Thay đổi nhìn nhận về doanh nghiệp tư nhân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thay đổi nhìn nhận về doanh nghiệp tư nhân

Lan Hương, phóng viên RFA

2017-05-10

Ông Robert Hughes, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần VietJet Aviation (VIETJET AIR), hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, nói về kế hoạch kinh doanh của công ty ngày 20/12/2007 tại Hà Nội.

Ông Robert Hughes, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần VietJet Aviation (VIETJET AIR), hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, nói về kế hoạch kinh doanh của công ty ngày 20/12/2007 tại Hà Nội.

 AFP photo
Thay đổi nhìn nhận về doanh nghiệp tư nhân

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Nhiều dấu hiệu cho thấy Lãnh đạo Việt Nam hiện tại đã thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá cao hơn vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam.
Đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân là một trong 4 điểm chính được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm 5/5 vừa qua. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá vai trò đóng góp lớn của kinh tế tư nhân trong các nguồn lực xã hội.
Trong khi đó doanh giới tại Việt Nam sẽ có cuộc gặp chính thức lần thứ hai với người đứng đầu chính phủ Hà Nội vào ngày 17 tháng 5 tới đây tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. Cuộc gặp mang tên ‘Đồng hành cùng doanh nghiệp” với sự tham gia của khoảng 2000 ngàn đại biểu, trong đó có 1500 người thuộc khối doanh nghiệp tư nhân. Mục đích cuộc gặp được nói là để sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

Theo tôi đó là một nhận thức chậm nhưng thà chậm còn hơn không…Trước đây người ta cứ dựa vào doanh nghiệp nhà nước và ưu đãi đầu tư nước ngoài.
– Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Báo Dân Việt ngày 8/5 đăng bài về ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế Trung ương của đảng cộng sản Việt Nam rằng ông đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế.
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Chu Tiến Dũng, Giám đốc công ty phần mềm Quang Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:
Rõ ràng trong tất cả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng đóng góp rất quan trọng trong mức độ tăng trưởng của cả nước. Bây giờ Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đang xác định để làm rõ vai trò vị trí đó để các doanh nghiệp tư nhân yên tâm và tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế, xã hội.
Doanh nghiệp tư nhân họ tự bỏ đầu tư ra thì họ phải tính hiệu quả cho xã hội và cho chính họ. Cho nên họ tính toán các bài toán về quản lý, kinh doanh làm sao cho có hiệu quả nhất. 
Chậm còn hơn không
Nhận định về sự thay đổi trong đánh giá về vai trò doanh nghiệp tư nhân của giới lãnh đạo Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc nói với đài RFA:
Theo tôi đó là một nhận thức chậm nhưng thà chậm còn hơn không. Tức là bây giờ người ta đã nhận thấy rõ kinh tế tư nhân có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển. Trước đây người ta cứ dựa vào doanh nghiệp nhà nước và ưu đãi đầu tư nước ngoài. Thế nhưng đầu tư nước ngoài đâu có đến được vùng sâu vùng xa, rồi trên miền núi, nên phải dựa vào kinh tế tư nhân để tạo ra công ăn việc làm, sự chuyển biến trong kinh tế xã hội.
Tôi hi vọng là sắp tới đây sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh để kinh tế tư nhân có thể phát triển và đóng góp một cách xứng đáng vào nền kinh tế Việt Nam.
7aeaa43f-2ad7-42f0-9bf9-70d6a6cd23c5-400.jpg
Hãng taxi Sao Saigon, một doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM. AFP photo
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước lần thứ nhất diễn ra sáng 26/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Văn Bình cho biết số lượng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng mạnh, năm 2002 chỉ có hơn 55.000 doanh nghiệp đã vượt lên con số hơn 495.000 năm 2015 với doanh thu tăng 4,4 lần. Theo thống kê, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Ông Bình cũng dẫn số liệu cho thấy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 -2015.
Như vậy tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế Nhà nước hiện tại đã đứng sau kinh tế tư nhân mặc dù nhiều năm doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích nguyên nhân chính:
Doanh nghiệp Nhà nước không có chế độ quản lý rõ ràng và không có sự giám sát quyền lực. Các doanh nghiệp này lúc nào cũng phải chiều, phải đãi, phải có quan hệ tốt với các Bộ. Khi được các doanh nghiệp chiều đãi thì Bộ cũng không thể quản lý được nữa. Vì vậy họ đầu tư không phải vì hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước mà là vì tiền túi của ai đó. 
Thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước 
Mặc dù vai trò của các doanh nghiệp tư nhân là không thể phủ nhận nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Trường Đại học kinh tế – ĐHQGHN từng phát biểu trong Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” diễn ra sáng 13/4 rằng doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với quá nhiều rào cản khiến họ không thể lớn được và thậm chí là không muốn lớn. Những rào cản này bao gồm các chi phí phát sinh nếu muốn mở rộng doanh nghiệp, cơ chế chính sách bất bình đẳng so với doanh nghiệp nhà nước, năng lực nội tại thấp và trong nhiều trường hợp, văn hoá kinh doanh còn nhiều bất cập.

Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp ấy chưa có được sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển từ nhiều mặt.
– Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Trước đó chuyên gia kinh tế Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một Việt Kiều về nước làm việc ở Hà Nội từ hơn 20 năm qua, cũng trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân:
Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp ấy chưa có được sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển từ nhiều mặt. Thí dụ doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn, nếu tiếp cận được thì lãi suất vẫn còn quá cao. Vì vậy trong thời gian tới cần có chính sách tiền tệ như thế nào để cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý. Ngoài ra Việt Nam nên nghiên cứu một tổ chức giúp đỡ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây thể hiện hơn 90% tổng số doanh nghiệp. Nhà nước nói là tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp phát triển, thế thì mọi điều kiện đó là cái gì…Nhà nước cần ngồi lại với các doanh nghiệp để đưa ra những quyết sách mới…
Tháng 5/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và đến 1/2017 ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hai Nghị quyết quan trọng này nhằm mục tiêu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp trong 5 năm, tiến tới năm 2020 có tổi thiểu 1 triệu doanh nghiệp. Theo đó Chính phủ sẽ thực hiện quyết sách Chính Phủ kiến tạo – Chính Phủ phục vụ – Chính phủ hành động vì người dân và vì doanh nghiệp, để đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.