Tin Việt Nam – 06/06/2017
Vì sao TNS McCain thăm ‘di sản cha ông’ ở Cam Ranh?
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có nhiều duyên nợ với Việt Nam nói rằng việc lên tàu chiến được đặt theo tên cha và ông mình tại cảng chiến lược Cam Ranh mang tính “biểu tượng”.
Ông John McCain cùng các thượng nghị sĩ Christopher Coons và John Barrasso thăm các thủy thủ trên tàu khu trục USS John S. McCain lớp Arleigh Burke khi chiến hạm này cập bến cảng tại tỉnh Khánh Hòa hôm 2/6, ít ngày sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Trước sự có mặt của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, trung tá Alfredo J. Sanchez, sĩ quan chỉ huy tàu được trang bị tên lửa dẫn đường, nói rằng “chính sự chuyên nghiệp và tinh thần cống hiến, luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, của các thủy thủ đã mang lại sức sống cho Big Bad John (biệt danh của tàu USS John S. McCain) và thể hiện di sản của cha ông ngài Thượng nghị sĩ John McCain”.
Sau khi trở về nước, các thượng nghị sĩ trên đã ra thông cáo chung hôm 5/6, trong đó nói rằng chuyến công du của họ tới Việt Nam, “đối tác quan trọng và cùng chia sẻ nhiều quyền lợi kinh tế và chiến lược với Hoa Kỳ”, “diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến khu vực đầy bất ổn cũng như các thách thức gia tăng ở Biển Đông”.
Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của USS John S. McCain là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực.
Thông cáo của các thượng nghị sĩ Mỹ viết.
Ba nhà lập pháp cho biết rằng chuyến thăm mà họ tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, “thực sự đáng nhớ vì chúng tôi có cơ hội lên thăm tàu USS John S. McCain khi nó cập cảng Cam Ranh”.
“Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của USS John S. McCain, tàu được đặt theo tên của cha và ông của Thượng nghị sĩ John McCain, những người đã dành phần lớn sự nghiệp hải quân của mình ở châu Á – Thái Bình Dương, là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực”, thông cáo viết tiếp.
Tàu USS John S. McCain đi vào hoạt động từ năm 1994 và được đặt tên theo cha và ông nội của nhà lập pháp đại diện tiểu bang Arizona. Theo đại sứ quán Mỹ, cả cha và ông của thượng nghị sĩ John McCain “đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau ở khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến II” và “trở thành cặp cha con đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ được phong hàm đô đốc”.
Tin cho hay, các thủy thủ gọi con tàu là “Big Bad John” để thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của những người mà con tàu được đặt tên theo. Khu trục hạm này “đang tuần tra, hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”.
Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với nhau để hậu thuẫn tự do trên biển và trên không ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thông cáo viết.
Cùng với tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable, vốn thăm Việt Nam năm 2016, USS John S. McCain “trở thành tàu hải quân Hoa Kỳ đầu tiên thăm cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi cảng đi vào hoạt động vào tháng Ba năm 2016”.
Trong thông cáo, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng nhắc tới thông báo “đáng chú ý” của chính quyền của Tổng thống Trump về việc “làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Việt Nam” và “hậu thuẫn tự do trên biển và trên không ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Các thượng nghị sĩ Mỹ cũng mong “sớm quay trở lại Việt Nam và thảo thuận thêm nữa về cách thức tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược”.
Ngoài các vấn đề hợp tác quốc phòng và thương mại, các nhà lập pháp Mỹ cho biết đã “trao đổi thẳng thắn về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền”, và nhấn mạnh rằng “tiến bộ về vấn đề trên sẽ giúp quan hệ Việt – Mỹ phát triển”.
Thượng nghị sĩ John McCain, từng bị bắt trong Chiến tranh Việt Nam, lâu nay luôn được Hà Nội coi là có “đóng góp quan trọng”, “thúc đẩy bình thường hóa” quan hệ Việt – Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain, từng bị bắt trong Chiến tranh Việt Nam, lâu nay luôn được Hà Nội coi là có “đóng góp quan trọng”, “thúc đẩy bình thường hóa” quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Trong những năm trở lại đây, ông có nhiều tuyên bố thẳng thắn liên quan tới Biển Đông, và thậm chí từng kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, theo chân Philippines, đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc ngày càng hành động không giống một nước có trách nhiệm gìn giữ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, và ngày càng giống như một kẻ bắt nạt.
