Tin Khắp Nơi – 19/05/2017
Robert Mueller (trái) và James Comey, người kế nhiệm ông tại FBI nhưng đã bị sa thải .- Reuters
Trump: Điều tra vụ Nga ‘làm tổn hại Mỹ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định chỉ định một công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga với bầu cử Mỹ đang làm tổn hại nước Mỹ “kinh khủng”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, ông bác bất kỳ việc thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
“Toàn bộ điều này là một chiến dịch nhằm chống lại một đối thủ và sự thật là không hề có sự thông đồng ở đây”, ông nói.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chọn để chỉ đạo cuộc điều tra này.
Cựu giám đốc FBI dẫn dắt điều tra vụ Nga
Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ vụ Comey-Trump
Việc bổ nhiệm ông Mueller được các chính trị gia của cả hai đảng hoan nghênh.
Hôm 18/5, ông Trump bác cáo buộc muốn tác động tới cuộc điều tra bằng cách sa thải giám đốc FBI James Comey.
“Ông Comey không được nhiều người ưa thích”, ông nói.
“Tôi đã nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định đó… Quý vị cứ nhìn xem những người đảng Dân chủ, chứ không chỉ đảng Cộng hòa, đều nói những điều không hay về ông Comey”.
‘Ngạc nhiên’
Hôm 17/5, ông Trump nói rằng không có chính trị gia nào trong lịch sử nước Mỹ “bị đối xử tồi tệ, bất công hơn ông”.
Dường như việc chỉ định công tố viên đặc biệt làm Nhà Trắng ngạc nhiên, và ông Trump chỉ được thông báo về điều đó sau khi Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein ký lệnh bổ nhiệm.
FBI và Quốc hội đang tìm kiếm những mối liên hệ khả dĩ giữa êkip vận động của ông Trump với Nga.
Ông Mueller sẽ chỉ đạo cuộc điều tra của FBI.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Moscow đã cố gắng đẩy cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ứng viên Cộng hòa.
Trong khi đó, tờ New York Times tường thuật rằng Michael Flynn, cựu cố vấn của ông Trump, nói với êkip chuyển giao của tổng thống vào đầu tháng 1/2017 rằng ông đang bị điều tra liên bang vì từng nhận vận động hành lang cho quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ và được trả lương cho việc này.
Ông Trump sa thải ông Flynn chỉ sau 24 ngày bổ nhiệm ông này.
www.bbc.com/vietnamese/world-39934454
Phái viên Hàn Quốc thăm TQ hy vọng giảm căng thẳng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với một đại diện Hàn Quốc rằng ông muốn “thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc sớm trở lại quỹ đạo bình thường”.
Quan hệ song phương đã lạnh nhạt mấy tháng qua vì việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD ở Hàn Quốc. Bắc Kinh xem đây là đe dọa.
Nay tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã gửi phái viên Lee Hae-Chan tới Bắc Kinh sau khi thắng cử tuần trước.
Phái viên Lee Hai-chan đã chuyển lá thư tay của Tổng thống Hàn Quốc cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thaad làm được gì trước Bắc Hàn và TQ?
Mỹ triển khai hệ thống Thaad ở Nam Hàn
Ông Tập Cận Bình được Tân Hoa Xã dẫn lời nói Trung Quốc muốn “củng cố sự tin cậy chính trị, xử lý ổn thỏa sự bất đồng”.
Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD nhằm chống lại đe dọa của Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc nói nó làm mất cân bằng an ninh khu vực.
Phái viên Hàn Quốc cũng gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc, những người đưa ra thông điệp cứng rắn hơn.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì hôm 19/5 kêu gọi Seoul “tôn trọng các quan ngại lớn của Trung Quốc và xử lý ổn thỏa vấn đề hệ thống tên lửa THAAD”.
Trước đó hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Lee rằng Seoul “phải gỡ bỏ rào cản trên đường cho quan hệ tốt giữa hai nước”.
www.bbc.com/vietnamese/world-39977369
Chiến đấu cơ Trung Quốc ‘cắt đầu máy bay Mỹ’ trên biển Hoa Đông
Hai chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 của Trung Quốc tiến hành cắt ngang đường của một chiếc máy bay Mỹ và việc này “rất không chuyên nghiệp”, quân đội Mỹ cho biết.
