Tin Việt Nam – 16/06/2017
Vụ chết vì ‘dây thun quần’: Chồng tôi mắc gì phải xuống phường tự vận?
Thêm một cái chết đầy nghi vấn trong lúc làm việc với công an phường công an Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM, đang khiến dư luận xôn xao.
Nguyên nhân tử vong được thông báo là do “tự tử bằng dây thun quần”.
Tối 16/6, chị Từ Thị Nhường, 39 tuổi, vợ của anh Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977, nói với VOA rằng chị không thấy có lý do gì khiến chồng phải lên đồn công an tự vận.
Sự việc, theo lời chị Nhường kể, bắt đầu từ lúc công an phường đến nhà tìm chồng chị vào chiều 13/6. Lúc đó, anh Tâm đang phụ vợ giặt quần áo sau khi đi làm về.
“Nghe thằng con trai nói ‘Ba ơi, có cảnh sát kiếm ba’, ông xã tôi mới đi lên gặp anh công an phường, rồi anh đi lấy bộ đồ dơ buổi sáng đi làm về thay ra để bận vô rồi đi xuống phường. Tôi thấy ảnh cầm quần áo nên hỏi ‘Anh đi đâu vậy?’. Ảnh nói ‘Tui xuống phường có chút việc. Công an phường mời’. Không có thư mời, chỉ nói miệng vậy thôi rồi ông xã tôi lấy xe nhà chạy theo xuống phường”.
Họ hỏi tôi rằng ở gia đình có làm gì cho ảnh buồn phiền không mà ảnh thắt cổ. Ảnh lấy dây dù rút ra từ lưng quần thắt cổ chết.
Chị Từ Thị Nhường – vợ anh Ngô Chí Tâm.
“Tôi làm mệt quá nên trong lúc chờ ảnh tôi ngủ quên, nhịn đói luôn vì chờ ảnh mà. Đến 2 giờ đêm, tôi giật mình dậy, chưa thấy ông xã về. Lúc đó trong lòng tôi thấy sao đó”.
“8 giờ sáng hôm sau, công an phường lên mời tôi với má chồng xuống phường có chút việc. Khi xuống dưới đó, họ hỏi tôi rằng ở gia đình có làm gì cho ảnh buồn phiền không mà ảnh thắt cổ. Ảnh lấy dây dù rút ra từ lưng quần thắt cổ chết”.
“Tôi mới nói ‘Tui nói thiệt với anh, vợ chồng tôi lấy nhau hai mươi mấy năm nay rồi, chưa bao giờ gây lộn chứ đừng nói tôi làm cho ảnh thắt cổ chết kiểu đó. Chưa bao giờ giận nhau được một ngày nữa. Gia đình cũng không ai làm gì cho ảnh buồn đến tự vận chết kiểu đó. Mà có tự vận đi nữa thì cũng ở nhà tự vận, mắc gì xuống phường tự vận làm gì?’”.
Ngày 15/6, chị Nhường gửi đơn khiếu nại lên công an phường Tam Bình và TPHCM, yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng. Trong thư, chị Nhường nói lúc gia đình đến thì xác chồng chị đã được đưa xuống bệnh viện An Bình, quận 5, TPHCM. Chị cho biết trên thi thể chồng chị, “hai mắt có tụ máu, mặt mày sưng”.
Chị nói tiếp với VOA:
“Tại sao lúc [chồng tôi] hôn mê sâu trong bệnh viện lại không cho người nhà biết trước? Tại sao không gọi điện cho tôi ngay lúc đó để tôi vào nhìn mặt chồng tôi lần cuối? Mà lại để đến lúc đưa lên nhà xác rồi mới mời tôi lên nhận xác về là sao?”
Tại sao lúc [chồng tôi] hôn mê sâu trong bệnh viện lại không cho người nhà biết trước? Tại sao không gọi điện cho tôi ngay lúc đó để tôi vào nhìn mặt chồng tôi lần cuối? Mà lại để đến lúc đưa lên nhà xác rồi mới mời tôi lên nhận xác về là sao?
Chị Từ Thị Nhường.
Chị Nhường cho biết vợ chồng chị có 3 đứa con và anh Tâm là trụ cột tài chính trong gia đình. Cái chết bất ngờ của anh khiến chị rất sốc và đau xót.
Ngày 16/6, lãnh đạo công an phường Tam Bình cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên công an quận Thủ Đức và công an TPHCM để điều tra, theo báo Thanh Niên.
Những năm gần đây, Việt Nam bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án về những cái chết bất thường xảy ra trong lúc đang bị tạm giam hay mời “làm việc” với công an.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an, trong vòng ba năm (2012–2014), tại Việt Nam đã có 226 trường hợp chết trong trại tạm giam, nhà giam giữ.
Tháng trước, trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn “tự sát” bằng cách tự cắt cổ (theo công an), trong lúc bị tạm giam tại đồn công an ở Vĩnh Long, đã được đưa đến điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam hồi tháng 3 nhận định trong hầu hết các trường hợp chết bất thường trong lúc bị tạm giam, chính quyền cung cấp rất ít thông tin về cuộc điều tra, và thường đưa ra kết luận chết vì tự sát hay bệnh lý.
Tàu cá của ngư dân Việt lại bị tàu Trung Quốc va đâm, ném đá
Một chiếc tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vừa về đất liền hôm 15 tháng 6 và báo với cơ quan chức năng bị tàu Trung Quốc va đâm, ném đá khi đánh bắt tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa.
Nạn nhân là chiếc tàu cá QNg 90513 của thuyền trưởng Phan Minh, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo trình báo của ông Phan Minh thì vào ngày 29 tháng 5 vừa qua khi tàu QNg 90513 đang neo đậu đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa thì bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu 46001 áp sát, ném đá.
Sau khi bị ném đá, chiếc QNg 90513 di chuyển đến khu vực khác để tránh thì chiếc 46001 tiếp tục áp sát ném đá rồi đâm thẳng vào cabin của tàu Việt Nam. Hậu quả cabin bị vỡ, thân tàu bị hư hỏng một phần, nhiều bộ phận của tàu hư hỏng nặng. Ước tính chi phí sửa chữa lên đến trên 150 triệu đồng.
Giáo dân Cồn Sẻ kéo lên xã đòi bồi thường thỏa đáng
Chừng 1000 người là giáo dân Xứ Cồn Sẻ vào sáng ngày 16 tháng 6 cùng linh mục chánh xứ An tôn Nguyễn Thanh Tịnh cùng nhau đến tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để đòi bồi thường thỏa đáng do thảm họa môi trường mà nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây nên cho họ.
Một người dân tại Cồn Sẻ vào tối ngày 16 cho biết lý do họ phải tiếp tục đi đòi hỏi quyền lợi vì mức mà địa phương nói sẽ chi trả cho họ thấp hơn nhiều so với mức được chính quyền Trung ương qui định. Cụ thể mức mà người dân kê khai là mỗi đầu người 17 triệu đồng, trong khi đó cơ quan chức năng địa phương nói chỉ chừng 8 triệu đồng nên người dân không đồng ý.
Người dân gặp chủ tịch xã Quảng Lộc cũng như thị xã Ba Đồn thế nhưng cả hai vị này vẫn không đáp ứng theo yêu cầu được nêu ra.
