Ngày thứ 125 của Tổng Thống Trump
Việt Báo
27/05/2017
Lâm Quốc Huy
24 tháng 5, 2017 không phải là một ngày vui cho TT Trump dù ông đang thực hiện chuyến công du thế giới lần đầu và “tạm” xa các nguồn tin xấu cho ông từ trong nước.
Dự Luật Health Care
CBO (Congressional Budget Office) hôm 24-5 đã đưa ra bảng lượng giá dự thảo luật chăm sóc y tế AHCA (American Health Care Act tức Trumpcare) được Hạ viện thông qua, và được ông Trump nâng ly ăn mừng tại Vườn Hồng (Rose Garden) hôm mồng 4-5.
Theo cơ quan độc lập này thì với AHCA sẽ có thêm 23 triệu người dân không có bảo hiểm, đặc biệt ảnh hưởng tai hại lên người nghèo và cao niên với tiền bảo hiểm có thể gia tăng tới 800%.
Với lượng giá này, AHCA khó lòng được Thượng viện thông qua, nhất là đã bị một số thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa lên tiếng cảnh báo. Dự luật này cũng đang bị dư luận chống đối khắp nơi với tỷ lệ 57% người chống so với 20% chấp thuận; 53% người thích Obamacare hơn Trumpcare so với 27% người thích Trumpcare hơn; 64% muốn cải thiện Obamacare so với 29% muốn hủy Obamacare. Dự thảo Trumpcare cũng bị các tổ chức y tế, xã hội, chuyên gia và bảo hiểm chống đối mạnh mẽ trước cũng như sau khi đã sửa đổi.
Dự thảo về Ngân sách
Dự thảo ngân sách được công bố hôm 23-5 sẽ cắt 800 tỉ USD Medicaid chương trình y tế cho người nghèo và khuyết tật trong 10 năm. Theo Bộ Nông nghiệp chỉ trong tháng 2 vừa qua, có hơn 44 triệu người Mỹ nhận được lợi ích từ chương trình “food stamp”; con số này năm 2013 là 47 triệu. Ngoài ra, có 66 chương trình lợi ích xã hội khác bị cắt bỏ, chỉ có ngân quỹ dành cho quân đội và an ninh biên giới là gia tăng.
Song song, bản dự thảo ngân sách đã tính lộn một khoản tiền lên tới $2 trillion Mỹ kim, do kế toán 2 lần khoản tiền này – vừa được dùng để khỏa lấp thâm thủng $2 trillion MK do việc giảm thuế cho người giàu, vừa được tính như là thu hoạch gia tăng $2 trillion MK để chi tiêu.
Trả lời các lầm lỗi lớn này trong một cuộc họp báo, các giới chức trách nhiệm của nội các ông Trump gồm Giám đốc Ngân sách Mick Mulvaney và Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin đã trả lời: “Chúng tôi cố tình như vậy để bù vào những khoản tính toán khác,” và “Đây chỉ là một dự thảo và sẽ được hoàn chỉnh sau.”
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers tuyên bố: “Đây là một lỗi lầm kế toán tệ hại nhất mà tôi chưa từng thấy trong 40 năm xem xét công việc này.”
Cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton gọi đây là một ngân sách có “độ tàn nhẫn không thể tưởng tượng được” đối với hàng triệu dân nghèo.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lên án ngân sách của ông Trump là “vô đạo đức.”
Lãnh đạo Dân Chủ Thượng Viện Chuck Schumer chỉ trích là “Ngân sách này cho thấy ông Trump đã thất hứa với người lao động Mỹ khi cắt hết các khoản trợ cấp, và lột mặt nạ mị dân của ông trong thời kỳ tranh cử.”
Dân biểu đảng Cộng Hòa Mark Sanford đã lên án dự thảo ngân sách của ông Trump là “hoang tưởng” và “dối trá.” Ông phân tích rằng ước tính tăng trưởng kinh tế ở mức 3% của bản dự thảo sẽ không thể xảy ra (trong lúc tranh cử, ông Trump tuyên bố nền kinh tế dưới triều đại Trump sẽ tăng trưởng ở mức 4%-6%). Văn phòng ngân sách quốc hội CBO, một cơ quan phi đảng phái, ước tính mức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chỉ lên tới 1.9%.
Nổi tiếng là một nhà phân tích ngân sách “diều hâu”, ông Sanford chia sẻ: “Việc quân bằng ngân sách mà không đụng tới các ngân khoản quyền lợi như hưu trí thì không những là hoang tưởng, mà nói thẳng ra là một điều dối trá.”
Ông Sanford đã dùng các dữ kiện lịch sử để vạch ra những điểm không thể chấp nhận được của dự thảo ngân sách. Theo các chu kỳ kinh tế của Hoa Kỳ, thời kỳ tăng trưởng trung bình là 58 tháng. Giai đoạn tăng trưởng dưới nhiệm kỳ của TT Barack Obama đã kéo dài tới 94 tháng. Dự thảo ngân sách của ông Trump đặt trên giả định là kinh tế sẽ liên tục tăng trưởng tới 214 tháng.
