Đọc Báo Pháp -13/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc Báo Pháp -13/05/2017
Tổng thống mãn nhiệm François Hollande (T) và tổng thống tân cử Emmanuel Macron (P). Ảnh chụp tại Vườn Luxembourg, nhân lễ kỷ niệm bãi bỏ chế độ nô lệ, ngày 10/05/2017.Reuters

 

Pháp: “Một ngôi sao mới ra đời” tên Emmanuel Macron

Hồ sơ chính chiếm nhiều trang trên các tạp chí tuần này dĩ nhiên không ngoài việc Pháp vừa bầu cho mình vị tổng thống trẻ tuổi nhất từ trước đến nay : Emmanuel Macron. Gương mặt đã rất quen thuộc của tổng thống tân cử Pháp ngự trị một mình, hay cùng với phu nhân Brigitte, hoặc cả với tổng thống mãn nhiệm François Hollande, trên trang bìa các tuần báo, từ L’Express, L’Obs, Le Point, cho đến Courrier International hay tuần san Anh The Economist. Thái độ chung của các báo là vừa kinh ngạc vừa trầm trồ về kết quả bầu cử.

Trên trang bìa của L’Express, là ảnh một Macron vẻ nghiêm nghị với tựa đề « Le Kid » (từ tiếng Anh, dịch nôm na là « chú bé »), một tựa đề trái ngược với vẻ nghiêm trang của tổng thống tân cử. Nhưng từ « Kid » cũng đầy ý nghĩa vì L’Express nhân đó đặt câu hỏi : « Quý vị có nhận thức được kỳ công của chú bé hay không ? ».

Trên nền màu cờ Pháp của trang bìa tuần báo L’Obs, ông Macron nở một nụ cười bí hiểm, kiểu La Joconde, bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci. Ông tuy nhiên lại có vẻ bình thản trên phông đen trang bìa của Le Point.

Tạp chí The Economist cũng đăng ảnh của tổng thống Pháp mới được bầu, nhưng cho thấy ông Macron đang gài cổ áo như đang chuẩn bị đi làm, ngay dưới hàng tựa « Nhiệm vụ của Macron ». Đối với tạp chí Anh Quốc, người được dân Pháp chọn đã cam kết mở cửa và cải tổ từ trung tâm, đây là một thách thức rất lớn, nhưng Emmanuel Macron xứng đáng thành công.

Courrier International cũng dành hồ sơ đặc biệt cho tổng thống tân cử Pháp với tựa đề « Con người vội vã » – lược ghi những phân tích của báo giới quốc tế và nhấn mạnh trên những gì mà châu Âu và thế giới mong chờ nơi nước Pháp sau khi ông Emmanuel Macron được bầu lên làm tổng thống.

Con người có tài thuyết phục nhưng kín đáo

Dù khen ngợi nhưng các tuần báo Pháp cũng mổ xẻ quá trình, kinh nghiệm chính trị của người sẽ lên cầm cương nước Pháp kể từ Chủ nhật này. Và như L’Express đã gợi lên, đó là một quá trình « đáng kinh ngạc ». Tờ báo nhắc lại là mới cách đây một năm thôi, rất nhiều người còn nói đến « cậu bé Emmanuel ».

Bên cạnh việc kể lại kế hoạch tỉ mỉ, từng giai đoạn chinh phục quyền lực tối cao này của Macron, cá tính của ông cũng được các báo soi rọi.

Đối với L’Obs đây là một nhân vật « có tài thuyết phục vô song, biết lắng nghe ». Như giải thích của nhiều người bị ông thu hút, khi quyết định chinh phục ai có lợi cho sự nghiệp của ông, thì Macron « không tiếc công sức và khiến người đó có cảm giác rằng mình là người quan trọng nhất hành tinh ». Tuy nhiên L’Obs cũng công nhận ông Macron là một người thận trọng, rất ”kín đáo”.

Tạp chí nhắc lại : Chuyện tranh cử tổng thống, không biết ông ấp ủ từ bao giờ, nhưng mãi đến ngày 28/07/2015, ông mới tiết lộ với bạn bè thân thiết vào cuối một bữa ăn. Lúc đó mọi người rất ngạc nhiên nhưng đều nghĩ là ông sẽ ra tranh cử vào năm 2022, không ai dám nghĩ là ngay năm 2017.

Tháng 04/2016, khi ông thành lập phong trào Tiến Bước ! thì cũng chỉ có vài người biết. Tổng thống Hollande chỉ biết loáng thoáng và do chính ông Macron tiết lộ ngắn gọn vì ông muốn người khác thay ông nói ra điều đó. Việc ông từ chức bộ trưởng để lao vào chuẩn bị giành ghế nguyên thủ này, ông cũng giữ kín cho đến lúc thông báo ra đi.

