Tin Việt Nam – 19/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/05/2017

Ông Phó chủ tịch quận nhất, Đoàn Ngọc Hải, chỉ huy dọn dẹp vỉa hè trung tâm Sài Gòn hôm 27/2/2017.- Photo courtesy of baogiaothong.vn

 

Ông Đoàn Ngọc Hải được lệnh ngưng xuống đường dọn dẹp vỉa hè

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 thành phố HCM xác nhận ông đã được lệnh yêu cầu phải ngưng chiến dịch dọn dẹp vỉa hè do ông dẫn đầu trước đây.

Trả lời báo chí hôm thứ Sáu 19/5 về nguyên nhân không còn mạnh tay xử lý lấn chiếm vỉa hè nữa, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, Quận ủy Quận 1 đã ra một văn bản và Ủy Ban Nhân Dân Quận 1 cũng ra một văn bản yêu cầu ông phải ngưng ngay việc xuống đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Vì thế, ông phải tuân thủ chấp hành.

“Công sức của anh em trong những tháng cao điểm giờ gần như trở về số không”, ông Hải bức xúc “Tôi thấy rõ cảnh nhếch nhác trên vỉa hè rất khó chịu, nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm”.

Nhắc lại, cách nay hơn 2 tháng, ông Đoàn Ngọc Hải huy động các lực lượng chức năng, ra quân dọn dẹp vỉa hè trên địa bàn Quận 1, mạnh tay đập phá tất cả những gì mà ông Hải và đoàn công tác liên ngành do ông chỉ huy cho là lấn chiếm vìa hè, lòng lề đường.

Việc làm mạnh tay của ông Đoàn Ngọc Hải nhận được nhiều ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến chỉ trích, cho rằng ông đã quá cứng nhắc khi chủ trương phá bỏ tất cả nhưng gì bị coi là lấn chiếm vỉa hè, mà không cần xem xét đến những yếu tố khác.

Vào lúc cao điểm của chiến dịch giải phóng vỉa hè, Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải từng nổi tiếng với tuyên bố “Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo từ quan”.

www.rfa.org/…/doanngochai-sidewalk-suspended-0519201711084..

Sẽ thành công hơn nếu ‘làm ngược’ với Đảng?

Một nhà quan sát chính trị và xã hội dân sự Việt Nam vừa đưa ra lời khuyên nhằm giúp giới hành pháp nước này có những biện pháp cụ thể và có tính thực tế để cải thiện nền kinh tế sau khi Hội nghị trung ương 5 ban hành một lúc ba nghị quyết về kinh tế.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:

Bàn tròn về 3 nghị quyết kinh tế của Hội nghị TƯ5

Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại

‘Vô tiền khoáng hậu’ trong hành xử của chính quyền

“Với một số người chủ yếu bên hành pháp, tôi khuyên họ là học kiểu ‘nói một đằng, làm một nẻo’, tức là thôi cứ nói như ông Nguyễn Phú Trọng cũng được, làm hoàn toàn khác. Bởi vì kinh nghiệm có rất nhiều địa phương là nơi không có nghe theo đường lối của đảng thì thành công.

“Thứ hai là đối với bản thân các doanh nghiệp và người dân, phải lên tiếng, lên tiếng và cải thiện từng cái nhỏ một, bởi vì không có đấu tranh, thì họ không thay đổi đâu.

“Còn những chuyện đường (lối) lớn như doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, thì cái đấy hiển nhiên không cần nhắc lại nữa,” ông Quang A nói với BBC.

Học Trung Quốc thế nào?

Toàn cảnh vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng

Hy vọng mới cho TPP từ kỳ họp thương mại APEC?

Khi được đề nghị đưa ra những lời khuyên, tư vấn có tính giải pháp cụ thể với đảng và nhà nước Việt Nam, liên quan cải cách thể chế kinh tế hoặc cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, từ Sài Gòn, nói:

“Tôi đề nghị cụ thể thế này, bây giờ tình hình xuất khẩu là vô cùng khó khăn, sắp tới sẽ còn khó khăn nữa, tình hình xuất khẩu đang bị chững lại, và các doanh nghiệp ở trong nước thực ra chỉ chiếm được 30% kim ngạch xuất khẩu, trong khi 70% còn lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Cho nên muốn phát triển doanh nghiệp nhà nước như là nghị quyết chuyên đề của ông Nguyễn Phú Trọng, cần phải tập trung vào đầu ra xuất khẩu, và đây cũng là nhiệm vụ của ông Nguyễn Xuân Phúc làm sao thúc đẩy xuất khẩu và đừng để cho tình trạng cá ba sa, hay là tôm, hay là điều, này kia, một số cái bị châu Âu hay là Mỹ trả lại. Tình trạng trả lại gạo gần đây tương đối nhiều.