Trong khi đó trong ngày 16 tháng 6 tỉnh Quảng Bình báo cáo nói tính đến trung tuần tháng 6 khoản giải ngân bồi thường thiệt hại cho nạn nhân thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên đạt hơn 91%.
Thông báo từ Hội đồng bồi thường của tỉnh Quảng Bình vào ngày 15 tháng 6 nói rằng 62 trên 65 xã trong toàn tỉnh được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2200 tỉ đồng; và khoản đã giải ngân là trên 2100 tỷ đồng, đạt gần 92%.
Việt Nam: ‘Tranh chấp đất là vấn đề chính trị lớn nhất’
Báo The Economist nói đối đầu tại Đồng Tâm cho thấy Đảng Cộng sản xử lý lúng túng và xung đột đất đai sẽ vẫn tiếp diễn.
Bài báo thuật lại sự việc bùng lên hồi tháng Tư khi nhà chức trách bắt người dân khiến dân làng bắt giữ hàng chục cảnh sát và giam họ tại nhà văn hóa.
Bàn tròn: Khởi tố Đồng Tâm – Tướng Chung có bội ước?
Vụ Đồng Tâm: ‘Người thông minh sẽ có cách giải quyết’
Đồng Tâm nóng lên sau tuyên bố của Chủ tịch Chung
Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm
Vụ đối đầu này đánh dấu bước leo thang mới trong các cuộc chiến bất tận về đất đai, là nguồn cơn chính của các khiếu nại tại Việt Nam và cũng là một trong những việc đau đầu nhất của Đảng Cộng sản.
Với tăng trưởng kinh tế hơn 6% mỗi năm, nhu cầu mở rộng đường xá, cầu và các khu công nghiệp ngày càng nhiều và các thành phố ngày càng trở nên đông đúc.
Số đất nông nghiệp bị mất đi vì các dự án phát triển trong hai thập niên qua là khó tính hết. Nhưng điều chắc chắn là nó vượt quá số đất được phân chia lại trong giai đoạn cải cách ruộng đất
Số đất nông nghiệp bị mất đi vì các dự án phát triển trong hai thập niên qua là khó tính hết. Nhưng điều chắc chắn là nó vượt quá số đất được phân chia lại trong giai đoạn cải cách ruộng đất, bài báo nhận định.
Sự chuyển đổi ở mức độ như vậy gây phẫn nộ ở bất kỳ nơi nào, nhưng nó lại rất có vấn đề ở Việt Nam nơi nhà nước một đảng với chỉnh phủ trao quyền sử dụng nhưng lại nói tất cả đất đai thuộc về nhà nước.
Tiền bồi thường khi cưỡng chế đất có giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Quá trình tham vấn là “làm cho có” và tòa hiếm khi giải quyết khiếu nại. Những hộ dân bị mất đất đôi khi phàn nàn về thực trạng quan chức địa phương thông đồng với các chủ dự án bất động sản.
Giấy tờ và sổ sách nhà đất chắp vá khiến khó có thể phân định bên nào là đúng khi có những khiếu nại được đưa ra như trong vụ Đồng Tâm.
Dân Đồng Tâm đã ‘phòng vệ chính đáng’
Nhìn lại vụ Đồng Tâm – vì đâu nên nỗi?
Những việc vô tiền khoáng hậu của chính quyền
Thực trạng này làm méo mó sự phát triển của Việt Nam. Giá đất tại khu vực ngoại vi các thành phố rẻ khiến có những dự án phình ra phía ngoại ô thay vì tập trung vào thành phố.
Thực trạng này, theo Ngân hàng Thế giới cảnh báo, làm tăng chi phí dịch vụ công và làm giảm hiệu quả trong nỗ lực xây dựng các trung tâm kinh doanh.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn đối với Đảng Cộng sản là sự phẫn nộ châm ngòi từ việc di dời dân khi lấy đất và hệ lụy của quyền sử dụng đất không rõ ràng.
Số liệu chính thức cho thấy tranh chấp đất đai theo mọi hình thái chiếm khoảng hơn hai phần ba số đơn từ khiếu nại và sự phẫn nộ từ những người sống ở vùng nông thôn làm giảm niềm tin và sự ủng hộ của họ vào chính quyền.
Bài báo nói về thực trạng chính quyền thường dùng biện pháp cưỡng chế khi có tranh chấp đất, thậm chí sự phản kháng là ôn hòa. Vụ bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì đất đai bị xử 20 tháng tù là một ví dụ.
Luật đất đai mới được ban hành vào năm 2013 không công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng có gia hạn quyền thuê đất tơi 50 năm đối với các hợp đồng sắp hết hạn.
Người ta thấy có việc tái tập trung quá trình ra quyết định về sử dụng đất, một phần là để phòng chống tham nhũng xảy ra với quan chức cấp tỉnh.
Ngoài ra cán bộ lãnh đạo đảng cũng được yêu cầu có những đánh giá sâu sát hơn khi triển khai các dự án đòi hỏi di dân diện rộng. Các quan chức cũng được phân quyền nhiều hơn khi ra quyết định đền bù để tạo điều kiện có cách giải quyết thỏa đáng hơn.
Kết quả, theo bài báo, là có mặt tốt và mặt xấu. Khảo sát thường niên của LHQ cho thấy tổng số đất lấy lại có giảm đi trong ba năm qua.
Tuy nhiên một phần ba những người bị ảnh hưởng vì đất đai vẫn không nhận được tiền bồi thường và một phần tư nghĩ rằng tiền bồi thường là không công bằng.
John Gillespie từ Đại học Monash được dẫn lời nói cho tới nay những cải cách về đất đai là rất ít.
Trong khi đó những người khiếu kiện thấy việc thu hút dư luận quan tâm tới các vấn đề của họ lại dễ hơn trước nhiều.
Mặc dù các nhà báo tại Việt Nam bị hạn chế do khâu kiểm duyệt, đảng không có quyết tâm và nguồn lực để khống chế mạng xã hội.
Facebook đã và đang là cái loa để xả phẫn nộ về mọi thứ bất công như vụ xả độc ở biển miền trung vào năm ngoái.
Nếu vụ Đồng Tâm xảy ra cách đây 10 năm thì “sẽ chẳng ai biết gì cả”, một người nói. Giải pháp chính phủ phải xuống thang có thể là động thái không thể nào làm gì khác được trong bối cảnh công chúng quan tâm theo dõi diễn biến trên mạng.
Hai tháng trôi qua, bài báo nói, chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang cố đóng sổ vụ việc này mà tránh tạo tiền lệ có thể họ sẽ phải nuối tiếc.
Hẳn là Đảng có thể đã quyết định rằng chẳng làm gì sẽ tạo rủi ro khuyến khích những công dân khác bức xúc áp dụng biện pháp tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm
Giới chức vẫn chưa đưa ra báo cáo kết quả thanh tra về khiếu nại của dân làng Đồng Tâm mà họ hứa là làm rõ trong vòng 45 ngày.
Người ta thấy có cả động thái quay đầu khi nhà chức trách vào hôm 13/06 tuyên bố sẽ truy tố những người bắt cảnh sát trái phép.
Hẳn là Đảng có thể đã quyết định rằng chẳng làm gì sẽ tạo rủi ro khuyến khích những công dân khác bức xúc áp dụng biện pháp tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm.
