Tin khắp nơi – 04/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/06/2017

Ông Trump:

cần thôi “mực thước về chính trị” trong chống khủng bố

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng thế giới cần ngừng tỏ ra “mực thước về mặt chính trị” trong cuộc chiến chống khủng bố, và ông sử dụng cuộc tấn công chết chóc ở London để tiếp tục kêu gọi tòa án cho phép ông cấm người từ sáu nước có tín đồ Hồi giáo chiếm đa số du hành đến Mỹ.

Trong một loạt các bài ngắn đăng trên Twitter, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ Anh, chỉ trích thị trưởng London, và nêu ra lập trường cứng rắn về chống khủng bố.

Ông Trump nói hôm 4/6: “Chúng ta phải dừng việc mực thước về mặt chính trị lại, và nghiêm túc làm việc về an ninh cho người dân. Nếu chúng ta không trở nên khôn ngoan, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Ông cũng châm biếm thị trưởng London Sadiq Khan, người đã đắc cử hồi năm ngoái và là người Hồi giáo đầu tiên đứng đầu một thủ đô lớn của phương tây.

Ông Trump viết trên Twitter: “Ít nhất 7 người chết và 48 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố, vậy mà Thị trưởng London nói rằng “không có lý do gì để báo động!”

Khi tin tức về vụ tàn sát đêm 3/6 lan rộng ở London và trên thế giới, ông Khan lên án cuộc tấn công, mô tả nó là “một cuộc tấn công có chủ ý và hèn hạ vào những người London vô tội”, sau đó ông nói người Anh không nên hoảng sợ khi nhìn thấy cảnh sát hiện diện nhiều hơn trên đường phố London.

Trong vòng một giờ sau khi ba kẻ tấn công lao xe vào đám đông trên cầu London và sau đó đâm dao vào nhiều người ở một khu thương mại gần đó, ông Trump nói: “Chúng ta cần phải khôn ngoan, cảnh giác và cứng rắn. Chúng ta cần tòa án trao lại quyền cho chúng ta. Chúng ta cần lệnh cấm du hành, đó một cách nâng mức độ an toàn!”

Một số tòa án Hoa Kỳ đã ngăn cản lệnh cấm của ông Trump đối với việc du hành từ Iran, Syria, Libya, Sudan, Yemen và Somalia. Một phần lý do là các tòa án phán quyết rằng việc ông liên tục công kích chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và có một lần kêu gọi cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ cho thấy việc ông ngăn chặn du hành đến Hoa Kỳ, dù ở quy mô nhỏ hơn, vẫn thể hiện sự phân biệt tôn giáo. Ông đã kháng cáo phán quyết của các toà cấp thấp tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Ông Trump nói Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp London và Anh chống khủng bố. Ông nói: « Chúng tôi sát cánh với các bạn. Cầu Chúa ban phước lành »

https://www.voatiengviet.com/a/trump-can-thoi-muc-thuoc-ve-chinh-tri-trong-chong-khung-bo/3886312.html

 

NYT: Trump không định ngăn cựu giám đốc FBI ra khai chứng

Tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump không định sẽ dùng đặc quyền hành pháp của mình để ngăn chặn cựu giám đốc FBI James Comey tiết lộ với Quốc hội Mỹ những thông tin có thể có hại cho ông Trump về những phát biểu mà ông đưa ra về cựu giám đốc đặc trách an ninh quốc gia này.

Báo The New York Times loan tin về quyết định này, dẫn nguồn tin từ những quan chức cao cấp giấu tên trong chính quyền của ông Trump.

Hôm thứ Bảy, một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói tờ Times nên chuyển câu hỏi của họ cho luật sư bên ngoài của Tòa Bạch Ốc. Luật sư không phản hồi ngay tức thì yêu cầu bình luận.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với báo giới hôm thứ Sáu rằng ông không biết liệu ông Trump có ngăn chặn lời khai chứng của ông Comey hay không.

“Tôi chưa nói chuyện với luật sư, tôi không biết họ sẽ phản hồi như thế nào,” ông Spicer nói.

