Đọc báo Pháp – 30/05/2017
Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp:
“Vốn ngoại giao” của Emmanuel Macron
Emmanuel Macron đã ghi thêm một điểm trong công luận Pháp khi đón tiếp long trọng đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles. Đây là chủ đề được nhiều nhật báo lớn tại Pháp hôm nay 30/05/2017 đề cập đến. Hầu hết, các báo Pháp đều đánh giá cao cuộc trao đổi “cứng rắn và thẳng thắn” giữa hai nguyên thủ Pháp – Nga.
“Một làn gió hạ nhiệt giữa Pháp và Nga” là ghi nhận của Libération. Mang tiếng là được mời đến khánh thành một cuộc triển lãm tại Grand Trianon của cung điện Versailles nhưng tổng thống Nga được đồng nhiệm Pháp tiếp đón với đủ mọi nghi lễ long trọng.
Cuộc gặp đầu tiên được khởi đầu bằng việc khánh thành triển lãm mang chủ đề « Pierre Đại Đế, một Sa hoàng tại Pháp », mô tả lại chuyến viếng thăm của hoàng đế Nga tại cung điện Versailles cách nay đúng 300 năm (1717 – 2017), đánh dấu bước đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thế nhưng, theo nhận xét của Libération, cuộc gặp giữa Macron và Putin, cuộc tiếp xúc đầu tiên hôm qua mang tính chất thăm dò tình thế hơn là tái khởi động mạnh mẽ mối quan hệ giữa Pháp và Nga. Buổi nói chuyện giữa hai nguyên thủ kéo dài hơn dự kiến. Tờ báo lấy làm tiếc rằng tuy nhiều chủ đề nhậy cảm đã được đề cập đến nhưng chưa có một giải pháp nào được đề xuất.
Le Figaro trên trang nhất với tấm ảnh Macron tươi cười đưa tay bắt tổng thống Nga trước cung điện Versailles, chạy hàng tít lớn : “Macron và Putin : Cùng nhau chống khủng bố“.
Còn theo nhận định của nhật báo công giáo La Croix, giữa “Macron và Putin: Một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và trực tiếp“. Trong hồ sơ Syria, cả hai nguyên thủ đồng ý thiết lập một nhóm làm việc chung để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm “tiến trình chuyển gia dân chủ nhưng vẫn giữ được Nhà nước Syria“.
Trước đồng nhiệm Nga, nguyên thủ Pháp vạch ra “lằn ranh đỏ“, cảnh báo Pháp sẵn sàng có những “hành động đáp trả tức thì” nếu Damas tái sử dụng vũ khí hóa học. Ông Macron kêu gọi Nga và liên quân nên tạo thuận lợi cho việc tiếp tế nhân đạo cho các thường dân.
Về hồ sơ Ukraina, cả hai lãnh đạo Pháp và Nga đều nhất trí sớm tổ chức một cuộc họp bốn bên “khuôn khổ Normandie” (Pháp, Đức, Nga và Ukraina) nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở đông Ukraina, hiện do phe ly khai thân Nga chiếm giữ. Bên cạnh những hồ sơ quốc tế nóng bỏng, tổng thống Pháp còn đề cập đến một số vấn đề nhân quyền tại Nga và Tchetchenia…
Macron cởi mở đối lập Putin khép kín
Nếu như báo kinh tế Les Echos nhận thấy với “nước Nga, ông Macron đang đánh cược vào sự tin tưởng“, nhật báo thiên hữu Le Figaro lạc quan nghĩ là “Macron đang vạch ra một hướng hợp tác với Putin“. Tờ báo dành hai trang để nhận định về cuộc tiếp xúc ngày hôm qua. Trái với những lời chỉ trích ứng viên Macron trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, lần này Le Figaro hết lời ca ngợi tân tổng thống Pháp.
Tờ báo viết: “Emmanuel Macron tự nhiên, cương quyết, làm chủ hoàn toàn các chủ đề, và nhất là rất tự tin”, đối lập với một “Vladimir Putin có vẻ căng thẳng, nét mặt hơi khép kín. Bài diễn văn có vẻ thiếu mạch lạc và không có hồn“.
Một “Emmanuel Macron trong thế thượng phong” trước một “Vladimir Putin có điều gì đó cần được tha thứ : Việc tiếp bà Marine Le Pen tại điện Kremlin và các vụ tấn công tin học của Nga nhắm vào phong trào En marche ! trong suốt chiến dịch vận động tranh cử“.