L’Obs cũng nhắc lại ngay ông Hollande cũng rất bất ngờ, trước khi thông báo rút không ra tái cử, tổng thống mãn nhiệm từng nghĩ là sẽ dựa trên Macron để thu hút phiếu bầu.

Tuần báo L’Express thì đã phỏng vấn ông Jacques Attali, một cố vấn của cố tổng thống François Mitterrand. Ông Attali nhìn thấy rằng Emmanuel Macron giống người tiền nhiệm của đảng Xã Hội này ở điểm « hiểu biết và mê say chính trị và nghệ thuật thành lập một ê kíp ». Ông Macron cũng giống người tiền nhiệm cánh hữu Sarkozy ở nét táo bạo, gan dạ.

Le Point thì chú ý đến giai đoạn ông Macron làm việc ở ngân hàng Rothschild (2008-2012). Đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn, chỉ 44 tháng, nhưng ông đã để lại dấu ấn đậm nét. Các đối thủ của Macron luôn nhắc đến thời kỳ này, đả kích ông là đại biểu của giới tài phiệt, thế nhưng Macron vẫn chấp nhận quá khứ này không nao núng. Le Point không quên chi tiết là Macron đã thu về cho mình 2,8 triệu euro trong 44 tháng.

Riêng chủ nhân ngân hàng David de Rothschild thì rất hãnh diện về cựu cộng tác của mình. Ông đã tài trợ trong hạn định của luật pháp cho cuộc tranh cử, còn tổng giám đốc Olivier Pécoux thì đã tổ chức những buổi tiệc gây quỹ cho Macron.

Giờ đây thì câu hỏi chung các tạp chí là những bước tới sẽ như thế nào, ai sẽ cùng ông Macron cải tổ nước Pháp, việc thay đổi quan cảnh chính trị mà ông muốn sẽ thành công hay không ?

Ngôi sao mới

Trong bài xã luận ngắn, Courrier International nêu câu hỏi : « Một ngôi sao đã ra đời, đúng thật không ? »

Tác giả bài viết trước tiên kể lại vào ngày mùng 7/05, khi tin ông Emmanuel Macron thắng cử được truyền đi khắp thế giới, thông tín viên một tờ nhật báo lớn của Mỹ ở Paris đã thổ lộ là ông rất ghen tị với người Pháp : « Dân Pháp đã có thể ngăn chận được cuộc phiêu lưu dân túy và mị dân, điều mà các cử tri Mỹ và Anh đã không làm được ».

Courrier International còn trích báo Achentina La Nación, gọi ông Macron là « vật thể lạ trong làng chính trị », và xem thắng lợi của ông là kết quả của cơ may, tài năng và tuổi trẻ, đã làm dấy lên những niềm vui sảng khoái trên thế giới, được báo chí nước ngoài hết lời khen ngợi như một con người, nào là ”đầy tài năng”, nào là ”hoàn hảo”…

Tác giả bài xã luận nhận thấy là sự phấn khởi này ở ngoài nước đã nêu bật mong đợi nơi các đối tác của Pháp đối với tân tổng thống, và cũng nêu bật sự mờ nhạt của Pháp thời gian qua, trong một Châu Âu bị hoài nghi gặm nhấm và một thế giới bất an. Nhưng danh sách công việc giao cho thần « Hercule mới của Pháp », như tờ báo Đức

Mặt trăng tỏa sáng trên bầu trời Hàn Quốc

Về Châu Á, tuần báo Anh Ngữ, The Economist đã nhìn sang Hàn Quốc và ghi nhận sự kiện mà tờ báo gọi là Moon shines – hiểu nghĩa đen là Mặt trăng tỏa sáng – chơi chữ trên từ Moon vừa là mặt trăng, vừa là họ của tân tổng thống Moon Jae In.

Nhận xét chung của The Economist là nhà bất đồng chính kiến Moon Jae In đã chiến thắng thật dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, nhưng đối với vị tổng thống trung tả đầu tiên này trong gần một thập kỷ, việc điều hành đất nước sẽ khó khăn hơn.

