Tin Việt Nam – 03/06/2017
Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được bổ nhiệm
vào ủy ban chuyên trách giáo dục cấp cao California
Ủy Ban Quy Tắc Thượng Viện California vừa bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn vào Ủy Ban Chọn Lọc Về Thành Công Của Sinh Viên.
Một thông cáo trên trang mạng của thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của tiểu bang California cho hay như vậy hôm 30 tháng 5. Bà Janet Nguyễn sẽ tham gia cùng tám đồng viện xem xét thực trạng của hai hệ thống California State University và Đại Học Cộng Đồng về tỉ lệ tốt nghiệp của sinh viên sau 4 năm, những hướng đi phi truyền thống để cấp học vị và những tiêu chí hiện hành để nhận vào đại học 4 năm. Vị dân cử đại diện khu vực Garden Grove nói rằng, tiểu bang California cung cấp những chọn lựa tốt nhất về giáo dục cấp cao công cộng, nhưng như mọi hệ thống khác, hệ thống đại học ở California vẫn còn có chỗ để cải tiến.
Bà cho biết mục tiêu cá nhân của bà là tranh đấu mạnh mẽ để các trường đại học và cao đẳng mở cửa cho tất cả người dân California. Cho đến nay, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn đã đưa ra ba dự luật về giáo dục là SB 326, SB 236 và SB 307. SB 326 sẽ bảo vệ học bổng duy nhất của tiểu bang dành cho sinh viên thuộc gia đình trung lưu. SB 236 ngăn chặn việc tăng học phí UC và CSU trong 5 năm, đồng thời hạn chế tỉ lệ sinh viên từ tiểu bang khác nhập học cũng như không cho phép tiểu bang trợ cấp cho các sinh viên không phải là cư dân California. SB 307 sẽ lập nhóm chuyên gia để xem xét tình trạng vô gia cư trong giới sinh viên đại học.
Huy Lam / SBTN
Những người vợ hy sinh bội phần
Lan Hương, phóng viên RFA
Thông thường phụ nữ luôn được coi là phái yếu và là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn trong xã hội cũng như cuộc sống gia đình. Trong thời buổi hiện đại, hầu hết phụ nữ đều tham gia lao động phụ giúp tài chính, về nhà lại lo việc nhà và con cái, lo đối xử nội ngoại sao cho phải đạo,… Nhưng ít nhất phần đông trong số họ có sự giúp đỡ, sẻ chia từ chồng nên vơi bớt phần nào.
Tuy nhiên, những người vợ có chồng tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn những người vợ bình thường vì công việc của chồng họ.
Vợ anh Bạch Hồng Quyền
Gặp anh Quyền khi cả hai cùng lên tiếng đấu tranh lấy lại đất cho một nhà thờ địa phương, chị Linh đã thầm mến người đàn ông quên đi lợi ích của bản thân để tìm lại công bằng cho mọi người. Cả hai đều cùng chung chí hướng nên ngay từ những ngày đầu yêu nhau, chị đã luôn ủng hộ và giúp đỡ anh Quyền trên con đường anh chọn:
Trước khi yêu nhau bọn mình cùng lên tiếng về vụ đất đai ở giáo xứ Thái Hà những năm 2008 – 2010. Cả hai cùng đi đòi đất cho nhà thờ nên mình đã biết và xác định con đường anh Quyền sẽ đi rồi.
Anh Bạch Hồng Quyền là một nhà hoạt động môi trường, một trong những nhân vật có tiếng nói tích cực và hiệu quả nhất về thảm họa môi trường do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4 năm ngoái. Ngày 12/5 Công An Hà Tĩnh đã phát lệnh truy nã anh sau khi quyết định khởi tố anh với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Trước đó anh bị cáo buộc “chủ mưu, kích động” vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trong hôm 3/4/2017.
Lấy anh Quyền đã nhiều năm nay, chị Linh vẫn luôn là một người vợ ủng hộ từng bước đi của chồng nhưng chị cũng không phủ nhận con đường ấy mang lại nhiều gian nan cho gia đình.
Quan trọng nhất là vấn đề nhà cầm quyền. Họ luôn làm khó gia đình. Vốn dĩ họ đã o ép về kinh tế, khiến gia đình không thể làm ăn bất cứ chuyện gì. Nếu có sự kiện thì họ canh gác, khủng bố và phá hoại tài sản của mình.
