Tin Việt Nam – 09/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/06/2017

Campuchia buộc hồi hương 16 người Thượng Việt Nam

Mười sáu người Thượng, từ Tây Nguyên Việt  Nam trốn sang Campuchia xin tị nạn, bị trả về nước vì không hội đủ điều kiện và bằng chứng để xin được tị nạn.

Ông Tan Sovichea, phát ngôn nhân Cơ Quan Di Trú  trực thuộc Bộ Nội Vụ Campuchia vào ngày 8 tháng 6, cho ban phát thanh tiếng Khmer đài Á Châu Tự Do biết chính phủ Campuchia không trục xuất 16 người Thượng này, việc trở về là do họ tự nguyện và được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh sắp xếp với bên Việt Nam sau khi xét thấy họ không hội đủ điều kiện để được cấp giấy tị nạn.

Vẫn theo lời phát ngôn nhân Tan Sovichea, tất cả 16 người được  giới hữu trách Campuchia và các ủy viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tháp tùng cho đến khi họ  được giao trả tận tay phía tiếp nhận bên Việt Nam. Ông nói khi đến biên giới thì những người Campuchia sẽ quay về Phnom Penh, còn nhân viên Cao Ủy có thể đi cùng những người Thượng hồi hương về đến nguyên quan bên Việt Nam.

Chưa có được lời bình luận nào từ phía văn phòng UNHCR ở Campuchia.

Đây không phải lần đầu tiên người Thượng Tây Nguyên chạy sang Campuchia bị buộc hồi hương. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch và  Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi ở Thái Lan từng khuyến cáo là người Thượng trở về đã bị  nhà cầm quyền Việt Nam trừng phạt bằng cách theo dõi, cô lập và không được tự do đi lại hay làm việc.

Từ năm 2001 khoảng trên dưới 3.000 người Thượng băng rừng chạy sang Campuchia với lý do được họ cho biết nhằm tránh bị đàn áp sau những cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai và đòi tự do thờ phượng tại quê nhà họ ở khu vực Tây Nguyên.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền Campuchia khi đó phối hợp giúp đỡ cho người Thượng được đi định cư ở một quốc gia thứ ba. Hoa Kỳ đã chấp nhận cho định cư một số lớn người Thượng  từ năm 2003.

Sau đó nhiều nhóm nhỏ người Thượng tiếp tục chạy sang Campuchia hay Thái Lan để xin tị nạn trong điều kiện càng ngày càng  khó khăn hơn. Một số đã được trả về Việt Nam trong những năm qua.

Đầu năm 2017, khoảng 50 người Thượng từ Campuchia chạy sang Thái Lan xin tị nạn, nói rằng họ sợ bị trả về Việt Nam và bị nhà nước trừng phạt vì tội vượt biên. Hiện khoảng 250 người Thượng đang ở Thái Lan dưới sự giúp đỡ của Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi ở Bangkok.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/sixteen-montagnards-deported-fr-cbd-after-failed-asylum-appeals-06092017090018.html

 

Mỹ tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam

Chính phủ Hoa Kỳ vừa chính thức tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một trường đại học tự trị, phi lợi nhuận và theo mô hình giáo dục của Mỹ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

Cùng lúc, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO của Ngân hành ANZ, thay cựu Thượng nghị sị Mỹ Bob Kerrey, làm Chủ tịch FUV.

Đại sứ Mỹ Ted Osius công bố khoản tài trợ trị giá 7.2 triệu đô do Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp cho FUV trong ba năm tại một buổi lễ tổ chức ở Trung tâm Hoa Kỳ, tp. HCM hôm 6/6. Khoản tài trợ này sẽ giúp FUV xây dựng chính sách tuyển sinh, các thủ tục hỗ trợ tài chính và học bổng, cũng như mở rộng số lượng sinh viên, theo FUV.

Tại buổi lễ, Đại sứ Ted Osius phát biểu: “Đây là khoản tài trợ đầu tiên của USAID dành cho FUV, một sự khẳng định cam kết của USAID hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục đại học…Khoản tài trợ sẽ giúp đảm bảo những sinh viên xuất sắc nhất của Việt Nam có thể theo học tại FUV, cho dù họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế – xã hội nào.”

