Tin Việt Nam – 17/06/2017
Trấn áp vẫn theo chiều hướng gia tăng
Tình hình trấn áp ngày càng căng thẳng gia tăng
Kể từ sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, thêm nhiều nhà hoạt động bị bắt giam như blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động Trần Thị Nga, anh Hoàng Đức Bình, phóng viên tự do trẻ Nguyễn Văn Hóa…Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trong cuộc sống thường ngày, một trong những trường hợp gần đây nhất là Luật sư Lê Quốc Quân bị chặn không cho ra khỏi nhà, sau khi anh đã có cuộc gặp với phái đoàn Thượng nghị sỹ Mỹ tới Hà Nội.
Chia sẻ nhận định về những sự trấn áp sau Đại hội 12, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, tình trạng này đang gia tăng:
“Hàng chục nhà hoạt động đã bị bắt và nhiều việc hành hung, thậm chí như cá nhân tôi từng xảy ra chuyện bị đe dọa hành hung rất côn đồ. Đối với tôi việc này chưa bao giờ xảy ra. Tôi khẳng định tình hình ngày càng căng thẳng và bắt bớ ngày càng gia tăng”
Anh Nguyễn Chí Tuyến – thành viên nhóm No-U Hà Nội, nạn nhân của một vụ hành hung sau các hoạt động tuần hành năm 2015 đánh giá, sự trấn áp đối với các nhà hoạt động trẻ thực sự đáng quan ngại:
Khi chúng ta có công lý, sự thật, có con đường để đi tới, có một mục tiêu để theo đuổi trên cuộc đời này thì chúng ta hãy cứ bình an bước tới, theo đuổi đam mê, dấn thân và phụng sự.
– Luật sư Lê Quốc Quân, Hà Nội
“Khi ý thức người dân lên cao thì đương nhiên việc này không dễ chút nào cho những người cai trị, những người cầm quyền. Vốn dĩ họ vẫn hành xử như vậy từ xưa đến nay, do vậy họ vẫn tìm cách để dập tiếng nói đó và họ cố kéo dài tình trạng này.”
Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế và chính phủ nhiều nước đã có sự hối thúc mạnh mẽ đối với chính quyền Việt Nam, buộc họ phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do về chính trị, xã hội của người dân, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, mở rộng ngoại thương.
Nhiều nhà hoạt động quan ngại về sự gia tăng đàn áp trong thời gian sắp tới. Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, tính bạo lực sẽ gia tăng khi rơi vào tình trạng tận cùng:
“Vì Việt Nam là một nước đang hoà bình và rõ ràng chúng ta phải tận dụng cơ hội hòa bình này để phát triển đất nước. Chúng ta thực hiện một tinh thần ôn hòa, hòa hợp hòa giải dân tộc để phát triển kinh tế. Thay vì đó tôi vẫn thấy có một sự bức xúc và một sự xung đột đang gia tăng dần lên trong xã hội giữa việc sử dụng bạo lực, cường quyền, thậm chí chia rẽ lương-giáo, giữa người hoạt động với người bảo vệ chính quyền. Và tính bạo lực ngày càng gia tăng thì đó là điều rất đáng ngại.”
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sức ép từ bên ngoài dường như không còn được như kỳ vọng. Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, có sự liên hệ giữa tình hình quốc tế với tình trạng trấn áp trong nước:
“Lịch sử trải qua những giai đoạn thăng trầm, tất yếu là có những đoạn lên, đoạn xuống, và những đoạn dẫn đến sự tột cùng của mâu thuẫn. Có thể vào những lúc đó thì sự bạo lực, sự hung hăng sẽ lên ngôi.”
Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng, vì mục đích duy trì quyền lực độc tôn càng lâu càng tốt, chính quyền sẽ vẫn gia tăng trấn áp:
“Họ sẽ nhằm vào bất cứ một người nào, đặc biệt là những người trẻ tuổi có tiếng nói ảnh hưởng nào đó. Họ đều tìm cách cô lập người đó bằng cách bắt bớ, tù đày, hoặc đánh đập, đe dọa, hoặc bao vây kinh tế.”
