Tin Việt Nam – 15/06/2017
“Ông Nguyễn Đức Chung là người bội ước”
Hòa Ái, phóng viên RFA
Dư luận phản ứng mạnh mẽ đối với quyết định vừa ban hành vào hôm 13/6 của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự “bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản” ở xã Đồng Tâm.
Ông Nguyễn Đức Chung: “Phản trắc và lật lọng”
Hình ảnh người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chọn giải pháp cuối cùng buộc phải bắt giữ 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động hồi trung tuần tháng 4 để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố Hà Nội về những khuất tất trong vụ tranh chấp đất đai giữa giữa họ với chính quyền địa phương còn chưa phai nhòa.
Bút tích cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, với người dân xã Đồng Tâm sẽ thanh tra khu đất tranh chấp trong vòng 45 ngày và sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân ở đây vẫn chưa ráo mực…Thế nhưng, ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là người bội ước.
Những lời lập luận và lý luận ông đưa ra để bào chữa cho việc ông tiếp tục khởi tố là chuyện rất vô lý, mình dùng từ ngữ nặng nề là ‘phản trắc và lật lọng với người dân’.
-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung
Đó là ý kiến của rất nhiều cư dân mạng chia sẻ khi Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng 6 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở xã Đồng Tâm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít cư dân mạng lên tiếng họ đã lường trước được viễn ảnh số phận của người dân Đồng Tâm sẽ bị truy tố trước pháp luật mặc cho ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hứa hẹn và ký vào giấy cam kết. Họ khẳng định lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ là lời hứa suông và theo kế hoạch được chuẩn bị của chính quyền.
Trong khi đó, số đông cư dân mạng là những người có thiện chí trông đợi vào lời hứa hẹn của ông Nguyễn Đức Chung trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm tỏ ra phẫn nộ và bất bình vì theo họ vụ việc này được giải quyết một cách công khai và minh bạch như cam kết của ông Chung thì chắc hẳn tình trạng xung đột đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương khắp các tỉnh, thành đất nước Việt Nam tồn tại hàng chục năm qua sẽ lần lượt được gỡ nút thắt. Tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng tờ giấy cam kết của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm chỉ là tờ giấy lộn. Luật sư Lê Công Định viết: “Thành tâm ký mà không thực hiện, là lật lọng. Không thành tâm muốn mà vẫn ký, là lừa đảo”.
Vào tối ngày 14 tháng 6, từ Sài Gòn, tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung cho biết quan điểm cá nhân về tư cách và trách nhiệm của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm:
“Tôi phải khẳng định là việc ông Chung ký kết với người dân không phải tư cách là một chủ tịch bên cơ quan hành pháp, mà với tư cách là ‘Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội’ và có cuộc họp của Thành ủy Hà Nội đã giao cho ông Chung nhiệm vụ giải quyết vụ Đồng Tâm với tư cách “Phó Bí thư Thành ủy”, nghĩa là ông đại diện cho Đảng. Và ai cũng biết ở Việt Nam thì Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện cả Hành pháp-Lập pháp-Tư pháp. Do đó, ông không thể nào nói là ông không có tư cách để ký hay không đại diện cho bên tư pháp để có thể cam kết không khởi tố. Vì rõ ràng cả hệ thống đều chấp hành chỉ đạo của Đảng Cộng sản hết. Cho nên, những lời lập luận và lý luận ông đưa ra để bào chữa cho việc ông tiếp tục khởi tố là chuyện rất vô lý, mình dùng từ ngữ nặng nề là ‘phản trắc và lật lọng với người dân’.”
Cũng trong tâm trạng thất vọng và bất mãn đối với ông Nguyễn Đức Chung, một số cư dân mạng tỏ ra xót xa cho người dân Đồng Tâm trong những ngày sắp tới. Nhưng vì lo lắng bao nhiêu thì họ lại trách cứ người dân Đồng Tâm bấy nhiêu, rằng sao lại ngây thơ mà tin cậy vào lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội bởi thực tiễn của thể chế qua các vụ tranh chấp đất đai như Văn Giang, Dương Nội…
Người dân Đồng Tâm được bênh vực
Tuy nhiên, Blogger Nguyen Anh Tuan, một người tuyên bố đứng cùng người dân Đồng Tâm với chia sẻ:
“Đừng trách dân làng Đồng Tâm, dù họ đã cười tươi như trẻ thơ khi được tin Chủ tịch Chung cam kết không khởi tố. Không ai đáng trách chỉ vì giữ lòng tin vào sự tử tế còn sót lại của người nắm quyền-trong tư cách đồng loại và đồng bào.”
Và Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng cho rằng người dân Đồng Tâm không có lỗi qua lập luận về mặt pháp lý rằng:
“Không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước. Kết quả của việc làm đó sẽ không có lợi cho nhà nước, không có lợi cho người dân, đó là hành vi xâm hại, đó không phải công vụ.”
Không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước.
-LS Ngô Ngọc Trai
Với những trưng dẫn về quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, Luật sư Ngô Ngọc Trai khẳng định người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành hợp tác với một việc làm sai và họ có quyền phòng vệ chính đáng.