Đại sứ Osius cũng trao quyết định tài trợ 8.3 triệu đô la Mỹ của Vụ Văn hoá và Giáo dục (ECA) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Khoản tài trợ này sẽ được tháo ngân thông qua Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston và chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển FUV.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng tài trợ để phát triển Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của FUV trong hơn hai mươi năm qua.

Khoản tài trợ mới tái khẳng định cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ đối với sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam.

Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại buổi lễ:

“Chúng tôi rất vinh dự được nhận những khoản tài trợ này từ chính phủ Hoa Kỳ. Đây là sự ủng hộ quan trọng cho sự phát triển của FUV vào giai đoạn đầu có ý nghĩa then chốt này. Chúng tôi mong đợi tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác này khi chúng ta viết tiếp chương mới cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.”

Đại sứ Osius nói Hoa Kỳ lấy làm tự hào về vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam nhưng ông nhấn mạnh rằng “sự thành công của trường đại học này sau cùng sẽ phụ thuộc vào người dân và xã hội Việt Nam trong việc khởi xướng và cổ xuý cho những lý tưởng mà trường đại diện.”

Ông nói FUV cần sự ủng hộ của cả cộng đồng để có thể trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới, đáp ứng kỳ vọng và khát khao tri thức của các thế hệ sinh viên Việt Nam tương lai.

Báo Thanh Niên hôm 9/6 trích lời bà Đàm Bích Thuỷ cho biết việc tuyển sinh sẽ bắt đầu từ tháng 7, khởi đầu bằng ngành học chính sách và quản lý công ở bậc cao học. Chương trình cử nhân sẽ bắt đầu vào mùa thu 2018.

Bà Bích Thủy cho biết: “Chúng tôi sẽ tuyển 60 bạn và tất cả đều sẽ được cấp học bổng toàn phần. Chúng tôi vừa nhận được 2 khoản tài trợ đầu tiên của chính phủ Mỹ, tổng trị giá 15,5 triệu USD, trong đó một phần sẽ được dành để cấp học bổng.”

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư độc lập kiểu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, ông Bob Kerrey, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV. Nhưng tháng 5 vừa rồi, ông Bob Kerry âm thầm rút lui khỏi vị trí này. Trang mạng Counterpunch.org. cho biết lý do là vì quyết định bổ nhiệm ông gặp nhiều chỉ trích ở Việt Nam.

Đầu năm 2017, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn tuyên bố Việt Nam không tán thành quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey vì những tranh cãi liên quan tới vai trò của ông Kerry, dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong tuần qua, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO Ngân hàng ANZ, được giao chức Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam thay thế ông Bob Kerry. Trước đó bà Thủy giữ chức Hiệu trưởng đồng thời là thành viên sáng lập FUV.

Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 24/5/2016, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Barack Obama, nói trường đại học Fulbright Việt Nam là “một dấu son trong tiến trình hoà giải và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Nhiều trí thức Việt Nam chào đón sự ra đời của trường đại học Fulbright như một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hoá ngành giáo dục đại học Việt Nam. Người ta hy vọng, với FUV, một tầng lớp trí thức mới sẽ được đào tạo một cách bài bản để có thể góp một bàn tay xây dựng đất nước.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tai-tro-15-trieu-dola-cho-dai-hoc-fulbright-vietnam/3893695.html

 

Lãnh đạo tỉnh muốn có cảnh vệ:

Thêm tín hiệu về bất ổn xã hội

Đề xuất của nhiều lãnh đạo tỉnh cần có cảnh vệ đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận với nhiều ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ bất ổn xã hội đã tăng lên một mức mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Võ Trọng Việt, nêu lên đề xuất này từ nhiều tỉnh thành tại một buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cảnh vệ hôm 6/6. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng lo ngại về sự bất tín của lãnh đạo với người dân và đặt ra những câu hỏi về sự an toàn của xã hội Việt Nam hiện nay.

