Tin khắp nơi – 09/06/2017
Bắc Hàn tuyên bố thử tên lửa chống hạm thành công
Hãng thông tấn KCNA của nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin Bình Nhưỡng đã thử thành công một “tên lửa hành trình địa đối hải”, có khả năng tấn công các tàu chiến của đối phương đang chuẩn bị tấn công.
KCNA tường trình rằng Bình Nhưỡng đã phóng một số tên lửa hành trình địa đối hải sáng sớm thứ Năm 8/6, dưới sự giám sát của lãnh tụ Kim Jong Un.
Theo KCNA, tên lửa “đã phát hiện chính xác và bắn trúng các mục tiêu nổi trên vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.”
Đây là cuộc thử nghiệm thứ tư của Bắc Triều Tiên trong một tháng qua, tên lửa hành trình được phóng thử nghiệm sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với chính quyền Kim Jong Un hồi tuần trước.
Ba cuộc thử nghiệm trước đó đều là thử nghiệm tên lửa đạn đạo, cho thấy quyết tâm của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ.
Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert hôm thứ Năm cho biết nỗ lực nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã trở nên khó khăn hơn bởi các vụ phóng thử tên lửa ngày càng thường xuyên của Bình Nhưỡng.
Vụ phóng thử mới nhất được tiến hành chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc đình chỉ việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối – gọi tắt là THAAD.
Bà Nauert cho biết vụ đình chỉ triển khai lá chắn phi đạn THAAD là một đề tài được nhắc đến trong “các cuộc đối thoại” tại Phòng Bầu Dục hôm thứ Năm, giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis với Tổng thống Donald Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/3893736.html
Comey:
Trump sa thải tôi để làm suy yếu cuộc điều tra về Nga
Cựu Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Năm cáo buộc Tổng thống Donald Trump sa thải ông nhằm tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của FBI về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.
Trong buổi điều trần được nhiều người nóng lòng chờ đợi nhất trong nhiều năm qua, ông Comey nói với các nhà lập pháp rằng chính quyền Trump đã nói dối và bôi nhọ ông và FBI sau khi Tổng thống sa thải ông vào ngày 9 tháng 5.
Suốt hơn hai giờ khai chứng, ông Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng ông tin rằng ông Trump đã chỉ thị ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn như một phần trong cuộc điều tra rộng lớn hơn về Nga.
Tuy nhiên ông Comey không tiết lộ bất kỳ thông tin mới quan trọng nào về mối liên hệ giữa ông Trump và các cộng sự của ông với Nga, một vấn đề đã bao trùm những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và làm sao lãng khỏi các mục tiêu chính sách của ông như đại tu hệ thống y tế của Mỹ và cắt giảm thuế.
Qua những câu trả lời ngắn gọn và được cân nhắc cẩn thận, ông Comey vẽ nên một bức tranh về một vị Tổng thống hống hách mà ông không tin tưởng và ép ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn.
Sau khi ông Trump sa thải ông Comey, chính quyền đã đưa ra những lý do khác nhau về việc này. Ông Trump sau đó mâu thuẫn với nhân viên của chính mình và thừa nhận vào ngày 11 tháng 5, rằng ông đã sa thải ông Comey vì cuộc điều tra về Nga.
Khi được hỏi tại sao ông nghĩ là ông Trump sa thải mình, ông Comey nói ông không rõ. Nhưng ông nói thêm: “Một lần nữa, tôi căn cứ trên lời của Tổng thống. Tôi biết tôi bị sa thải về điều gì đó liên quan đến cách mà tôi khi đó đang tiến hành cuộc điều tra về Nga vốn đặt áp lực lên ông ấy trong một chừng mực nào đó, khiến ông ấy khó chịu, và ông ấy quyết định sa thải tôi vì điều đó.”
Nhưng ông Comey không nói liệu ông có nghĩ rằng Tổng thống đã tìm cách cản trở công lý hay không nhưng có nói rằng ông Flynn “gặp nguy về pháp lý” với cuộc điều tra của FBI.
“Tôi không nghĩ rằng ở địa vị của tôi tôi có thể nói rằng cuộc trò chuyện với Tổng thống có phải là một nỗ lực cản trở hay không. Tôi cho đó là một điều rất đáng lo ngại,” ông Comey nói với Ủy ban.
Những người chỉ trích ông Trump nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là cản trở công lý. Một hành vi phạm tội như vậy có thể dẫn đến việc ông Trump bị Quốc hội luận tội, dù các nghị sĩ Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện cho thấy họ không mặn mà với hành động này.
Tổng thống Trump cam kết không ‘đầu hàng’
Tổng thống Donald Trump ngày 8/6 tuyên bố với những người ủng hộ ‘Chúng ta đang bị vây hãm’ và thề quyết sẽ tiếp tục tranh đấu.’
Phát biểu được đưa ra ngay trong ngày diễn ra cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey tại Quốc hội Mỹ về vụ Tổng thống Trump bất ngờ sa thải ông Comey hồi tháng trước sau các cuộc gặp riêng mà, theo ghi chú của ông Comey, qua đó ông Trump đã nhiều lần căn vặn ông Comey về lòng trung thành đối với Tổng thống và yêu cầu ông Comey ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tổng thống Trump nhấn mạnh “Chúng ta đang bị vây hãm..nhưng chúng ta sẽ vực dậy lớn mạnh hơn bao giờ hết.”
“Chúng ta không lùi bước trước những gì chúng ta làm đúng…chúng ta biết cách tranh đấu và chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua,” ông Trump nói.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-cam-ket-khong-dau-hang-/3892548.html
Chuyên gia: Lời chứng của Comey
củng cố lập luận Trump cản trở công lý
Lời khai chứng của Cựu giám đốc FBI James Comey nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trông đợi sự trung thành và hy vọng ông Comey sẽ chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào một cựu trợ lý hàng đầu có thể củng cố cáo buộc ông Trump đã cản trở công lý, theo nhận định của một số chuyên gia pháp lý.