Thượng nghị sĩ John McCain nói.
Trong cuộc điều trần mới đây về chủ đề chính sách và chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Hoa Kỳ, nói rằng “Mỹ có các quyền lợi sâu rộng và lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Ông nói tiếp: “… trong vòng vài năm qua, Trung Quốc ngày càng hành động không giống một nước có trách nhiệm gìn giữ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, và ngày càng giống như một kẻ bắt nạt. Việc hiện đại hóa và khiêu khích quân sự nhanh chóng của nước này ở Biển Hoa Đông và các hoạt động quân sự hóa tiếp diễn ở Biển Đông cho thấy thái độ ngày càng quyết đoán”.
Cuối tháng trước, trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng Biển Đông là tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế, cũng như nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác”.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ, các tầng lớp chính khách, học giả Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Sau đó, phát biểu tại Quỹ Di sản, một tổ chức được coi là bảo thủ ở thủ đô Washington DC, ông Phúc “đánh giá cao” Hoa Kỳ “ủng hộ việc giải quyết tranh chấp [Biển Đông] bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế… không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thay đổi nguyên trạng, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/6 “mạnh mẽ phản đối” “các phát biểu thiếu trách nhiệm” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, sau khi quan chức này kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi các tuyên bố chủ quyền quá đà [tại Biển Đông]” mà ông cho là “làm suy yếu sự ổn định của khu vực”.
Việt Nam tôn trọng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Hôm 5/6, trong một cuộc phỏng vấn riêng với báo Nikkei của Nhật, ông Phúc nói rằng ông tôn trọng quyết định của Mỹ:
“Mỹ rút ra khỏi TPP, chúng tôi tôn trọng quyết định của phía Hoa Kỳ. Và việc tiếp tục bàn về TTP-11 nước, vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng tôi đã giao cho Bộ Trưởng Thương mại làm việc với bộ trưởng thương mại các nước trong 12 nước để chúng ta tìm một phương án tốt nhất, cùng có lợi nhất cho các nước chúng ta, và sẽ có kết luận sau.”
Báo Nikkei dẫn lời Thủ tướng Phúc nói rằng chính phủ Việt Nam đang “cẩn trọng cân nhắc về việc nội dung nào trong TPP – có thể thương thảo lại sau khi Mỹ rút đi.”
Theo báo Nikkei, Việt Nam gia nhập TPP trong mục tiêu nhắm đến những lợi ích to lớn về xuất khẩu hàng dệt may cũng như nhiều sản phẩm khác vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ ra khỏi TPP.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bá Lộc cho VOA – biết vì sao Việt Nam vẫn mong muốn thắt chặt kinh tế với Mỹ, dù Mỹ không tham gia TPP:
“Sau khi Tổng Thống Trump rút Mỹ khỏi TTP thì Việt Nam rất lo ngại, rất mong có sự hợp tác, giúp đỡ từ Mỹ. Vì kinh tế Việt Nam đang suy sụp, từ 2011 tới nay rất khó khăn, và tương lai rất mù mịt, cho nên Hoa Kỳ là nước chính yếu có thể giúp Việt Nam cứu nguy nền kinh tế.”
Trong số những thành viên còn lại của TPP, chính phủ một số nước như Nhật, New Zealand rất muốn tiếp tục các vòng đàm phán cho TPP-11. Trước khi lên đường sang Tokyo, trả lời phỏng vấn của báo Nikkei và báo chí Nhật tại Việt Nam, Thủ tướng Phúc cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Nhật và nhiều nước khác để hiện thực hóa TPP.
Thủ tướng Phúc cũng khẳng định “chính phủ các nước châu Á không nên để các rủi ro an ninh hay xu hướng bảo hộ cản trở nỗ lực củng cố quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.”
Với Hoa Kỳ – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – Thủ tướng Phúc nói với báo Nikkei rằng chính phủ sẽ xúc tiến đàm phán một thỏa thuận song phương. Nikkei cũng đánh giá cao việc gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của ASEAN thăm và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Ông Nguyễn Bá Lộc cho biết thêm việc Việt Nam luôn “trông chờ” vào thị trường Hoa Kỳ trong tương lai:
“Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng rất tích cực, hữu hiệu, cùng với lượng trao đổi mậu dịch của hai nước rất lớn, lên tới 40 tỷ đôla, Việt Nam vẫn trông chờ thị trường của Mỹ trong tương lai với một thỏa thuận tương tự như TPP.”
