Tin Hàn Quốc
KBS World Radio
Bốn điểm lớn trong chính sách với Bắc Triều Tiên của Mỹ
Đăng tải : 2017-05-26
Tại buổi họp báo trong chuyến thăm Mỹ hôm 25/5 (theo giờ địa phương), các nghị sĩ Kim Kwan-young của Đảng vì Nhân dân, Yoon Kwan-seok của đảng Dân chủ đồng hành, Jeon Hee-kyung của đảng Hàn Quốc tự do cho biết Mỹ đã thông qua một chiến lược bốn điểm nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Bốn nội dung chính gồm có không thừa nhận Bắc Triều Tiên là nước sở hữu hạt nhân, gây sức ép và cấm vận với Bình Nhưỡng, không xúc tiến thay đổi chính quyền miền Bắc, và cuối cùng là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Đáng chú ý là trong chính sách với Bắc Triều Tiên, Mỹ đã loại bỏ lựa chọn giải pháp quân sự. Tại cuộc gặp với nghị sĩ Kim Kwan-young của Đảng vì Nhân dân, ông Joseph Yun, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký tên vào dự thảo chính sách này từ hai tuần trước.
Chính sách với Bắc Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc
Về cơ bản, chiến lược bốn điểm chính của Mỹ khá tương đồng với chính sách về Bắc Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in. Tuy nhiên, xét một cách cụ thể, hai nước vẫn còn có những điểm khác biệt về lập trường liên quan tới vấn đề này. Nếu Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích hạt nhân, tích cực tiến tới đối thoại phi hạt nhân hóa, những bất đồng trong lập trường của Hàn Quốc và Mỹ sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành vi khiêu khích như tiến hành thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn. Mỹ nhiều khả năng sẽ đưa ra những biện pháp quyết liệt như gây sức ép với Trung Quốc, ngừng cung cấp dầu thô cho Bắc Triều Tiên. Trong trường hợp này, sự tham gia của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in trong nỗ lực cấm vận miền Bắc ở mức độ nào vẫn là một ẩn số.
Ngoài ra, điều kiện để đối thoại với Bình Nhưỡng cũng là nội dung cần có sự điều chỉnh giữa Hàn Quốc và Mỹ. Hai nước có thể có những điểm khác biệt về những điều kiện đối thoại cụ thể, như ngừng khiêu khích, đóng băng các hoạt động hạt nhân. Bên cạnh đó, hai bên cũng có những ý kiến trái chiều về chiến lược đàm phán như tiến hành theo giai đoạn hay đồng thời. Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in theo đuổi giải pháp theo từng giai đoạn, như đóng băng hoạt động hạt nhân, xóa bỏ những vật chất hạt nhân và vũ khí hạt nhân, trong khi Tổng thống Donald Trump lại ưa tiến hành mô hình những “giao dịch lớn” (Big Deal).
————
Quân đội Mỹ chuẩn bị thử nghiệm bắn hạ tên lửa ICBM của Bắc Triều Tiên
Kể từ năm 1999 tới nay, quân đội Mỹ đã tiến hành tổng cộng 17 đợt thử nghiệm bắn hạ tên lửa, trong đó có chín lần bắn hạ thành công. Đợt thử nghiệm được tiến hành gần đây vào tháng 6 năm 2014 cũng đã diễn ra thành công.
