Đọc Báo Pháp – 12/05/2017
Biểu tình trước Nhà Trắng ngày 10/05/2017 phản đối việc tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI James Comey.REUTERS/Jonathan Ernst
Donald Trump, Watergate và gọng kềm đang siết chặt quanh tổng thống Mỹ
Tại Hoa Kỳ, việc tổng thống Mỹ bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey đã gây rúng động. Trong bài xã luận mang tựa đề « Donald Trump và tiếng vọng Watergate », Le Monde nhận định Washington đang trong cơn bão chính trị, mà thủ đô nước Mỹ là tâm bão. Les Echos cho biết « Gọng kềm đang siết lại xung quanh Donald Trump », còn Le Figaro nhận xét « Donald Trump sa lầy trong vụ James Comey ».
Donald Trump và tiếng vọng Watergate
Theo Le Monde, vụ này chứng tỏ một chính quyền Cộng Hòa hỗn loạn hơn bao giờ hết, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trầm trọng hơn nữa là xì-căng-đan mới này khiến người ta phải đặt câu hỏi về sự gắn bó của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với nền dân chủ.
Chỉ với một lá thư dài bốn dòng báo cho ông James Comey là ông không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ, hôm thứ Tư 10/5 ông Trump đã cách chức giám đốc cảnh sát liên bang Hoa Kỳ (FBI). Ông Comey đang lãnh đạo một cách cứng rắn cuộc điều tra làm cho tổng thống bực tức, vì có thể liên quan trực tiếp đến ông. Đó là việc xác định xem Nga đóng vai trò như thế nào trong chiến dịch tranh cử năm 2016, cũng như khả năng có các quan hệ giữa các quan chức Nga tại Washington và một số thành viên trong ê-kíp của ông Trump.
Đây là lần đầu tiên kể từ xì-căng-đan Watergate – khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào mùa hè năm 1974 – một tổng thống Mỹ cách chức giám đốc FBI đang tiến hành điều tra về một vụ có liên quan đến mình. Nếu toàn bộ phe đối lập Dân Chủ tố cáo một quyết định tùy tiện, đi ngược lại với nền dân chủ ; nhiều đại biểu Cộng Hòa cũng đặt ra nghi vấn về cơ sở dẫn đến hành động này của ông Trump.
Donald Trump luôn bác bỏ mọi liên can với Nga trong tranh cử, những người thân cận của ông gọi cuộc điều tra của FBI là vạch lá tìm sâu. Họ khẳng định không có quan hệ gì với các tin tặc đã tấn công vào đảng Dân Chủ – mà tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định là từ Nga. Một số email được công bố rõ ràng muốn làm xấu đi hình ảnh của ứng cử viên Hillary Clinton.
Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác là có điều gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga. Không ai hiểu được vì sao Donald Trump luôn ca ngợi Vladimir Putin. Người ta cũng nghi ngờ về quan hệ kinh doanh với các ngân hàng Nga của vị tổng thống đầu tiên từ chối công bố bản khai thuế, trong khi một sự minh bạch tối thiểu cũng giúp làm giảm đi các nghi vấn.
Về phía Quốc Hội tiếp tục cuộc điều tra riêng rẽ về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump phải bổ nhiệm một giám đốc mới cho FBI. Nếu tân giám đốc bỏ rơi « hồ sơ Nga », thì xì-căng-đan này sẽ nổ lớn. Do vậy phe Dân Chủ và một số nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhất quyết đòi bộ Tư Pháp đề nghị một công tố viên đặc biệt để đi đến cùng cuộc điều tra.
Donald Trump đã từng đả kích các thẩm phán về các dự luật nhập cư, phỉ báng cơ quan tình báo Mỹ, và không có tuần nào là ông không chỉ trích báo chí. Washington sống theo nhịp điệu những hành động thất thường và các tweet của một tổng thống, mà bao trùm lên là câu hỏi : liệu ông Trump có khả năng tôn trọng trò chơi tế nhị giữa quyền lực và phản biện, vốn là đặc điểm của nền dân chủ Mỹ ?