Ngoài ra, theo tờ Sankei, tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến TPP, Thủ tướng Phúc đã nói rằng: “Cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích.”
Theo báo Tiền Phong, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura về quan điểm của Việt Nam đối với TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này.”
Khi nói về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng tôi thường nghe về giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Trung Quốc, nhưng dường như trên các phương tiện thông tin đại chúng, giấc mơ Myanmar, giấc mơ Lào, giấc mơ Campuchia hay giấc mơ Việt Nam hầu như không được nói đến. Tôi tin rằng trong tương lai, Châu Á sẽ là một khu vực – nơi giấc mơ của tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, tất cả đều sẽ được lắng nghe và tôn trọng.”
“Lịch sử chứng minh dù chúng ta phản đối hay ủng hộ toàn cầu hóa, xu thế này vẫn cứ diễn ra”, báo Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 23 đang diễn ra tại Nhật Bản.
Về các vấn đề an ninh châu Á như tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Nikkei dẫn lời kêu gọi của Thủ tướng Phúc rằng các bên nên “hành động có trách nhiệm trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp”.
Nguồn: Asia Nikkei, VOV, Infonet, Tiền Phong
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-ton-trong-quyet-dinh-rut-khoi-tpp-cua-my/3889093.html
Khách mời bị đuổi
khỏi sự kiện Thủ tướng Phúc vì ‘mối nguy an ninh’
Đó là một sự kiện đặc biệt quan trọng mà bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao không thể bỏ lỡ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có bài diễn văn tại một viện nghiên cứu chính sách ở Washington sau khi hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31 tháng 5. Nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam cũng góp mặt.
Là người thường xuyên tham dự những sự kiện liên quan đến Việt Nam và Châu Á được tổ chức ở Mỹ, bà Giao là một trong những người đầu tiên đến trụ sở Quỹ Di sản (Heritage Foundation), nơi ông Phúc có bài phát biểu. Sau khi đăng ký và đi qua kiểm tra an ninh, bà đi vào hội trường với ý định tìm một chỗ ngồi tốt ngay chính giữa, sau hai hàng ghế được dành riêng cho các quan chức Việt Nam vẫn còn để trống.
Khách tham dự bắt đầu đổ vào mỗi lúc một đông. Sự kỳ vọng gia tăng trong khi còn vài phút nữa là tới giờ Thủ tướng bắt đầu đọc bài diễn văn, theo lịch trình diễn ra vào 5 giờ chiều thứ Tư tuần trước.
Đó là lúc bà Giao bị yêu cầu phải rời khỏi hội trường ngay lập tức. Lý do: Bà bị xem là “mối nguy an ninh.”
Phóng viên VOA có mặt trong hội trường nơi diễn ra sự kiện này. Dù không chứng kiến khoảnh khắc bà Giao bị mời ra ngoài, VOA trước đó nhìn thấy bà Giao đến bắt tay và chào hỏi những quan chức cao cấp của Việt Nam ngồi ở hàng ghế đầu tiên, bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.
Đại sứ Phương Nga đứng lên chào và mỉm cười khi bà Giao tới bắt tay và trò chuyện.
“Họ cũng nói chuyện nhã nhặn thôi,” bà Giao thuật lại sự việc với VOA. “Ý của tôi là muốn đặt câu hỏi sau này cho nên muốn chờ ông Phúc nói chuyện xong rồi thì có dịp sẽ phỏng vấn và nói chuyện với họ.”
Nhưng không lâu sau khi bà quay trở lại chỗ ngồi để viết câu hỏi, bà nhận thấy mình bị săm soi bởi những người mà bà nói là “mật vụ cộng sản.” Bà cho biết một nhân viên an ninh người Mỹ đến chỗ bà ngồi và mời ra ngoài. Bà nhanh chóng nhận ra rằng sự hiện diện của mình là một vấn đề đối với các nhân viên an ninh Việt Nam và bà sẽ không được phép tham dự sự kiện nữa.
“Khi mà đi ra thì thấy mấy người mật vụ của cộng sản Việt Nam đứng ở ngoài khá đông, chắc cũng phải trên năm người. Họ nhìn tôi xong họ gật gật đầu với nhau nói là, ‘Đúng rồi.’ Họ hỏi tôi là tại sao vào đây. Tôi nói là tôi là khách của Quỹ Di sản,” bà Giao kể.
