Đọc báo Pháp – 13/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 13/06/2017

Khả năng có đa số áp đảo tại Quốc Hội Pháp :

Macron sẽ « bá quyền » ?

Dư chấn kết quả vòng một bầu cử Quốc Hội vẫn còn lan mạnh. Hiện đang dẫn đầu tại 451 đơn vị bầu cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp Emmanuel Macron có khả năng lớn chiếm đa số áp đảo ở Quốc Hội. « Liệu có nên lo sợ ‘sự bá quyền’ của ông Macron hay không ? » đang là câu hỏi được báo chí Pháp ngày 13/06/2017 đề cập đến nhiều nhất.

Trên trang nhất, Le Monde ghi nhận: « Macron không đối lập, một tỷ lệ vắng mặt kỷ lục ». Với 32,3% phiếu bầu, các ứng viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM rõ ràng đã thắng lớn trong vòng một bầu cử Quốc Hội ngày Chủ Nhật 11/6. Theo dự phóng của các viện thăm dò, LREM sẽ có được một đa số áp đảo với từ 400-450 dân biểu.

Chiếc bẫy của đa số áp đảo

Nhiều chính đảng khác khai thác hiện tượng này làm chủ đề vận động tranh cử vòng hai và nhấn mạnh đến nguy cơ « bá quyền » của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội. Báo Le Monde có bài xã luận « Macron và những thách thức bá quyền ».

Trước vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội, những người ủng hộ Emmanuel Macron đồng thanh kêu gọi hãy để cho tân tổng thống có cơ may, hàm ý có được đa số tại Quốc Hội để thực hiện các cam kết đưa ra lúc tranh cử. Lời kêu gọi này đã được lắng nghe. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã được toại nguyện, vượt quá cả mong đợi và đang trở thành chính đảng lớn nhất tại Pháp, ít ra là ở Quốc Hội.

Bởi vì, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa chỉ còn khoảng một nửa số ghế so với nhiệm kỳ trước, Đảng Xã Hội cánh tả đang hấp hối, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất có số cử tri ủng hộ giảm mạnh so với cuộc bầu cử tổng thống cách nay hơn một tháng.

Tuy nhiên, báo Le Monde lưu ý, không nên nhầm lẫn giữa thành công nhanh chóng (đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới được thành lập cách nay 16 tháng) và đà tiến bước năng động với sự ủng hộ của toàn dân. Lần đầu tiên trong Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu lên tới mức kỷ lục, 51,29 %. Do vậy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước, tuy về đầu, nhưng chỉ đạt có 15,39% tính theo tổng số cử tri đăng ký.

Nếu như Emmanuel Macron đã thành công với một loạt các hoạt động mang tính biểu tượng cao, vốn thiếu vắng trong các nhiệm kỳ tổng thống trước, thì cuộc bầu cử Quốc Hội lần này có nguy cơ đào sâu thêm sự thiếu hụt trong hệ thống chính trị Pháp : đó là tính đại diện.

Báo Le Monde thừa nhận là việc các chính đảng lớn truyền thống khác đã tỏ ra không hảo tâm, thiếu trung thực, khi nêu ra nguy cơ bá quyền của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội vì trong quá khứ, các đảng này cũng đã từng có đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là đảng của tổng thống Macron chỉ có số phiếu thuận khá thấp, hơn 15% một chút, nhưng lại có rất nhiều đại diện ở Quốc Hội.

Trong bối cảnh đó, Le Monde nêu ra một loạt thách thức đối với đảng Cộng Hòa Tiến Bước : Làm thế nào để tôn trọng được các tranh luận thực sự tại Quốc Hội khi mà với đa số áp đảo, đảng của tổng thống có nguy cơ không lắng nghe các tiếng nói đối lập ?

Liệu đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể áp đặt được một sự thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị Pháp, cụ thể là thay đổi các tập quán vốn có từ lâu đời, chứ không phải chỉ thay đổi con người ? Việc « quản lý » một đa số tại Quốc Hội rất đa dạng, đến từ những môi trường, ngành nghề khác nhau, sẽ ra sao ?

