Tin Khắp Nơi – 10/05/2017
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionJames Comey
Tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải giám đốc FBI vì cách thức điều tra vụ email của bà Hillary Clinton.
Nhà Trắng gây sốc cho dư luận tại Washington khi loan báo ông James Comey bị sa thải.
Người ta được biết rằng tuần rồi ông Comey đã cung cấp thông tin không chính xác khi điều trần trước Quốc hội về vụ email của bà Clinton.
FBI cũng đang điều tra cáo buộc có liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Đảng Dân chủ ngay lập nói ông Trump sa thải ông Comey để gây ảnh hưởng cuộc điều tra FBI về can thiệp của Nga.
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã cho rằng ông Comey không thể lãnh đạo FBI.
Hôm 3/5 ông Comey nói với một ủy ban thượng viện rằng cố vấn của bà Clinton, Huma Abedin, đã chuyển “hàng trăm, hàng ngàn” email cho chồng.
Nhưng sau đó FBI nói bà Abedin chỉ chuyển hai tệp email cho chồng để in.
Ông Comey đã gây tranh cãi vì cách thức điều tra liệu bà Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân khi làm ngoại trưởng có vi phạm an ninh quốc gia không.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016, ông có hai lần can thiệp khi ra tuyên bố về cuộc điều tra.
Hồi tháng Bảy ông nói nên khép vụ việc. Nhưng 11 ngày trước khi bầu cử tháng 11, ông nói đã mở lại điều tra.
Bà Clinton nói ông Clomey có vai trò khiến bà bị thất bại.
www.bbc.com/vietnamese/world-39866655
Tân tổng thống Nam Hàn tuyên thệ nhậm chức
Tân tổng thống Nam Hàn, ông Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức sau khi đã có một chiến thắng tuyệt tối trong cuộc bầu cử.
Vị luật sư nhân quyền 64 tuổi, được biết đến với các quan điểm dân chủ, thề sẽ đoàn kết quốc gia đang bị chia rẽ.
Nam Hàn vẫn còn sôi sục sau vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc phế truất bà Park Geun-hye.
Ông Moon cũng hứa vực dậy nền kinh tế yếu ớt, và muốn tăng cường đối thoại với Bắc Hàn.
Ông chính thức khởi đầu kỳ nhiệm mới sáng 10/5 sau khi hội đồng bầu cử Nam Hàn tuyên bố ông là người thắng cuộc, lấp đi khoảng trống chính trị sau khi bà Park mất chức.
Luật sư nhân quyền ‘làm tổng thống Nam Hàn’
Người dân Nam Hàn đi bầu tổng thống mới
Truyền thông Nam Hàn nói ông đã có cuộc trao đổi với tổng tham mưu quân đội về an ninh nội địa và Bắc Hàn.
Ông Moon tuyên thệ thành tổng thống thứ 19 của Nam Hàn trong buổi lễ diễn ra tại tòa nhà Quốc hội trưa 10/5.
Ông Moon là ai?
- Là con của gia đình tỵ nạn đến từ Bắc Hàn, ông Moon đã phục vụ trong lực lượng biệt kích Nam Hàn trước khi trở thành luật sư nhân quyền.
- Là người ủng hộ đối thoại với miền Bắc trong khi vẫn duy trì áp lực và lệnh trừng phạt, chủ trương ngược lại với người tiền nhiệm.
- Mong muốn cải cách hệ thống tập đoàn gia đình trị tại Nam Hàn đang thống trị nền kinh tế
- Đã bị bắt giam khi còn là sinh viên trong những năm 1970 vì dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chế độ Park Chung-hee, cha của bà Park.
- Một trong những cố vấn cao cấp của cố tổng thống dân chủ Roh Moo-hyun.
Ông Moon, ứng viên đảng Dân chủ, giành 41,1% số phiếu hôm 9/5, trong khi đối thủ bảo thủ Hong Joon-pyo được 25,5% số phiếu.
