Vì sao quân đội không chịu trả 157ha đất cho phi trường Tân Sơn Nhất?
08/06/2017
Vietnam – Cali Today news – Trong phi trường Tân Sơn Nhất không chỉ có phi cơ, các hạng mục phục vụ cho việc đi lại, mà còn có cả sân golf. Điều đáng nói, trong sân golf còn có cả những biệt thự, nhà hàng, nhà ở và khách sạn. Điều này vốn dĩ đã bất thường, nhưng nó còn bất thường hơn khi những công trình này mọc lên trong khi phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, chật chội. Mỗi trận mưa xuống nơi này lại “thất thủ” vì không có chỗ thoát nước khiến cho phi đạo ngập ngụa lênh láng, con đường đi vào phi trường liên tục bị bế tắt, kẹt xe. Vậy nhưng, Bộ Quốc phòng CSVN vẫn thách thức dư luận khi cưỡng chiếm 157ha đất của phi trường để xây dựng sân golf và những hạng mục nói trên.
Trong suốt nhiều tháng qua, vấn đề nói trên được lãnh đạo thành phố Sài Gòn quan tâm nhất là làm sao lấy lại được đất phi trường Tân Sơn Nhất từ tay Bộ Quốc phòng. Song, hầu như lãnh đạo nào lên hay xuống cũng đều tránh đụng đến ổ kiến lửa để khỏi bị ảnh hưởng đến chiếc ghế của mình.
Khi nền kinh tế đi xuống, phải đi vay mượn khắp nơi, bán tháo cổ phẩn ở những công ty quốc doanh hái ra tiền, dự án xây dựng phi trường Long Thành đành bỏ ngỏ. Tổng kinh phí bỏ ra để xây dựng phi trường Long Thành là 18 tỷ Mỹ kim, được đánh giá là “đắt kinh ngạc”. Trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ ra một đống tiền là điều không thể, trong khi phi trường Tân Sơn Nhất lại đáp ứng được tất cả những đòi hỏi trong việc chuyên chở khách, nâng cấp và mở rộng nếu Bộ Quốc phòng chịu trả lại 157ha đất để xây dựng.
Việc dùng báo chí, đánh động dư luận để gây áp lực lên Bộ Quốc phòng đã được những người chủ trương lấy lại đất phi trường áp dụng. Liên tiếp trong suốt thời gian qua, báo Tuổi Trẻ đi đầu trong việc cho đăng tải những bài báo kêu gọi Bộ Quốc phòng phải trả lại đất phi trường cho thành phố Sài Gòn để mở rộng, nâng cấp nhằm tránh tình trạng quá tải suốt trong thời gian qua.
Ngày 6/8, trên tờ báo Tuổi Trẻ đã cho đăng 3 bài về những công trình được xây dựng trong phi trường Tân Sơn Nhất. Theo những điều tra của báo Tuổi Trẻ, chỉ riêng sân golf cùng các công trình phụ trợ đã chiếm đến hết 132ha. Trong đó bao gồm 4 sân golf, mỗi sân 9 lỗ. Tổng cộng là 36 lỗ. Đây được coi là sân golf hiện đại bậc nhất với những cảnh cực kỳ đẹp.
Ảnh vệ tinh phi trường và sân golf Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bên trong sân golf là những tòa nhà được trang hoàng như cung điện được xây dựng theo phong cách cổ điển. Đại đa phần khách vào trong này là người ngoại quốc. Người Việt muốn vào phải đặt vé trước và phải qua vòng kiểm soát gắt gao.
Chủ sở hữu sân golf và các công trình hạng mục khác ở Tân Sơn Nhất là Công ty Cổ phần Long Biên. Công ty này còn sở hữu cả sân golf 27 lỗ ở phi trường Gia Lâm (Hà Nội). Ông Võ Văn Tuấn, Trung tướng quân đội CSVN, phó Tổng tham mưu trưởng, Bộ Tổng tham mưu hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Long Biên quản lý 2 sân golf này.
Việc kêu gọi Bộ Quốc phòng trả lại đất để phi trường Tân Sơn Nhất mở rộng; tăng công suất khai thác; tránh tình trạng ngập; không có chỗ cho phi cơ đậu qua đêm đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội nói trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, phía quân đội chưa một lần đáp ứng. Cùng với việc lãnh đạo thành phố Sài Gòn ngại đụng đến quyền lợi của quân đội nên trong suốt thời gian dài phi trường Tân Sơn Nhất luôn phải đối diện với cảnh kẹt xe, ngập úng và quá tải.
Từ việc quân đội kiên quyết giữ khư khư 157ha đất của phi trường Tân Sơn Nhất để làm sân golf cho thấy, chính quyền CSVN miệng hô hào “của dân, do dân, vì dân” chỉ là môi miệng. Phi trường bị quân đội chiếm đất, phi trường Tân Sơn Nhất không phải phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt, mà là nhằm cho một số tướng lãnh quân đội kiếm tiền từ việc phục vụ những vị khách nước ngoài đến đánh golf trong phi trường.
Đúng là chuyện nhân gian không thể hiểu…
Nguoi Quan Sat