Tin Khắp Nơi – 07/05/2017
Ông Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngay sau khi thắng cử vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tối ngày 07/05/2017.REUTERS/Lionel Bonaventure
Pháp : Năm thách thức lớn đối với tân tổng thống
Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tập hợp một đất nước bị chia rẽ sâu sắc và phải xử lý những hồ sơ lớn, từ thất nghiệp đến tái thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu.
Theo Stéphane Rozès, chủ tịch Văn phòng phân tích tư vấn Cap, được AFP trích dẫn, « vấn đề đầu tiên (của ông Macron) sẽ là phải có được một đa số (sau hai vòng cuộc bầu cử Quốc Hội, ngày 11 và 18/06), để ông có thể tiến hành cải cách ».
Giảm bớt các chia rẽ, đổ vỡ trong xã hội
Chính trị gia theo cánh trung, ủng hộ châu Âu 39 tuổi, kế thừa một đất nước bị chia rẽ, bởi vì trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 23/04, đã có tới gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan – chống châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa.
Việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ thành hai, giữa các vùng đô thị, sung túc, thuận lợi, có tư tưởng cải cách hơn và các vùng nghèo khó – hay còn gọi là ngoại biên, theo từ ngữ của giới xã hội học – và đã ồ ạt ủng hộ phe cực hữu.
Đắc cử tổng thống với hơn 65% số phiếu, Emmanuel Macron biết rằng rất nhiều cử tri đã ủng hộ ông để cản đường phe cực hữu. Những lá phiếu này – nhằm « loại bỏ » cực hữu, chứ không phải là « chấp nhận » các ý tưởng Macron – không đồng nghĩa với sự lựa chọn trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới.
Theo chuyên gia Stéphane Rozès, sự phân chia Macron/Le Pen, một sự phân chia đối lập về bản sắc, quốc gia và hiện sinh chứ không phải là sự phân chia tả/hữu, có thể còn tiếp tục kéo dài trong cuộc bầu cử Quốc Hội.
Liệu Macron có được đa số tại Quốc Hội hay không ?
Emmanuel Macron cam kết vượt lên trên các đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu, để tạo ra được một đa số mới trung dung sau cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Sáu.
Ông Macron sẽ phải khai thác thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống để có được đa số tại Quốc Hội cùng với phong trào mới được thành lập của ông cách nay một năm – phong trào Tiến Bước !
Ông Macron tỏ ra tin tưởng rằng, với động lực của cuộc bầu cử tổng thống, người dân Pháp sẽ tiếp tục tin tưởng vào ông trong cuộc bầu cử Quốc Hội.
Tuy nhiên, cánh hữu bảo thủ, với gần 20% số phiếu ủng hộ ở vòng một cuộc bầu cử tổng thống, rất muốn phục hồi, trỗi dậy sau thất bại của ứng viên François Fillon, để buộc tân tổng thống phải chấp nhận tình trạng « chung cư », tức là tổng thống và phe đa số tại Quốc Hội không cùng chính đảng.
Bên cánh tả, đảng Xã Hội bị tan nát (chưa được 7% số phiếu ở vòng một), thế nhưng phe cực tả, với thủ lĩnh là Jean Luc Mélenchon, với số phiếu 19,6%, đang rập rình căng bẫy.
Vấn đề thất nghiệp
Giống như những người tiền nhiệm, ông Macron sẽ được đánh giá theo kết quả đạt được trong lĩnh vực việc làm, vào lúc nước Pháp có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 10% (tỉ lệ trung bình tại châu Âu là 8%).
Ông Macron đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ban bố các sắc lệnh để cải cách thị trường lao động ngay từ mùa hè năm nay. Biện pháp này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công phản đối mạnh mẽ. Tân tổng thống đắc cử đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 7% vào cuối nhiệm kỳ.
Chống khủng bố
Từ tháng Giêng năm 2015 đến nay, các loạt khủng bố trên lãnh thổ Pháp đã làm 239 người thiệt mạng. Đấu tranh chống khủng bố ở trong nước và ở nước ngoài là một trong những thách thức lớn đối với ông Macron, chính trị gia trẻ chưa có kinh nghiệm.
Xây dựng lại châu Âu
Emmanuel Macron đã hứa là cùng với Đức, thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu, vốn bị lung lay sau vụ Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư.