Ứng viên trung tả Ahn Cheol-soo, người được nhận định là một đối thủ mạnh, đứng thứ ba với 21,4%.
Phát biểu trước những người ủng hộ tối 9/5, ông Moon nói ông sẽ phục vụ tất cả công dân Nam Hàn và xây dựng “một đất nước công bằng và đoàn kết”.
Ông Moon cho rằng ông là người có thể đưa đất nước thoát khỏi cái bóng bê bối của bà Park.
Ông chỉ trích hai chính quyền bảo thủ trước đây vì đã không ngăn được việc Bắc Hàn phát triển vũ khí.
Tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên khiến cuộc bầu cử Nam Hàn được cả thế giới theo dõi sát sao, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu tại Nam Hàn vẫn là vấn đề tham nhũng và kinh tế, khi tình trạng thất nghiệp còn cao.
Ông Moon hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề này thông qua cải tổ, bao gồm đảm bảo một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.
www.bbc.com/vietnamese/world-39867146
Ngoại trưởng Nga tìm kiếm sự hỗ trợ của Donald Trump về Syria
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 10/05/2017 tiếp ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, đến Washington với mục đích mong Hoa Kỳ ủng hộ kế hoạch của Matxcơva được cho là nhằm làm giảm bạo lực tại Syria. Đây là lần đầu tiên ông Trump tiếp một quan chức cao cấp Nga, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng và nội tình Mỹ cũng xáo trộn.
Ông Lavrov trước hết gặp gỡ đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson, một hôm sau khi giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị cách chức, trong lúc cơ quan này đang điều tra về nghi vấn có sự thông đồng giữa những người thân cận của ông Donald Trump với chính quyền Nga. Sau đó ngoại trưởng Nga sẽ hội kiến với tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu Dục.
Thứ Năm tuần trước tại Astana, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký một bản kế hoạch của Nga, có hiệu lực từ thứ Bảy tới. Kế hoạch này đề nghị thành lập bốn « vùng giảm căng thẳng », bên cạnh đó là các « vùng an ninh » với các trạm kiểm soát, các trung tâm giám sát do lực lượng của ba nước trên phụ trách, có thể bổ sung thêm những bên khác.
Hoa Kỳ vốn chỉ là quan sát viên tại Astana, đã tỏ ra hết sức thận trọng trước kế hoạch này. Tất cả các thỏa thuận ngưng bắn tại Syria trước nay đều thất bại.
Vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Obama đã dần dà để cho Matxcơva nắm lấy quyền chủ động trong hồ sơ Syria. Bất đồng lớn nhất từ sáu năm qua giữa Nga và Mỹ là số phận của tổng thống Syria Bachar Al Assad, và khi ông Donald Trump lên nắm quyền thì lại càng tệ hại hơn, từ khi tổng thống Mỹ cho oanh kích một căn cứ không quân Syria vào đầu tháng Tư sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
vi.rfi.fr/…/20170510-ngoai-truong-nga-tim-kiem-su-ho-tro-cua-donald-trump-ve-syr.
Tổng thống tân cử Pháp Macron muốn có một Châu Âu năng động hơn
Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron hôm qua 09/05/2017 nhân Ngày Châu Âu, trong một thông điệp video đã bày tỏ mong muốn châu Âu « có thể lại tiến bước », một châu Âu mạnh mẽ hơn, đồng thời bảo vệ được các công dân.
Theo ông Macron, cần có « một châu Âu vững mạnh có thể đối thoại với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các cường quốc khác, một châu Âu bảo vệ những giá trị của mình. Nhưng chúng ta cũng cần một châu Âu hỗ trợ được cho các công nhân, người lao động, thợ thủ công, nhà buôn…, bảo đảm được sự hài hòa trong một thế giới ngày càng bất định, ngày càng chao đảo ».
