Các nhà lãnh đạo Công giáo “thất vọng” trước việc Trump rút khỏi Hiệp định Paris
Thứ Sáu, 02-06-2017 | 16:25:09
Các nhà lãnh đạo Công giáo, bao gồm cả Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và tổ chức Các Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo (Catholic Relief Services), đã đưa ra những lời chỉ trích trước quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về Thay đổi khí hậu của Tổng thống Trump. Hiệp định Paris “thể hiện nhận thức quan trọng rằng, đối diện với những vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, hành động cá nhân hoặc quốc gia là không đủ; Thay vào đó cần phải thực hiện một phản ứng tập thể đầy trách nhiệm thực sự hướng tới việc “cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”, ĐTC Phanxicô đã viết trong phiên họp lần thứ 22 của Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vào năm 2016.
ROME – Các nhà lãnh đạo Công giáo bày tỏ “thất vọng” và “sửng sốt” trước quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris, vốn đã đặt ra các mục tiêu toàn cầu nhằm chống lại vấn đề thay đổi khí hậu.
“Quyết định của Tổng thống vốn không tôn trọng cam kết của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Paris đang gây phiền hà sâu sắc”, Đức Cha Oscar Cantú – Giám mục Địa phận Las Cruces, và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình Quốc tế của HĐGM Hoa Kỳ, đã viết trong một tuyên bố.
Mặc dù tuyên bố thừa nhận rằng Hiệp định Paris không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu, nhưng nó đã bày tỏ mối bận tâm về việc thiếu “một giải pháp thay thế khả thi” của chính quyền Trump.
“Quyết định của Tổng thống Trump sẽ làm tổn hại người dân Hoa Kỳ và thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”, Đức Cha Cantú viết.
Hiệp định Paris được 195 nước phê chuẩn, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn là hai nước phát thải cácbon lớn nhất và đồng thời đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới mức 2 độ Celsius so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế nhiệt độ tăng thêm hơn nữa, [đến dưới mức] 1,5 độ Celsius.
Trump đã cam kết sẽ rút dần dần từ thỏa thuận đã được ký kết bởi Tổng thống Barack Obama vào năm 2015 và “bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm tái bắt đầu lại thỏa thuận Paris hoặc một thương lượng hoàn toàn mới theo các điều khoản công bằng đối với Hoa Kỳ”, Đức Cha Cantú cho biết.
HĐGM ủng hộ Hoa Kỳ tham gia vào thỏa thuận trong một bức thư gửi tới Quốc hội vào năm 2015. Vatican cũng đã thẳng thắn nói về sự tán thành của mình đối với Hiệp ước trước đây và ĐTC Phanxicô đã viết về nó một cách tích cực trong Thông điệp Laudato Si về môi trường của mình.
Hiệp định Paris “thể hiện nhận thức quan trọng rằng, đối diện với những vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, hành động cá nhân hoặc quốc gia là không đủ; Thay vào đó cần phải thực hiện một phản ứng tập thể đầy trách nhiệm thực sự hướng tới việc “cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”, ĐTC Phanxicô đã viết trong phiên họp lần thứ 22 của Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vào năm 2016.
Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu, một mạng lưới toàn cầu của những người Công giáo cổ võ những thông điệp chứa đựng trong Laudato Si, cũng đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích quyết định của Trump.
“Việc Trump rút khỏi Hiệp định Paris là một hành động lạc hậu và trái ngược với luân lý”, Tomás Insua – Giám đốc điều hành của Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu, đã viết trong tuyên bố. “Người Công Giáo cảm thấy buồn bã và như bị xúc phạm vì Trump đã không lắng nghe ĐTC Phanxicô sau cuộc gặp gỡ diễn ra vào tuần trước. Tuy nhiên, thế giới sẽ tiếp tục đẩy nhanh hành động về khí hậu, bất chấp lập trường thoái hóa của Nhà Trắng”.
Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu kết thúc tuyên bố cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ cho việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và đồng thời tiếp tục truyền tải những thông điệp trong Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Catholic Relief Services (CRS – Các Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo) đã bày tỏ “thất vọng” và tuyên bố việc rút khỏi hiệp định này sẽ gây ra những thiệt hại không tương xứng đối với “những người nghèo ở các quốc gia nghèo”.
“Chúng ta phải lắng nghe tiếng khóc của những người nghèo. Việc rút khỏi Paris và cắt giảm viện trợ nước ngoài là một việc làm khởi nguồn của nhiều vấn đề cùng một lúcđối với hàng triệu người trên thế giới”, Bill O’Keefe – Phó chủ tịch phụ trách vận động và quan hệ chính phủ của CRS, cho biết
“Nếu không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ – những vấn đề nan giải hiện vẫn còn dở dang, thì người dân sẽ phải chịu đựng, và cuối cùng chúng ta cũng cảm thấy những ảnh hưởng của sự bất ổn, việc di dân cưỡng bức và xung đột”.
Tuyên bố của CRS nhấn mạnh rằng vai trò của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là rất cần thiết.
“Việc rút khỏi Thoả ước Paris là một điều quả thực hết sức tệ hại – và chúng tôi hy vọng có thể đảo ngược tình hình, đây quả là một điều sai lầm; sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là hoàn toàn cần thiết đối với vấn đề mang tính toàn cầu quan trọng này. Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể vừa phát triển nền kinh tế vừa đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc chăm sóc công trình sáng tạo”, ông O’Keefe nói.
Trong một lá thư do Công ước Khí hậu Công giáo – một mạng lưới Công giáo Hoa Kỳ ủng hộ việc chăm sóc đối với công trình sáng tạo, các nhà lãnh đạo từ 11 tổ chức Công giáo đã lên tiếng bày tỏ sự bất đồng đối với quyết định của Trump.
“Không có sự biện hộ nào đối với các quyết định của ông ta và chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump xem xét lại con đường này”, bức thư nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại các chính sách về khí hậu gây tổn hại đối với hành tinh và con người”.
Đặt vấn đề trước tuyên bố của Trump, Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo, người đứng đầu Học viện Khoa học của Vatican, nhấn mạnh rằng việc rút lui của Hoa Kỳ sẽ là “một cú tát vào mặt” đối với Vatican.
Cũng đứng trước quyết định đã được xác nhận, Đức Hồng Y Peter Turkson, người đã được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm về những vấn đề liên quan đến công lý xã hội, cho biết rằng đây là điều mà Vatican đã hy vọng “sẽ không xảy ra”.
“Một số vấn đề cần được đưa ra khỏi lĩnh vực thảo luận chính trị và không được chính trị hoá. … Sự thật là, khí hậu là một lợi ích công cộng toàn cầu và không bị giới hạn ở bất cứ quốc gia nào “, người đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ việc Phát triển Con người Toàn diện, nhấn mạnh.
Minh Tuệchuyển ngữ