Bạn trẻ Nguyễn Peng là nạn nhân của việc bắt giữ tuỳ tiện, đánh đập tại Buôn Mê Thuột vừa qua, nhưng bạn vẫn mong muốn lên tiếng cho một đất nước Việt Nam nhân quyền được tôn trọng:
“Bản thân tôi không bao giờ chùn bước. Tôi đã bị nhiều lần rồi nên những việc đó đối với tôi rất bình thường.”
Con đường công lý và sự thật
Trong bối cảnh tình hình nhân quyền còn chưa được bảo đảm, các nhà hoạt động bị trấn áp, Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng, giới đấu tranh cần kiên định con đường đã chọn:
“Cá nhân tôi luôn theo đuổi tinh thần ôn hoà, bất bạo động. Tôi cũng chia sẻ rằng mới đây công an đe dọa tôi, định đánh tôi, nắm cổ áo và dí nắm đấm vào người tôi. Tôi mỉm cười vì tôi thấy rằng sau những hành vi như vậy là những tâm hồn yếu đuối bởi vì nó không có công lý, sự thật. Còn khi chúng ta có công lý, sự thật, có con đường để đi tới, có một mục tiêu để theo đuổi trên cuộc đời này thì chúng ta hãy cứ bình an bước tới, theo đuổi đam mê, dấn thân và phụng sự. Chắc chắn dần dần rồi sẽ có kết quả.”
Tuy dù chịu nhiều sự trấn áp, các nhà hoạt động vẫn trông đợi một sự thay đổi và cởi mở về mặt chính trị. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết:
“Để chống lại sự đàn áp mà nhà cầm quyền đang tước đoạt các quyền công dân như vậy thì người dân phải có sự liên kết, chia sẻ và đồng cảm lẫn nhau, để cùng nhau phối hợp, hành động trong những lãnh vực và những khả năng có thể với nhau.”Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng, người dân cần hiểu về quyền của mình và thực hành các quyền đó trong thực tế, để làm tăng sức mạnh ý chí của từng cá nhân:
“Tôn trọng dân chủ, nhân quyền, thực hành quyền đa nguyên đa đảng, cải cách chính trị là những bước đi tôi nghĩ chính quyền nên lựa chọn và theo đuổi nó một cách nhất quán và mạnh mẽ hơn nữa.”
Còn anh Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng:
“Các ông, các bà nên nhớ rằng thời đại đã thay đổi, đừng nên níu kéo quyền lực độc tôn mãi mãi như xưa nữa và cần thay đổi tư duy. Các ông, các bà cần trao lại quyền cho người dân vì người ta mới xây dựng được đất nước.”
Con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại những quốc gia độc đảng, quân phiệt lâu nay cho thấy đầy chông gai, thử thách và phải trả cả bằng ‘giá máu’ của những người tham gia. Tuy nhiên đó không phải là con đường vô vọng!
Nhân quyền Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump
Bang giao Việt-Mỹ ‘đậm’ hay ‘nhạt’, ‘nóng’ hay ‘nguội’ tùy thuộc vào thành tích nhân quyền của Việt Nam. Quan niệm này dường như không còn hợp thời khi tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân của Tòa Bạch Ốc từ đầu năm nay.
Với chính sách ngoại giao ‘Nước Mỹ trên hết’, Tổng thống Trump đã khiến những kỳ vọng về áp lực từ Mỹ giúp cải thiện nhân quyền Việt Nam bị mất điểm tựa.
Tuy nhiên, vẫn còn những giải pháp khác, theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ nhân chuyến vận động ở Quốc hội Mỹ ngày 15/6.
