Tin khắp nơi – 25/05/2017
Thủ Tướng Anh
nêu vấn đề Mỹ lộ tin về cuộc điều tra khủng bố
Thủ Tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ nêu lên quan ngại với Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ tiết lộ cho truyền thông những chi tiết về cuộc điều tra vụ đánh bom ở Manchester.
Có mặt ở Bruxelles để dự hội nghị NATO, bà May nói với các nhà báo rằng quan hệ đối tác sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Anh về mặt an ninh “đã được xây dựng trên lòng tin và một phần của sự tin tưởng đó là biết rằng mình có thể chia sẻ tin tình báo mà không sợ bị lộ ra ngoài.”
Bà May phát biểu:
“Tôi sẽ nói rõ với Tổng thống Trump rằng tin tình báo được chia sẻ giữa các cơ quan thi hành công lực hai nước, phải được bảo mật.”
Vô cùng phẫn nộ về vụ lộ thông tin, cảnh sát điều tra vụ khủng bố ở Manchester đã ngưng, không chia sẻ thông tin với các đối tác Mỹ nữa, theo giới truyền thông.
Tin tức loan đi hôm thứ Năm cho hay lệnh ngưng chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ về hoạt động cảnh sát liên quan tới cuộc tấn công khủng bố mới xảy ra sẽ được áp dụng cho tới khi nào London được Washington trấn an và cam kết không để xảy ra rò rỉ thông tin như vậy nữa.
Nhiều hãng tin đã tiết lộ danh tính của kẻ đánh bom tự sát, dẫn nguồn tin là các giới chức Mỹ, trước khi các quan chức Anh công khai tin này.
Báo The New York Times sau đó còn đăng những tấm ảnh dùng trong cuộc điều tra về cuộc tấn công, cũng chưa được công bố chính thức.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-neu-van-de-my-lo-tin-dieu-tra-khung-bo/3870897.html
Biểu tình ở Bruxelles chống NATO và Trump
Các nhà lãnh đạo NATO tới Bruxelles trong tình hình an ninh nghiêm ngặt để dự một hội nghị mà chủ đề xoay quanh cuộc tấn công khủng bố ở Manchester.
Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhiều nhà lãnh đạo với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà trong thời gian vận động tranh cử, đã chỉ trích liên minh NATO là “lỗi thời” vì không hữu hiệu trong việc chống chủ nghĩa khủng bố. Từ Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thông tín viên Luis Ramirez của VOA tường thuật rằng các cuộc tấn công khủng bố xảy ra hồi gần đây ở Châu Âu có nghĩa là nhà lãnh đạo Mỹ có thể được sự hậu thuẫn mà ông cần để củng cố các nỗ lực chống khủng bố của liên minh NATO.
Hàng ngàn người khuynh tả tuần hành tại Bruxelles để phản đối cả NATO lẫn nhà lãnh đạo Mỹ. Một số người nói họ hoan nghênh những chỉ trích của ông Trump đối với NATO, nhưng giờ cảm thấy thất vọng vì ông lại hợp tác với các nước này.
Một người tham gia biểu tình, anh Frans de Maegd nói:
“Ông Trump đã có những phát biểu tích cực trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông nói Hoa Kỳ sẽ không can dự vào chuyện của các nước trên khắp thế giới nữa. Tôi nghĩ đó là điều tốt. Nhưng bây giờ chính quyền của ông phải chịu sức ép từ cả phe Dân chủ lẫn thành phần cốt cán của Đảng Cộng hoà, họ đang nắm đầu ông, buộc ông phải thay đổi suy nghĩ và áp dụng một chính sách hung hăng, chẳng kém gì chính sách của Obama.”
Ông Trump tới Bruxelles vào thời điểm khi mà tình hình Châu Âu đang hết sức căng thẳng tiếp theo sau cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Manchester, Anh quốc.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo đang ở trong tâm trạng sẵn sàng hành động cứng rắn để chống khủng bố.
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói:
“Các cuộc tấn công mà chúng ta đã chứng kiến ở Manchester, theo ý tôi, là một vấn đề sẽ được tất cả các nhà lãnh đạo xử lý theo cách này hay cách khác, bởi vì các cuộc tấn công đó vô cùng tàn bạo và cố ý nhắm vào trẻ con, những người trẻ tuổi và gia đình họ.”