Chiếc máy bay dò tìm phóng xạ của Hoa Kỳ đang trên đường thực hiện nhiệm vụ và bay qua không phận quốc tế trên biển Hoa Đông.
Máy bay này trước đây đã được dùng để tìm bằng chứng về các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn.
Bắc Hàn và vũ khí ‘máy bay giật lùi’
TQ: Máy bay dân dụng đầu tiên cất cánh
Giới chức cho biết: “Vấn đề đang được giải quyết với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp.”
Việc các phi công của Trung Quốc dùng mưu mẹo cắt đầu được cho là không chuyên nghiệp “do tốc độ và khoảng cách gần giữa hai loại máy bay”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Không quân Mỹ, Trung tá Lori Hodge.
Bà nói thêm rằng cuộc điều tra quân sự đang được tiến hành.
www.bbc.com/vietnamese/world-39934453
Truất phế tổng thống Mỹ : Ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi
Một vài nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Donald Trump về buộc tội cản trở công việc của ngành tư pháp. Tuy nhiên, một khả năng như vậy, vào lúc này rất khó trở thành hiện thực vì thiếu hậu thuẫn chính trị tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump bị cáo buộc là vào tháng Hai vừa qua đã yêu cầu ông James Comey, lúc đó là giám đốc FBI, gác bỏ một cuộc điều tra về một người thân cận với ông bị tình nghi có quan hệ với Nga, và đã cách chức ông Comey vào tuần trước, một động thái bị những đối thủ của ông coi như một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa người thân của ông Trump với Nga.
Thế nhưng, theo nhận xét của hãng tin Pháp AFP ngày 18/05/2017, trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có một tổng thống nào bị truất phế. Hai ông Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998 đã bị luận tội, nhưng đều được tha bổng, còn ông Richard Nixon, vào năm 1974, đã từ chức để tránh bị Quốc Hội truất phế trong vụ bê bối Watergate, một khả năng lúc đó được xem là chắc chắn.
Thủ tục truất phế như thế nào?
Hiến Pháp Mỹ quy định rằng Quốc Hội có thể buộc tội tổng thống (hoặc phó tổng thống hoặc các thẩm phán liên bang …) trong trường hợp phạm tội « phản quốc, hối lộ, hoặc tội phạm nghiêm trọng khác ».
Thủ tục tiến hành theo hai giai đoạn. Thứ nhất, Hạ Viện bỏ phiếu với đa số đơn giản, để thông qua các điều khoản trong bản « cáo trạng », nêu lên chi tiết các tội danh quy cho vị tổng thống : Đây là tiến trình gọi là « impeachment » trong tiếng Anh. Trong trường hợp Hạ Viện thông qua bản luận tội, Thượng Viện sẽ mở phiên tòa xét xử tổng thống.
Sau phần tranh luận, 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu về từng điều khoản trong bản cáo trạng. Nếu cáo trạng hội đủ đa số hai phần ba Thượng viện tán đồng, thì việc truất phế tổng thống trở thành tự động, và không có quyền kháng cáo. Nếu không đủ đa số, thì tổng thống được tha bổng, như Bill Clinton vào tháng 2 năm 1999.
Vai trò của Tư pháp là gì?
Chỉ là con số không. Trả lời hãng AFP, Jens David Ohlin, một giáo sư luật tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xác định rằng: « Quyết định truất phế không thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp ». Theo giáo sư Ohlin, « chính Quốc Hội là định chế xác định rằng ông Trump đã phạm trọng tội hay không. Họ là những thẩm phán cuối cùng có thẩm quyền xác định xem các tiêu chí phạm tội hội đủ hay chưa ».
Do đó việc truất phế tổng thống là một vấn đề nằm giữa chính trị và pháp luật. Theo giáo sư Ohlin, để bị truất phế, một tổng thống không cần phải bị truy tố trước.
Tại sao các nghị sĩ Mỹ bất đồng quan điểm với nhau vào thời điểm này?