Một số nhà phân tích nói rằng những cáo buộc như vậy có thể được dùng làm cơ sở cho các thủ tục luận tội. Tuy nhiên, bất kỳ diễn tiến nào như vậy sẽ vấp phải một trở ngại lớn vì sẽ cần phải có sự chấp thuận của Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang được kiểm soát bởi các nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng với ông Trump.
Theo lời khai chứng viết được đăng trên website của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Tư, ông Comey cho biết ông Trump đã nói với ông trong một cuộc trò chuyện chỉ có hai người vào ngày 14 tháng 2 rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là một “người tốt” và hy vọng ông Comey có thể “thấy thuận tiện” để chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào mối quan hệ giữa ông Flynn và Nga.
Ông Trump một ngày trước đã sa thải ông Flynn trong vụ tranh cãi liên quan tới những lần tiếp xúc giữa vị tướng hồi hưu này và đại sứ Nga tại Mỹ.
Tường thuật của ông Comey, được công bố trước khi ông xuất hiện trước Ủy ban hôm thứ Năm, có thể cho thấy ông Trump dự định cản trở cuộc điều tra nhắm vào ông Flynn, theo lời giáo sư luật hiến pháp Michael Gerhardt tại Trường Luật Đại học North Carolina.
“Cuộc thảo luận rõ ràng về sự trung thành là điều đáng lo ngại,” và có thể khơi lên những đồn đoán rằng “tổng thống đang cố gắng gây áp lực hoặc ít nhất gây ảnh hưởng lên cuộc điều tra liên quan tới Nga,” ông Gerhardt nói.
Ông Comey, người bị ông Trump sa thải vào ngày 9 tháng 5, khi đó đang dẫn dắt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn về những cáo buộc về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2016. Moscow và ông Trump phủ nhận bất cứ sự thông đồng nào.
Luật sư của ông Trump, Marc Kasowitz, không ngay lập tức trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu lời khai chứng của ông Comey có củng cố lập luận cản trở công lý hay không. Nhưng ông nói trong một thông cáo rằng ông Trump đã cảm thấy “được chứng minh là đúng” bằng lời khẳng định của Comey rằng ông không bị điều tra trong bất kỳ cuộc điều tra nào của Nga.
Để tạo cơ sở cho vụ án cản trở công lý mang tính hình sự, luật liên bang buộc công tố viên phải chỉ ra rằng một người đã hành động với ý định “gian dối.” Bất kể là liệu người đó có thành công trong việc cản trở cuộc điều tra hay không.
Dù tổng thống tại nhiệm khó có khả năng bị truy tố hình sự, cản trở công lý có thể là cơ sở để luận tội.
Bruce Green, giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham, cho biết sẽ rất khó để cho thấy ông Trump có ý định cản trở cuộc điều tra ông Flynn. Ông nói ông Trump có thể nói rằng ông chỉ đơn thuần nói tốt cho ông Flynn và bày tỏ lo ngại về việc cuộc điều tra đang can thiệp ra sao vào khả năng điều hành của ông Trump trong cương vị tổng thống.
Alan Dershowitz, giáo sư danh dự tại Trường Luật Harvard và luật sư bào chữa nổi tiếng, nói thêm rằng những phát biểu của ông Trump với ông Comey là “những phát biểu không rõ ràng” và “thậm chí khó có thể nói là cản trở công lý.”
Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý khác nói rằng những chi tiết xung quanh cuộc trò chuyện ngày 14 tháng 2 có thể cho thấy rằng ông Trump có ý định can thiệp vào cuộc điều tra ông Flynn.
Theo ông Comey, ông Trump đã yêu cầu các cố vấn thân cận, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và con rể Jared Kushner rằng, rời khỏi phòng để ông có thể nói chuyện riêng với ông Comey.
“Yêu cầu những người khác rời phòng có thể gợi ý rằng Tổng thống biết có điều gì đó không đúng về điều mà ông ấy đang làm,” Andrew Wright, giáo sư luật hiến pháp của Trường Luật Savannah, nói.
Ông Wright nói rằng có những chi tiết gây tổn hại khác trong lời khai chứng của ông Comey, bao gồm việc ông Comey không ghi chép lại các cuộc nói chuyện của ông với cựu Tổng thống Barack Obama nhưng “cảm thấy buộc” phải làm như vậy sau cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với ông Trump.
Lời khai chứng của ông Comey “gây thiệt hại tối đa” cho ông Trump, theo lời ông Wright.
Ông Gerhardt đồng lời khai chứng này là một cú giáng nhắm vào ông Trump, nói rằng: “Một số người không trước đây không lo ngại bây giờ nên lo ngại.”
Môt số bang, thành phố Mỹ
sẽ thi hành Hiệp định Paris, bất chấp TT Trump
Nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ tuyên bố sẽ giữ cam kết của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Khí hậu Paris, bất chấp Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi hiệp định này. Họ cho biết là vẫn muốn thực hiện cam kết mà chính phủ Tổng thống Obama đã đưa ra, là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 26% tới 28% dưới mức năm 2005, và thực hiện chỉ tiêu này trước năm 2025.
Hình ảnh về thành phố Los Angeles với hàng vạn chiếc xe nối đuôi nhau, làm tắc nghẽn các xa lộ, gây ra nạn khói mù, đã hối thúc chính quyền bang California áp dụng các luật môi trường gắt gao nhất tại Hoa Kỳ.
Giáo sư Horowitz thuộc Đại học California ở Los Angeles nói lĩnh vực công nghệ sạch đang bùng nổ tại California.
Giáo sư Horowitz nói tiểu bang này muốn chứng minh rằng một chính sách môi trường gắt gao có thể thúc đẩy kinh tế. Ông nói:
“Trên thực tế, nền kinh tế California phát triển vượt trội so với nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ trong khi California áp dụng những chính sách đầy tham vọng về khí hậu”.