Bà Giao nói khi chị cố gắng giải thích chị có tên trên danh sách khách mời và được cấp thẻ khách mời, các nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam khăng khăng đòi bà trả lại thẻ này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ Di sản hối thúc bà chấp hành yêu cầu đó.
Bà cương quyết từ chối và đòi được nói chuyện với giới chức cao cấp của Quỹ Di sản, theo lời bà Giao.
“Lúc đó mấy người mật vụ của Việt cộng họ có vẻ khó chịu lắm. Họ nói là ‘Chị có giấy mời không, chúng tôi có mời chị đâu, tại sao chị đến đây?’ Tôi cũng không muốn nói gì tại vì tôi nghĩ họ là khách của Quỹ Di sản. Tôi cũng là khách và tôi thường đến Quỹ Di sản nhiều nữa, thì tôi thấy thái độ đó không chấp nhận được.
“Tôi mới nói là tôi là công dân Hoa Kỳ, ở đây có quyền tự do báo chí, tôi đến đây là nhân danh báo chí và có sự đồng ý mời của Quỹ Di sản. Đây là chuyện bình thường ở Hoa Kỳ, đây không phải là Việt Nam.”
“Nhưng mà mấy người đó rất là khó chịu, có lẽ là họ sợ gần đến giờ ông Phúc đến thì họ làm dữ lên. Họ đòi mấy người nhân viên an ninh mang tôi ra. Tôi không ra. Ông nhân viên an ninh mới nói là kêu cảnh sát.”
Bà Giao kể bà buộc lòng phải đi theo nhân viên an ninh này và tranh cãi kéo dài từ trong thang máy ra ngoài cửa tòa nhà. Một phần cuộc tranh cãi được ghi lại bởi một người gốc Việt đứng ở bên ngoài chờ gặp Thủ tướng Việt Nam.
“Thưa bà, chúng ta nói như vậy đủ rồi,” nhân viên an ninh này đáp trong khi bà Giao liên tục đòi ông này giải thích. “Tôi đã trả lời bà rồi. Họ nói là mối nguy an ninh.”
“Nhưng sao họ lại sợ tôi?” chị Giao tiếp tục chất vấn trong khi bị dẫn ra khỏi khuôn viên tòa nhà.
“Thưa bà, tôi không biết,” nhân viên an ninh này nói.
Trong tâm của họ lúc nào cũng nghĩ những người Việt Nam ngoài này là đối thủ của họ chứ họ không nghĩ chúng ta là những người Mỹ gốc Việt, chỉ muốn cho Việt Nam được tốt đẹp hơn.
Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao
Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại của VOA hỏi về sự việc.
VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải bà Giao ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận.
Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ phận báo chí của Quỹ Di sản.
“Bộ phận báo chí đang bận không tiếp xúc được,” ông này nói.
Bà Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói Người Mỹ gốc Việt chuyên cổ súy sự tham gia dân sự thông qua hoạt động tổ chức cộng đồng ở quanh khu vực thủ đô Washington, cho biết đây không phải là lần đầu tiên bà gặp phải sự đối xử này. Đó là bởi vì chị thường hay tham dự những sự kiện có quan chức Việt Nam tới phát biểu và đặt những câu hỏi liên quan đến dân chủ-nhân quyền khiến họ bối rối, theo lời bà.
“Thật sự lần đó thì tôi không bị mời ra ngay lúc đó nhưng mà những lần sau khi mà có ông [Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình] Minh hay ông [Chủ tịch nước Trương Tấn] Sang đến, tôi muốn tham dự thì tôi không được [cho vào],” chị Giao kể về một trải nghiệm tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nơi thường hay tổ chức những buổi nói chuyện của các quan chức Việt Nam tại Washington. “Họ gửi email mời dự, mình trả lời RSVP (hồi âm) nhưng mà khi mình đến thì họ không đồng ý cho mình tham dự.”
Thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn bị nhiều tổ chức vận động nhân quyền quốc tế chỉ trích vì hạn chế những quyền căn bản như tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và tôn giáo trong khi các nhà hoạt động nhân quyền và blogger thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa, tấn công và bỏ tù, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Bà Giao mô tả mình là một người có thái độ “khá ôn hòa” và muốn đối thoại thẳng thắn trong tinh thần mang tính xây dựng. Vì thế, bà nói chị thường chủ động đến bắt tay chào hỏi những quan chức này. Nhưng thái độ dè chừng và khép kín của họ khiến những cuộc trao đổi khó khăn hơn, như khi bà tìm cách tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần ông đến dự cuộc tọa đàm tại CSIS.