Nếu hai nghị sĩ đảng Dân Chủ Maxine Waters và Al Green đã kêu gọi khởi động tiến trình truất phế ông Trump, thì phần còn lại của phe đối lập vào thời điểm hiện tại vẫn từ chối mạo hiểm, sợ rằng tiến trình truất phế biến thành một cuộc đấu đá đảng phái.
Một lãnh đạo đảng Dân Chủ tuyên bố : « Lúc này còn quá sớm. » Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cho biết : « Tôi không muốn nhảy ngay vào ô truất phế ngày nào mà chưa thấy rõ con đường đi đến đó. Con đường hiện nay có thể dẫn đến khả năng đó, nhưng cũng có thể là không ». Đối với đảng Dân Chủ, điều cần thiết là làm sao cho tiến trình truất phế không bị xem như là một mưu toan « hủy bỏ kết quả bầu cử bằng cách khác »…
Những đại biểu dân cử này tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng hành động cản trở công lý là một tội đủ nặng để có thể tiến hành thủ tục truất phế. Đó chính là trường hợp của hai cựu tổng thống Clinton và Nixon.
Chính vì vậy mà các nghị sĩ này đang nôn nóng chờ nghe lời chứng của ông Comey, được yêu cầu ra trực tiếp điều trần tại Quốc Hội.
vi.rfi.fr/…te/20170519-truat-phe-tong-thong-my-ao-tuong-hay-thuc-te-qua-ba-cau-h..
Donald Trump lên đường công du để «tránh bão» ở Washington
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Washington tối nay 19/05/2017, bắt đầu chuyến công du đầu tiên từ khi lên nhậm chức. Ông Trump sẽ thăm Riyad, Jerusalem, Bethléem, Roma, Bruxelles, Catane…một chuyến đi dài với nhiều cuộc gặp gỡ, vào thời điểm tổng thống Hoa Kỳ đang gặp rắc rối về hồ sơ Nga.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio nhận định :
« Ông Donald Trump không mấy ưa Washington, và với tình hình căng thằng hiện nay, không khí tại thủ đô nước Mỹ khiến ông cảm thấy khó thở. Mỗi ngày trong tuần lại có một sự kiện mới được tiết lộ, về mối quan hệ giữa ê-kíp của ông Trump với Nga, về toan tính can thiệp vào các cuộc điều tra đang tiến hành. Donald Trump than phiền đây là chuyện vạch lá tìm sâu.
Vòng công du nước ngoài sẽ mang lại cho ông một làn gió mới. Nhưng các cố vấn vẫn lo ngại, vì họ không biết liệu Donald Trump có nghe theo những khuyến cáo của các chuyên gia hay không.
Trong một chuyến đi dài – và theo một số người thì quá dài – mà mỗi lời nói đều được xem xét, mỗi hành động đều được diễn dịch, có vô số những bẫy rập cho một tổng thống vốn không thích đọc các hồ sơ. Điều này thì quá rõ.
Còn về mặt truyền thông, theo một số người thân cận của ông Trump, thì chương trình quá nặng nề. Mỗi chặng dừng lại có một bài diễn văn và một cuộc hội kiến quan trọng, sẽ bị xóa nhòa bởi chặng sau.
Thử thách đầu tiên của Donald Trump trên trường quốc tế, tại châu Âu cũng như Cận Đông, đều quan trọng như việc đối nội, khi mà tổng thống cần đánh bóng lại hình ảnh đã bị sứt mẻ ».
Trong chuyến công du năm nước Cận Đông và châu Âu chỉ trong tám ngày, đi cùng với tổng thống Donald Trump là phu nhân Melania và vợ chồng con gái Ivanka. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là « chuyến đi lịch sử », tổng thống Mỹ sẽ tiếp xúc với ba tôn giáo lớn : Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo.
vi.rfi.fr/…/20170519-donald-trump-len-duong-cong-du-de-«tranh-bao»-o-washington
Iran bầu tổng thống
Hôm nay, 19/05/2017, hơn 56 triệu cử tri Iran được kêu gọi bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Cuộc bầu cử được coi như một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính sách mở ra với thế giới của tổng thống mãn nhiệm Hassan Rohani, với một thành công lớn là thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, cho phép Teheran thoát khỏi một phần cấm vận quốc tế. Ông Rohani, 68 tuổi, tái ứng cử. Đối thủ chính là Ebrahim Raissi, 56 tuổi, một giáo sĩ bảo thủ, thân cận với lãnh đạo tối cao Ali Khameni. Các phòng phiếu mở cửa từ 8 giờ, giờ địa phương, và đóng cửa vào 18 giờ.