Làm thế nào mà các dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, mà đa số là « tân binh » trong hoạt động chính trị và rất phụ thuộc tổng thống Macron, lại có thể thực hiện được chức năng « kiểm soát » hành pháp, tức chính phủ của tổng thống ? Làm thế nào để những tiếng nói đối lập được thể hiện tại Quốc Hội chứ không phải ở nơi khác, tức là qua các cuộc biểu tình tuần hành ?…

Le Monde kết luận, chưa phải là quá muộn để các cử tri đặt những câu hỏi đó cho các ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, trước vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội, được tổ chức vào ngày 18/06 tới đây.

Siêu đa số : Một rủi ro lớn

Cùng về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài « Bầu cử Quốc Hội : Macron trước những cạm bẫy của một thắng lợi áp đảo », bày tỏ sự lo lắng trước việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước có đa số áp đảo, làm át đi mọi tiếng nói đối lập.

Tờ báo cho rằng, do số ghế của các đảng đối lập khác quá ít, việc cải cách hệ thống bầu cử, áp dụng phương thức bầu dân biểu theo tỷ lệ phiếu, trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Ông Macron đã hứa xem xét khả năng này khi vận động tranh cử tổng thống, nhưng không nêu ra lịch trình cụ thể.

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix chạy trên trang nhất lời cảnh báo : « Những rủi ro của một siêu đa số » tại Quốc Hội. Xã luận của tờ báo nói đến « Nghịch lý của một thắng lợi » : sự thống trị của đảng Cộng Hòa Tiến Bước tại Quốc Hội càng trở nên áp đảo trong bối cảnh phe đối lập bị phân chia thành những cực nhỏ không thể đồng thuận được với nhau.

Do vậy, tổng thống Macron cũng như chính phủ của ông cần phải rất thông minh để lãnh đạo đất nước trong tình hình này. Nhất thiết phải chú ý tới sự thờ ơ của người dân (được thể hiện qua tỷ lệ không đi bầu rất cao), sự thất vọng, bất mãn, cũng như sự cay đắng của những cử tri không đi bầu. Tân chính quyền có thể rộng tay hành động nhưng không vững chắc. Do vậy, tuyệt đối tránh tư tưởng đắc thắng.

Đảng Xã Hội « chết lâm sàng » : Lỗi tại ai ?

Một hệ quả khác cũng không kém phần quan trọng trước làn sóng Tiến Bước, mà báo chí Pháp từ hai ngày qua không ngần ngại ví đấy như là một « trận sóng thần » : sự tan nát của các đảng chính trị truyền thống. Chưa có một cuộc bầu cử nào gây ra nhiều nạn nhân chính trị như lần này.

Trên trang nhất, Le Figaro chạy tít lớn : « Sau làn sóng Tiến Bước !, tả, hữu và cực hữu Mặt Trận Quốc Gia dưới cú sốc ». Nhật báo thiên hữu dành đến 11 trang để đánh giá tác động kết quả vòng một vừa qua. Từ việc « Tiến Bước ! đối mặt với chiến thắng của mình » ra sao, cho đến « Sự chia rẽ trong cánh hữu », « Cánh tả chìm trong khủng hoảng » như thế nào và « thanh toán nội bộ trong đảng Mặt Trận Quốc Gia ».

Đặc biệt, nhật báo thiên hữu này lại quan tâm cho số phận của Đảng Xã Hội (Parti Socialiste -PS). Trận sóng thần ngày 11/6 như đẩy đảng chính trị cánh tả này vào trạng thái « chết lâm sàng » sau đúng 46 năm tồn tại. Đến mức, tờ báo cảm thấy « bầu không khí tang tóc bao trùm lên phố Solferino thật là ấn tượng » (10 đường Solferino là trụ sở Đảng Xã Hội ở quận 7, Paris)

Ấn tượng là vì trong vòng 5 năm nhiệm kỳ tổng thống François Hollande thuộc Đảng Xã Hội, đảng chính trị lớn này đã lao xuống địa ngục với một tốc độ đến chóng mặt. Trong giai đoạn 2012-2017, PS lần lượt thua trên các mặt trận bầu cử: Từ địa phương, cho đến cấp tỉnh rồi qua cả vùng.

Ấn tượng là vì sự lao dốc đó đã được báo trước nhưng chẳng ai làm gì để tránh cả. Lỗi tại ai ? Đầu tiên là tổng thống mãn nhiệm François Hollande, vì đã không có đủ can đảm cũng như sức tưởng tượng để thực hiện các cải cách.