“Không biết vì lý do gì khi mà ông Phạm Bình Minh đi ra cửa, ông ấy đi ngang chỗ tôi, tôi thực sự mà nói chỉ là một người bình thường, ông ấy đi ngang thì mình cũng đứng lên chào, không biết sao ông ấy rất là sợ,” bà kể.
“Ông ấy thấy mình đứng lên muốn chào thì ông ấy lùi lại và người bảo vệ thì lại tưởng tôi muốn làm gì ông ấy, nhưng mà thấy họ rất là sợ.
“Trong tâm của họ lúc nào cũng nghĩ những người Việt Nam ngoài này là đối thủ của họ chứ họ không nghĩ là chúng ta là những người Mỹ gốc Việt, chỉ muốn cho Việt Nam được tốt đẹp hơn.
“Trong lòng họ rất sợ hãi, đó là điều tôi nhận thấy,” bà Giao chia sẻ.
Bà Giao nói sự việc ở Quỹ Di sản khiến chị “hơi bực mình” nhưng không khiến bà nản lòng. Và bà vẫn muốn đến dự những buổi nói chuyện có sự hiện diện của các quan chức Việt Nam.
“Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, chúng tôi nghe được người dân thì chúng tôi phải có mặt và phải được lên tiếng,” bà nhấn mạnh. “ Có như thế thì tiến trình ‘hữu nghị’ mới phát triển tốt đẹp được.”
Việt Nam-Pháp
trao đổi kinh nghiệm gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Pháp lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội hôm ngày 6 tháng 6.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Như Cảnh nhấn mạnh sự kiện này có ý nghĩa thiết thực khi mà Việt Nam đang triển khai các Bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tại hội nghị lần này, các chuyên gia Pháp giới thiệu cho phía Việt Nam các nội dung liên quan đến hoạt động gìn giữ hoà bình và quản lý bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tham gia hội nghị có Thiếu tướng Pascal Favaro thuộc Cục quân y, Bộ quốc phòng Pháp, Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó giám đốc trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam, đại diện Cục quân y, Bộ Quốc phòng Lào cùng đại diện các cơ quan chức năng Bộ quốc phòng Việt Nam.
Nguồn nước ô nhiễm
gây ung thư và tử vong nhiều tại Việt Nam
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân khiến hơn 9.000 người chết và hơn 100.000 trường hợp bị ung thư mỗi năm tại Việt Nam.
Đây là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Bồn tự hoại Septic Sơn Hà – Giải pháp xanh trong xử lý nước thải” tổ chức tại Hà Nội ngày 6/6.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định việc sử dụng bể phốt bằng bê tông để xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị không đảm bảo do các bể này có thể bị rò rỉ sau một thời gian chịu tác động từ môi trường, và sẽ tràn trực tiếp vào nguồn nước ăn và nước ngầm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các tác động của nguồn nước ô nhiễm tới sức khỏe con người và biện pháp xử lý nước thải ở Việt Nam.
Việt Nam đang xem xét tái đàm phán TPP
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vừa nêu trong trả lời tờ Nikkei của Nhật vào ngày 5 tháng 6 khi ông này đang có mặt tại Xứ Phù Tang thăm chính thức theo lời mời của thủ tướng Shinzo Abe và cũng để tham dự Hội Nghị Tương Lai Châu Á lần thứ 23 diễn ra ở Nhật.
Theo lời của người đứng đầu chính phủ Hà Nội thì bộ trưởng thương mại Việt Nam được giao nhiệm vụ thảo luận cùng các đại diện các thành viên còn lại trong TPP về những giải pháp cho con đường phía trước. Mục tiêu nhằm tìm cách cân bằng và hài hòa lợi ích của các bên tham gia ký kết TPP.
Khi được hỏi những yếu tố nào trong TPP mà Việt Nam muốn thay đổi, ông Nguyễn Xuân Phúc nói vấn đề đó đang còn được xem xét.
Trước chuyến công du Xứ Phù Tang lần này, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có phát biểu với báo giới Nhật tại Hà Nội rằng Việt Nam sẽ hợp tác với Nhật và những nước khác nhằm đưa TPP vào thực hiện.
Đề xuất chặt 1.300 cây:
Dân Hà Nội ‘tiếc và buồn, nhưng đành chịu’
Một số người dân Hà Nội nói với BBC rằng họ ‘tiếc và buồn, nhưng đành chịu’ trước đề xuất chặt 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Đây là công trình do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, Sở Giao thông – Vận tải TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây.