“Đó là một vấn đề, vấn đề thứ hai là phải dẹp bớt một số tập đoàn doanh nghiệp nhà nước không cần thiết, có một điều tôi ngạc nhiên, tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc khá nhiều mà sao có những điều hay của Trung Quốc làm được mà ông không làm được.

“Ông không làm, hay không làm được?”, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi và nêu ví dụ trong lĩnh vực đất đai, ông nói:

“Trung Quốc mặc dù chưa công nhận đất đai sở hữu tư nhân, nhưng đã công nhận đất đai hình thức sở hữu là tập thể và toàn dân. Ngoài cái ‘toàn dân’ ra, còn có tập thể. Và chúng ta biết là từ năm 2012, sau khi thừa nhận hình thức tập thể đó, thì tình trạng khiếu kiện và phản kháng đất đai ở Trung Quốc ít hẳn đi cho tới giờ này.”

“Thứ nữa… từ năm 2014, sau khi xử vụ Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Tập Cận Bình đã hủy bỏ cơ chế ngành công an được kinh doanh, được dùng các doanh nghiệp để kinh doanh, cho đến năm 2016, sau khi xử Từ Tài Hậu ở bên quân đội, thì Tập Cận Bình tước luôn các doanh nghiệp làm kinh tế của quân đội.

“Nhưng ở Việt Nam bây giờ vẫn còn y chang, và ông Nguyễn Phú Trọng, thậm chí tôi cho là ông còn quyền lực hơn cả Tập Cận Bình, ví dụ ông cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Tập Cận Bình, nhưng Tập Cận Bình không nằm ở trong thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, còn ông Nguyễn Phú Trọng còn năm trong đảng ủy Công an Trung ương.

“Nhưng mà các doanh nghiệp Công an Trung ương, cũng như doanh nghiệp Quốc phòng vẫn đều đều kinh doanh như chúng ta đã thấy những ví dụ như là Viettel như vậy. Đó chính là những vấn đề cần xử lý doanh nghiệp nhà nước của hai khối quân đội và công an mà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc cần phải làm. Và nếu không xử lý được những vấn đề đó thì đừng có nói tới chuyện phát triển doanh nghiệp nhà nước,” ông Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn thứ Năm.

Trở lại vấn đề gốc

Bày tỏ tán đồng với ý kiến trên, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội, nói:

“Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của anh Phạm Chí Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, khâu xuất khẩu rất quan trọng, nhưng cái gốc của xuất khẩu lại quay lại vấn đề cơ bản, đó là sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về đất đai, về nguồn vốn.

“Do đó tôi nghĩ rằng một giải pháp cơ bản nhất đó là vấn đề xác định lại sở hữu về đất đai cho rõ ràng, công nhận sở hữu đất đai tư nhân, tạo một môi trường bình đẳng tiếp cận nguồn lực không chỉ về đất đai mà kể cả tài nguyên, khoáng sản.

“Làm sao để nó minh bạch, đều có sự tiếp cận bình đẳng, công khai, theo hướng không chỉ là để thúc đẩy phát triển, mà thúc đẩy bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, cái đó rất quan trọng, đó là ý thứ nhất.”

Và ông Hoàng Ngọc Giao đề xuất vấn đề thu hẹp quyền lực chỉ đạo của đảng ở các cấp trung mô, vi mô, ông nói:

“Ý thứ hai, vấn đề cơ bản nhất, tôi mong sao các cấp ủy đảng từ Trung ương, đến các Bộ, cho đến các tỉnh và địa phương, có lẽ nên thu hẹp quyền lực chỉ đạo lại, chỉ ở vấn đề đường lối thông qua các đại hội thôi, không đi vào chỉ đạo từng dự án một. Cái đó là sự can thiệp, chính đó là cơ hội để lạm quyền, để lợi ích nhóm, đó là điểm thứ hai.

“Điểm thứ ba, doanh nghiệp nhà nước, tôi hoàn toàn chia sẻ với anh Phạm Chí Dũng, chúng ta phải đủ bản lĩnh, đủ quyết tâm để dứt điểm với các doanh nghiệp làm kinh tế, dưới danh nghĩa của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, của Đảng, tách bạch ra.