California nằm trong số các tiểu bang, thành phố, trường đại học và doanh nghiệp Mỹ cam kết tiếp tục ủng hộ hiệp định khí hậu Paris sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không thực thi hiệp định này.
Cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg:
“Chính phủ Mỹ có thể rút ra khỏi Hiệp định Paris, nhưng người Mỹ chúng tôi vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận đó, và chúng tôi sẽ đạt chỉ tiêu của mình.”
Chỉ vài ngày sau thông báo của Tổng thống Trump, Thống đốc bang California Jerry Brown và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký một thỏa thuận hợp tác để giảm lượng khi thải. (Nguồn:CGTN)
Thống đốc Brown nói:
“Việc Thống đốc bang California có thể gặp Chủ tịch nước Trung Quốc để bàn về những vấn đề rất cụ thể, về thách thức hàng đầu của thời đại chúng ta, là biến đổi khí hậu, và cam kết thực hiện những bước cần thiết để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi năng lượng, là điều rất có ý nghĩa”.
Giáo sư Cara Horowitz thuộc Trường Đại học California ở Los Angeles:
“Chính quyền cấp tiểu bang có trong tay nhiều quyền lực lớn trong phạm vi tài phán của mình để sử dụng các công cụ và quyết định về các nguồn phát khí thải nhà kính, và nếu họ sẵn sàng sử dụng quyền lực ấy một cách có quyết tâm để thực hiện mục tiêu đầy cao vọng của mình, thì trên thực tế, họ không cần tới chính phủ liên bang để thực hiện mục tiêu đó. “
Tuy nhiên các luật môi trường gắt gao hơn áp dụng cho tiểu bang và địa phương, có cái giá của nó về mặt kinh tế.
Giáo sư Shon Hiatt thuộc trường đại học Nam California:
“California đứng thứ hai sau Hawaii, về giá điện cao nhất nước, và tất nhiên, giá xăng cao thứ nhì, sau Hawaii.”
Giáo sư Hiatt nói rằng một rào cản khác là nhu cầu phát triển một đội ngũ lao động để phục vụ lĩnh vực năng lượng sạch:
“Chúng ta cần đào tạo lại đội ngũ lao động, và thứ nhì, có nhiều khả năng họ sẽ phải di chuyển đi nơi khác.”
Giáo sư Hiatt nói thách thức đối với những tiểu bang hay công ty ủng hộ Hiệp định Paris là thuyết phục nhiều bang khác, và cử tri của các bang ấy về những lợi ích kinh tế cho các thế hệ tương lai, và đồng ý đầu tư tiền bạc vào việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay bây giờ.
Putin: Thượng nghị sĩ McCain ‘lỗi thời’
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nói Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain là người ‘lỗi thời’ và rằng Nga và Mỹ phải hợp tác cùng nhau trong những thách thức chung. Ông McCain thuộc Đảng Cộng hòa là người nổi tiếng với những lời lẽ chống Điện Kremlin.
Ông McCain tuần trước tuyên bố Tổng thống Putin là mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh toàn cầu so với Nhà nước Hồi giáo, đồng thời cảnh báo rằng Thượng viện Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp chế tài cứng rắn hơn nhắm vào Moscow vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với đạo diễn phim người Mỹ Oliver Stone, một số trích đoạn được công bố vào thứ Năm trước khi được mạng lưới truyền hình Mỹ Showtime phát sóng từ ngày 12 tháng 6, ông Putin ca ngợi “lòng yêu nước” của Thượng nghị sĩ McCain.
“Ở một chừng mực nào đó, tôi thích Thượng nghị sĩ McCain. Tôi không nói đùa. Tôi thích ông ấy vì lòng yêu nước của ông ấy, và tôi có thể thấu hiểu được sự kiên trì của ông ấy trong việc đấu tranh cho lợi ích của đất nước mình,” ông Putin nói với ông Stone trong cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng 2.
Nhưng ông nói thêm: “Những người có niềm tin như Thượng nghị sĩ mà ông nhắc tới, họ vẫn sống trong Thế giới Cũ và họ không muốn nhìn vào tương lai, họ không muốn nhìn nhận thế giới đang thay đổi nhanh như thế nào.”
Ông kêu gọi Mỹ hợp tác với Nga về các vấn đề toàn cầu.
“Ngay bây giờ có những mối đe dọa chung mà cả hai chúng nước ta đang phải đối mặt, như chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng ta phải chiến đấu chống lại đói nghèo khắp thế giới,” ông Putin nói.
“Rốt cuộc thì chúng ta đã tích trữ rất nhiều vũ khí hạt nhân mà điều này đã trở thành mối đe dọa cho cả thế giới, và sẽ tốt hơn nếu chúng ta suy nghĩ về chuyện này. Có nhiều vấn đề cần được giải quyết.”
https://www.voatiengviet.com/a/putin-thuong-nghi-si-mccain-loi-thoi/3893833.html
Quốc hội Nhật thông qua luật để Vua Akihito thoái vị
Quốc Hội Nhật hôm 9/6 thông qua một đạo luật cho phép Nhật Hoàng Akihito thoái vị và truyền ngôi cho con trai trưởng, Thái tử Naruhito, 57 tuổi.
Đây là lần đầu tiên một nhà vua Nhật Bản thoái vị trong 200 năm qua. Nhật Hoàng Akihito lên ngôi vào tháng 1 năm 1989, ở tuổi 56, sau khi Hoàng đế Hirohito băng hà.
Truyền thông Nhật tường thuật rằng các giới chức chính quyền đang xem xét ngày thoái vị có thể diễn ra vào cuối năm 2018, lúc Nhật Hoàng Akihito được 85 tuổi.