Mặc dù cư dân mạng vài ngày qua bày tỏ chính kiến đa chiều trong vụ Đồng Tâm, thế nhưng nhiều người kêu gọi ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hãy thực hiện theo bản cam kết đã ký với người dân Đồng Tâm hôm 22 tháng 4, như ông Mạc Văn Trang soạn thư bằng văn bản, gửi đến ông Nguyễn Đức Chung đề nghị ông Chung đừng “phản bội’ bản cam kết mà phải biết đứng về phía nhân dân với tư cách của một người trọng danh dự và có trách nhiệm.
Chúng tôi xin kết thúc bài ghi nhận này với câu hỏi dành cho những dân oan ở Thủ Thiêm, Sài Gòn, có thể được xem là đồng cảnh ngộ với người dân Đồng Tâm, rằng nếu lời hứa hẹn của Trung ương sẽ giải quyết khiếu nại cho các dân oan Thủ Thiêm khi họ ra Hà Nội biểu tình hồi cuối tháng 10 năm ngoái không được thực hiện thì việc gì sẽ xảy ra?
“Nếu trường hợp đó xảy ra tại Thủ Thiêm thì tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn. Tại vì dân bây giờ bị dồn vào con đường cùng rồi, người ta không còn con đường nào để sống nữa. Thành ra vấn đề dồn người dân vào chân tường giống như một cái lò xo bị dồn vào thế cùng thì tự nhiên sức bật của nó bung ra rất mạnh và rất khốc liệt.”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-duc-chung-is-a-renegade-06142017214419.html
Truy tố vụ Đồng Tâm: Cứu cánh biện minh cho phương tiện
Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 13 tháng sáu năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố điều tra vụ Đồng Tâm xảy ra hồi giữa tháng tư năm 2017, dù trước đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký cam kết không truy tố với người dân Đồng Tâm.
Ngày 14 tháng sáu năm 2017, báo Tuổi Trẻ trong nước phỏng vấn một số đại biểu quốc hội về việc này. Đa số các đại biểu cho rằng hành động ký cam kết của ông Chung là một giải pháp tình huống, là phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Cứu cánh biện minh cho phương tiện
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự sống ở Hà Nội cho rằng cái cách nói rằng việc ký cam kết không truy tố người dân Đồng Tâm của ông Nguyễn Đức Chung là một giải pháp tình thế, chứng tỏ rằng trong não trạng của những người cầm quyền hiện nay, họ luôn cho rằng họ đúng với bất cứ vấn đề gì. Ông nói thêm:
Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ.
-TS Nguyễn Quang A
“Đấy là một lối nói mà nếu các đại biểu quốc hội nào, nói theo ý như vậy, hoặc là ông Chung ông ấy nói theo ý như vậy, thì đấy thực sự là một sự lật tẩy bộ mặt của họ. Tức là không thể tin được họ. Họ có thể dùng bất kể biện pháp gì, dẫu là biện pháp lừa dối bằng cách ký.
Những cái thủ đoạn, hay những mưu mô phục vụ cho những mục đích, cái cứu cánh mới là cái chính, thì như vậy tất cả mọi thứ nó lộn đầu đuôi hết.”
Ngay sau khi có tin cơ quan công an Hà Nội khởi tố vụ người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 nhân viên cảnh sát và cán bộ chính quyền, một người dân Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình nói với hãng tin BBC rằng ông đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, và được ông Chung trả lời rằng bảng cam kết ông Chung ký với dân Đồng Tâm hôm 22 tháng tư chỉ có chữ ký chứ không có con dấu, và việc điều tra là của cơ quan công an chứ không phải của ông.
Chúng tôi có gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đức Chung để hỏi về vụ việc nhưng không liên lạc được.
Giải thích hành động của chính quyền thành phố Hà Nội, đi từ việc ký cam kết không truy tố, cho đến phát lệnh truy tố, nhà văn Thùy Linh, hiện sống ở Hà Nội nói rằng:
“Chắc là họ muốn tháo cái ngòi nổ lúc đó, để làm sao nó không xảy ra những sự cố bạo lực, mà lại an toàn cho các phía. Họ chỉ cần cái trước mặt thế. Nhưng trong thâm tâm chắc họ đã dự tính dù có thế nào thì họ cũng vẫn sẽ khởi tố những người dân Đồng Tâm. Đấy là một sự lừa đảo, đấy là lừa dân. Nghe cái này nhiều người rất xúc động, xúc động một cách uât ức.”
Sự uất ức mà nhà văn Thùy Linh đề cập có thể cảm nhận trên không gian mạng xã hội. Một người hoạt động xã hội là anh Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang facebook của mình rằng:
“Chữ ký chưa ráo mực đã vội lật lọng.
Đừng nói người lãnh đạo cộng sản tráo trở, bởi không tráo trở, và không cực kỳ tráo trở thì làm sao trở thành lãnh đạo đảng cộng sản cho được?
Lịch sử đảng cộng sản cầm quyền khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, là một chuỗi những tráo trở liên tục của những người lãnh đạo đối với nhân dân lẫn đồng chí của họ. Chỉ khác một điều là trong quá khứ sự tráo trở có thể bị giấu nhẹm nhờ vào bưng bít thông tin, thì ngày nay, trong một bối cảnh truyền thông cởi mở hơn, nó công nhiên xuất hiện giữa bàn dân thiên hạ.