“Tại sao những người đó phải có cảnh vệ? Nếu như trong một đất nước an bình và bình yên thì những chức vụ đó làm gì phải cần cảnh vệ. Nó thể hiện rằng một đất nước không hòa bình, không bình an thì mới phải như vậy.”

Trần Thu Nam, Luật sư

Trong cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về những đối tượng sẽ được đưa vào danh sách cần sự bảo vệ của cảnh vệ quốc gia. Theo dự thảo luật được truyền thông trong nước đưa tin, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của đảng, nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, có những đại biểu đề nghị đưa vào danh sách này những vị trí ở mức thấp hơn như người đứng đầu các tòa án và các tỉnh.

“Sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ,” ông Võ Trọng Việt được báo chí trong nước dẫn phát biểu.

Theo TuoiTreNews, sự việc mà ông Việt đề cập đến tại Quốc hội là vụ án mạng xảy ra ở Yên Bái vào năm ngoái khi Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắn chết Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh này trước khi tự sát.

Đề xuất vừa kể, theo luật sư Trần Thu Nam, cho thấy “một sự bất ổn trong xã hội.”​

“Tại sao những người đó phải có cảnh vệ? Nếu như trong một đất nước an bình và bình yên thì những chức vụ đó làm gì phải cần cảnh vệ. Nó thể hiện rằng một đất nước không hòa bình, không bình an thì mới phải như vậy.” Luật sư Nam nói “Đã có những cơ quan sẵn có rồi, mỗi tỉnh đều có công anh tỉnh. Chả lẽ những cơ quan hiện có tại sao không đáp ứng được yêu cầu về anh ninh mà lại phải lập thêm vấn đề cảnh vệ cho từng chủ tịch tịch hoặc bí thư tỉnh.”

“Không bảo vệ nào bằng sự bảo vệ của nhân dân, muốn vậy thì các vị phải đúng là Đại biểu của dân, do dân bầu ra, vì dân mà phục vụ…một cách đúng nghĩa.”

Hong Le Nguyen, Facebooker

Theo chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ là những người “chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm đến rất nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm.”

Vào tháng 3 năm nay, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị đe dọa sau khi quyết định phát động chiến dịch ngăn chặn nạn khai thác cát sông bất hợp pháp ở tỉnh này.

Một đại biểu của Hải Phòng được báo điện tử VnMedia trích lời tại buổi hội thảo của Quốc hội rằng “Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng chí này thì ảnh hưởng nghiêm trọng địa phương, anh ninh trật tự chung của cả nước.”

“Bây giờ quan chức rất bất an, bất ổn. Trước vụ Yên Bái thì họ sợ ngầm nhau. Sợ ngấm ngầm mà chưa bộc lộ ra. Còn sau vụ Yên Bái nỗi sợ hãi trong nội bộ đã bộc lộ ra hẳn.”

Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập

Dư luận xã hội cho rằng đề xuất này cho thấy các lãnh đạo, ngay cả cấp tỉnh, cũng đang “sợ dân”. Một người dùng mạng xã hội có tên Loi Dai phản hồi về bài viết của báo Tiền Phong trên Facebook rằng “Nếu ai cũng chính trực đàng hoàng cần gì phải cảnh vệ”. Một Facebooker khác có tên Hong Le Nguyen bình luận “Không bảo vệ nào bằng sự bảo vệ của nhân dân, muốn vậy thì các vị phải đúng là Đại biểu của dân, do dân bầu ra, vì dân mà phục vụ…một cách đúng nghĩa.”

Minh chứng cho lập luận rằng các cấp lãnh đạo đang “run sợ,” nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ về trường hợp một quan chức cấp tướng phải huy động một trung đội công binh để mở một gói quà mà ông nghi rằng có bom hoặc mìn trong khi đó chỉ là một chiếc bánh trung thu.

Nhiều người khác cùng tham gia bình luận đều có chung ý kiến rằng nếu các lãnh đạo trong sạch, làm việc vì dân, không vụ lợi, thì không cần đến sự bảo vệ nào.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “trước đây quan chức sợ dân, nhưng từ sau vụ (sát hại ở) Yên Bái thì quan chức sợ nhau.”