Trong một cuộc bỏ phiếu được phát hình trực tiếp trên đài truyền hình NHK, thượng viện Nhật nhất trí thông qua dự luật hôm thứ Sáu 9/6/17, sau khi dự luật được hạ viện chấp thuận vào tuần trước.
Nhật Hoàng Akihito, năm nay 83 tuổi, đã trải qua phẫu thuật tim và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Ông ngỏ ý muốn thoái vị sau gần ba thập kỉ trị vì, làm dấy lên một cuộc tranh luận kéo dài tại Nhật Bản về vấn đề kế vị trong chế độ quân chủ Nhật Bản đã tồn tại trong suốt 2.000 năm qua.
Lễ thoái vị phải diễn ra trong vòng ba năm sau khi luật mới có hiệu lực, hoặc sau khi luật hết hạn, và chỉ áp dụng duy nhất cho Nhật Hoàng Akihito.
Hoàng đế Nhật Bản thoái vị trước Nhật hoàng Akihito, là Nhật Hoàng Kokaku, ông từ bỏ ngai vàng vào năm 1817.
https://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-nhat-thong-qua-luat-de-vua-akihito-thoai-vi/3893791.html
Pakistan xác nhận hai con tin Trung Quốc đã bị IS giết
Nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) đã phát tán một băng video cho thấy xác nhuộm máu của một công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin trước đây, và cho biết IS đã giết anh cùng người bạn gái.
Một giới chức chính quyền tỉnh xác nhận với VOA rằng người đàn ông hình như đang trút những hơi thở cuối cùng trong băng video, là một trong hai người Trung Quốc bị bắt làm con tin ở Quetta, thủ phủ tỉnh Baluchistan, hồi tháng trước.
Giới chức Pakistan đòi giấu tên vì nhà chức trách chưa tìm thấy xác chết của hai công dân Trung Quốc bị sát hại, nói ông muốn tránh đưa ra một tuyên bố chính thức về số phận của hai công dân nước ngoài.
Trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đã được Islamabad thông báo rằng hai con tin Trung Quốc có lẽ đã chết.
Bà Hoa Xuân Oánh:
“Giới thẩm quyền Pakistan đã cung cấp một số thông tin nói rằng hai công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin có nhiều phần chắc đã bị sát hại. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về vụ này.”
Bà Hoa cho biết Bắc Kinh đang liên lạc với phía Pakistan để tìm hiểu thêm và kiểm chứng tình hình bằng tất cả mọi phương tiện có được.
Hãng tin Amaq của IS hôm 8/6 loan báo họ đã hành quyết hai con tin ở Mastung, một khu vực cách Quetta khoảng 50 km về hướng Nam.
Nhóm khủng bố có căn cứ chính ở Syria tung tin này vài giờ sau khi chính quyền Pakistan loan tin một chiến dịch quân sự quy mô đã phá hủy một địa điểm có thể trở thành bản doanh của IS trong vùng núi non gần Mastung.
Chiến dịch càn quét tại đó đã tiêu diệt 12 phần tử chủ chiến cực đoan, một người phát ngôn của quân đội Pakistan cho biết có 5 nhân viên an ninh bị thương trong vụ đụng độ này.
Ông cho biết thêm rằng địa điểm này, một hệ thống đường hầm trải dài 10 km, trước đây là sào huyệt của nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami, một tổ chức cực đoan Hồi giáo Sunni khét tiếng về các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Shia ở Pakistan.
Nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami trước đây trung thành với al-Qaida, nhưng các giới chức Pakistan tin rằng mới đây nhóm này đã hợp tác để giúp Nhà Nước Hồi giáo lập căn cứ ở Pakistan.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, gọi tắt là CPEC, gồm một hệ thống đường xá, tuyến xe lửa và nhà máy điện. Một khi hoàn tất, hành lang này sẽ nối kết vùng Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc với Gwadar, giúp Bắc Kinh tiếp cận tuyến giao thương ngắn nhất tới Trung Đông, Châu Âu và Châu Á.
Nhưng trong khi các dự án liên quan tới CPEC được đẩy mạnh, tỉnh lỵ của Pakistan phải đối đầu với sự gia tăng các hoạt động chủ chiến và bạo lực liên quan tới phong trào ly khai.
Các giới chức Pakistan thừa nhận cái chết ghê rợn của hai công dân Trung Quốc sẽ có “tác động tâm lý” đối với các hoạt động kinh tế song phương, tuy nhiên họ khẳng định Pakistan và Trung Quốc quyết tâm tiến hành với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, và sẽ không khuất phục trước các hành động khủng bố.
https://www.voatiengviet.com/a/pakistan-xac-nhan-hai-con-tin-trung-quoc-da-bi-is-giet/3893774.html
Bầu cử Anh: Khảo sát ngoài phòng phiếu
cho thấy không có đảng chiến thắng rõ ràng
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không giành được thế đa số nghị viện trong cuộc bầu cử ở Anh, theo một cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu vào ngày thứ Năm, một kết quả gây sốc mà sẽ đẩy nước Anh vào tình trạng rối loạn chính trị và có thể trì hoãn những cuộc đàm phán Brexit để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu dự đoán Đảng Bảo thủ sẽ giành được 314 ghế trong nghị viện 650 thành viên và Công đảng đối lập giành được 266 ghế. Điều này có nghĩa là không có đảng giành chiến thắng rõ ràng và nghị viện “bị treo.”
BBC loan tin 76 ghế quá sít sao chưa thể phân định thắng bại.
Cho đến khi kết quả cuối cùng trở nên rõ ràng, khó dự đoán liệu bà May có cơ hội bám trụ ghế thủ tướng hay không và ai có thể sẽ lãnh đạo chính phủ kế tiếp và dẫn dắt nước Anh vào những cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Những thành viên cao cấp của Đảng Bảo thủ nhanh chóng nói rằng các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu trước đây đã dự đoán sai. Vào năm 2015, cuộc khảo sát ngoài phòng phiếu dự đoán họ sẽ không giành đủ ghế, nhưng khi kết quả thực tế là họ giành được thế đa số mong manh.