Tân tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố : « Tôi sẽ không là một tổng thống chỉ biết ngồi nhìn. Tôi là tổng thống nước Cộng hòa Pháp, người muốn rằng châu Âu hôm nay và ngày mai sẽ lại tiến bước, xứng đáng với những lời hứa trong quá khứ để mang đến những hứa hẹn cho tương lai ». Ông cho rằng đây không phải là việc « bảo vệ một châu Âu ngây thơ, đôi khi kém hiệu quả, mà chúng ta cần có một châu Âu thuyết phục hơn về chủ đề khí hậu, an ninh, quan hệ quốc tế ».
Tuần tới, ông Macron trong chuyến công du đầu tiên sẽ gặp gỡ thủ tướng Đức Angela Merkel. Hôm qua, bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schaüble tuyên bố Đức sẽ làm mọi cách để giúp Emmanuel Macron tăng cường Liên Hiệp Châu Âu và liên minh tiền tệ.
Hôm nay ông Martin Schulz, thủ lãnh phe Xã Hội Dân Chủ Đức trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Chín tới, cũng đã lên tiếng ủng hộ ý kiến của Emmanuel Macron về ngân sách chung của các nước khu vực đồng euro. Theo ông Macron, nên bổ nhiệm một bộ trưởng Tài Chính chung cho eurozone.
Tổng thống tân cử Pháp cũng đã điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài, như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Norendra Modi, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, quốc vương Maroc Mohammed VI.
Trên lãnh vực kinh tế, các thị trường chứng khoán châu Âu hôm qua tiếp tục tăng nhẹ, các nhà đầu tư tỏ ra an tâm khi ứng cử viên ủng hộ châu Âu thắng cử.
vi.rfi.fr/phap/20170510-tong-thong-tan-cu-phap-macron-muon-co-mot-chau-au-nan..
Tân tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng thăm Bắc Triều Tiên
Tân tổng thống cấp tiến Hàn Quốc Moon Jae In của đảng Dân Chủ vừa tuyên thệ hôm nay 10/05/2017, trong bài diễn văn nhậm chức đã cho biết sẵn sàng đến Bình Nhưỡng để đối thoại. Thái độ cởi mở với Bắc Triều Tiên cho thấy việc ông Moon lên nắm quyền là một bước ngoặt ngoại giao trong khu vực.
Từ Séoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :
« Không phải chờ đợi lâu : vừa mới đắc cử, ông Moon Jae In đã tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nếu hoàn cảnh cho phép. Ông cũng nói sẽ bay sang Washington, Bắc Kinh và Tokyo nếu cần.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae In đã nhắc đi nhắc lại là ông muốn tái lập đối thoại với Bình Nhưỡng, cũng như các dự án hợp tác kinh tế chung đã trở thành con số không sau 10 năm phe bảo thủ cầm quyền tại Séoul.
Về điểm này, ông Moon có thể xung đột với Hoa Kỳ, vốn đòi hỏi tăng cường chính sách trừng phạt. Vấn đề gai góc là việc bố trí hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc cũng có thể gây căng thẳng.
Nhưng dù sao đi nữa Moon Jea In vẫn có thể tìm được một điểm chung với Donald Trump : tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố sẽ « hân hạnh » gặp Kim Jong Un « nếu các điều kiện được hội đủ ». Tân tổng thống Hàn Quốc đã trả lời rằng ông hoan nghênh « cách tiếp cận thực dụng này » để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ».
Tổng thống tân cử đã bổ nhiệm Lee Nak Yon, nguyên là nhà báo và cựu dân biểu vào chức vụ thủ tướng. Tân giám đốc cơ quan tình báo là Suh Hoon, người từng đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Theo hãng tin Yonhap, ông Moon Jae In sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay.
Về đối nội, ông Moon phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trước hết là hậu quả của xì-căng-đan tham nhũng đã khiến người tiền nhiệm là nữ tổng thống bảo thủ Park Geun Hye bị truất phế. Vụ này đã đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa chính quyền và các đại tập đoàn đang thống trị nền kinh tế thứ tư châu Á. Trong bài diễn văn hôm nay, ông Moon Jae In có nhắc đến chủ đề này và hứa hẹn một xã hội « bình đẳng về cơ hội ». Ông cũng hứa : « Tôi lên cầm quyền với bàn tay trắng, và tôi cũng sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng ».
