Đọc báo Pháp – 02/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 02/06/2017

Donald Trump, kẻ thù số một của hành tinh

Thụy My

Một thế giới nóng lên trên 3°C không thể là một thế giới thịnh vượng. Và như vậy, theo Les Echos, khi Donald Trump hứa biến một nước Mỹ bị ô nhiễm thành một Mỹ quốc vĩ đại, ông ta đã nói dối.

Việc tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris là đề tài được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Bên cạnh đó là dự luật của bộ Tư Pháp nhằm « đạo đức hóa đời sống chính trị » nước Pháp, và sự kiện phi hành gia Pháp Thomas Pesquet chiều nay trở về Trái Đất, sau 196 ngày trên trạm không gian quốc tế (ISS). Le Monde dành nhiều trang cho hồ sơ « Monsanto Papers », với bài điều tra về những mánh khóe của tập đoàn hóa chất Mỹ chống lại các công trình khoa học của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư (CIRC), về tính chất gây ung thư của glyphosate, sản phẩm chủ đạo của Monsanto.

Nếu bên kia bờ đại dương, tờ Newyorker chạy tựa bằng tiếng Pháp « Au revoir hiệp định khí hậu Paris », thì trang bìa báo Pháp Libération chạy dòng tít hai màu đỏ, trắng, trên nền đen như một mảng dầu tràn : « Goodbye America ». Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos cũng là một màu đen u ám với những làn khói xám xịt từ một ống khói nhà máy, với tựa đề « Khí hậu, thế lưỡng nan của nước Mỹ ». La Croix chọn màu bìa xanh nhạt mát mẻ, với khối băng sơn trên biển, và dòng tựa màu đen « Trump, mặc kệ khí hậu ». Cnews Matin cho rằng « Khí hậu : Trump ra khỏi cuộc chơi », còn tờ 20 Minutes nhận định « Quyết định của Trump không làm ô nhiễm lắm hiệp định khí hậu Paris ».

Cái tát vào mặt nhân loại

Trong bài xã luận mang tựa đề « Cái tát », Libération cho rằng việc ra khỏi hiệp định Paris, cuộc thương lượng toàn cầu đại quy mô nhất từ trước đến nay, là một cái tát vào mặt nhân loại. Cơn ác mộng này là di sản để lại cho các thế hệ tương lai.

Sau khi ngỡ ngàng nhận ra Nhà Trắng bây giờ là sào huyệt của những người chống lại việc bảo vệ môi trường, phục vụ cho hoạt động lobby của kỹ nghệ dầu khí, đe dọa các hiệp ước lịch sử như NATO, theo Libération vấn đề khẩn cấp bây giờ không phải là cam chịu, mà là phải hành động. Nếu « Brexit » đã khiến một châu Âu ù lì phải chuyển động, thì vụ « Amerixit » này có thể làm cho phần còn lại của thế giới phải nỗ lực nhiều thêm nữa.

Thế giới cổ hủ của Trump liệu sẽ bị vượt qua bởi một thế giới mới ít khí carbone, nhờ cố gắng của các Nhà nước, các thành phố và cộng đồng ? Không có gì bảo đảm điều đó, nhưng cũng không có gì cấm chúng ta hy vọng. Thế giới không thể tiến đến một cuộc tự sát tập thể, bởi một nhúm giáo chủ bị nhiễm triệu chứng giáo phái Waco.

Đi ngược chiều lịch sử

La Croix nhận định, hội nghị COP21 đã khẳng định một tiến trình mà hầu như không thể đảo ngược, trừ phi muốn đi ngược chiều lịch sử.

Người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường, vì ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Ngay tại Hoa Kỳ, các tập đoàn lớn, kể cả trong lãnh vực dầu khí, hầm mỏ hay nông nghiệp cũng ủng hộ hiệp định khí hậu Paris để không phải đứng ngoài các thị trường đầy hứa hẹn của công nghệ xanh, sẽ tạo ra việc làm và tăng trưởng.

Quan điểm của các nước trong những ngày gần đây đã chứng tỏ việc chuyển đổi sang bảo vệ sinh thái là không thể tránh khỏi. Nhưng theo La Croix, đi theo chiều lịch sử không chỉ là nhằm tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Trước hết, đây là ý thức được rằng chúng ta đang sống trong một thế giới, mà khí hậu không cần biết đến biên giới.

