Tăng trưởng kinh tế thấp nhất những năm gần đây, vì sao?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tăng trưởng kinh tế thấp nhất những năm gần đây, vì sao?

22/05/2017

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV ngày 22.5. Ảnh: PV
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, trình bày tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đã đánh giá: Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.
 
Mục tiêu khó thực hiện
 
Về nguyên nhân, báo cáo đánh giá: Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, mức tăng trưởng của quý I/2017 thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%. Một số ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Tăng trưởng quý I/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa; đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách… Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Lo ngại nhập siêu quá cao
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh , tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng rất cao so với  các năm gần đây. Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, chuyển nhanh từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu, vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, cơ cấu xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI và mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
Đồng thời, cần có giải pháp về sản xuất, tiêu thụ và xây dựng chiến lược xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, chăn nuôi để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới các hộ chăn nuôi, sản xuất trong nước như thời gian vừa qua. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo trong thời gian dài trên phạm vi rộng, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
laodong.com.vn/kinh-te/tang-truong-kinh-te-thap-nhat-nhung-nam-gan-day-vi-sao-6.