Tân tổng thống đắc cử Pháp cho biết sẽ đề xuất một lộ trình trong vòng 5 năm, xây dựng một ngân sách thực sự cho khu vực đồng euro, một Liên Hiệp Châu Âu thực sự 27 thành viên trong lĩnh vực môi trường, công nghiệp và có chính sách trong lĩnh vực nhập cư.
vi.rfi.fr/phap/20170507-phap-nam-thach-thuc-lon-doi-voi-tan-tong-thong
Luân Đôn thành lập trung tâm chống tội phạm tin tặc
Vụ tấn công tin tặc nhắm vào phong trào Tiến Bước ! của ứng viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ ít giờ trước khi diễn ra vòng hai bầu cử tổng thống ngày 07/05/2017 khiến hai nước láng giềng của Pháp là Anh và Đức lo ngại. Sợ rằng một cuộc tấn công tin tặc sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch bầu cử Quốc Hội trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 08/06/2017, Anh Quốc đã có biện pháp chống trả.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Marina Daras giải thích :
« Sau Mỹ rồi đến lượt Pháp, nên giờ nước Anh đang báo động. Đặc biệt là bộ trưởng Quốc Phòng Anh Micheal Fallon. Ông Fallon nghĩ rằng đảng bảo thủ phải chuẩn bị sẵn sàng để chống lại nguy cơ tấn công tin học trong những tháng sắp tới.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Micheal Fallon, đảng của thủ tướng Theresa May sẽ là nạn nhân đầu tiên nếu các cụ tấn công tin tặc xảy ra, bởi vì, nước Nga muốn Jeremy Corbyn – người của Công Đảng chiến thắng vì ông Jeremy Corbyn « dễ bảo » hơn về các vấn đề quốc phòng.
Nhưng ông Micheal Fallon không phải là người duy nhất nghĩ rằng các vụ tấn công tin tặc đó có thể trở nên phổ biến trong các cuộc bầu cử quan trọng. Chính vì thế, Anh Quốc đã đi trước một bước trong các biện pháp bảo vệ. Hồi tháng Hai, Anh đã đưa vào hoạt động Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia NCSC. Tổ chức này được thành lập bởi các cơ quan Tình Báo Anh và một vài doanh nghiệp tư nhân.
Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia được giao nhiệm vụ bảo vệ đất nước chống lại các vụ tấn công tin tặc từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga. NCSC được hưởng ngân sách hơn hai tỉ euro cho 5 năm hoạt động.
Trung tâm này đã mời các đảng chính trị của Anh Quốc dự các hội thảo về an ninh mạng để hỗ trợ các đảng triển khai các biện pháp cần thiết, không chỉ để phản ứng trong các trường hợp bị tấn công tin tặc, mà quan trọng hơn là nhằm đảm bảo an ninh về trao đổi thông tin và hạ tầng cơ sở. »
vi.rfi.fr/quoc-te/20170507-luan-don-thanh-lap-trung-tam-chong-toi-pham-tin-tac
Ba Lan : Hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ
Hơn 40.000 người Ba Lan đã xuống đường tuần hành ngày 06/05/2017 tại thủ đô Vacxava theo lời kêu gọi của phe đối lập. Người dân biểu tình để « bảo vệ các quyền tự do » mà theo họ đang bị đe dọa vì một loạt đạo luật do chính quyền của đảng bảo thủ Pháp Luật và Công Lý (PiS) ban hành, liên quan đến tư pháp, giáo dục và truyền thông.
Có mặt trong cuộc biểu tình tại Vacxava, thông tín viên RFI Maya Szymanowska tường trình :
« Hôm nay, cả nước Ba Lan ở đây ! » « Ba Lan tự do là châu Âu ! » Ngân vang những khẩu hiệu này, người dân Ba Lan đã tập trung đông đảo để thể hiện sự gắn bó với châu Âu và chán nản với chính sách của đảng bảo thủ PiS cầm quyền từ một năm rưỡi nay. Cuộc tuần hành nhằm thể hiện sức mạnh được đánh giá là thành công đối với đảng tự do Nền Tảng Công Dân, đơn vị khởi xướng cuộc xuống đường vì tự do ngày 06/05.