Việc Mỹ tiến hành thử nghiệm bắn hạ tên lửa ICBM lần này là do Bắc Triều Tiên gần đây liên tục phóng thử nghiệm tên lửa, đẩy nhanh tốc độ phát triển tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Mỹ rà soát lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington. Mỹ sẽ phân bổ khoảng 7,1 tỷ USD ngân sách năm sau dành cho việc phòng thủ tên lửa.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã trở nên xấu đi khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trả đũa kinh tế nhằm đáp lại quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Seoul. Tuy nhiên, kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chính thức lên nắm quyền, mối quan hệ giữa hai nước đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thay đổi trong quan hệ Hàn-Trung qua phân tích của Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung Jo Yong-chan. Trước hết, chúng ta cùng phân tích những tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc:
Sự ra mắt của Chính phủ tân Tổng thống Moon Jae-in đã làm tan chảy mối quan hệ Hàn-Trung vốn đang bị đóng băng. Nhu cầu về đồ ăn nhẹ của Hàn Quốc tại Trung Quốc ngày càng tăng, trong khi các đơn đặt hàng sản phẩm sữa Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng đang trên đà hồi phục. Tour du lịch Hàn Quốc của khách Trung Quốc từng bị hủy trong vòng hai tháng qua nay đã được nối lại. Hai hãng Hàng không giá rẻ của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị nối lại các đường bay tới Trung Quốc trong thời gian tới. Cũng trong dịp này, Tập đoàn Ô tô Hyundai đã tổ chức một chương trình khuyến mại nhân kỷ niệm 15 năm hoạt động tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và bán được 833 xe ô tô ngay trong sự kiện này. Sau những thiệt hại nặng nề do các biện pháp trả đũa kinh tế của Bắc Kinh, doanh số bán hàng của Ô tô Hyundai tại Trung Quốc đã sụt giảm 52% vào tháng 3, và 65% vào tháng 4. Với những dấu hiệu tích cực trong quan hệ Hàn-Trung, các công ty như Ô tô Hyundai-Kia, và Lotte và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác bắt đầu có thể thở phào nhẹ nhõm.
Kể từ khi Hàn Quốc công bố quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu hạn chế công dân của mình tới du lịch Hàn Quốc, siết chặt các quy chế với các nội dung làn sóng văn hóa Hallyu tại Trung Quốc, và áp đặt lệnh trừng phạt với Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, đơn vị cung cấp địa điểm triển khai THAAD. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đang được nới lỏng dần, với việc trang web của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại sau hai tháng đóng cửa, hay một số công ty du lịch Trung Quốc đang nối lại dịch vụ thị thực cho các chuyến du lịch tới Hàn Quốc, và các đoạn quảng cáo có sự xuất hiện của các ngôi sao Hàn Quốc cũng đã được khôi phục trở lại. Điều gì đã khiến tảng băng quan hệ Hàn-Trung tan chảy? Ông Jo Yong-chan phân tích.
Yếu tố quyết định giúp mối quan hệ Hàn-Trung ấm nóng trở lại chính là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa gửi điện vừa đích thân gọi điện chúc mừng tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hai ngày sau khi ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 9/5. Sau Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo thứ hai trên thế giới gọi điện chúc mừng tân Tổng thống Hàn Quốc, cho thấy thiện chí cải thiện mối quan hệ song phương. Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ hy vọng Hàn Quốc cử đại biểu tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường”, diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 14/5 – 15/5. Đáp lại, Tổng thống Moon Jae-in đã cử đoàn đại biểu do nghị sĩ Park Byeong-seok của đảng Dân chủ đồng hành dẫn đầu tới Bắc Kinh. Đoàn đại biểu Hàn Quốc sau đó được sắp xếp một cuộc họp ngắn bất ngờ với Chủ tịch Tập Cận Bình, cho thấy những chuyển biến vô cùng tích cực trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã cử cựu Thủ tướng Lee Hae-chan làm Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Trung Quốc. Trong ba ngày, từ 18/5 đến 20/5, ông Lee Hae-chan đã thăm Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Ông Jo Yong-chan phân tích.