“Thực ra không biết nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ nào nhưng quả là bây giờ quan chức rất bất an, bất ổn.” Nhà báo Dũng nói “trước vụ Yên Bái thì họ sợ ngầm nhau. Sợ ngấm ngầm mà chưa bộc lộ ra. Còn sau vụ Yên Bái nỗi sợ hãi trong nội bộ đã bộc lộ ra hẳn.”

Giám đốc Công an Nghệ An và đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói với Tiền Phong bên lề cuộc hội thảo hôm 6/6 rằng ông cũng không đồng tình với việc đề xuất bảo vệ lãnh đạo tỉnh ở cấp quốc gia vì “cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn.”

Luật sư Trần Thu Nam đồng tình với quan điểm đó vì “càng nhiều cảnh vệ thì càng bất ổn và càng bất ổn thì càng tăng cường cảnh vệ – đó là một vấn đề tỷ lệ thuận với nhau giữa bất ổn và cảnh vệ.”

Phân tích sự yếu kém trong điều hành của đảng dẫn tới xã hội bất ổn, thành viên Hội Nhà báo Độc Lập, Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh “sự bất ổn đó là từ trong nội bộ đảng, lấy xã hội ra làm bình phong che chắn.”

Kinh tế, tài chính, môi trường và nhân quyền là những vấn đề lớn góp phần gây bất ổn xã hội tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nợ công của Việt Nam đã vượt ngưỡng cho phép 65% GDP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận điều này hồi đầu năm nay. Nợ xấu tại Việt Nam, qua số liệu thống kê, tăng cao đột biến 5 năm gần đây, hiện ở mức 600.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra từ tháng 4 năm ngoái vì cách giải quyết của chính quyền đối với thảm họa Formosa. Nhiều nhà hoạt động vì môi trường đã bị đàn áp và bắt giam.

Ngoài những bất ổn trong xã hội, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “đến cả đảng bây giờ cũng bất ổn.” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm đã đề cập đến sự tồn vong của đảng và “sự tồn vong đó sắp đến” với sự bất ổn tăng cao, theo phân tích của nhà quan sát này.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-tinh-muon-co-canh-ve-them-tin-hieu-ve-bat-on-xa-hoi/3893323.html

 

Thanh tra “siêu dinh cơ” giám đốc Sở TN-MT Yên Bái

Thanh tra tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định hôm 9/6 về việc thanh tra đất đai, việc cấp phép và xây dựng ‘siêu dinh cơ’ đối với gia đình bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái.

Báo trong nước cùng ngày loan tin cho biết các đối tượng bị thanh tra bao gồm UBND TP. Yên Bái, bà Hoàng Thị Huệ và các cơ quan liên quan. Thời gian thanh tra được nói là từ năm 2015 trở lại đây, thời hạn là 45 ngày và nội dung thanh tra không giới hạn trong quyết định.

Cũng theo quyết định, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các cơ quan báo chí không đưa tin về vụ việc trên trong thời gian này để việc thanh tra được hiệu quả, nói thêm rằng sẽ được công bố với báo chí khi có kết quả.

Xin được nhắc lại, mấy ngày nay dư luận xôn xao về quần thể biệt thự sang trọng trên khu đất rộng 13.000 m2 vốn là đất rừng và nuôi trồng thủy sản thuộc gia đình ông Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái.

Trong một diễn biến khác có liên quan, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Sơn ngày 9/6 đã yêu cầu Chính phủ giải trình vấn đề các lô đất được gọi là ‘vàng’ thế nhưng bị định giá thấp rồi sau đó bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không rõ nguyên nhân.