“Nếu ngân sách nhà nước đóng góp một phần, ngân sách đảng đóng góp một phần, tôi nghĩ là nhân dân sẵn sàng ủng hộ, nhưng mà nó minh bạch, để làm sao những đơn vị đó khi tách khỏi cái mũ của đảng, của quân đội, của công an, họ cũng bình đẳng như các doanh nghiệp khác, và đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân.

“Thì lúc đó chúng ta có thể thiết kế được mô hình phát triển kinh tế lành mạnh, minh bạch, chống được lợi ích nhóm và chống được tham nhũng, giảm thiểu được tham nhũng, tất nhiên, việc chống tham nhũng còn nhiều yếu tố khác nữa, tôi xin phép tư vấn với lãnh đạo Đảng và nhà nước câu chuyện như vậy,” luật gia Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.

Hội nghị trung ương 5, khóa 12 của Ban chấp hành TƯ Đảng CSVN nhóm họp từ ngày 5-10/5/2017 đã ban hành các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo một số dư luận, các nội dung quan trọng mang tính đường lối vĩ mô này dường như ít nhiều đã bị che phủ bóng bởi sự kiện vụ kỷ luật đảng với cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39975567

 

Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại’

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Ban Bí thư đang xem xét việc “tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác” với Đảng này.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, nói “đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này”, theo báo Pháp luật TPHCM.

Ông Thưởng phát biểu tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 18/5.

Nghị quyết ‘tự diễn biến’ bế tắc về lý luận?

‘Tự chuyển hóa’ từ đâu đến ?

‘Không sợ đối thoại’

“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận,” ông Thưởng nói.

Ông cho biết ngành tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc “trao đổi và đối thoại” với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản.

Tranh luận sẽ “tạo ra cơ sở để hình thành chân lý,” ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Thưởng nói đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.

Một văn bản của Đảng Cộng sản năm 2016 từng đề cập việc “trao đổi, đối thoại”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII công bố hôm 30/10/2016, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, nói về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nghị quyết này có câu: “Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”

‘Chuyển đổi khó khăn’

Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 khi đó có đa số là những người cộng sản.

Tuy vậy, Quốc hội này còn có các đại biểu từ các đảng như Việt Nam Quốc dân Ðảng, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và các đại biểu không đảng phái.

Sau 1954, khi Việt Nam chia cắt, tại miền Bắc, vẫn còn Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo.

Hai đảng Dân chủ và Xã hội vẫn còn tồn tại sau khi Việt Nam thống nhất trước khi bị giải thể năm 1988.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Trong một bài trên The Diplomat tháng 10/2016, chuyên gia người Nga Anton Tsvetov nhận xét sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước “sự chuyển đổi khó hơn nhiều”.

Tác giả này nhận định: “Sự chuyển hóa kinh tế đã làm xuất hiện các tầng lớp xã hội mới và các nhóm lợi ích mới, họ đang tương đối giàu có và im lặng, nhưng chắc chắn họ sẽ đòi hỏi sự tham gia chính trị để bảo đảm vị trí của mình trong tương lai.”

Gần đây mạng xã hội như Facebook, YouTube đang ngày càng trở thành “diễn đàn” để các quan điểm khác nhau trong xã hội Việt Nam được chia sẻ.

Chính phủ Việt Nam ước tính có tới 45 triệu người, khoảng 70% dân số Việt Nam, đang dùng Facebook.

Mới đây Việt Nam đã yêu cầu Facebook và YouTube phải hợp tác để ngăn chặn điều mà chính phủ gọi là “thông tin xấu độc”.

www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39969208 

 

Việt Nam siết chặt kiểm soát thông tin mạng

Một tiệm cho thuê máy dùng internet ở Hải Phòng, ảnh chụp hôm 27/04/2010.
Một tiệm cho thuê máy dùng internet ở Hải Phòng, ảnh chụp hôm 27/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA

Bộ Công an chú trọng đến an ninh mạng trong thời gian tới để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng quốc gia và mạng nội bộ.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an sẽ triển khai trong tháng Sáu, được nêu ra tại buổi họp giao ban của Bộ này vào hôm 18/5.

Theo đó, Bộ Công an tập trung vào công tác bao gồm ngăn chặn các trang web, trang blog có nội dung xấu, phản động; chủ động tấn công các đối tượng và mục tiêu trên không gian mạng; tuyên truyền và phản bác các quan điểm thù địch, sai trái đối với đảng và nhà nước và tăng cường biện pháp phòng ngừa cũng như khắc phục thiệt hại bởi mã độc WannaCry.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm yêu cầu nhân viên trong ngành bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các sự kiện trong khuôn khổ năm APEC 2017 và kỳ hợp thứ 3 của Quốc hội khóa 14.