Mình muốn nhắn với chồng rằng hãy cố gắng vững bước trên con đường đã chọn. Mọi người, anh em, bạn bè luôn ở cạnh anh.
– Chị Linh, vợ Bạch Hồng Quyền
Chị cho biết đến chỗ ở của gia đình cũng không được yên ổn, phải thường xuyên thay đổi vì chủ nhà “ngại” không muốn cho thuê. Hơn nữa chính quyền thường xuyên truyền bá các thông tin không hay về gia đình chị, khiến dư luận lời ra tiếng vào, gây áp lực lớn cho cả gia đình.
Tất cả những khu dân cư chỗ mình thuê họ không hề hiểu, họ tỏ ra rất sợ hãi gia đình mình kiểu như gia đình mình làm việc gì đó không được đàng hoàng và nguy hiểm. Họ không muốn tiếp xúc với gia đình mình, và nhìn mình với ánh mắt dị nghị. Rồi những lời nói không hay lắm đằng sau lưng. Nhưng mình và bố mẹ mình rất hiểu công việc anh Quyền đang làm nên bỏ ngoài tai hết những lời nói đó và chỉ biết cầu nguyện mọi người sớm nhận ra rằng công việc anh Quyền và những anh em khác đang làm chỉ là muốn mọi người được nhận thức rõ hơn về quyền con người.
Vợ chồng anh Bạch Hồng Quyền hiện tại có hai con nhỏ, một cháu 4 tuổi rưỡi và một cháu mới được hai tuổi:
Hai cháu vẫn còn bé nên hiện tại chưa bị gì hết. Chỉ có điều bố không có nhà nên các cháu thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố thôi. Hiện tại các cháu đang học trên trường dòng là trường của các sơ nên chưa thấy chính quyền đả động gì đến việc làm khó chuyện học hành của các cháu.
Cũng là một phụ nữ tuổi xuân thì nhưng thay vì được sống hạnh phúc với gia đình, được chồng yêu thương chiều chuộng, chị Linh lại phải một thân một mình nuôi 2 con nhỏ và sống trong những lời đàm tiếu của xã hội. Tuy vậy nhưng khi được hỏi liệu khi các cháu lớn lên chị có muốn cho các cháu theo con đường con đường của bố không, chị Linh vẫn hoàn toàn đồng ý:
Mình mong muốn khi con mình lớn lên đất nước sẽ thay đổi rồi, chứ nếu tình trạng đất nước vẫn còn bạo quyền và không có quyền con người như thế này các cháu sẽ rất khổ. Mình muốn các cháu đi theo con đường của bố nhưng là khi các cháu được hưởng trọn vẹn các quyền xứng đáng được hưởng và sẽ đi phổ biến quyền con người theo cách bình yên hơn chứ không có bất công, đổ máu hay bạo lực như tình trạng đất nước bây giờ.
Từ ngày anh Quyền bỏ trốn đến nay đã mấy tuần vợ không được gặp chồng, con không được gặp bố. Tuy nhiên qua trang phụ nữ của RFA, chị Linh muốn nhắn gửi tới chồng mình rằng hãy yên tâm và tự hào vì những điều anh làm vì sau anh là vô số tiếng nói ủng hộ:
Mình muốn nhắn với chồng rằng hãy cố gắng vững bước trên con đường đã chọn. Mọi người, anh em, bạn bè luôn ở cạnh anh. Và chúng mình không hề cô đơn, gia đình luôn tiếp tục đấu tranh cho anh. Những người anh em ở Việt Nam đang bị tù đày áp bức hay đang ở ngoài mà phải chịu bất công từ chính quyền, họ không hề cô đơn vì luôn có mọi người ủng hộ.
Vợ anh Nguyễn Văn Oai
Cách nhà chị Linh chừng 200 km, ở một vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An nơi có những mảnh đất cằn cỗi đã gắn bao đời với người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chị Châu cũng như họ phải lao động cực khổ trên mấy thửa ruộng để chăm lo cho mẹ già và đứa con sắp chào đời.
Chồng chị là cự tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bị công an Nghệ An bắt vào hôm 19/1 vừa qua với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “không thi hành bản án quản chế.
Trước đó cũng vào cuối tháng 7 năm 2011, anh Oai bị an ninh Việt Nam bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn và sau đó bị toà án kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 BLHS. Anh ra tù tháng 8 năm 2015.