Một kịch bản là tòa sẽ tuyên án tương đối nhẹ và đưa ra sự nhượng bộ thầm lặng nào đó để tránh mất mặt.
Kể cả khi chính phủ tìm được một giải pháp tình thế cho tranh chấp ở Đồng Tâm, sẽ còn có thêm đất nông nghiệp bị lấy để phục vụ sự nghiệp đô thị hóa đang bùng nổ ở Việt Nam.
Bài báo kết luận là xung đột đất đai sẽ vẫn còn tiếp diễn.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40285093
Đất quốc phòng: đề tài ‘nóng’ ở quốc hội
Tranh luận về việc làm rõ đất quốc phòng là một vấn đề được bàn thảo tại kỳ họp quốc hội giữa lúc vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm đang nóng trở lại, và những bức xúc trong dân chúng đang bùng lên quanh vụ sân golf-sân bay Tân Sơn Nhất.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 khai mạc hôm 13/6, đúng ngày cơ quan Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người “trái pháp luật” ở xã Đồng Tâm do xung đột về tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân.
“Liệu đất quốc phòng có bị lạm dụng? Cho nên đã xác định đất nào là đất quốc phòng thì phải công khai, minh bạch.”
Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội (NLD trích lời)
Cùng trong thời gian này, có nhiều sức ép từ dư luận và báo chí trong nước, yêu cầu bộ Quốc phòng trả lại đất để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải.
Đại biểu Dương Trung Quốc của Đồng Nai, chất vấn thủ tướng chính phủ và đòi chính phủ phải công khai và minh bạch vấn đề đất quốc phòng.
“Liên quan đến việc quản lý đất đai, nhân vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, lâu nay người ta cứ đưa ra khái niệm “đất quốc phòng,” Người Lao Động trích lời đại biểu Quốc hội đại diện tỉnh Đồng Nai nói. “Đương nhiên đất quốc phòng tự thân nó là một điều gì đó rất thiêng liêng và nghĩa vụ của toàn dân phải bảo vệ Tổ quốc.”
Ông Quốc đặt câu hỏi “Liệu đất quốc phòng có bị lạm dụng? Cho nên đã xác định đất nào là đất quốc phòng thì phải công khai, minh bạch.”
VOA-Việt Ngữ không liên lạc được với đại biểu Dương Trung Quốc để yêu cầu ông giải thích thêm về phát biểu này.
Nhận xét về việc sử dụng đất quốc phòng ở Việt Nam, Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền đất đai cho VOA Việt Ngữ biết: “Hoàn toàn sai mục đích. Mục đích của họ là để kinh doanh thương mại.”
Trong mấy ngày qua, báo chí trong nước đặt ra những câu hỏi về ai là chủ sở hữu thực sự của khu đất rộng 157 ha được gọi là “đất dự phòng của quốc phòng”, do quân đội quản lý “để bảo vệ thành phố HCM và sân bay Tân Sơn Nhất?” Một phần trong vùng đất này đã trở thành sân golf thuộc quyền sở hữu của bộ.
Bình luận về chất vấn của đại biểu quốc hội, một bạn đọc báo Người Lao Động có tên Trần Kim Anh viết “Đất Quốc phòng mà ký thu hồi rồi giao kinh doanh thì thôi rồi. Nhưng chẳng có ai giám sát cả.”
“Họ có quyền lực, có nhà tù và có cả vòng số 8 với mục đích vẽ nên các dự án về đất quốc phòng, đất sân golf trải dài khắp 3 miền bắc, trung, nam, sau đó họ sang tên đổi chủ và đem ra bán cho chính người dân.”
Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động quyền đất đai
Vụ xung đột giữa dân và chính quyền ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội, lên tới đỉnh điểm khi người dân bắt giữ 38 cảnh sát, cũng xuất phát từ vụ tranh chấp gần 50ha đất của xã này mà chính quyền muốn giao của công ty Viettel của Bộ Quốc phòng quản lý.
Các tranh cãi về sở hữu đất đai trong nhiều năm gần đây là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Đất đai là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân ở Việt Nam. Số liệu trong báo cáo 2035 của chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền trong giai đoạn 2009-2011, có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.
Ngoài Đồng Tâm, người dân Dương Nội, huyện Hà Đông cũng đã có 10 năm xung đột với chính quyền về những vấn đề liên quan đến đất đai. Đại biểu Dương Trung Quốc nói với phóng viên VietNamNet bên lề Quốc hội hôm 14/6 rằng “cái gốc là vấn đề quản lý đất đai.”
Người dân Dương Nội kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt giữ vì đấu tranh cho quyền sử dụng đất của người dân. Đồng Tâm và Dương Nội là 2 trong số nhiều nơi ở Việt Nam có người dân đấu tranh với chính quyền để giành lại đất đai bị mất vì những dự án mang tên “đất quốc phòng.”
Mặc dù có những sửa đổi trong luật đất đai trong mấy năm qua nhưng chính phủ Việt Nam chưa công nhận quyền sở hữu đất đai của dân. Anh Trịnh Bá Phương, cư dân xã Dương Nội, nói chính phủ đã tăng những hạn chế đối với người dân trong điều luật này.
“Khi thu hồi đất là vì mục đích phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng và không cho người dân được lựa chọn quyền lợi trên mảnh đất đó,” theo anh Phương. “Họ đã gạt người dân sang một bên và lợi nhuận trên lô đất đó thuộc về doanh nghiệp và chính quyền. Người dân chỉ nhận được một phần đền bù mà thực tế đó là một phần bố thí rất là nhỏ – giá trị rất là nhỏ.”
70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền trong giai đoạn 2009-2011, có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.
Số liệu báo cáo 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới
Theo anh Phương, hiện không có cơ quan độc lập nào để giám định giá đất tại Việt Nam nên các cơ quan chính quyền tự áp giá “thì hoàn toàn không khách quan và khó có thể đi đến thay đổi so với tình trạng hiện nay.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tại một cuộc họp tổng kết công tác năm 2016 của ngành tài chính vào đầu năm nay, rằng nguồn lực công, đặc biệt từ đất đai không được định giá chính xác là tâm điểm của tham nhũng và lợi ích nhóm.
Nhiều chính sách về kinh tế xã hội ở Việt Nam đang được cho là để phục vụ những nhóm lợi ích có tiền và quyền lực. Theo nhà báo Bùi Tín, có khoảng 30.000 quan chức Việt Nam nằm trong những nhóm lợi ích đó.
“(Những nhóm lợi ích này) cấu kết với nhau, sử dụng mọi phương thức để đàn áp người dân với mục đích chiếm đất đai của người dân,” theo nhà hoạt động quyền đất đai Trịnh Bá Phương. “Họ có quyền lực, có nhà tù và có cả vòng số 8 với mục đích vẽ nên các dự án về đất quốc phòng, đất sân golf trải dài khắp 3 miền bắc, trung, nam, sau đó họ sang tên đổi chủ và đem ra bán cho chính người dân, cho chính những người đã bị thu hồi đất trước đó với giá gấp hàng trăm lần.”
