Tin Khắp Nơi – 09/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 09/05/2017

Tổng thống tân cử Hàn Quốc Moon Jae In vui mừng chiến thắng. Ảnh ngày 09/05/2017.Reuters

 

Hàn Quốc: chính trị gia trung tả Moon Jae In trúng cử tổng thống

Theo truyền thông Hàn Quốc, ứng cử viên Moon Jae In của đảng Dân Chủ trung tả đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 09/05/2017. Ông lên cầm quyền trong bối cảnh người kế nhiệm, bà Park Geun Hye, bị truất phế vì dính líu đến một tai tiếng tham nhũng lạm quyền nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, cả ba đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đều loan báo là ông Moon Jae In đắc cử với tỷ lệ áp đảo là 41,4%. Tổng thống Hàn Quốc tân cử nguyên là một luật sư nhân quyền, trợ lý hàng đầu của cựu tổng thống Roh Moo-Hyun.

Tổng thống Hàn Quốc được bầu theo phương thức đa số đơn danh một vòng và không được quyền tái ứng cử.

Đối thủ trực tiếp của ông là Hon Joon Pyo, ứng viên bảo thủ xuất thân từ đảng của bà Park Geun Hye, tuy về nhì, nhưng bị bỏ xa đằng sau, chỉ được 23,3% số phiếu. Về thứ ba là ứng cử viên cánh trung Ahn Cheol Soo được 21,8%.

Dù trên đây chỉ là kết quả thăm dò, nhưng kết quả thực tế được cho là sẽ tương tự, nhất là khi khoảng cách giữa người dẫn đầu và người đi sau quá lớn như vậy.

Dân Hàn Quốc nô nức đi bầu

Theo AFP, người dân Hàn Quốc đã rất hăng hái đi bầu. Một tiếng đồng hồ trước khi phòng phiếu đóng cửa, tỷ lệ đi bầu đã đạt 75,1%. Nhân đợt bỏ phiếu trước vào tuần qua, 20% cử tri đã đến phòng phiếu, một con số được cho là cao kỷ lục, chứng tỏ mong muốn thay đổi của người dân Hàn Quốc.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

Một ngọn gió phấn khởi đã thổi trên cuộc bầu cử này. Người dân Hàn Quốc muốn chấm dứt với nạn tham nhũng được đưa ra ánh sáng với vụ tai tiếng đã nhận chìm bà tổng thống Park Geun Hye và cũng làm cho một phần dân chúng quan tâm trở lại đến đời sống chính trị, nhất là giới trẻ.

Cuộc bỏ phiếu hôm nay trước tiên có hệ quả kinh tế và xã hội : phần đông cử tri quyết định tùy theo những vấn đề xã hội – bảo hiểm xã hội, bất bình đẳng ngày càng tăng, công việc làm bấp bênh hay việc cải tổ các tập đoàn mang tính cách gia đình trị bị tố cáo tham nhũng.

Tình hình căng thẳng với Bắc Triều Tiên thời gian gần đây làm cho vấn đề quan hệ với người anh em phương Bắc và quan hệ với nước Mỹ của Donald Trump, chiếm một vị trí quan trọng hơn trong cuộc bầu cử lần này so với những lần trước đây. Những lời đe dọa của tổng thống Mỹ đối với Bình Nhưỡng đã gây lo ngại.

Tất cả các ứng cử viên đều muốn Hàn Quốc chủ động trở lại trong ván cờ ngoại giao lớn trên bán đảo sau nhiều tháng bị gạt qua một bên. Ứng viên đảng Dân Chủ Moon Jae In, còn cho biết ông sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un“.

Với việc ông Moon Jae In trở thành tổng thống, theo giới quan sát, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ bớt căng thẳng do quan điểm ôn hòa của ông đối với Bình Nhưỡng. Khi tranh cử, ông không ngần ngại công khai kêu gọi thống nhất về kinh tế, chính trị và quân sự với Bình Nhưỡng.