Kẻ thù số một của hành tinh

Trong bài xã luận mang tựa đề « Kẻ thù số một của công chúng », Les Echos gay gắt khẳng định, Donald Trump đã dối trá khi hứa hẹn biến một nước Mỹ « bẩn thỉu » thành một nước Mỹ vĩ đại hơn.

Điều tệ hại nhất, theo tờ báo kinh tế, không phải là mối đe dọa mà tổng thống của đất nước gây ô nhiễm thứ nhì thế giới đã cố tình đè nặng lên hiệp ước quan trọng nhất từ trước đến nay để bảo vệ hành tinh chúng ta khỏi những thiệt hại không thể sửa chữa của hiện tượng trái đất nóng lên.

Về thực chất, việc ông Trump rút khỏi hiệp định khí hậu hiện chỉ mang tính biểu tượng, vì chính thức thực hiện được từ ngày 04/12/2020, tức là sau khi người kế nhiệm của Donald Trump được bầu lên. Thời hạn này giúp hy vọng là sau cơn khủng hoảng, nước Mỹ sẽ vội vàng nhảy lên chuyến tàu lịch sử, con tàu mà Donald Trump đã nhảy xuống nhưng vẫn tiếp tục hành trình mà không có ông ta. Hơn nữa, độc lập với Washington, nhiều tiểu bang của nước Mỹ như California – nền kinh tế thứ sáu thế giới – cùng với Illinois, Michigan, Iowa, và ngay cả Texas cũng có ý định tiếp tục quá trình chuyển đổi phù hợp sinh thái.

Như vậy điều tệ hại nhất không phải là việc « đốc-tờ Folamour » (nhân vật trong bộ phim hài nổi tiếng mang tên « Làm thế nào tôi hết ưu tư và yêu thích quả bom ») đùa giỡn với di sản mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu. Đó là việc, không kể đến hiệp định Paris, ông Trump đã cố tình phá hoại những công trình của người tiền nhiệm Barack Obama.

Nước Mỹ không thể vĩ đại nếu không « sạch »

Việc cho tái khởi động dự án ống dẫn dầu khổng lồ Keystone, ngưng lại « Clean Power Plan », kế hoạch giảm khí thải các nhà máy điện, hay lời ca ngợi gây khiếp đảm về « than đá sạch đẹp », đủ để Donald Trump trở thành kẻ thù số một của cư dân một hành tinh có thể sống được. May mắn thay, thế giới đã thay đổi, các tội phạm hàng đầu về khí hậu không hành động theo băng nhóm có tổ chức. Ông Donald Trump đang bị cô lập.

Tại Úc, tập đoàn Engie đã đóng cửa một siêu nhà máy điện, tại Trung Quốc, Ấn Độ và ngay cả Hoa Kỳ, than đá đang bị dần thay thế bởi khí đá phiến để sản xuất ra điện. Khắp nơi, năng lượng hóa thạch đang thụt lùi. Và cách đây sáu tháng, 360 tập đoàn đa quốc gia đã ký vào lời kêu gọi mở rộng cuộc đấu tranh chống thay đổi khí hậu.

Họ hiểu rằng một thế giới nóng lên trên 3°C, không thể là một thế giới thịnh vượng. Đó cũng là thông điệp được Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) đưa ra trước hội nghị G7 ở Taormine (Ý) vừa qua. Và như vậy, khi Donald Trump hứa biến một nước Mỹ bị ô nhiễm thành một Mỹ quốc vĩ đại, ông ta đã nói dối.

Hoa Kỳ hoàn toàn thua thiệt

Trong bài « Ngoại giao, việc làm…vì sao Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn thua thiệt », ông David Lavaï, giám đốc chương trình khí hậu của Viện phát triển bền vững và quan hệ quốc khi trả lời Libération cho rằng : « Nếu Mỹ rút lui sau bấy nhiêu năm thương lượng, chắc chắn các hậu quả về ngoại giao không chỉ trên lãnh vực khí hậu, nhất là khi muốn tìm kiếm các đồng minh ».