Cuộc khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy một thất bại không tưởng đối với bà May, người mà trước đó dẫn đầu trong các cuộc khảo sát ý kiến với cách biệt 20 điểm và nhiều hơn khi bà yêu cầu một cuộc bầu cử chóng vánh chỉ bảy tuần trước.
Nếu bà bị buộc phải từ chức thủ tướng, chưa đầy 11 tháng sau khi lên nắm giữ chức vụ này, bà sẽ là thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ những năm 1920.
Myanmar: Người dân bất bình với dự án Trung Quốc
Cơ quan chức năng Miến điện tiến hành thu giữ lưới đánh bắt cá của người dân địa phương chỉ ít ngày trước khi siêu tàu chở 140 ngàn tấn dầu cập cảng Kyauk Pyu để rồi đưa sang Trung Quốc.
Hằng trăm ngư dân địa phương bị cấm hành nghề đánh bắt tại vùng biển gần tuyến đường ống dẫn dầu dài 770 kilomet chạy qua Myanmar đến khu vực tây nam Trung Quốc.
Tuyến đường ống này là một phần quan trọng trong dự án ‘Một Vành Đai, Một Con đường’ của Bắc Kinh nhằm thiết lập quan hệ kinh tế với Châu Á và vươn xa ra nữa.
Những ngư dân Myanmar bị tác động bất mãn vì họ bị mất sinh kế làm ăn lâu nay. Một người dân cho biết mới trang bị thêm một tàu lớn hơn cách đây 4 tháng nhưng thu nhập giảm đến hai phần ba và nay bị tịch thu lưới đánh bắt.
Vào tháng qua hơn 100 ngư dân Myanmar đã biểu tình đòi Tập đoàn vận hành đường ống dẫn dầu PetroChina bồi thường thiệt hại cho họ.
Nam Hàn
phát hiện máy bay không người lái Bắc Hàn gần biên giới
Quân đội Nam Hàn vào ngày 9 tháng 6 cho biết vừa phát hiện gần biên giới hai miền vật thể có thể là máy bay không người lái trang bị camera của Bắc Hàn đang làm nhiệm vụ trinh sát.
Bản tin của Reuters đánh đi từ Seoul cho biết máy bay không ngưới lái vừa được phát hiện giống như chiếc được phát hiện vào năm 2014 tại một đảo gần biên giới giữa hai miền. Cơ quan chức năng Nam Hàn đang tiến hành phân tích những thông tin thu thập được.
Sự vụ mới nhất xảy ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng cho thử một loại hỏa tiễn chống hạm.
Năm ngoái Nam Hàn cho bắn cảnh cáo đối với một máy bay không người lái của Bình Nhưỡng buộc phải quay lại miền bắc.
Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái cũng có báo cáo cho biết Bắc Hàn sở hữu chừng 300 thiết bị bay không người lái thuộc nhiều loại khác nhau, gồm loại thực hiện nhiệm vụ trinh sát, loại chiến đấu và nhắm đến mục tiêu.
Hàn Quốc không thay đổi thỏa thuận THAAD với Mỹ
Hàn Quốc không nhắm đến việc thay đổi thỏa thuận ký kết với Hoa Kỳ về việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD trên đất Nam Hàn và Seoul sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Washington trong vấn đề này.
Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong của Hàn Quốc cho biết như vừa nêu vào ngày 9 tháng 6, đồng thời nhắc lại rằng quyết định cho bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc là nhằm bảo vệ Nam Hàn cùng lực lượng Hoa Kỳ tại đó trước mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Bắc Hàn.
Vào ngày thứ tư 7 tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc thông báo hoãn việc lắp đặt toàn bộ hệ thống THAAD nhằm rà soát lại tác động môi trường. Đây là một biện pháp để bảo đảm qui trình thực hiện theo qui định của quốc gia.
Cả hai phía Mỹ và Hàn Quốc đều cho biết cho ngưng việc lắp đặt những cơ phận còn lại thuộc hệ thống THAAD cho đến khi đánh giá tác động môi trường hoàn tất.
Bản thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ra tranh cử chức tổng thống có hứa sẽ xem xét lại quyết định cho bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại miền nam mà chính phủ của người tiền nhiệm theo khuynh hướng bảo thủ của ông là bà Park Geun-hye đã quyết.
Donald Trump lên án James Comey
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter sau khi cựu giám đốc FBI James Comey chỉ trích ông tại buổi điều trần trước ủy ban Thượng viện.
Viết một đoạn trên Twitter, ông Trump gọi ông Comey là “kẻ rò rỉ tin tức”.
Ông muốn ám chỉ điều mà luật sư của ông đã nói sau buổi điều trần hôm thứ Năm: rằng ông Trump không phải là đối tượng điều tra và ông Comey đã tiết lộ cuộc nói chuyện với tổng thống cho một luật sư, người chia sẻ lại cho báo chí.
Tai buổi điều trần, ông Comey nói ông tin rằng mình bị sa thải để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Cựu lãnh đạo FBI dẫn dắt một trong nhiều điều tra về Nga trước khi bị sa thải.
Ông Comey ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện hôm thứ Năm.
Ông nói tổng thống gây sức ép đòi ông ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Ông Flynn mất chức sau khi nói dối phó tổng thống về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi ông Trump làm tổng thống.
Ông Comey cũng nói tổng thống phỉ báng ông và FBI khi nói FBI “được lãnh đạo kém”.
Sau buổi điều trần, luật sư riêng của tổng thống ra thông cáo bác bỏ cáo buộc của ông Comey.
Luật sư Marc Kasowitz nói Tổng thống Trump không bao giờ ngăn chặn điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Luật sư cũng nói buổi điều trần xác nhận ông Trump không bị điều tra liên quan cáo buộc về Nga.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40227390
Bầu cử Anh: Những khả năng có thể xảy ra
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có một đảng thắng với đa số sau ngày bầu cử vào thứ Năm 8/6/2016?