Ông Robertson: Tình hình nhân quyền Việt Nam đang sa sút, càng ngày càng tuột dốc. Gần đây, họ thay đổi chiến thuật. Vào năm 2012-2013, họ dùng các điều luật về an ninh quốc gia bắt bớ rất nhiều người, đưa hàng chục người ra tòa để tuyên những bản án dài hạn. Rồi họ nhận ra làm như vậy bị cộng đồng quốc tế ‘điểm danh’ số tù nhân lương tâm. Cho nên, họ đổi cách, càng ngày họ càng gia tăng dùng côn đồ tấn công những nhà hoạt động. Những kẻ tấn công không rõ danh tính, đồng lõa, hợp tác với công an trấn áp những người bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vào ngày 19/6 sẽ công bố bản phúc trình về thực trạng này tại Việt Nam.
VOA: Ông nhận xét thế nào về nội dung bản phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình Việt Nam vừa công bố hồi tháng 3?
Ông Robertson: Họ có phúc trình của họ, chúng tôi có báo cáo của chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi là các quyền cốt lõi của con người vẫn bị đe dọa tại Việt Nam bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do lập hội. Người ta bị đánh vì đi biểu tình, bị bắt vì đòi quyền lợi đất đai hay vì kêu gọi môi trường sạch, chống lại Formosa. Làn sóng đàn áp vẫn tiếp diễn. Nhà cầm quyền nhắm vào các nhóm người mà họ xem là có thể khuấy động công luận. Họ cho côn đồ sách nhiễu, và mạnh hơn nữa, là bắt bớ nếu họ xem đối tượng là những người có vai trò lãnh đạo hay khởi xướng.
VOA: Giữa nhiều vấn đề gây quan ngại, vấn đề nào đáng ngại nhất khi nói về nhân quyền Việt Nam?
Ông Robertson: Đáng quan ngại nhất là các vấn đề đang tiếp diễn liên quan đến các quyền dân sự và chính trị căn bản của công dân. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam, nước đã ký Công ước Liên hiệp quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị, sẽ cho phép công dân thực thi quyền của họ. Trên thực tế hoàn toàn không thấy điều đó, chỉ thấy đàn áp gia tăng trong rất nhiều hình thức khác nhau, từ nạn công an bạo hành, người Thượng Tây Nguyên bị ngược đãi, cho đến quyền của người lao động bị chà đạp. Chủ yếu là nhà cầm quyền Việt Nam cố tìm cách kiểm soát xã hội dân sự để không ai có thể thách thức quyền hành của họ. Họ xem các hoạt động cổ súy nhân quyền là một phần của một chiến dịch chính trị hơn là bản chất thuần túy của nó, nghĩa là người ta chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm, bảo vệ cuộc sống và cộng đồng.
VOA: Tổng thống Donald Trump chưa lên tiếng gì về chuyện nhân quyền. Ông nhận xét thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ khi ông Trump lên nhậm chức so với các thời trước?
Ông Robertson: Chúng tôi kinh ngạc khi Thủ tướng Việt Nam được mời tới Tòa Bạch Ốc mà vấn đề nhân quyền chẳng được nhắc tới. Chính phủ Trump quay lưng với truyền thống mà cả hai đảng ở Mỹ đều tuân thủ lâu nay rằng cổ súy nhân quyền là một phần trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, rằng nhân quyền là một giá trị cốt lõi của Mỹ. Dường như chính quyền Trump không chia sẻ điều này. Đối với họ, mọi sự giao dịch chỉ là thương mại và an ninh. Dưới thời Obama, dù có chuyện dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam mà chúng tôi cho là còn quá sớm, nhưng nhân quyền có được quan tâm. Chúng tôi không thấy điều đó dưới chính quyền Trump. Khác biệt rõ ràng như đêm và ngày.
VOA: Và điều đó khiến nhiều người nghi ngờ về một bức tranh nhân quyền tươi sáng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ý kiến ông thế nào?
Ông Robertson: Tôi nghĩ các nước khác như Châu Âu, Canada, Úc, cũng phải đứng lên để điền khuyết vai trò mà Mỹ trước đây từng làm. Các nền dân chủ như Nhật, Hàn, những nước cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam, cũng cần phải giúp Việt Nam hiểu rõ là quản trị tốt phải có sự tham gia của người dân, có sự tôn trọng nhân quyền, không chỉ biết lắng nghe chỉ trích mà còn phải hiểu rằng chỉ trích đóng vai trò quan trọng trong xã hội, không được đàn áp.