Hôm 22/5, NATO đã ghi nhận sự thay đổi khí hậu nằm trong « các quan ngại chiến lược » của liên minh. Trong khi ông chủ Nhà Trắng thề chiến thắng « khủng bố Hồi giáo cực đoan », bản báo cáo công bố tháng 10/2016 của cơ quan tư vấn Đức Adelphi khẳng định hiện tượng biến đổi khí hậu giúp phát triển các nhóm khủng bố.

Theo ông David Lavaï : « George W.Bush khi từ chối phê chuẩn hiệp ước Kyoto đã phải hứng chịu những chỉ trích của quốc tế, còn hậu quả bây giờ sẽ lớn hơn nhiều ». Tháng trước tại Bonn, 195 nước đã tái khẳng định ý muốn áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu – dù có hoặc không có Hoa Kỳ. Và song song với loan báo của ông Trump, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc hôm nay siết lại một « liên minh xanh ». Bắc Kinh và Bruxelles đồng thuận trong việc cụ thể hóa « thành công lịch sử » của hiệp định Paris, đẩy nhanh quá trình « không thể đảo ngược » nhằm từ bỏ năng lượng hóa thạch.

Trump « một mình chống lại tất cả »

Đối với ông Scott Pruitt, giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường do ông Trump bổ nhiệm, hiệp định Paris « không tốt », làm mất việc làm của người Mỹ. Sai ! Báo cáo mới nhất của Cơ quan quốc tế vì năng lượng tái tạo công bố hôm 24/5 bác hẳn lý lẽ này.

Có đến 9,8 triệu người trên thế giới làm việc trong lãnh vực năng lượng tái tạo trong năm 2016, tăng 40% so với năm 2012, và riêng tại Mỹ con số này là 777.000 người. Chỉ riêng về pin năng lượng mặt trời, đã tăng 25% trong vòng một năm, với 242.000 nhân viên. Để so sánh, lãnh vực than đá chỉ thu dụng có 160.119 người, theo báo cáo của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ công bố hồi tháng Giêng.

« Cuộc chiến khí hậu vẫn tiếp tục mà không có Hoa Kỳ », La Croix khẳng định. Theo nhiều chuyên gia, sự rút lui của Mỹ không có nghĩa là hồi kết cho hiệp định khí hậu Paris, tuy tất nhiên cũng gây ra không ít hậu quả.

Tác giả Joel Cossardeaux trên Les Echos cho rằng hành động của Donald Trump sẽ không gây ra hiệu ứng domino. Ngoài Syria – đang trong chiến tranh, và Nicaragua – vốn đòi hỏi một hiệp định mang tính ràng buộc cao hơn, tất cả các nước khác trên thế giới đều chấp nhận thỏa thuận.

Theo 20 Minutes, hậu quả đối với Hoa Kỳ còn ở chỗ, ông Trump đã gởi đi tín hiệu cho cộng đồng quốc tế, là không thể thương lượng với chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, vì không thể biết được nước Mỹ có giữ lời hứa và duy trì các cam kết trong quá khứ hay không.

Việt Nam vẫn muốn tin vào nước Mỹ của ông Trump

Nhìn sang Đông Nam Á, « Việt Nam vẫn muốn tin vào Hoa Kỳ của ông Trump », đó là tựa đề một bài viết hiếm hoi trên báo chí Pháp về chuyến công du Washington của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông đến Mỹ để tìm kiếm một lối thoát mới về thương mại.

Trong chuyến viếng thăm ba ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiệm vụ nặng nề là thuyết phục ông Donald Trump để thương mại song phương phát triển như dưới thời Barack Obama. Năm ngoái, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 177 tỉ đô la của Việt Nam, có 42 tỉ đô la xuất sang Hoa Kỳ. Tờ báo nhận xét, lần này khác với thông lệ, tổng thống Trump tỏ ra hòa dịu. Thông cáo chung Mỹ-Việt khẳng định ý hướng tăng cường hợp tác về quốc phòng và thương mại.