Ông đã được bầu lên với một tỷ số rất rộng rãi trong một cuộc đua rất đông đối thủ. Tỷ lệ tham gia bỏ phiếu hơn 77%, cao nhất trong vòng 20 năm, cho thấy mong đợi to lớn của người dân Hàn quốc. Mặt khác cựu lãnh đạo đảng Minjoo đã cam kết một cách tiếp cận hòa hoãn hơn với Bắc Triều Tiên, qua đó lâm vào tình thế mâu thuẫn với chính sách cứng rắn hơn của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Điểm qua quá trình hoạt động của tân tổng thống Hàn Quốc, tuần báo Anh nêu bật sự kiện là ông đã bị chính quyền nước này bỏ tù hàng tháng trời khi còn là sinh viên vì đã đấu tranh chống lại chế độ độc tài của tổng thống Park Chung Hee vào những năm 1970.

Nay chính những cuộc biểu tình của quần chúng chống lại cựu tổng thống Park Geun Hye, con gái của nhà độc tài quá cố, đã đưa ông Moon Jae In lên chức vụ tổng thống.

Bài viết nhắc lại bối cảnh : Vào ngày 9 tháng 5 vừa qua, dân Hàn Quốc đã chọn nhà cựu bất đồng chính kiến làm tân tổng thống của họ, sau khi Tòa Bảo Hiến quyết định bãi nhiệm bà Park Geun Hye mở đường cho việc tổ chức nhanh chóng một cuộc bầu cử chọn người thay thế.

Đây là một chiến thắng áp đảo vì ông đã hơn đối thủ về nhì là một ứng viên bảo thủ đến 17%, một khoảng cách to lớn chưa từng thấy trong một cuộc bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc.

Thái Lan : ‘Chiến lược độc tài’

Cũng nhìn về châu Á, nhưng Courrier International chú ý đến đất nước Thái Lan qua tựa đề : « Một tập đoàn quân phiệt kiểm soát cả quá khứ, hiện tại và tương lai ».

Tập chí Pháp trích bài viết trên tờ Bangkok Post phê phán giới lãnh đạo Thái hiện nay, với đạo luật mới, ngày 20/04, cho họ những quyền hạn rộng lớn và giới tướng lãnh như thế đã bảo đảm một chế độ độc tài bền vững.

Bài viết mở đầu với nhận xét của văn hào người Anh George Orwell (trong tác phẩm 1984) : Người kiểm soát được quá khứ thì kiểm soát được tương lai. Người kiểm soát hiện tại thì kiểm soát được quá khứ, để rồi nhận định : Giới quân sự cũng như các nhà vật lý lượng tử hay các phù thủy, đều khống chế được thời gian : quá khứ, hiện tại, tương lai.

Tác giả bài viết rất bất bình cho là qua các cuộc đảo chính – 12 vụ từ năm 1932, qua những luật lệ mà họ ban hành, qua việc làm tùy hứng, giới tướng lãnh đã khống chế lịch sử và bây giờ họ tiếp tục với một kế hoạch chiến lược trải trên 20 năm, kiểm soát cả việc soạn thảo các đạo luật chi phối cuộc sống người dân cho đến không biết tận bao giờ.

Một Ủy Ban Chiến Lược Quốc Gia được thành lập để thực hiện kế hoạch và sẽ do thủ tướng chủ trì và bao gồm tổng tham mưu trưởng quân đội Thái cùng các tư lệnh Lục Quân, Hải Quân, Không Quân, lãnh đạo cảnh sát quốc gia, tổng thư ký bộ Quốc Phòng, bên cạnh những chuyên gia về thương mại, kinh tế, du lịch.

Sự kiện làm cho tác giả bài viết, Kong Rithdee, bực tức nữa là tấm biển kỷ niệm cuộc cách mạng 1932, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế Thái, đột nhiên biến mất, gây hoang mang trong thời gian qua. Một số người cho là đây có thể là hành động giới thân cận chính quyền, nếu như thế thì phải chăng họ muốn xóa bỏ lịch sử.

Chính quyền đến nay vẫn giữ im lặng, nhưng không thể trốn tránh trách nhiệm, tạo cảm giác bao che, tán đồng một hành động phá hoại không thể chấp nhận được.

Tác giả Kong Rithdee kết luận bi quan : Tóm lại tương lai của đất nước và người dân Thái sẽ nằm trong tay một định chế – quân đội – bất di bất dịch, không hiện đại hóa từ một thế kỷ rưỡi nay, trong một thế giới hướng về công nghệ học, sự đa dạng, ý tưởng mới, rất bất ổn và bất an, một bối cảnh không có chỗ đứng cho những người không biết thích nghi, cứ tưởng là có thể nắm tương lại trong lúc thực ra họ chỉ tái chế quá khứ hay tái chế hình ảnh méo mó của một quá khứ đầy vinh quang.