Phóng sự do thông tín viên Muriel Paradon gửi về từ một điểm bỏ phiếu ở Tehera:
« Các cử tri hoan hô tổng thống Hassan Rohani trước thánh đường Hosseiniye Ershad, nơi được dùng làm điểm bỏ phiếu. Tổng thống mãn nhiệm đã thực hiện nghĩa vụ bầu cử tại đây.
Tại khu phố khá giả Mir Damad này, ông nhận được rất nhiều ủng hộ. Một bác sĩ tên Farhad bày tỏ : « Nếu nhìn lại nhiệm kỳ bốn năm của ông Rohani, tôi thấy chiều hướng tích cực trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế, cũng như đối nội, và cả vấn đề quyền tự do. Tôi cho rằng ông Rohani cũng có một chương trình kinh tế tốt, và ông ấy có đủ uy tín cần thiết để làm tổng thống ».
Tuy nhiên, đối thủ của tổng thống mãn nhiệm là một ứng cử viên siêu bảo thủ, ông Ebrahim Raissi. Ứng cử viên này cũng có nhiều người ủng hộ. Ông Salman, một công chức cho biết : « Tôi đến đây để bầu cho chế độ Hồi Giáo, chúng ta sẽ biết ai là người đắc cử. Tôi cho rằng cần phải tập trung vào vấn đề thất nghiệp, và các mối quan tâm hàng ngày của người dân. Đối với tôi, điều quan trọng là đồng thời bảo đảm được khả năng phòng thủ của đất nước ».
Trước thánh đường Hosseiniye Ershad, rất nhiều người xếp hàng chờ bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu dự kiến sẽ kết thúc khá muộn tối nay ».
Theo các nhà quan sát, kể từ thỏa thuận lịch sử về hạt nhân, lạm phát tại Iran đã giảm xuống, từ 40% năm 2013 xuống còn 9,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp lại tăng: 12,5% dân số thất nghiệp, riêng ở giới trẻ là 27%. Kết quả khiêm tốn về kinh tế khiến tổng thống mãn nhiệm bị đối thủ chỉ trích quyết liệt.
Bất chấp quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ, chủ trương của tổng thống mãn nhiệm Rohani là tiếp tục mở cửa với thế giới, để thu hút đầu tư nhiều hơn. Trong khi đó, đối thủ Ebrahim Raissi khẳng định chính sách ủng hộ những người nghèo khổ nhất và ưu tiên kinh tế nội địa. Giáo sĩ Ebrahim Raissi lên án tổng thống Rohani đứng về phía 4% người giàu. Đối thủ của ông Rohani hứa hẹn sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm mới, một cam kết bị nhiều chuyên gia coi là phi thực tế. Bên cạnh đó, giáo sĩ Ebrahim Raissi lại hoàn toàn không có kinh nghiệm cầm quyền.
Một ẩn số lớn của cuộc bầu cử lần này là tỉ lệ cử tri tham gia. Nhiều lãnh đạo Iran, trong đó có giáo chủ Khameni kêu gọi dân chúng đi bầu đông đảo. Theo lãnh đạo tối cao Iran, tỉ lệ cử tri đi bầu cao sẽ mang lại một vị thế quan trọng cho Iran trên trường quốc tế, buộc Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, cũng như Israel phải thay đổi cách nhìn đối với quốc gia này.
Bộ Nội Vụ Iran ước tính tỉ lệ cử tri đi bầu có khả năng vượt quá 72%. Theo AFP, tại nhiều khu phố nghèo ở Teheran, nơi nạn thất nghiệp hoành hành, rất ít người đi bỏ phiếu. Đông đảo cử tri không tin tưởng tổng thống tương lai có khả năng xoay chuyển tình hình.
vi.rfi.fr/quoc-te/20170519-iran-bau-cu-tong-thong
Trung Quốc đánh giá cao quan hệ với Nam Hàn nhưng lo ngại THAAD
Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ với Nam Hàn, sẵn sàng cùng chính phủ Seoul giải quyết những bất đồng dựa trên tiêu chuẩn hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, để có lợi cho người dân hai nước.