Khi còn ở nhà, anh Oai một tay lo kinh tế cho gia đình và chăm sóc mẹ già, là trụ cột của gia đình. Nhưng kể từ khi anh bị bắt, mọi trách nhiệm lớn nhỏ trong gia đình chị Châu phải gánh vác thay chồng:
Trước khi anh bị bắt người ta thường xuyên đến “thăm” anh để tạo áp lực và để hàng xóm dị nghị nói rằng thằng này làm gì mà công an đến thăm suốt, rồi thằng này thế nọ thế kia, toàn những lời xấu xa để anh ấy bị cô lập. Giờ anh ấy bị bắt rồi thì họ bảo mình vào khuyên chồng nhận tội rồi sẽ được khoan hồng. Rồi họ nói với hàng xóm để người ta xa lánh mình vì mình có người chồng tù tội. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng chồng tôi có tội đâu mà khuyên tôi bảo chồng nhận tội.
Giờ anh ấy bị bắt rồi thì họ bảo mình vào khuyên chồng nhận tội rồi sẽ được khoan hồng. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng chồng tôi có tội đâu mà khuyên tôi bảo chồng nhận tội.
– Chị Châu, vợ Nguyễn Văn Oai
Sau ngày anh Oai bị bắt, truyền thông trong nước liên tục đăng những bài viết gọi anh bằng những từ ngữ như “thằng phản động”, “thằng hám tiền”, và còn có bài viết gọi niềm tin chị Châu dành cho chồng là nhuốm màu lừa mị, viển vông và là hệ quả của nhận thức thiếu chín chắn.
Trước đây người ta ủng hộ việc anh làm vì đó là việc đúng, hơn nữa anh lại hay giúp đỡ người khác. Nhưng sau khi nghe những điều trên TV nói anh ấy làm những việc đó vì tiền, bị người ta xúi giục làm phản động, những người họ dùng Facebook họ hiểu thì vẫn ủng hộ anh, còn nếu chỉ xem trên báo đài thì họ cho rằng anh làm việc đó vì tiền chứ không phải vì lòng tốt.
Chị Châu cho biết trước đó anh Oai làm việc ở bất cứ đâu, chủ cũng đều bị người ta làm phiền tới mức ngại không muốn thuê anh nữa. Ngay cả người mẹ già yếu cũng thường xuyên bị dư luận buông lời “chửi rủa”:
Dân làng người ta bảo bà này không biết dạy con, ham tiền, vì họ nghĩ anh làm như vậy được nhiều tiền, để con phá làng phá xóm. Rồi bên chính quyền thì bảo là làm như thế chỉ được cho dân làng thôi chứ mình được cái gì. Rồi bảo bà khuyên anh đừng làm vậy. Mà anh thì tìm lại công bằng cho làng xóm, thuế đất hay tiền học phí của học sinh anh đều đòi lại hết nhưng chính quyền lại bảo bà như vậy.
Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Châu đã bật khóc khi nghĩ về ước muốn nhỏ nhoi là được hạnh phúc bên chồng của chị mà khó thực hiện được. Chị nói nhìn vào những gia đình khác thấy gia đình người ta hạnh phúc chị cũng thấy phần ghen tị và tủi lòng. Dẫu vậy chị vẫn quyết ủng hộ anh Oai đến cùng vì chị muốn hạnh phúc đó dù có đến muộn nhưng phải được xây đắp trong một xã hội tự do:
Mong đất nước thay đổi sớm để anh được tự do, và chị cũng muốn được hạnh phúc. Nhìn vào các gia đình khác chị cũng muốn được hạnh phúc lắm. Nhưng phải là hạnh phúc trong đất nước tự do!
Chị muốn anh ấy yên tâm, vững mạnh. Mẹ con chị luôn ủng hộ anh ấy và sẽ chờ ngày anh ấy trở về. Anh là một người đứng đắn, biết giúp đỡ người khác. Từ khi yêu anh, biết anh đến nay chị chưa bao giờ thấy anh làm điều gì sai.
Dù là vợ của tù nhân hay đối tượng truy nã đi chăng nữa, những người phụ nữ như chị Linh, chị Châu cũng cần được hưởng những hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng như những người phụ nữ bình thường.