Anh Phương là một trong hơn 300 người, gồm cả những nhà hoạt động và trí thức trong nước, ký tên vào một bản kiến nghị yêu cầu Đảng và chính phủ sửa đổi luật đất đai và công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Cơ chế quản lý đất đai yếu kém và không khách quan đã làm cho 10 triệu người nông dân bị ảnh hưởng vì sự chiếm dụng của những nhóm lợi ích, theo anh Phương. Tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục tăng lên nếu vấn đề này không được giải quyết và anh Phương cho biết cục khủng hoảng người dân mất đất có thể dẫn đến “phong trào người nông dân nổi dậy” trong tương lai.
https://www.voatiengviet.com/a/dat-quoc-phong-de-tai-nong-o-quoc-hoi/3902186.html
Nhà văn Võ Thị Hảo: ‘Cần khởi tố những người đàn áp dân’
Nhà văn Võ Thị Hảo bình luận về vụ việc ở Đồng Tâm và cách xử lý thảm họa môi trường liên quan Formosa Hà Tĩnh thải độc ở vùng biển miền Trung.
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt từ Berlin, Đức hồi cuối tháng 4, ngay sau sự kiện ‘giải cứu ở Đồng Tâm’, bà cho rằng cần khởi tố những người trong chính quyền đã làm sai, đã đàn áp người dân Đồng Tâm.
“Nông dân nổi dậy không phải vì họ muốn chống chính quyền mà họ chỉ chống những kẻ tham nhũng, kẻ tham lam trong chính quyền thôi. Điều đó quá tốt chứ.”
Nhà văn Võ Thị Hảo cũng bình luận và chia sẻ quan điểm của bà về việc người dân Đồng Tâm nhốt giữ người của lực lượng chính quyền.
Trả lời câu hỏi về việc có những cáo buộc từ phía Việt Nam cho rằng có nhiều thế lực ở nước ngoài và các nhóm phản động, phản cách mạng trong nước đã lợi dụng vụ Formosa để kích động, nhà văn cho đó là chuyện “nực cười” mà “chẳng ai có thể tin được điều đó”.
“Người dân đã hết sức nhẫn nhục nhưng khi không còn con đường nào khác thì họ phải lên tiếng và họ đã lên tiếng một cách hết sức có trật tự.”
“… Đáng nhẽ những nhà cầm quyền cao nhất phải cảm ơn dân, bởi đó chính là hàn thử biểu, chứ đừng bao giờ đổ cho kích động,” bà nói với Quốc Phương của BBC.
Nhà văn cũng cho rằng người Việt ở nước ngoài cần lên tiếng chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ và bác ái.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-40304153
Việt Nam nói tước quốc tịch ông Hoàng là ‘đúng luật’
Việc tước quốc tịch Việt Nam đối với nhà giáo Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân có song tịch Việt – Pháp, là ‘đúng pháp luật’, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này hôm 15/6/2017, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nói với AFP rằng ông Hoàng đã ‘phạm pháp’ và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam.
Phản ứng của ông Phạm Minh Hoàng
GS Hoàng ‘khủng hoảng vì bị tước quốc tịch’
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng bị tạm giữ
Hãng tin Pháp hôm thứ Năm đặt câu hỏi:
Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt NamNgười phát ngôn Lê Thị Thu Hằng
“Xin bà cho biết Việt Nam đã xử lý như thế nào đối với khiếu nại của ông Phạm Minh Hoàng về việc tước bỏ quốc tịch của ông này. Với quyết định đó, sự hiện diện của ông Phạm Minh Hoàng tại TP.HCM là hợp pháp hay bất hợp pháp? Nếu sự hiện diện của ông Hoàng tại TP.HCM là bất hợp pháp thì bao giờ Việt Nam sẽ trục xuất ông Hoàng?”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đáp:
“Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam,”
‘Không có thẩm quyền’
Đưa ra phản ứng hôm 16/6, ông Phạm Minh Hoàng, người từng có nhiều năm giảng dạy môn toán ở đại học tại Việt Nam, cho rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền để ‘kết tội ông’, ông nói với BBC:
“Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi rất ngạc nhiên bởi vì bà ta nói là tôi đã vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm an ninh quốc gia, thì theo tôi được biết, bà Hằng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, nghĩa là một cơ quan hành pháp.
Ông Phạm Minh Hoàng nói Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền nói ông có tội.
“Bà ta không có thẩm quyền để kết tội tôi, kết tội tôi chỉ có tòa án và chỉ có tòa án có thể nói tôi có tội, hay không có tội mà thôi.
“Thứ hai nữa mà bảo là các trình tự tước quốc tịch của tôi là đúng pháp luật, tôi không hiểu bà căn cứ vào cái gì để nói đúng pháp luật.”
Theo ông Hoàng, một văn bản tước quốc tịch được Chủ tịch nước của Việt Nam, ông Trần Đại Quang ký, đã không nêu rõ ông vi phạm vào điều khoản nào trong luật Quốc tịch và đây cũng là lý do ông đã gửi khiếu nại cách đây năm hôm tới lãnh đạo nhà nước với sự trợ giúp của các luật sư.
Bộ Ngoại giao, nghĩa là một cơ quan hành pháp…, không có thẩm quyền để kết tội tôi, kết tội tôi chỉ có tòa án và chỉ có tòa án có thể nói tôi có tội, hay không có tội mà thôiÔng Phạm Minh Hoàng
Trả lời câu hỏi của BBC về phản ứng của nhà nước Pháp cho tới nay, nhất là sau khi ông tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp, ông Phạm Minh Hoàng nói:
“Cho đến ngày hôm nay, phản ứng của Pháp, tôi chưa thấy gì cả, tôi đã tiếp xúc với Tổng lãnh sự Pháp nhiều lần, kể từ khi họ thông báo cho tôi là nhà nước Việt Nam đã tước quốc tịch của tôi.
“Tôi đã tiếp xúc với họ, tôi chỉ trình bày những suy nghĩ và nguyện vọng của tôi muốn sống, phục vụ, làm việc và có thể, được chết trên đất nước của tôi và tôi hy vọng họ sẽ hành xử theo nguyện vọng của tôi…
“Tôi đã lập lại điều đó cho ông Tổng lãnh sự Pháp và tôi mong là nguyện vọng của tôi được đề cập lên cao hơn, cấp cao hơn, còn về phía Chính phủ Pháp ở Paris, thì đến ngày hôm nay, tôi vẫn chưa nghe thấy tin tức gì cả.”
Ông Hoàng cũng cho BBC biết ông đang chuẩn bị nộp đơn ra Tòa án của Việt Nam trong trường hợp đơn khiếu nại về việc bị tước quốc tịch của ông không được chính quyền Việt Nam xem xét, giải quyết.
Hôm 16/6, trên trang Facebook cá nhân, ông Hoàng cho hay ông đã từ chối lời mời của Cục xuất nhập cảnh Việt Nam mời ông tới cơ quan này làm việc vào sáng ngày 17/6 vì nhiều lý do, như ông viết:
“Tôi sẽ không đi vì những lý do sau: Thời gian mời quá gấp. Đưa chiều nay, hẹn sáng mai; Không nêu lý do rõ ràng; Đối với tôi Thư mời này vô giá trị vì trong thư có ghi tôi chỉ có quốc tịch Pháp, trong khi tôi đã nộp đơn khiếu nại về việc tước quốc tịch VN từ ngày 13/6 mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời” và “sau cùng, với những gì họ đã hành xử, gia đình chúng tôi có quyền nghi ngờ họ có thể sẽ dùng vũ lực trục xuất tôi một cách phi pháp.”
