Phán đoán về chính trị Việt Nam sắp tới
BBC
05/06/2017
Một nhà nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam vừa có bài viết tiếng Anh cho rằng đã có mâu thuẫn trong đảng và tranh đua vị trí tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau Đại hội Đảng 12.
Đăng trên trang The Diplomat hôm 23/12/2016, Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ, dự đoán có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ, và ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên thay thế hàng đầu.
Ông cũng cho rằng ba vụ điều tra gần đây – liên quan cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, là cách gián tiếp làm suy yếu vị thế Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.
BBC có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Zachary Abuza về những điều ông đề cập trong bài viết.
BBC:Trong bài viết mới nhất của ông, ông cho rằng ông Đinh Thế Huynh đang có nhiều cơ hội nhất để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp tại Việt Nam. Có phải quá sớm để nhận định như vậy?
Có thể còn sớm, và tôi có thể sai, nhưng theo tôi, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại thêm một nhiệm kỳ, nhưng quan điểm đồng thuận dường như cho rằng ông ấy sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.
Khó thấy còn ai khác đang rất nhiều cơ hội để thay ông Trọng giữa nhiệm kỳ. Tôi đoán là ông Trần Đại Quang đang chờ đến Đại hội Đảng 13. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dành nỗ lực chính trị để ngăn ông Huynh lúc này.
BBC:Bằng chứng nào để ông nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ?
Không hoàn toàn chắc chắn, nhưng có lẽ ông ấy sẽ nghỉ. Ông Trọng sinh năm 1944, tương đối già hơn so với người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị. Đảng Cộng sản có lý do khi họ đề ra mức giới hạn tuổi khi chọn nhân sự.
BBC:Bài viết của ông có đề cập đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mà một số người cũng đồn đoán là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Đánh giá của ông?
Tôi đồng ý là ông Quang có nhiều triển vọng. Ông đã mở rộng kinh nghiệm công tác, ra ngoài Bộ Công an. Ông sẽ là ứng viên rất mạnh. Tôi dự trù ông có thể là Tổng bí thư tại Đại hội 13.
Nếu có sự chuyển giao giữa nhiệm kỳ, và có đủ sự phản đối ông Huynh, thì ông Quang cũng sẽ là ứng viên rất mạnh.
BBC:Bài báo của ông tập trung nói về mâu thuẫn nội bộ trong Đảng sau Đại hội 12. Ông có thể giải thích rõ hơn?
Trước các kỳ Đại hội Đảng, luôn có nhiều đấu tranh phe phái. Nhưng sau đó, thường là giai đoạn “trăng mật”, hay tương đối bình yên khi mà chính phủ và cán bộ mới hòa nhập vào vị trí mới. Nhưng một số bạn bè và tôi bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ chỉ trong vòng một năm.
BBC:Ông viết rằng các cuộc điều tra và bắt giữ gần đây dường như là cách nhắm vào Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng. Ông có vẻ cho rằng ông Thăng thuộc nhóm cải cách, bị những người bảo thủ tấn công. Trong khi đó, một vài tiếng nói hiếm hoi ở bên trong Việt Nam cũng đã có bài trên mạng xã hội xem ông Thăng là đối tượng cần điều tra. Ông có xem xét quan điểm của họ không?
Đáng tiếc là nền chính trị Việt Nam vốn vô cùng bí hiểm. Vì thế phần lớn quan tâm là chỉ về các bê bối tham nhũng. Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ – đồ đệ, theo cùng vây cánh, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì nghi ngờ tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ. Nó khiến các đối thủ chính trị phải lo lắng, làm yếu đi nền tảng ủng hộ họ, mà điều này rất quan trọng trong một hệ thống chính trị chú trọng đến sự đồng thuận.
Cần khẳng định chống tham nhũng và chống đối thủ chính trị không hẳn là loại trừ nhau. Nhưng cũng cần thấy vì sao chỉ một số người bị điều tra về tham nhũng, còn những cán bộ làm điều tương tự lại không bị. Khả năng có hạn của nhà nước có thể là câu giải đáp, nhưng câu trả lời thuyết phục hơn thường liên quan chính trị.
Ta cũng cần thừa nhận có nhiều tham nhũng trong chính trị cấp cao ở Việt Nam, vì không có báo chí tự do kiểm tra, đảng cộng sản nói chung đứng trên luật pháp, kiểm soát tòa án và công tố. Quan trọng hơn cả, trong hệ thống hỗn hợp của Việt Nam, là nơi nhà nước vẫn kiểm soát rất nhiều (như vốn, đất đai), khu vực công sở hữu quá nhiều tài nguyên và nguồn lợi thì cơ hội tham ô là ở bên trong nhà nước. Một số ít người lại kiểm soát việc phân bổ hàng hóa, dịch vụ, vốn trong khi lại có quá ít sự kiểm tra và minh bạch.
BBC:Trong bài, ông viết nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng bí thư, sẽ không tốt cho Việt Nam vì ông ấy có vẻ là người bảo thủ. Ông cũng nghĩ ông Đinh La Thăng là nhà cải cách. Nhưng chính trị Việt Nam rất bí mật. Liệu có ổn khi quy trách nhiệm hay chê trách cho một số cá nhân, ca ngợi một số nhà “cải cách”, mặc dù ít ai biết thực sự điều gì xảy ra trong các cuộc họp của Bộ Chính trị?
Tôi đồng ý rằng sự phê phán này là công bằng. Tôi biết một số người hoàn toàn bất đồng với tôi khi tôi cho rằng ông Đinh Thế Huynh là người bảo thủ. Có một người nói ông Huynh là người “trung dung”, nhưng tôi không thấy có bằng chứng. Rõ ràng là ông ấy có rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Toàn bộ sự nghiệp của ông Huynh là ở trong bộ máy Đảng như một nhà lý luận, ít kinh nghiệm thực tiễn.
Có thể nếu ông Đinh Thế Huynh trở thành Tổng bí thư, những hạn chế và thực tế của việc lãnh đạo sẽ hạn chế những gì ông có thể làm. Nhưng tôi cảm giác ông ấy rất lo lắng quyền uy và quyền quyết định của Đảng bị kéo trôi về phía các nhà kỹ trị trong chính phủ. Ông muốn tái xác lập sự lãnh đạo tối cao của Đảng, đây là việc không tốt cho nền kinh tế ngày càng phức tạp và hiện đại của Việt Nam.
Bài ‘The Fault Lines in Vietnam’s Next Political Struggle; Infighting ahead of the next mid-term Congress is already visible’ được đăng trên trang The Diplomat 23/12/2016.