Thông điệp chủ yếu của ông Trump cho các thành viên NATO là họ phải khởi sự bằng cách đóng góp công bằng vào nỗ lực chống khủng bố, nghĩa là phải dành riêng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg:
“Chúng tôi đang có tiến bộ. Sau nhiều năm suy giảm, tổng chi tiêu quốc phòng của các nước đồng minh Âu Châu và Canada đã tăng hàng tỉ đôla trong năm ngoái.”
Tuy nhiên tăng chi tiêu quốc phòng là một vấn đề chính trị mà cử tri các nước Tây Âu khó chấp nhận vì áp lực từ các chương trình an sinh xã hội rất tốn kém tại các nước này. Tại một căn cứ của người biểu tình ở Bruxelles, các nhà hoạt động chống NATO bày tỏ lo ngại. Cô Stephanie Demblon nói:
“Điều đó có nghĩa là một khoản tiền khổng lồ sẽ được dành riêng cho chiến tranh, và điều đó có nghĩa là khoản tiền khổng lồ ấy sẽ không được dùng để chi vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và những dịch vụ khác.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra vào lúc Tổng Thống Emmanuel Macron tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Pháp. Một loạt cuộc tấn công khủng bố hồi gần đây ở Pháp và Anh có nghĩa là các lãnh đạo NATO sẵn sàng bàn về đề tài chiến tranh hơn là nói về hòa bình.
Trong tình hình đó, những người biểu tình ở Bruxelles khó có thể đạt được nguyện vọng.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-o-bruxelles-chong-nato-va-trump/3870735.html
Xuất hiện đô la giả có chữ Trung Quốc
Cảnh sát khu vực Ashtabula ở bang Ohio khuyến cáo mọi người cảnh giác trước nạn lưu hành tiền đô la giả có in chữ Trung Quốc.
Cảnh sát thu hồi được những tờ tiền giả tại hai cửa hàng khác nhau trong cộng đồng Orwell thuộc Ashtabula.
Những tờ đô la này nhìn y hệt tiền Mỹ, nhưng có vài dòng chữ Trung Quốc ở góc bên trên.
Tháng trước, Cảnh sát trưởng từng khuyến cáo cư dân Hermitage, trong vùng Clark, và các doanh nghiệp ở Wheatland để ý đến những tờ tiền giả mệnh giá 100 đô la và 50 đô la đang được lưu hành ở đây.
Theo Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ, cách tốt nhất để biết tiền giả hay tiền thật là nhìn vào những đặc điểm an ninh như dấu mờ và đường chỉ an ninh.
Bút nhận biết tiền giả không hoàn toàn chính xác.
Nếu biết tiền giả mà vẫn lưu hành là bất hợp pháp.
Cảnh sát yêu cầu dân chúng báo cáo ngay nếu phát hiện hay nghi ngờ tiền giả, ghi lại biển số xe của người giao dịch, và trao nộp tang chứng cho cơ quan thi hành công lực càng sớm càng tốt.
(Nguồn wfmj.com)
http://www.voatiengviet.com/a/xuat-hien-do-la-gia-co-chu-trung-quoc-/3870006.html
Mỹ truy tố một phụ nữ chuyển công nghệ cấm cho Trung Quốc
Một phụ nữ gốc Hoa ở Los Angeles bị nhân viên liên bang Mỹ bắt hôm 23/5 về tội xuất khẩu bất hợp pháp công nghệ thông tin không gian nhạy cảm cho Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo.
Thiết bị trị giá hơn 100.000 đô la bao gồm những bộ phận chính phủ nói thường dùng để phá sóng cho quân đội.
Bà Si Chen, còn có tên là Cathy Chen, bị buộc 14 tội vì đã nhận tiền để xuất khẩu các thiết bị này bất hợp pháp. Theo cáo giác, tiền trả qua một tài khoản của người nhà bà Chen tại một ngân hàng Trung Quốc.
Bà Chen 32 tuổi ra tòa liên bang tại Los Angeles vào chiều hôm 23/5. Nếu bị buộc tội, bị can có thể bị án tù tối đa là 150 năm.
Bà Chen bị truy tố về tội tòng phạm, rửa tiền, khai gian trong đơn di trú, và dùng hộ chiếu giả. Bà cũng bị truy tố về tội vi phạm một đạo luật có từ những năm 1970 cấm và kiểm soát việc xuất khẩu một vài công nghệ và hàng hóa từ Mỹ ra nước ngoài.
Theo cáo trạng, bà Chen mua và chuyển lậu những máy móc nhạy cảm này sang Trung Quốc mà không xin giấy phép của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Cáo trạng nói để tránh bị phát hiện, bà Chen đã gỡ bỏ giấy cảnh báo xuất-nhập khẩu trước khi gởi hàng.
