Bàn Tay Lông Lá Của Putin

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bàn Tay Lông Lá Của Putin

06/06/2017

Vũ Linh



…ông bà Clinton đi đọc diễn văn được Putin trực tiếp hay gián tiếp trả bao nhiêu tiền?…
Câu chuyện Nga tìm cách can dự khuynh đảo cuộc bầu cử tổng thống vừa qua mỗi ngày mỗi được phe Dân Chủ (DC) và truyền thông dòng chính (TTDC) bỏ thêm củi vào cho cháy lớn hơn. Như báo Washington Post đã nhìn nhận, đó là lý cớ duy nhất còn lại có thể diễn giải sự thất bại quá đau của ứng viên phe ta, không có cách nào bỏ qua được.
Việc Putin tìm cách thâm nhập vào phá rối cuộc bầu cử tổng thống vừa qua của Mỹ là chuyện đương nhiên, chẳng khiến ai ngạc nhiên, cho dù TTDC la hoảng một cách ngây thơ cụ, làm như chuyện kinh thiên động địa vô tiền khoáng hậu vậy.

Putin tìm cách thâm nhập có ba mục tiêu rõ rệt. Một là để lấy tin bí mật không khác gì mấy tay gián điệp lùng tin mật của đối phương. Hai là để quậy phá, xì ra công chúng tin bí mật bất lợi cho một ứng viên nào đó, hay bất lợi cho cả hai, tùy mưu đồ tính toán của Putin. Và ba là để tung tin thất thiệt hoả mù, xuyên tạc phá Mỹ vẫn bị Putin coi như kẻ địch, bất kể dưới tổng thống DC hay CH.
Việc lấy tin mật thì ta khỏi bàn vì chẳng biết Putin đã có lấy được tin mật nào chưa.
Vụ lấy tin trong emails để xì ra cho báo chí đánh phá, hay tung tin thất thiệt để quậy, đáng bàn hơn vì có nhiều triển vọng đã xẩy ra thật. Cho dù đến nay, vẫn chưa có cơ quan an ninh tình báo nào đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Những vụ hệ thống email của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC bị Nga thâm nhập, hay Wikileaks xì ra hàng loạt emails mật do Nga cung cấp, chỉ là những tố cáo của đảng DC và TTDC mà chưa ai thấy bất cứ bằng cớ nào.
Dù vậy, cẩn tắc vô ắy nắy, đây là việc chẳng những nên mà còn cần điều tra, ít ra cũng để biết Nga đã chui vào lấy tin bằng cách nào, thành công đến mức nào. Có biết thì mới có thể làm rào cản cho những lần tới, hay ngược lại có thể học mánh, thâm nhập vào các hệ thống của Nga lại.
Chuyện đáng nói là phe ta đã tung hỏa mù, biến câu chuyện Nga tìm cách thâm nhập vào các hệ thống emails để phá rối, thành một thứ thông đồng cấu kết, trao đổi gì đó của Putin với Trump để giúp Trump thắng cử. Hai chuyện khác nhau một trời một vực nhưng “phe ta” cố tình mập mờ đánh lận xào nấu hai chuyện vào làm một, với chủ ý biện giải thất bại của bà Hillary và hạ uy tín của TT Trump.
Cái đúng hiển nhiên là Nga đã cố tình tìm cách chui vào phá. Cái vu vơ không bằng chứng là Putin và Trump thông đồng với nhau để hạ bà Hillary.
Công bằng mà nói, nếu thật sự Trump đã thoả thuận, đổi chác gì đó với Putin thì đó là chuyện cho dù ủng hộ TT Trump, cũng khó có thể bào chữa. Cho đến nay, người ta chỉ thấy bàn về chuyện ông này gặp bà kia, nhưng vẫn chẳng có gì gọi là phạm pháp hay thông đồng hết.
Dù vậy, TTDC vẫn nằng nặc tố Putin hại bà Hillary để giúp Trump thắng cử. Họ giải thích tại sao Putin muốn hại bà. Số là trước đây khi bà còn làm ngoại trưởng và Putin tổ chức bầu bán, Putin đã công khai tố cáo bộ Ngoại Giao của bà Hillary thâm nhập phá rối bầu cử Nga, tung nhiều tin xuyên tạc bất lợi cho Putin, ám chỉ Putin độc tài, cấu kết mánh mung với Medvedev để nắm quyền vĩnh viễn,… Do đó, bây giờ Putin đáp lễ lại. Dĩ nhiên là Mỹ khi đó đã tìm đủ cách gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử của Nga, chuyện bình thường trong cuộc chiến ngầm giữa hai đại cường. Đó là lý cớ đầu tiên bà Hillary đưa ra để giải thích sao Putin lại chống bà.