Thời hạn chặt hạ, đánh chuyển cây được ấn định trước ngày 30/9.
Sẽ có từ chức trong vụ Hà Nội ‘chặt cây’?
Ô nhiễm môi trường ‘đe dọa ổn định ở VN’
Diễu hành vì môi trường ‘bị ngăn chặn’
Liên quan đến vụ việc, báo Tiền Phong hôm 6/6 nói “cây sắp hết tuổi, không đảm bảo mỹ quan đô thị”.
Còn báo Tuổi Trẻ hôm 5/6 thì dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói: “Cây to đùng, mình cắt mình cũng tiếc chứ. Nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi, chẳng lẽ dừng lại không làm gì”.
“Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân. Trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng có tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.”
‘Ngụy biện’
Hôm 6/6, Nhà giáo Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi biết nhiều người Hà Nội cũng giống như mình, tiếc và buồn, nhưng chính quyền đã muốn chặt cây thì chỉ vì lợi ích của họ thôi.”
“Mọi thông tin rằng những cây sắp bị chặt đều có tuổi, không hợp mỹ quan đô thị… đều chỉ là ngụy biện.”
“Thực tế trên đường Láng, Kim Mã có hàng cây xà cừ 50, 60 năm tuổi có bao giờ đổ đâu.”
Mọi thông tin rằng những cây sắp bị chặt đều có tuổi, không hợp mỹ quan đô thị… đều chỉ là ngụy biệnNhà giáo Mạc Văn Trang
“Người dân có phản ứng hay xôn xao trước việc này thì cũng đành chịu.”
“Thật sự là tôi bi quan lắm, ông Hoàng Trung Hải đã lên tiếng trên báo chí là cần cân nhắc việc di dời cây, nhưng đọc kỹ thì hiểu chính quyền đã quyết định rồi.”
“Thời ông Nguyễn Thế Thảo chặt 6.700 cây, người ta đã thấy tệ rồi, đến bây giờ nếu họ lại chặt thêm đợt này nữa thì không còn gì để nói.”
Ông Trang cũng bình luận thêm: “Các nhóm hoạt động kêu gọi biểu tình phản đối chặt cây sẽ không còn hiệu quả vì những người dẫn đầu phong trào đều bị chính quyền theo dõi, ngăn chặn ở nhà họ trước mỗi sự kiện.”
Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà, thành viên nhóm Green Tree, nói với BBC: “Trong việc chặt cây, về mặt tuyên truyền, phía chính quyền luôn nói về sự “đồng thuận” trong mọi quyết định với người dân.”
“Còn trong thực tế, người dân không hề được tham vấn ý kiến về các quyết định như chuyện sắp chặt hàng loạt cây.”
“Những người dân mà tôi gặp trên đường Phạm Văn Đồng đa phần muốn một giải pháp để vừa mở rộng đường, vừa giữ được hàng cây lâu năm.”
“Còn về phản ứng của người dân Hà Nội, tôi cảm nhận là họ sẽ không quyết liệt như năm 2015 với đề án 6.700 cây xanh.”
“Điều này có thể là do chưa có cây nào bị chặt hạ, kể cả trên đường Phạm Văn Đồng.”
“Nhưng điều khác biệt lớn nhất mà tôi thấy, đó là nhóm Green Trees đã đề xuất một giải pháp thay thế, cũng như việc sử dụng truyền thông mạng xã hội để phản ứng với đề án chặt cây xanh.”
Trên mạng xã hội, nhóm Green Trees cho biết họ “tin chắc rằng nếu mọi dự án quy hoạch và phát triển đô thị đều có sự tham vấn đông đảo người dân và xã hội dân sự, bảo đảm minh bạch và dân chủ, thì mọi vấn đề đều có giải pháp.”
“Chúng tôi đề nghị Ban quản lý dự án và các bên liên quan đưa ra bản vẽ quy hoạch chi tiết. Nếu nói bắt buộc phải chặt thì dựa vào tính toán nào,” văn bản của nhóm viết.
Nhóm này đưa ra đề xuất: “Lưu ý đến việc lập, công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường; Lưu ý đến việc tham vấn người dân và các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình triển khai dự án; Hủy bỏ ngay lập tức kế hoạch chặt hạ, di dời cây trên đường Phạm Văn Đồng và trong khu vực dự án.”