Chính phủ nói bà Chen thuê một văn phòng tại Pomona, California, dưới một tên giả và chuyển giao các món hàng vừa kể tại địa điểm này. Sau khi nhận hàng, vẫn theo cáo trạng, bà chuyển hàng sang Hong Kong dưới một tên giả và khai man sản phẩm và giá trị của kiện hàng.
Cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2015 khi nhân viên liên bang chặn bắt một kiện hàng gồm có những trang bị thông tin dưới tên người gửi là “Chunping Ji”, tên giả bà Chen sử dụng trong vụ buôn lậu.
(Nguồn CNBC/Bộ Tư Pháp Mỹ)
Mỹ kiện hãng xe Fiat Chrysler vì gian lận khí thải
Chính phủ Hoa Kỳ đã đâm đơn khởi kiện hãng xe hơi Fiat Chrysler vì hãng sản xuất ô tô này sử dụng phần mềm bất hợp pháp để gian lận kết quả khí thải trên các loại xe dùng dầu diesel của công ty.
Đơn kiện được đệ nạp hôm thứ Ba tiếp theo sau những cáo buộc sơ khởi được Cơ quan Bảo vệ Môi trường công bố vào tháng 1.
Phần mềm giấu được thông tin về khí thải nitơ oxit, giúp cho các sản phẩm này được đánh giá là tuân thủ các quy định trong Đạo luật Không khí Sạch, trong khi xe vẫn thải ra lượng khí cao hơn mức cho phép.
Những mẫu xe có vấn đề là Grand Cherokees và xe bán tải Dodge Ram 1500 đời 2014-2016.
Hãng xe Fiat Chrysler không bình luận gì hôm thứ Ba, nhưng cổ phiếu của hãng sụt giảm 2,9%.
Năm 2015, hãng xe Volkswagen bị phát hiện đã sử dụng một thiết bị tương tự để gian lận các tiêu chuẩn khí thải. Volkswagen thừa nhận sai phạm, bị phạt 20 tỷ đôla, 7 giám đốc điều hành bị truy tố.
http://www.voatiengviet.com/a/my-kien-fiat-chrysler-vi-gian-lan-khi-thai/3869056.html
7 nghi can bị bắt vì vụ đánh bom Manchester
Cảnh sát ngày 24/5 bắt một số người tại Manchester (Anh) và Tripoli (Libya) trong lúc cuộc điều tra vụ đánh bom hôm 22/5 khiến 22 người thiệt mạng tại sân vận động Manchester đang tập trung vào việc lần ra mạng lưới các tòng phạm.
Cảnh sát Manchester vừa bắt thêm 4 người và lục soát một địa chỉ ngay trung tâm Manchester.
Tổng cộng đã có 7 người bị bắt vì liên can tới vụ đánh bom Manchester.
Reuters dẫn một nguồn tin cho biết giới điều tra đang truy lùng bất cứ ai đã giúp chế tạo quả bom gây án cùng những thành phần có thể sẽ ra tay thực hiện thêm các vụ khủng bố khác sắp tới.
Vụ tấn công do một công dân Anh tên Abedi, 22 tuổi, thực hiện tối ngày 22/5, sau buổi trình diễn của ca sĩ Mỹ, Ariana Grande.
Cảnh sát tại Tripoli đã bắt giữ em trai và thân phụ của hung thủ Abedi. Một phát ngôn nhân của lực lượng chống khủng bố địa phương cho hay người em trai tên Hashem Abedi bị bắt vì tình nghi có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và có dự mưu tiến hành một cuộc tấn công ở thủ đô Libya.
Nghi phạm bị bắt hôm qua, 23/5, cũng là một người anh em của hung thủ Abedi.
Bộ trưởng Nội vụ Anh cho biết kẻ đánh bom gần đây có trở về quê cha đất tổ ở Libya. Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói hung thủ có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và có thể cũng đã sang Syria.
http://www.voatiengviet.com/a/bay-nghi-can-bi-bat-vi-vu-danh-bom-manchester-/3870024.html
TQ yêu cầu Nhật cẩn trọng về radar phòng thủ tên lửa
Trung Quốc lên tiếng nói là Nhật Bản nên cẩn trọng trong kế hoạch sản xuất vũ khí của mình, sau khi có tin nói là Tokyo và Washington đang hợp tác để chế tạo một loại radar phòng thủ chống hỏa tiễn.