Những điểm vừa nêu được Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng nay, trong bài phát biểu tại Bắc Kinh khi tiếp Đặc Sứ Nam Hàn Lee Hae-chan.
Bản tin của Tân Hoa Xã cho hay trong cuộc gặp, ông Tập Cận Bình hứa sẽ cùng với Nam Hàn thực hiện mục tiêu bán đảo Triều Tiên sẽ là vùng phi hạt nhân.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, chính phủ Bắc Kinh cũng yêu cầu Seoul tôn trọng và giải quyết những quan ngại của Trung Quốc liên quan đến hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD mà Hoa Kỳ mới dựng trên lãnh thổ Nam Hàn.
Washington nói rằng hệ thống THAAD sẽ giúp bảo vệ an ninh cho Nam Hàn trong trường hợp bị Bắc Hàn tấn công bằng tên lửa, nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, hệ thống này sẽ giúp Hoa Kỳ thu thập tin tức về hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Bắc kinh cũng cho rằng việc Hoa Kỳ dựng hệ thống phòng thủ THAAD là một trong những lý do khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên bất ổn hơn, vì Bình Nhưỡng xem đó là một hành động gây chiến.
www.rfa.org/vietnamese/…/china-south-korea-thaad-05192017085747.html
Bộ trưởng 11 nước đến Hà Nội thảo luận về TPP không có Mỹ
Các nhà đàm phán và bộ trưởng từ 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tuần này để quyết định tương lai của một TPP không có Hoa Kỳ.
Ông Nobuteru Ishihara, Bộ trưởng Bộ phục hồi kinh tế của Nhật Bản, trước khi lên đường sang Việt Nam tham dự cuộc họp, đã nói với các phóng viên ngay tại phi trường Haneda, Tokyo vào sáng thứ Sáu 19 tháng 5, rằng các nước thành viên sẽ cố gắng thúc đẩy việc ký kết bản hiệp định TPP trong thời gian ngắn.
Tin từ báo Kyodo cho hay, tại cuộc họp lần này, Nhật muốn đạt được một thỏa thuận về các nguyên tắc cấp cao đã được thống nhất trong khuôn khổ TPP. ông Ishihara mong muốn hỗ trợ xây dựng những quốc gia thành viên còn lại.
Riêng Tokyo và New Zealand muốn duy trì các điều khoản đã được thống nhất trước khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định.
Trong khi đó, Việt Nam và Malaysia có thể sẽ đòi hỏi sửa đổi nột số điều khoản trong bản thoả thuận đang có, vì được soạn thảo trong tinh thần giúp Việt Nam và Malaysia thuận lợi khi xuất khẩu hàng vào Mỹ.
“Một vài nước muốn có những điều chỉnh thích hợp cho hàng hóa của họ đối với thị trường Mỹ. Chúng tôi sẽ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, với hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất để phù hợp với tất cả các nước tham gia”, Bộ trưởng kinh tế Nhật Ishihara nói với báo Nikkei Asian Review
Ông Ishihara cũng dự trù sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với đại diện các nước tham gia TPP, nhằm cố gắng thuyết phục các nước này ủng hộ các đề nghị của Nhật Bản.
Tin tức cũng cho hay, tại cuộc gặp ở Hà Nội cuối tuần này, Bộ trưởng kinh tế của 11 nước tham gia TPP có thể thông qua một bản dự thảo tuyên bố chung về TPP không có Mỹ, được gọi là TPP11.
www.rfa.org/vietnamese/…/tpp-ministers-to-debate-pact-fate-05192017083151.html
Nhà hoạt động Thái đoạt giải nhân quyền Hàn Quốc
Một sinh viên luật của Thái bị bắt vì chia sẻ trên Facebook một bài viết chỉ trích tân vương Thái Lan được trao giải nhân quyền danh giá nhất của Hàn Quốc năm nay.
Ban tổ chức Giải Nhân quyền Gwangju cho biết cha mẹ của Jatupat “Pai Dao Din” Boonpattararaksa sẽ đại diện để nhận giải trong một buổi lễ tại thành phố Gwangju.
