GS. Larry Berman, TS. Nguyễn Ngọc Trường nói về thắng lợi ngoại giao và hình mẫu Việt Nam trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng
Các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi với Trí Thức Trẻ về thành công từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, hai chuyên gia là GS.TS ngành khoa học chính trị Larry Berman (Đại học Geogia, Mỹ), và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) đã đưa ra những nhận định của mình về kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Mỹ thể hiện quan điểm nhất quán và rõ ràng trong mối quan hệ với Việt Nam
Sau khi chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc, GS Berman đã chỉ ra rằng, thông qua chuyến thăm, người ta có thể thấy cách nhìn và quan điểm của chính quyền Trump đối với Việt Nam đã khá rõ ràng.
“Tôi cho rằng chuyến thăm này là thắng lợi của cả hai bên, khi chính quyền Trump đã rõ ràng coi Việt Nam là một ‘trục’ đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á – không chỉ là về một vài hợp đồng kinh tế”, GS Berman nhận định.
Ngoài ra, GS Berman đánh giá, cuộc gặp mặt giữa phái đoàn Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng rất quan trọng, vì nó đã nhấn mạnh sự hợp tác Việt – Mỹ là một phần quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng quan điểm với GS Berman, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) cho rằng: “Riêng trong những vấn đề như quan hệ Việt – Mỹ, quan hệ Việt – Mỹ liên quan đến Đông Nam Á, Biển Đông thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sự nhất quán”, TS Trường cho biết.
Giải quyết các vấn đề kinh tế
Theo dõi khá kỹ chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ, GS Larry Berman kết luận rằng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã thành công – đặc biệt là về mặt kinh tế.
GS Berman nhắc lại rằng Tổng thống Trump đã thúc đẩy thành công giúp Tập đoàn GE (General Electric) của Mỹ ký kết được đơn hàng lớn nhất đối với Việt Nam (trị giá gần 6 tỷ USD), đồng thời hướng tới tương lai đối thoại về vấn đề Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam cũng như sự hợp tác về an ninh.
Theo giáo sư, đây là hai vấn đề quan trọng đối với Việt Nam bên cạnh những hợp tác về hàng hóa và dịch vụ.
TS Trường thì cho rằng, qua chuyến đi này của Thủ tướng, có thể thấy rằng Việt Nam đã nắm được mạch tư duy mới của chính quyền Mỹ. Việt Nam xử lý, sắp xếp chuyến thăm một cách chuyên nghiệp, chứng tỏ sự hiểu biết của các nhà ngoại giao Việt Nam đối với chính trị quốc tế và chính quyền Mỹ.
“Lần này chúng ta ký các hiệp định thương mại, tăng cường nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam, đó là điều tốt. Các nước khác cũng làm điều tương tự”, TS Trường nói.
Về kinh tế, những nội dung cơ bản của TPP cũng đã được cân nhắc đưa vào trong quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ và điều đó sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ thương mại trong tương lai.
Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số 12 quốc gia xuất siêu sang Mỹ, và đây là vấn đề cần giải quyết. Chuyến đi của Thủ tướng đã giải quyết được điều này, đáp ứng và phù hợp với cách thức thực hiện các chương trình đối nội của Tổng thống Trump.
Mỹ kiên định trong quan điểm về Biển Đông
Đánh giá nội dung về Biển Đông trong Thông cáo chung của hai nước sau chuyến thăm, TS Nguyễn Ngọc Trường nhận định, sau một thời gian, có thể Mỹ đã thấy rằng, việc chính quyền của ông Trump mời một lãnh đạo Đông Nam Á đến Mỹ để khẳng định sự nhất quán của mình trong vấn đề Biển Đông là rất quan trọng. “Điều đó cho thấy Tổng thống Trump thực sự quan tâm tới vấn đề Biển Đông, quan hệ Việt – Mỹ và với khu vực Đông Nam Á”, TS Trường cho biết.
Theo TS Trường, những nội dung về Biển Đông trong tuyên bố chung Việt – Mỹ cho thấy sự kiên quyết trong việc theo đuổi những quan điểm cơ bản về bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. “Vấn đề Biển Đông vẫn được coi như một đòn bẩy trong các mối quan hệ ngoại giao”, ông nhận định.
Thắng lợi ngoại giao của Việt Nam
“Tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được một thắng lợi ngoại giao khi là lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á tới thăm Nhà Trắng”, đó là đánh giá của GS Berman.
GS Berman đánh giá, tất cả mọi diễn biến của chuyến thăm đã rất phù hợp với bản năng kinh doanh cùng đam mê xây dựng các thỏa thuận, đàm phán của Tổng thống Trump.
Đội ngũ của Thủ tướng Việt Nam – bao gồm các thành viên chính phủ và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ – xứng đáng được ghi nhận vì việc họ đã nhấn mạnh, từ trước cuộc gặp chính thức, rằng theo họ, Việt Nam đã có thể nhận được nhiều lợi ích từ TPP và rằng tương lai sẽ tốt nhất nếu có các thỏa thuận song phương.
“Cách làm này của Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu về các cơ hội hợp tác trong khu vực”, GS Berman nhấn mạnh, “Tất cả mọi thứ đều rất tốt đối với hai bên, vì thiện chí đã được thiết lập trong việc giải quyết các vấn đề khác liên quan tới an ninh khu vực và các thỏa thuận thương mại trong tương lai”
Còn theo nhận định của TS Nguyễn Ngọc Trường, Việt Nam đã thể hiện được chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của mình.
Việc Thủ tướng Việt Nam sớm sang Mỹ, giúp mối quan hệ hai nước sớm ổn định, đó là điều rất tích cực.
“Chuyến thăm của Thủ tướng là một thắng lợi ngoại giao của mình, là một đòn bẩy cho việc củng cố, tạo thuận lời cho mối quan hệ của các nước ASEAN đối với Mỹ. Cũng phải nói tới vai trò tích cực của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trong việc giúp chính quyền mới của Mỹ tăng hiểu biết đối với ASEAN, thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Mỹ”, TS Nguyễn Ngọc Trường cho biết, “Có thể nói quan hệ Việt – Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới!”
theo Trí Thức Trẻ