Trong bầu không khí rất ôn hòa, người dân Ba Lan đã đi biểu tình cùng với gia đình. Rất nhiều người đến từ phía bên kia của đất nước để tham gia sự kiện. Cuộc tuần hành vì tự do nhận được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn giáo viên, tổ chức phi chính phủ và đại diện chính quyền địa phương.
Số người tham gia rất lớn, dù số liệu tổng kết còn khác nhau : 90.000 người biểu tình (theo thị trưởng đảng tự do) và 9.000 người (theo cảnh sát ủng hộ chính phủ đương nhiệm).
Trong bài diễn văn khai mạc cuộc biểu tình, ông Grzegorz Schetyna, người đứng đầu đảng tự do, tố cáo biện pháp cải cách tư pháp được cho là nhằm phục vụ đảng bảo thủ, chương trình cải cách giáo dục, quyết định đóng cửa nhiều trường học cũng như vi phạm các quyền tự do báo chí và quyền của phụ nữ ».
vi.rfi.fr/quoc…/20170507-ba-lan-hang-chuc-nghin-nguoi-bieu-tinh-chong-chinh-phu
Trung Quốc từng ép Mỹ cách chức chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương
Bắc Kinh mặc cả với Washington : Thay thế tướng Harry Harris để đổi lấy việc Bắc Kinh tăng sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin nắm rõ quan hệ Mỹ-Trung tiết lộ vụ việc này ngày 06/05/2017, một tháng sau cuộc hội kiến Donald Trump – Tập Cận Bình.
Hãng tin Nhật Kyodo, trích nguồn tin ẩn danh, cho biết chính quyền Bắc Kinh, thông qua đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã đưa ra yêu cầu cách chức đô đốc Harry Harris, nổi tiếng « cứng rắn » với Trung Quốc, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Đặc phái viên Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chuyển yêu cầu đến phía Mỹ, trùng thời điểm cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Donald Trump tại Florida ngày 06/04. Dường như chính quyền Mỹ đã bác bỏ yêu cầu trên.
Vẫn theo nguồn tin, ông Thôi Thiên Khải còn yêu cầu chính quyền Trump ngừng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Về điểm này, Hoa Kỳ chấp thuận để tranh thủ sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, sinh tại Nhật Bản và lớn lên ở Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trong vùng. Tháng 04/2017, ông là người ra lệnh chuyển hướng tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm thị uy với chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn tên lửa hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Đô đốc Harris cũng là người thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh kịch liệt phản đối và cho rằng dự án quốc phòng Hàn-Mỹ có thể phá hoại lợi ích an ninh và cân bằng chiến lược trong vùng của Trung Quốc.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng kêu gọi tiếp tục các chiến dịch vì « tự do hàng hải »của Mỹ tại vùng Biển Đông có tranh chấp. Đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau của các nước trong vùng, cũng như việc quân sự hóa một số tiền đồn là nguồn gốc dẫn đến căng thẳng tại Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thống lĩnh toàn bộ lực lượng ba binh chủng hải-lục-không quân Mỹ trên toàn khu vực bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
vi.rfi.fr/quoc…/20170507-trung-quoc-tung-ep-my-sa-thai-chi-huy-bo-tu-lenh-thai-bi.
Biểu tình Venezuela: Phụ nữ phản đối Maduro
Hàng trăm người phụ nữ đã tuần hành tại thủ đô Venezuela, Caracas, tiếp tục làn sóng biểu tình chống lại sự cai trị của Tổng thống Nicolas Maduro.
Những người phụ nữ, mặc màu trắng và được dẫn đầu bởi các nghị sĩ phe đối lập, lên án cái họ cho là sự đàn áp của lực lượng an ninh.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về cái mà đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley gọi là “một sự trấn áp bạo lực”.
Ít nhất 36 người chết và hàng trăm người bị thương trong các tuần diễn ra các cuộc biểu tình.
PetroVietnam vẫn hy vọng dự án ở Venezuela?
Tăng số người chết vì biểu tình ở Venezuela
Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại
Trong một thông cáo, bà Haley tố cáo ông Maduro “coi thường nhân quyên cốt yếu của người dân của ông ta,” và bà nói điều này “chỉ làm khủng hoảng chính trị và kinh tế của quốc gia ngày càng tăng cao.”
Trong khi đó Nhà Trắng nói cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông HR McMaster đã gặp Julio Borges, chủ tịch của Quốc hội quốc gia kiểm soát bởi phe đối lập hôm 5/5.