Năm 2010, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh và bị đưa ra xử tháng 8/2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Ông bị tuyên án 3 năm tù giam, sau đó được giảm còn 17 tháng tù. Ông ra tù ngày 13/1/2012.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40303667
Formosa ‘được’ chất vấn trong giới hạn
Cát Linh, phóng viên RFA
Những vấn đề tồn đọng của Formosa cũng như những trăn trở của người dân về vấn nạn ô nhiễm biển có được trình bày một cách thoả đáng trong phiên chất vấn kéo dài ba ngày của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14 hay không?
Không phải là một chủ đề
Trước khi bắt đầu đi vào ba ngày của phiên chất vấn, từ ngày 13 đến 15 tháng 6, báo chí trong nước loan tin cho biết Formosa và môi trường biển là những nội dung sẽ được các đại biểu chú trọng quan tâm.
Đặc biệt, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP HCM trả lời phóng viên trong nước cho biết ông sẽ tập trung vào việc công ty này đã sửa chữa, khắc phục các lỗi vi phạm xong chưa. Bên cạnh đó, vấn đề căn bản nhất và quan trọng hơn, theo ông là môi trường biển đã khôi phục được chưa hay khôi phục được bao nhiêu, sau đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, qua những bài tường thuật khá chi tiết của báo chí trong nước về các câu hỏi của đại biểu quốc hội và phần trả lời của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng ba ngày qua, có thể thấy rằng vấn đề Formosa và ô nhiễm biển miền Trung chưa được quan tâm đến như dự báo của các đại biểu quốc hội.
Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông đồng tình với sự việc rất ít đại biểu quốc hội đề cập một cách trực tiếp vấn nạn Formosa. Và theo ông, nguyên nhân là do Formosa không phải là một chủ đề chính và duy nhất trong rất nhiều vấn đề đã được đặt ra.
“Nhưng vấn đề Formosa cũng có một số đại biểu quốc hội được đưa ra, đặt vấn đề. Trong đó có một câu hỏi chất vấn đơn giản thôi, đó là sự an toàn đối với các loài sinh vật biển ở đáy biển chưa được an toàn. Sau đó câu trả lời cũng không có vấn đề gì.
Còn chuyện bồi thường cũng đang được tiến hành. Người ta có qui định là đến ngày 30 tháng 6 là kết thúc bồi thường của đợt này.”
Và nếu như biển miền Trung đã sạch thì tại sao chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá tầng đáy?
– Ông Đào Thanh Hải, đại biểu Tp Hà Nội
Trong suốt ba ngày làm việc của phiên chất vấn, theo quan sát từ những chương trình trực tuyến của Quốc hội, chúng tôi ghi nhận chỉ có một đại biểu là ông Đào Thanh Hải, đại biểu Tp Hà Nội đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, vào chiều ngày 15 tháng 6.
“Vụ việc công ty Formosa gây ô nhiễm cho biển khu vực miền Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và gây bất ổng trong khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua. Hiện nay nhiều cử tri vẫn đang rất băn khoăn về mức độ ô nhiễm của môi trường biển miền Trung. Xin đồng chí Phó thủ tướng thường trực cho biết môi trường biển các tỉnh miền Trung đã được phục hồi hoàn toàn chưa?
Và nếu như biển miền Trung đã sạch thì tại sao chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá tầng đáy?
Và hiện nay cử tri đang rất lo ngại nhà máy Formosa sắp tới sẽ đưa vào vận hành, liệu khi đó có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường biển miền Trung hay không?
Đề nghị đồng chí cho biết chính phủ sẽ có giải pháp biện pháp gì trong việc kiểm soát không để tái diễn.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liên quan đến Formosa. Do đó, một lần nữa, ông khẳng định Formosa không phải là một “chủ đề’.
“Họ được xem như vấn đề đó được tạm gác sang một bên, giờ đã chuyển sang vận hành của nhà máy và người ta đang tiến hành bồi thường.”
Lý do cụ thể
Luật sư Trần Quốc Thuận có chia sẻ thêm một ý kiến mà ông cho rằng là lý do Formosa đã không được đưa ra giải trình một cách thẳng thắn trong kỳ họp quốc hội kỳ này.
“Một cách khách quan để nói thì Formosa trong các kỳ họp trước đã được đặt ra. Sau này, sau khi kiểm tra thì thấy các chất độc đó cơ bản đã giảm hẳn đi, cá biển, sinh hoạt tắm biển vẫn bình thường. Vấn đề còn lại chỉ là hai vấn đề lớn, theo dõi coi Formosa có tái gây ô nhiễm hay không? Nếu như tái gây ô nhiễm thì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, là sẽ đóng cửa.
Rồi vừa qua thì có vụ nổ thì do kỹ thuật, không ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề đang diễn ra là bồi thường. Họ cũng đã bồi thường một số tiền tương đối kha khá.”
Ngày 14 tháng 6, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 tới đây. Cũng theo chính phủ, 7000 tỷ đồng là số tiền đã tạm cấp để bồi thường cho nạn nhân Formosa ở 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, bao gồm Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tuy vậy, Giáo sư Tương Lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam không đồng ý và cho rằng tiến trình đền bù, bồi thường thiệt hại cho người dân vẫn còn nhiều đều bất cập, không minh bạch và không đúng qui trình.
“Cái việc nhận số tiền 500 triệu USD bồi thường trong khi chưa thống kê đầy đủ các thiệt hại của người dân về vật chất, tinh thần, về sức khoẻ cũng như chưa điều tra thống kê các tổn thất về du lịch biển cũng như các chi phí cho việc tẩy dịch môi trường, khôi phục sinh thái vùng đáy biển…Thì phải nói đây là một việc làm tuỳ tiện và bây giờ báo chí vẫn ra rả nói về phân phối số tiền này.”
Lẽ ra các ông phải bàn về biển, phải yêu cầu Formosa làm sạch môi trường biển trước, sau đó yêu cầu đền bù cho các hộ dân…
– Một cán bộ thương nghiệp
Thời gian vừa qua, những ghi nhận từ người dân mà đài chúng tôi thu thập được cho thấy sự bồi thường thiệt hại cho người dân chưa thoả đáng. Một phụ nữ tên Hiếu, sống ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ với phóng viên đài chúng tôi cho biết từ khi xảy ra thảm hoạ ô nhiễm từ tháng 4 năm 2016 đến nay, gia đình của bà thua lỗ vì nuôi cá không được, bán không ai dám mua.
“Còn đền bù thì có đền bù gì đâu ngoài chuyện hỗ trợ sáu tháng ăn. Biển chết mấy chục năm mà đền bù cho ngư dân, người nuôi cá sáu tháng ăn thì sống như thế nào đây?”
Một cán bộ thương nghiệp không muốn nêu tên bày tỏ sự bất bình:
“Cuối cùng mấy chục năm sau họ sống bằng gì? Làm gì để sống thì các ông không nói đến. Lẽ ra các ông phải bàn về biển, phải yêu cầu Formosa làm sạch môi trường biển trước, sau đó yêu cầu đền bù cho các hộ dân…”.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang từng khẳng định việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý cũng không thể hoàn trả lại biển sạch cho môi trường.
“Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Ông khẳng định để ngư dân trở lại ngư trường như trước đây là không thể, phải có thời gian
Giáo sư Tương Lai đồng ý với điều này khi cho rằng sư nguy hại đó không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
“Cái hậu quả và cái di chứng kéo dài ít nhất là hàng chục năm cho đến nửa thế kỷ nữa sẽ rất khó hồi phục.”
Chính vì thế, vài ngày trước khi diễn ra phiên chất vấn, Giáo sư Tương Lai có đặt ra câu hỏi rằng liệu có dám chất vấn điều này không? Vì theo ông, chất vấn điều này chính là “tử huyệt của Nguyễn Phú Trọng và Đảng cầm quyền.”
Sau ba ngày diễn ra phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14, câu hỏi của Giáo sư Tương Lai đã có câu trả lời.
Trưng thu tài nguyên
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Tại Việt Nam, một đề tài đang làm cả nước tranh luận, từ các cơ quan của Chính phủ qua Quốc hội và Quân đội. Đó là yêu cầu nâng cấp phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất có thể đòi hỏi việc lấy lại sân golf 36 lỗ nằm trong sân bay. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này từ giác độ kinh tế chính trị học…
Sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong nước đang tranh luận về việc có nên thu hồi sân golf hay sân cù Tân Sơn Nhất để nâng cấp phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất hay không? Diễn đàn Kinh tế xin hỏi ông về chuyện đó, nhìn từ giác độ kinh tế chính trị học. Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dù tránh nói về mình, bản thân tôi đã gắn bó với Tân Sơn Nhất từ thời niên thiếu vì sống tại đó khi thân phụ là kỹ sư công chánh thuộc Nha Căn Cứ Hàng Không đã góp phần xây dựng các phi đạo của phi trường từ năm 1960 trở về sau, khiến Tân Sơn Nhất là phi trường hạng A là loại tân tiến của Đông Nam Á từ 1963 có thể nhận các máy bay dân sự lớn nhất thời đó. Rồi tôi cũng thấy sự xuống cấp của Tân Sơn Nhất, từ phi đạo đến phi cảng, sau 1975… Nhìn ra ngoài, ta không quên, nưóc Pháp tân tiến hơn đã có hai phi trường phục vụ thủ đô là Paris-Orly và Paris-Bourget, cho tới khi mất 10 năm xây dựng phi trường hiện đại là Roissy-Charles de Gaulle tại ngoại ô Đông-Bắc. Khi phi trường có kiến trúc hoa mỹ đó vừa hoạt động năm 1974 thì người ta thấy là nó không đạt yêu cầu nên phải mở rộng và nâng cấp. Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi cần nâng cấp Tân Sơn Nhất hoặc mở ra phi cảng Long Thành cho sau này. Tuy nhiên, từ giác độ kinh tế, mà kinh tế cũng là chính trị, có lẽ ta nên nhìn vào một khía cạnh khác, đó là việc sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích.
Là chuyên gia kinh tế, tôi có cái nhìn bi quan về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung và chế độ dân chủ hay độc tài đều có cách tính toán như nhau, mà giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta cũng đã quen với cách đặt vấn đề khá bất ngờ của ông, nhưng Nguyên Lam vẫn xin ông giải thích cho vì sao vấn đề lại là “việc sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi giới hữu trách Hà Nội đang tìm hiểu, thảo luận và quyết định về nhu cầu giải phóng mặt bằng hay giãn dân để lấy đất phát triển các cơ sở có tiếng là phục vụ yêu cầu công ích như trong dự án Tân Sơn Nhất tại miền Nam thì tôi lại nghĩ đến Mỹ Đức hay Đồng Tâm tại Hà Nội và biết bao tranh chấp, khiếu kiện và oán than về đất đai trên cả nước.
Việc ước tính nhu cầu tiếp đón hành khách tại một sân bay trong một thế giới đổi thay quá mau có thể khiến giới chuyên gia kỹ thuật phải duyệt xét lại, là điều xảy ra cho nhiều xứ khác, như Roissy-Charles de Gaulle của Pháp hay Big-D là phi trường Dallas-Forworth của Mỹ tại tiểu bang Texas, vốn hình thành cùng lúc. Nhu cầu mở mang và nâng cấp nhanh hơn dự tính là điều khá bình thường. Tuy nhiên, là chuyên gia kinh tế, tôi có cái nhìn bi quan về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung và chế độ dân chủ hay độc tài đều có cách tính toán như nhau, mà giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, có lẽ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đang đi vào chủ đề của tiết mục kinh tế kỳ này. Thưa ông, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho nhận định vừa rồi, rằng trong việc phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung của xã hội, cả hai chế độ dân chủ và độc tài đều tính toán như nhau, nhưng giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong một chế độ dân chủ, người dân có quyền tự do bầu lên đại biểu thay họ giải quyết việc nước nhưng trên cơ sở của hệ thống luật lệ cũng do giới dân cử hay các đại biểu của dân đề ra. Tiến trình chọn người, soạn luật và áp dụng được công khai hóa. Dù vậy, giới dân cử trong chính quyền vẫn phải nghĩ đến việc duy trì quyền lực, nôm na là tái đắc cử, nên vì thế, quyết định sung dụng tài nguyên quốc gia có thể nhắm vào việc ban phát lợi ích cho thành phần cử tri của họ. Chẳng hạn, cuộc tranh luận về chính sách thuế vụ có thể là biểu hiện của lối tính toán đó, như lấy của thiểu số giàu có ban phát cho đa số dân nghèo, miễn sao thuế suất quá cao không giết luôn con gà đẻ trứng vàng là làm giới có tiền hết muốn đầu tư khiến kinh tế sa sút và số thu về thuế khóa bị giảm. Tuy nhiên, lối tính toán xin tạm gọi là “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” vẫn bị sự phán đoán của thị trường và công chúng, cho nên việc công khai hóa hệ thống công chi thu quốc gia, nôm na là ngân sách, có thể hạn chế cái nạn này.
Ngược lại, chế độ độc tài không bị quần chúng phán xét nên lãnh đạo có ý trưng thu tối đa, cũng để ban phát quyền lợi cho phe đảng của mình ở bên trong và thường gây khủng hoảng vì nạn bội chi ngân sách, là chi nhiều hơn thu. Xưa nay, sưu cao thuế nặng vẫn làm giảm nỗ lực sản xuất với hậu quả chung là mọi người đều nghèo đi. Đây là chưa nói đến khả năng chuyên môn của bộ máy thuế vụ, khi chế độ độc tài có quyền hạn rất rộng trên mọi lĩnh vực mà rất nông vì không thấm nhập vào sinh hoạt kinh tế của người dân. Người bất đồng về chính trị thì bị cầm tù chứ trốn thuế là hiện tượng phổ biến khiến ai cũng thấy là mình bị bóc lột và tìm cách lách thuế với sự tham dự của công nhân viên nhà nước. Đấy là lúc ta nên nhìn qua lĩnh vực kia của việc sung dụng tài nguyên quốc gia với nguồn tài nguyên tiêu biểu là đất đai.