Hai chị chỉ là những ví dụ nhỏ trong số những những người vợ, người mẹ, người thân của rất nhiều tù nhân chính trị, nhà hoạt động, blogger đang bị bắt giữ và hàng loạt các nhà hoạt động khác đang bị hành hung, sách nhiễu từng ngày.
Theo thống kê của bộ ngoại giao Mỹ, Việt Nam hiện đang giam cầm 96 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt 9 nhà hoạt động dân chủ và truy nã 2 người.
Mọi đóng góp của quý vị để trang Phụ nữ thêm sinh động hơn, xin gửi về địa chỉ peymane@rfa.org.
Có nên cứu xét đơn tố cáo nặc danh?
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nên hay không nên cứu xét đơn tố cáo nặc danh là vấn đề được nêu ra tại quốc hội tháng trước trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo.
Cần tránh tình trạng vu khống?
Tại buổi họp, Tổng Thanh Tra Chính Phủ là ông Phan Văn Sáu cho rằng lâu nay có tới 59% đơn tố cáo không đúng nguyên tắc, trong đó rất nhiều trường hợp người tố cáo không muốn nêu danh tính.
Có hai ý kiến trong cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo, ông Phan Văn Sáu nói. Ý kiến thứ nhất là chỉ nên qui định hai hình thức tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp, như vậy mới có thể xác minh rõ ràng trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng vu khống, nói sai sự thật khiến ảnh hưởng đến uy tín và danh dự người bị tố cáo.
Ý kiến thứ hai là cần qui định bổ sung những hình thức tố cáo qua fax, email hay điện thoại, phần lớn và thông thường là nặc danh, để người tố cáo được thực hiện quyền của mình, còn cơ quan hữu trách thì kịp thời can thiệp cũng như xử lý những hành vi phạm pháp.
Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu.
-Bà Kim Hoa
Vẫn theo ông Phan Văn Sáu, chính phủ có vẻ nghiêng về ý kiến thứ nhất hơn, nghĩa là cần xác định danh tính cá nhân hay nhóm người đứng ra tố cáo. Lý do được ông giải thích là trong thời gian qua các cơ quan chính phủ chỉ giải quyết 87,4% tổng số đơn tố cáo có nêu danh, trong lúc lượng đơn thư tố cáo không đúng sự thật thì rất nhiều.
Bà Kim Hoa, một người bị vu cáo oan sai với cả chục năm mang đơn đi thưa nhưng không được giải quyết, nói rằng tình hình chung và vấn đề ở đây là đơn thư tố cáo có được cứu xét hay không chứ không phải chuyện nặc danh hay có tên:
Thường bên đây mà tố cáo nặc danh họ đâu có giải quyết, còn tố cáo mà đứng danh tánh thì có nhiều cái nguy hại lắm. Đúng ra về mặt pháp luật thì cơ quan nhà nước khi nhận được tố cáo một vấn đề thì phải có trách nhiệm điều tra xem người ta tố cáo mà có đúng hay không. Nhưng bên đây thực tế mà nói tố cáo nặc danh thường họ bỏ thùng rác, thậm chí những đơn tố cáo có đứng tên đàng hoàng họ vẫn dục vô thùng rác, rất vất vả chứ không phải dễ dàng một đơn tố cáo mà được xem xét. Nếu các ông nói đã giải quyết nhiều vấn đề thì điển hình như chuyện gia đình tôi, mình đi khiếu nại nay là đúng 10 năm mà chưa thấy gì hết. Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu. Cái đó là ông chỉ muốn nói trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều vấn đề oan sai và đơn tố cáo nặc danh vẫn giải quyết, đại ý là như vậy nhưng thực tế là đi ngược lại.
Nhiều đại biểu khác cũng góp ý về nên hay không nên tiếp nhận đơn thư tố cáo qua email, tin nhắn, điện thoại, fax. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại trong quốc hội, nhiều người gởi đơn tố cáo đến ông nhưng không nêu rõ danh tính nên ông không tin đó là sự thật hay có ý vu khống, bôi nhọ cơ quan, tổ chức hay cá nhân.
Ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng Và An Ninh của quốc hội, cho rằng nếu không nhận và không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh, thường sử dụng phương tiện email, điện thoại hay tin nhắn, thì người dân sẽ không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng khi phải giải quyết cả đơn thư nặc danh thì cũng khó xác thực tin tức, đặc biệt đối với những đơn thư không trung thực.
