Tin Biển Đông – 16/06/2017
Mỹ kéo dài thời gian tuần tra Biển Đông
Năm nay, hải quân Mỹ sẽ kéo dài thời gian tuần tra Biển Đông hơn trước, theo tuyên bố của Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đưa ra hôm 14/6 tại Trung Quốc, nơi một chiến hạm Mỹ đang cập cảng viếng thăm.
Chuyến thăm của khu trục hạm USS Sterett có phi đạn điều khiển cập cảng Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông là chuyến viếng thăm đầu tiên của một chiến hạm Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Sự kiện diễn ra giữa lúc căng thẳng lên cao tại Biển Đông có nhiều tranh chấp, nơi Washington chỉ trích Bắc Kinh vì đã xây các đảo nhân tạo.
Dự kiến năm nay, các cuộc tuần tra của các chiến hạm Mỹ tổng cộng là 900 ngày, cao hơn mức trung bình 700 ngày hàng năm. Đô đốc Swift cho báo giới biết đó là nhờ vào số lượng gia tăng các nhóm tàu tấn công đang hoạt động hiện thời tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Đô đốc Swift hạ giảm tầm quan trọng của con số này, nói rằng số lượng này chỉ có tính cách tạm thời.
Đô đốc Swift và các giới chức khác của Mỹ khẳng định không có thay đổi trong những hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Vào tháng 5 vừa qua, một tàu sân bay Mỹ thực hiện một cuộc tuần tra khi đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Đá Vành Khăn do Trung Quốc xây dựng, để chứng tỏ Trung Quốc không có chủ quyền tại vùng biển quanh đó.
Đây là chuyến hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ kể từ tháng 10 năm ngoái. Ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay.
Hoa Kỳ lên án Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và củng cố các cơ sở quân sự tại đây vì quan ngại rằng những đảo này có thể được dùng để hạn chế tàu bè qua lại và mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.
Các đồng minh của Mỹ trong vùng lo ngại vì chính quyền ông Trump đã ngưng thực hiện các hoạt động tại Biển Đông trong vài tháng đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức.
Một số quốc gia trong vùng cho rằng Hoa Kỳ không muốn chọc giận Trung Quốc khi cần nỗ lực của Trung Quốc để kìm chế Bắc Triều Tiên.
Cuộc diễn tập của hải quân Mỹ trong tháng 5 vừa qua bao gồm những hoạt động của các thủy thủ trên tàu để chứng tỏ hành trình của tàu không phải là việc qua lại thông thường, theo các giới chức Hoa Kỳ.
Khu trục hạm Sterett tham gia các cuộc diễn tập tại Biển Đông trong tuần qua. Dù các hoạt động đó không được xem là hoạt động tự do hàng hải, nhưng chuyến đi đã khiến Trung Quốc lên tiếng rằng Bắc Kinh vẫn cảnh giác những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong vùng biển này.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền hầu hết Biển Đông với khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm. Lập trường này của Bắc Kinh bị các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam phản đối.
https://www.voatiengviet.com/a/my-keo-dai-thoi-gian-tuan-tra-bien-dong-/3902419.html
Trung Quốc khai thác băng cháy ở Biển Đông
Trung Quốc bắt đầu tiến hành khai thác băng cháy ở khu vực mới trên Biển Đông với sản lượng 6.800 m3/ngày kể từ hôm 10 tháng 6.
Tân Hoa Xã mới đây trích nguồn tin từ Sở Địa chất Quảng Châu cho biết việc khai thác được thực hiện tại khu vực biển Thần Hồ, cách Hong Kong khoảng 300 km về phía Đông Nam.
Trước đó vào tháng 5 năm 2017, Trung Quốc công bố nước này lần đầu tiên thành công trong việc khai thác khí đốt từ băng cháy. Theo Business Insider, tổng lượng khí methane mà Trung Quốc thu được từ khu vực Biển Đông tính đến nay là khoảng 210.000 m3.
Băng cháy là hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc. Đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới. Ước tính của một số nhà khoa học cho thấy một mét khối bang cháy chứa khoảng 160 m3 khí thiên nhiên.
Trước Trung Quốc, các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và khai thác băng cháy.
Việt Nam phản đối
Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Biển Đông
Tiếp theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang hoàn tất tiến trình quân sự hóa Biển Đông, chính quyền Việt Nam, lên án Bắc Kinh xây dựng trái phép trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo tin từ bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/06/2017, khi được hỏi về nội dung bản báo cáo của Lầu Năm Góc về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc là nước ngoài, xây dựng bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển chiến lược này.
Thông cáo báo chí của bộ ngoại giao Việt Nam ghi rõ :
« Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế ».
Vào ngày 06/06/2017, (xem bản tin RFI/Việt Nam 07/06/2017) trong bản báo cáo gửi Quốc Hội Mỹ, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đang tập trung xây dựng ba tiền đồn ở các đảo đá ngầm Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình tại bốn đảo nhỏ hơn.
Các cơ sở mới này, với phi trường quân sự có khả năng đồn trú cho ba trung đoàn không quân, làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông và cho phép Trung Quốc kiểm sóat khu vực.
Ngày 14/06, trong buổi điều trần tại Thượng Viện, đến lượt ngoại trưởng Rex Tillerson cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương vì những đảo nhân tạo và cơ sở quân sự của Bắc Kinh ở Hoàng sa và Trường Sa đang « gây mất ổn định » trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170616-viet-nam-phan-doi-trung-quoc-xay-dung-phi-phap-tai-bien-dong