Tin Biển Đông – 11/06/2017
Tàu cảnh sát biển đưa ngư phủ Việt về nước
Hai tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 11/6 đã đưa 695 ngư dân Việt Nam cập cảng ở thành phố Vũng Tàu.
Nhiều cơ quan của Việt Nam, trong đó có đại diện Bộ Ngoại giao, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, đón gần 700 ngư phủ mới được Indonesia phóng thích trong đợt trao trả những người đánh bắt trái phép lớn nhất từ trước tới nay của nước này.
Theo VNA, hai tàu của cảnh sát biển Vùng 3 ở Vũng Tàu đã đưa hai tàu CSB 8001 và CSB 8005 sang quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất Đông Nam Á để đón các ngư dân Việt, và hai tàu đã khởi hành từ trưa ngày 9/6.
695 ngư dân trên đi đánh bắt trên 100 tàu từng bị Indonesia bắt tại vùng mà cơ quan chấp pháp nước này nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Họ là ngư phủ của 9 tỉnh Bà Rịa – VũngTàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Jakarta Post dẫn lời một quan chức địa phương cho biết rằng việc trao trả ngày 9/6 là “sáng kiến” của Indonesia vì “chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn”.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn một nghìn ngư dân Việt Nam được đưa về nước.
Indonesia từng đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có nhiều tàu Việt Nam, để cảnh cáo, nhưng theo chính quyền Jakarta, vẫn có nhiều tàu của ngư dân Việt Nam tới đánh bắt trái phép.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải “dạt” khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-canh-sat-bien-dua-ngu-phu-viet-ve-nuoc/3895782.html
Bộ Ngoại giao VN nói gì về gần 700 ngư dân được trả về?
Trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ “có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp” và “không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay dự kiến số ngư dân nêu trên sẽ về đến Việt Nam ngày 12/6.
Trước đó, truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
VN-Indonesia ‘tiếp cận ngoại giao’ vụ đụng độ trên biển
VN và Indonesia ‘điều tra về đụng độ’ trên biển
Tờ Jakarta Post hôm 9/6 cho hay, Chính phủ Indonesia bác việc hồi hương này là một phần của trao đổi với Việt Nam, nhằm thả các thuyền viên của một tàu tuần tra hàng hải của Indonesia mà báo này nói rằng đã bị Việt Nam “giữ làm con tin” sau vụ đụng độ trên biển hôm 21/5.
Eko Djalmo Asmadi, Tổng giám đốc Cơ quan Giám sát Ngư nghiệp và Tài nguyên Biển Indonesia (PSDKP) được báo này dẫn lời: “Việc hồi hương ngư dân Việt Nam hoàn toàn là sáng kiến của Indonesia vì chi phí ăn ở cho những người bị giam giữ quá lớn.”
Quan chức này cũng cho hay sau đợt trao trả này vẫn còn 198 ngư dân Việt Nam đang bị giam ở Batam vì họ phải trải qua quá trình pháp lý sau khi bị buộc tội đánh bắt cá bất hợp pháp.
Một số ngư dân đã bị giam giữ trong hai năm.
‘Đối xử nhân đạo’
Hôm 11/6, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời BBC qua email: “Liên quan đến vấn đề ngư dân bị các nước, trong đó có Indonesia bắt giữ, qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại xác minh rõ những thông tin liên quan, có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp.”
“Đồng thời, chúng tôi luôn đề nghị các nước khi xử lý ngư dân Việt Nam được xác định là vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo.”
“Việt Nam không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác được xác lập phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác phối hợp với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này”.
Bà Hằng không trả lời câu hỏi của BBC: “Phải chăng do ngư trường truyền thống cạn kiệt và do lệnh cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc nên khiến ngư dân Việt Nam phải tìm cách vào ngư trường các nước khác?”
Trước đó, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói các tàu cá Việt Nam bị chặn ở khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia, trong lúc Hà Nội nói các ngư dân đang trong vùng biển Việt Nam vào thời điểm xảy ra đụng độ hôm 21/5, Straits Times tường thuật.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia tuyên bố Việt Nam cầm giữ một viên chức Indonesia trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 ngư dân người Việt mà họ nói là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đã tuyên bố lệnh cấm đánh bắt kéo dài ba tháng, từ ngày 1/5, dài hơn 30 ngày so với năm trước, đồng thời hạn chế nhiều phương cách đánh bắt cá.
Lệnh cấm áp dụng ở Biển Đông, khu vực trên vĩ tuyến 12 dọc theo phía bắc đường xích đạo. Việt Nam, Đài Loan và Philippines tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực cấm đánh bắt.
Hồi tháng 5/2017, truyền thông Việt Nam đưa tin Bộ Nông nghiệp Việt Nam “đã gửi văn bản động viên ngư dân bám biển”.
“Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị,” theo báo Zing hôm 10/5