Nhưng ông Macron có được những thế mạnh trên đó là nhờ vào yếu tố thiên thời. Tình hình quốc tế hiện nay đang có lợi cho nước Pháp: Vương Quốc Anh bận rộn với chuyện Brexit ; Hoa Kỳ trở nên khó tiên liệu kể từ Donald Trump vào Nhà Trắng ; và nước Đức đang chuẩn bị cho bầu cử lập pháp. Do đó, khi đối mặt với Putin, tổng thống Pháp đã có đủ tự tin để khẳng định mình.
Tuy nhiên, xã luận của Le Figaro lưu ý là sau những lời lẽ “cứng rắn và thẳng thắn” cũng đừng quên hành động. Bởi vì, từ lâu nay châu Âu chỉ nói suông trong các hồ sơ quan trọng như Syria và Ukraina và công luận đã cảm thấy chán ngán trước những lời lên án sáo rỗng vô tác dụng.
Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp :
Công cụ ngoại giao hiệu quả của Macron
Thành công của cuộc gặp Macron – Putin không chỉ nhờ vào thời thế. Theo nhà báo Guillaume Tabard trên Le Figaro, thành công đó có được là nhờ tổng thống Pháp biết sử dụng hai công cụ chính “Hiểu biết Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp“.
Không ai có thể phủ nhận được sự khôn khéo của tổng thống Pháp. Lời mời này dành cho Putin là sáng kiến ngoại giao đầu tiên của ông. Bởi vì thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 tại Taormina ở Ý đã được ghi trước trong lịch trình quốc tế.
Chọn Versailles mà không chọn Elysée là một sự chọn lựa mang tính chất lịch sử hơn là chính trị. Vừa trang trọng hơn mà ít chính thức hơn. Vừa gây ấn tượng hơn mà ít nghi lễ hơn. Vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa thích được hòa theo dòng lịch sử. Hơn nữa, đâu còn địa điểm nào tốt hơn để thu hút Putin, người không ngừng thêu dệt lại cả dòng lịch sử nước Nga.
Không những nhậy cảm với lịch sử, Macron cũng tinh tế trong giao tiếp. Dưới những ánh vàng của điện Versailles, tân tổng thống Pháp không chỉ chăm chút cho mối quan hệ với đồng nhiệm Nga, mà còn cho cả việc đánh bóng hình ảnh chính mình.
Macron muốn tận dụng vào thời điểm này, thời điểm ông có thể bị soi xét về thái độ và còn chưa bị đánh giá về hành động. Người ta đã thấy rõ điều đó qua thượng đỉnh G7 cũng như cú bắt tay nảy lửa với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi nhanh chóng mời tổng thống Nga, ông Macron có thể muốn ưu tiên thiện chí khôi phục trục quan hệ Paris – Matxcơva dựa trên những nền tảng mới. Kết quả ra sao giờ vẫn chưa đánh giá được. Nhưng ông biết rằng ngoại giao hình ảnh cũng phù du như là lộc trời ban lúc đầu nhiệm kỳ.
http://vi.rfi.fr/phap/20170530-lich-su-va-nghe-thuat-giao-tiep-von-ngoai-giao-cua-emmanuel-macron
Tin đọc nhanh
(AFP) – Úc chuẩn bị ra luật cấm những kẻ có tiền án ấu dâm ra nước ngoài
Theo chính phủ Úc, hôm 30/05, luật nói trên nhằm bảo vệ trẻ em các nước nghèo, mục tiêu của du lịch tình dục. Khoảng 20.000 người Úc phạm tội ấu dâm đã mãn án tù, nhưng vẫn bị kiểm soát, đề phòng khả năng tái phạm. Tuy nhiên khoảng 200 đến 300 người vẫn ra nước ngoài hồi năm ngoái, dù không được phép. Bộ trưởng Tư Pháp Úc nhấn mạnh đây là biện pháp chống nạn du lịch tình dục, mà nạn nhân là trẻ em, mạnh mẽ nhất kể từ trước đến nay trên thế giới. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền EPCAT, Đông Nam Á và Nam Mỹ là hai vùng mà những kẻ ấu dâm hoành hành nhất.
(AFP) – Mở phiên tòa thẩm vấn các nghi phạm vụ Kim Jong Nam
Ngày 30/05/2017 tại Kuala Lumpur, tòa án Malaysia mở phiên thẩm vấn đầu tiên đối với hai nghi phạm trong vụ án sát hại người anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Một trong hai nghi phạm là công dân Việt Nam, cô Đoàn Thị Hương, 28 tuổi. Người thứ hai là cô Siti Aisyah, 25 tuổi, công dân Indonesia. Hai bị cáo đều phủ nhận cáo buộc là thủ phạm vụ giết người. Tòa án Malaysia sẽ phải cho biết ngày khai mạc phiên tòa xét xử chính thức hai bị cáo, dự kiến vào tháng tới. Hai phụ nữ này phải đối mặt với án phạt cao nhất là tử hình.