Một số người thì nói rằng chuyện hứa hẹn với dân làng Đồng Tâm làm họ nhớ tới những ngày tháng tư năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, nhà cầm quyền mới đã nói với các sĩ quan binh sĩ của chế độ cũ là họ chỉ phải đi học tập cải tạo trong vài ngày, nhưng cuối cùng rất nhiều người đã phải sống đằng đẳng hàng chục năm trong trại tù cải tạo khắc nghiệt.
Não trạng cầm quyền không thay đổi
Sau khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký được bản cam kết với dân làng Đồng Tâm, vào ngày 22 tháng Tư, vài ngày sau chúng tôi có đặt câu hỏi với một nhà quan sát chính trị Việt Nam là Tiến sĩ Vũ Tường, hiện dạy khoa chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, rằng phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam đã thay đổi cách hành xử cũng như quan niệm của họ về chính sách đất đai, Tiến sĩ Tường cho biết ông không nhận thấy điều đó:
“Tôi nghĩ là họ không có những thay đổi lớn. Vừa qua họ chỉ thay đổi cách xử lý một vụ việc cụ thể, còn họ có nhận thức được rằng vụ việc này phản ảnh một vấn đề lớn hơn thì tôi chưa thấy dấu hiệu họ nhận thức được ra điều đó, nhất là những người lãnh đạo tối cao.”
Tuy nhiên có nhiều người đã có hy vọng sau khi ông Nguyễn Đức Chung và người dân Đồng Tâm ký được bản cam kết, giải quyết được chuyện cầm giữ con tin. Một trong những người đó là nhà văn Thùy Linh. Bà nói với chúng tôi sau khi biết rằng nhà cầm quyền sẽ khởi tố điều tra vụ bắt con tin tại Đồng Tâm:
“Tôi không ngạc nhiên, nhưng người ta thì cũng cứ nuôi một hy vọng gì đấy, một đổi thay nào đấy. Bản thân mình cũng nuôi một chút hy vọng gì đấy. Cuối cùng hóa ra vẫn như cũ.”
Cách giải quyết những vấn đề xã hội
Nhận định bản chất của cuộc khủng hoảng Đồng Tâm từ góc độ một nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau.
-TS Nguyễn Quang A
“Trong một xã hội thì có nhiều lợi ích khác nhau, những chính kiến khác nhau, và cái cuộc ở Đồng Tâm thực sự là một cuộc đấu với các lợi ích khác nhau,: các lợi ích của quân đội, các lợi ích của chính quyền, các lợi ích của người dân, và trong cuộc đấu này, không có cách nào khác hơn là thỏa hiệp với nhau, nhìn thấy cái gì đúng, thỏa hiệp lựa theo cái đúng ấy, dựa theo dân mà làm. Đấy là con đường tự nhiên của một đời sống lành mạnh của một xã hội.”
Sau khi các thông tin về việc truy tố vụ Đồng Tâm được loan tải trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A so sánh vụ việc này với cái cách mà nhà cầm quyền tuyên truyền về những cộng đồng Công giáo tại Nghệ An, Hà Tĩnh biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. Ông cho rằng đó là cách tuyên truyền gây chia rẽ:
“Một cái cách như vậy nó chỉ dẫn đến sự đối đầu hơn, một sự chia rẽ hơn, và cái đó không tốt cho ai cả. Và tôi nghĩ là không tốt nhất là cho chính những người đương quyền này. Cho nên thực sự tôi khuyên họ nên tĩnh lại, họ phải tĩnh táo và suy nghĩ lại, để họ sống với dân, chứ còn cái cách này của họ là đẩy người dân sang phía phải chống lại họ. Xét về mặt chính trị, thì xử lý những vấn đề xã hội thì không có cái cách nào ngốc hơn cái cách họ đang làm.”
Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, nguyên trưởng Ban văn học của Viện nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội thì viết trên trang facebook của ông rằng không phải là chỉ Hà Nội, mà cả đảng và nhà nước trung ương đã bỏ lỡ cơ hội vàng để lấy điểm với dân.
Ông Lê Đình Kình thì nói với hãng tin BBC rằng cho đến giờ phút này, ông vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dong-tam-case-finality-justifies-means-06142017122606.html
Quốc hội VN ‘giám sát chưa thành công’
BBC ghi nhận ý kiến bình luận của giới quan sát về kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội trong lúc dự luật Biểu tình vốn được người dân trông chờ vẫn tiếp tục bị trì hoãn.
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, tại kỳ họp dự kiến kéo dài tới ngày 21/6, Quốc hội “tập trung xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết.”
Tuy vậy, trước đó, báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Dự luật Biểu tình vẫn tiếp tục bị trì hoãn do “chất lượng dự luật chưa đảm bảo”.
Đảng Cộng sản sẽ ‘thực lòng’ đối thoại?
Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại’
Báo Điện tử Chính Phủ dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.”
‘Tồn tại’
Hôm 22/5, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Đặng Tâm Chánh, nói: “Tôi chưa nắm được chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này nhưng tôi biết việc trì hoãn Luật Biểu tình thì ngay cả một số đại biểu cũng không đồng ý.”
“Và không chỉ Luật Biểu tình, ngay cả với các dự thảo luật về quyền con người khác thì cách chính quyền tiếp cận có thể nói là khá dè dặt.”
