Tin biển Đông – 13/06/2017
Tàu hải quân Mỹ, Nhật cập cảng Việt Nam
Các chiến hạm Mỹ và Nhật Bản đang có mặt ở Việt Nam trong các chuyến cập cảng được cho là “mang tính biểu tượng” trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ củng cố chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay rằng tàu USS Coronado thực hiên chuyến thăm để bảo dưỡng tại cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa từ ngày 11 đến 15/6.
Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương/Lực lượng đặc nhiệm 73, cho biết: “Chuyến thăm kỹ thuật này nâng cao năng lực bảo dưỡng viễn chinh của chúng tôi và tăng cường quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam”.
Quan chức hải quân Mỹ nói thêm rằng “các chuyến thăm kỹ thuật mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và tăng cường tính linh hoạt về mặt địa lý trong công tác sửa chữa và duy trì trạng thái sẵn sàng cao cho tàu”.
Ông cũng “đánh giá cao cơ hội hợp tác với Việt Nam và mong muốn làm việc cùng nhau để tăng cường sự ổn định và xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi”.
USS Coronado tới Việt Nam ít ngày sau chuyến cập cảng Cam Ranh của tàu khu trục đươc trang bị tên lửa dẫn đường USS John S. McCain. Thượng nghị sĩ John McCain đã lên tàu được đặt tên theo cha và ông của ông khi nó có mặt ở cảng chiến lược của Việt Nam nhằm thể hiện “sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực”.
Trong khi đó, một con tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản hôm 13/6 đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài tới ngày 19/6. Fiji News đưa tin rằng tàu này sẽ tham gia một cuộc huấn luyện chung với cảnh sát biển Việt Nam.
Trang tin này dẫn lời các nguồn tin nói rằng chuyến thăm đầu tiên của tàu tuần duyên Nhật nhằm tăng cường hợp tác an ninh biển giữa hai nước giữa lúc Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-hai-quan-my-nhat-cap-cang-viet-nam/3898515.html
Cảng Cam Ranh,
biểu tượng cho quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt
Ngày 12/06/2017, Hải Quân Hoa Kỳ thông báo một chiến hạm của Mỹ đang ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam để được bảo trì. Đây là hoạt động mới nhất trong một loạt những động thái cho thấy sự tiến triển trong quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt, trong bối cảnh chưa ai nắm rõ về chính sách của tổng thống Donald Trump về châu Á nói chung. Trang The Diplomat ấn bản ngày 13/06/2017 có một bài nhận định về sự kiện này.
Quan hệ quốc phòng giữa Washington và Hà Nội đã phát triển mạnh trong những năm qua trong khuôn khổ đối tác toàn diện, được ký kết vào năm 2013 dưới thời tổng thống Barack Obama. Mối quan hệ này được thể hiện qua các cuộc trao đổi, tập huấn chung và trợ giúp nâng cao khả năng bảo vệ an ninh của cảnh sát biển Việt Nam trước những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh nay được gọi là Cảng Quốc Tế, mà trên nguyên tắc sẵn sàng tiếp nhận các chiến hạm từ mọi nước đến để sửa chữa, bảo trì. Ngoài tàu chiến Hoa Kỳ, cảng này đã tiếp đón rất nhiều chiến hạm đến từ các nước Nhật, Pháp, Trung Quốc, Philippines và Singapore.
Riêng các chiến hạm của Mỹ đã bắt đầu ghé cảng Cam Ranh để bảo dưỡng từ tháng 9/2016. Vào đầu tháng 6 vừa qua, khu trục hạm USS John S. McCain đã ghé Cảng Quốc Tế Cam Ranh trong một “chặng dừng kỹ thuật thông thường”. Trong thời gian đi thăm Việt Nam, cùng với một phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội Mỹ, thượng nghị sĩ John McCain đã lên thăm chiến hạm mang tên người bố và người ông của ông, hai người đã tham chiến ở Thái Bình Dương trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai. Phái đoàn nghị sĩ Mỹ lúc đó cũng đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam gồm chủ tịch nước Trần Đại Quang, bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sự hiện diện của tàu John S. McCain ở Cam Ranh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tiến triển tốt, không chỉ bởi vì vai trò của thượng nghị sĩ McCain trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, mà còn bởi vì vào năm 2016, chiến hạm John S. McCain cùng với chiến hạm USS Frank Cable là những tàu đầu tiên của Hải Quân Mỹ ghé thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh kể từ khi cảng này mở cửa trở lại vào tháng 3/2016.