Quan điểm hòa hoãn của ông Moon Jae In với Bắc Triều Tiên cũng dễ hiểu : ông và cố tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đều ủng hộ chính sách Vầng Thái Dương (từ năm 1998 đến 2008) của đảng Dân Chủ và của ông Kim Dae Jung, hòa dịu với Bắc Triều Tiên với hy vọng hướng Bình Nhưỡng đi theo con đường mở cửa và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng quan hệ với Mỹ có thể phức tạp hơn, nếu ông Moon thực hiện lời hứa lúc tranh cử là xem xét lại việc triển khai hệ thống lă chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ.

Quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh cũng được cho là sẽ bớt căng thẳng.

vi.rfi.fr/…/20170509-han-quoc-chinh-tri-gia-trung-ta-moon-jae-in-dac-cu-tong-thon…

 

Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Na Uy

Nhiều quan chức Bắc Triều Tiên và một nhóm chuyên gia Mỹ ngày 08/05/2017 bắt đầu thảo luận tại Oslo, Na Uy. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng và Washington đang tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc gặp gỡ giữa các quan chức của Bình Nhưỡng và các chuyên gia dân sự Mỹ bắt đầu từ hôm qua ở ngoại ô Oslo và tiếp tục vào hôm nay 09/05.

Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là bà Choe Son-hui, vụ trưởng vụ Bắc Mỹ, bộ Ngoại Giao. Trưởng phái đoàn Mỹ là bà Suzanne DiMaggio, giám đốc New America, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Các cuộc gặp không chính thức giữa đại diện các tổ chức dân sự, phi chính phủ, hoặc quan chức cấp thấp thường được gọi là Track II (Track II diplomacy).

Cuộc gặp kiểu này đã từng diễn ra một lần tại Genève, Thụy Sĩ cách đây 6 tháng. Theo Yonhap, có lẽ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không mấy chú ý tới cuộc gặp «Track II» diễn ra 2 lần/năm kiểu này. Tuy nhiên, giới chuyên gia về Bắc Triều Tiên lưu ý về thời điểm cuộc gặp lần này và cho rằng có thể đây là những cuộc thảo luận thăm dò.

Trong khi đó, trang mạng Nikkei Asian Reviews cho biết Hoa Kỳ đã báo cho Trung Quốc biết về kế hoạch  Washington hứa sẽ không làm gì có hại cho Kim Jong Un nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Mỹ đưa ra bốn lời hứa : không yêu cầu thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, không tìm cách lật độ  Kim Kong Un, không có hành động vượt quá ranh giới vĩ tuyến 38 giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên và không thúc đẩy thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Dường như Trung Quốc đã chuyển thông điệp của Hoa Kỳ tới Bắc Triều Tiên đồng thời cho rằng Hoa Kỳ cần đưa thêm nhiều đề xuất hơn nữa để thuyết phục Bình Nhưỡng.

Còn tại Bắc Triều Tiên, ngày 08/05/2017, một ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc, tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đã đăng bào xã luận về tình hình chính trị với tiêu đề « Cần phải chấm dứt đụng độ hai miền Nam – Bắc Triều Tiên ». 

Tác giả Sim Chol Yong phê phán các tổng thống Hàn Quốc cầm quyền trong 10 năm qua là bảo thủ, khiến căng thẳng chính trị, quân sự giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên gia tăng, làm sống lại những mâu thuẫn trước đây và đẩy hai miền tới bờ vực chiến tranh nguyên tử bất chấp mong muốn thống nhất và hòa bình của cả dân tộc Triều Tiên.

Ông Sim Chol Yong cũng nhấn mạnh rằng nếu Hàn Quốc vẫn tiếp tục có một chính phủ bảo thủ thì quan hệ giữa hai miền sẽ không thể được cải thiện và nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ ngày càng trầm trọng

vi.rfi.fr/chau-a/20170509-my-va-bac-trieu-tien-gap-nhau-tai-na-uy

 

Macron và Trump điện đàm về khủng bố và khí hậu

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 08/05/2017 đã gọi điện thoại cho tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron, trao đổi về cuộc chiến chống khủng bố và nạn biến đổi khí hậu.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết :

« Hai tổng thống Pháp và Mỹ sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 25/5, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bruxelles. Thông cáo ngắn gọn của Nhà Trắng mang những ngôn từ ngoại giao như thường lệ : nước Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ, và tổng thống Trump vui mừng được làm việc với tổng thống Macron để đối phó với những thách thức đang chờ đợi hai nước.