Nguồn tin trên nói với hãng Reuters rằng Nhật Bản đang bỏ tiền sản xuất loại radar theo kiểu trang bị của tàu chiến Aegis của Mỹ, nhưng sẽ được đặt trên đất liền. Và sở dĩ có kế hoạch này vì Nhật đang e ngại khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn đang lên cao và có thể bắn bất cứ vị trí nào trên quần đảo Nhật Bản.
Nói với báo chí trong một cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng chuyện phòng thủ phải dựa trên lòng tin giữa các quốc gia, và sở dĩ Trung Quốc phải dè chừng những động thái quân sự của Nhật Bản vì quá khứ xâm lược của quốc gia này.
Cũng xin nhắc lại là Trung Quốc cũng cực lực phản đối việc lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng hệ thống này có thể dò thám sâu bên trong nội địa Trung Quốc.
Đài Loan tập trận giả định bị Trung Quốc xâm chiếm
Đài Loan tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật tại đảo Bành Hồ nằm gần bờ biển Hoa Lục trong ngày 25 tháng 5.
Theo quân đội Đài Loan thì cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công đổ bộ từ Hoa Lục của quân đội Bắc Kinh mà quân đội Đài Loan phải chống lại. Người ta thấy các trực thăng bắn hỏa tiễn, và các máy bay ném bom loại F-16 ném bom vào các mục tiêu trên mặt biển giả định là các nhóm quân Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực quân sự lên đảo Đài Loan. Vì lý do đó Đài Loan đã gia tăng nền công nghiệp quốc phòng của mình bằng cách tự sản xuất tàu ngầm cũng như là phi cơ.
Có mặt để thị sát buổi tập trận tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những vũ khí tối tân mà Đài Loan tự sản xuất lấy.
Chưa thấy Trung Quốc lên tiếng về cuộc tập trận, nhưng Bắc Kinh vẫn nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục và Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để thu hồi nếu thấy cần thiết.
Quân chính phủ
ném bom phe khủng bố ở miền nam Philippines
Quân đội Philippines dùng máy bay tấn công quân khủng bố trong thành phố Marawi trên đảo Mindanao miền Nam nước này.
Giao tranh đã bùng nổ khi quân khủng bố có liên quan đến ISIS tấn công thành phố này vào hôm thứ ba 23 tháng năm vừa qua, bắt giữ hơn 10 con tin.
Sau ba ngày giao tranh, theo phía chính quyền Phi có 5 quân nhân, 2 cảnh sát viên bị giết chết, trong đó có 1 cảnh sát bị quân khủng bố bắt giữ và chặt đầu. Cũng theo tin từ phía chính quyền thì có 13 quân khủng bố bị giết chết.
Cuộc tấn công thành phố Marawi làm cho Tổng thống Phi ông Rodrigo Duterte ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn bộ đảo Midanao, đảo lớn thứ hai của quần đảo Philippines.
Vào ngày 25 tháng 5, Quân đội Phi cho hay là họ dần kiểm soát được tình hình nhưng vẫn còn khó khăn khi truy lùng các nhóm quân khủng bố ẩn náu trong các khu phố của thành phố Marawi.
Đã có 200 ngàn cư dân đã chạy khỏi thành phố lánh nạn, và quân đội đang thúc giục những người còn lại cũng rời thành phố để tránh những cuộc ném bom của quân chính phủ.
Indonesia điều tra vụ tấn công khủng bố mới nhất
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia cho hay là vụ đánh bom hôm thứ tư 24 tháng 5 vừa qua tại thủ đô Jakarta có liên quan đến tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS.
Người phát ngôn của cảnh sát quốc gia Indonesia cho các nhà báo tại thủ đô biết như vậy nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Vụ đánh bom tự sát xảy ra ở một trạm xe bus, giết chết 3 cảnh sát, làm bị thương 6 cảnh sát và 5 dân thường. Vụ nổ tạo ra một đám khói lớn, gây hoảng loạn trong thủ đô Indonesia.
Truyền thông địa phương cho rằng những kẻ khủng bố đã nhắm vào lực lượng cảnh sát đang chuẩn bị để bảo vệ một buổi lễ rước bắt đầu mùa chay Ramadan của người Hồi giáo vào cuối tuần này.
Xuất hiện trên truyền hình ngày hôm nay, thứ năm 25 tháng 5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chia buồn tới gia đình nạn nhân, đồng thời kêu gọi người dân Indonesia giữ bình tĩnh và đoàn kết.