VOA: Ông dự đoán tình hình nhân quyền của Việt Nam sẽ ra sao trong 4 năm tới, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?
Ông Robertson: Cho tới nay, không có chuyện chính quyền Trump không giao tiếp với một nhà độc tài. Tháng sau, ông Trump sẽ tiếp nhà độc tài quân sự Thái, Thủ tướng Prayuth tại đây. Cho nên trước mắt cần phải tìm cách chuyển tải thông điệp nhân quyền tới chính quyền Trump sao cho họ muốn có hành động. Điều này cũng cần sự tham gia của cộng đồng người Việt tại đây, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nêu quan điểm với Tòa Bạch Ốc. Bất kể là nghị sĩ bên đảng nào, họ cần lên tiếng với chính quyền Trump rằng cần phải để ý tới nhân quyền Việt Nam, không thể ngó lơ, phải đưa lên bàn thảo luận.
VOA: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có kế hoạch vận động cụ thể thế nào cho nhân quyền Việt Nam trong năm nay, đặc biệt trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh APEC?
Ông Robertson: Chúng tôi đang tìm cách để Quốc hội Mỹ hành động về vấn đề nhân quyền Việt Nam, để có được sự thúc đẩy nào đó đối với Tòa Bạch Ốc. Nhưng đừng quên, APEC không chỉ có Mỹ, còn nhiều nước khác tham dự nữa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chúng tôi sẽ nói chuyện với nhiều nước. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy thế giới tiến triển bất chấp nước Mỹ chứ không phải bởi vì nước Mỹ. Nhân quyền không xuất phát hay kết thúc tại Washington. Có rất nhiều nước trên toàn cầu tin rằng nhân quyền là cốt lõi trong chính sách ngoại giao. Cho nên, nếu chính quyền Trump không sẵn sàng làm điều đó, chúng tôi sẽ tìm những chính quyền khác sẵn lòng.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn hôm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/nhan-quyen-viet-nam-duoi-thoi-tong-thong-trump-/3904005.html
Xử blogger Mẹ Nấm vào ngày 29 tháng 6
Trần Thị Nga cần được điều trị bệnh
Cập nhật thông tin về hai nhà hoạt động nữ đang bị giam giữ.
Phiên xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa lên lịch vào ngày 29 tháng 6 tới đây. Tội danh mà cơ quan này nêu trong lịch xét xử đối với nhà hoạt động đang bị giam giữ là ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Nếu phiên xử diễn ra đúng như lịch mà Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa công khai thì sau hơn 8 tháng bị giam giữ để điều tra về những cáo buộc liên quan, blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra tòa để bị luận tội và nhận án.
Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự do biết đến thời điểm ngày 17 tháng 6 năm 2017 con gái của bà bị giam đúng 250 ngày mà bà không được cơ quan chức năng cho biết tin gì về người bị giam giữ, cũng như không cho thăm gặp.
Theo bà Nguyễn thi Tuyết Lan thì khi được luật sư Nguyễn Khả Thành, cho biết tin về lịch xử blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì bà thấy rằng như thế con gái bà vẫn còn sống.
Tin cho biết hai luật sư Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân ở Hà Nội đã nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong khi đó hai luật sư thuộc Đoàn Phú Yên là Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn đến ngày 17 tháng 6 vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận bào chữa theo như thư yêu cầu mà blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gửi từ trại giam ra.
Xin được nhắc lại blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề tại Việt Nam như chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; cổ xúy cho quyền con người; chống nạn công an bạo hành, bảo vệ môi trường sạch…
Về trường hợp nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga hiện đang bị giam giữ ở Trại tạm giam Công an Tỉnh Hà Nam cũng với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự, thì luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bà là Hà Huy Sơn vào ngày 17 tháng 6 có đơn đề nghị chuyển bà đến bệnh viện điều trị.