Ngày 9 tháng 6 cũng là hạn chót 45 ngày điều tra vụ đất đai ở Đồng Tâm mà chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hứa với dân địa phương. Vụ việc được nhiều người biết đến khi dân làng Đồng Tâm bắt giữ cán bộ, cảnh sát cơ động và đến khi chủ tịch Nguyễn Đức Chung trực tiếp về làng đối thoại thì dân mới thả người bị giữ ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/decision-to-investigate-villa-of-yenbai-head-dep-of-envi-natural-resources-06092017084424.html

 

Đề nghị điều tra vụ tàu vỏ thép kém chất lượng

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho hay là tỉnh này đang đề nghị Bộ công an điều tra việc đóng tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân kém phẩm chất.

Ông Châu nói như vậy trong phát biểu kết luận cuộc họp chuyên đề về việc đóng tàu vỏ thép, còn gọi là tàu 67 theo nghị định định số 67 của chính phủ ban hành hồi năm 2014.

Cuộc họp do tỉnh Bình Định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng phối hợp tổ chức tại thành phố Qui Nhơn.

Theo báo chí Việt Nam thì có nhiều ngư dân đến tham dự cuộc họp này. Và theo số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định thì có đến 18 chiếc tàu đánh cá vỏ thép bị hư hỏng.

Theo các ý kiến đưa ra tại hội nghị thì nguyên nhân của việc tàu vỏ thép mới đóng đã bị hư là do nhà sản xuất thay thép Nhật Bản, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc chất lượng xấu hơn, máy tàu cũng không đúng loại Mitshubishi được qui định theo thiết kế, nguyên nhân thứ hai là ngư dân chưa quen thuộc với loại tàu này nên không kiểm tra được chất lượng khi xuất xưởng.

Theo nghị định 67 thì ngư dân sẽ được tạo điều kiện dễ dàng khi vay tiền ngân hàng, đầu tư cho các tàu đánh cá bằng vỏ bằng thép. Mục tiêu tàu có thể chống chịu tốt hơn, nhất là khi xảy ra va chạm hay bị tàu Trung Quốc truy đuổi khi đánh bắt tại ngư trường Biển Đông.

Tuy nhiên trong thời gian qua có nhiều tàu đánh cá do hai công ty Nguyên Dương và Nam Triệu của tỉnh Bình Định đóng bị hư hỏng khi mới chỉ được đưa vào sử dụng.

Theo lời thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám thì hai công ty này phải chịu trách nhiệm chính. Ông Tám cũng cho biết là ông đề nghị tỉnh Bình Định thẩm tra toàn bộ 18 con tàu bị hư.

Cũng xin nhắc lại là sau khi vụ việc tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng, nhiều ngư dân đã làm đơn kiến nghị tỉnh Bình Định kiểm tra tàu của họ, nhưng sau đó, theo báo chí Việt Nam, đã có một số ngư dân rút tên, không rõ vì bị tác động từ đâu.

Và cũng xin nói thêm là hôm 8 tháng 6, trong ngày họp đầu tiên về vụ tàu 67, các cơ quan báo chí đã không được tham dự.

Cũng liên quan đến ngư dân Việt Nam, một chiếc tàu đánh cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH-04500 bị một tàu lạ đâm chìm vào ngày 7 tháng 6 tại vùng biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách bờ chỉ có 15 hải lý.

Chiếc tàu Việt Nam bị chìm cùng toàn bộ dụng cụ đánh cá. Ba ngư dân trên tàu thì may mắn được một chiếc tàu đánh cá của tỉnh Phú Yên cứu thoát.

Theo ông Trương Minh Hội chủ tàu KH-04500 thì chiếc tàu lạ sau khi đâm chìm tàu ông đã bỏ đi mà không cứu các ngư dân, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết về con tàu tấn công tàu của ông, chỉ biết là nó có cùng kích thước với tàu KH-04500.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/failed-steel-boat-case-to-be-investigated-06092017083609.html

 

Có gì sau những tượng đài nghìn tỉ?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Những công trình kiến trúc hay tượng đài lịch sử hàng trăm đến hàng ngàn tỷ Đồng mà Việt Nam cho phép xây lên tại các tỉnh thành trong nước, không chỉ được báo chí lề phải khai thác mà còn là đề tài chỉ trích trên các trang mạng xã hội.