Họ thảo luận về sự cấp thiết về việc chính phủ Venezuela thả tự do cho các tù nhân chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử tự do và dân chủ, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói.
Trước đó một thanh niên đã bị bắn chết trong tình trạng bạo lực tại thành phố Valencia. Tại Caracas một xe cảnh sát trang bị vũ khí đã cố tình đâm vào dòng người biểu tình.
“Chế độ độc tài đang sống trong những ngày tháng cuối cùng của nó và Maduro biết rõ điều này,” cựu nghị sĩ Maria Corina Machado nói với AFP tại buổi tuần hành phụ nữ
“Đó là lí do tại sao lại có những mức độ đàn áp chưa từng thấy.”
Những người tuần hành nổi giận về cái họ cho là kế hoạch của ông Maduro để đưa hết quyền lực về trong tay mình.
Họ đặc biệt nổi giận với một nghị định gần đây cho phép tạo dựng một nhóm đại biểu 500 người để sửa đổi hiến pháp, một quyết định chắc chắn sẽ bị phớt lờ bởi Quốc Hội.
Trong sự hỗn loạn, nhiều thanh niên đã trộm cắp tại nhiều cửa hàng trong các thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng kinh tế.
Phóng viên của AFP tại thành phố phía tây bắc Valencia nói nó trông giống như một khu vực thảm họa thiên tai.
Trong khi đó một video đăng tải trên mạng xã hội chủ đích cho thấy một bức tượng nhỏ của Hugo Chavez bị kéo đổ tại một thành phố phía tây Rosario de Perija.
Ông Maduro là người kế nhiệm ông Chavez, người đã tiến hành nhiều chính sách bảo trợ xã hội trước khi qua đời năm 2013.
Từ khi đó, giá dầu xuất khẩu của Venezuela giảm làm cắt giảm ngân sách của chính phủ và dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm, sữa dinh dưỡng, dược phẩm, và các hàng hóa thiết yếu khác.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tình trạng lạm phát tại Venezuela sẽ tăng đến hơn 700% trong năm nay.
Cuộc bầu cử tổng thống theo lịch trình sẽ diễn ra vào cuối năm sau.
www.bbc.com/vietnamese/world-39834451
Bắc Hàn ‘bắt giữ công dân Mỹ Kim Hak-song’
Bắc Hàn nói đã bắt giữ một công dân Mỹ, bị tình nghi là có “các hành động thù nghịch” chống lại nhà nước.
Kim Hak-song làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), bị bắt giữ hôm 6/5, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn, KCNA nói.
Có ba công dân Hoa Kỳ khác hiện đang bị giam giữ tại Bắc Hàn, trong đó có Kim Sang-duck, người từng dạy học tại PUST.
Bắc Hàn tiết lộ danh tính công dân Mỹ
‘Hạm đội Mỹ’ hướng khỏi Bắc Hàn
Bắc Hàn phóng tên lửa không thành
‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’
Hoa Kỳ từng cáo buộc Bắc Hàn bắt giữ các công dân Mỹ và dùng họ như những con tốt trong ván cờ.
KCNA nói “một tổ chức có liên quan” đã “tiến hành một cuộc điều tra chi tiết” về các tội mà ông Kim Hak-song bị cho là đã phạm, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Kim Hak-song từng tự mô tả bản thân là một nhà truyền giáo Thiên chúa, người đã tham dự việc khởi động một nông trại thử nghiệm tại PUST, hãng tin Reuters tường thuật, dẫn nguồn từ tin ông Kim đăng trên mạng.
PUST là trường đại học chủ yếu dành cho con em tầng lớp ưu tú ở Bắc Hàn.
Trường được một doanh nhân Thiên chúa giáo người Mỹ gốc Triều thành lập hồi 2010, với phần lớn chi phí là do các quỹ Thiên chúa giáo ở Mỹ và Nam Hàn tài trợ.
Một số giảng viên ngoại quốc được cho là đã tham gia giảng dạy tại đây.
Vụ bắt giữ diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng đã đe dọa tiến hành một vụ thử hạt nhân mới, trong lúc Hoa Kỳ gửi tàu chiến tới khu vực và nói sẽ quyết chặn việc Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân.