05…www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-police-ministry-focus-on-cyber-security-05… 

 

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội tuần tới

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 tới đây. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết như vậy vào hôm 19/5.

Đại diện phia Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett. Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đối thoại lần này giữa hai nước sẽ thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp cá nhân đáng quan tâm.

Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định vấn đề nhân quyền là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và những tiến bộ đạt được trong các vấn đề nhân quyền sẽ giúp cho quan hệ hai nước đạt được tiềm năng như mong muốn.

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày nhân quyền cho Việt Nam, 11 tháng 5 tại Washington DC, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, cho biết tại đối thoại lần này, Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam hiện vẫn giam giữ hơn 90 tù chính trí. Việt Nam luôn bác bỏ có tù chính trị bị giam giữ ở Việt Nam.

www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/us-vn-human-rights-dialogue-0519201710184..

 

Nga sắp bàn giao 2 tàu khu trục cho Việt Nam

Nga chuẩn bị bàn giao cặp tàu khu trục Gepard 3.9 thứ hai cho Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Trang Sputnik dẫn lời ông Renat Mistahov, Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết như vậy hôm 18/5.

Năm 2011, Nga đã bàn giao cho Việt Nam cặp tàu đầu tiên.

Ông Mistahov cũng cho biết công việc chế tạo cặp tàu khu trục đang diễn ra đúng kế hoạch. Tàu khu trục thứ nhất đã qua kiểm nghiệm hiện đang được sơn. Việc đào tạo thủy thủ đoàn cũng đang diễn ra. Tàu khu trục thứ hai đang trải qua quá trình kiểm tra.

Tàu hộ vệ lớp Gepard được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm.

Tàu Gepard 3.9 là phiên bản xuất khẩu của tàu hộ vệ 11661 của Nga được chế tạo cho nhiệm vụ tuần tra, săn ngầm, tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền, hỗ trợ hành quân và bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.

Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài 4 tàu hộ vệ Gepard 3.9, Nga cũng bán cho Việt Nam 6 tàu ngầm Kilo trị giá 2 tỷ đô la.

0519…www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/russia-to-deliver-2-destroyers-to-vietnam-0519…

 

Chính phủ thừa nhận biển miền Trung vẫn nhiễm độc từ Formosa

 

Mặc dù bộ trưởng Trần Hồng Hà từng tuyên bố “biển miền Trung đã an toàn”, chính phủ Việt Nam quyết định tiếp tục ngưng khai thác hải sản tầng đáy khu vực biển miền Trung bị nhiễm độc vì chất thải của công ty Formosa.

 

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đưa ra yêu cầu này hôm 17/5 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo nhằm khắc phục sự cố và ổn định đời sống cũng như kinh doanh cho người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra ở Việt Nam.

 

“Năm ngoái họ nói là biển sạch và an toàn nhưng năm nay họ lại nói là trong tầm 20 hải lý tính từ bờ biển trở ra là không nên đánh (bắt hải sản) vẫn chứng tỏ rằng những phát ngôn của họ chỉ phục vụ cho ý đồ chính trị của họ muốn dẹp tan dư luận khi mà dư luận người ta đang bùng sôi và phẫn nộ về chuyện đó.”
Nguyễn Chí Tuyến, nhà hoạt động dân chủ

 

Động thái này càng làm nhiều người nghi ngờ sự an toàn của vùng biển nơi mà người đứng đầu Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam từng xuống tắm và ăn hải sản để chứng minh biển đã an toàn.

 

Trong một lần trả lời chất vấn trước quốc hội ngày 16/11 năm ngoái, bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định “toàn bộ mọi hoạt động có thể tiến hành bình thường” trên khu vực biển mà ông cho là đã an toàn. Ông còn nói thêm rằng “toàn bộ hải sản biển miền Trung đều an toàn.”

 

Tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng tại cuộc họp ở Hà Nội hôm 17/5, phó thủ tướng Bình “yêu cầu các tỉnh tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi bộ Y tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này.”

 

Nhận xét về sự mâu thuẫn trong các phát ngôn của giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến nói: ​”Năm ngoái họ nói là biển sạch và an toàn nhưng năm nay họ lại nói là trong tầm 20 hải lý tính từ bờ biển trở ra là không nên đánh (bắt hải sản) vẫn chứng tỏ rằng những phát ngôn của họ chỉ phục vụ cho ý đồ chính trị của họ muốn dẹp tan dư luận khi mà dư luận người ta đang bùng sôi và phẫn nộ về chuyện đó. Họ dùng những lời lẽ đó để làm dịu dư luận đi thôi chứ thực ra biển vẫn còn là ô nhiễm.”