Đơn vừa nêu được làm sau ngày 16 tháng 6 khi luật sư có cuộc làm việc tại Trại tạm giam với thân chủ là bà Trần Thị Nga. Theo đó bà này bị hiện bị rách niêm mạc họng, suốt 20 ngày qua chỉ có thể ăn cháo khiến sức khỏe suy kiệt nhanh; trong khi đó điều kiện y tế và thuốc men của Trại tạm giam không bảo đảm khiến bệnh tình của bà Trần Thị Nga ngày càng trầm trọng.
Bản thân bà Trần thị Nga đã hai lần đề nghị Ban Giám thị Trại tạm giam cho đi bệnh viện chữa trị nhưng không được chấp thuận.
Theo luật sư Hà Huy Sơn thì theo luật của Việt Nam hiện nay trại trạm giam phải có trách nhiệm đưa bà Trần Thị Nga đi bệnh viện điều trị.
Nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga bị bắt vào ngày 21 tháng 1 năm 2017. Bà là người tích cực hoạt động giúp những lao động xuất khẩu bị lừa’ đặc biệt những công nhân Việt ở Đài Loan nơi bà từng sang lao động. Bà cũng tham gia hoạt động cổ xúy dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam; lên án bất công, tham nhũng, hủy hoại môi trường…
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/update-2-female-activists-06172017110542.html
Nghi vấn
về giá xây đường cao tốc đắt nhất thế giới ở Việt Nam
Sau khi các bộ trưởng bị chất vấn về chi phí cao ‘ngất ngưởng’ để xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam tại Quốc hội, công chúng trên mạng xã hội đặt nghi vấn tại sao đường cao tốc Việt Nam lại đắt nhất thế giới.
Trong phiên họp quốc hội ngày 15/6, một đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư giải trình về mức chi phí 14 tỷ đô la để làm 1.370 km đường cao tốc Bắc-Nam. Theo báo chí trong nước, vị đại biểu quốc hội tính toán rằng dự án này sẽ chi trả 12 triệu đô la cho 1 km đường cao tốc và cho biết con số này cao hơn chi phí làm cao tốc ở các quốc gia đang phát triển.
“Cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2-4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương.” ZingNews trích lời đại biểu Lê Công Nhương nói tại phiên chất vấn. Đại diện của tỉnh Bình Định yêu cầu 2 vị bộ trưởng đưa ra giải pháp “để giảm xuất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc” trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam có hạn.
“Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại phương thức xây dựng đường cao tốc và phải có sự giám sát công khai minh bạch và phải có sự tham gia của các hiệp hội có chuyên môn.”
Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tê
Trước đây trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu lên những thắc mắc về chi phí cao làm đường cao tốc ở Việt Nam. Một đại biểu chất vấn về vấn đề này cho biết mức chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 3 lần so với tại Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh “Người dân và trên mạng xã hội đều phản ánh rằng chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao.”
“Nhưng vừa rồi bộ trưởng Giao thông Vận tải phát biểu tại Quốc hội lại đưa ra những con số phủ nhận nhận định đó,” theo ông Doanh. “Và sau khi ông bộ trưởng đưa ra những ý kiến đó thì mạng xã hội vẫn tiếp tục đưa ra những ý kiến.”
Trả lời chất vấn ở quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đưa ra những số liệu cho thấy dự kiến suất đầu tư của Việt Nam trong dự án Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội vẫn thấp hơn so với nhiều nước châu Âu.
Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Đông của nhà thầu Trung Quốc bị đội vốn hơn 100% và gây bức xúc cho người dân vì thời gian thi công kéo dài. Sự thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu là một nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao trong chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải lý giải về lý do chi phí làm cao tốc cao ở Việt Nam là “do đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề” nhưng ông không đưa ra giải pháp khắc phục, và do đó phần trả lời của ông không đáp ứng mong đợi của người dân, theo báo Tuổi Trẻ.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cũng nhận định rằng “chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao” và ông giải thích việc “sử dụng phương pháp BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) tạo ra phí rất lớn, làm cho cho phí vận tải của Việt Nam rất cao.”