Khi còn là giám đốc FBI, ông Comey đã dẫn đầu cuộc điều tra của cơ quan này nhắm vào sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, và việc liệu những trợ lý trong ban vận động của ông Trump có thông đồng với Nga hay không trước khi ông Trump sa thải ông Comey hồi tháng trước.
Cựu giám đốc của FBI vào ngày 8 tháng 6 sẽ ra khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ủy ban cũng đang tiến hành một cuộc điều tra về cuộc bầu cử và sự thông đồng có thể có.
Ông Comey dự kiến sẽ trình bày với các nhà lập pháp về những cuộc trao đổi của ông với ông Trump, bao gồm một cuộc trao đổi mà trong đó Tổng thống hối thúc ông ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ông Trump sa thải ông Flynn vào tháng 2 sau khi tin tức cho hay ông Flynn đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về những liên lạc của ông với đại sứ Nga tại Mỹ.

Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong bốn cuộc điều tra của Quốc hội nhắm vào những mối liên hệ có thể có của ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga và sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt để điều tra liệu những trợ lý trong ban vận động của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/new-york-times-trump-khong-dinh-ngan-cuu-giam-doc-fbi-ra-khai-chung/3885703.html

 

“Biểu tình vì sự thật” chống Trump

nổ ra tại 135 thành phố trong, ngoài Mỹ

Các cuộc biểu tình đang diễn ra hôm thứ bảy 3/6 tại hơn 135 thành phố ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài để đòi tiến hành điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với nước Nga để ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, theo hướng có lợi cho ông Trump.

Các cuộc biểu tình “March for truth”- “Tuần hành vì sự thật” được tổ chức bởi một liên minh toàn quốc gồm 17 nhóm hoạt động, trong đó có nhóm Tuần hành của Phụ Nữ và Nhóm Dân chủ Cấp tiến Hoa Kỳ.

Liên minh đòi thành lập một ủy ban độc lập để giám sát một cuộc điều tra vô tư, đồng thời yêu cầu các cuộc điều tra đang diễn ra tại quốc hội phải được cung cấp “các nguồn lực hợp lý và không bị thao túng bởi các lợi ích có tính đảng phái”.

Hiện có 4 cuộc điều tra tại Quốc hội để xem xét những sự liên kết có thể có giữa chiến dịch vận động của ông Trump với nước Nga, và vai trò của Matxcơva, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Mặt khác, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chỉ định cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm biện lý đặc biệt để điều tra xem liệu các phụ tá của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, có toa rập với nước Nga một cách bất hợp pháp hay không.

Các cuộc điều tra được phát động sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng tin tặc Nga đã tấn công các máy chủ của Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ hồi năm ngoái để phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ và là người mà Tổng thống Putin ghét bỏ, theo giới phân tích chính trị.

Ông Trump bác bỏ những tố cáo cho rằng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông và Nga, đồng thời bác bỏ đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ, rằng ông Putin đã hạ lệnh cho tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm phá hoại cuộc cử bầu Mỹ hồi tháng 11. Ông Putin đã nhiều lần bác bỏ không có bằng chứng về sự can thiệp của điện Kremlin trong cuộc bầu cử.

“March for Truth” cũng đòi Tổng thống Trump công bố hồ sơ khai thuế cá nhân. Ông Trump nhiều lần từ chối phổ biến bản khai thuế, làm tăng sự phẫn nộ trong giới chỉ trích vốn cho rằng bằng cách khước từ yêu cầu đó, ông Trump đã tước đi quyền của công dân được có những thông tin liên quan tới những xung đột lợi ích có thể có với những đề xuất cải tổ chính sách thuế của ông, có thể giúp ông làm giàu. Không có luật nào buộc một tổng thống Mỹ phải công bố tờ khai thuế.

“Cuộc tuần hành vì sự thực- March for Truth” là cuộc biểu tình mới nhất trong một loạt cuộc biểu tình phản đối ông Trump diễn ra vào những ngày cuối tuần kể từ khi ông đắc cử Tổng thống, trong đó phải kể đến cuộc Tuần hành của Phụ nữ hồi Tháng Một, và Tuần hành vì Khoa học vào tháng Tư vừa rồi.

Những người ủng hộ ông Trump cũng xuống đường trong ngày Thứ bảy 3/6. Cuộc biểu tình “Pittsburgh, chứ không phải Paris” đang diễn ra tại quảng trường Lafayette đối diện Toà Bạch Ốc, để ăn mừng việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Thư mời tham dự cuộc tuần hành do chiến dịch của Tổng thống Trump đưa ra có đoạn viết:

“Như bạn đã biết, tổng thống đang bị vây hãm bởi các phương tiện truyền thông dòng chính và các thành viên Đảng Dân chủ, đặc biệt trong bối cảnh ông “đặt việc làm của người Mỹ lên trên hết bằng cách rút ra khỏi hiệp định Paris”. Vì vậy, chúng tôi tổ chức một nhóm để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với Tổng thống Trump và sự lãnh đạo không hề biết sợ hãi là gì của ông.”