(AFP)- Tổng thống Rohani không có thẩm quyền bãi lệnh quản thúc tại gia cho hai nhà đối lập Iran
Ngày 29/05/2017, giáo sĩ Sadegh Larijani, người đứng đầu ngành tư pháp Iran, cảnh báo tổng thống Rohani về ý định chấm dứt lệnh quản thúc đối với hai nhà đối lập hàng đầu là cựu thủ tướng Hossein Moussavi và cựu tổng thống Mehdi Karoubi. Lý do : tổng thống vừa tái đắc cử không có thẩm quyền làm việc này.
(AFP) – Dư luận Hoa Kỳ lo ngại về việc tổng thống Donald Trump im lặng về vụ hai thanh niên bị sát hại tại Portland
Hai nạn nhân bị giết hại hôm 27/05/2017 khi bảo vệ hai thiếu nữ theo đạo Hồi, trước các đe dọa hành hung. Thị trưởng Portland- bang Oregon, miền tây nước Mỹ, đã ca ngợi hai công dân dũng cảm nói trên, mà ông gọi là « các anh hùng ». Kể từ vụ hành hung nhắm vào hai thiếu nữ Hồi giáo, tổng thống Mỹ đã có nhiều bình luận trên trang Tweeter cá nhân, về đủ mọi vấn đề, nhưng không hề nhắc đến vụ này. Hiện tại, FBI đang tiến hành điều tra vụ việc, xem đây là một hành động khủng bố hay do thù hận.
(AFP) – Merkel : Phát triển quan hệ với Ấn Độ mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ
Tiếp thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 30/05/2017 tại Berlin, thủ tướng Đức Markel khẳng định mối quan hệ giữa Ấn Độ với Đức là vô cùng quan trọng nhưng bà sẽ không để ảnh hưởng tới quan hệ của Đức với các nước khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Berlin là đối tác thương mại quan trọng nhất của New Delhi trong Liên Hiệp Châu Âu. 1.600 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Ấn Độ sử dụng khoảng 400.000 lao động Ấn Độ.
(AFP)- Người đồng tính Tchetchnia đầu tiên tị nạn ở Pháp
Lánh nạn đàn áp giới đồng tính tại Tchetchnia, người này đã đến Pháp hôm 29/05/2017 và sau khi bị tạm giữ ở sân bay để kiểm tra giấy tờ, anh đã được tự do đi lại trên đất Pháp. Một tổ chức bảo vệ giới đồng tính của Pháp sẽ lo cho người này. Theo một tờ báo Nga, chính quyền Tchetchnia đã bắt giữ hơn 100 người đồng tính, và khuyến khích gia đình giết họ để « bảo toàn danh dự ». Ít nhất hai người đồng tính đã bị thân nhân giết chết và một người thứ ba đã chết sau khi bị tra tấn.
(AFP) – Matxcơva : Bão lớn, 13 người chết
Một cơn bão mạnh xảy ra hôm qua 29/05/2017 tại Matxcơva và vùng phụ cận khiến 13 người chết và 70 người bị thương nặng. Đô trưởng Matxcơva đánh giá đây là một thảm họa tồi tệ chưa từng có ở vùng này. Mưa to, gió mạnh đã làm nhiều chuyến bay từ các sân bay ở thủ đô Matxcơva phải dời lại. Theo dự báo, một trận bão khác có thể tràn về thủ đô nước Nga đêm nay, rạng sáng ngày mai.
(AFP) – Thuốc lá giết chết 7 triệu người/năm
Theo số liệu của tổ chức Y Tế thế Giới, mỗi năm thuốc lá giết chết 7 triệu người trên toàn thế giới so với con số 4 triệu người những năm đầu thế kỷ 21. Thuốc lá cũng gây ô nhiễm không khí, làm trầm trọng tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng tới năng suất lao động, là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình phải mua thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng. Vì thế, tổ chức Y Tế thế Giới kêu gọi cấm quảng cáo, tăng thuế và tăng giá bán thuốc lá.
(AFP) – Lốc xoáy ở Bangladesh : 450.000 người phải sơ tán
Cơn lốc xoáy Mora ở miền đông nam Bangladesh ngày 30/05/2017 làm ít nhất 2 người thiệt mạng, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ảnh hưởng, 450.000 người phải đi sơ tán. 400 trường học, cơ sở nhà nước đã được dùng làm nơi trú ẩn cho người dân. Cơn bão lốc đã phá hỏng 20.000 lán tạm trong các trại đón nhận người tị nạn Rohingya Miến Điện.