họ.
Ở khu vực Đông Nam Á, vấn đề Biển Đông là chướng ngại chủ yếu.
Đồng thời với tăng cường hợp tác thương mại, các nước ASEAN cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Đã đến lúc Trung Quốc nên tính đến việc, thông qua hóa giải những lo ngại về Biển Đông, tăng tốc hợp tác với các nước trong các lĩnh vực khác.
Tính tất yếu thứ tư, tranh chấp Biển Đông rõ ràng ảnh hưởng đến mức độ nhiệt tình của các nước yêu sách trong việc tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
Việt Nam đến nay vẫn chưa chính thức bày tỏ ủng hộ sáng kiến này, mà tiếp tục “tìm hiểu, quan sát”.
Nguyên nhân chủ yếu là vì Biển Đông.
Xu hướng các nước ASEAN ngày càng thể hiện lập trường thống nhất trong vấn đề Biển Đông ngày một rõ rệt.
Những nước không có yêu sách ngày càng ngả theo lập trường của các nước có yêu sách.
Biển Đông như khối ung nhọt trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN cần phải có liều thuốc “tiêu viêm” đủ mạnh, tức là cơ chế xử lý tranh chấp đa phương có hiệu lực.
Tính tất yếu thứ năm, đó là phân tích những biểu hiện của “môi trường bên trong” lẫn “môi trường bên ngoài” hiện nay, vài năm tới là thời cơ có lợi nhất để tăng cường hợp tác với các bên yêu sách ở Biển Đông.
Bỏ lỡ thời cơ này, Biển Đông có thể trở thành khối u di căn, có thể bột phát thành chuyện lớn bất cứ lúc nào, khi có các tác nhân bên trong, bên ngoài kích thích.
Bằng những phân tích và lập luận này, Tiến sĩ Tiết Lực dẫn đến kết luận:
“Trung Quốc nên hiệu chỉnh tư duy ứng phó với vấn đề Biển Đông, xây dựng phương lược mới, chuyển từ ‘bảo vệ lợi ích’ và ‘duy trì ổn định’ sang thiết kế tiến trình giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo.”.
Những lời nhận xét
Cá nhân người viết đánh giá cao đề xuất của Tiến sĩ Tiết Lực với nhà nước Trung Quốc về việc hiệu chỉnh tư duy tiếp cận giải quyết tranh chấp, cũng như ứng xử trong vấn đề Biển Đông.
Cả bài viết dài của ông nổi lên 3 ý chính.
Một là Trung Quốc cần phải thay đổi tư duy từ “mình mình có lợi” sang chia sẻ lợi ích và các bên cùng thắng.
Hai là nên chấp nhận xử lý tranh chấp thông qua cơ chế đa phương, chỉ có như vậy Trung Quốc mới có thể chủ động, thậm chí là “dẫn dắt” như ông Lực nói.
Thứ ba là tranh chấp Biển Đông không được xử lý êm thấm bằng các biện pháp hòa bình, thì chiến lược “Một vành đai, một con đường” khó có thể phát triển ở Đông Nam Á.
Nhưng đây mới là những nghiên cứu, đề xuất hiếm hoi từ một học giả Trung Quốc đương đại.
Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc lắng nghe lời khuyên này, khi Biển Đông tiếp tục bị quân sự hóa.
Bản thân Tiến sĩ Tiết Lực cũng chưa thể vượt qua hạn chế của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi để có một cái nhìn khách quan, công tâm và thượng tôn pháp luật như một số học giả Trung Quốc khác, ví dụ như Giáo sư Lý Lệnh Hoa, Giáo sư Trương Bác Thụ.
Bởi vì Tiến sĩ Tiết Lực đề xuất một “giải pháp đa phương”, nhưng lại không hề nhắc đến luật pháp quốc tế.
Cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 được hiện thực hóa trong việc áp dụng, giải thích vào Biển Đông qua Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Ông vẫn tiếp tục bảo vệ cho yêu sách đường lưỡi bò khi nhắc đến lập trường Indonesia, mà do quá dài chúng tôi không nêu ra ở đây.
Tư tưởng đổi mới của Tiến sĩ Tiết Lực còn mang tính nửa vời và “ban ơn”, hợp tác giải quyết tranh chấp đa phương nhưng lại do “Trung Quốc dẫn dắt”, và không dựa trên Công ước này, mà Trung Quốc là một thành viên.
“Dự thảo khung” bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc đang tuyên truyền như một thành tựu trong đàm phán với ASEAN, thực ra chỉ là bài câu giờ.
Trung Quốc muốn thông qua tuyên truyền về việc này để tìm cách giảm bớt hoài nghi, lo ngại của khu vực nhằm thúc đẩy “Một vành đai, một con đường” mà thôi.
Nhưng điều đó sẽ không mang lại ý nghĩa nào trong thực tế.
Một là, chừng nào Trung Quốc chưa chính thức công khai tuyên bố từ bỏ đường lưỡi bò, thì chừng đó không thể có COC.
Hai là, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 được xem như “Hiến pháp” của biển và đại dương mà Trung Quốc còn coi thường, vi phạm, thì COC có ý nghĩa gì?
Nhận định của Tiến sĩ  Tiết Lực và cộng sự về trật tự ưu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump với châu Á – Thái Bình Dương, Biển Đông nằm ở bét bảng, theo chúng tôi là không đúng với thực tế.
Về lập trường của Mỹ, chúng tôi đã có nhiều bài phân tích gần đây, xin không nhắc lại.
Còn chiến lược “Một vành đai, một con đường”, thì chưa cần nhắc tới lo ngại về ý đồ đằng sau nó liên quan đến an ninh Biển Đông, ngay khía cạnh kinh tế cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Từ thực tiễn triển khai 3 năm qua và phản ứng của các nước, chúng tôi nhận thấy rằng:
Đây là một giải pháp thúc đẩy chính sách tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình hơn là một dự án “chia sẻ lợi ích kinh tế với láng giềng” như Tiến sĩ Tiết Lực nhận định.
“Một vành đai, một con đường”, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) hay Quỹ Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 cho đến nay chỉ cho thấy vai trò công cụ để Bắc Kinh thực hiện mục tiêu tái cơ cấu:
Đẩy hết những công nghệ lạc hậu, ô nhiễm và lực lượng lao động chân tay của Trung Quốc sang các nước, theo chân các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp nặng, công nghệ nhiệt điện dùng than gây ô nhiễm chẳng hạn.
Bài xã luận thể hiện thái độ trịch thượng, “xoa đầu” Singapore của Thời báo Hoàn Cầu đúng ngày Ngoại trưởng nước này đến thăm Trung Quốc càng cho thấy rõ lo ngại của các nước:
“Một vành đai, một con đường” chỉ là “con ngựa thành Troy” để Trung Quốc thiết lập trật tự khu vực mới