Hiện chưa thấy tổ chức khủng bố nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng phía cơ quan cảnh sát đoán là nhóm khủng bố thực hiện cuộc tấn công để hưởng ứng với các vụ khủng bố ở Anh và Philippines vừa xảy ra.
Trump đàm phán ‘cứng rắn’ với Nato
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở Brussels và có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là “cứng rắn” với các thành viên khác trong liên minh Nato.
Ông Trump cũng dự kiến gặp các quan chức Liên minh châu Âu hôm 25/5. Ông từng chỉ trích cả Nato lẫn EU.
Sau khi đến Brussels, ông Trump gặp Vua và Hoàng hậu Bỉ trong lúc hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố.
Trump gặp Giáo Hoàng và lãnh đạo Ý
Trump cảnh báo về nguy cơ hạt nhân Iran
Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia Nato vì chi tiêu quốc phòng ít hơn mức 2% sản lượng quốc gia mà họ đã đồng ý.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên rằng ông Trump “thực sự muốn thuyết phục các thành viên Nato hoàn thành nghĩa vụ của họ”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi [người Mỹ] đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình.”
“Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato.”
Phóng viên BBC Kevin Connolly về châu Âu phân tích:
Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện.
Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới.
Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của Nato, tổ chức mà ông từng mô tả là “lỗi thời” và gặp các thành viên châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40010209
Trump lên án rò rỉ thông tin vụ đánh bom Manchester
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói việc rò rỉ thông tin cuộc điều tra vụ tấn công Manchester cho truyền thông Mỹ là “hết sức đáng lo ngại.”
Những tin tức rò rỉ này là “mối đe dọa tai hại cho an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Trump nói thêm, và chính quyền của ông sẽ làm rõ chuyện này.
Ông phát biểu sau khi truyền thông Mỹ đăng tải các bức ảnh chụp hiện trường vụ tấn công đêm thứ Hai 22/5.
Người đàn ông có tên Salman Abedi đánh bom tự sát, làm 22 người lớn và trẻ em thiệt mạng.
Anh quốc: Đe dọa khủng bố ‘ở mức cao nhất’
Nhìn lại các vụ tấn công khủng bố tại Anh
Nghi phạm đánh bom Manchester là ai?
Ông Trump, người đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels với Thủ tướng Anh Theresa May, nói: “Những vụ rò rỉ thông tin này đã diễn ra trong một thời gian dài.”
“Tôi yêu cầu Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan khác tiến hành xem xét lại hoàn toàn vấn đề này, và nếu thích hợp, thủ phạm phải bị truy tố ở mức cao nhất của luật pháp.|
“Không có mối quan hệ nào chúng tôi quý hơn là mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh.”
Trước đó, Quyền Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh, ông Lewis Lukens cáo buộc vụ rò rỉ này là “đáng trách” và nói với BBC phía Mỹ sẽ hành động để tìm ra những người chịu trách nhiệm.
Cảnh sát Anh đã bắt giữ tám người kể từ khi vụ đánh bom tự sát xảy ra.
Họ nói đây là những vụ bắt giữ đáng kể và những hiện vật thu giữ trong các cuộc vây bắt là “rất quan trọng”.
Hôm thứ Tư 24/5, tờ New York Times làm cảnh sát và các quan chức chính phủ Anh tức giận khi tờ này đăng các bức ảnh được cho chụp hiện trường sau cuộc tấn công, trong đó có ảnh các mảnh vụn còn nhuốm máu của trái bom và chiếc ba lô được dùng để chứa trái bom đó.
Cảnh sát vùng Greater Manchester được cho là “rất tức giận” và nói họ sẽ ngưng chia sẻ thông tin với phía Mỹ.
Cảnh sát trưởng Ian Hopkins nói vụ rò rỉ làm tổn hại cuộc điều tra và gây đau khổ cho các gia đình nạn nhân “đã phải chịu nhiều đau thương và mất mát”.
Tờ New York Times bảo vệ quyết định đăng các bức ảnh của mình, viện lý do các bức ảnh “không ghê rợn hay thiếu tôn trọng nạn nhân”.
Thủ tướng Anh Theresa May nói bà sẽ nói rõ với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels rằng các nguồn tin tình báo được chia sẻ giữa hai nước phải được bảo mật.