Ông cũng lưu ý rằng mức thất nghiệp hiện nay đang ở tỷ lệ thấp nhất, vậy mà đòi kinh tế tăng trưởng ở 3% và giữ được mức lạm phát ở 2% thì đúng là chuyện hoang tưởng.
Các chuyên gia kinh tế cũng bác bỏ lý thuyết “cắt thuế sẽ giúp tăng trưởng kinh tế” mà chính phủ Trump tin tưởng và áp dụng trong dự thảo ngân sách cũng như chính sách giảm thuế cho giới nhà giàu và kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế nghiên cứu chính sách cắt giảm thuế của 3 triều đại tổng thống là Kennedy, Reagan và Bush, và kết luận là mối tương quan giữa giảm thuế và tăng trưởng kinh tế không là một đường thẳng đi lên, mà còn bị nhiều yếu tố khác chi phối.
Dân biểu Sanford kết luận thẳng thừng rằng: “Quốc hội không thể có một cuộc bàn luận đúng đắn nếu chúng ta dựa trên những con số giả.”
Ứng xử với NATO
Tại cuộc họp thượng đỉnh với NATO (Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương) ngày 25-5, ông Trump đã đọc bài diễn văn tại Brussels, và đã bị nhiều chỉ trích vì lợi dụng cơ hội để “đòi tiền” các đồng minh NATO, phê bình họ đã không đóng góp đủ tài chánh cho Mỹ trong các nỗ lực chung như đã hứa (2% của GDP), khiến người dân Mỹ bị thiệt thòi, và còn nợ Mỹ rất nhiều từ các năm trước.
Ông Trump cũng không lập lại lời hứa cùng gắn bó bảo vệ nhau, ghi trong Điều 5 của NATO. Đây là một cam kết được NATO ứng dụng lần đầu tiên khi Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công vụ 9/11. Người ta chờ đợi sự cam kết mạnh mẽ của ông Trump đối với Điều 5 vì ông đã từng chỉ trích NATO là “lỗi thời” và chỉ hỗ trợ nước nào trả tiền sòng phẳng cho các nỗ lực phòng thủ chung.
Lãnh đạo các quốc gia trong khối NATO đã tỏ ra bất bình về bài diễn văn của ông Trump, lộ rõ qua nét mặt của 27 vị thành viên đứng trước trụ sở mới của NATO trong dịp khai trương biểu tượng vinh danh những nạn nhân khủng bố 9/11.
Lãnh đạo các quốc gia đồng minh đã không đồng ý với ông Trump về nhiều điều qua những phát biểu của ông trước đây liên quan tới việc bảo vệ môi trường, thương giao và Nga. Sau rất nhiều những phát biểu và bênh vực Nga một cách khó hiểu, cùng thái độ ca tụng Putin và đón tiếp hai nhà ngoại giao Nga hôm 10-5 vừa qua tại TBO, ông Trump đã không giúp các lãnh đạo Âu Châu giảm lo ngại trước chính sách mập mờ của Hoa Kỳ đối với Nga, khi không hề lên án hay đề cập đến những vụ Nga can thiệp vào nội tình bầu cử của các quốc gia Tây phương và ủng hộ độc tài Asad tại Syria.
Ống kính của các phóng viên cũng đã thu được hình ảnh ông Trump xô đẩy một lãnh đạo NATO để tiến lên đứng trước mọi người trong dịp chụp hình . Cung cách hành xử rất bất nhã này của ông khiến người dân Mỹ cảm thấy nhục lây.
Tiết lộ bí mật
Theo tiết lộ của chính quyền Philippines được thông tấn Reuters loan tải, Tổng thống Donald Trump đã nói với Tổng thống Rodrigo Duterte rằng Hoa Kỳ đã điều phối thêm hai tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm riêng với ông Duterte ngày 29-4 – được giải âm, tiết lộ và loan tải ngày 24-5, thì ông Trump cũng đã hết lời ca tụng ông Duterte “rất tuyệt vời” trong việc chống nạn ma túy tại Philippines. Các cơ quan nhân quyền thế giới đã lên án thái độ này của ông Trump khi khen ngợi việc giết người hàng loạt của Duterte, với con số nạn nhân bị tàn sát nhân danh “chống ma túy” lên đến ít nhất 9,000 người hiện nay.
Được biết, nội dung của cuộc đàm đạo này được lưu lại trong một văn bản đóng dấu “tuyệt mật” của Bộ Ngoại giao Philippines. Theo New York Times, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump đã xác nhận nội dung cuộc trao đổi giữa nguyên thủ hai nước là chính xác.
Việc ông Trump đã tiết lộ các tin tối mật với Nga liên quan tới ISIS, sa thải giám đốc FBI Comey, và bây giờ là tin về các tầu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ đã khiến dư luận rất quan tâm về tật “trống miệng” này của chủ nhân TBO.
Theo luồng chỉ trích của dư luận, khẩu hiệu rất ăn khách của ông Trump trong thời kỳ tranh cử “Làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”, đã minh chứng bằng 125 ngày qua là “Căn nhà vĩ đại của Hoa Kỳ đang được xây trên nền tảng ‘cát lún’.”