Theo Les Echos, bị thiệt thòi khi Mỹ rút khỏi TPP, Hà Nội không muốn đà phát triển bị ngưng lại, sau khi nhiều nhà đầu tư châu Á đã đón đầu việc gia nhập TPP qua việc xây dựng nhiều nhà xưởng trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu sản xuất hàng giày dép, dệt may để xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 17,4%, đầu tư nước ngoài tăng 10,4%, nhưng quý 1 bị ảnh hưởng bởi việc giảm sản lượng dầu lửa và chỉ riêng sự cố pin điện thoại di động Galaxy 7 của Samsung Electronics đã khiến Việt Nam bị mất đến 1 tỉ đô la trong cán cân thương mại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170602-donald-trump-ke-thu-so-mot-cua-hanh-tinh

 

Tin đọc nhanh

AFP) – Cam Bốt : Hàng chục ngàn người tập trung ủng hộ chính phủ

Cuộc biểu tình hôm nay 02/06/2017 ở ngoại ô thủ đô nhằm ủng hộ chính phủ của thủ tướng Hun Sen, khi chỉ còn hai ngày là tới kỳ bầu cử cấp địa phương. Đây được coi là phép thử cho kỳ bầu cử Quốc Hội 2018. Phe đối lập chỉ trích chính phủ ngày càng trấn át công chúng và tham nhũng. Họ hy vọng giành chiến thắng trong ngày bầu cử cấp vùng diễn ra vào ngày 04/06.

(Yonhap – KBS) – Đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc đi Mỹ

Hôm qua 01/06/2017, cố vấn an ninh Chung Eui Yong bắt đầu chuyến công du Mỹ 2 ngày để chuẩn bị cho cuộc hội kiến giữa hai nguyên thủ Mỹ – Hàn, dự kiến vào cuối tháng này. Ông đã gặp đồng nhiệm Mỹ Herbert McMaster. Về lá chắn tên lửa THAAD, đặc phái viên Hàn Quốc cho biết sẽ mất nhiều thời gian, do cần làm rõ các tác động tới môi trường. Seoul không có ý định xét lại thỏa thuận THAAD nhưng việc triển khai phải tuân thủ luật lệ của Hàn Quốc.

(AFP) – Mỹ đề xuất với LHQ các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên

Các đề xuất được trình lên Hội Đồng Bảo An, hôm qua 01/06/2017. Một quan chức ngoại giao cho biết đề nghị của Mỹ nhận được sự đồng thuận của Trung Quốc và sẽ không thành viên nào của Hội Đồng Bảo An muốn bác dự thảo nghị quyết. Từ nhiều tuần nay, Washington đã bí mật thương lượng với Bắc Kinh nhằm tìm cách đáp trả chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạo của Bình Nhưỡng.

(AFP) – Washington trừng phạt các nhà cung cấp của Bình Nhưỡng

Theo thông báo của Mỹ vào hôm qua, 01/06/2017, đó là sáu doanh nghiệp và ba cá nhân – các nhà cung cấp cho chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong đó có hai doanh nghiệp và một lãnh đạo doanh nghiệp của Nga. Mọi tài sản của các tác nhân này bị bộ Ngân Khố Mỹ phong tỏa. Các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ bị cấm giao dịch với những đối tượng trên.

(AFP) – Tầu vũ trụ Soyuz MS-03 trở về Trái Đất

Phi hành gia Thomas Pesquet (Pháp) và Oleg Novitskiy (Nga) đã trở về Trái Đất trên con tầu vũ trụ Soyuz MS-03 ngày hôm nay, 02/06/2017, sau 200 ngày trên Trạm không gian quốc tế ISS cách nằm Trái Đất 400 km. Tầu vũ trụ này mất khoảng 3 giờ 20 phút để quay lại Trái Đất và về tới căn cứ không gian ở Kazakhstan vào 14h10 giờ quốc tế.

(AFP) – Venezuela: Chưởng lý kiện dự án Quốc Hội Lập Hiến lên Tòa Án Tối Cao

Đơn kiện của chưởng lý Luisa Ortega được trình lên Tòa hôm qua, 01/06/2017, với lý do tổng thống Maduro lập Quốc Hội Lập Hiến mà không tham khảo ý kiến của dân chúng. Chưởng lý Luisa Ortega là một trong những nhân vật hiếm hoi trong hàng ngũ của tổng thống Maduro chống lại ông. Phe đối lập Venezuela không tham gia vào dự án cải cách Hiến Pháp mà họ lên án là “lừa đảo”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170602-tin-doc-nhanh