Các quan chức Anh cho rằng thủ phạm của vụ làm rò rỉ thông tin là cơ quan thực thi luật Mỹ, chứ không phải Nhà Trắng, phóng viên an ninh BBC Gordon Corera đưa tin.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40043813
Bầu Quốc Hội Pháp:
Đảng Cộng Hòa Tiến Bước dẫn đầu kết quả thăm dò
Theo thăm dò ý kiến của hãng Elabe thực hiện trong hai ngày 23-24/05/2017 cho kênh truyền hình BFM TV về ý định bỏ phiếu bầu Quốc Hội Pháp vòng 1 ngày 11/06, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên minh với đảng cánh trung Phong Trào Dân Chủ dẫn đầu với 33% ý định bỏ phiếu, vượt xa đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (20%) và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (19%).
AFP cho biết 51% số người được hỏi cho biết chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội. 67% số người được hỏi đánh giá tân tổng thống Macron đã đi đúng hướng trong những ngày đầu của nhiệm kỳ. 31% có ý kiến ngược lại.
Trong khi đó, tân nội các Pháp dính vào vụ tai tiếng đầu tiên có liên quan đến bộ trưởng Quy Hoạch Phát Triển Richard Ferrand, xuất thân từ đảng Xã Hội – một nhân vật thân cận với tổng thống Macron.
Tờ báo Le Canard enchaîné (Con vịt buộc) mới đây tiết lộ 2 thông tin : Vào năm 2011, ông Richard Ferrand là tổng giám đốc công ty Les Mutuelles de Bretagne đã chọn thuê một cơ sở của văn phòng bất động sản của vợ ông, và ông Ferrand đã tuyển dụng con trai làm trợ lý nghị sĩ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014.
Ông Ferrand khẳng định những việc trên không phạm pháp và cũng không trái đạo đức : Ông thuê bất động sản theo yêu cầu công việc và trong nhiệm kỳ nghị sĩ 5 năm, con trai ông chỉ làm việc cho ông 5 tháng đầu năm 2014 với mức lương tối thiểu (SMIC). Tuy nhiên, ông Richard Ferrand cũng cho biết nếu có thể làm lại, ông sẽ không tuyển dụng con trai, trong bối cảnh xã hội không chấp nhận các nghị sĩ thuê người thân trong gia đình làm trợ lý.
Tuy nhiên, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa đã yêu cầu bộ Tư Pháp tiến hành điều tra.
Về phần chính phủ Pháp, đáp lại yêu cầu cách chức bộ trưởng Richard Ferrand, phát ngôn viên Christophe Castaner hôm qua 14/05 tuyên bố trong cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng là sẽ không có chuyện đó.
http://vi.rfi.fr/phap/20170525-bau-quoc-hoi-phap-dang-cong-hoa-tien-buoc-dan-dau-ket-qua-tham-do
Tổng thống Mỹ lần đầu gặp gỡ lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker tiếp đón tại Bruxelles ngày 25/05/2017. Đây là buổi làm việc đầu tiên với các lãnh đạo của Liên Hiệp, cộng đồng vẫn bị tổng thống Mỹ chỉ trích gay gắt.
Sáng 25/05, ông Donald Trump được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tiếp đón tại trụ sở Hội Đồng Châu Âu. Sau đó, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker, chủ tịch Nghị Viện châu Âu Antonio Tajani và người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Federica Mogherini đến tham dự một cuộc họp mở rộng.
Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa nguyên thủ Mỹ và các lãnh đạo châu Âu kéo dài « khoảng một tiếng rưỡi ». Theo một quan chức châu Âu, các chủ đề thương mại quốc tế, trong đó có chính sách bảo hộ của Mỹ, và biến đổi khí hậu nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về buổi làm việc vẫn chưa được tiết lộ.
Về quan hệ với Nga, phát biểu ngắn gọn trước báo giới, ông Donald Tusk cho biết : « Tôi không chắc 100% rằng hiện có thể nói là tổng thống Mỹ và tôi có chung quan điểm, chung ý kiến về chủ đề Nga ».
Sau buổi làm việc với lãnh đạo châu Âu, tổng thống Mỹ ăn trưa với tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chiều 25/05, ông Donald Trump sẽ tham gia một buổi gặp gỡ với toàn bộ nguyên thủ hoặc thủ tướng của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tại trụ sở mới của NATO ở Bruxelles.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Mỹ với các lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh chính sách quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu của chủ nhân Nhà Trắng còn chưa rõ ràng. Vài ngày trước khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng tuyên bố « nhiều nước khác sẽ rời » Liên Hiệp Châu Âu như trường hợp Brexit của Anh Quốc.