Mực ống, mồi mới của tàu cá Trung Quốc

Courrier International còn nhìn sang Trung Quốc trong bài viết tựa đề : « Mực ống, con mồi mới của ngư dân Trung Quốc »

Tập chí theo dõi các tàu cá Trung Quốc được trợ cấp rộng rãi của nhà nước ngang dọc đại dương săn mồi, một trong những con mồi tìm kiếm hiện nay là mực, mực ống.

Courrier trích nghiên cứu của báo Financial Times ghi nhận cho đến những năm 1990, các ngư phủ nhìn chung không mấy hứng thú với loài mực, nhưng những loài hải sản được ưa thích, các loài cá ngon bị đánh bắt quá đà đang ngày càng ít đi, khiến cho hiện nay giới đánh bắt hải sản quay sang loài mực, một trong những loài còn khá nhiều.

Trong một báo cáo công bố mùa hè 2016, cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, báo động là 90% dữ trữ cá thương mại mà cơ quan này giám sát, đã bị khai thác tối đa hoặc là quá đà, ngay cả đối với 10 loại xem là sản sinh nhanh nhất. Các ngư phủ phải đi đánh bắt ngày càng xa, ngày càng sâu ở đại dương và các loài cá cứ lần lượt trở nên khan hiếm ví dụ như loại cá thu. Cuối những năm 1990, ngư phủ Chilê đánh bắt đến 8 lần cao hơn mức quy định và từ năm 2006, trữ lượng cá thu thế giới đã tuột giảm. Nhiều loài cá được ưa chuộng khác cũng bị cuốn theo.

Theo quy luật, một loài khan hiếm đi thì sẽ được một loài khác thay thế. Và mực ống nằm trong tầm nhắm các ngư phủ lớn nhỏ. Bài báo lấy ví dụ là đối với dân đánh cá nhỏ Chilê, mực hiện mang lại một nửa thu nhập của họ. Tập đoàn đánh cá lớn Corpesca cũng lao vào và giành được một quota đánh bắt mực là 20%.
Và dĩ nhiên là các tập đoàn, tàu cá Trung Quốc đang tranh giành phần mồi này.

Theo bài nghiên cứu của Financial Times, rất khó có được thống kê chính xác : Ngoài biển khơi, thì chẳng ai cân đong đo đếm, còn ở những nước mà việc đánh bắt cá có quy định rõ rệt, thì giới chuyên nghiệp có khuynh hướng khai báo ít hơn để không vượt quota. Ngược lại các công ty Trung Quốc, đánh bắt khoảng 18% cá hoang dã trên thế giới, thì lại khai số lượng lớn hơn thực tế cho đúng theo yêu cầu của Bắc Kinh để được trợ cấp.

Mực ống giờ đây chiếm hơn một nửa lượng hải sản đánh bắt của Trung Quốc ngoài vùng biển của họ. Và thế giới đang tiêu thụ những gì mà tàu cá Trung Quốc đánh bắt : một nửa lượng cá bắt ở những vùng nước quốc tế được xuất khẩu trở lại sang Châu Âu, qua vùng Bắc Á và Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của FAO, mực chiếm 6% hải sản kinh doanh vào năm 2013, theo số liệu của Bắc Kinh thì gần 9%. Từ năm 2003 đến 2012, hai loại mực ống được khai thác nhiều nhất đứng hàng thứ 11 trong những loài được đánh bắt. Năm 2014 thì đã lên hạng 7 và có khuynh hướng trở nên loài bị đe dọa.

Trước tình trạng nguồn hải sản cạn dần ở phía đông Sibérie, các tàu cá Trung Quốc đã đi rất xa, đến tận vùng Patagonia. Mùa đánh cá lại kéo dài thêm, lượng đánh bắt cũng tăng lên. Chủ tịch tập đoàn Trung Quốc CNFC Overseas Fisheries Co. giải thích rằng họ phải đánh bắt những khối lượng lớn thì mới có lời vì chi phí ngày tăng cao.

Ở Achentina, các ngư phủ than phiền tàu cá Trung Quốc ở ngay ranh giới trên biển của họ, và kể như độc quyền đánh bắt. Một phần khác của đội tàu Trung Quốc cũng quay sang phía Peru và Chilê tìm loại mực ống to, một mặt hàng xuất khẩu chính của Peru. Vị của loại mực này không thanh bằng loại mực khác nhưng Trung Quốc đã biết cách chế biến để làm giảm đi sự khác biệt.

Sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc như nói trên không mấy được ưa thích : Tháng 3/2016, tuần duyên Achentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của họ.

vi.rfi.fr/phap/20170513-phap-‘mot-ngoi-sao-moi-ra-doi’-ten-emmanuel-macron