Ông Trump hôm thứ Năm loan báo quyết định rút ra khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu, và như thế khiến Hoa Kỳ được ghi tên bên cạnh Syria và Nicaragua, trong danh sách 3 nước duy nhất trên thế giới không tham gia hiệp định Paris.

https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-vi-su-that-chong-trump-no-ra-tai-135-thanh-pho-trong-ngoai-my/3885626.html

 

Bắc Hàn phản bác Liên Hiệp Quốc

Bình Nhưỡng lên án các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc, coi đó là hành động “thù nghịch” và tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn tuyên bố như vậy hôm 4/6.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 2/6 mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng sau khi chính quyền này liên tiếp tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa.

Đây là nghị quyết đầu tiên được chấp thuận dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump, sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng minh chính của Bắc Hàn, đạt được thỏa thuận.

Hãng tin nhà nước KCNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói rằng nghị quyết trên là một “hành động mang tính thù nghịch” với mục đích ngăn chặn Bắc Hàn “củng cố khả năng hạt nhân” cũng như “bóp nghẹt về kinh tế”.

Người phát ngôn được dẫn lời nói rằng “bất kể các biện pháp trừng phạt và áp lực, chúng tôi sẽ không bao giờ chùn bước tiến tới củng cố khả năng hạt nhân nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước”, theo Reuters.

Bắc Hàn đã bác bỏ mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2006, khi nước này thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên, với tuyên bố rằng hành động của cộng đồng quốc tế vi phạm quyền tự vệ của nước mình.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách gây áp lực lên Trung Quốc để khống chế quốc gia đồng minh của Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-han-phan-bac-lien-hiep-quoc/3886318.html

 

Đông Nam Á đồng lòng chống Nhà nước Hồi giáo

Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á hôm 3/6 đề xuất kế hoạch sử dụng máy bay không người lái và phi cơ tuần thám để ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo di chuyển qua các vùng biên giới giữa các nước.

Ngoài các cuộc tuần tra trên biển, Indonesia, Malaysia và Philippines cho biết sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung trên không trong tháng Sáu tại vùng biên giới chung giữa các nước này ở Biển Sulu.

Chính phủ các nước trong khu vực đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo ở miền nam Philippines tràn sang các nước khác.

Phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, ông Lương Lê Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng các biên giới rộng mở trong khu vực “đang bị các nhóm khủng bố lợi dụng”.

Chính quyền Indonesia và Malaysia, hai nước có đa phần công dân là tín đồ Hồi giáo, nói rằng hàng nghìn công dân hai quốc gia này bày tỏ cảm thông với Nhà nước Hồi giáo, và hàng trăm người đã đi tới Syria để gia nhập tổ chức cực đoan này.

Trong những tháng gần đây, hàng chục chiến binh từ Indonesia và Malaysia đã vượt biên giới sang Mindanao ở miền nam Philippines, nơi xảy ra các cuộc đụng độ giữa phiến quân và các lực lượng chính phủ.

Bên lề diễn đàn Shangri-La, ASEAN cùng cam kết với Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ Philippines đối đầu với các cuộc tấn công của chiến binh ở thành phố Marawi.

https://www.voatiengviet.com/a/dong-nam-a-dong-long-chong-nha-nuoc-hoi-giao/3886284.html

 

London lại bị tấn công, sáu người thiệt mạng

Sáu người thiệt mạng và ba nghi phạm bị cảnh sát bắn chết sau vụ tấn công khủng bố tại khu London Bridge và Borough Market.

Dịch vụ Cứu thương London cho hay ít nhất 30 người được đưa tới bệnh viện.

Cảnh sát vũ trang và xe cứu thương có mặt sau khi được tin một xe tải tấn công ở khu London Bridge sau 10h tối.

Trong khi đó có tin nói ba người đàn ông cầm dao đâm chém tại một khu khác, Borough Market.

Cảnh sát London nói hai vụ việc đang được xem là ‘khủng bố’.

Thủ tướng Theresa May mô tả vụ việc là “sự kiện khủng khiếp” và sẽ chủ trì một cuộc họp của Ủy ban tình trạng khẩn cấp Cobra.

Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd nói rằng các cuộc tấn công “thật kinh khủng” và “nhắm mục tiêu vào những người đang đi cùng bạn bè và gia đình”.

Thị trưởng London Sadiq Khan nói: “Chúng tôi chưa biết đầy đủ chi tiết về vụ việc, nhưng đây là một cuộc tấn công có chủ ý và hèn nhát nhắm vào những người dân London và du khách vô tội đang tận hưởng đêm thứ Bảy.”

Ông Khan nói với BBC Radio London: “Những kẻ khủng bố là ác nhân hèn hạ và London sẽ không bao giờ sợ hãi, bị khuất phục. Chúng tôi sẽ không bao giờ để bọn họ giành chiến thắng.”

Tờ Telegraph tường thuật rằng các chính trị gia Anh đang chịu áp lực phải hoãn cuộc tổng tuyển cử hôm 8/6 sau vụ tấn công khủng bố thứ hai trong hai tuần.

Vài giờ sau vụ tấn công khu London Bridge, những người dùng mạng xã hội kêu gọi cuộc bỏ phiếu hôm 8/6 bị hủy bỏ, tờ báo cho biết.

Những gì chúng ta biết về vụ tấn công London:

Cảnh sát cho hay họ nhận được tin báo về một chiếc xe lao vào những người đi bộ trên cầu London lúc 22:08 giờ địa phương

Chiếc xe tải màu trắng chạy từ cầu London đến Chợ Borough

Các nghi phạm sau đó rời xe và một số người bị đâm dao, bao gồm một cảnh sát

Ba nam nghi phạm bị cảnh sát bắn chết trong vòng tám phút

Các nghi phạm mặc áo cài thuốc nổ giả. Danh tính của nghi phạm chưa được tiết lộ

Chưa có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm vụ này.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi có tổng tuyển cử tại Anh hôm 8/6, và chưa đầy hai tuần sau khi kẻ đánh bom tự sát giết chết 22 người tại buổi hòa nhạc ở Manchester.

Thông cáo của Harun Khan, Tổng thư ký của Hội đồng Hồi giáo Anh Quốc, cho hay: “Tôi kinh sợ và giận dữ trước vụ tấn công khủng bố tại khu London Bridge và Chợ Borough. Hành vi bạo lực này thực sự gây sốc và tôi lên án bằng những lời mạnh mẽ nhất.”

“Những người Hồi giáo ở khắp mọi nơi phẫn nộ và ghê tởm những kẻ hèn nhát này, những kẻ thêm một lần nữa cướp đi mạng sống của những người Anh.”

“Vụ việc xảy ra trong tháng Ramadan trong khi nhiều người Hồi giáo đang cầu nguyện và nhịn ăn cho thấy những kẻ tấn công không biết tôn trọng cuộc sống cũng như đức tin.”

“Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng. Tôi cảm kích những người trong đội hành động khẩn cấp để giữ cho người dân an toàn.”

Đây là vụ tấn công khủng bố thứ ba ở Anh kể từ tháng 3/2017.

Vụ tấn công xe tải tối 3/6 có vẻ giống vụ hồi tháng Ba ở cầu Westminster, London, làm chết 5 người.

Khi đó, thủ phạm cũng tông xe vào người đi bộ, rồi đâm một cảnh sát ở trước nhà quốc hội.

Vụ đánh bom tự sát ở Manchester ngày 22/5 là vụ đẫm máu nhất tại Anh từ tháng Bảy 2005, khi bốn người đánh bom tự sát giết chết 52 người tại London.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án “những cuộc tấn công hèn nhát nhắm vào thường dân vô tội ở London”.

“Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp Anh Quốc khi có yêu cầu”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40147758

 

Ireland sắp có thủ tướng đầu tiên là người đồng tính gốc Ấn

Ireland sẽ có thủ tướng đầu tiên là người đồng tính: Leo Varadkar, con trai của một người nhập cư Ấn Độ, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chọn nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền Fine Gael hôm thứ Sáu.

Ông Varadkar, 38 tuổi, cũng sẽ là thủ tướng trẻ nhất của Cộng hòa Ireland. Ông giành ngôi vị lãnh đạo đảng với 60 phần trăm số phiếu bầu và thay thế Enda Kenny, 66 tuổi, làm thủ tướng Ireland kể từ năm 2011. Ông Kenny loan báo quyết định nghỉ hưu vào tháng trước.