Bằng chứng thứ nhì do bà Hillary đưa ra là bà cho rằng Putin không am tường kỹ thuật tranh cử Mỹ, không biết gì nhiều về cử tri Mỹ, nhưng những tấn công của Putin đã rất hiệu quả qua việc lựa tin bất lợi cho bà để xì ra đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách. Như vậy chỉ có thể là nhờ sự thông đồng hợp tác của các chuyên gia tranh cử Mỹ trong ban vận động của ông Trump. Vẫn chỉ là chuyện suy diễn mà không có bằng chứng cụ thể nào hết.
Rồi chính bà Hillary lại nói ngược lại ngay sau đó khi bà cho là toàn bộ cuộc tấn công được chỉ đạo bởi các chuyên gia siêu đẳng của GRU, là hậu thân của KGB, cơ quan tình báo, an ninh, phản gián của Liên Bang Xô Viết. Đoạn trên nói chuyên viên Nga không biết gì, phải nhờ chuyên gia của Trump. Đoạn sau lại nói chuyên viên Nga là siêu nhân, chỉ đạo hết. Thế thì tóm lại đâu là sự thật?
Nhìn vào danh sách bà Hillary cho là những yếu tố khiến bà thất bại, ta thấy rất vui mắt, nhưng rất lạ lùng. Hình như ta đang đi xem đại nhạc hội, thấy danh sách tất cả mấy chục ca sĩ phụ, nhưng ca sĩ chính thì không thấy tên ở đâu hết.
Đây là danh sách sơ khởi những lý do khiến bà Hillary thất bại, theo như bà Hillary diễn giải: Putin thông đồng với CH để phá, Wikileaks thông đồng với Nga để xì tin nội bộ bất lợi cho bà Hillary, GĐ Comey xì tin điều tra lại, CH trong quốc hội liên tục đòi điều tra đủ chuyện về bà Hillary, truyền thông chú tâm quá nhiều vào hệ thống email riêng của bà, ngay cả các dữ liệu thống kê của Ủy Ban Quốc Gia của DC cũng sai bét, chỉ hại bà chứ chẳng giúp gì, dân Mỹ vẫn còn kỳ thị phụ nữ, rồi cử tri của bà cũng ỷ y bà sẽ thắng, nằm nhà không đi bầu. Đại khái, lỗi của tất cả thiên hạ, ngoại trừ chính bà. Không thấy có ca sĩ chính, Hillary Clinton đâu. Mỹ gọi đây là nguyên tắc ABC: Anybody But Clinton!
Thực tế giản dị hơn nhiều. Bà thất cử vì dân Mỹ bác bỏ một tiếp nối của chính sách cấp tiến thất bại của TT Obama và vì bà Hillary là một ứng viên vừa dở vừa quá nhiều tỳ vết.
Trong bản phân tách –hay phân trần thì đúng hơn- của bà Hillary, chẳng ai thấy chuyện bà xử dụng bất hợp pháp hệ thống emails riêng, nếu không thì làm gì có điều tra và GĐ Comey phá? Cũng chẳng ai thấy bà nhắc nhở đến cái Quỹ Clinton Foundation kiếm bạc tỷ giúp bà mua ảnh hưởng, và nuôi dưỡng đàn em. Hay những bài diễn văn mang lại cho bà bạc triệu, hay cả chuỗi xì-căng-đan bà mang theo từ những ngày còn ở Arkansas. Hay tình trạng sức khỏe của bà. Hay những sai lầm trong kỹ thuật tranh cử khi bà đi lùng phiếu không đúng chỗ. Hay những xung khắc nội bộ, đấm đá lẫn nhau trong đám phụ tá của bà Hillary mà cuốn sách “Shattered” vừa mới xuất bản kể lại rất rõ [Những độc giả có hứng thú nên tìm mua cuốn sách này của hai nhà báo cấp tiến kỳ cựu, rất thân cận với bà Hillary, Jonathan Allen và Amie Parnes. Hai vị này viết sách với dụng ý bào chữa cho bà Hillary, đổ lỗi lên đám phụ tá của bà].