Nạn khủng bố, và việc kiểm soát biên giới là chủ đề ưa thích của chính quyền Donald Trump. Theo ê-kíp của Emmanuel Macron, vấn đề khí hậu và hiệp định Paris đã được tân tống thống Pháp nêu ra. Washington vẫn chưa bày tỏ quan điểm về chủ đề này. Và nếu tin vào những gì ông Donald Trump nói trong chiến dịch tranh cử trước đây, thì tình trạng trái đất nóng lên chỉ là một trò lừa đảo.

Nhưng một cuộc họp quan trọng diễn ra hôm nay tại Nhà Trắng, chính là bàn về chủ đề này. Ê-kíp của ông Trump bất đồng ý kiến với nhau, giữa những người đòi thẳng thừng rút khỏi hiệp định Paris như Steve Bannon chẳng hạn, và những người như cặp vợ chồng Ivanka và Jared Kushner, muốn Hoa Kỳ tôn trọng chữ ký trong văn bản ».

Được gần 200 quốc gia ký kết vào tháng 12/2015 trong hội nghị COP-21 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2016, trong đó có đóng góp rất lớn của ông Barack Obama, hiệp định Paris nhắm đến mục tiêu dưới 2°C, tức là không để cho nhiệt độ trên trái đất tăng ở mức này và giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

vi.rfi.fr/phap/20170509-macron-va-trump-dien-dam-ve-khung-bo-va-khi-hau

 

Indonesia: thống đốc Jakarta bị 2 năm tù vì tội báng bổ đạo Hồi

Thống đốc Jakarta, theo Thiên Chúa giáo, ngày 09/05/2017 bị kết án hai năm tù giam vì phỉ báng đạo Hồi. Bản án gây kinh ngạc và khiến người ta lo ngại xu hướng bất khoan dung về tín ngưỡng, tại Indonesia, nước Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Năm thẩm phán đã đi xa hơn đề nghị tù treo của Viện Kiểm sát, hơn nữa lại còn ra lệnh bắt giam ngay bị cáo. Bên ngoài tòa án, những người Hồi giáo bảo thủ hô vang « Thượng Đế vĩ đại ! ». Nếu một số người ủng hộ sụt sùi khóc, thì thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, biệt danh là Ahok vẫn giữ bình tĩnh, cho biết sẽ kháng cáo. Sau đó ông bị dẫn giải về một nhà tù ở Jakarta.

Vụ việc xảy ra vào năm ngoái, có liên quan trực tiếp đến chiến dịch tranh cử chức thống đốc. Tuy thất cử nhưng ông Ahok vẫn tại vị cho đến tháng 10.

Nổi tiếng là ăn nói thẳng thắn, hồi tháng 9/2016 ông Ahok tuyên bố việc một số lý thuyết gia Hồi giáo đã sai lầm khi diễn dịch một đoạn của kinh Coran, theo đó người đạo Hồi chỉ có thể bầu lên một lãnh đạo Hồi giáo. Phát biểu này đã bị phe Hồi giáo cực đoan khai thác với mục đích chính trị.

Dưới áp lực của nhiều cuộc biểu tình quy mô, cuối năm 2016 vị thống đốc bị cáo buộc tội báng bổ đạo Hồi, một tội danh có khung hình phạt 5 năm tù. Đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò, ông Ahok rốt cuộc bị một cựu bộ trưởng Giáo Dục theo đạo Hồi đánh bại. Chức vụ thống đốc thủ đô 10 triệu dân vẫn được coi là nấc thang để giành chức tổng thống năm 2019.

Vụ này cho thấy ảnh hưởng đang lên của phe bảo thủ Hồi giáo tại đất nước 255 triệu dân, đa số theo đạo Hồi ôn hòa. Một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch nhận định, đây là giai đoạn quan trọng trong tiến trình đi xuống của tự do tín ngưỡng ở Indonesia.

vi.rfi.fr/…/20170509-indonesia-thong-doc-jakarta-bi-2-nam-tu-vi-toi-bang-bo-dao-h.