Ông Varadkar, với tư cách là nhà lãnh đạo mới của đảng Fine Gael, sẽ tự động trở thành thủ tướng đắc cử, nhưng sự lựa chọn của đảng này phải được cả nghị viện chuẩn thuận trước khi họ hội họp vào ngày 13 tháng 6.

Nếu được chuẩn thuận ông Varadkar cũng sẽ là thủ tướng đầu tiên của Ireland có gốc gác là sắc dân thiểu số.

Ông Varadkar sẽ đối mặt với nhiều thử thách trên cương vị thủ tướng, bao gồm lèo lái một nền kinh tế vẫn đang hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông cũng sẽ phải dẫn dắt Ireland vượt qua Brexit, quá trình mà nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Ireland chịu nhiều tác động từ Brexit hơn hầu hết các nước Châu Âu vì có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Anh.

https://www.voatiengviet.com/a/ireland-sap-co-thu-tuong-dau-tien-la-nguoi-dong-tinh-goc-an/3885690.html

 

Trump ‘tin có biến đổi khí hậu’

Tổng thống Mỹ Donald Trump tin có tình trạng biến đổi khí hậu và rằng các chất gây ô nhiễm là nguyên nhân”, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho hay.

Ông Trump biết “Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này và đó là những gì chúng tôi sẽ làm”, bà Nikki Haley nói.

Tổng thống bị nhiều phía lên án sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.

Hoa Kỳ trở thành một trong ba nước nằm ngoài thỏa thuận này.

Trump: ‘Chào nhé cộng đồng quốc tế!’

VN có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris?

Trong lời tuyên bố, ông Trump nói thỏa thuận Paris làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, và kể từ khi tuyên bố hôm 1/6, ông tránh né những câu hỏi về chủ đề này.

Bà Haley nói với CNN: “Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận không có nghĩa là chúng tôi sẽ không quan tâm đến môi trường. Các điều khoản của hiệp định Paris đạt được vào năm 2015 quá nặng nề.”

Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, nói: “Thế giới hoan nghênh khi chúng tôi gia nhập Paris và quý vị biết tại sao không? Tôi nghĩ rằng họ hoan nghênh vì họ biết nó sẽ khiến cho nước Mỹ bất lợi”.

Ông Trump cho biết thỏa thuận Paris sẽ gây thiệt hại 3 tỷ đôla từ GDP và mất đi 6 triệu rưỡi việc làm, trong khi các nền kinh tế đối thủ như Trung Quốc và Ấn Độ được ưu đãi hơn.

Bà Haley nói: “Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo rằng chúng ta có không khí sạch, nước sạch”.

Syria và Nicaragua không thỏa thuận Paris.

Trung Quốc, EU và Ấn Độ tái cam kết về thỏa thuận.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sau khi gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris hôm 3/6, nói: “Việc bảo vệ môi trường và hành tinh là một tín điều.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40104655

 

Hiệp định khí hậu Paris: Pháp được Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ

Tú Anh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hậu thuẫn một cách dứt khoát trong quyết tâm thực thi hiệp định chống biến đổi khí hậu. Lãnh đạo quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về gây ô nhiễm cho biết New Delhi ủng hộ thỏa thuận COP 21 và cùng hợp tác xa hơn nữa để bảo vệ trái đất.

Trong cuộc họp báo chung tại Điện Elysée, ngày 03/06/2017, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh nhu cầu thực thi thỏa thuận Paris, gọi tắt là COP21, là để bảo vệ những thế hệ mai sau. Mục tiêu này, bảo vệ môi trường và hành tinh xanh, theo lời thủ tướng Ấn, được ghi trong kinh điển Ấn Độ Giáo Vedas.

Theo AFP, đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sự ủng hộ của lãnh đạo quốc gia hơn một tỷ dân đã làm tăng sức thuyết phục trong nỗ lực kêu gọi toàn cầu bảo vệ hiệp định khí hậu Paris cho dù Hoa Kỳ của Donald Trump rút chân ra.

Muốn sớm gặp tân tổng thống Pháp, thủ tướng Ấn Độ đã thêm Paris vào giờ chót trong chuyến du hành châu Âu, từ Đức, Nga đến Tây Ban Nha, dự kiến từ trước.

Nếu khí hậu là « lãnh vực quan trọng nhất » được trao đổi trong bữa tiệc trưa thứ Bảy như tân chủ nhân Elysée tuyên bố thì hai hồ sơ khác cũng được nhấn mạnh. Đó là hợp tác an ninh quốc phòng, bán máy bay Rafales, và chống khủng bố.