Người ta có cảm tưởng bà Hillary bị mù quáng vì tham vọng cá nhân và tính tự kiêu, tự mãn, không còn đủ sáng suốt để nhận định chính những điểm yếu cơ bản của bà đã khiến bà thất bại, cử tri mất niềm tin nơi bà. Họ thà thử lửa với ông thần Trump còn hơn là trao Toà Bạch Ốc cho một người đã có quá nhiều hành trang mà hai phần ba dân Mỹ cho là bà không đáng tin tưởng.
Câu chuyện Nga can dự cũng được hệ thống “chính quyền ngầm” –deep state- tức là đám công chức của Obama còn xót lại làm gián điệp xì cho TTDC những tin mật để đánh Trump, lẫn lộn tin phịa, tin thật nhưng bị bóp méo, pha mắm thêm muối. Đặc biệt là những chuyện TT Trump và các phụ tá gặp quan chức Nga.
Nhiều nhà báo phe ta so sánh chuyện TT Trump tiết lộ bí mật an ninh quốc gia cho quan chức Nga với việc bà Hillary bị đòi bắt nhốt “Lock her up” để hỏi phe CH sao không đòi bắt nhốt Trump? Cũng vẫn chỉ là bóp méo, xuyên tạc.
Trước hết, chưa ai thấy bằng chứng nào TT Trump đã tiết lộ bí mật an ninh quốc gia nào cho ai hết. Đã vậy, bà Hillary bị phe CH đòi bắt nhốt không phải vì đã tiết lộ tin bí mật gì cho Nga. FBI đã xác nhận không có triệu chứng gì Nga hay bất cứ ai khác, đã thâm nhập vào hệ thống email riêng của bà, tuy FBI nhìn nhận họ có khả năng làm được việc này. Cái mà bà Hillary bị coi như có tội, đáng bị nhốt là bà đã vi phạm luật của chính phủ cấm nhân viên không được xử dụng hệ thống emails riêng khi trao đổi tin tức quốc sự, là bà đã nói láo với FBI đủ chuyện, là bà đã tự ý xoá hơn ba chục ngàn emails mà không ai biết trong đó có gì. Đây chính là những tố cáo của giám đốc FBI khiến bà Hillary cho đến giờ này vẫn còn trách cứ ông Comey là người chịu trách nhiệm làm bà thất cử.
Bàn về cuộc họp mật giữa TT Trump với ngoại trưởng Nga, trong đó, các ký giả đều không được tham dự -chuyện bình thường chẳng gì lạ-, có một nhà báo tỵ nạn “phe ta” sao y bản chính của TTDC phạng ngay “những tay bình luận bảo thủ cực đoan cũng khó lòng bênh vực cho việc TT Trump ngăn cấm không cho báo giới Mỹ được tham dự mà lại để cho các phóng viên của đài truyền hình Nga được độc quyền khai thác”. Lại một fake news! Không hiểu sao “phe ta” lúc nào cũng sẵn sàng cả lô fake news để tung ra, coi thiên hạ như ngu ngơ hết?
Số là sau cuộc họp, thông tấn Tass của Nga đăng lại hình và viết phóng sự về cuộc họp vì có một phóng viên của Tass tham dự buổi họp. Trong phái đoàn Nga, có một quan chức bộ Thông Tin Nga đồng thời cũng là nhà báo làm việc với Tass là cơ quan thông tấn chính thức của Nga. Việc Nga có quan chức cũng là nhà báo luôn chẳng có gì ghê gớm vì tổ chức truyền thông Nga khác xa Mỹ. Chính phủ Mỹ không có cơ quan thông tấn chính thức trong khi Tass là cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Nga. Anh chàng Nga này tham dự với tư cách công chức trong phái đoàn quan chức Nga, không phải là nhà báo, chính phủ Mỹ lấy lý do gì cấm anh ta tham dự?
Chỉ là MỘT anh nhà báo của Tass có mặt trong buổi họp dưới danh nghiã quan chức trong phái đoàn Nga, nhưng bóp méo và phóng đại thành “cấm nhà báo Mỹ rồi dành cho CÁC phóng viên truyền hình Nga độc quyền khai thác”. Bình luận dựa trên tin phiạ thì không còn ý nghiã gì nữa.