Xã hội hóa hay bắt đóng tiền xây tượng đài

Giới chức Đak Nông, một tỉnh nghèo vùng Tây nguyên Việt Nam với rất đông người dân tộc thiểu số sinh sống mới đây cho biết tỉnh này phải huy động hàng trăm triệu đồng từ dân mà họ gọi là ‘xã hội hóa’ để xây dựng tượng đài N’Trang Long được ước tính có kinh phí lên đến 146 tỷ đồng.

Đây là dự án mang tên “Tượng Đài N’Trang Long Và Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc 1912-1936, khởi công từ tháng Năm, năm 2015 để tưởng nhớ N’Trang Long, một anh hùng dân tộc hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cái đó tôi xin phép không trả lời qua điện thoại được nghen, chuyện bình thường chứ có gì đâu, chúng tôi làm theo luật pháp Việt Nam, không vấn đề gì cả. 

– Ông Lê Diễn, chủ tịch UBND Đak Nông

Báo chí trong nước gần đây trích lời ông Phan Công Việt, phó giám đốc Sở Văn Hóa, Thông Tin và Du Lịch tỉnh Dak Nông cho hay việc trích 1% từ nguồn thu thường xuyên của các đơn vị, sở ngành cho việc xây dựng tượng đày chỉ mới đạt 984 triệu đồng tính đến tháng 5 năm 2017. Ông cho biết lãnh đạo tỉnh chủ trương chỉ lấy một phần nhỏ kinh phí xây dựng từ nguồn ngân sách còn phần lớn là từ quyên góp ‘xã hội hóa’. Vẫn theo lời ông, vì số  vốn huy động từ các doanh nghiệp không đủ do kinh tế khó khăn,  tỉnh tìm cách quyên góp thêm từ tiền lương cán bộ và công nhân viên. Mức độ đóng góp tùy từng giai đoạn vời dự kiến hoàn thành  năm nhưng cố gắng hoàn tất năm 2018.

Ông Lê Diễn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đak Nông, nói với đài Á châu Tự do qua điện thoại về việc xây dựng tượng đài này:

Cái đó tôi xin phép không trả lời qua điện thoại được nghen, chuyện bình thường chứ có gì đâu, chúng tôi làm theo luật pháp Việt Nam, không vấn đề gì cả. Đó là tiền đóng góp của xã hội kêu là xã hội hóa mà, muốn tìm hiểu thì  về xem tượng đài nghen…

Về chuyện huy động tiền lương làm tượng đài mà tỉnh Dak Nông đang thực hiện, một giáo viên ở Đà Lạt không muốn nêu tên, ncho biết đây là lần đầu tiên anh nghe nói như vậy:

Nếu quả thật có việc kêu gọi người dân, đặc biệt các công nhân viên chức đóng góp tiền lương để xây tượng đài thì em thấy buồn  cười. Dù họ nói đấy là xã hội hóa nhưng xã hội hóa kiểu như vậy thì cần phải có sự  giải trình minh bạch hoặc công bố thông tin minh bạch thì mới có thể đóng góp được.

Lãng phí

Dự án xây dựng tượng đài ở Đak Nông không phải là công trình đầu tiên rơi vào tầm ngắm của báo chí, người dân và giới hữu trách. Năm 2009, báo VnExpress và VietnamNet đưa tin lãnh đạo Hải Phòng  lên tiếng  thanh minh về  tượng hai con rồng 60 tỷ mà thành phố cho xây. Lãnh đạo thành phố nói rằng chi phí không đến mức đó. Trước sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân, tượng hai con rồng được  tháo dỡ đi. Khi đó blogger Song Chi đã gọi đây là công trình bạc tỷ lãng phí  với  qui hoạch nát bét.

Tháng Tám năm 2015, dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ Đồng ở Sơn La cũng được báo chí trong nước đưa tin rộng rãi. Trên các trang blog người ta đọc thấy những lời  bình rằng đây   là sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân, hoang phí ngân  sách của một tỉnh nghèo mà hàng năm phải cứu đói.