Cảnh sát Thái Lan bắt anh Jatupat vào tháng 12 năm ngoái về tội chia sẻ một bài viết về Vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkunan được ban Thái ngữ của dài BBC đưa lên Facebook. Bài viết đề cập đến đời tư của Vua thời còn là thái tử, trong đó có những chi tiết về 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông dẫn tới ly dị cùng những tài liệu khác mà truyền thông Thái Lan bị cấm không được loan tải.
Theo luật Thái Lan, phỉ báng hoàng gia là một tội có thể bị tù từ 3 đến 15 năm. Phe chỉ trích nói Thái Lan sử dụng luật này để bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến.
Bà Busadee Santipitaks, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói Bangkok không có phản ứng cụ thể nào về giải thưởng này.
Sinh viên Jatupat bị truy tố vào tháng 2 năm nay và bị bác bỏ đơn xin tại ngoại một vài lần. Jatupat là người duy nhất bị truy tố trong vụ đăng tải bài viết vừa kể dù có tới 3000 lượt chia sẻ bài đó. Anh là một thành viên có uy tín của Dao Din, một tổ chức sinh viên nhỏ nổi tiếng về những hoạt động cổ súy cho quyền lợi của cộng đồng tại miền đông bắc Thái Lan.
Anh Jatupat bị nhà cầm quyền Thái Lan theo dõi chặt chẽ kể từ tháng 12 năm 2014, khi anh và một số thành viên Dao Din chào bằng ba ngón tay, một cử chỉ phản đối bắt chước phim “The Hunger Games” khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đọc diễn văn. Ông Prayuth Chan-ocha là người đứng đầu hội đồng quân nhân lên cầm quyền trong một cuộc đảo chánh trước đây 6 tháng.
Anh Jatupat cũng nằm trong số hơn một chục sinh viên bị bắt giam 12 ngày hồi tháng 6 năm 2015 vì tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ.
Quỹ Tưởng niệm 18/5, cơ quan tổ chức Giải Gwangju, trong một tuyên bố nói rằng “sức mạnh, lòng can đảm và cuộc tranh đấu bất khuất” của Jatupat chứng tỏ anh “sẵn sàng hy sinh sự an toàn và tương lai của anh để bảo vệ dân chủ và những quyền và tự do của người dân Thái Lan.”
Giải trao tặng cho những đóng góp về nhân quyền và dân chủ được thành lập vào năm 2000 nhằm vinh danh một cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại Gwangju vào tháng 5 năm 1980 mà chế độ dộc tài quân sự lúc bấy giờ đã đàn áp dã man làm hàng trăm người thiệt mạng.
Một giới chức thuộc Quỹ Tưởng niệm 18/5 cho biết đã yêu cầu nhà cầm quyền Thái Lan trả tự do cho anh Jatupat để anh có thể đích thân nhận giải này, nhưng chính phủ Thái Lan, qua tòa đại sứ của nước này tại Hàn Quốc đã từ chối, viện dẫn lý do Thái Lan xử lý thích đáng anh Jatupat căn cứ trên luật pháp nước này.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-thai-doat-giai…quoc-/3861521.html
Campuchia tưởng nhớ nạn nhân ‘Cánh đồng Chết’
Hàng trăm người ngày 18/5 tụ tập tại một trong những “Cánh đồng Chết” khét tiếng nhất của Campuchia để tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng Khmer Đỏ khiến ít nhất 1,8 triệu người thiệt mạng trong những năm 1970.
Hầu hết các nạn nhân chết vì đói khát, bị tra tấn, kiệt lực hay bệnh tật trong những trại lao cải hay bị đập chết trong những cuộc hành hình tập thể. Tại Choeung Ek, cách thủ đô Campuchia khoảng 15 km, tới nay mưa gió đã cuốn trôi những mẫu xương và những mảnh áo quần của các nạn nhân từ các ngôi mộ tập thể.
Một tháp sọ và xương đứng sừng sững giữa trung tâm một đài tưởng niệm ngay tại khu vực mà hầu hết mọi gia đình đều mất mát người thân.