Moon Jae In : Từ đấu tranh vì dân chủ đến tổng thống Hàn Quốc
Ứng cử viên trung tả, Đảng Dân Chủ, Moon Jae In đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 09/05/2017, với 41,4% phiếu. Chiến thắng của cựu luật sư nhân quyền, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, đã chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của đảng bảo thủ.
Cuộc đời của tổng thống tân cử Hàn Quốc gắn liền với biến động của lịch sử đất nước. Ông Moon Jae In sinh năm 1953, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, nhưng không có hòa bình bởi đó là điểm khởi đầu đất nước bị chia cắt hai miền Nam – Bắc.
Ông là con cả trong một gia đình có 5 người con, từ miền Bắc chạy vào Nam lánh nạn chiến tranh từ năm 1950. Cả gia đình cuối cùng đến định cư tại Busan, thành phố cảng lớn ở phía đông nam đất nước. Sống trong một gia đình nghèo, cũng bị chịu những nỗi đau ly tán như bao gia đình Triều Tiên khác, ông Moon luôn mơ ước một ngày bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
Sự nghiệp của ông Moon cũng đã qua những bước thăng trầm. Từng là luật sư bảo vệ nhân quyền, rồi trở thành nhà đấu tranh vì dân chủ.
Năm 1972, bước chân vào trường Đại học Kyung Hee, Seoul, được 3 năm, Moon Jae In đã bị bắt và bị đuổi khỏi trường vì tổ chức sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài Park Chung Hee, cha của cựu tổng thống Park Geun Hye vừa bị phế truất.
Được tự do, ông lại lao vào đấu tranh chống lại vụ đảo chính Chun Doo Hwan năm 1979 để rồi một lần nữa lại bị ngồi tù năm 1980.
Hai năm sau đó, ông thi đỗ làm luật sư và mở văn phòng luật tại Busan, chuyên về nhân quyền và luật dân sự. Ông chỉ thực sự bước chân vào con đường chính trị từ năm 2003, khi được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cho cựu tổng thống Roh Moo Hyun. Năm năm sau, phe bảo thủ lên nắm quyền với tổng thống Lee Muyng Bak. Moon Jae In chỉ trở lại chính trường vào năm 2012 với nhiệm kỳ dân biểu.
Cuối năm 2016, vụ « bê bối Choi Soon Sil » thao túng quyền lực tổng thống bung ra, đảng đối lập của ông đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi phế truất tổng thống Park Geun Hye. Sự phẫn nộ của dân chúng với chính quyền bảo thủ đã đưa Moon Jae In lên lãnh đạo đất nước.
Mong ước của người dân muốn thay đổi toàn bộ diện mạo chính trị, kinh tế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã được trao cho ông Moon Jae In, một người vẫn được mô tả là thực dụng.
vi.rfi.fr/chau-a/20170510-tan-tong-thong-han-quoc-san-sang-tham-bac-trieu-tien
Hiệp định TPP có thể vận hành dù không có Mỹ ?
Khi Donald Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, nhiều người cho rằng văn kiện phải thương thảo gay go giữa 12 nước Thái Bình Dương trong đó có Mỹ, Nhật và Việt Nam… đã bị khai tử. Thế nhưng trong bài viết mang tựa đề « Liệu Hiệp định TPP có thể vẫn được thúc đẩy mà không cần Mỹ hay không ? Can TPP go ahead without America ? » dưới một tiểu tựa « Trở về từ cõi chết – Back from the dead », tuần báo Anh The Economist, số 04/05/2017 đã cho rằng dù không có Mỹ, hiệp định vẫn có lợi cho 11 nước còn lại.