Gọng kềm siết chặt xung quanh Donald Trump
Les Echos nhận định, thật sự là Donald Trump đã sai lầm. Ông không nghĩ rằng vụ cách chức James Comey lại gây phản ứng dữ dội như thế. Phe Dân Chủ từ nhiều tháng qua chẳng đã từng đòi hỏi giám đốc FBI phải ra đi đó sao, vì cho rằng ông Comey chịu trách nhiệm lớn trong thất bại của bà Hillary Clinton.
Donald Trump đã nộ khí xung thiên khi nghe so sánh với vụ Watergate. Ông viết trên Twitter : « Đó là bọn mị dân bẩn thỉu ! ». Quá tự tin, tổng thống Mỹ chẳng thèm tham khảo nhân viên Nhà Trắng trước khi hành động, hầu hết chỉ được biết tin qua báo chí. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Newt Gingrich nhận định : « Tổng thống cần chậm lại một chút, và tham khảo các cố vấn. Không thể là người dẫn đầu mà không cho ê-kíp của mình hay biết gì cả ».
Sau 24 tiếng đồng hồ chao đảo, Nhà Trắng cố gắng kiểm soát lại tình hình. Như thường lệ, Donald Trump muốn đánh lạc hướng chú ý quan việc ra sắc lệnh kiểm tra mọi « sơ hở » trong hệ thống bầu cử. Ông vẫn tiếp tục khẳng định việc bà Hillary Clinton đạt được số phiếu bầu phổ thông nhiều hơn (hơn ông 3 triệu phiếu) là do gian lận (đăng ký tên giả, phiếu bầu giả…).
Nhưng không đủ để dập tắt đám cháy mà ông đã khơi lên tối thứ Ba. Các thượng nghị sĩ bất chợt đòi đẩy nhanh tiến độ điều tra. Ủy ban tình báo yêu cầu tướng Michael Flynn chuyển giao tất cả email, nội dung điện đàm và trao đổi tài chính có liên quan tới Nga. Ủy ban cũng chú ý đến liên quan về mặt này giữa ông Trump với Nga, và đòi hỏi một báo cáo chi tiết nơi bộ trưởng Tài Chính.
Trong số các câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ này, Les Echos cho rằng có ba vấn đề đáng ngại nhất cho ông chủ Nhà Trắng. Thứ nhất, quyết định cách chức James Comey có liên quan đến mong muốn của giám đốc FBI muốn đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ Nga ? Thứ hai, liệu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions có quyền cách chức ông Comey ? Cuối cùng, vì sao James Comey ba lần thông báo cho Donald Trump về diễn tiến cuộc điều tra, trong khi điều này bị cấm ?
Bên cạnh Quốc Hội, cơ quan FBI cũng chứng tỏ sẵn sàng chiến đấu. Trên Washington Post, một nhân viên ẩn danh cho biết : « Với sự ra đi của ông James Comey, Donald Trump đã tuyên bố chiến tranh với vô số nhân viên FBI. Chúng tôi đang phối hợp để trả đũa ». Còn người tạm thay thế ông Comey, trong cuộc điều trần trước Hạ Viện sáng thứ Năm khẳng định : « James Comey được ủng hộ rộng rãi trong FBI, cho đến hiện nay cũng vậy ».
Đức giáo hoàng phong hai vị thánh nhân 100 năm Đức Mẹ Fatima
Sự kiện kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (Bồ Đào Nha) được các báo Pháp chú ý. Nhật báo công giáo La Croix nhận định « Đức giáo hoàng tại Fatima, một thông điệp hòa bình cho thế giới ». Le Figaro cho biết « Đức giáo hoàng đến Fatima để phong hai vị thánh », đó là hai em bé chăn cừu đã nhìn thấy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ước tính có khoảng một triệu tín đồ sẽ đến hành hương.
Theo Le Figaro, đây là một trong những sự kiện huyền bí nhất của Giáo hội Công giáo trong thế kỷ 20. Ngày 13 tháng Năm năm 1917, ba trẻ chăn cừu là Lucie, 10 tuổi, François, 9 tuổi và Jacinthe, 7 tuổi đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra sáng lòa, với một thông điệp dài. Giáo hội đến năm 1930 mới công nhận phép lạ này.