Lỗi tại một số các dân biểu trong đa số mãn nhiệm, mà tờ báo không ngần ngại nêu đích danh ông Benoit Hamon, ứng viên xấu số của PS trong bầu cử tổng thống. Những người này đã cản trở chính các bộ trưởng của phe mình, vốn dĩ muốn thực hiện những thay đổi trong kinh tế – xã hội.

Do đó, việc những người này hay người khác lần lượt bị đánh bại trong ngày 11/6 cũng là lẽ đương nhiên. Cuối cùng Le Figaro kết luận đây cũng là lời cảnh báo cho đa số sắp tới, rằng nếu không biết tránh những bất đồng, thì cái giá phải trả sẽ là rất đắt.

Cánh tả trên đà tuyệt chủng ?

Libétion dành đến 10 trang báo để phân tích những tác động của đợt sóng thần « Tiến Bước» lên các đảng truyền thống. Tuy nhiên điều làm cho tờ báo thiên tả này lo lắng nhất là sự tan rã của cánh tả Pháp. Không chút ảo tưởng, cộng với chút vị cay đắng, trên nền ảnh sa mạc mênh mông, không bóng người chỉ là toàn cát, Libération chua chát chạy tựa : « Cánh tả : Chẳng còn gì hết ».

Nếu theo dự phóng của các viện thăm dò, sau vòng hai bầu cử, cánh tả Pháp, bao gồm Đảng Xã hội, Nước Pháp Bất Khuất, Đảng Cộng Sản, đảng Môi Sinh… chỉ có chưa tới 50 ghế dân biểu tại Quốc Hội. Trong khi đó, trong nhiệm kỳ 2012-2017 chỉ riêng Đảng Xã Hội của tổng thống mãn nhiệm Hollande đã chiếm đến hơn 300 ghế.

Cánh tả đã chết ? Libération đặt câu hỏi. Ngày 11/6 vừa qua đã cho thấy toàn quanh cảnh một cánh tả vỡ vụn, bị nghiền nát, bị thu nhỏ đến mức tờ báo gọi phe này là cánh tả « nano » và đang trên đà tuyệt chủng, tờ báo chua chát mỉa mai trong bài xã luận.

Tuy nhiên trong tình cảnh bi đát đó, nhật báo thiên tả này vẫn còn thấy chút tia hy vọng cho cánh tả. Chủ trương tự do toàn cầu hóa trong quá trình thực hiện sẽ luôn làm dấy lên một sự đối lập cơ bản. Chính trong sự gian khó này sẽ làm nảy sinh những tia hy vọng muốn xây dựng một xã hội « ít bất bình đẳng hơn, công bằng hơn. »

Để có được điều này, Libération cho rằng « cánh tả phải có một dự án dài hạn, một chương trình hành động thực tế và thỏa hiệp. Một cánh tả đoàn kết vượt lên trên những tranh cãi nhất thời. Một cánh tả không quên đi lịch sử lâu dài của mình, cũng như những tuyên cáo của chủ nghĩa xã hội về tự do, để làm chủ hiện tại và vạch ra tương lai của chính mình ».

http://vi.rfi.fr/phap/20170613-kha-nang-da-so-ap-dao-tai-quoc-hoi-macron-%C2%AB-ba-quyen-%C2%BB

 

Tin đọc nhanh

(Tân Hoa Xã) – Trung Quốc sẽ đóng tầu khoan nghiên cứu đại dương thứ ba trên thế giới

Thông tin trên được một giáo sư đại học, kiêm cố vấn cho chính phủ, công bố trong buổi họp báo ngày 12/06/2017 về thành công của một phái đoàn khoan thăm dò quốc tế do Trung Quốc chủ trì nhằm tìm hiểu xem Biển Đông liệu được hình thành từ vài chục triệu năm trước. Trung Quốc có tham vọng trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực khoan khảo sát khoa học trên thế giới từ nay đến năm 2028.