“Dường như như không có cơ chế đủ hiệu năng để gây áp lực với Quốc hội về việc trình các dự luật đó.”
Quốc hội có giám sát nhưng hiệu lực và công cụ để giám sát có thể nói là chưa thành công.nhà báo Tâm Chánh
“Họ nói có khó khăn thì mình nghe vậy và biết vậy thôi.”
Cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị nói thêm: “Trong một nhà nước đơn nhất, Quốc hội Việt Nam cố gắng trở thành cơ quan lập pháp.”
“Nỗ lực đó cũng thành công trong quá trình đổi mới nhưng bây giờ thì đang có những tồn tại.”
“Theo tôi, Quốc hội có giám sát nhưng hiệu lực và công cụ để giám sát có thể nói là chưa thành công.”
Từ góc độ một nhà báo, ông Chánh cũng cho hay là “không thấy có rào cản nào trong việc báo chí đưa tin về hoạt động Quốc hội.”
Cùng ngày, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật gia Nguyễn Đình Hà nói: “Tôi nghĩ rằng kỳ họp này sẽ không đáp ứng được những điều người dân mong đợi.”
Dường như mọi chuyện không được quyết định theo ý chí của toàn thể Quốc hội và người dân, mà tất cả lại đi theo đường lối, nghị quyết của Đảng. Nếu có sự tranh luận thì cũng giống như tranh luận trong nội bộ Đảng mà thôiNguyễn Đình Hà, Luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội khóa 14
“Thứ nhất, các luật liên quan đến quyền công dân như biểu tình, lập hội còn nợ người dân và luôn bị kiếm cớ để trì hoãn.”
“Thứ hai, tình trạng tham nhũng, thất thoát vẫn không thuyên giảm, trong khi vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội quá kém cỏi.”
“Thứ ba, các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chúng tôi đợi mãi mà vẫn chưa thấy một nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề này.”
“Thứ tư, hàng loạt ý kiến của người dân liên quan đến chế độ sở hữu đất đai, cải cách thể chế kinh tế… trong nhiều năm qua bị chính quyền bỏ ngoài tai.”
Cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội khóa 14 nói thêm: “Tôi đánh giá vai trò của Quốc hội Việt Nam không cao trong hệ thống chính trị độc đảng hiện tại.”
“Dường như mọi chuyện không được quyết định theo ý chí của toàn thể Quốc hội và người dân, mà tất cả lại đi theo đường lối, nghị quyết của Đảng. Nếu có sự tranh luận thì cũng giống như tranh luận trong nội bộ Đảng mà thôi.”
Trước kỳ họp, công luận xôn xao chuyện ông Đinh La Thăng thôi chức Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố này và chuyển sinh hoạt đến đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa.
Ngược lại, ông Nguyễn Thiện Nhân, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và “sẽ được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố”.
Ông Nhân, người hiện đang kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói trước kỳ họp Quốc hội, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi về.
Trong số những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, theo ông Nhân, là chuyện chậm trễ trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các vụ án lớn, và thái độ “rất bất bình về tình trạng tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và việc một số cá nhân lợi dụng kích động, gây rối, chống đối chính quyền tại một số địa phương”, báo Dân Trí viết.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39974085
Mẹ blogger Như Quỳnh
‘muốn con mình được xét xử công bằng’
Mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với BBC rằng bà “tám tháng chưa được gặp con” và “được thông báo Quỳnh vừa bị gia hạn tạm giam thêm hai tháng”.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), người hiện đang bị tạm giam mà chưa qua xét xử, vừa bị truy tố cả ba hành vi của Khoản 1 Điều 88: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; Tuyên truyền… phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu… có nội dung chống nhà nước.
Khung hình phạt cho các tội danh này là từ 3 đến 12 năm tù.
VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền
Blogger Mẹ Nấm ‘bị bắt giam, khởi tố’
Hiện Tòa án tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho hai luật sư đại diện cho Mẹ Nấm là các ông Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân.
Hai luật sư khác đang chờ nhận giấy chứng nhận bào chữa là Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành.
‘Bị canh giữ’
Hôm 15/6, trả lời BBC qua điện thoại từ Nha Trang, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, nói: “Tính đến hôm nay là 248 ngày, tức hơn tám tháng tôi chưa được gặp con gái mình, thậm chí muốn gửi một lá thư hỏi con có khỏe không cũng không được.”
“Và mới đây thì họ lại thông báo gia hạn tạm giam đối với Quỳnh thêm hai tháng, tức là đến ngày 18/8/2017.”
“Thật sự là tôi cũng không biết chắc có đúng là con gái mình đang bị giam ở trại của Công an tỉnh Khánh Hòa tại xã Phước Đồng như phía công an thông báo.”
“Vì mỗi lần tôi đến trại tạm giam gửi thực phẩm cho con thì cả nửa tháng sau mới nhận được giấy xác nhận đã gửi.”
“Tôi tha thiết mong được gặp con, hai cháu ngoại được gặp mẹ, nhưng từ trại giam đến viện kiểm sát, tòa án cứ chỉ lòng vòng, trong khi lẽ ra hết hạn điều tra thì tôi phải được gặp.”
Bà Tuyết Lan nói thêm: “Nếu phiên tòa sắp tới được mở, mong muốn lớn nhất của tôi là Quỳnh được xét xử công bằng, sự thật là con tôi không có tội.”
