Tin Biển Đông – 05/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/06/2017

Chiến dịch “Đá Vành Khăn”:

Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông

Mai Vân

Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng: chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.

Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.

Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân

Mở đầu bài viết mang tựa đề « Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: Trễ còn hơn không », tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.

Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.

Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn

Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng « chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc « diễn tập bình thường », với bài tập « điều khiển con tàu » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu « người bị rơi xuống biển ».

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục « qua lại vô hại » khi đi qua vùng biển của một nước khác.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục « qua lại vô hại – innocent passage ». Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho « hòa bình, trật tự hay an ninh » đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu « cứu người rơi xuống biển » rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.

Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không… Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.

Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những « nhiệm vụ bình thường » và một bài tập « điều khiển con tàu », thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.

Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.

Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.

Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.

Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục

Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến « chủ quyền và an ninh » của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines

Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào  « vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh ».

Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.

Thứ ba, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải: « hành động sai trái », « khiêu khích », « phô trương sức mạnh », « thúc đẩy quân sự hóa khu vực », « hành vi lệch lạc ».

Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa…

Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.

Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170605-chien-dich-da-vanh-khan-trump-tq-bd

 

TQ nổi đóa vì phát biểu ‘vô trách nhiệm’

của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông

Trung Quốc tỏ rõ sự tức giận đối với những phát biểu mà nước này gọi là “vô trách nhiệm” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh vào cuối tuần qua.

Theo Reuters, ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.

Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.

Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại “tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám”.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuần trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trên một bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa”, ông Mattis khẳng định.

Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng phản đối các cuộc biểu dương lực lượng ở Biển Đông dưới hình thức các cuộc tập trận như là những đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Reuters dẫn nguồn báo China Daily hôm thứ Hai cáo buộc Hoa Kỳ là “đạo đức giả”.

Báo này nói “Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một ví dụ mới nhất về cách Hoa Kỳ bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và ích kỷ của mình”.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-noi-doa-vi-phat-bieu-vo-trach-nhiem-cua-bo-truong-quoc-phong-my-ve-bien-dong/3887322.html

 

Chuyến đi Mỹ của ông Phúc

làm giảm bớt sự lo lắng về Biển Đông

Chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không có tính đột phá, nhưng lại mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng, giúp giảm bớt sự lo lắng về xung đột Biển Đông, một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam cho biết.

Giáo sư Tương Lai nhận định về chuyến thăm Mỹ ba ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày 31/5 như sau:

“Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp.”

Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp.

Giáo sư Tương Lai

Theo ông Tương Lai, các triển vọng đó là tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, như Mỹ quyết định chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, và đặc biệt “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.”

“Trong tuyên bố chung nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt quan hệ quốc phòng, quân sự theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam thì sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ.”

Giáo sư Tương Lai cũng lưu ý một chi tiết quan trọng trong tuyên bố chung Việt – Mỹ: “Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.”

Tuyên bố “hợp tác hơn nữa giữa hải quân hai nước”, theo nhận định của ông Tương Lai, phần nào làm giảm đi nỗi lo lắng việc Hoa Kỳ có khả năng “đi đêm” với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

“Ông Trump không chủ trương xoay trục sang châu Á như ông Obama, nhưng qua thông cáo chung giữa hai nước và qua thái độ đón tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc một cách trọng thị, thân tình, thì tôi đánh giá rằng mối lo đối với tình hình Biển Đông, đối với âm mưu của Trung Quốc, đối với việc Mỹ có khả năng đi đêm với Trung Quốc phần nào giảm bớt.”

Mối lo đối với tình hình Biển Đông, đối với âm mưu của Trung Quốc, đối với việc Mỹ có khả năng đi đêm với Trung Quốc phần nào giảm bớt.

Giáo sư Tương Lai

Một chi tiết nữa trong tuyên bố chung, mà theo ông Tương Lai, là rất đáng chú ý: “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Ông Tương Lai nói rằng mặc dù bản tuyên bố chung “không điểm mặt chỉ tên Trung Quốc” trong tranh chấp Biển Đông, nhưng thể hiện rõ quan điểm của Mỹ:

Tuyên bố chung của hai bên không nói nhiều đến Biển Đông, nhưng nói nhiều đến vấn đề hợp tác quân sự. Quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư y tế trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Tôi đặc biệt lưu ý việc hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kìm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tuy không điểm mặt chỉ tên, nhưng ai cũng biết, đó là hành động ăn cướp của Trung Quốc, đang gây căng thẳng ở Biển Đông và xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.”

Ngoài ra, vị giáo sư 81 tuổi này còn cho rằng Mỹ thể hiện rõ quan điểm có trách nhiệm trong vấn đề Biển Đông:

“Khi mà bản tuyên bố nói rằng Tổng thống Trump nhấn mạnh việc Hoa Kỳ tiếp tục cho các tàu và máy bay di chuyển, hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép – điều đó thể hiện rằng Mỹ có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề Biển Đông, Mỹ không làm lơ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng Giêng. Đài truyền hình CNBC nói rằng Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, tại diễn đàn Đối thoại Shangri – La hàng năm ở Singapore vào ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực và cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trang Zing.vn cho biết Việt Nam không tham dự cấp bộ trưởng nên không phát biểu tại phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri-La 2017.

Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam, đại diện Đoàn Việt Nam nêu quan điểm để giải quyết xung đột trên Biển Đông như sau: “Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam tiếp tục trao đổi với mọi đối tác có liên quan để thống nhất mọi vấn đề trên biển được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng tạo sự tin cậy và tăng cường hợp tác, tránh hiểu lầm và cố gắng để các nước gần nhau hơn”.

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-di-cua-ong-phuc-lam-giam-bot-su-lo-lang-ve-bien-dong/3887519.html