Đảng có nhiều dân biểu nhất sẽ thành lập chính phủ kế tiếp?
Không nhất thiết là như vậy. Đảng giành nhiều ghế nhất sau khi phiếu được kiểm tại tất cả 650 đơn vị bầu cử, thường được gọi là đảng thắng trong cuộc bầu cử và lãnh đạo của đảng này gần như luôn trở thành Thủ tướng.
Nhưng điều đó có thể không xảy ra lần này nếu không có đảng nào chiếm đa số. Có khả năng đảng đứng thứ hai sẽ thành lập chính phủ với sự hậu thuẫn của các đảng khác.
Làm cách nào để một ai đó thắng cử?
Cách dễ nhất để trở thành Thủ tướng là thắng với đa số tại Hạ viện – đa số có nghĩa là đảng đó giành nhiều ghế tại Hạ viện hơn tất cả các đảng khác gộp lại.
Cần có bao nhiêu dân biểu tại Hạ viện để trở thành đa số?
Cần 326 ghế. Như vậy là đủ để có một chính phủ có thể bỏ phiếu thông qua các đạo luật mà không bị các đảng đối lập bỏ phiếu bác. Nếu không đạt con số đó thì sẽ rơi vào tình trạng “Quốc hội treo”.
“Quốc hội treo” nghĩa là gì?
Khi không một đảng duy nhất nào giành đủ số ghế để tự mình thành lập một chính phủ với đa số thì gọi là “Quốc hội treo” (Hung Parliament). Điều này đã xảy ra vào lần tổng tuyển cử năm 2010.
Điều gì sẽ diễn ra nếu một lần nữa lại có một “Quốc hội treo”?
Sẽ có những cuộc hội đàm cấp tập giữa lãnh đạo các đảng và các nhóm thương thuyết của họ để thành lập một liên minh chính phủ.
Nữ hoàng Anh sẽ đóng vai trò gì?
Lãnh tụ của đảng nào có thể nói với Nữ hoàng rằng họ đã có một đa số có thể làm việc với nhau tại Hạ viện sẽ là người được Nữ hoàng phê chuẩn việc thành lập chính phủ.
Theo truyền thống, Nữ hoàng không can thiệp vào các đảng chính trị vì thế không bao giờ có chuyện bà sẽ chọn ai là Thủ tướng.
Liên minh chính phủ là gì?
Một liên minh là khi hai hoặc vài đảng hợp tác để điều hành chính phủ như một đơn vị thống nhất. Các đảng nhỏ hơn trong liên minh sẽ được giao các chức vụ Bộ trưởng và một chương trình liên hợp chính phủ sẽ được đề ra.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40197739
Bầu cử Anh 2017: Ảnh hưởng gì tới kinh doanh châu Á
Leisha ChiPhóng viên Kinh doanh BBC
Tình trạng không chắc chắn bao trùm Anh Quốc sau khi quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Theresa May đã trở thành phản tác dụng với kết quả là một “Quốc hội treo” tại Anh.
Đồng bảng Anh đã sụt hơn 2% so với đồng đô la, tụt giảm lớn nhất chỉ trong một ngày kể từ cuộc trưng cầu dân ý quyết định Anh Quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, Brexit, hồi tháng Sáu năm ngoái.
Cho tới nay chưa có nhiều dấu hiệu lan truyền trên thị trường tiền tệ hay chứng khoán toàn cầu. Nhưng tại châu Á, mua bán cổ phần diễn ra khi kết quả đang dần được công bố, một số công ty có nhiều hoạt động kinh doanh với Anh Quốc đang chứng kiến giá cổ phần của họ bị sụt giảm.
Năng lượng và Nhà đất
Các hãng châu Á với đầu tư lớn ở Anh đang bị áp lực trước những lo ngại do tình trạng không chắc chắn về chính trị sẽ làm các cuộc thương thuyết Brexit thêm phức tạp.
Những hãng này bao gồm CKI (một công ty chuyên về cơ sở hạ tầng), Power Assets và CK Hutchison, tất cả đều là các hãng thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc, ông Li Ka-Shing. Cổ phiếu của các công ty này giạ gần 2%.
Tập đoàn nhà đất Malaysia YTL, hãng giao thông Comfortdelgro có trụ sở tại Singapore và hãng nhà nhất City Developments cũng đều có đầu tư tại Anh Quốc.
“Không cần nói sẽ có tình trạng bất ổn trước mắt. Thị trường đang cần bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận Brexit sẽ là như thế nào,” Lee Hardman, một nhà phân tích tại MUFG nói.
Các công ty tài chính
Đối với các công ty tài chính tại Anh, một câu hỏi đang nổi lên về Brexit là liệu họ có chuyển kinh doanh của họ ra khỏi Anh nếu Anh không còn tham gia thị trường chung của Liên hiệp châu Âu – một vấn đề liên quan tới quyền hộ chiếu của công dân châu Âu.
Cổ phần tại ngân hàng Standard Chartered Bank và HSBC của Anh sụt khoảng 1% trên thị trường châu Á trước khả năng “Quốc hội treo”.
Hãng CYBG đăng ký kinh doanh tại Úc, hãng sở hữu ngân hàng Clydesdale và Yorkshire, sụt 1,4% trước khi phục hồi trở lại.
Thị trường chứng khoán
Nhìn chung thị trường chứng khoán tại châu Á vượt qua được thất vọng trước kết quả bầu cử cũng như những tác động của việc cựu giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật đóng cửa ở mức tăng 0,5%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc không thay đổi trong khi Shanghai kết thúc tăng 0,1% higher và chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,3%,
http://www.bbc.com/vietnamese/business-40218540
Bầu cử Quốc Hội Anh :
Thủ tướng Theresa May mất đa số tuyệt đối
Theo kết quả gần như chính thức, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May tuy về đầu, không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc Hội, tức 326 ghế. Phe đối lập Công Đảng được coi là đảng giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, với 261 ghế dân biểu, tức thêm gần 40 ghế so với Quốc Hội nhiệm kỳ trước.