Trong toàn bộ câu chuyện, có một điểm đáng quan tâm hết sức: đó là sự lớn mạnh của Putin và đế quốc Nga, vì đây mới chính là mối lo lớn nhất.
Phải nói cho ngay, sự phục hồi của đế quốc Nga dưới sự lãnh đạo của Putin là một phép lạ không hơn không kém, cho dù được Mỹ giúp đỡ không ít.
Năm 2000, TT Yeltsin rời chính trường, trao vận mạng nước Nga cho tân thủ tướng Vladimir Putin vừa mới được ông bổ nhiệm vài tháng. Cả thế giới ngơ ngác, chẳng ai biết ông Putin là ai, có quan điểm chính trị và kinh nghiệm ra sao, ngoại trừ ông là cựu đại tá KGB. Gia tài Yeltsin để lại là một nước Nga tan hoang. Chính trị phá sản với sự xụp đổ toàn diện của chế độ cộng sản và sự tan vỡ của Liên Bang Xô Viết thành cả chục mảnh. Kinh tế khủng hoảng trầm trọng sau những cải cách tư hữu hoá hỗn độn đưa đến tình trạng khánh tận cả nước. Ngoài nước thì uy tín và ảnh hưởng của Nga tiêu tan sau khi chủ nghiã cộng sản xụp đổ, và nhất là sau khi Nga mất hết khả năng viện trợ kinh tế hay quân sự, nuôi dưỡng cho các nước nhược tiểu chư hầu.
Chưa đầy hai chục năm sau, Putin đã mang thế cường quốc hàng đầu lại cho Nga.
Con đường của Putin đi qua bốn bước chính:
1. Mánh mung để củng cố quyền hành chính trị. Putin thông đồng với một tay em, Medvedev, thay phiên nhau làm tổng thống và thủ tướng, nắm quyền tuyệt đối liên tục từ gần 20 năm qua. Theo cách này, sau khi Putin hết nhiệm kỳ năm 2018 [mỗi nhiệm kỳ tổng thống Nga là 6 năm, có thể ra tranh cử lại, nhưng không được làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tục] thì chắc chắn ông sẽ ra tranh cử và lại thắng lớn nữa. Đến năm 2024, ông mãn nhiệm kỳ không được ra tranh cử nữa, nhưng có nhiều triển vọng Medvedev sẽ ra tranh cử và nắm quyền trong 12 năm sau, với Putin làm thủ tướng, ít nhất cho đến năm 2036. Chưa kể việc ông lại có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2036 nữa.
2. Phục hồi kinh tế. Putin cho rằng Yeltsin đã bán đổ bán tháo, tẩu tán tài sản quốc gia một cách vô lý trong kế hoạch tư hữu hoá các công ty quốc doanh. Chẳng hạn như đại công ty dầu hỏa lớn nhất, trị giá ước lượng 20 tỷ đô được bán với giá 150 triệu đô, chưa đủ tiền mua một dàn khoan dầu. Putin tìm cách thu lại những tài sản đó bằng cách kiếm cớ bắt giam chủ mấy công ty đó bằng những tội dàn dựng, phần lớn là chuyện trốn thuế, đưa ra tòa, kết án nặng kèm theo tịch thu tài sản. Hàng loạt đại công ty trở về sở hữu Nhà Nước.
3. Tái xây dựng lại Liên Bang Xô Viết. Putin cố bành trướng thế liên minh với các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ, không liên minh được thì thẳng tay xâm chiếm như chiếm Georgia và Crimea.
4. Ra ngoài nước. Bắt đầu bành trướng thế lực ra ngoài biên cương như tích cực can dự vào cuộc chiến Syria, rồi mon men thâm nhập phá bầu cử Mỹ, rồi Pháp luôn. Kết liên minh với Trung Cộng.