Hai em bé nhỏ tuổi nhất đã qua đời vì dịch cúm Tây Ban Nha thời đó, đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolồ II phong thánh ngày 13/05/2000. Còn Lucie sau đó trở thành nữ tu, đến năm 2005 mới mất ở tuổi 97, và thủ tục phong thánh đang được tiến hành.
Chính sơ Lucie đã ghi lại những lời tiên tri của Đức Mẹ, và được chỉ thị không tiết lộ trước năm 1960. Giáo hội La Mã công bố hai phần đầu của thông điệp vào năm 1942, nhưng chờ đến năm 2000 mới tiết lộ lời tiên tri thứ ba.
Lời tiên tri đầu tiên là khung cảnh địa ngục. Đức Mẹ Đồng Trinh cho thấy một biển lửa dưới lòng đất, trong đó là quỷ sứ và các linh hồn. Hình ảnh này chỉ hiện ra trong chốc lát. Thứ hai là về Đệ nhị Thế chiến, và lời tiên tri thứ ba là một vụ ám sát giáo hoàng. Đó là những gì đã xảy ra trong thực tế.
La Croix dẫn lời người dân địa phương lo sợ đại chiến thế giới lần thứ ba, nhưng hy vọng việc Đức giáo hoàng đến hành hương sẽ nhắc nhở lại thông điệp hòa bình của Đức Mẹ Fatima.
Hồng vệ binh thời kỹ thuật số của Tập Cận Bình
Liên quan đến châu Á, Le Figaro có bài viết « Các du kích thời 2.0 của Tập Cận Bình ». Những đoàn quân cư dân mạng ái quốc được gọi là « những đóa hồng nhỏ », chiến đấu kịch liệt trên mạng để bảo vệ « đường hướng đỏ » của đảng, trước các « kẻ thù » từ bên trong và các cường quốc đối địch.
Thông tín viên tại Thượng Hải Sébastien Faletti đã tìm gặp các « chiến binh » loại này. Một nữ sinh viên hãnh diện khoe : « Trước đây, thần tượng của tôi là các diễn viên hay ca sĩ. Nhưng bây giờ là ngoại trưởng Vương Nghị, ông rất cương quyết trước Hàn Quốc ».
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc với khuôn mặt khó chịu, hôm 8/3 đã kịch liệt đả kích Seoul vì để cho Lầu Năm Góc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Vương Nghị nhướng mày đe dọa, nước Hàn Quốc nhỏ bé sẽ phải trả giá vì « sai lầm » này.
Quân đội Trung Quốc cho là các radar của THAAD đe dọa sức mạnh tấn công nguyên tử của nước này. Nhưng Tập Cận Bình có thể trông cậy vào một đội quân khác trên mạng, để giành chiến thắng trong « cuộc chiến thế kỷ » với Donald Trump. « Những bông hồng nhỏ » là lực lượng tấn công rất hung hăng, có thể nói là những Hồng vệ binh trong thời đại kỹ thuật số.
Một lực lượng được chỉ đạo từ trong bóng tối, mà liên hệ của những người cầm đầu với đảng vẫn nhập nhằng. Các sinh viên cho biết họ được chia thành nhiều nhóm, nhận được các tài liệu được chuẩn bị trước. Việc lăng mạ bị cấm đoán.
Tháng 5/2016, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã trở thành nạn nhân, trang Facebook của bà bị tràn ngập hàng chục ngàn post đả kích. Cũng trong năm 2016, nhãn hiệu Lancôme của Pháp bị đe dọa tẩy chay vì đã dùng hình ảnh một ngôi sao Hồng Kông đã tham gia các cuộc biểu tình « Cách mạng Dù ». Tây Tạng, Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông là những chủ đề chính của các diễn đàn, đầy những lời bình trịch thượng của người khổng lồ đối với những người láng giềng nhỏ bé.
Nạn tạt a-xít hoành hành tại Anh
Trên lãnh vực xã hội, Libération báo động « Nạn tạt a-xít hoành hành tại Anh », chủ yếu là từ các băng đảng ở Luân Đôn.