(Tân Hoa Xã) – Tàu lặn Giao Long (Jiaolong) chở theo 3 thợ lặn đã đạt đến độ sâu 6.681 mét ở hố Yap, phía tây Thái Bình Dương

Tân Hoa Xã ngày 13/06/2017 cho biết đây là cuộc thử nghiệm mới nhất trong khuôn khổ chuyến thám hiểm khoa học đại dương lần thứ 38, được bắt đầu từ ngày 06/02/2017.

(AFP) – Qatar lên án biện pháp « bất công » của các nước vùng Vịnh và Ai Cập

Tại sứ quán Qatar ở Paris, ngày 12/06/2017, ngoại trưởng Qatar Mohammad ben Abdel Rahman Al Thani cũng nhấn mạnh « không nước nào có thể áp đặt cho Doha chính sách ngoại giao của mình ». Ông hoan nghênh vai trò năng động của Pháp trong cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, nhưng bác bỏ mọi đề xuất trung gian hòa giải của châu Âu.

(AFP) – Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cấm không phận đối với Qatar

Lệnh được ban hành ngày 13/06/2017 áp dụng đối với các hãng hàng không của Qatar hoặc những hãng đăng ký tại nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh giá các biện pháp trừng phạt đối với Doha là « vô nhân đạo » và « đi ngược với tinh thần đạo Hồi ».

(AFP) – 1/10 dân số thế giới bị mắc bệnh béo phì

Bản nghiên cứu mới được công bố tại Stockholm ngày 12/06/2017 cảnh báo tình trạng nguy cấp trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Tỉ lệ người bị béo phì không ngừng tăng từ năm 1980 và tăng gấp đôi tại 73 nước. Năm 2015, 107,7 triệu trẻ em và 603,7 triệu người lớn trên thế giới bị béo phì. Hoa Kỳ là nước có nhiều người béo phì nhất. Còn tại Pháp, thanh thiếu niên từ 6-17 tuổi bị gầy đi, từ 8% (2006) tăng lên thành 13% (2015). Thừa cân là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường và một số trường hợp ung thư.

(AFP) – Tổng thống Hàn Quốc công du Mỹ vào cuối tháng 6/2017

Nhà Trắng cho biết tổng thống Donald trump sẽ tiếp tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào ngày 29 và 30/06/2017. « Mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng » của chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang thực hiện sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc và thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vưc kinh tế. Trước đó, ngày 26/06, tổng thống Mỹ sẽ tiếp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Nhà Trắng.

(AFP) – Hungary thông qua luật về ONG

Ngày 13/06/2017, Quốc Hội Hungary thông qua một đạo luật gây tranh cãi về việc tăng cường sự kiểm soát của chính phủ lên các tổ chức phi chính phủ (ONG) nhận tài trợ của nước ngoài. Văn bản này chủ yếu nhắm vào các tổ chức được nhà tài phiệt Mỹ George Soros hỗ trợ. Dự luật này đã bị Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc chỉ trích kịch liệt, cho dù được Budapest xem như là một đạo luật nhằm “chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố”.

(AFP) – Tòa án Nhật Bản bác đơn yêu cầu dừng khởi động lại 2 lò phản ứng hạt nhân

Tòa án Saga, miền tây nam Nhật Bản ngày 13/06/2017 loan báo đã bác đơn người dân trong vùng yêu cầu cấm khởi động lại lò phản ứng, số 3 và 4 của nhà máy điện hạt nhân Genkai, Kyushu. Lý do : những tiêu chí cho khởi động lại không bảo đảm an toàn. Nơi đặt nhà máy điện nằm không xa nơi bị động đất chết người vào năm 2016. Quyết định của tòa án Saga phù hợp với mong đợi của chính phủ Abe.

(AFP) – Đa số cư dân muốn Porto Rico trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/06/2017, 97% người đi bỏ phiếu đã tán đồng việc đảo này trở thành một tiểu bang của Mỹ, tiểu bang thứ 51. Tuy nhiên trên số hơn 2 triệu cử tri có đăng ký, chỉ có khoảng 22,7% đi bỏ phiếu. Thống đốc Porto Rico, Ricardo Rossello, tuyên bố ngay sau khi có kết quả là ông sẽ đến Washington bảo vệ nguyện vòng này. Tuy nhiên theo giới quan sát, Porto Rico sẽ khó mà thuyết phục được Washington gắn thêm một ngôi sao trên cờ Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170613-tin-doc-nhanh