Theo kết quả kiểm phiếu được công bố trưa nay, đảng Bảo Thủ của bà Theresa May được 322 ghế. Tuy chưa được có đa số tại Quốc Hội, bà Theresa May vẫn đứng ra lập chính phủ mới.
Về mặt nguyên tắc, với khoảng 320 ghế dân biểu, Đảng Bảo Thủ có thể lập một chính phủ gọi là « thiểu số » để điều hành đất nước. Để các luật do chính phủ « thiểu số » đề nghị được Quốc Hội thông qua, đảng Bảo Thủ sẽ phải liên minh nhất thời với một số đảng phái khác. Gần đây nhất, vào năm 1974, một chính phủ thiểu số của đảng Bảo Thủ đã được thành lập nhưng chỉ tồn tại được vài tháng.
Trong trường hợp đảng của thủ tướng May không lập được chính phủ, « thiểu số » hoặc « liên hiệp », một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Đó là một chính phủ liên hiệp của Công Đảng với đảng Tự Do Dân Chủ (Libdem) thân châu Âu, đảng Dân Tộc Scotland (SNP). Ba đảng nói trên dự kiến sẽ có tổng cộng 314 ghế. Liên minh ba đảng này còn cần thêm sự hậu thuẫn của đảng Xanh và một số đảng nhỏ địa phương.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170609-bau-cu-quoc-hoi-anh-thu-tuong-theresa-may-mat-da-so-tuyet-doi
Bầu cử Anh: Bà May thành lập chính phủ liên minh với DUP
Thủ tướng Anh, bà Theresa May, vừa cho biết bà sẽ thành lập một chính phủ với sự hậu thuẫn của đảng DUP (Democratic Unionist Party, Đảng Dân chủ Thống nhất – đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ailen có đường lối thân Anh, hiện đã thắng 10 ghế tại Bắc Ailen) để có thể đem lại sự ổn định cho tương lai.
Sau khi tới Cung điện Buckingham gặp Nữ hoàng Anh, bà nói chỉ đảng của bà có “quyền hợp pháp” cầm quyền, bất chấp việc đảng này đã thiếu mất 8 ghế để đạt quá bán tại Quốc hội.
Bất ngờ bầu cử Anh ảnh hưởng gì tới Brexit?
Bầu cử Anh: đặt quyền lợi đất nước trên đảng phái
Bầu cử sớm: Quyết định sai lầm của Theresa May?
Bà cho biết bà sẽ cùng với những người “bạn” của bà thuộc đảng DUP “ngồi xuống là việc” về Brexit, quá trình rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU).
Tuy nhiên đảng Lao động nói họ “thực sự là người chiến thắng” trong khi đảng Dân chủ Tự do thì nói bà May tiếp tục lãnh đạo là “đáng xấu hổ”.
Đảng Bảo thủ cần 326 ghế để chiếm quá bán nhưng với 649 đơn vị bầu cử đã công bố kết quả kiểm phiếu trong tổng số 650 đơn vị bầu cử, nó cho thấy đảng này thiếu số ghế cần thiết tại Quốc hội và phải dựa vào đảng DUP để tiếp tục cầm quyền.
Đảng Bảo thủ cho tới nay giành 318 ghế, Lao động 261 ghế, đảng SNP (Đảng Dân tộc Scotland) 35 ghế và đảng Dân chủ Tự do 12 ghế.
Trong khi đó, ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng đối lập chính, đảng Lao động, cũng nói ông “sẵn sàng phục vụ đất nước”.
Bầu cử Anh: Ảnh hưởng gì tới kinh doanh châu Á
Anh Quốc bắt đầu ngày tổng tuyển cử
Trong một tuyên bố ngắn bên ngoài Văn phòng Thủ tướng ở Downing Street, sau 25 phút tiếp kiến với Nữ hoàng, bà May nói bà chủ định sẽ thành lập một chính phủ có thể “đem lại tình trạng ổn định và đưa nước Anh đi tới vào thời điểm tối quan trọng này của đất nước”.
Nói về “quan hệ chặt chẽ” mà bà đã có với DUP nhưng không đưa ra các chi tiết về dàn xếp của họ sẽ như thế nào, bà nói chính phủ sẽ “dẫn dắt đất nước qua những cuộc thương thuyết Brexit tối quan trọng” sẽ bắt đầu trong 10 ngày tới.
“Hai đảng của chúng tôi đã có quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm qua,” bà nói.
“Và điều đó khiến tôi có thể tin tưởng rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc vì lợi ích của cả nước Anh.”
Lãnh đạo DUP, bà Arlene Foster, khẳng định rằng bà đã nói chuyện với bà May và họ sẽ bàn thêm nữa để “tìm hiểu cách thức làm sao có thể mang lại ổn định cho quốc gia vào thời điểm có thách thức lớn”.
Trong khi luôn tìm cách đạt được “thỏa thuận tốt đẹp nhất” cho Bắc Ailen và người dân của vùng này, bà nói đảng của bà luon đặt lợi ích của Anh Quốc là quan trọng nhất.
Nghị sĩ Anh sẵn sàng chấp thuận bầu cử sớm
Thủ tướng Anh muốn có bầu cử sớm
Trước đó Thủ tướng Anh nói đất nước này cần sự ổn định sau kết quả bầu cử trong đó không đảng nào giành đa số tuyệt đối và Trưởng biên tập viên chính trị BBC, Laura Kuenssberg, nói bà May có ý định cố gắng điều hành trên cơ sở đảng bà đã đạt số phiếu cao nhất và nhiều ghế nhất.