Tại sao có hiện tượng nặc danh và tại sao nên tiếp nhận tố cáo nặc danh là câu gỏi được nhà báo tự do Võ Văn Tạo giải thích:
Vì người tố cáo ở Việt Nam không được bảo vệ một cách đúng đắn. Thông thường sợ bị trù dập mà người ta dấu tên chứ không phải thích dấu tên đâu. Mặc dù luật pháp qui định bảo vệ người tố cáo nhưng mà thực tiẽn không phải như thế.
Thứ hai, có những đơn tố cáo nặc danh mà chính xác hoàn toàn thì mình nên cứu xét và giải quyết để khắc phục những chuyện tiêu cực chuyện xấu của xã hội, gây lại niềm tin cho nhân dân. Trường hợp tiếp nhân quá nhiều thì nó cũng quá tải cho cơ quan điều tra phải đi xác minh mà cuối cùng cũng chả có gì. Đấy là cái tôi cho rằng những ý kiến thiên về không là có lý một phần, nhưng nếu không cứu xét thì sẽ còn rất nhiều những bất công những xấu xa trong xã hội mà người ta tố cáo là không được xem xét tới. Tôi nghiêng về khả năng là nên chấp nhận đơn tố cáo nặc danh. Thà rằng cơ quan điều tra mất công hơn một tí nhưng nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề tiêu cực của xã hội thì đơn nào cũng nên tiếp nhận.
Tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập?
Thực tế cho thấy trong thời gian qua nhiều cuộc gọi tố cáo qua điện thoại đến cơ quan chức năng có nội dung và tình tiết khá chính xác, là phản ảnh của đại biểu Phạm Trí Thức. Cùng quan điểm với ông Phạm Trí Thức là ông Nguyễn Sỹ Cương phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của quốc hội, nói rằng trong số các đơn thư tố cáo nặc danh có cái không đúng nhưng có cái đưa ra chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Ông Nguyễn Sỹ Cương còn nhìn nhận vấn đề của tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập, vì thế nếu không tiếp nhận đơn thư loại này thì chẳng khác nào né tránh vấn đề.
Đó là lý do nhà văn Đoàn Bảo Châu bày tỏ là ông bênh vực ý kiến nên tiếp nhận và cứu xét đơn thưa nặc danh:
Cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
-LS Trần Đình Triển
Bởi vì không phải ai có thông tin mà cũng dám đứng ra nói lên sự thật, họ chịu áp lực và đôi khi khi nguy hiểm đến tính mạng của mình, di đó nhà nước và cơ quan nên tiếp nhận đơn thư nặc danh. Việc tiếp nhận đó phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ. Nhiệm vụ của những người quản lý xã gội là không phải dựa vào đơn thư đó để kết tội một ai đó, mà dựa vài đơn thư đó để có đầu mối điều tra và xác minh có thật hay không. Đơn thư nặc danh đó không đủ để kết tội ai nhưng nó chỉ cho cái đầu mối để tìm ra sự thật. Điều đó là quá cần thiết tại sao lại từ chối, họ ăn lương để họ làm điều đó mà.
Luật sư Trần Đình Triển có cách nhìn khác hơn về những điều quốc hội bàn thảo để dưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo:
Vấn đề bức xúc hiện nay trong việc xem xét đơn tố cáo là cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết và giải quyết dứt điểm theo đúng pháp luật, tránh trường hợp bóng chuyền từ cơ quan nọ sang cơ quan kia mà cuối cùng chẳng ai giải quyết cả. Đấy mới là vấn đề cần phải sửa đổi, không giải quyết thì xử lý nghiêm minh, buộc họ đã hưởng lương từ ngân sách từ tiền thuế của dân, từ doanh nghiệp đóng góp thì phải làm tới nơi tới chốn.
Vấn đề thứ hai nữa mà tuyệt đối cần phải quan tâm là cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
Cuộc họp được chốt lại với ý kiến là Thanh Tra Chính Phủ cần nghiên cứu, bổ sung qui định liên quan việc gởi đơn thư tố cáo qua những phương tiện thông dụng hiện nay như điện thoại, fax, thư điện tử, ngay cả thông tin trên báo, coi đó như những thông tin ban đầu. Và nếu có cơ sở với chứng cứ rõ ràng thì cơ quan chức năng không được để lọt tội phạm.