Đến Bruxelles tối 24/05, tổng thống Mỹ đã đến chào xã giao quốc vương Bỉ và gặp thủ tướng Charles Michel ngay tối cùng ngày. Trong khi đó, vài nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Bruxelles phản đối tổng thống Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170525-tong-thong-my-lan-dau-gap-go-lanh-dao-lien-hiep-chau-au
Pháp:
Chính sách châu Á của tân tổng thống Macron sẽ ra sao ?
Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề « Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở châu Á – De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ? ».
Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.
Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc
Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.
Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).
Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.
Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, “PJO” người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.
Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.
Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012
Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.
Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng Quốc Phòng rất quan tâm đến châu Á.
Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông
Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở châu Á), ông đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải Quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng Quốc Phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.
Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông – một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : « Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển ».
Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand – cường quốc hàng hải khu vực khác – thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.
Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.
Emmanuel Macron: Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc
Vấn đề lớn khác liên quan đến châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.
Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ – nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào châu Âu về mặt kinh tế.
Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.
Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.
Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.
Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.
Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170525-phap-chinh-sach-chau-a-cua-tan-tong-thong-macron-se-ra-sao
Chống khủng bố:
ưu tiên của Donald Trump khi dự thượng đỉnh NATO
Thượng đỉnh tổ chức quân sự Liên Minh Bắc Đại Dương diễn ra tối nay 25/05/2017 tại Bruxelles. Đây cũng là cuộc họp NATO đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo nhận xét của giới chuyên gia được RFI và Le Monde trích dẫn, với cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Manchester, Anh Quốc, chủ đề “chống khủng bố” sẽ ngự trị cuộc họp NATO, bên cạnh hồ sơ “chia sẻ gánh nặng tài chính”.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Jorge Benitez, thành viên hội đồng tư vấn Atlantic Council, được RFI trích dẫn, cho rằng, chính quyền Donald Trump chỉ mong đợi 2 điểm ở NATO : Thứ nhất là tăng quân số của các nước đồng minh triển khai tại Afghanistan. Thứ hai, NATO trở thành thành viên chính thức trong liên quân chống Daech. Nhưng theo Le Monde, đây cũng chính là điểm bất đồng giữa Hoa Kỳ và NATO từ bấy lâu nay.
Cho đến lúc này, Pháp luôn phản đối NATO là một thành viên chính thức trong liên quân quốc tế chống thánh chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Irak và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng với Mỹ trong vấn đề người Kurdistan, mà Ankara xem là “quân khủng bố” nhưng lại được Washington hậu thuẫn.
Đáng chú ý nhất là hồ sơ Libya. Năm 2011, 10 nước thành viên của NATO, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã trực tiếp tham gia chiến dịch “Unified Protector” ủng hộ quân nổi dậy chống cựu lãnh đạo Kadhafi. Nhưng cam kết quân sự này gặp phải thái độ ngập ngừng và sự vắng mặt của Đức tại Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chiến dịch can thiệp trên đã để lại những hậu quả thảm hại cho đến ngày nay. “Libya được xếp vào trong danh sách các chiến dịch quân sự phương Tây bị thất bại”, như lưu ý của một chuyên gia với Le Monde. Dẫu sao thì mong mỏi này của Hoa Kỳ, cũng đã được đáp ứng. Thứ Tư, 24/5/2017, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết là NATO đã quyết định chính thức tham gia liên quân quốc tế chống quân thánh chiến Daech tại Irak và Syria.
Giờ chỉ còn một điểm khúc mắc cần giải quyết mà Donald Trump chắc chắn sẽ nhắc đến trong cuộc họp đặc biệt lần này: “ chia sẻ gánh nặng tài chính”. Tổng thống Mỹ cảm thấy bất công khi Hoa Kỳ phải gánh đến gần 70% ngân sách của NATO. Giờ đây, Donald Trump chỉ mong muốn các đối tác dành ít nhất 2% ngân sách cho Quốc Phòng.
Đây là mục tiêu mà khối này đã ấn định cho 28 quốc gia thành viên năm 2014, và chỉ mới được có 5 nước thành viên thực hiện. Trong cuộc họp khối NATO tại Bruxelles ngày 31/3/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc lại mục tiêu này trước các đồng nhiệm.