Đang có đồn đoán bà sẽ tìm kiếm một dàn xếp không chính thức với đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ailen có đường lối thân Anh, đảng Democratic Unionist (DUP), hiện đã thắng 10 ghế tại Bắc Ailen.
Đảng Lao động của ông Corbyn đạt kết quả tốt hơn mong đợi, thêm được 29 ghế. Đảng Bảo thủ được dự đoán sẽ mất 13 ghế. Đảng SNP mất 22 ghế vào tay đảng Bảo thủ, Lao động và Dân chủ Tự do, và là một thất bại lớn của bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng SNP.
Con số cử tri đi bầu cho tới nay là 68,7% – tăng 2% so với cuộc bầu cử năm 2015 – nhưng nó trở lại chính trường với hai đảng phái chính ở nhiều nơi trên nước Anh, trong đó đảng Lao động và Bảo thủ giành phiếu bầu nhiều chưa từng có kể từ những năm 1990.
Phiếu bầu cho đảng Độc lập Anh Quốc UKIP giảm đáng kể nhưng không phải là số này chuyển sang bỏ cho đảng Bảo thủ như người ta tưởng như vậy thì số cử tri này cũng chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Lao động.
Phát biểu sau khi được tái đắc cử tại đơn vị bầu cử ở Bắc Islington, ông Corbyn nói đã tới lúc bà May nên “nhường bước” cho một chính phủ “thực sự đại diện cho người dân nước này”.
Ông sau đó nói với BBC rằng “đã rất rõ ai là người thắng trong cuộc tuyển cử này”.
“Chúng tôi sẵn sàng phục vụ người dân những người đặt niềm tin vào chúng tôi,” ông nói – nhưng ông cũng nhấn mạnh ông sẽ không tham gia bất cứ “liên minh hay thỏa thuận” với đảng nào khác.
Đảng Bảo thủ nói trong trường hợp “Quốc hội treo” bà May trước hết có cơ hội thành lập chính phủ giống như người tiền nhiệm của bà là ông David Cameron đã làm hồi năm 2010 khi còn chưa có đảng nào thắng quá bán nhưng thắng nhiều ghế hơn so với đối thủ với số ghế nhiều nhất sau đảng này.
Đảng Lao động nói họ sẵn sàng một mình thành lập một chính phủ thiểu số trong khi cũng có khả năng Anh Quốc sẽ đứng trước việc sẽ có bầu cử mới vào cuối mùa hè này theo các điều khoản của một điều Luật thời hạn cố định của Quốc hội.
Những câu hỏi đang được đặt ra về ảnh hưởng đối với các cuộc thương thuyết Brexit sắp tới và tương lai của chính bà Theresa May, với một thứ trưởng nói với Trưởng biên tập chính trị BBC Laura Kuenssberg rằng “khó có thể hình dung làm sao bà có thể ở lại sau kết quả như vậy”.
Để đạt đại đa số một đảng cần 326 ghế mặc dù trên thực tế đảng Bảo thủ có thể được Nữ hoàng thông qua với 3188 ghế nếu họ được sự ủng hộ của 10 ghế từ đảng DUP
Phát biểu từ đơn vị bầu cử của mình tại Maidenhead, bà Theresa May nói còn đợi kết quả cuối cùng được công bố nhưng bà nói thêm: “Vào lúc này đất nước không cần gì hơn là một giai đoạn ổn định
“Và nếu … đảng Bảo thủ thắng nhiều ghế nhất và có thể là nhiều phiếu nhất, thì nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo chúng ta có gia đoạn ổn định đó – và đó chính là điều chúng ta sẽ làm.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40218531
Ả Rập Xê Út công bố
danh sách các tổ chức « khủng bố » được Qatar hậu thuẫn
Theo AFP, hôm nay, 09/06/2017, Ả Rập Xê Út và ba quốc gia vùng Vịnh, đã công bố một danh sách bao gồm 12 tổ chức và 59 cá nhân bị coi là « khủng bố », được Qatar ủng hộ.
Bốn quốc gia vùng Vịnh ra một thông cáo chung khẳng định là Qatar đã thi hành một chính sách hai mặt, vừa tuyên bố chống khủng bố, lại vừa hậu thuẫn về mặt tài chính và kể cả cho phép nhiều tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình. Trong danh sách nói trên có nhiều tổ chức có nguồn gốc Ai Cập, Libya và Bahren.
Danh sách cá nhân và tổ chức khủng bố nói trên là một diễn biến mới trong cuộc khủng hoảng giữa Qatar và nhóm các nước Ả Rập do Ả Rập Xê Út đứng đầu. Các nước này cáo buộc Qatar liên minh với Iran, vốn là một đối thủ chính của Ả Rập Xê Út trong khu vực.
Ngay sau khi danh sách trên được công bố, Qatar thông báo bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc. Ngoại trưởng Qatar lên án chính sách cấm vận, phong tỏa của các quốc gia vùng Vịnh, và khẳng định đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao, phối hợp với các « quốc gia bạn hữu », để hạn chế tác hại của khủng hoảng, « dỡ bỏ cuộc phong tỏa bất công », và « khởi sự đàm phán ».
Vẫn về Qatar, hôm qua, theo báo Le Monde, kênh truyền hình Al-Zazeera thông báo bị tin tặc tấn công trên quy mô lớn. Al-Zazeera là một hãng truyền thông lớn, do chính phủ Qatar thành lập năm 1996, có gần 80 văn phòng trên khắp thế giới, và sử dụng nhiều thứ tiếng. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới lên án vụ tấn công, và khẳng định kênh này là « nạn nhân » của chiến dịch tấn công chống lại Doha, do Ả Rập Xê Út đạo diễn.
Về quan hệ Pháp – Ai Cập, hôm nay, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian có chuyến công du Cairo, với trọng tâm là siết chặt hợp tác về an ninh chống khủng bố, đặc biệt là tại Libya.