Ngay chính các báo cáo của tỉnh Sơn La cũng xác nhận là đến hết năm 2013, toàn tỉnh có gần 69.000 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ và hơn 31.000 hộ cận nghèo chiếm 11,86% tổng số hộ. Riêng năm 2014 có khoảng hơn 31.000 hộ với 141.000 nhân khẩu thiếu đói.

Việc xây tượng đài là cần thiết nhưng phải tùy lúc, tùy điều kiện kinh tế, xã  hội, văn hóa….Tiền lớn như vậy đầu tư cho giáo dục cho trẻ em nghèo thì tốt hơn. 

– Một giáo viên ở Đà Lạt 

Trước hiện tượng các tỉnh đua nhau xây quảng trường hoành tráng rồi tượng đài lãnh tụ nguy nga trong lúc đất nước còn nghèo, bội chi ngân sách triền miên trong lúc nợ công là một vấn đề lớn, chuyên  gia kinh tế ở Hà Nội là phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích:

Hiện tượng phổ biến là xây những tượng đài mà cuối cùng quá khả năng ngân sách. Trong bối cảnh dân nghèo còn rất nhiều, bệnh viện còn thiếu thốn, trường học cần được xây dựng thêm thì   những việc này là hợp lý. Còn riêng cái quảng trường kia thì xây dựng toàn bộ hệ thống đồng bộ complex cả quảng trường và trụ sở tốn 1.400 tỷ, riêng tượng đài bác Hồ cùng các dân tộc thiểu số thì chỉ hết 200 tỷ. Đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tượng này cần phải chấn chỉnh, tôi nghĩ những điều này này hoàn toàn không hợp với lòng dân.

Còn nhớ khi Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La nhất trí xây tượng đài ông Hồ Chí Minh 1.400  tỷ Đồng và nói rằng đó là tâm tư nguyện vọng của lãnh đạo tỉnh cũng như người dân địa phương, nhà toán học danh tiếng Ngô Bảo Châu viết trên blog của mình rằng đây là tư duy của những người bị thần kinh. Blogger Nguyễn Hữu Vinh nói ông hoàn toàn tán đồng ý kiến này:

Nói như giáo sư Ngô Bảo Châu rằng cái đám thần kinh thì không có gì sai, họ bất chấp dư luận, phản ứng cũng như bất chấp thực tế cuộc sống. Chuyện tượng đài để giúp ích xã hội thì không có tác dụng mấy, duy nhất chỉ có tác dụng làm hầu bao của những người chủ trương xây dựng tượng đài nó đầy  hơn mà thôi chứ còn tôi tin người làm tượng đài cũng không tin về ý nghĩa của nó lắm.

Dự án tượng đài càng to lớn thì càng gây nhiều tranh cãi, chưa kể khi thực hiện thì tắc trách, xà xẻo, rút ruột công trình nhữ  đã từng xảy ra. Vẫn lời blogger Nguyễn Hữu Vinh:

Như Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam 430 tỷ, rồi tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La 1.400 chẳng hạn. Vừa rồi một công trình ở Quảng Ninh bị sét đánh bật ra thì bên trong toàn bằng tre bằng những vậy liệu vớ vẩn cả. Chẳng hạn tượng đài Điện Biên Phủ bao nhiêu tấn đồng giờ chưa làm xong thì đã rỉ. Đấy là những tượng đài hàng nghìn hàng trăm tỷ hết. Ngoài  tượng đài Sơn La thì còn 58 tượng đài Hồ Chí  Minh đang được đề nghị sẽ làm trong thời gian tới.

Anh giáo viên ở Đà Lạt thì cho rằng việc xây dựng tượng đài văn hóa là cần thiết nhưng phải tùy theo điều kiện cụ thể. Anh nói:

Việc xây tượng đài là cần thiết nhưng phải tùy lúc, tùy điều kiện kinh tế, xã  hội, văn hóa….Tiền lớn như vậy đầu tư cho giáo dục cho trẻ em nghèo thì tốt hơn.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/behind-the-trillion-vnd-historic-monuments-in-vn-06092017101436.html