Dưới góc độ một người dân, anh Tuyến cho rằng “khu vực biển bị nhiễm độc như vậy không thể nào ngày 1 ngày 2 mà có thể giải quyết được và biển không thể nào tự làm sạch như tuyên bố của các quan chức và những tuyên truyền trên báo đài và các phương tiện truyền thông đại chúng.”

 

Chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan nói dân cần được thông tin minh bạch và những giải thích rõ ràng hơn từ chính phủ. ​”Bộ Tài nguyên Môi trường phải có trách nhiệm trả lời những câu hỏi. Bây giờ anh nói anh cấm khai thác hải sản ở tầng đáy, thì là tại sao? Thì cái đó phải là bộ Tài nguyên Môi trường trả lời để cho người dân biết những thông tin đó. Tại sao vẫn cấm những loại đó? Nó vẫn còn mức độ nguy hiểm thì cấm?

 

Mặc dù dân chúng đã trở lại tắm biển và ăn hải sản ở khu vực này nhưng giảng viên Đại học Tài Nguyên Môi Trường Lê Xuân Lan nói khách du lịch nước ngoài vẫn không tin vào sự an toàn của nơi này. ​”Người nước ngoài đến Việt Nam, kể cả Việt Kiều về, cũng vẫn còn rất sợ. Họ còn sợ cả không dám xuống biển tắm. Như vậy rõ ràng vấn đề môi trường chưa có mức độ tin cậy cao cho nên nó đưa ra những nghi ngờ như vậy.”

 

Mặc dù chưa có trường hợp nhiễm độc hải sản nào được chính thức công bố từ vụ việc này nhưng một chuyên gia luật của Mỹ cách đây 1 tuần cảnh báo về nguy cơ hải sản Việt Nam nhập vào Mỹ có thể bị nhiễm độc từ vụ xả thải Formosa. Năm ngoái, một nhóm nhà hoạt động Mỹ gốc Việt gửi 1 thỉnh nguyện thư tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thúc giục cơ quan này xét nghiệm và điều tra toàn bộ hải sản nhập từ Việt Nam.

 

Đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200km để nộp đơn kiện Formosa, ngày 14/02/2017. (Ảnh Tin Mừng cho Người nghèo)

Đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200km để nộp đơn kiện Formosa, ngày 14/02/2017. (Ảnh Tin Mừng cho Người nghèo)

 

Không hài lòng với cách giải quyết thảm họa môi trường này, người dân ở trong nước vẫn tiếp tục biểu tình và đấu tranh đòi chính quyền đóng cửa nhà máy Formosa cũng như đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Theo anh Tuyến, một người theo dõi tình hình đấu tranh của dân trước thảm họa môi trường Formosa, bồi thường không thỏa đáng là nguyên nhân của làn sóng đấu tranh của người dân miền Trung trong những tháng qua.

 

“Có thông tin bồi thường tiền nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tức là sau hơn 1 năm, thì nhiều người dân thuộc huyện được hỗ trợ số tiền đó người ta vẫn chưa nhận được hoặc nhận với số tiền rất ít ỏi. Chính vì vậy mà người dân liên tiếp trong Hà Tĩnh và Nghệ An đi đòi quyền lợi đó. Người ta yêu cầu đòi minh bạch chuyện đó,” theo anh Tuyến.

 

Formosa đã thực hiện cam kết với chính phủ Việt Nam, bồi thường 500 triệu đô la cho nạn nhân, đồng thời đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào liên doanh thép tại Việt Nam trước khi hoạt động của nhà máy Formosa – Hà Tĩnh khởi sự lại vào tháng sau. Đưa Formosa vào vận hành là một trong ba giải pháp chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Việt Nam vừa đề xuất nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng (GDP) 6,7% của năm 2017. Ngày khởi sự đã bị trì hoãn vì các cuộc biểu tình của dân chúng miền Trung.

 

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói “chính quyền sẽ bất chấp hậu quả để chạy theo GDP” và trong các điều kiện đó, sẽ tiếp tục xảy ra mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân. ​”Họ vẫn cứ để cho Formosa thì khi mà Formosa đi vào hoạt động luyện kim như thế thì chắc chắn với công nghệ lạc hậu nó sẽ tiếp tục xảy ra những sự cố tiếp theo và nó không thể nào đảm bảo đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường như họ công bố được. Và sự xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương chắc chắc sẽ gia tăng chứ nó không thể giảm đi được.”

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-thua…trung…formosa/3860517.htm