The Economist nhắc lại bối cảnh : Chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mâu dịch với 12 thành viên mà người tiền nhiệm Obama muốn để lại như di sản của ông ở châu Á. Khi làm như vậy, ông Trump chỉ thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử…
11 nước còn lại bị chấn động, không chỉ là vì thái độ của tân tổng thống Mỹ, thù ghét vai trò truyền thống của Hoa Kỳ vốn cổ vũ cho một trật tự thương mại mở rộng, dựa trên quy tắc pháp luật, mà nhờ đó vùng Châu Á-Thái Bình Dương đã hưởng lợi nhiều nhất. Các nước còn bị sốc là vì nếu không có Mỹ, tập trung 3/5 GDP của cả khối, thì TPP đúng là, theo từ ngữ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, « không có ý nghĩa gì cả ».
Nói cho cùng thì sau khi phải đổ biết bao công sức và vốn liếng chính trị để đạt được thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2015, mà chỉ có Nhật Bản là đã phê chuẩn, thì lúc tổng thống Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP, gần như mọi người đều đồng ý là Hiệp Định đó chỉ đáng được chôn vùi.
Cuộc họp hồi sinh
Nhưng 3 tháng sau, tình hình quả là đã khác hẳn. Tại Toronto, trong tuần qua (hai ngày 02-03/05), 11 quốc gia còn lại trong TPP –Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc, Việt Nam – đã gặp nhau để thảo luận về phương cách thúc đẩy hiệp định đối tác mà không có Mỹ. Vào cuối tháng 5, các quốc này sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội để bàn thảo sâu hơn. The Economist tin chắc rằng ở Hà Nội, TPP sẽ được hồi sinh.
Đối với tuần báo Anh, điều này, thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc. Nhưng, cho dù ông Trump tự cho là TPP bất lợi cho Mỹ, chính những nước khác trong hiệp định đã phải ‘nhượng bộ’ nhiều nhất trong việc mở cửa thị trường của mình. Họ làm như vậy vì trọng lượng to lớn của thị trường Mỹ. (Bản thân mức thuế mà họ dựng lên cũng không tốt cho những người tiêu dùng của họ, nhưng điều đó chưa bao giờ là mối quan tâm chính trị của các nước đó.)
Một số nước, như Nhật Bản chẳng hạn, còn xem TPP là một dấu ấn thể hiện quyết tâm chiến lược của Mỹ, can dự vào châu Á trước một Trung Quốc ngày càng vươn lên. Cho nên họ hứa hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa công nghiệp dịch vụ cho đầu tư và cạnh tranh, tăng cường bảo vệ tác quyền và thắt chặt chuẩn mực môi trường. Và như một số người thúc đẩy hiệp định nhận định, đó là thực sự là một thỏa thuận có « chuẩn mực thượng đẳng ».
Dù không có Mỹ, với TPP Việt Nam vẫn được lợi
Deborah Elms thuộc trung tâm Asian Trade Centre, một nhóm tham vấn thương mại tại Singapore, đánh giá là 11 nước còn lại trong hiệp định vẫn có lợi to lớn khi tham gia khối này, cho dù không có Mỹ… Những nước nghèo nhất như Việt Nam cũng được lợi, công ty may mặc, giày dép với nhân công rẻ, sẽ được lợi khi thâm nhập thị trường các thành viên khác giàu hơn.
Bà Elms nêu ví dụ Úc đánh thuế 9,5% trên quần áo tắm. Nếu tính mỗi một người ưa thích biển có ít ra 3 hay 4 bộ áo tắm, thì chỉ riêng Úc thôi đã là một thị trường béo bở đối với các chiếc bikini hay quần bơi khác của Việt Nam.
Một số khía cạnh của việc thực thi một thỏa thuận không có Mỹ có thể còn dễ dàng hơn. Ví dụ như Việt Nam, một nước Cộng Sản, đã bị buộc phải chấp nhận một bản phụ lục với Mỹ về những chuẩn mực lao động cao hơn, kể cả việc cho phép các công đoàn lao động độc lập. Nay Mỹ rút đi, điều không mấy được Việt Nam ưa thích cũng bi bỏ đi theo.