Lấy công sản phục vụ tư lợi
Nguyên Lam: Ông đang đi vào chuyện sân golf Tân Sơn Nhất và các vụ cướp đất đang gây phẫn nộ tại Việt Nam, và có lẽ tại Trung Quốc nữa. Xin ông giải thích thêm ý kiến đó….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không chỉ có Trung Quốc hay Việt Nam mà mọi chế độ độc tài đều thấy lãnh đạo lấy công sản phục vụ tư lợi nên họ có dinh cơ nguy nga trên đất đai vốn là tài sản của toàn dân. Việt Nam định chế hóa việc trưng thu đó ngay từ Hiến pháp khi quy định rằng “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân”, nhưng lại “do nhà nước thống nhất quản lý”. Việc quản lý ấy quả là thống nhất từ đảng lãnh đạo tới nhà nước cầm quyền và tay chân chia chác trước sự nín lặng của người dân nhân danh nào hiện đại hóa, đô thị hóa hay phát triển hạ tầng cơ sở. Khi cán bộ nhà nước cướp đất của dân hoặc mua quyền sử dụng đất của nông dân với giá bèo rồi nâng cấp thành đất công nghiệp, hoặc chia cho dự án làm sân cù thì chúng ta có hiện tượng trái ngược với chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa của Hà Nội, vì là “lấy của người nghèo trao cho nhà giàu”. Hiện tượng ấy có xảy ra trong chế độ dân chủ nhưng khó hơn vì mọi việc đều được công khai hóa và giới dân cử có tà ý “dĩ công vi tư” thì sẽ thất cử nhờ báo chí. Trong chế độ độc tài, việc lấy của người nghèo trao cho nhà giàu là quy luật phổ biến, cho tới khi có thanh trừng nội bộ vì chia chác quyền lợi không đều thì dân mới biết.
Nguyên Lam: Theo như Nguyên Lam hiểu ý bi quan của ông thì trong mọi chế độ chính trị, dù dân chủ hay độc tài, nhà cầm quyền đều có hướng trưng thu tài nguyên công cộng cho nhu cầu tư lợi. Trong chế độ dân chủ, việc trưng thu đó nhắm vào mục tiêu phân phối quyền lợi cho thành phần cử tri của mình, nhưng bị hạn chế vì luật pháp công minh và quyền phán xét của người dân, của đảng đối lập và của báo chí độc lập. Trong một chế độ độc tài thì báo chí là công cụ của lãnh đạo nên chỉ có thể phản ảnh theo lối gián tiếp mà người viết không bị kỷ luật, đối lập thì không có quyền hiện hữu, Quốc hội cũng chẳng thể phê phán và dân chúng có bị trưng thu oan ức thì dù khiếu kiện cả chục năm vẫn chưa thấy ở trên cứu xét, trong khi đất đai chung bị đưa vào các dự án sau này người ta mới thấy ra bất lợi về kinh tế và xã hội. Nếu vậy thưa ông, làm sao người ta có thể giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi đan kết đó?
Không chỉ có Trung Quốc hay Việt Nam mà mọi chế độ độc tài đều thấy lãnh đạo lấy công sản phục vụ tư lợi nên họ có dinh cơ nguy nga trên đất đai vốn là tài sản của toàn dân.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhớ là từ Tháng 10 năm ngoái, tiết mục chuyên đề của chúng ta đã nói đến một sự thật bẽ bàng rằng “Chính Trị cũng chỉ là Kinh Tế”. Thực tế của kinh tế và chính trị nó khác cái nhìn lý tưởng của chúng ta và nếu hiểu được thực tế đó thì mới tránh được nạn lạm quyền, tham nhũng hay độc tài. Lãnh đạo một phong trào lý tưởng mà không có tiền gây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ và quảng bá chủ trương thì chẳng thể có quần chúng. Có quần chúng rồi, khi đấu tranh hay tranh cử, lãnh tụ cần một bộ phận cốt lõi giúp mình thành công và sau khi thành công và nắm quyền thì làm sao để không ai trong bộ phận cốt lõi ấy bước qua bên kia, bên phía đối lập. Do đó, hệ thống chính trị nào cũng cố tìm ra sự ràng buộc mà ràng buộc chặt nhất vẫn là kinh tế. Khả năng diễn giải thực tế phũ phàng thành chủ trương thánh thiện là trách nhiệm của bộ phận cốt lõi đó mà dân trí càng cao thì sự diễn giải nhập nhằng càng khó. Vì vậy, và đây mới là chuyện ta cần chú ý: các lãnh tụ chuyên quyền có thể tồn tại lâu hơn giới lãnh đạo dân chủ vì xứ dân chủ vẫn thường xuyên có bầu cử. Việc bầu cử không có nghĩa là dân chủ, nhưng cho người chủ là dân chúng được phán xét bằng lá phiếu khiến giới dân cử khó lộng quyền mãi mãi.
Thật ra, không cá nhân nào có thể lãnh đạo một mình. Lãnh tụ đầy quyền lực như Chủ tịch Tập Cận Bình của Tầu hay Tổng thống Vladimir Putin của Nga cũng đều cần quần chúng. Quần chúng ấy có thể là người bỏ phiếu, là cử tri đông đảo của một xứ dân chủ, hay đảng viên của chế độ độc tài đảng trị. Nhưng đấy là quần chúng biểu hiện mà chưa hẳn là có thực quyền. Bên trong khối quần chúng đó của chế độ độc tài, một thành phần mới có ảnh hưởng hơn cả, là các Trung ương Ủy viên hay thành phần nòng cốt có quyền lợi gắn bó với lãnh tụ. Lãnh tụ cần họ và họ cần lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi riêng. Ở trên, chỉ có vài phần trăm gọi là nòng cốt mới có thực quyền. Trên cùng là Thường vụ Bộ Chính trị hay đại gia của doanh trường, là những kẻ có toàn quyền trưng thu tài nguyên quốc gia, đầu tiên là đất đai hay dầu mỏ ở dưới, để ban phát quyền lợi và củng cố thế lãnh đạo của mình. Vì vậy, chớ ngạc nhiên vì sao mà Việt Nam có nhiều sân golf hay sòng bạc thuộc hạng quốc tế cho nhà báo ngây ngô khâm phục trong khi dân nghèo mất đất và cả nước tranh luận về một sân golf cho phi trường! Nếu muốn giải quyết thật thì nên tách đảng ra khỏi nhà nước và công khai hóa việc nhà nước trưng thu và phân phối tài sản quốc dân cho Quốc hội và báo chí có thực quyền phán xét. Chuyện này thật ra đã thành cấp bách rồi vì người dân Việt Nam ngày nay có nhiều thông tin hơn trước và không cúi đầu nữa.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/resource-confiscations-nxn-06162017071011.html
Chung quanh đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nước mỗi khi Sài Gòn mưa lớn và các chuyến bay đi và đến ở Tân Sơn Nhất luôn nhiều quá tải so với sức tải của càng hàng không này có vẻ như chẳng còn là chuyện lạ. Thời gian gần đây, vấn đề quĩ đất của sân bay bị quân đội dùng để xây sân golf và nhà nước dự tính sẽ di dời Tân Sơn Nhất về Long Thành trở nên nổi cộm. Trước các luồng dư luận trong và ngoài nước, ngày 13 tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo “sẽ có đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất và đình chỉ thi công mọi công trình trong sân golf Tân Sơn Nhất.” Dư luận lại một lần nữa bán tín bán nghi.
