TÂM SỰ VỚI BẠN GIÀ

Cac Bai Khac

No sub-categories

TÂM SỰ VỚI BẠN GIÀ

Nguyễn Đình Cống

May 30 at 10:49pm ·

Đã tâm sự nhiều với bạn trẻ và sẽ còn tiếp tục. Hôm nay bỗng nghĩ tới các bạn già. Vừa qua trong buổi lễ của Hội Người cao tuổi chúc thọ các cụ trên 80, tôi nói với vài cụ : Chúng ta bây giờ ngoài việc quan tâm đến sống như thế nào còn nên quan tâm hơn sẽ chết như thế nào. Tưởng nói đùa cho vui, không ngờ các cụ hưởng ứng và hỏi lại : Thế ông đã chuẩn bị được gì. Tôi trả lời đã chuẩn bị được nhiều thứ.
Ở quê tôi, khi bố mẹ ngoài 70, các con lo tìm gỗ tốt đóng cỗ hậu sự và tìm đất xây Quách. Các bạn tôi ở thành phố phần lớn đã mua được đất ở Công viên Vĩnh hằng, đã xây tường bao và thiết kế lăng mộ. Cả hai thứ đó tôi đều chưa có và thấy không cần chuẩn bị. Tôi mong ước thi hài được đốt. Tìm trong tro tàn, may ra có được một vài hạt cứng để cất riêng. Bỏ tro vào vài cái lọ, con cháu đặt đâu cũng được.
Bàn về các cụ, nghe đâu từ Câu lạc bộ Ba Đình có đưa ra phương châm : “Sống khỏe, chết nhanh. Ít của để dành. Nhiều người thương tiếc”. Phương châm này được nhiều người ca ngợi, truyền tụng, nhưng tôi chỉ tán thành được dưới 50%. Tôi hỏi: Có biết làm như thế nào để sống khỏe chết nhanh không. Nhiều cụ trả lời không biết, chỉ là mong đợi và nhờ Trời. Điều kiện “ Ít của đế dành, nhiều người thương tiếc” được nhiều cụ mơ ước thì tôi lại cho rằng đó là tâm lý quá tầm thường.
Trước hết bàn về Sống khỏe, sống vui, sống có ích. Nhiều cụ chăm lo luyện tập thân thể.Đó là việc tốt. Sẽ còn tốt hơn khi biết chăm lo đến đời sống tình cảm và tinh thần để có được trạng thái thoải mái. Biết quên đi tuổi tác và bệnh tật, xóa hết mọi lo lắng, thù hận, bỏ hết mọi tranh giành. Trả hết mọi nợ nần. Nợ có nhiều thứ. Nợ tiền bạc, nợ tình nghĩa, nợ dự định về công việc và mong ước , nợ vì đã phạm tội ác hoặc làm việc xấu xa v.v…
Để sống có ích, trước khi làm được những việc theo năng lực thì cần làm gương trong các vấn đề về giữ gìn nếp sống có văn hóa, có đạo đức, trung thực, tiếp đến là tránh được các thói xấu thường tình mà nhiều người dễ mắc phải, đó là sự áp đặt và tâm lý cam chịu. Tuổi già thường tự cho mình khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống nên hay áp đặt quan điểm cho con cháu dưới danh nghĩa dạy bảo. Việc này nếu làm không khéo dễ tạo ra mâu thuẩn giữa các thế hệ. Chỉ nên trình bày các điều hay lẽ phải để con cháu tham khảo mà không nên áp đặt, ngoài ra người già cũng cần tham khảo ý kiến của lớp trẻ.
Các cụ, phần đông thấy được các tệ nạn trầm trọng của xã hội, biết được nguyên nhân nhưng không dám nói ra, chấp nhận tình trạng cam chịu. Vì sao ?. Chủ yếu vì sợ. Thường thì không sợ cho bản thân mà sợ cho con cháu bị phân biệt đối xử. Các cụ không biết rằng nếu không cải thiện được tình hình mà cứ để kéo dài tình trạng như hiện nay, để đất nước rơi vào tình trạng Bắc thuộc, bị độc tài thống trị, thì rồi cháu chắt các cụ sẽ gánh chịu tai họa thảm khốc hơn. Tệ hơn khi các cụ ngăn cản hoặc khuyên bảo con cháu cũng cam chịu, không dám thực hiện tự do tư tưởng, chỉ tìm cách dối trá để tồn tại.
Nguy hơn nữa khi một số ít cụ khăng khăng giữ nguyên những nhận thức sai lạc, đã được tuyên truyền từ trên dưới nửa thế kỷ nay rồi vội vàng quy kết cho bạn bè, con cháu là phản động khi mới chỉ nghe nói người ta có ý kiến gì đó hơi khác. Nhiều cụ biết sự bế tắc của xã hội nhưng không muốn, không dám nghĩ tới việc phải làm lại theo hướng khác. Vì sao. Vì tiếc. Tiếc rằng thế hệ cha, anh và bản thân đã bỏ ra bao công sức và xương máu để tạo lập nên nó. Mặc dầu có được một ít thành quả thì bị bọn Lợi ích nhóm chiếm đoạt, nhưng nếu thấy sai mà bỏ đi thì vẫn cứ tiếc. Không tiếc cái hiện thực xã hội mà cứ tiếc cái công sức đã bỏ ra. Đó là một tâm lý vô cùng tai hại.
Bàn về chết nhanh.Trước hết cần có nhận thức : chết chưa phải là hết mà chỉ là chuyển giai đoạn, chuyển trạng thái. Không mong ước nhưng không sợ chết. Chết nhanh theo kiểu đột tử vì tai nạn hoặc tai biến thì khỏe cho người chết nhưng để lại một số khó khăn cho người thân, tránh được thì tốt. Chết chậm theo kiểu sống thực vật hoặc nằm liệt hàng năm thì khổ cho cả con cháu và bản thân. Cái chết đáng mong ước là có lý do chính đáng ví như hy sinh cho một việc cao cả, như bị bệnh mà bình thường khó chữa khỏi hoặc thân thể đã quá suy kiệt , khó hồi phục, là có chuẩn bị hoặc báo trước một thời gian vừa phải. Có chuẩn bị để người ra đi kịp dặn dò người ở lại, để bàn giao những điều cần thiết. Tôi đã chứng kiến khá nhiều trường hợp chết đáng mong ước như vậy và nghiên cứu các điều kiện để thực hiện được như vậy. ( còn tiếp ).