Báo cáo của bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra những con số cho thấy chi phí vận tải một container từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn rất nhiều so với cho phí vận tải container đó từ Nhật Bản hay Hong Kong về Hải Phòng, theo cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM).
Chính quyền Việt Nam viện ra một lý do khác làm cho chi phí xây đường cao tốc tăng cao là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Doanh, không có sự minh bạch trong chi phí đầu vào và người dân cho rằng nó “không được kiểm soát.”
“Theo như kiểm toán và thanh tra cho thấy nhiều các chi phí của các dự án BOT đã vượt quá dự toán rất nhiều và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh.” Ông Doanh nói “Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại phương thức xây dựng đường cao tốc và phải có sự giám sát công khai minh bạch và phải có sự tham gia của các hiệp hội có chuyên môn.”
Một yếu tố khác của tình trạng không minh bạch này là quy trình chỉ định thầu của chủ đầu tư, và không có đấu thầu công khai. So sánh về chủ đầu tư, 2 dự án cơ sở hạ tầng được thấy rõ là đường cao tốc từ sân bay Nội Bài về Hà Nội qua cầu Nhật Tân do Nhật tài trợ, và đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc tài trợ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng chi phí cho dự án của nhà thầu Nhật cao nhưng được giám sát kỹ và chất lượng tốt. Trong khi đó dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều năm và đội hơn 100% tổng số vốn.
Để cải thiện tình hình này, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất một khung pháp luật, có sự giám sát độc lập và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự.
*Việt Nam, Trung Quốc
lần đầu tiên diễn tập chống khủng bố ở biên giới
Việt Nam và Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ diễn tập chống khủng bố tại biên giới giữa Lai Châu và Vân Nam ngay sau chuyến thăm chính thức của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội vào đầu tuần sau.
Chương trình diễn tập nằm trong hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 được công bố hôm 13/6 tại Hà Nội. Theo báo Thanh Niên, ngay trước thềm của cuộc diễn tập chống khủng bố dự kiến tổ chức vào 20-22/6, thượng tướng Phạm Trường Long, Phó bí thư Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, sẽ tới Việt Nam trong chuyến công du kéo dài 3 ngày.
Theo Tuổi Trẻ, thì đây sẽ là lần diễn tập chống khủng bố đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng Tân Hoa Xã, hãng tin của nhà nước Trung Quốc, cho biết cảnh sát 2 nước đã từng tham gia một cuộc diễn tập chung chống khủng bố hồi năm ngoái. Bài viết trên xinhuanet.com đăng hôm 20/9/2016, nói 260 nhân viên cảnh sát từ tỉnh Vân Nam và Lào Cai đã tham gia một buổi diễn tập dài 80 phút.
VNExpress và VietnamPlus cũng đưa tin về cuộc tập dượt chung này và cho biết mục tiêu là nhằm tăng cường khả năng của cả 2 phía trong việc đối phó với những cuộc tấn công khủng bố ở khu vực biên giới.
Mặc dù chưa xảy ra cuộc tấn công khủng bố nào ở khu vực giáp biên Việt-Trung, nhưng các hoạt động tội phạm ma túy tại các tỉnh biên giới đã gia tăng trong những năm gần đây. Báo Biên Phòng cho biết chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, 47 vụ buôn bán ma túy đã bị triệt phá, 60 đối tượng bị bắt giữ.
Cuộc diễn tập phòng chống tội phạm xuyên biên giới vào tuần sau sẽ được tổ chức ở cửa khẩu Ma Lù Thàng phía Việt Nam và cửa khẩu Kim Thủy Hà của Trung Quốc.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và thượng tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc sẽ là trưởng đoàn đại diện cho 2 phía.