Hôm qua, Hải Quân Mỹ xác nhận là một chiến hạm khác của Mỹ, USS Coronada, tàu tác chiến ven biển, cũng đang ghé cảng Cam Ranh từ ngày 11 đến 15/06 để được bảo trì. Chuyến “thăm kỹ thuật” của tàu này ở Cam Ranh là minh chứng đầu tiên cho khả năng bảo trì cho các tàu tác chiến ven biển (LCS) được triển khai luân phiên, thuộc lực lượng đặc nhiệm Task Force 73 của Hạm Đội 7, lực lượng hiện đang phối hợp các cuộc thao dượt ở Đông Nam Á.
Mặc dù nơi bảo trì và tiếp tế chính của các tàu LCS là ở Singapore, Hải Quân Mỹ đang cần có thêm những cảng như Cam Ranh để tăng cường hỗ trợ các chiến hạm của Hoa Kỳ trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170613-cang-cam-ranh-bieu-tuong-cho-quan-he-quoc-phong-my-viet
Trung Quốc muốn thông qua COC
mà không có bên ngoài can thiệp
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông Vương đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp từ phía Singapore Vivian Balakrishman ở Bắc Kinh.
“Trung Quốc và các nước ASEAN… có đủ khả năng để lập nên những điều lệ mang tính khu vực cho hòa bình và sự ổn định trên biển Đông bằng một phương thức độc lập.”
Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc
Ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông hôm 18/5 trước thời hạn được ấn định. Việc tư vấn về những điều kiện tiên quyết cho một môi trường an toàn và loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía đã diễn ra thuận lợi, theo ghi nhận của Reuters.
Người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc nói vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã ra một tuyên bố chung về việc tiến hành đầy đủ và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuyên bố này quy định rằng những tranh cãi về các đảo Vĩnh Viễn (tiếng Anh là Nanshan) cần được giải quyết một cách ôn hòa bằng thương lượng giữa các bên có liên quan trực tiếp.
Kể từ đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên nồng ấm hơn và Philippines cũng đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán song phương về vấn đề biển Đông với Trung Quốc. Với những nỗ lực có phối hợp của Trung Quốc và các bên liên quan, tình hình biển Đông đã trở nên ổn định hơn. Tất cả những điều này đã tạo nên các tiền đề cần thiết cho việc đàm phán COC, theo Reuters.
Trong khi đó, ông Vương nhấn mạnh rằng việc thảo luận và lập COC được quy định trong DOC, và đó là điều mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã cam kết.
Vị ngoại trưởng này nói “Trung Quốc và các nước ASEAN, thông qua những nỗ lực chung của chúng ta, có đủ khả năng để lập nên những điều lệ mang tính khu vực cho hòa bình và sự ổn định trên biển Đông bằng một phương thức độc lập.”
Người đứng đầu bộ Ngoại giao Trung Quốc được Reuters trích lời nói tiếp rằng “Tôi nghĩ chừng nào chúng ta tiếp tục tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, cùng làm sâu sắc thêm sự hợp tác và loại bỏ sự can thiệp từ bên trong và bên ngoài khu vực, có thể sự can thiệp từ bên ngoài là nhiều hơn, và sau khi có được những sự chuẩn bị cần thiết từ các bên, chúng ta sẽ có thể tổ chức các cuộc thảo luận trọng yếu về các văn bản COC tại một thời điểm thích hợp cho tới khi chúng ta đạt được những điều luật mang tính khu vực. Chúng tôi tự tin vào điều này.”