Tổng thống Macron cũng loan báo ông sẽ sang Ấn Độ trước cuối năm 2017 để phối hợp tổ chức thượng đỉnh đầu tiên của Liên Minh Thế Giới (sử dụng năng lượng) Mặt Trời ISA. Liên minh này là sáng kiến chung Pháp-Ấn, được tung ra nhân hội nghị COP21 năm 2015, và được 121 thành viên gia nhập.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170604-hiep-dinh-khi-hau-paris-phap-duoc-an-do-ung-ho-manh-me

 

Bầu cử địa phương Cam Bốt:

Trắc nghiệm đối với thủ tướng Hun Sen

Thu Hằng

Vài triệu cử tri Cam Bốt đã đi bỏ phiếu ngày 04/06/2017. Cuộc bầu cử cấp địa phương lần này được cho là bài trắc nghiệm về mức độ tín nhiệm của thủ tướng Hun Sen trước kỳ bầu cử Quốc Hội vào năm 2018.

Các phòng phiếu tại hơn 1.600 địa phương đóng cửa vào chiều Chủ Nhật và kết quả sơ bộ được công bố vào tối cùng ngày. Phát biểu với AFP, một nữ cử tri 30 tuổi cho biết bỏ phiếu cho đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt (CNRP) vì « sự thay đổi » và « mong muốn đất nước tiến bộ hơn và nhân quyền được tôn trọng ».

Đảng Cứu Nguy Dân Tộc thu hút một lượng lớn cử tri trẻ tại Cam Bốt, nơi có đến 70% dân số dưới 30 tuổi. Nắm rõ sự chán chường trước một hệ thống tham nhũng, đảng đối lập hy vọng chấm dứt sự thống trị từ hơn 30 năm qua của đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Hun Sen.

Trong khi đó, gần đây, ông Hun Sen khẳng định « một cuộc chiến có nguy cơ xảy ra » nếu đảng Nhân Dân Cam Bốt mất quyền lực và gia đình ông, bị cáo buộc chi phối nền kinh tế, bị phe đối lập truy tố. Thủ tướng Cam Bốt không ngừng nhắc lại là nếu ông rời khỏi chính trường, quốc gia Đông Nam Á này có nguy cơ rơi vào bất ổn. Những tuyên bố trên đã tác động được đa số người dân Cam Bốt, hiện vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc nội chiến và giai đoạn đen tối dưới thời Khmer Đỏ.

Ngược lại, ông Sam Rainsy, người đứng đầu đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, hiện đang lưu vong tại Pháp, lên án chính quyền Phnom Penh ngày càng tham nhũng và mạnh tay trấn áp. Ông Kem Sokha, người thay thế ông Sam Rainsy tại Cam Bốt, khẳng định « ngày càng có nhiều người ủng hộ đảng Cứu Nguy Dân Tộc » và tin rằng có thể lập kỷ lục mới với khoảng 60% số phiếu, nếu cuộc bầu cử lần này không bị gian lận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170604-cam-bot-bau-cu-dia-phuong-bai-trac-nghiem-doi-voi-thu-tuong-hun-sen

 

Shangri-la :

Jakarta khẳng định Daech có 1200 chiến binh tại Philippines

Tú Anh

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – có 1.200 tay súng, trong số này có hàng chục công dân Indonesia, hoạt động tại Philippines. Tin này do bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia loan báo Chủ Nhật 04/06/2017, ngày cuối cùng kết thúc Diễn Đàn An Ninh Shangri-la, Singapore, được tập trung vào đe dọa khủng bố Hồi Giáo.

Trong bối cảnh trận đánh đẫm máu đối đầu giữa quân đội Philippines và một nhóm Hồi Giáo võ trang tuyên bố theo Daech ở thành phố Marawi, miền nam Philippines vẫn tiếp diễn, Jakarta, qua tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Ryamizard Ryacudu, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hợp tác chống Daech.

Trước các đồng nhiệm quốc tế họp tại Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia cho biết « vừa được thông báo trong đêm, khoảng 1.200 chiến binh Daech, trong đó có độ chừng 40 người Indonesia, đang chiến đấu tại Philippines ».