Nhưng đa số quốc gia đã ngần ngại, không muốn bị xem là đi đầu trong việc làm sống lại TPP – chỉ có New Zealand luôn là nhà vô địch kiên trì của tự do mậu dịch. Đối với một số nước, Malaysia, Singapore, Việt Nam, mối quan ngại lớn là câu lạc bộ được hồi sinh này không bị xem là một sáng kiến chống lại Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, ngược lại thì đây là điểm cốt yếu, tuy rằng Tokyo chưa bao giờ công khai thừa nhận. Mối quan ngại lớn đối với Nhật, nước lệ thuộc vào Mỹ trong lãnh vực an ninh, là làm sao để không bị xem là chống lại Trump.
Nhật Bản năng nổ trong việc khôi phục TPP
Chuyến đi đánh golf của ông Abe tại Mar-a-Lago với tổng thống Mỹ vào tháng Hai vừa qua đã rất có lợi. Thông cáo chung hai bên sau đó khẳng định Nhật « tiếp tục thúc đẩy tiến bộ khu vực trên cơ sở những sáng kiến hiện hữu ». Nói cách khác, ông Trump « ban phép lành » cho Nhật thúc đẩy TPP tiếp tục đi tới.
Cuộc họp ở Hà Nội là sáng kiến của Tokyo. Phần lớn thành viên khác, sau khi được trấn an là một TPP hồi sinh sẽ không chống Trung Quốc, mà cũng không chống Trump, đã sẵn sàng đi theo.
Một loạt đàm phán đa phương khác đang được tiến hành để tự do hóa mậu dịch ở Châu Á trong khuôn khổ khối Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực gọi là RCEP, mà một số người, theo The Economist, đã nhầm tưởng là một sáng kiến của Trung Quốc và tỏ ra nghi kỵ.
Thực ra, như đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan đã nhấn mạnh, RCEP là sáng kiến của 10 quốc gia Đông Nam Á ASEAN, và dự kiến sẽ hòa nhập vào những thỏa thuận mà ASEAN có với sáu đối tác khác. Trong đó dĩ nhiên là có Trung Quốc, nhưng 4 nước khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và nước thứ sáu là Ấn Độ, một nước mà ông Kausikan cho là « khó có thể bị xem là con rối của Trung Quốc ».
Mặt khác thì phạm vi của TPP và RCEP có thể gần sát nhau hay « hòa nhập » vào nhau vì có chung 7 thành viên. Tuy nhiên RCEP không thuộc diện có « chuẩn mực thượng đẳng ». TPP sẽ mở cửa tất cả dịch vụ cho tất cả các thành viên, trong lúc khi cuộc thương lượng về RCEP, hiện chỉ đi những bước chậm chạp, từ một cơ sở thấp. Bà Elms từng nêu một ví dụ: các bên trong RCEP đã xem như một bước đột phá lớn khi thành viên ASEAN đồng ý với nhau về việc cho phép nước ngoài cạnh tranh trên thị trường giao hàng ăn bằng xe hai bánh !
Tuy nhiên còn phải làm nhiều việc trước khi TPP vươn lên trở lại. Ê kíp 11 nước còn lại cần phải tìm ra từ ngữ để giải quyết việc thỏa thuận năm 2015 liên quan đến 12 thành viên. Điều này cũng có thể tìm ra.
Nhiều nước còn hy vọng là một chính quyền tương lai ở Washington sẽ nhìn thấy những thiệt hại mà ông Trump gây ra cho uy tín của nước Mỹ khi rút lui khỏi TPP, và sẽ quan tâm trở lại đến thương mại Châu Á.