Trump giễu tuyên bố thử tên lửa của Bắc Hàn
Bắc Hàn ‘sẽ tự vệ bằng vũ lực’
Bắc Hàn: Ai dám cưỡi lên lưng Kim Jong-un?
Hôm thứ Sáu, Bắc Hàn cáo buộc các nhân viên Hoa Kỳ và Nam Hàn là có âm mưu ám sát Lãnh tụ Tối cao của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un.
Chính phủ Hoa Kỳ và Nam Hàn không bình luận gì, nhưng các chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về nội dung cáo buộc trên.
Ông Kim Hak-song là công dân Mỹ thứ tư bị Bình Nhưỡng bắt giữ.
Các trường hợp bị bắt trước đó gồm:
- Kim Sang-duck, một giảng viên trường PUST. Bị bắt giữ hồi tháng Tư với cáo buộc âm mưu “lật đổ” chính quyền. Truyền thông Nam Hàn nói ông 55 tuổi và đã tham gia các hoạt động nhân đạo tại Bắc Hàn.
- Kim Dong-chul, 62 tuổi, bị án 10 năm lao động khổ sai hồi năm ngoái do cáo buộc làm gián điệp.
- Sinh viên Otto Warmbier, 22 tuổi, bị án 15 năm lao động khổ sai do định đánh cắp một biển hiệu tuyên truyền trong khách sạn.
www.bbc.com/vietnamese/world-39838129
Trung Quốc củng cố ‘chủ quyền trên mạng’
Trung Quốc hôm 7/5 tuyên bố sẽ siết chặt các quy định về Internet, nhất là tăng cường kiểm soát các công cụ tìm kiếm và các cổng thông tin.
Theo Reuters, đây là bước đi mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát nội dung trên Internet của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hãng tin Anh đưa tin rằng ông Tập từng coi “chủ quyền trên mạng” của Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tăng cường an ninh của ông.
Ông cũng được cho là tái khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản trong việc giới hạn và hướng dẫn việc thảo luận trên mạng.
Tin cho hay, kế hoạch cải tổ và phát triển văn hóa trong 5 năm do Đảng này công bố hôm 7/5 kêu gọi việc “hoàn thiện” các luật lệ liên quan tới mạng Internet.
Tân Hoa Xã trích kế hoạch này viết: “Đánh mạnh vào các tin đồn trên mạng, các thông tin độc hại, tin giả mạo, việc bịa tin, truyền thông giả mạo, và phóng viên giả mạo”.
Ông Tập từng tuyên bố rõ rằng truyền thông cần phải tuân theo đường lối của đảng và tuân thủ các hướng dẫn đúng đắn về quan điểm của công chúng, và thúc đẩy “tuyên truyền tích cực”.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh hiện tăng cường kiểm soát Internet, trong đó có việc chặn các trang như Google hay Facebook.
www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-cung-co-chu-quyen-tren…/3841524.html
Trump tin Thượng viện cũng ủng hộ bỏ Obamacare
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng Thượng viện sẽ đứng về phía Hạ viện trong việc bãi bỏ chương trình cải cách chăm sóc y tế do cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy.
Chỉ vài ngày sau khi Hạ viện bỏ phiếu với tỉ lệ sít sao thông qua việc bãi bỏ luật y tế đã tồn tại 7 năm, thường được gọi là Obamacare, hôm Chủ nhật, ông Trump viết trên Twitter: “Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ không để người dân Mỹ thất vọng!”
Cuộc tranh luận kéo dài về chăm sóc y tế ở Hoa Kỳ giờ đây chuyển đến Thượng viện. Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về số phận của nỗ lực nhằm bãi bỏ Obamacare. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bày tỏ quan ngại rằng dự luật đã được Hạ viện thông qua sẽ khiến hàng triệu người không có bảo hiểm, trong khi đảng Dân chủ hoàn toàn đoàn kết chống lại dự luật này và hy vọng sẽ làm thay đổi nó. Các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy sự ủng hộ cho dự luật đang tăng lên.
Trong bài viết ngắn trên Twitter, ông Trump tranh luận rằng “Phí bảo hiểm và các khoản miễn thường của ObamaCare quá cao – đó là một lời nói dối và nó đã chết!”
Hạ viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 217/213 ủng hộ việc bãi bỏ Obamacare, đây là chiến thắng lớn đầu tiên của ông Trump về mặt lập pháp trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.