 

LHQ ngờ vực dự án của Nga lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria

Thứ Sáu 05/05/2017, Nga đã cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết ủng hộ thỏa thuận về việc lập « vùng an toàn » còn gọi là vùng giảm căng thẳng, đã được ba nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết tại Astana một ngày trước đó.

Nga đã liên tục gây sức ép để có được sự ủng hộ của Hội Đồng Bảo An đối với thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo AFP, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tỏ ra ngờ vực vì văn bản còn có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Bourreau cho biết thêm thông tin :

« Không có chuyện khoán trắng, lại phó mặc cho Nga tung hoành trong cuộc khủng hoảng Syria. Văn bản mà điện Kremlin cho lưu hành tại Hội Đồng Bảo An rất sơ lược và hoàn toàn không làm rõ được những điểm mập mờ trong thỏa thuận được ký kết bởi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana.

Trước khi bắt đầu đàm phán một văn bản như vậy, các nhà ngoại giao muốn biết cụ thể việc hoạch định trên thực tế các vùng giảm căng thẳng và cơ chế giám sát ra sao.

Ngoại trưởng Syria đã thông báo trước là Damas bác bỏ mọi vai trò giám sát của Liên Hiệp Quốc và trước mắt để cho Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tương lai của Syria.

Hội Đồng Bảo An không sẵn sàng ủng hộ một thắng lợi ngoại giao của điện Kremlin mà không được trả giá.
Vả lại, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp nhau vào thứ Tư, 10/05/2017, tại Washington. Dự án lập vùng giảm căng thẳng nằm trong chương trình đàm phán giữa hai ngoại trưởng, để làm rõ những điểm còn mập mờ ».

vi.rfi.fr/…/20170509-lhq-ngo-vuc-du-an-cua-nga-lap-cac-vung-giam-cang-thang-tai-.

Nổ bom ở Thái Lan, ít nhất 40 người bị thương

Ít nhất có 40 người bị thương do vụ nổ bom xảy ra bên ngoài một siêu thị tại vùng nam Thái Lan.

Cảnh sát Xứ Chùa Vàng cho biết đây là vụ tấn công lớn nhất trong mấy tháng qua nhắm vào mục tiêu dân sự tại khu vực bất ổn này. Vụ việc xảy ra lúc khoảng 2 giờ chiều khi hai quả bom được cho phát nổ bên ngoài một siêu thị Big C ở Pattani.

Những vụ tấn công bằng súng và đánh bom tại khu vực bốn tỉnh nam Thái Lan giáp biên giới với Malaysia bùng phát từ năm 2004 đến nay khiến hơn 6800 người thiệt mạng.

Những cuộc nói chuyện giữa chính quyền Thái Lan và nhóm tự nhận đại diện cho các thành phần nổi dậy ở nam Thái Lan cho đến nay vẫn không đạt được kết quả gì.

Phía những người nổi dậy đòi hỏi tại những cuộc đàm phán phải có quan sát viên quốc tế tham dự; tuy nhiên chẳng bao lâu trước khi xảy ra vụ đánh bom vào ngày 9 tháng 5, thủ tướng chính quyền quân sự Thái Lan Prayuth Chan O-cha lặp lại quan điểm bác bỏ yêu cầu đó của phía nổi dậ

www.rfa.org/…/car-bomb-hits-thailand-troubled-south-injures-40-05092017112836 

 

Đoàn dân biểu Mỹ thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma

Một phái đoàn dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 5 có chuyến viếng thăm vị lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại nơi ngài đang sống lưu vong là Dharamsala, Ấn Độ.

Mục tiêu của chuyến thăm được cho biết nhằm kêu gọi thế giới chú ý đến tình trạng nhân quyền tại Tây Tạng vào khi tổng thống Donald Trump muốn có mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.