Trong phần kết luận, tác giả bài viết nhìn thấy hớm hỉnh : ‘ Cho đến lúc này, trong lúc chuẩn bị thúc đẩy lại hiệp định, 11 nước trong TPP có thể tự an ủi là nếu không có sức ép của Mỹ trong các thương lượng lúc ban đầu, thì lúc này sẽ không có thỏa thuận nào để làm sống lại.
vi.rfi.fr/quoc-te/20170510-hiep-dinh-tpp-co-the-van-hanh-du-khong-co-my
Tuần tra bảo vệ tự do hàng hải sẽ tiếp tục tại Biển Đông
Hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOPs tại khu vực tranh chấp Biển Đông sẽ được tiếp tục. Đây là khẳng định mới được tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, Gary Ross, đưa ra vào ngày 9 tháng 5 và được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng loan đi ngày 10 tháng 5.
Theo lời ông Gary thì Hải quân Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục hoạt động FONOPs như từng làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai; và hoạt động đó không nhắm vào một quốc gia nào.
Giới quan sát nhận thấy từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức đến nay, Hải quân Hoa Kỳ chưa tiến hành một chuyến hải hành bảo vệ tự do hàng hải FONOPs nào ở khu vực tranh chấp Biển Đông nên mới có suy đoán đây có thể là một biện pháp dùng để trao đổi với phía Trung Quốc.
Dưới thời của tổng thống Barack Obama, từ năm 2013 đến năm 2016 Hoa Kỳ tiến hành 6 cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải FONOPs
www.rfa.org/…/us-patrols-challeng-beijing-scs-will-continue-says-us-navy-commande
Cảnh sát Myanmar nổ súng giải tán biểu tình
Cảnh sát Miến Điện nổ súng để giải tán vụ đụng độ ở thành phố Yangoon giữa những người Phật giáo quá khích và thiểu số Hồi giáo.
Đụng độ đã xảy ra sau khi những nhóm dân tộc chủ nghĩa Phật giáo nói rằng có nhiều người Hồi giáo mà họ gọi là người Bangladesh đang trốn tránh tại một thị trấn nhỏ trong vùng phụ cận của Yangon.
Theo cảnh sát thì khi những người dân tộc chủ nghĩa than phiền điều đó, thì những người Hồi giáo trong khu vực cũng bắt đầu tụ tập lại để đối chọi.
Những người theo Hồi giáo thuộc cộng đồng thiểu số ở Miến Điện. Trong số này có nhóm thiểu số Rohyngia, sống chủ yếu ở bang Rakhine miền Tây nước này. Dân Miến Điện theo Phật giáo nói rằng người Rohingya là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh sang.
Tình trạng chống đối người Rohyngia khiến nhiều người trong số này phải trốn sang các quốc gia Hồi giáo Đông Nam Á khác như Malaysia và Indonesia.
Trong một diễn biến mới nhất, nhà cầm quyền Bangladesh đã bắt giữ một nhóm người Rohyngia, cùng với hai người Bangladesh, đang tìm đường sang Malaysia bằng thuyền xuất phát từ lãnh thổ Bangladesh. Hai người Bangladesh này bị buộc tội là tổ chức đường dây vượt biên trái phép.
www.rfa.org/…/police-fire-shots-break-up-myan-nationalist-muslim-scuffle-0510201
Philippines: Tổng thống bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao
hượng nghị sĩ Philippines, Alan Peter Cayetano, người ủng hộ chiến dịch chống ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte, vừa được người đứng đầu chính quyền Manila chỉ định làm tân ngoại trưởng nước này.
Tổng tống Philippine, ông Duterte công bố với phóng viên hôm thứ Tư, 10 tháng 5 về quyết định vừa nêu trước khi bay sang Campuchia để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.
Tin từ AP cho biết ông Cayetano, 46 tuổi, là một luật sư và cựu dân biểu Hạ viện, người được bầu vào Thượng viện cách đây 10 năm. Ông này thua trong cuộc chạy đua vào ghế phó tổng thống hồi năm ngoái.
Vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, Quốc hội Philippines đã bác bỏ việc Tổng thống Duterte bổ nhiệm ông Perfecto Yasay làm Ngoại trưởng vì những vấn đề liên quan đến tư cách công dân gây tranh cãi của chính khách này.
www.rfa.org/…/phi-leader-names-his-senator-ally-new-foreign-chief-0510201711391.