Sân golf ráo, sân bay ngập
Một cư dân thành phố Sài Gòn, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Ngập là do các ông đang chiếm để làm sân golf. Giờ lòi chành ra là đang đấu trên trung ương, các ông chiếm sân bay đều là ông lớn không à. Ông thiếu tướng bên quân đội ổng chiếm để kinh doanh sân golf đó, chia phần ra đó, giờ đang lở dở họp Quốc hội để quyết định việc này thế nào. Giờ nó thâu lại còn một chút trên này à, còn hồi đó sân bay rộng lắm, xuống dưới Bà Điểm, không được ai làm nhà, nó bao hết đường Quang Trung lên Gò Vấp xuống Nguyễn Kiệm, sân bay rộng lắm, không được làm nhà, làm gì hết để cất cánh, hạ cánh… nhưng sau này mấy ông chiếm đường Bạch Đằng rồi không cho làm nhà cao. Sau nữa mấy ông chiếm lên đến trên này, thu hẹp sân bay, rồi định dời xuống dưới Long Thành để lấy mảnh đất màu mỡ này để làm khách sạn, sân golf…
Theo vị này, là một cư dân sống ở quận Gò Vấp, đoạn cuối đường Quang Trung, nơi tiếp giáp với phía sau sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của khu vực đất thuộc sân bay kể từ khi người ta xây dựng sân golf.
Trước đây chừng 15 năm, khi sân golf chưa được xây dựng, khu vực phía sau sân bay Tân Sơn Nhất được bố trí các trạm gác của bộ đội phòng không – không quân, và điều quan trọng nhất là có một con kênh rộng chừng 10 mét, sâu 5 mét bao quanh khu vực sân bay và thông ra sông. Mỗi khi có mưa lớn, nước từ sân bay sẽ thoát ra phía sau có độ cao thấp hơn, sau đó chảy vào kênh thoát nước và đi ra sông.
Kể từ ngày sân golf được xây dựng và ngăn cách với sân bay bằng một bức tường cao thì con kênh thoát nước thuộc về sân golf, nó dành để thoát nước sân golf. Mội khi mưa lớn, chính bức tường ngăn cách giữa sân golf và sân bay đã giữ nước lại ở sân bay, khiến cho các phi đạo bị ngập. Và hiện tại, muốn sân bay hết bị ngập, chỉ có một cách duy nhất là đập bỏ bức tường ngăn giữa sân bay và sân golf, khỏa mặt bằng của sân golf trở về nguyên trạng trước khi xây để nước có đường thoát. Bởi vị trí sân bay Tân Sơn Nhất tọa lạc là vị trí cao trong thành phố Sài Gòn, bằng chứng là hầu hết các trận mưa đều không làm sân golf ngập mà chỉ ngập bên phía sân bay.
Vị này khẳng định quan sát của ông không hề sai, bởi mọi trận mưa, khu vực ông sinh sống không hề bị ngập lụt và sân golf vẫn khô ráo, khách vẫn vào ra chơi golf. Bởi sân golf đã thừa hưởng được một con kênh thoát nước quá tốt với vị trí quá lý tưởng mà trước đây người Mỹ đã qui hoạch để xây dựng và mở rộng sân bay. Ông nói rằng chính sân golf đã bức tử sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đắp các đồi núi, cắt mất đường thoát nước, thậm chí xây bức tường đóng vai trò như đập chắn nước từ Tân Sơn Nhất mỗi khi có mưa.
Và nói cho cùng thì hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đã thành một cái ao bởi so với sân golf thì sân bay thấp hơn nhiều, lại không có đường thoát nước. Trong lúc khách trong sân golf ung dung đánh golf, trò chuyện, nhâm nhi nước trái cây thì khách trong sân bay loay hoay hớt hải vì đường băng ngập nước, chuyến bay bị hoãn.
Bán tín bán nghi?
Một cư dân khác sống tại thành phố Sài Gòn, cũng yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Vấn đề là họ nói sẽ mở đường băng thứ 3 nhưng đó chỉ là một nước cờ thôi chứ chưa thể nói là ổn được. Vì nó có mở vào sân gofl không hay là mở chỗ khác. Họ sẽ thuê tư vấn nước ngoài nhưng nguy cơ là tư vấn nói rằng không cần giải tỏa sân golf. Cũng chưa phải là cái gì vì trước dư luận thì ông ấy dừng lại thôi, đây là nước cờ hoãn binh theo hướng nâng bóng ông Phúc thôi.”
Theo vị này, chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ xây thêm đường băng thứ ba trong sân bay Tân Sơn Nhất là một tin mừng. Nhưng cũng là một điều đáng xem lại. Bởi từ lâu, những thông báo của các lãnh đạo nhà nước luôn có tính nước đôi, nói cho có, nói như là giải pháp tình thế hơn là quyết định hay quyết sách. Gần đây nhất là vụ ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải tuyên bố sẽ lấy lại lề đường cho người đi bộ và làm khá căng thẳng, gay gắt, thậm chí hằn học với dân. Nhưng lấy xong lề đường thì lại tính chuyện cho thuê, đâu lại vào đó, dân chỉ thêm tốn tiền nhiều thứ chứ chẳng được gì.
Vị này cũng tỏ ra quan ngại về vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dường như chính quyền Hà Nội chỉ đưa ra lời hứa để đối phó với dân khi dân nổi giận nhưng sau đó lại nuốt lời, truy tố hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm. Và hiện tại, vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang gây bức xúc trong nhân dân, các mũi dư luận đang nhắm tới. Liệu quyết định xây thêm đường băng thứ ba trong khi không có lời hứa nào về việc giải tỏa khu sân golf và đất xây sân bay ở Long Thành cũng đang tiến hành giải tỏa, đền bù có gì để đáng tin cậy hay cũng chỉ là giải pháp tình thế?
Vị này chia sẻ thêm là theo ông, rất có thể đường băng thứ ba được xây dựng, nhưng chưa chắc khu đất sân golf được trả lại cho sân bay toàn bộ bởi lý do nó là đất quốc phòng. Trong khi đó, có một vấn đề vô lý là quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội trực thuộc đảng Cộng sản, quân đội của đảng Cộng sản, vậy thì đất của quân đội cũng chỉ là đất do đảng cấp và nói sâu xa hơn là tài sản của toàn dân do nhà nước quản lý, quân đội quản lý. Và ở đây, quân đội không thể viện lý do đất quốc phòng để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân được. Nhưng câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất và sân golf thì lại khác, nó cho thấy quân đội đã đạp qua quyền lợi của nhân dân để kinh doanh và hưởng thụ.
Vị này tỏ ra bức xúc vì tình trạng cát cứ quyền lực lan tràn khắp mọi nơi, ngay cả khu vực nhạy cảm nhất, nhiều tai mắt dòm ngó nhất như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mà người ta cũng không chừa, từ nạn trộm cắp hành lý trong sân bay, rồi nạn ngập nước, bên kia bức tường là chỗ kinh doanh của quân đội lấn chiếm diện tích sân bay. Mọi sự có vẻ rối như canh hẹ, liệu ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đủ bản lĩnh và can trường để giải quyết mọi việc êm xuôi?
Câu hỏi của vị này cũng là câu hỏi chung của người dân trong lúc mọi chuyện đang ngày càng thêm nhiều rối rắm do nhà cầm quyền gây ra.