“Người ta đã bắt con gái tôi một cách không minh bạch, bắt ngoài đường mà thông báo rằng bắt ở nhà nên không biết họ sẽ xét xử thế nào vì quyền nơi họ, luật nơi họ.”
Bà cũng cho hay mình “đang sống như người tù, bị canh giữ giống như con gái những ngày trước”.
“Mỗi lần có phái đoàn nước ngoài hoặc sự kiện liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam thì tôi đều bị canh giữ ở nhà, kể cả việc đưa đón cháu đi học cũng khó khăn.”
Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến dưới tên Mẹ Nấm, một blogger và nhà hoạt động môi trường, là một trong số 13 phụ nữ quốc tế được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế hồi tháng 3/2017.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tom Shannon tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế hôm 29/3 nói bà Quỳnh được vinh danh vì “quyết tâm phơi bày bất công, tham nhũng, và dùng tiếng nói của mình để bảo vệ quyền và tự do của người dân”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi đó là ông Lê Hải Bình nói với các nhà báo: “Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước”.Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối quyết định trao giải cho bà Quỳnh của phía Hoa Kỳ.
Bà Quỳnh bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40269864
Thủ tướng Campuchia sẽ lại thăm Việt Nam
Cuối tháng sáu này Thủ tướng Campuchia Hunsen sẽ sang thăm Việt Nam.
Tin cho biết hôm 15 tháng 6, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc họp với đại diện của các bộ ngoại giao, và công an để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Hun Sen.
Chi tiết của chuyến viếng thăm chưa được công bố, nhưng có một điều được nêu ra là ông Hunsen sẽ thăm hai tỉnh miền Đông Nam Bộ là Bình Dương và Bình Phước, nơi ông Hunsen từng hoạt động ‘cách mạng’ trước kia.
Xin được nhắc lại ông Hunsen vốn là một sĩ quan trong quân đội Khmer đỏ đã đào thoát sang Việt Nam vào cuối những năm 1970. Sau đó ông cùng với lực lượng bộ đội Việt Nam tiến vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ.
Ông Hunsen nói thông thạo tiếng Việt, và là một trong những Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trên thế giới hiện nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cbd-pm-to-visit-vn-06152017100935.html
Chủ tịch nước Việt Nam sẽ thăm Nga
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm Cộng hòa liên bang Nga trong năm nay.
Đó là thông báo của Bộ ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày hôm 15 tháng sáu tại Hà Nội.
Tuy nhiên ngày giờ chính xác chưa được Bộ ngoại giao công bố, mà nói rằng những chi tiết về chuyến đi sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, trong hai ngày 13 và 14 tháng sáu đã diễn ra liên tục những hoạt động ngoại giao giữa Hà Nội và Mat Xcơ Va.
Vào ngày 13 tháng sáu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp ông Morgulov, Thứ trưởng ngoại giao Nga tại Hà Nội.
Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/president-trandaiquang-visit-russia-06152017094435.html
Việt – Nga đối thoại chiến lược và tham vấn chính trị
Việt Nam và Nga đồng ý duy trì và thúc đẩy hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực, nhắm đến mục tiêu đạt được kim ngạch thương mại 10 tỷ USD vào năm 2020.
Đây là nội dung được đưa ra bàn thảo trong buổi Đối thoại Chiến lược Việt-Nga lần thứ 9, được tổ chức hôm thứ Tư, ngày 14/6/2017 tại Hà Nội, do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đồng chủ trì.
Tại buổi Đối thoại lần thứ 9, Việt Nam và Nga còn trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên thống nhất sẽ hỗ trợ nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại khuôn khổ của Liên hợp quốc và ASEAN-Nga.
Trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và Nga đồng quan điểm giải quyết theo tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, dựa theo Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Thêm 1 người treo cổ trong đồn công an
Thêm một trường hợp bị công an thông báo tự tử bằng cách dùng dây thun quần thắt cổ ở đồn công an. Nạn nhân mới được thông tin là ông Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977.
Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức xác nhận tin này vào sáng ngày 14 tháng 6.
Báo trong nước tường thuật sự việc theo lời kể của gia đình nạn nhân cho biết khoảng 8 giờ tối ngày 13 tháng 6, công an phường Tam Bình gọi ông Tâm lên trụ sở công an làm việc. Đến 7 giờ 30 sáng ngày 14 tháng 6, cán bộ công an phường đến nhà cho hay ông Tâm thắt cổ bằng dây thun quần, hiện đã được chuyển lên bệnh viện An Bình và đang hôn mê sâu.
Gia đình ông Tâm đến bệnh viện thì được tin ông Tâm đã tử vong.
Trưởng công an quận Thủ Đức, đại tá Lê Anh Tuấn trả lời phóng viên trong nước cho biết vụ việc đang được điều tra.
Giá trị văn hoá, xã hội Việt Nam đang ở đâu?
Cát Linh, phóng viên RFA
Trong buổi giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra nhận định về thực trạng giá trị văn hoá, đạo đức xã hội ngày nay ở Việt Nam đang có biểu hiện mai một và chiều hướng đi xuống.
Nhận xét và ý kiến của các nhà xã hội học, nghiên cứu văn hoá như thế nào?
Đã dự báo từ lâu!