“Tôi dâng thức ăn này qua các nhà sư để đến với những người bị giết hại và xin các nhà sư cầu cho chúng tôi và đất nước này được may mắn và sẽ không có chiến tranh và giết chóc trong tương lai,” bà Keo Oun, 59 tuổi, nói tại lễ tưởng niệm.
Khmer Đỏ cai trị Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.
Ngày Tưởng niệm, trước đây được gọi là “Ngày Hận thù,” thường được tổ chức vào ngày 20 tháng 5, nhưng năm nay được tổ chức sớm hơn vì có cuộc vận động tranh cử địa phương.
Căng thẳng lên cao trước cuộc bầu cử tháng tới.
Thủ tướng Hun Sen, một cựu cán bộ Khmer Đỏ, người đã cai trị hơn 3 thập niên, cảnh báo nguy cơ xảy ra nội chiến nếu Đảng Nhân dân Campuchia thất bại trong cuộc bầu cử này. Phe đối lập cáo buộc ông Hun Sen uy hiếp và dùng những chiến thuật mờ ám để tiếp tục nắm quyền.
https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-tuong-nho-nan…dong…-/3861516.html
Khai trương chuyến phà nối liền Nga-Triều
Một tuyến phà mới giữa Bắc Triều Tiên và nước láng giềng Nga lần đầu tiên cập cảng Vladivostok trên bờ Thái Bình Dương hôm 18/5.
Công ty vận hành phía Nga nói đây là một tuyến phà thương mại hoàn toàn, nhưng lại trùng khớp với điều mà nhiều người cho là mong mỏi của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un muốn xây dựng quan hệ với Moscow trong trường hợp đồng minh thân cận nhất là Trung Quốc quay lưng với Bình Nhưỡng.
Báo giới không thể mục kích cảnh phà xuống khách vì giới chức Nga không cho đến gần cầu tàu, viện lý do an ninh.
Truyền hình Reuters xoay sở trò chuyện được với 3 hành khách của phà Mangyongbong mang cờ hiệu Bắc Triều Tiên. Những hành khách này cho biết họ là đại diện cho các hãng du lịch Trung Quốc.
Một người trong nhóm cho xem một bức ảnh chụp từ điện thoại cho thấy trên tàu có một tấm bảng khắc chữ Triều Tiên mà bà cho biết là tên của cố lãnh tụ Kim Il Sung.
Công ty vận hành phà nói những chuyến phà hàng tuần giữa Vladivostok và cảng Rajin của Bắc Triều Tiên nhắm phục vụ các du khách Trung Quốc muốn đi du lịch bằng đường biển đến Vladivostok.
“Đây là việc kinh doanh của chúng tôi, của công ty chúng tôi, không có trợ cấp nào của nhà nước cũng như nhà nước không dính líu hay giúp đỡ gì cả,” ông Mikhail Khmel, phó giám đốc của In-veststroytrest, công ty Nga điều hành tuyến phà nói với các phóng viên tại cảng Vladivostok.
Bắc Triều Tiên một lần nữa chịu áp lực quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân, sau khi phóng thử phi đạn đạn đạo hôm Chủ Nhật vừa qua. Phi đạn này rơi xuống biển gần Nga.
Hoa Kỳ đã thảo luận với Trung Quốc về khả năng áp đặt những chế tài mới của Liên hiệp quốc. Bắc Kinh không chấp thuận việc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo mang vũ khí này.
Nga, đặc biệt là cảng Vladivostok, là một trong những nơi có đông đảo cộng đồng người Bắc Triều Tiên nhất trên thế giới, và những người này gởi về nước hàng ngàn đô la kiều hối mỗi tháng.
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy có sự gia tăng bền vững về mậu dịch giữa Nga và Bắc Triều Tiên, nhưng Nga có lập trường ôn hòa đối với Bình Nhưỡng hơn các cường quốc khác.
Phát biểu tại Bắc Kinh trước đây trong tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moscow chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng ông kêu gọi thế giới nên đàm phán với Bình Nhưỡng thay vì đe dọa.
Bình luận về tuyến phà mới mở, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, ngày 18/5 nói bà “không thấy có sự liên hệ” giữa dịch vụ mới này với các vấn đề chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/khai-truong-chuyen-pha-noi…nga…-/3861506.html