Trump tiếp Ngoại trưởng Nga tại Bạch Ốc
Tổng thống Donald Trump đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Tư 10/5 tại Tòa Bạch Ốc.
Hai ông Trump và Lavrov nói họ đã thảo luận về sự cần thiết phải làm việc cùng nhau để chấm dứt xung đột ở Syria và ông Trump nhấn mạnh cam kết của chính phủ Mỹ với việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của ông Trump với một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1.
Sau khi gặp, ông Trump nói cuộc gặp “rất tốt đẹp”.
Ông phát biểu: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm rất tốt về vấn đề Syria, tôi nghĩ rằng nhiều điều đang diễn ra, chúng thực sự rất tích cực”.
Ông Lavrov cho biết hai nhà lãnh đạo dành phần lớn thời gian thảo luận về các khu vực xuống thang căng thẳng ở Syria. Ông nói hai nước đã có “sự hiểu biết chung” về tính hữu dụng của các khu vực giảm căng thẳng.
Trong một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Nga ở Washington, ông Lavrov nói: “Đó sẽ là một bước góp phần giải quyết các vấn đề nhân đạo”.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã đón tiếp ông Lavrov tại Bộ Ngoại giao.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-tiep-ngoai-truong-nga…bach…/3846360.htm
Ðông Nam Á bi quan với chính quyền Trump
Bất chấp những nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vươn đến các nước Ðông Nam Á, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy niềm tin vào mối quan hệ này đang ở mức thấp.
Cuộc nghiên cứu trên mạng nhan đề “Các nước Ðông Nam Á cảm nhận về chính quyền Trump như thế nào?” do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện. Trung tâm này nhận được phúc đáp từ 300 giới chức của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và ký giả ở ASEAN.
Khoảng 43% trả lời nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump “không quan tâm” đến Ðông Nam Á, và 37% trả lời là “có quan tâm.” Tương tự như vậy, khoảng 43% cho rằng giao tiếp và hợp tác của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi và Mỹ sẽ “không còn trách nhiệm” như là một đồng minh giống như trước đây 4 tháng nữa.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm cách trấn an những lo lắng đó bằng nhiều nỗ lực vươn đến khu vực này. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lần đầu tiên mời các bộ trưởng ngoại giao và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN đến họp tại thủ đô Washington.
Hội nghị đã bàn về các vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên, và Biển Đông.
100 ngày đầu của tân chính quyền Tổng thống Trump bị đánh giá là thiếu sự giao tiếp với một khu vực từng có các mối quan hệ mạnh mẽ với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama dưới chính sách “xoay trục sang châu Á.”
Trước cuộc họp với của Ngoại trưởng Tillerson với các quan chức ASEAN, Tổng thống Trump đã ngỏ lời mời các nhà lãnh đạo Singapore, Thái Lan và Philippines đến thăm Tòa Bạch Ốc, và ông cũng dự định sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng 11.
Nhưng cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% tin là Tổng thống Trump “chắc chắn” sẽ đến dự hội nghị ở khu vực, 38% nghĩ là “có khả năng,” và 32% nói là “sẽ không xảy ra.”
Một kết quả không gây ngạc nhiên là với nhận thức Mỹ giảm bớt sự hiện diện thì Trung Quốc sẽ tăng ảnh hưởng lên trong khu vực, 44% đồng ý rằng Ðông Nam Á “ổn định và an inh hơn khi có các hoạt động của Mỹ,” và hơn 51% tin rằng Mỹ đã đánh mất cơ sở chiến lược vào tay Trung Quốc kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, và 73% tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Ðông Nam Á. Chỉ có 3,5% nói Mỹ vẫn giữa danh hiệu đó.
Đa số các trả lời được gởi đến từ Myanmar, Philippines và Việt Nam, mặc dù cuộc thăm dò nhắm đến cả 10 nước ASEAN.
https://www.voatiengviet.com/a/dong-nam-a-bi-quan…chinh…trump/3846161.html