Lịch sử xã hội đã chứng minh Việt Nam trải qua hàng nghìn năm với những giá trị văn hoá, xã hội biến đổi và phát triển theo từng thời kỳ. Dưới ảnh hưởng của mỗi nền văn hoá, nhân cách, đạo đức, niềm tin, thái độ, hệ thống các giá trị… ở mỗi con người được hình thành và phát triển. Nhân cách, đạo đức, lối sống đó được chính tư lệnh ngành hiện nay ở Hà Nội lên tiếng cho rằng nó đang có biểu hiện mai một. Theo bộ trưởng văn hóa-thể thao- du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thì trong thời kỳ mới, các giá trị đạo đức chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí chưa được hình thành đúng với tiêu chí của con người mới, thuộc một thời kỳ mới.
Nhận thức này được Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho rằng “tuy đúng, nhưng chậm quá!”. Đó là chậm về thời gian, chậm về tốc độ phát triển và hình thành một ý thức hệ, một quãng thời gian mà theo ông phải là cách đây khoảng mấy chục năm trước.
Người ta đổ thừa cho kinh tế thị trường, nhưng không phải đâu. Nhiều xã hội kinh tế thị trường và con người vẫn sống với nhau rất tốt đẹp.
– Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
“Nếu mà tính ra thì nó bắt đầu từ cải cách ruộng đất cơ. Nó đã làm hư hỏng mối quan hệ truyền thống. Người ta không coi trọng những giá trị đạo đức thiêng liêng, cái tình cảm của con người, cái lòng trung tín, sự hiếu thảo…Những cái như thế, ngày xưa đã xây dựng, gầy dựng được, nhưng sau này đến Cách mạng thì nó làm hỏng đi rất nhiều. ”
Những ‘cái hỏng’ ấy theo ông là những suy đồi đạo đức làm băng hoại các giá trị truyền thống. Ông nhìn thấy trong xã hội hiện tại, quan hệ người với người đã bị hư hỏng đi rất nhiều.
Thực tế cho thấy, mỗi một ngày, qua báo chí hoặc mạng xã hội, rất nhiều những câu chuyện xảy ra liên quan trực tiếp đến hành vi, ứng xử giữa người với người. Những câu chuyện, những mảnh đời, những mất mát, những trọng án… mà khi đưa ra xã hội, dư luận chỉ có thể đặt ra câu hỏi “Tại sao lại như vậy?”
Kinh tế thị trường?
Khi Bộ trưởng văn hoá thể thao và du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra lý giải là do sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì Giáo sư Nguyễn Khắc Mai phản biện cho rằng không hoàn toàn như thế.
“Người ta đổ thừa cho kinh tế thị trường, nhưng không phải đâu. Có một phần nào, nhưng không phải. Vì nhiều xã hội kinh tế thị trường và con người vẫn sống với nhau rất tốt đẹp.”
Không đưa ra những phân tích dựa trên yếu tố kinh tế thị trường, nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng nguyên nhân là do con người đã không thực hiện được đúng những giá trị do chính con người đặt ra.
“Có thể là những cái mà người ta nói ra, là phải có lòng nhân ái chẳng hạn, cần phải công bằng chẳng hạn, nhưng đấy là những điều người ta nói ra có vẻ là 1 thứ được người ta cho là có giá trị và được tôn trọng, nhưng trên thực tế thì người ta lại không hành xử theo điều người ta đưa ra. Nhiều khi những ứng xử trong xã hội cũng không theo cái người ta tưởng là được xã hội, như công bằng, nhân ái.”
Phân tích sâu xa hơn, bà Quỳnh Hương cho rằng do những lợi ích khác nhau, và có những giá trị khác nhau, gây ra những xung đột không chỉ về mặt lợi ích kinh tế mà còn về mặt giá trị của từng cá nhân hoặc từng nhóm xã hội.
Những giá trị khác nhau đấy dẫn đến sự lựa chọn không đồng nhất, khiến cho nhóm xã hội này ảnh hưởng không tốt đến nhóm xã hội khác. Theo bà Quỳnh Hương, khi bản chất của những giá trị và lợi ích hình thành nên đặc thù riêng của từng nhóm xã hội hoặc từng cá nhân, thì đó là nguyên nhân của những xung đột về giá trị xã hội mà ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói đến.
Biến đổi
Văn hoá của một dân tộc, một xã hội sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Từ đó, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng giá trị xã hội cũng sẽ biến đổi và luôn luôn biến đổi.
“Biến đổi là đương nhiên và cần thiết. Vì chúng ta không biến đổi, đứng ì ra thì có nghĩa là chúng ta đã suy thoái rồi. Mà biến đổi ấy thì nó thể hiện luôn ra trong lòng xã hội ấy, mỗi cá nhân cũng biến đổi. Giá trị của xã hội cũng biến đổi theo.”
Ngày nay, trên những bài báo hoặc bài viết cá nhân đăng tải trên mạng xã hội, có một từ ngữ rất thường được dùng để ám chỉ về cách hành xử con người trong xã hội hiện tại, đó là từ “vô cảm”. Ví dụ như: “Hãy thờ ơ, hãy vô cảm đi, rồi một ngày điều này sẽ xảy đến với bạn.”
Rất nhiều dấu hiệu để thấy sự tin cậy lẫn nhau đã mất đi nhiều lắm. Chúng tôi gọi là quan hệ người với người hư hỏng đi rất nhiều.
– Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Chính Bộ văn hoá cũng đã đưa ra những hiện tượng vô cảm, bàng quang, thờ ơ trước nỗi đau do gặp hoạn nạn đang tạo nên những bức xúc và lo lắng.
Khi giá trị xã hội và niềm tin xã hội đã bị suy giảm, thì vô cảm đương nhiên sẽ xuất hiện và tồn tại. Không những thế, nó đã và đang dần dần hiện hữu, len lõi ngày một sâu hơn vào ý thức giá trị cuộc sống của con người.
Ý thức này, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, đã thấy quá rõ.
“Rất nhiều dấu hiệu để thấy sự tin cậy lẫn nhau đã mất đi nhiều lắm. Chúng tôi gọi là quan hệ người với người hư hỏng đi rất nhiều. Nó có vấn đề văn hoá xuống cấp, chân lý không được tôn trọng, sự thật không được tôn trọng, những tuyên truyền láo khoét đã quá dài quá lâu, làm cho con người quen với thói dối trá, lùa bịp. Đấy là 1 sự thật đau lòng.”
Ông nói thêm rằng, sự vô cảm này, ngày xưa, thế hệ của ông hoàn toàn không tồn tại.
Ngày nay, trên những trang mạng xã hội, thỉnh thoảng, người ta vẫn nhìn thấy những chia sẻ ngắn của một ai đó, kể lại khi đang chạy xe trên đường, thấy một người không quen biết té ngã, nhưng không dám dừng lại cứu giúp vì sợ những câu chuyện dàn cảnh cướp giựt được đăng tải mỗi ngày trên báo chí.
Giá trị văn hoá truyền thống
Cũng chính Bộ văn hoá đã đề cập vấn đề này với ngụ ý “đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang suy giảm. Tính cộng đồng “tối lửa tắt đèn có nhau” bị rạn nứt.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng nguyên nhân là do xã hội đã quá đề cao giá trị giai cấp, một giá trị nhất thời, mà không coi trọng giá trị văn hoá truyền thống.
Nhấn mạnh giá trị văn hoá truyền thống ở đây không phải là lễ nghĩ phong kiến của thời ‘trọng nam khinh nữ’ hoặc ‘quân tử thần tử, thần bất tử bất trung’. Ông chia sẻ những điều mà ông cho rằng đó là quy luật muôn đời, như “Thương người như thể thương thân”, hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Đó là những quy luật, những giá trị mà theo ông, nó đã được xây dựng và có giá trị tốt đẹp qua mọi thời kỳ phát triển của con người, và rộng hơn là xã hội.
Mạng xã hội: Dân tin, đảng lo!
Ngày nay tình trạng bất công, nhất là về đất đai, được phơi bày cho công luận thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube.
Vì sao mạng xã hội lại trở thành công cụ chính giúp truyền tải thông tin các vụ dân oan đất đai, bất công xã hội, và rồi tương lai của mạng xã hội sẽ ra sao khi chính phủ Hà Nội ngày càng thắt chặt quyền tự do Internet của người dân?
Niềm hy vọng của dân oan
Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, hàng loạt các vụ cưỡng chế đất được nhanh chóng đăng tải trên các trang mạng xã hôi. Điển hình như những vụ việc tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và vụ gây chấn động dư luận là việc người dân bắt giữ 38 cán bộ huyện, và cảnh sát cơ động vào giữa tháng 4 vừa qua sau khi người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội cho rằng bị lừa bởi chính quyền địa phương bắt dân khi mời đến làm rõ ranh giới đất tranh chấp.
Nhà hoạt động Lê Dũng Vova, một người thường xuyên đăng tải các vụ người dân kêu oan về đất đai trên trang cá nhân, nói với chúng tôi rằng sở dĩ mạng xã hội hiện nay được người dân quan tâm hơn là do nó phản ảnh đúng sự thật, trong khi đài báo của Nhà nước không đưa tin khách quan hoặc né tránh về những vụ việc liên quan đến đất đai hay khiếu nại của người dân:
Vai trò của mạng xã hội rất quan trọng là vì trên đó người ta truyền tải tất cả các thông tin khách quan, đầy đủ để người xem nắm được sự việc.
– Lê Dũng Vova
Vai trò của mạng xã hội rất quan trọng là vì trên đó người ta truyền tải tất cả các thông tin khách quan, đầy đủ để người xem nắm được sự việc và những bất cập trong vấn đề đất đai. Chẳng hạn như vụ việc hàng trăm bà con ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đi khiếu nại quanh năm ở khu Trụ sở Tiếp dân Trung ương. Có người đi cả chục lần, có người đi cả chục năm. Trong khi đó báo chí nhà nước không hề đăng tải tin tức về các sự việc đó. Các vụ cưỡng chế đất đai họ cũng không đưa tin, thậm chí họ còn cấm cả nhà báo.
Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động vì đất đai cho dân oan hiện đang bị bắt giam, chia sẻ với chúng tôi về vai trò của mạng xã hội trong những vụ liên quan đến đất đai ngay tại địa phương nơi anh sống:
Tại Dương Nội, trong vòng khoảng 3 năm qua người dân Dương Nội cũng đang tận dụng tính năng ưu việt của Facebook để đưa các thông tin và tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội lên công luận và đã được dư luận thấu hiểu những tội ác đang diễn ra tại nơi đây. Từ đó tạo được sư quan tâm rất lớn từ công luận cả trong nước và quốc tế.