Lãnh đạo khối Dân chủ tại Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, cho biết phái đoàn lưỡng viện đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma trên tinh thần hòa bình và tín nguyện. Tất cả mong muốn được vị lãnh tụ tinh thần của người dân Tây Tạng truyền cảm hứng cũng như chứng tỏ cam kết giúp duy trì niềm tin, văn hóa, ngôn ngữ của người Tây Tạng.

Bà Nancy Pelosi đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma lần gần nhất là vào năm 2008 sau khi có một đợt đàn áp tại Tây Tạng trùng với dịp Thế vận hội Bắc Kinh.

Từ đó đến nay, giới theo dõi tình hình nhân quyền cho biết thực tiễn ở khu tự trị Tây Tạng ngày một tồi tệ thêm. Cơ quan chức năng trấn áp đối lập và theo đuổi chính sách đồng hóa người Tây Tạng một cách có hệ thống.

Sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ mong muốn có cuộc gặp với tân tổng thống Mỹ. Thế nhưng những diễn tiến gần đây cho thấy không chắc gì Nhà Trắng hiện nay sẽ có lời  mời vị lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng đến thăm.

www.rfa.org/…/us-lawmakers-visit-dalai-lama-highlight-situation-in-tibet-050920171.

 

Trung Quốc áp lực WHO không mời Đài Loan dự họp?

Đài Loan hôm 9 tháng 5 đổ lỗi cho Trung Quốc về việc nước này không có tên trong một cuộc họp quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy sĩ dự định diễn ra vào cuối tháng này.

Tuyên bố của Hội đồng Hoa Lục Sự Vụ của Đài Loan nêu rõ Trung Quốc đã gây sức ép lên WHO và ngăn cản tổ chức này đưa ra một giấy mời họp cho Đài Loan… Đài Loan bày tỏ sự thất vọng và phản đối việc này.

Theo kế hoạch, những nước dự hội nghị của Hội đồng Y tế Thế giới sẽ nhận được giấy mời vào ngày thứ hai, 8 tháng 5. Dưới thời của tổng thống Mã Anh Cửu, Đài Loan được cấp tư cách quan sát viên tại Hội đồng Y tế Thế giới năm 2009. Đây được cho là một nhìn nhận hiếm hoi đối với đảo quốc Đài Loan trên trường quốc tế. Ông Mã Anh Cửu có một chủ trương thân với Bắc kinh

Tuy nhiên quan hệ qua eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng hơn sau khi nữ tổng thống Thái Anh Văn lên nhận chức vào tháng 5 năm ngoái. Bắc kinh tìm cách ngăn chặn tham dự của Đài Bắc tại nhiều sự kiện quốc tế.

Đài Loan vẫn đến 

Bất chấp những ngăn cản từ Trung Quốc, Đài Loan hôm 9 tháng 5 cho biết nước này vẫn gửi đoàn đến dự Hội nghị của Hội đồng Y tế Thế giới, đồng thời lên tiếng cảnh báo những cố gắng loại bỏ Đài Loan khỏi hội nghị của Trung Quốc sẽ làm phương hại đến quan hệ hai bên.

Tuyên bố của Hội đồng các vấn đề với Trung Quốc của Đài Loan viết rằng giới chức Bắc Kinh nên xem xét cẩn trọng các hậu quả nghiêm trọng của việc không cho Đài Loan dự hội nghị và tiếp tục gây sức ép lên Đài Loan. Điều này sẽ chỉ gây hại không thể hàn gắn đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Hiện Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc và chưa bao giờ chính thức tham gia các cuộc họp của tổ chức này. Liên Hiệp quốc cũng nhìn nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa’ của Bắc Kinh.

Trung Quốc hôm 9 tháng 5 khẳng định Đài Loan phải chấp nhận chính sách một Trung Hoa của Trung Quốc còn nếu không nước này sẽ không được đón chào tại những diễn đàn quốc tế.

www.rfa.org/…/taiwan-blames-china-for-who-invite-snub-05092017110922.html

 

Syria: Hàng ngàn người từ Trung Quốc chiến đấu cho                                 các nhóm chủ chiến

5.000 người Uighurs từ vùng Tân Cương cực tây Trung Quốc đang chiến đấu cho nhiều nhóm chủ chiến khác nhau tại Syria, đại sứ Syria tại Trung Quốc loan báo hôm 8/5, đồng thời khuyến cáo Trung Quốc nên chú ý việc này.