Thông tín viên của tờ báo tại Luân Đôn nêu ra một trường hợp cụ thể : đêm Chủ nhật 17/4 tại hộp đêm Mangle, một người đàn ông bất ngờ tạt một chất lỏng vào đám đông trên sàn nhảy. Đó là ammoniac, a-xít clohydric hay nước tẩy Javel ? Những tiếng la hét át hẳn tiếng nhạc, 20 người bị thương hầu hết là trên mặt, trong đó có hai người bị ảnh hưởng nặng đến thị giác, số khác phải mang thẹo suốt đời.
Không có tuần lễ nào mà không xảy ra một vụ tạt a-xít tại thủ đô nước Anh. Số vụ tấn công bằng a-xít đã tăng 74% trong vòng một năm. Từ 2010 đến nay, đã có đến 1.800 vụ tạt a-xít ở Luân Đôn. Con số này khiến Anh quốc trở thành quốc gia có số vụ tạt a-xít cao nhất, tuy nhiên theo Acid Survivors Trust International (ASTI) thì « một phần cũng do số vụ kiện tại Anh nhiều hơn, vì người ta tin vào công lý hơn tại một số nước khác mà các vụ tấn công loại này diễn ra thường xuyên hơn ».
Những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Colombia, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, chủ yếu là đàn ông tấn công vào phụ nữ. Còn tại Anh, hai phần ba nạn nhân là nam thanh niên. A-xít nay trở thành vũ khí của các băng đảng, vì rẻ hơn và khó bị phát hiện hơn. Ngoài ra về luật pháp thì nếu tấn công bằng dao có thể bị truy tố vì tội cố sát, trong khi bằng a-xít chỉ bị tội đả thương, dẫn đến bản án nhẹ hơn. Ba phần tư các vụ tạt a-xít giữa các băng đảng không bị thưa kiện, vì đối với giới găng-tơ, việc này đáng xấu hổ trong khi bị đâm chém giúp họ có được « đẳng cấp » trên chốn giang hồ.
Sau bầu cử tổng thống, đến cuộc chiến bầu cử Quốc Hội Pháp
Các báo Pháp hôm nay dành trang nhất và nhiều trang trong cho cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới. Le Monde nói về « Macron : Hậu trường việc chọn lựa các ứng cử viên Quốc Hội ». Tổng thống tân cử Emmanuel Macron, muốn chiếm được đa số tại Quốc Hội, đã dành thời gian giải quyết những trường hợp phức tạp như cựu thủ tướng Manuel Valls muốn đứng chung dưới ngọn cờ của mình, và thu hút các nhân vật cánh hữu phía ông Alain Juppé. Tuy nhiên các chính khách cánh hữu được ngắm nghía đòi hỏi ông Macron phải bổ nhiệm thủ tướng của phe mình, trước khi chấp nhận liên kết.
Le Figaro nhận xét « Bầu cử Quốc Hội : Đối mặt với Macron, cánh hữu kháng cự, Bayrou (cánh trung) nổi loạn ». Danh sách chưa hoàn chỉnh các ứng cử viên của phong trào Cộng Hòa Tiến Bước không có nhân vật nào của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, mặt khác chủ tịch đảng cánh trung MoDem là François Bayrou tuyên bố không tán thành danh sách này.
Libération chạy tựa « Ở trung tâm cỗ máy Macron » với nhận xét, phương pháp lựa chọn người ra tranh cử giống với việc tuyển lựa nhân viên công ty hơn là chọn lựa chính khách. Còn việc huy động tài chính cho chiến dịch tranh cử thì nhắm vào giới ngân hàng và các ông chủ trẻ.
Nhật báo công giáo La Croix kêu gọi « Chỉnh đốn lại nước Pháp ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến lãnh vực truyền thông, nói về việc hai nhà tỉ phú Vincent Bolloré và Patrick Drahi củng cố vương quốc của mình.
vi.rfi.fr/…/20170512-donald-trump-watergate-va-gong-kem-dang-siet-chat-quanh-to