Trong khi đó một khảo sát năm 2015 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho thấy ¼ số người được hỏi nói rằng họ lo lắng về các vụ tranh chấp đất đai và phân nửa nói rằng họ không được ai giúp đỡ giải quyết những tranh chấp này.
Còn theo báo cáo năm 2016 của Bộ Tài nguyên Môi trường, Việt Nam có tỷ lệ khiếu kiện đất đai 70% trong tổng số đơn từ khiếu nại nói chung.
Từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng vai trò lớn nhất của mạng xã hội trong các vụ bê bối đất đai là tạo áp lực cho nhà cầm quyền. Ông nói:
Truyền thông mạng nêu lên nhiều việc tạo áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải lắng nghe, thay đổi. Ngay trong câu chuyện Đồng Tâm, tác động của mạng xã hội với chính quyền là rất lớn.
Vụ việc ở Đồng Tâm cũng thu được những phản ứng nhất định của nhà cầm quyền. Theo đó sau khi người dân giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát, đến ngày 21/4, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung phải về tận thôn Hoành xã Đồng Tâm để đối thoại theo yêu cầu của người dân. Đây được cho là kết quả sau nhiều ngày công luận xôn xao trên các trang mạng xã hội về vụ việc này.
Lo sợ tương lai bị đàn áp
Không chỉ riêng các vụ cưỡng chế đất đai mà hầu hết những sự việc truyền thông trong nước né tránh chẳng hạn như các nhà hoạt động bị hành hung, biểu tình phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh,…đều được phơi bày trên các trang mạng xã hội.
Chính vì vậy mà nửa đầu năm nay, chính phủ Hà Nội liên tục có các hành động thắt chặt thông tin trên mạng xã hội.
Một số người quan tâm đến các vụ đất đai lo ngại rằng một ngày các thông tin về cưỡng chế đất đai, dân khiếu nại, kêu oan cũng bị Nhà nước xếp vào hàng độc hại, gây mất trật tự công cộng và sẽ bị Facebook cấm cản.
Tuy nhiên, nhà hoạt động Lê Dũng Vova nói rằng đó là điều bất khả thi:
Việt Nam không thể yêu cầu các nhà mạng như Facebook những yêu cầu không đúng với chuẩn mực luật pháp của các quốc gia đang sở hữu và quản lý các trang mạng đó. Đối với Việt Nam nó là độc hại, nhưng các nhà mạng họ yêu cầu phải đưa ra chuẩn mực thế nào là độc hại, là sai. Cho nên tôi nghĩ là không phải yêu cầu nào của Việt Nam cũng được các nhà mạng đáp ứng hết đâu.
Đầu năm nay Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu các công ty lớn gây áp lực các hãng như Facebook, Google, Youtube, phải xóa bỏ các thông tin mà Việt Nam cho là “độc hại”. Người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông của Việt Nam hồi tháng 4 đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc về vấn đề này.
Vấn đề ngăn chặn thông tin xấu, gây mất trật tự công cộng cũng được Chính phủ Hà Nội liên tục nhắc đến trong các cuộc họp gần đây, điển hình như tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, diễn ra hôm7/6.
Tôi thấy có thể trong tương lai họ sẽ ban hành những chính sách để đàn áp người sử dụng mạng xã hội.
– Anh Trịnh Bá Phương
Anh Trịnh Bá Phương cho rằng đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhà cầm quyền đang chuẩn bị một chiến dịch đàn áp tiếng nói của người dân trên mạng xã hội về các thông tin họ cho là xấu, trong đó có cả các vụ đất đai. Anh cho biết chính bản thân anh cũng là nạn nhân của sự đàn áp này khi đăng tải những thông tin liên quan đến tranh chấp đất đai:
Tôi thấy có thể trong tương lai họ sẽ ban hành những chính sách để đàn áp người sử dụng mạng xã hội. Ngay bản thân tôi đầu năm 2016 cũng bị công an Hà Nội gửi giấy triệu tập đến 3 lần về việc liên quan đến tài khoản Facebook của tôi. Đến nay họ đã tổ chức các nhóm hacker để hack Facebook của tôi nhiều lần.
Không chỉ riêng anh Phương mà còn nhiều nhân vật khác cũng từng bị công an triệu tập liên quan đến tài khoản Facebook của họ như nhà hoạt động Lê Dũng Vova, luật sư Võ An Đôn,…
Tháng sáu, năm 2017, chính phủ Việt Nam ra một dự thảo nghị định, dự trù có hiệu lực từ năm 2018, về việc phạt hành chính đối với những hành vi bôi bác cá nhân, cung cấp thông tin không chính xác trên mạng xã hội.
Cũng trong tháng sáu, trang mạng của Chính phủ Việt Nam đưa tin Bộ công an Việt Nam đang soạn thảo một dự luật an ninh mạng. Nhiều ý kiến lo ngại dự luật này sẽ tăng cường đàn áp các tiếng nói trên mạng xã hội và có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.
Thống kê cho thấy năm 2015, Việt Nam có 45,5 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 trên thế giới về số người sử dụng và đứng 4 trên thế giới về thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.