Trung Quốc lo ngại người Uighurs, phần lớn theo Hồi Giáo và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Syria và Iraq để chiến đấu cho các phần tử hiếu chiến tại đây và đã di chuyển qua các nước Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong vụ sát hại một con tin Trung Quốc vào năm 2015, nêu bật những lo ngại của Trung Quốc về người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông.

Hàng trăm người đã thiệt mạng tại Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết trong các vụ đụng độ giữa người Uighurs và sắc tộc đa số người Hán. Chính phủ nói những xáo trộn này là do các phần tử hiếu chiến Hồi Giáo muốn thành lập một quốc gia riêng rẽ có tên là Đông Turkestan.

Đại sứ Syria tại Bắc Kinh, Imad Moustapha, nói với Reuters bên lề một diễn đàn doanh nghiệp rằng dù một số người Uighurs chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo, nhưng đa số họ chiến đấu “dưới danh nghĩa riêng” để quảng bá cho lý tưởng ly khai của họ.

Trung Quốc chưa bao giờ nêu con số những người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông, nhưng nhiều lần cảnh báo là đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Không thể kiểm chứng độc lập về số thống kê người Uighurs tại Syria.

Các tổ chức nhân quyền và những người Uighurs lưu vong nói nhiều người Uighurs đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản là tránh sự đàn áp của Trung Quốc tại quê nhà, một cáo buộc mà Trung Quốc phủ nhận.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong vào tháng 3 năm nay, ca ngợi “hợp tác quan trọng” giữa tình báo Syria và Trung Quốc chống lại những phần tử hiếu chiến Uighurs. Ông nói các quan hệ với Trung Quốc đang “tăng tiến.”

Syria đang nỗ lực thu hút trở lại đầu tư của Trung Quốc.

Đại sứ Moustapha cho biết sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh “Con đường Tơ lụa” mới của Trung Quốc vào tuần tới nhằm mở rộng sự liên hệ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu với hàng tỉ đô la đầu tư về hạ tầng cơ sở.

www.voatiengviet.com/a/syria-hang…tu-trung-quoc…cho…nhom…-/3845614.html

 

Trung Quốc sắp xây căn cứ phi đạn ở Biển Đông

Trung Quốc chuẩn bị xây dựng căn cứ phi đạn trên một đảo chiến lược ở Biển Đông, theo hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International (ISI) Eros B chụp được ngày 8/5.

Hình ảnh có độ phân giải cao vừa tiết lộ cho thấy những thay đổi gần đây tại Căn cứ Hải quân Yulin của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại mũi của đảo Hải Nam trong vùng tranh chấp Biển Đông. Trong vòng chưa đến hai tháng, quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều dàn phóng phi đạn tại phía tây của căn cứ. Nhà phân tích hình ảnh vệ tinh Amit Gur kết luận đây là những phi đạn chống chiến hạm.

Ông Gur nói những hệ thống tương tự đã xuất hiện trong các kho dữ liệu vệ tinh cách đây 2 năm nhưng đã được di dời trong những tháng gần đây để thích nghi với việc nâng cấp hạ tầng cơ sở tại địa điểm này. Hình ảnh vệ tinh ISI chụp ngày 15/3 cho thấy một vùng bằng phẳng trống rỗng, nhưng tới ngày 8/5, công ty này thu được hình ảnh rõ ràng về hạ tầng cơ sở được tráng nhựa mới và nhiều vị trí phóng phi đạn.

Theo các hình ảnh này, có lẽ đáng chú ý hơn cả là những diễn tiến ở phía đông Yulin. “Giờ đây, chúng tôi thấy xuất hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở mà trước kia không thấy có và giống như họ đang chuẩn bị cho các phi đạn từ bờ biển bắn ra các chiến hạm, giống như ở phía tây Yulin, ông Gil Or, phát ngôn viên của công ty cho biết.