Thật ra, con đường trần ai này của Putin đã được Mỹ giúp khá nhiều. Dưới thời TT Bush, vì nhu cầu tìm đồng minh chống khủng bố Hồi giáo cũng như tìm căn cứ không quân gần Afghanistan và Iraq, TT Bush kết thân với Putin, nhắm mắt để Putin củng cố rồi bành trướng thế lực trong nước. Qua thời TT Obama thì vì chính sách đối ngoại mềm yếu đến nhu nhược của ông này, Putin đánh chiếm Georgia và Crimea mà TT Obama vẫn ngó lơ, chỉ trừng phạt kinh tế tượng trưng, chẳng chết ai, rồi Nga tràn qua Trung Đông cứu giúp đồ đệ, TT Assad của Syria.
Có một chuyện khó nhịn cười được. Trong con mắt của đảng DC và TTDC, Nga bây giờ là một thứ kẻ thù sống chết không đội trời chung, một thứ ác quỷ đang tìm đủ cách tiêu diệt Mỹ. Chiến tranh lạnh Nga-Mỹ của nửa thế kỷ trước bây giờ vẫn sống nhăn và lại rất khỏe mạnh.
Hình như chẳng ai còn nhớ lại chuyện tranh cử tổng thống năm 2012. Khi được hỏi ai là kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ, thống đốc Romney trả lời ngắn gọn “Nga”. Toàn thể khối TTDC lăn ra cười, chọc quê, đồng thanh tương ứng với TT Obama khi ông này cười khẩy, miả mai “ông thống đốc ơi! Lai tỉnh lại đi! Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ hơn hai chục năm rồi ông ơi!”
Có hai giả thuyết: một là TT Obama khi đó nói mà không biết mình nói gì, hai là nhờ chính sách ngoại giao nhũn hơn con chi chi của TT Obama và nhờ cái bật máy lại -reset- của bà ngoại trưởng Hillary nên đế quốc Nga đã sống lại và trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất như thống đốc Romney đã nhận định.
Tất cả câu chuyện Putin thông đồng với Trump cho đến nay chỉ là sản phẩm của TTDC khua chiêng trống để đánh phá TT Trump mà tuyệt đối chẳng có bằng chứng gì hết. Cựu giám đốc CIA của TT Obama, ông John Brennan, đã công khai điều trần trước quốc hội, xác nhận ông đã không thấy có bất cứ dấu vết nào về sự thông đồng này. Không cần biết, TTDC vẫn cứ mỗi ngày lại tung cái mà họ gọi là bom –bombshell- để gây hoang mang, tai tiếng cho TT Trump và các phụ tá của ông. Hôm nay thì ông phụ tá này gặp ngoại trưởng Nga, hôm sau thì ông phụ tá nọ nhận tiền của đại sứ Nga, v.v…
hưng cũng vẫn chỉ là những tố giác không bằng chứng.
Điều tra sự can dự của Nga là chuyện cần thiết và chính danh, vì quyền lợi của tổ quốc, bất kể đảng phái, mà không ai có thể phản đối được. Ngay cả TT Trump cũng đã tuyên bố ông cũng rất thắc mắc muốn biết Nga đã làm trò trống gì nên không phản đối việc điều tra sự can dự của Nga. Nhưng với ba điều kiện rõ ràng:
– Điều tra cần phải giới hạn vào việc Nga can dự vào bầu cử, chứ không thể lan man qua những chuyện giời ơi đất hỡi như cách đây 30 năm, doanh gia Trump bán cho tài phiệt Nga một cao ốc nào đó.
– Cho công bằng, thì cũng phải nhìn kỹ xem Putin đã có quan hệ nào với bà Hillary và ban vận động của bà trong kỳ bầu cử vừa qua, là điều chắc chắn đã có. Một chính trị gia ma đầu như Putin không ngu dại gì đánh cá trên một con ngựa Trump. Các emails của DC bị xì ra do Putin hay từ nội bộ ban vận động của bà Hillary? Cái Quỹ Clinton Foundation đã nhận được bao nhiêu tiền từ Nga, trực tiếp hay gián tiếp? Hai ông bà Clinton đi đọc diễn văn được Putin trực tiếp hay gián tiếp trả bao nhiêu tiền?
– Đi xa hơn nữa, cũng cần phải điều tra những tin thất thiệt do hệ thống “chính quyền ngầm” tung ra là từ đâu, ai tung ra?
Thôi thì ta đành chờ xem ông công tố đặc biệt Mueller tìm ra chuyện gì, xem ông ta có công tâm không, rồi tính sau. (04-06-17)
Vũ Linh
(theo Việt Báo)