Theo các chuyên gia về ngoại giao và thương mại, chuyến thăm của cựu Thủ tướng Lee Hae-chan tới Trung Quốc là bước đi đầu tiên của Seoul nhằm tìm cách xóa bỏ các biện pháp trả đũa kinh tế từ Bắc Kinh. Đặc phái viên Lee Hae-chan đã chuyển bức thư tay của tân Tổng thống Moon Jae-in tới Chủ tịch Tập Cận Bình với nội dung về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng như nỗ lực khôi phục mối quan hệ Hàn-Trung. Bên cạnh đó, Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được tổ chức tại đảo Jeju vào tháng tới dự kiến cũng sẽ là một bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước. Sự ra mắt của Chính phủ của tân Tổng thống Moon Jae-in cũng những đối sách kịp thời đã giúp Hàn Quốc giảm thiểu được những thiệt hại nặng nề về kinh tế, giúp bình thường hóa mối quan hệ hai nước. Trên đà hồi phục này, mối quan hệ Hàn-Trung dự kiến sẽ nhanh chóng trở lại như xưa, đặc biệt nếu lãnh đạo hai nước tổ chức đối thoại song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn G20 tại Đức trong tháng 7, hay tổ chức các cuộc họp cấp cao nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương trong tháng 8.
Đặc phái viên Lee Hae-chan đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về định hướng chính sách ngoại giao của Chính phủ tân Tổng thống Moon và các đối sách tức thời đối với các vấn đề liên quan tới việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Những căng thẳng gần đây đã gây thiệt hại cho cả Hàn Quốc và Trung Quốc, hai nước vốn có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế. Viện trưởng Jo Yong-chan phân tích.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai cho biết những biện pháp trả đũa việc Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) đã gây thiệt hại lên tới 8500 tỷ won (tương đương 7,61 tỷ USD) cho Hàn Quốc, và 1100 tỷ won (tương đương 980 triệu USD) cho phía Trung Quốc. Trung Quốc đã dừng tất cả các tour du lịch tới Hàn Quốc kể từ ngày 2/3, khiến số du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc giảm tới 40% so với tháng 3 năm ngoái, hạn chế các sản phẩm văn hóa, giải trí liên quan đến Hàn Quốc như cấm các ngôi sao làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu biểu diễn, đóng phim ở Trung Quốc, hay ngăn truy cập vào các trang web về Kpop và phim Hàn tại nước này. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chịu thiệt hại từ sự sụt giảm của con số 4,4 triệu lượt khách Hàn Quốc tới Trung Quốc hằng năm, chiếm đến 17,1% lượng khách du lịch tới nước này trong năm 2015. Trong giai đoạn cao điểm về du lịch từ tháng 3 tới tháng 5, lượng khách Hàn Quốc thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc như rừng quốc gia Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam, hay núi Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy, đã giảm tới 70%. Sự tẩy chay của người dân Trung Quốc đối với các sản phẩm của tập đoàn Lotte và Công ty thực phẩm Orion không chỉ gây thiệt về kinh tế đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, mà còn ảnh hưởng xấu đến 13.000 lao động địa phương đang làm việc ở đây, cũng như các nhà cung cấp và doanh nghiệp đối tác liên kết với nước này.
Tại thời điểm này, một chiến lược giúp hai nước tìm kiếm lối thoát cho tình thế hiện nay là vô cùng cần thiết. Ông Jo Yong-chan phân tích.
Căng thẳng trong mối quan hệ Hàn-Trung hiện không thể được giải quyết triệt để trong một sớm một chiều. Trong khi phía Hàn Quốc cho rằng việc triển khai THAAD của liên quân Hàn-Mỹ đã gần như được bố trí xong và khó có thể hủy bỏ, thì phía Trung Quốc vẫn duy trì lập trường không thể chấp nhận hành động này. Quan điểm cứng rắn của cả hai bên khiến việc tìm ra giải pháp cho vấn đề này không hề dễ dàng. Theo giới học giả và truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh không bằng lòng về việc Chính phủ Hàn Quốc đã không thảo luận với Trung Quốc trước khi tiến hành triển khai THAAD. Nếu Chính phủ mới của Hàn Quốc có thể thuyết phục Bắc Kinh về tính thiết yếu của THAAD nhằm đối phó với vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, đồng thời tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án quốc gia dài hạn như sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, hai nước hoàn toàn có thể tìm ra lối thoát cho tình trạng khó khăn hiện nay.
Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn nhất trong mối quan hệ Hàn-Trung từ trước đến nay, và đôi bên cần nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề này trên tinh thần hợp tác lâu dài.