Ông Gur nói thêm rằng việc mở rộng căn cứ Yulin củng cố chiến lược tam giác của Bắc Kinh về những căn cứ tiền phương, để với những căn cứ này, lan tỏa sức mạnh của Trung Quốc vượt xa các nước láng giềng Việt Nam và Philippines.

(Nguồn Defensenews.com/ImageSat International)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-sap-xay…phi…o…dong-/3845191.html

 

245 di dân e đã chết vì đắm tàu tại Địa Trung Hải

Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho hay có đến 245 di dân bị mất tích và e là đã chết sau các vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải vào cuối tuần qua.

UNHCR cho biết cơ quan đối tác của họ là Tổ chức Y tế Quốc tế đã thông báo về một vụ đắm tàu ngoài khơi bờ biển Libya hôm Chủ nhật, với 163 người mất tích và e là đã chết. Một phụ nữ và sáu người đàn ông từ chiếc tàu đó đã được lực lượng Hải vệ Libya cứu.

82 người khác được báo cáo mất tích và e đã chết vào ngày thứ Sáu khi một chiếc thuyền cao su bị đắm tại Địa Trung Hải vài giờ sau khi rời khỏi Libya.

Tổ chức Di cư Quốc tế nói 190 người đã chết trong hai vụ đắm tàu trên.

Hôm thứ Ba, UNHCR cho biết có hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong năm nay khi tìm cách vượt Địa Trung Hải.

Các tổ chức và chuyên gia sợ rằng con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh vì điều kiện đi biển tốt hơn vào những tháng hè, khiến nhiều tàu bè hơn tìm cách vượt biển đầy nguy hiểm.

ttps://www.youtube.com/watch?v=KmaZSJ6JlFg

 

Nga phô diễn sức mạnh quân sự trong Ngày Chiến Thắng

 

Hôm thứ Ba, Nga trình làng các hệ thống phòng không được chế tạo để hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt ở Bắc cực nhằm phô diễn sức mạnh quân sự trong cuộc diễu hành ở Quảng trường Đỏ tại Moscow trong Ngày Chiến Thắng.

Diễu hành là một hoạt động thường niên của Nga trong ngày kỷ niệm Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Diễu hành năm nay diễn ra dưới bầu trời xám xịt. Tổng thống Vladimir Putin cùng với các cựu chiến binh Xô Viết đứng trên khán đài chứng kiến cuộc diễu hành.

Điện Kremlin đang phô diễn sức mạnh quân sự trong vùng Bắc Cực giàu hydrocacbon trong lúc cạnh tranh thống lĩnh vùng này với các đối thủ Canada, Hoa Kỳ và Na Uy.

Tổng thống Putin nói: “Những bài học trong cuộc chiến quá khứ nhắc nhở chúng ta phải thận trọng, và các lực lượng vũ trang Nga có khả năng đẩy lùi bất kỳ sự xâm lược tiềm ẩn nào”.

Tổng thống Nga nói thêm: “Nhưng để có một cuộc chiến hiệu quả chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa phát xít mới và các mối đe dọa khác, thì toàn thể cộng đồng quốc tế cần phải hợp sức… Chúng ta chào đón những sự hợp tác như thế”.

 

Chương trình biểu diễn trên không của không lực Nga, trong đó có các chiến đấu cơ đã hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã bị hủy vì lý do tầm nhìn bị hạn chế.

 

Các cuộc diễu hành nhỏ hơn được tổ chức tại các thành phố trên khắp nước Nga và tại bán đảo Crimea của Ukraine, nơi Nga đã sáp nhập 3 năm trước, cũng như tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria.

 

Tổng thống Moldova Igor Dodon là nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất tham dự cuộc diễu hành tại Moscow. Trong những năm trước, các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng đến tham dự dịp này.

 

Cuộc diễu hành hôm thứ Ba là lần đầu tiên Nga giới thiệu hệ thống phòng không Tor-M và Pantsir SA, được sơn màu trắng và đen của các lực lượng Bắc Cực của Nga.

ttps://www.voatiengviet.com/a/nga-pho-dien-suc…su-trong-ngay…/3844583.html