Một phần thành phố Marawi, ở miền nam Philippines vẫn còn bị một nhóm Hồi Giáo võ trang kiểm soát sau hai tuần xung đột với quân đội chính phủ, làm 177 người chết, trong số này có 120 chiến binh Hồi Giáo.

Phủ nhận con số 1.200 chiến binh Daech do Indonesia đưa ra, thứ trưởng Quốc Phòng Philippines Ricardo Davis thẩm định Daech có chừng 250 cho đến 400 chiến binh là nhiều, trong số này có 40 người nước ngoài tham dự trận đánh Marawi.

Hồi đầu tuần, Manila báo động có nhiều tay súng Indonesia, Malaysia, Yemen, Ả Rập Xê Út và Tchetchenia xâm nhập Philippines. Một số bị bắn chết trong trận Marawi.

Một trong những đề nghị đối phó cụ thể được Malaysia loan báo là kể từ 19/06, Hải Quân ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ tuần tiễu chung. Không Quân sẽ tham gia sau.

Thủ phạm đốt sòng bạc ở Manila không phải là khủng bố

Theo cảnh sát Philippines, người đàn ông phóng hỏa đốt một sòng bạc ở Manila vào thứ Bảy 27/05 làm chết 37 người là một kẻ nghiện bài bạc đến sạt nghiệp.

Cảnh sát Philippines đã truy ra danh tính thủ phạm là Jessie Javier Carlos, 43 tuổi, có vợ và ba con. Từ hai tháng nay, đương sự, một công chức của bộ Tài Chính, bị hợp tác xã bài bạc Philippines cấm cửa các casino. Tuyệt vọng, Carlos đã phóng hỏa sòng bạc để trả hận và sau đó tẩm xăng tự thiêu ở một khách sạn.

Khi vụ việc xẩy ra, Daech, qua kênh tuyên truyền Amaq, tự nhận là một « chiến binh thánh chiến » đã ra tay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170604-shangri-la-djakarta-khang-dinh-daech-co-1200-chien-binh-tai-philippines

 

Shangri-la:

Pháp, Nhật hoan nghênh Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á

Tú Anh

Diễn Đàn An Ninh khu vực kết thúc vào Chủ Nhật 04/06/2017 tại Singapore. Một hôm trước, hai nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật và Pháp, kẻ trước người sau, hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bị xem là mối đe dọa gây lo ngại cho toàn khu vực.

Theo AP, trong phần phát biểu tại Diễn Đàn An Ninh châu Á-Thái Bình Dương, còn được gọi là Đối Thoại Shangri-la, được tổ chức hàng năm ở Singapore, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada cổ vũ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Triều Tiên. Nữ bộ trưởng Nhật nhấn mạnh là Tokyo sẽ kết hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền Donald Trump, để tăng sức ép lên chế độ Bình Nhưỡng, mà khả năng đe dọa đã lên « mức độ mới ».

Paris cũng chia sẻ mối lo âu của Nhật Bản và giới chuyên gia an ninh của 39 nước tham dự Đối Thoại Shangri-la. Bà Sylvie Goulard, nữ bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, tên mới của bộ Quốc Phòng, lưu ý Bắc Triều Tiên là quốc gia duy nhất thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở thế kỷ thứ 21 này. Thái độ của Bình Nhưỡng vừa gây căng thẳng trong khu vực, nơi mà Pháp có quyền lợi kinh tế rất quan trọng, vừa có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, bà Sylvie Goulard nhấn mạnh.

AP cho biết thêm, hai nữ bộ trưởng quốc phòng Pháp, Nhật cùng kêu gọi Mỹ tiếp tục bảo đảm « trật tự dựa trên những luật lệ tự do hàng hải trong vùng Biển Đông », nơi mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền biển đảo với nhiều nước Đông Nam Á.

Cho dù Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris với nhiều « hệ quả tai hại » nhưng bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố « không có lý do gì nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương ».

Đối Thoại An Ninh Shangri-la diễn ra trong ba ngày và kết thúc vào Chủ Nhật 04/06 với mối đe dọa của Hồi Giáo cực đoan, đặc biệt là với tổ chức Daech đang bắt rễ tại Đông Nam Á.

Theo Jakarta, ít nhất 1.200 chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang hoạt động tại Philippines. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia cho biết có kế hoạch cùng Hải Quân của hai quốc gia láng giềng Indonesia và Philippines tuần tiễu chung trong tháng này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170604-shangri-la-phap-nhat-hoan-nghenh-my-hien-dien-quan-su-o-chau-a