Cho dù cuộc khủng bố tại Manchester đã làm các nước thành viên trong khối đoàn kết hơn, thế nhưng, tuyên bố “NATO lỗi thời” của Donald Trump vẫn sẽ âm ỉ trong tâm trí nhiều lãnh đạo các thành viên NATO khi bắt tay tổng thống Mỹ trong cuộc họp tối nay. Dù rằng sau đó trong buổi tiếp tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ có tuyên bố rằng “NATO không còn lỗi thời nữa”, nhưng cảm giác khó chịu vẫn ngự trị trong lòng khối liên minh này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170525-chong-khung-bo-chu-de-thuong-dinh-nato-dau-tien-cua-donald-trump
Khủng bố Manchester:
Cha và em trai thủ phạm bị bắt tại Libya
Cuộc điều tra vụ khủng bố ở Manchester tiến triển: sáng nay 25/05/2017, cảnh sát bắt giữ thêm hai người đàn ông tại vùng Manchester (tây bắc Anh Quốc), vì bị tình nghi « có liên quan ». Tổng cộng có 8 người bị tạm giữ để điều tra.
Ngoài sáu người bị bắt ở Anh Quốc, người cha Hachem Abedi và em trai Ramadan Abedi của kẻ đánh bom tự sát Salman Abedi, bị bắt tại nhà riêng ở Tripoli, Libya. Một phát ngôn viên của lực lượng an ninh Libya cho biết em trai của thủ phạm (18 tuổi), « bị theo dõi từ một tháng rưỡi nay » ở Libya, « biết rõ âm mưu khủng bố » của người anh.
Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Luân Đôn :
Thông tín viên Lê Hải – Luân Đôn25/05/2017Nghe
« Sau khi xác định danh tính của kẻ đánh bom ở Manchester là Salman Abedi, cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ cha và em của người này và cho biết nhờ vậy đã ngăn chặn được một vụ đánh bom tương tự ở Tripoli ở Libya.
Ngoài một số vụ bắt giữ trong cộng đồng người Libya ở Manchester, vụ việc này đã nhanh chóng lan tỏa và mở rộng thành câu chuyện quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi NATO tham gia vào cuộc chiến chống Daech, và trách Hoa Kỳ đã làm lộ ảnh chụp từ hiện trường vụ đánh bom cũng như thông tin đang được điều tra.
Các diễn biến mới nhất có liên quan tới vụ đánh bom tự sát ở Manchester đang tiếp tục là hàng tin đầu trên truyền thông Anh quốc. Các báo mạng đều để chế độ Live để liên tục cập nhật về danh tính người chết mà quá nửa là trẻ em với nạn nhân bé nhất chỉ có 8 tuổi, cũng như tình trạng của những người bị thương mà con số đã vượt quá 100 người và nhiều người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Hồi 11 giờ trưa (25/05) toàn nước Anh dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân và cố gắng vượt qua nỗi đau mất mát, mà đặc biệt là có những gia đình vẫn đang đi tìm con bị mất tích sau đêm nhạc.
Nước Anh trong tình trạng « nguy cấp » về an ninh
Nếu đến nước Anh trong những ngày này quí vị sẽ gặp cảnh sát mang súng ở khắp mọi nơi. Khác với những biến cố về an ninh mà tôi từng chứng kiến trong gần 20 năm qua, tư thế của lực lượng vũ trang lần này tạo ra một cảm giác thật đáng sợ. Họ trấn thủ ở các chốt giao thông lớn, không phải tuần tra tạo cảm giác yên tâm như thường gặp, mà đứng sát vào một góc tường để không tạo ra sự chú ý cho đám đông, tư thế sẵn sàng thi hành lệnh điều động để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát không mang súng cũng đang xuất hiện rất nhiều.
Nước Anh đang được đặt trong tình trạng nguy cấp về an ninh. Gần 1.000 binh sĩ quân đội đã được triển khai để thay thế cảnh sát vũ trang trực gác các mục tiêu quan trọng như phủ thủ tướng và quốc hội trong chiến dịch « Temperer ». Lực lượng này giúp cảnh sát vũ trang có thể được điều phối tới các điểm khác, mà đặc biệt là các sân vận động bóng đá khắp nước Anh vào cuối tuần này, cũng như các buổi ca nhạc bao gồm cả đêm nhạc của ca sĩ Ariana Grande ở Luân Đôn. Khi cần thiết thì quân đội có thể chuyển đến 3.800 quân để yểm trợ cảnh sát vũ trang làm nhiệm vụ.
Trên cơ sở đánh giá của cơ quan tình báo quốc nội MI5 và điều tra của cảnh sát, chính phủ Anh nhận thấy có thể còn có thêm những người khác có khả năng đã được tổ chức thành mạng lưới để tạo ra những vụ tấn công khủng bố như vừa rồi ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170525-khung-bo-manchester-cha-va-em-trai-thu-pham-bi-bat-tai-libya